2.3 Các sách lịch sử

70. Việc trình bày lịch sử Israel, như được các sách Kinh Thánh đề cập, đặc biệt là những cuốn sách "lịch sử" (Giôsuê, Thủ Lãnh, 1-2 Samuen, 1-2 Vua, 1-2 Sử Biên, Étra, Nơkhemi; 1-2 Macabê), không tạo thành một phép chép sử theo nghĩa hiện đại, hiểu như một ghi chép các sự kiện trong quá khứ theo thứ tự thời gian (chronique), càng khách quan càng tốt. Bất cứ nỗ lực giải thích nào đối với các câu chuyện lịch sử trong Kinh thánh theo quan điểm như vậy sẽ gặp nguy cơ đọc các bản văn một cách xa lạ đối với ý hướng của chúng, và không thu thập được đầy đủ ý nghĩa của chúng.

Việc trình bày của Kinh Thánh về lịch sử phát triển hài hòa trên nền tảng của thần học về sáng thế, nghĩa là, như đã được trình bầy trong các trang đầu tiên của Kinh thánh (xem số 67 ở trên), bao lâu lịch sử cho phép ta làm chứng cho kinh nghiệm về Thiên Chúa, và trong điều này cho thấy rằng chính Người hành động bằng cách cứu con người bên trong chính lịch sử (xem Gs 24). Do đó, phép chép sử của Kinh Thánh tìm cách cho thấy rằng ý chí cứu độ của Thiên Chúa có ý nghĩa hoàn toàn được sắp đặt vì lợi ích của nhân loại.

Các trình thuật lịch sử của Kinh Thánh không chỉ cho thấy các biến cố tích cực của lịch sử. Trái lại, chúng còn cho thấy, giữa các biến cố mâu thuẫn của con người, Thiên Chúa biểu lộ ý định không ngừng của Người ra sao để thể hiện việc cứu rỗi nhân loại. Theo cách này, lịch sử Kinh thánh (xem Tl 6:36; 2 Sm 22:28) mặc khải Người như "Vị cứu tinh".


Mặt khác, sự thân mật của Thiên Chúa với con người, do các câu chuyện Kinh Thánh chứng thực, được trình bày như một lịch sử giao ước, bắt đầu là giao ước với Nôê, vì toàn nhân loại, tiếp theo là các giao ước có liên quan đến lịch sử Israel. Giao ước, mà Thiên Chúa cung ứng cho dân của Người, trong con người của Ápraham, và sau đó là giao ước được long trọng ký với Israel tại Núi Sinai, liên tục bị người dân vi phạm xuyên suốt lịch sử của họ, đến nỗi đặc điểm dứt khoát của nó duy nhất nối kết với việc trung thành với chính Thiên Chúa.

Do đó, chương trình thần học của phép chép sử Kinh thánh có thể được định nghĩa trước hết như là thần - học theo nghĩa đen của từ ngữ - diễn ngôn về Thiên Chúa, tìm cách biểu lộ sự trung tín của Thiên Chúa trong tương quan của Người với con người. Điều này được xác nhận trong việc loan báo một giao ước mới trong Grm 31: 31. Đó là giao ước của Thiên Chúa, Đấng, suốt trong lịch sử, đã dẫn dắt dân Người đến sự cứu rỗi bên cạnh Người và với Người.

2.4 Các sách tiên tri

71. Lời tiên tri trong Kinh Thánh chứng thực một cách đáng chú ý đặc biệt đối với việc Thiên Chúa tự mặc khải Người ra, vì lời nhân bản của các Tiên tri hoàn toàn trùng khớp với Lời của Thiên Chúa: "Chúa phán như thế" là một công thức điển hình của lối văn chương này. Đặc điểm chủ yếu của việc mặc khải này là nó can thiệp vào giữa lịch sử con người, các biến cố mà niên đại có thể kiểm chứng được, trong những lời lẽ được ngỏ cùng các nhân vật cụ thể, được nói ra bởi các tác nhân nhân bản mà tên, nguồn gốc và thời đại thường được biết đến. Kế sách vĩnh cửu của Thiên Chúa trong việc thiết lập với nhân loại một giao ước tình yêu (xem Dei Verbum 2) được các Tiên tri hiểu biết (xem Am 3: 7), và được các ngài công bố cho Israel và mọi quốc gia, để sự thật chân chính của Thiên Chúa và của lịch sử được biểu lộ cho mọi người.

