Nên Một trong Đức Ki-tô (Chúa Nhật thứ Mười Hai: Gal 3:26,26-29)
Bài đọc tuần này là phần kết cho một lập luận khá dài và phức tạp mà thánh Phao-lô phát triển ở chương 3 nhằm ngăn chặn các tín hữu Ga-lát khỏi phép cắt bì và lối sống của người Do Thái. Lập luận được triển khai như sau.
Ở 3:1-6, thánh Phao-lô hỏi các tín hữu Ga-lát một loạt những câu hỏi tu từ về kinh nghiệm của họ về Thần Khí. Họ nhận được Thần Khí cách nào và khi nào? Bằng cách thực thi Lề Luật, hay bằng cách tin vào thông điệp của Đức Ki-tô chịu đóng định mà thánh Phao-lô đã loan báo cho họ? Bởi vì các tín hữu Ga-lát trước đó không hề thực thi Lề Luật, câu trả lời cho câu hỏi của thánh Phao-lô đã minh bạch: Họ đã nhận được Thần Khí bằng cách tin tưởng vào thông điệp của tin mừng, không phải bằng cách thực thi Lề Luật. Bởi vì kinh nghiệm về Thần Khí là đảm bảo cho sự công chính hóa của họ, các tín hữu Ga-lát không cần phải du nhập lối sống của người Do Thái qua việc thực thi Lề Luật.
Tiếp đó (3:7-14), thánh Phao-lô phân biệt hai loại người: những người sống dưới sự ngăm đe của Lề Luật được nói trong sách Đệ Nhị Luật, và những người hoan hưởng phúc lành của Thần Khí mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham trung tín. Thánh Phao-lô lập luận rằng nếu các tín hữu Ga-lát tự đặt mình dưới Lề Luật, họ cũng sẽ đặt họ dưới sự ngăm đe của Lề Luật, thứ đã được Đức Ki-tô tiêu diệt bằng giá máu trên thập giá. Nhưng nếu họ bước theo tấm gương trung tín của tổ phụ Áp-ra-ham, họ sẽ hoan hưởng phúc lành của Thần Khí vốn được hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham.
Sau khi nhắc các tín hữu Ga-lát rằng họ được hưởng Thần Khí của Thiên Chúa mà không cần phải chu toàn Lề Luật, thánh Phao-lô cho họ thấy rằng họ đã là con cái của tổ phụ Áp-ra-ham rồi, mà không cần cắt bì. Lập luận ở đây khá phức tạp và không cần đưa vào bài giảng, nhưng nó quan trọng và các nhà giảng thuyết cần ý thức về nó. Theo trích dẫn sách Sáng Thế của thánh Phao-lô, các lời hứa Thiên Chúa đã thực hiện với tổ phụ Áp-ra-ham được hiển lộ nơi một hậu duệ duy nhất: Đức Ki-tô. Luật Mô-sê, vốn xuất hiện sau các lời hứa, không thay đổi các lời hứa Thiên Chúa đã thực hiện nơi hậu duệ duy nhất của Áp-ra-ham, Đức Ki-tô, hoặc tình trạng họ đang nương tựa vào, đức tin. Chung cục, những ai ở trong Đức Ki-tô đều là hậu duệ của tổ phụ Áp-ra-ham. Cụ thể hơn, các tín hữu Ga-lát là hậu duệ của tổ phụ Áp-ra-ham bởi vì họ gắn bó với Đức Ki-tô qua phép rửa. Cho nên họ không cần phải chịu cắt bì và du nhập lối sống của người Do Thái qua việc thực thi những gì Luật dạy.
Vậy tại sao Thiên Chúa lại ban Lề Luật? Lề Luật có một vai trò ngắn hạn trong lịch sử cứu độ. Trong giai đoạn chờ đợi lời hứa được thực hiện, Lề luật xuất hiện như “kẻ giữ luật” cho con người. Nghĩa là, nó chỉ cho con người thấy điều Thiên Chúa đòi hỏi, mặc dù nó không thể cho con người sức mạnh để thực hiện điều được đòi hỏi. Giờ đây khi mà Đức Ki-tô đã đến, Lề Luật đã hoàn thành vai trò của nó trong lịch sử cứu độ. Con người không cần phải sống dưới Lề Luật nữa. Điều Thiên Chúa đòi hỏi là tin vào Đức Ki-tô Giê-su.
Lập luận tôi vừa mới tóm tắt không thuộc về bài giảng Chúa Nhật, nhưng nó quan trọng và giúp các nhà giảng thuyết hiểu được chuyển động trong tư tưởng của thánh Phao-lô nếu họ mong muốn cảm nhận được nó. Nói chung, thánh Phao-lô nói rằng Đức Ki-tô đã phá đổ hàng rào ngăn cách giữa người với người: chủng tộc, giới tính, địa vị xã hội. Dù bên ngoài còn những khác biệt, nhưng những khác biệt ấy không hề ảnh hưởng đến chỗ đứng của họ trước nhan Thiên Chúa. Thiên Chúa làm con người nên công chính dựa trên nền tảng của điều ngài đã thực hiện nơi Người Con. Do đó, có một sự bình đẳng tận căn trong Đức Ki-tô vốn vượt qua mọi rào cản của giới tính, địa vị, hoặc chủng tộc. Vào một thời điểm mà địa vị, chủng tộc, và giới tính vẫn còn là nguyên nhân gây ra những cuộc chia rẽ và xung đột đau thương, những ai dùng bản văn này để thuyết giảng có thể loan báo chiều kích xã hội trong giáo huấn của thánh Phao-lô về sự công chính hóa nhờ lòng tin.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 135-137.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 135-137.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét