3.3. Tin Mừng Gioan

87. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta tìm thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thật về Thiên Chúa và sự thật liên quan đến sự cứu rỗi của con người. Do đó, trong Ga 3:16: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời". Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian để cứu vớt loài người, nhưng khi sai Con đi, Người làm cho chính Người được biết đến, qua việc mặc khải mối liên hệ của Người với Con của Người và tình yêu của Người dành cho thế giới. Từ đó, đối với con người, phát sinh một mối tương quan sâu sắc giữa việc họ hiểu biết về Thiên Chúa và sự cứu rỗi của họ. Do đó, Chúa Giêsu mô tả cuộc sống vĩnh cửu, trong đó có sự cứu rỗi trọn vẹn: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô " (Ga 17:3 ). Đấng trung gian là Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa và Con Thiên Chúa thành xác thịt (x. Ga 1:14). Người mặc khải Chúa Cha (x. Ga 1,18) và đem sự cứu rỗi đến cho loài người; còn hơn thế nữa, khi mặc khải Chúa Cha, Người mặc khải ơn cứu rỗi. Chúng ta sẽ xem xét vai trò của Chúa Giêsu trong ba khía cạnh: mối liên hệ của Chúa Cha và Chúa Con, mối liên hệ của Chúa Con Cứu thế với con người, việc con người vươn tới sự cứu rỗi.

a. Mối liên hệ của Chúa Cha và Chúa Con

88. Đặc điểm căn bản nhất của mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con là sự hợp nhất hoàn hảo của các ngài: "Cha Ta và Ta, chúng Ta là MỘT" (Ga 10: 30); "Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha" (Ga 10:38, xem Ga 17:21.23). Đặc điểm của sự kết hợp này là việc hiểu biết nhau một cách mật thiết và là một tình yêu hoàn hảo: "Cha biết Ta và Ta biết Cha" (Ga 10:15). Chúa Cha yêu Chúa Con (cf Ga 3:35; 5:20; 10:17; 15:9; 17:23.24.26) và Chúa Con yêu Chúa Cha (x. Ga 14:31).

Chúng ta hãy lưu ý ngay rằng sự kết hợp, tình yêu và hiểu biết nhau vốn đặc trưng cho mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con này tạo nền tảng và mô hình cho mối liên hệ giữa Chúa Con và con người. Chúa Giêsu cầu nguyện và xin Chúa Cha: "để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:21; xem Ga 22-23). Tự trình bày Người như mục tử nhân lành, Chúa Giêsu tuyên bố: "Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha" (Ga 10:14-15). Cùng một cách này, liên quan đến tình yêu, cùng một sự so sánh đã thành hình: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy [...] Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em "(Ga 15:9.12, xem Ga 13:34). Tình yêu của Chúa Con xuất phát từ tình yêu của Chúa Cha và tình yêu của các môn đệ phải bắt nguồn từ tình yêu mà họ đã nhận được từ Chúa Con, và phải phản ánh phẩm chất và cường độ của nó. Nguồn gốc của mọi sự luôn là Chúa Cha. Những gì Chúa Con truyền đạt đều phát xuất từ Chúa Cha và làm ta biết Chúa Cha: đó không chỉ là một ơn phúc của Chúa Cha, mà là sự thật về Chúa Cha, một sự thật trở thành mô hình cho hành động của con người.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con không có nghĩa một bản sắc các vai trò. Chúa Con là người nhận được mọi sự từ Chúa Cha: đặc biệt, Chúa Giêsu quả quyết nhận được từ Chúa Cha sự sống, việc làm và lời nói: "Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy"(Ga 5:26, xem Ga 6:57). Chúa Con cũng phụ thuộc vào Chúa Cha về các việc làm: Chúa Con tự mình không thể làm được gì, Người chỉ làm những gì Người thấy Chúa Cha làm "(Ga 5:19). Nhiều lần, Chúa Giêsu quả quyết rằng giáo lý và lời nói của Người đến từ Chúa Cha: "Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói [...] Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8:26.28; cf 7:16). Chúa Giêsu kết thúc mọi hoạt động công khai của Người bằng câu tuyên bố này: "Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi"(Ga 12:49-50).