Một số đặc điểm đặc trưng có thể được ấn định bên trong các lời lẽ tiên tri, rất phong phú và là các dấu chỉ sự khôn ngoan vô hạn của Thiên Chúa. Các đặc điểm này làm ta có thể vẽ ra khuôn mặt của Thiên Chúa chân thật và đóng góp vào sự gắn bó nhất trí của đức tin.

a. Thiên Chúa trung thành

Các tiên tri tiếp nối nhau trong lịch sử, theo lời hứa của Chúa: "Ta sẽ khiến một tiên tri trỗi dậy giữa anh em của chúng, một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt lời nói của Ta vào miệng nó và nó sẽ nói với họ tất cả những điều Ta sẽ truyền cho nó"(Đnl 18:18). Trong một sự kế tục tiên tri, đặc sủng của Môsê (xem Đnl 18:15) được truyền đến những người, đến lượt họ, trở thành chứng nhân cho lòng trung tín của Thiên Chúa đối với giao ước của Người (xem Is 38:18-19; 49:7), chứng nhân cho lòng nhân từ trải dài qua hàng ngàn thế hệ (xem Xh 34:7, Đnl 5:10; 7:9; Grm 32:18). Thiên Chúa là nguồn gốc của phận người, người Cha mà từ đó sự sống phát sinh, không từ bỏ (xem Is 41:17, Hs 11:8) không quên các tạo vật của Người (xem Is 44:21; 54:10; Grm 31:20): "Một người phụ nữ có thể nào quên đứa con của mình không, không còn sự dịu dàng âu yếm đứa con trai của lòng dạ mình nữa không? Ngay cả khi người mẹ ấy quên nó đi nữa, Ta cũng sẽ không quên con" (Is 49:15).


Các Tiên tri, được Chúa không mệt mỏi gửi đến (xem, Grm 7:13.25; 11:7; 25:3-4, v.v.), là tiếng nói, có thẩm quyền, nhắc nhớ sự hiện diện vĩnh viễn của Thiên Chúa đích thực trong lịch sử nhân loại đầy những điều bất ngờ (xem Is 41:10; 43:5; Grm 30:11). Các ngài tuyên bố: "Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Giacóp, và tình thương cho Ápraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước" (Mk 7:20).

Do đó, sự thật của Chúa có thể so sánh với sự thật của Núi Đá (xem Is 26:4), hoàn toàn đáng tin cậy (xem Đnl 32,4); Đấng kiên định với các lời nói của mình, sẽ giữ vững (xem Is 7:9), mà không sợ bị mất (xem Hs 14:10).

b. Thiên Chúa công chính

72. Khi tự mặc khải, Thiên Chúa trung thành đòi sự trung thành, Thiên Chúa thánh thiện đòi người tham dự vào giao ước của Người phải nên thánh, như chính Người là Đấng thánh (xem Lv 19:2), Thiên Chúa công chính yêu cầu mỗi người bước đi trên con đường được lề luật vẽ lối (xem Đnl 6:25). Trong quá trình lịch sử, các Tiên tri là những người người loan báo công lý hoàn hảo, nền công lý được Thiên Chúa thực hiện (xem Is 30:18; 45:21, Grm 9:3; 12:1, Xp 3:5) và Người yêu cầu con người đem ra thực hành (xem Is 1:17p; 5:7; 26:2; Edkz 18:5-18, Am 5:24). Không những các ngài trình bầy các chỉ thị của Chúa, bằng cách mang lại ý nghĩa cho chúng, mà các ngài còn can đảm tố cáo mọi thứ đi chệch ra ngoài con đường sự thiện, bất luận là cá nhân hay quốc gia. Bằng cách này, các ngài kêu gọi phải hoán cải, đe dọa một hình phạt chính đáng cho những tội ác đã phạm và công bố thảm họa không thể tránh cho những người, trong sự đồi trụy của họ, không muốn lắng nghe những lời cảnh báo của Thiên Chúa (xem Is 30:12). 14: Grm 6:19; 7:13-15).

Chính ở đây, sự thật của lời tiên tri được biểu lộ, đối lập với sự an ủi dễ dàng của các tiên tri giả - những người không quan tâm đến các đòi hỏi đạo đức chính đáng của Lề Luật - công bố hòa bình, ngay lúc mối đe dọa của thanh gươm công lý đang bay lượn (xem Grm 6:14; 23:17; Edk 13:10), lừa dối dân bằng những lời hứa hão huyền (xem Is 9:14-15; Grm 27:14; 29:8-9; Am 9:10, Dcr 10:2), và do đó làm lợi cho sự bền bỉ của gian ác. "Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch" (Grm 28: 8): Do đó, Lời chân chính của Chúa khẳng định rằng sự gian ác của thế gian được tiết lộ trong lịch sử bởi Thiên Chúa công chính, đặc biệt bởi sự đau khổ liên hệ với các biện pháp chế tài mà Người áp đặt. Do đó, việc vượt qua sự sỉ nhục và cái chết được các tiên tri giải thích như một thứ kỷ luật cần thiết để tạo điều kiện cho việc nhìn nhận tội lỗi (x. Grm 2:19) và sự chuẩn bị khiêm tốn của hối nhân để chờ đợi ơn tha thứ (x. Ge 2:12-14).

c. Thiên Chúa thương xót

73. Phần lớn các văn chương tiên tri chấp nhận một giọng điệu đe dọa, chẳng hạn như lời của Giôna nói với Ninivê (xem Gn 3: 4), hoặc công bố bất hạnh "chống lại mọi xác thịt" (Edk 21:9), tuyên bố không những sự sụp đổ của vương quốc Israel (x. Grm 5,31, Hs 10:15; Am 8:2), nhưng đàng khác, cũng gợi lên ngày tận cùng của thế giới (xem Grm 4:23-26; 45:4, Edk: 7:2-6, Đn 8:17). Viễn cảnh thảm khốc này có thể dẫn ta nghĩ đến việc cho rằng Chúa không trung thành với lời hứa của Người: "Lúc đó, tôi nói, 'À! Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa tôi, quả thực, Ngài đã đánh lừa dân này và cả Giêrusalem nữa khi nói rằng: 'các ngươi sẽ có hòa bình trong khi lưỡi kiếm đã kề tận cổ họng' (Grm 4:10); " Nào đâu tình thương nồng nhiệt và hùng khí dũng mãnh! nào đâu những rạo rực của lòng Ngài? Chẳng lẽ Ngài không còn động lòng thương con nữa?” (Is 63:15).

Với lời than thở đã trở thành lời cầu nguyện của một dân tộc lưu vong này, tiếng nói của các vị tiên tri, những vị công bố sự an ủi cho Israel (xem Is 40:1) đáp lại rằng: Điều có thể hiểu như một biến cố cuối cùng được quyền năng của Đấng Tạo Dựng biến đổi thành một khởi đầu mới (xem Grm 31:22; Edk 37:1tt., Hs 2:16-17). Điều rõ ràng là một thất bại đã trở thành nền tảng của một thực tại kỳ diệu, vì tội lỗi, kẻ đã tạo ra thảm họa, dứt khoát được tha thứ bởi lòng thương xót của Chúa Cha (xem Grm 31:34; Edk 16:63, Hs 14:5; Mk 7:19).