Xu hướng cứu độ của sự phụ thuộc của Chúa Con vào Chúa Cha là điều hiển nhiên. Trong sức mạnh của sự sống mà Người có trong chính mình, Chúa Con, theo ý muốn của Chúa Cha, đã làm cho kẻ chết sống lại vào ngày cuối cùng (x. Ga 6: 39-40). Những lời Người nghe được từ Chúa Cha tạo thành học lý mà Chúa Giêsu truyền đạt cho con người (x. Ga 7:16; 17:8.14). Các việc làm mà Người học được từ Chúa Cha là trung tâm hoạt động của Người, và, được Tin Mừng viết ra và truyền đạt, chúng tạo thành nền tảng của đức tin nơi các thế hệ tương lai (xem Ga 20: 30-31). Như vậy, rõ ràng là chúng ta không thể bàn đến mối liên hệ vốn hợp nhất Chúa Cha và Chúa Con mà không xem xét ý nghĩa của nó đối với sự cứu rỗi của con người: mối liên hệ của Chúa Cha và Chúa Con có một giá trị cứu rỗi của riêng nó.

Cho đến nay, chúng ta đã thấy không thể tách Chúa Cha ra khỏi Chúa Con, cũng không thể tách mối liên hệ qua lại của các Ngài khỏi công việc cứu độ của Chúa Con. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu không nói về Chúa Cha mà lại không nói đến Chúa Con, và mặt khác, Người không nói đến sự cứu rỗi của con người mà lại không nói đến mối liên hệ chặt chẽ kết hợp Chúa Cha và Chúa Con. Người tuyên bố: "Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha" (Ga 14:9; xem Ga 12:45), mặt khác: "ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết"(Ga 6:40). Do đó, sự thật về Thiên Chúa và sự thật về sự cứu rỗi của con người có liên quan mật thiết với nhau.

b. Mối liên hệ của Chúa Con Cứu thế với con người

89. Bằng cách ghi nhớ những gì chúng ta đã lưu ý, bây giờ chúng ta hãy tìm kiếm trong Tin Mừng Gioan những điều có liên quan đến công việc cứu độ của Chúa Con, và do đó, sự cứu rỗi của con người. Thánh Gioan Tẩy Giả trình bày Chúa Giêsu bằng những lời sau đây, trong lần xuất hiện công khai đầu tiên: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Ga 1:29; cf Ga 1:36; Mt 1:21). Người Samaria hiểu rằng "Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4:42). Mặt khác, việc nâng Chúa Giêsu lên thập giá có tính nền tảng đối với công việc cứu độ của Người. Cuối cùng, trong lời khẳng định long trọng của Người "TÔI HẰNG HỮU", Chúa Giêsu tiết lộ một cách trổi vượt toàn bộ các khía cạnh của viễn ảnh cứu độ.

Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu từng tuyên bố: "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời"(Ga 3:14-15). Người cũng tuyên bố: " Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8:28) (*); nghĩa là, con người sẽ hiểu căn tính thực sự của Người, như sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng nói về việc giương cao Người lên thập giá: "tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12:32). Người sẽ là "hạt lúa mì rơi xuống đất", khi chết đi sẽ "sinh nhiều hoa trái" (Ga 12:24). Sự giương cao Người lên thập giá đồng thời là sự tôn vinh của Người (x. Ga 12:23.28; 17:1.5), nghĩa là sự mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Người dành cho Chúa Cha, được bày tỏ trong việc vâng phục của Người đối với thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người (x. Ga 14:31; x. Ga 4:34), và cả tình yêu vô tận được Chúa Cha làm chứng, khi sai Con của Người và giao phó cho Người việc cứu rỗi thế giới (x. Ga. 3:16). Chấp nhận giờ đã định của Chúa Cha, Chúa Giêsu đẩy tình yêu của Người dành cho những kẻ thuộc về Người cho đến cực điểm, "đến cùng" (Ga 13:1). Lời cuối cùng của Người, trước cái chết của Người trên thập giá là: "Thế là đã hoàn tất!" (Ga 19:30). Khi chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc mà Chúa Cha giao phó cho Người để cứu rỗi con người. Người mặc khải, không những bằng lời nói, mà cả bằng hành động, tình yêu của Người và tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người.

Được Chúa Cha sai đến và nhận mọi sự từ Chúa Cha, Chúa Giêsu cho thấy một cách đặc biệt ý nghĩa cứu độ của chính con người mình trong những biểu thức khởi đầu bằng công thức "Tôi hằng hữu". Với công thức này - nên được hiểu theo ánh sáng mặc khải Thiên Chúa từng ngỏ với Môsê "Ta là Đấng Hằng Hữu" (Xh 3:14) -, Chúa Giêsu phát biểu sự kiện này: Thiên Chúa Cha hiện diện trong con người của Người, và Người làm cho hiệu quả cứu rỗi của sự hiện diện này trở nên hiển thị. Chúa Giêsu sử dụng thành ngữ "Tôi hằng hữu" ba lần, không có bất cứ bổ ngữ nào: khi Người đi trên mặt nước (xem Ga 6:20) (*); nói đến lúc Người được giương cao trên thập giá (x. Ga 8:28) và trong lời khẳng định long trọng: "Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu" (Ga 8:58). Trong mọi trường hợp, Người khẳng định sự hiện diện cứu rỗi của mình, đặt cơ sở trên sự kết hợp hoàn hảo của Người với Chúa Cha. Trong bảy lần khác, biểu thức "Tôi hằng hữu" được xác định bởi bổ ngữ nhằm giới thiệu các thực tại căn bản của đời người. Ở đây chúng ta chỉ có thể chỉ ra một cách ngắn gọn ý nghĩa của những lời lẽ này.

Biểu thức đầu tiên, Chúa Giêsu nói: "Ta là (*) bánh ban sự sống" (Ga 6:35.48.51). Chúng ta hãy thêm ngay rằng chữ "sự sống" được sử dụng trong hai diễn từ khác (x. Ga 11:25; 14:6), và hoàn toàn hiện diện trong mọi người. Cuộc sống trần gian là sự thiện căn bản, nền tảng của mọi sự thiện khác. Chúa Giêsu mặc khải rằng sự sống vĩnh cửu, một sự sống hệ ở việc kết hợp mạnh mẽ và trọn vẹn hơn với Thiên Chúa (Ga 17:3), và là sự thiện cao cả nhất, và là sự hoàn hảo của ơn cứu rỗi. Lời của Chúa Giêsu nói trên bánh mì mang theo ba quả quyết kép:

1.Cơm bánh giữ cho anh em sống trên trái đất. Từ Thầy, anh em nhận được sự sống đời đời.

2.Anh em phụ thuộc cơm bánh như của nuôi để có thể sống; không cơm bánh, sự sống không thể có. Anh em phụ thuộc vào Thầy để có cuộc sống vĩnh cửu; anh em tự mình không thể có được cuộc sống này.

3.Để có thể sống, anh em phải ăn cơm bánh. Ai không ăn sẽ chết. Để có cuộc sống vĩnh cửu, anh em phải tin vào Thầy. Ai không tin sẽ hư mất.

Các lời lẽ khác Chúa Giêsu dùng để định nghĩa chính bản chất của con người của Người được sắp xếp giống hệt với cách vừa được mô tả, và mang một nội dung cứu rỗi. Chúng thường được liên kết với một trong những dấu lạ Người thực hiện, và nằm bên trong các giáo huấn bao quát hơn. Bối cảnh làm rõ ý nghĩa của nó.

Biểu thức thứ hai: "Tôi là (*) ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Ga 8:12; x. 9:5; 12:35). Việc lần mò trong bóng tối, không có ánh sáng, là một điều cực kỳ nguy hiểm. Chúa Giêsu biết hạn từ đích thực (x. Ga 8:14): Chúa Cha. Người đi đúng đường, và chỉ đường này cho các môn đệ. Khi tuyên bố: "Ta là (*) cửa" (Ga 10:7.9), Chúa Giêsu khẳng định Người cho phép ta tiếp cận đoàn chiên (Ga 10: 7): các mục tử đích thực của dân Chúa độc đáo là những người mà Chúa Giêsu ở đã ủy nhiệm chăm sóc đoàn chiên và là những người hành động nhân danh Người (x. Ga 21:15-17). Chúa Giêsu cũng là cửa cho đoàn chiên: chỉ nhờ trung gian của Người mà tín hữu tìm được của ăn ngon lành và dồi dào, vì Người mang lại sự sống dồi dào (Ga 10:10). Lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Tôi, tôi là mục tử nhân lành" (Ga 10:11.14) thuộc cùng một thể văn dụ ngôn. Nó nhấn mạnh tới mối quan tâm sâu sắc của Chúa Giêsu đối với những kẻ thuộc về Người, đó là mối quan tâm đến có thể hy sinh mạng sống của chính mình, và có đặc điểm ở sự thân quen hỗ tương (xem Ga 10:14-18).