Một số tiên tri công bố một bước ngoặt triệt để trong lịch sử Israel (xem Grm 30:3.18; 31:23; Edk 16:53, Ge 4:1; Am 9:14, Xp 3:20) và trong lịch sử thế giới, vì các ngài tiên đoán trời mới và đất mới (xem Is 65:17; 66:22, Grm 31: 22). Biến cố Thiên Chúa tha thứ, đi kèm với vô số những ơn thiêng liêng chưa từng nghe thấy (xem Grm 31:33-34; Edk 36:27, Hs 2:21-22; Ge 3:1-2), và làm cho hiển thị bởi sự phục hồi toàn dân cách phi thường, được tái lập dưới các hình thức định chế hoàn hảo (xem Is 54:1-3; 62:1-3, Grm 30:18-21, Hs 14:5-9), vì công bố khác đi, sự xuất hiện của chiều kích dứt khoát trong lịch sử không thể dự đoán hoặc tưởng tượng bởi tâm trí con người: "Bây giờ - Chúa nói qua Isaia - Ta làm cho ngươi nghe thấy những điều mới lạ, bí mật, chưa được ngươi biết. Chính bây giờ chúng được tạo ra chứ không cách đây lâu; trước ngày đó, ngươi đã không nghe thấy chúng; vì vậy ngươi không thể nói, 'có, tôi đã biết chúng!” (Is 48:6-7). Chúa mặc khải, qua trung gian các Tiên tri, các dự án của Người, vô cùng vượt trội so với những gì các tạo vật có thể quan niệm (xem Is 55:8-9); và chính nhờ việc biểu lộ hữu hiệu của ân sủng, mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta biết đến sự hoàn hảo của chân lý Người, làm cho ý nghĩa của lịch sử nên hoàn hảo.

Lời hứa hẹn này đúng sự thật vì nó đã tự thực hiện (xem Đnl 18:22; Is 14:24; 45:23; 48:3; Grm 1:12; 28:9): "Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó "(Is 55:10-11). Từ biến cố độc đáo và định vị trong lịch sử phát sinh ra một giao ước vĩnh cửu (xem Is 55:3; Grm 32:40; Edk 16:60). Từ đó tuôn ra lời ca ngợi, hiệu quả cuối cùng của ơn cứu rỗi "Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con hiển dương Chúa, con tạ ơn Danh Chúa, vì Chúa đã thực hiện các dự án và kỳ công, chắc chắn và bền vững từ lâu đời” (Is 25:1).

Những người tin vào Chúa Kitô sẽ nhận ra rằng họ là "con cái" của các tiên tri và của lời hứa (xem Cv 3:25), những người nhận được lời an ủi cứu rỗi (Cv 13:26): trong Lễ Vượt qua của Chúa Giêsu, khi thờ lạy Người, họ sẽ thấy sự biểu lộ trọn vẹn lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng công chính và hay thương xót.

2.5 Các Thánh vịnh

74. Những lời cầu nguyện của các Thánh vịnh giả thiết và phát biểu một sự thật thiết yếu về Thiên Chúa và ơn cứu rỗi: Thiên Chúa không phải là một nguyên lý tuyệt đối vô ngã, nhưng là một người biết lắng nghe và đáp lại. Mọi người Israel đều biết rằng họ có thể hướng về Người trong mọi tình huống của cuộc hiện sinh: trong niềm vui và trong nỗi đau. Thiên Chúa tự mặc khải Người ra như một Thiên Chúa hiện diện (xem Xh 3:14), Đấng biết người đang cầu nguyện và dành cho họ một sự quan tâm thực sự và nhưng không.

Trong số các đặc điểm khác nhau được các Thánh vịnh gán cho Thiên Chúa, chúng ta giữ lại hai: Thiên Chúa tự mặc khải Người như (a) Đấng toàn năng và bảo vệ, và (b) Thiên Chúa của công chính sẽ biến kẻ tội lỗi thành người công chính. Do đó, Thiên Chúa luôn xuất hiện như một Đấng cứu rỗi con người.

a. Thiên Chúa toàn năng: Thánh vịnh 46

Sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa được mô tả như một mô hình trong Thánh vịnh 46, và trong một câu: "Người ở cùng chúng ta, Chúa tể vũ trụ" (Tv 46:8.12). Thọat đầu, ở giữa và ở cuối Thánh vịnh, sự hiện diện của Thiên Chúa đã được nhấn mạnh - Thiên Chúa là "cho chúng ta" (Tv 46:2) và "với chúng ta" (Tv 46: 8.12). Người thống trị thiên nhiên bằng sức mạnh của Người (Tv 46:2.7), Người bảo vệ Israel và tạo ra hòa bình (x. Tv 46:8-12).

Quyền năng của Thiên Chúa thống trị thiên nhiên: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng

Đối đầu với những xáo trộn của vũ trụ, dân của giao ước vẫn thanh thản: "Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì” (Tv 46,2-4). Thiên Chúa thống trị các sức mạnh của hỗn mang. Và ngay cả khi những sức mạnh này làm suy yếu sự ổn định của Zion, thành thánh cũng "không thể lay chuyển" (Tv 46:6a), vì "Chúa đứng đó" (Ps 46:6a), và "khi buổi mai tái sinh, Chúa giúp nó"(Tv 46:6b).


Quyền năng của Thiên Chúa bảo vệ dân Người và tạo ra hòa bình: Thiên Chúa là vị cứu tinh

Lời khẳng định "Ngài ở cùng chúng ta, Chúa tể vũ trụ" xuất hiện như một lời đáp lại tiếng kêu đau khổ của những người bị bao vây bởi kẻ thù: "Dám xin Ngài đứng lên phù giúp, lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài" (Tv 44:27). Thiên Chúa được tuyên xưng là "nơi ẩn náu, là sức mạnh" (Tv 46,2) và "thành lũy" (Tv 46:8.12) để minh họa quyền năng Người dùng bảo vệ các tín hữu tập trung tại Zion. Tất cả được mời gọi nhìn nhận Người: "Hãy đến và xem các hành vi của Chúa" (Tv 46:9). Sau đó, Thánh vịnh cho biết rõ những hành vi này là gì: "Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế, cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan, còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa” (Tv 46:10). Chính Chúa nói với các tín hữu: "Dừng tay lại : Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa! Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu"(Tv 46:11). Những kẻ thù phải ngừng chiến đấu, nhìn nhận Chúa và sự uy nghi phổ quát của Người, Đấng đang thống trị mọi quốc gia và cả trái đất. Sự can thiệp mạnh mẽ của Thiên Chúa ủng hộ Zion mang một ý nghĩa phổ quát: Người mang lại hòa bình không những cho kinh thành Thiên Chúa (câu 5), mà còn cho mọi quốc gia, cho tất cả trái đất (xem câu 11).

b. Thiên Chúa của công lý: Thánh vịnh 51

75. Trong Thánh vịnh 51, việc xưng tội được kết hợp với lời khẩn cầu. Điểm nhấn căn bản của Thánh vịnh - được nhấn mạnh ở giữa phần thứ nhất và phần thứ hai của bản văn - liên quan đến công lý của Thiên Chúa: " Như vậy, Ngài thật công bằng khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51 , 6); "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa Cứu độ của con, hãy giải thoát con khỏi dòng máu đổ, và miệng lưỡi con sẽ tung hô công lý của Ngài" (Tv 51,16, xem câu 21). Công lý cứu độ của Thiên Chúa hoạt động trong con người tội lỗi, không những bằng cách vô hiệu hóa các lỗi lầm của họ và thanh tẩy họ, mà còn bằng cách công chính hóa và biến đổi họ. Tất cả hành động này của Thiên Chúa công chính xuất phát từ tình yêu của Người, Đấng là trung tín và hay thương xót.