Biểu thức thứ ba: lời quả quyết "Ta là (*) sự sống lại và  (*) sự sống" (Ga 11:25) nói lên vai trò của Chúa Giêsu trong việc vượt qua cái chết. Người ta có thể so sánh nó với kiểu nói: "Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống; không ai đến với Chúa Cha mà không qua tôi "(Ga 14:6). Biểu thức này xác định một cách tổng hợp vai trò của Chúa Giêsu trong việc đến với Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn duy nhất của cứu rỗi và sự sống. Nó nói lên vai trò của nó trong việc làm ta bước vào mối liên hệ với Chúa Cha, biết Chúa Cha, tham dự vào sự sống của Chúa Cha.

Biểu thức cuối cùng: "Thầy, Thầy là (*) cây nho và các con là cành" (Ga 15:5; xem Ga 15:1). Nó tóm tắt cách nào đó mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và loài người: các cành chỉ có thể sống và sinh hoa trái nếu chúng vẫn còn trên cây nho. Câu quả quyết này dẫn đến câu hỏi sau đây: con người phải làm gì để duy trì sự hiệp nhất với Chúa Giêsu?

c. Con người tiếp cận ơn cứu rỗi

90. Với hình ảnh cây nho, Chúa Giêsu đề cập đến hai phương thức kết hiệp với Người (các lời nói và tình yêu của Người): "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em..." (Ga 15:7); " Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy " (Ga 15:9). Các lời lẽ của Chúa Giêsu là toàn bộ sự mặc khải được Người mang tới. Chúng có nguồn gốc từ Chúa Cha (xem Ga 14:10; 17:8) và ở trong người chào đón chúng, khi tin vào Chúa Giêsu (x. Ga 12:44-50). Đó chính là tâm điểm của đức tin: " Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14:11). Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu sau đó sẽ dẫn đến việc tiếp nhận Người một cách biết ơn và hoàn toàn tin tưởng vào Người, nhưng cũng phải tuân theo các giới răn của Người: "Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con" (Ga 15:12; xem 13:34). Tin vào Chúa Giêsu, vào các lời nói và tình yêu của Người, và yêu thương người khác tạo đường giúp ta ở trong Người, duy trì sự kết hiệp với Người, Đấng vốn là sự sống, nghĩa là nguồn gốc của mọi sự sống và ơn cứu rỗi (xem 1 Ga 3:23).

Chính trong bối cảnh xuất hiện công thức "Tôi hằng hữu" lần cuối cùng, Chúa Giêsu tuyên bố: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga 15:15). Có thể liên kết mối liên hệ của Người với các môn đệ và mối liên hệ của Người với Chúa Cha; mối liên hệ này có bản chất hoàn toàn bản thân, quen thuộc và thân ái. Ở lại trong mối liên hệ này với Chúa Giêsu tạo nên sự sống đời đời, tức ơn cứu rỗi được Chúa Giêsu mặc khải. Khi kết thúc lời cầu nguyện tuyệt vời của Người với Chúa Cha, Chúa Giêsu cho thấy với cường độ nào Người vốn mong muốn sự kết hợp này: từ "Con cầu xin" (Ga 17:9.15.20), Người bước sang một công thức chưa từng có trong số ít "Con muốn", khi nói " Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành"(Ga 17:24).

Như thế, sự kiện việc mặc khải của Thiên Chúa có mục tiêu chính là Thiên Chúa và sự cứu rỗi của con người (xem Dei Verbum, số 2), xem ra hoàn toàn rõ ràng trong Tin Mừng Gioan.
______________________________________________________
(*) “Ta Hằng Hữu” là dịch cụm từ “Je suis” (tiếng Pháp), “Ego Sum” (tiếng La Tinh) rất chỉnh trong lời Thiên Chúa nói với Môsê về danh tính của Người (Xh 3:14). Nhưng trong những kiểu nói khác, tiếng Việt phải dịch động từ “être” (Je suis, il est là “là”) như trong các kiểu trích trong đoạn này.

Kỳ tới: Các thư Thánh Phaolô