Thiên Chúa của công lý yêu người tội lỗi

Thiên Chúa, được thúc đẩy bởi tình yêu của Người, công chính hóa các tội nhân. Thánh vịnh bắt đầu bằng lời khẩn cầu: " Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51:3). Người cầu nguyện cầu khẩn tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hạn từ đầu tiên, "tình yêu" (hesed), là một trong những thuật ngữ căn bản - rất thường gặp trong Cựu Ước, đặc biệt trong các Thánh vịnh – của nền thần học Thánh vịnh và giao ước: nó chỉ thái độ của Thiên Chúa, một thái độ ngụ ý lòng tốt, sự hào phóng, lòng trung thành của Người với người cầu nguyện.

Trong các Thánh vịnh, tình yêu này thường được trình bầy như thể đó là một nhân vị: "Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi" (Tv 40:12). Thiên Chúa gửi nó xuống từ thiên đàng (xem Tv 57:4; xem 61:8; 85:11; 89:15) để nó đồng hành với tín hữu, đi theo họ như một người bạn (Tv 23:6), bảo bọc (xem Tv 32:10) và làm họ thỏa thuê (Tv 90:14). Tình yêu của Thiên Chúa quan trọng hơn chính sự sống: "tình yêu của Ngài giá trị hơn sự sống" (Tv 63:4; Tv 42:9; 62:13). Tình yêu của Thiên Chúa sẽ không bị lấy khỏi người tội lỗi, bất chấp tội lỗi của họ (xem Tv 77:9), vì Thiên Chúa yêu họ như một người cha. Tình yêu này sẽ khêu gợi công lý của Thiên Chúa - biện minh cho tội nhân.

Hạn từ thứ hai - lòng thương xót (rehem - xem Tv 40:12; 69:17, v.v.) thường được tìm thấy trong bối cảnh sám hối (xem Tv 25:6; 79:8), và thường được sử dụng ở số nhiều (rahamim). Nó gợi lên "lòng dạ" người mẹ, biểu tượng nguyên mẫu của tình yêu bản năng và triệt để. Thiên Chúa được trình bày như gắn bó với con người nhân bản, thậm chí hơn cả một người mẹ gắn bó với chính con trai của mình (Is 49:15). Đây là lý do tại sao Thánh vịnh gia tuyên bố: " Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và sự thật” (Tv 86:15).

Trong thực tế, hai thuật ngữ, theo một cách nào đó, vì mô tả hai phương thức của tình yêu Thiên Chúa (cha và mẹ), nên rất gần gũi nhau: "Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời” (Tv. 25:6, xem 103:13). Thiên Chúa yêu con người - ngay cả khi họ là một tội nhân - giống như một người mẹ yêu con trai mình, bằng một tình yêu không phải là thành quả của công đức, nhưng hoàn toàn nhưng không, một tình yêu tạo thành một yêu cầu nội thẳm của trái tim. Đồng thời; Thiên Chúa yêu con người như một người cha, bằng một tình yêu rộng lượng và trung tín. Hai chiều kích trong tình yêu của Thiên Chúa, được phần đầu của Thánh vịnh 51 nhắc nhớ, đại diện cho hai hệ luận của công lý Người, mang lại lợi ích cho tội nhân. Thiên Chúa, Đấng yêu thương và hay thương xót (Tv 51:3.20) đồng thời là một Thiên Chúa phán xét (Tv 51:6.16).

Công lý của Thiên Chúa "công chính hóa", nghĩa là biến đổi tội nhân thành người công chính (Tv 51:6.16)

76. Tự hướng về tội nhân, Thiên Chúa thiết lập với họ một mối quan hệ năng động và sâu sắc, thuộc trật tự công lý. Diễn trình này tự triển khai trong một số giai đoạn:

-lòng cảm thương hay yêu thương thương xót: "Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con” (Tv 51:3). Chính động từ "trở nên nhân từ - hanan" (Tv 4:2; 6:3, v.v.) đã được sử dụng ở đây, chỉ sự lắng lo đầy nhân từ của đấng tối cao đối với bề tôi của mình. Người nổi loạn chống lại Thiên Chúa và người trở nên gớm ghiếc dưới mắt Người xin được tìm thấy lòng cảm thương của Người. Nó sẽ cứu họ khỏi sự khốn cùng sâu xa nhất của nó, đó là tội lỗi.

-Giáo huấn nội tâm: " Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan"(Tv 51: 8). Thiên Chúa hành động trong lương tâm của tội nhân, vốn bị tối tăm bởi tội lỗi, và đặt trong đó ánh sáng của sự thật, khiến phải thừa nhận tội lỗi và sự rạng sáng của đức khôn ngoan Người, mở mắt để thấy tác phong ngay chính.

-Phán quyết của ân sủng, điều đem lại tha thứ. Tội nhân, bị giam hãm dưới sự thống trị của tội lỗi, nhìn nhận: "Ngài thật công bằng khi tuyên án, liêm chính khi xét xử" (Tv 51: 6). Tiếp theo các lời kêu cầu của họ: "xóa", "rửa", "thanh tẩy" (câu 3-4, được lặp lại trong các câu 9 và 11), là một niềm hy vọng mạnh mẽ: " Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm" (Tv 51:11). Được giải thoát khỏi sự hiện diện đầy ám ảnh của tội lỗi, họ khẩn cầu: "Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ” (Tv 51:10, xem Is 66:14).

-Tạo vật mới: tội nhân kêu cầu Thiên Chúa ban một sáng tạo mới - " Lạy Thiên Chúa của con, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51:12). Sau lời kêu cầu thiết yếu này, người cầu nguyện ba lần khẩn cầu để nhận được một tinh thần: một tinh thần "được đổi mới"; sự hiện diện của " thần khí thánh của Ngài"; một "tinh thần quảng đại" (cc.12.13.14). Họ kêu cầu một sự đổi mới nội tâm và vĩnh viễn, mà vì nó sự hiện diện của Thần Trí Thiên Chúa, từ đó "niềm vui được cứu rỗi" phát sinh (Tv 51:14) có tính quyết định.

-Khuyến khích làm chứng: được đổi mới bởi Thiên Chúa, con người muốn thông đạt niềm hy vọng của chính mình cho những người cần đến nó: "đường lối Ngài, con sẽ dạy cho những người tội lỗi" (Tv 51:15). Trên hết, họ muốn mang đến cho những người này sự khôn ngoan đã được Thiên Chúa dạy dỗ họ ở bên trong.

Mở cửa bước vào niềm vui và ca ngợi: hối nhân đã được đổi mới trong nội tâm cảm thấy tràn ngập niềm vui, và muốn bày tỏ điều đó trong lời ca ngợi của mình: "Con sẽ tung hô Ngài công chính. Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:16-17, xem Tv 35:28; 71:24).

Trong những câu cuối cùng, song đối giữa "công lý của Ngài" và "ngợi khen Ngài" giúp ta kết luận rằng Thiên Chúa, trong đức công lý của Người, không làm ta sợ hãi; trái lại, chính Thiên Chúa – Đấng vốn có cả tình yêu của người cha và tình yêu của người mẹ - là "nguyên nhân" duy nhất thực hiện việc công chính hóa người có tội, nghĩa là sáng tạo hạnh phúc mới cho họ, giải thoát họ khỏi sự áp bức của tội lỗi.

Kỳ sau: Diễm Ca và các Sách Khôn ngoan