2.6 Diễm Ca

77. Điều đáng ngạc nhiên là sách Diễm Ca đã được hoan nghênh trong Kinh thánh tiếng Do Thái (trong số năm cuốn sách); bởi vì nội dung của nó hoàn toàn chuyên biệt. Được công nhận là một bản văn linh hứng và được lồng vào Qui điển Kitô Giáo, nó đã dẫn đến một sự giải thích Kitô học độc đáo. Diễm Ca là một bài thơ ca ngợi tình yêu hôn nhân, một tình yêu đầy những kinh nghiệm nhân bản, nghĩa là một tình yêu hệ ở việc tìm kiếm lẫn nhau và hiệp thông bản thân giữa người đàn ông và người đàn bà. Việc tìm kiếm và hiệp thông này mang lại một sự năng động gây ấn tượng, gần như vô giới hạn, có sức hiển dung hai tạo vật nhân bản - một chàng chăn cừu và một nàng con gái trẻ - thành một vị vua và hoàng hậu, thành một cặp vợ chồng hoàng gia. Diễm Ca tôn vinh tình yêu nhân bản một cách đầy thi ca, một tình yêu thực sự trong chiều kích cơ thể của nó, và đồng thời trong chiều kích tinh thần. Nó làm như vậy một cách cởi mở đối với chiều kích huyền nhiệm hơn, và thần học hơn. Bản văn này có một đặc điểm “đa nghĩa” (polysémie) nào đó: thêm vào ý nghĩa thứ nhất của tình yêu nhân bản, ta thấy nhiều ý nghĩa khác, bắt nguồn từ ý nghĩa vợ chồng này, có thể nói, vốn là biểu tượng của tất cả các hình thức khác của tình yêu.

Trong số những ý nghĩa bổ sung này, ý nghĩa đầu tiên liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi con người nhân bản. Bài thơ này, dựa trên lời khẳng định rằng Thiên Chúa tạo nên con người "giống hình ảnh Người" (St 1:27), ca ngợi tình yêu nồng nàn của một người đàn ông và một người đàn bà như hình ảnh của tình yêu say mê và bản vị của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật nhân bản (xem Kn 11:26) mang mọi đặc điểm của tình yêu nam giới (người phối ngẫu, người chồng và người cha), đồng thời, của tình yêu nữ giới (người phối ngẫu, người vợ và người mẹ).



Tình yêu đích thực của con người là một biểu tượng mà qua trung gian của nó, Đấng tạo dựng tự mặc khải Người cho con người như là Thiên Chúa Tình yêu (xem 1 Ga 4:7.8.16). Với sự giúp đỡ của nhiều biểu tượng, sách này giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn của tình yêu nhân bản: Người tạo ra nó, nuôi dưỡng nó, làm cho nó phát triển và ban cho nó sức mạnh để tìm kiếm người khác, để sống với anh ta (cô ta), và cuối cùng với gia đình hoặc cộng đồng, trong một hiệp thông hoàn hảo. Đó là lý do tại sao mọi tình yêu của con người (được xem xét cho chính nó, chứ không chỉ là một ẩn dụ) chứa hạt giống và sự năng động thần thánh. Từ sự kiện này, người nào biết và sống tình yêu có thể khám phá và biết được Thiên Chúa. Hơn nữa, qua trung gian tình yêu nhân bản, người đàn ông và người đàn bà nhận được ảnh hưởng của chính tình yêu của Thiên Chúa (xem 1 Ga 4:17). Khi ở lại trong tình yêu, chúng ta bước vào hiệp thông với Thiên Chúa (xem 1 Ga 4,12).

Ý nghĩa thứ hai cần xem xét liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa đối với dân giao ước (xem Hs 1-3, Edk 16, 23, Is 5:1-7, 62:5, Grm 2-3). Tình yêu này của Thiên Chúa tìm thấy một sự hiện thực hóa mới và đạt đến sự thành toàn của nó trong tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội. Chúa Kitô tự ví Người hoặc được trình bày trong những hoàn cảnh khác nhau như người chồng (xin xem Mc 2:19; Ga 3:29; 2 Cr 11:2; Eph 5:25.29; Kh 19:7.9; 21:2.9). và Giáo hội được trình bầy như vị hôn thê (xem Kh 19:7.9), trở thành nàng dâu trong bối cảnh hoàn tất cánh chung (xem Kh 21:9). Tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội quan trọng và căn bản đối với sự cứu rỗi của con người đến nỗi Tin Mừng Gioan trình bày sự can thiệp của Chúa Giêsu trong đám cưới Cana như khởi đầu của các dấu lạ của Người (xem Ga 2: 11), của mọi hoạt động của Người. Chúa Giêsu tự mặc khải như người phối ngẫu đích thực (xem Ga 3:29), người ban cho mọi người rượu ngon dư thừa, và do đó mặc khải tình yêu mà Người sẽ ban cho "đến cùng" (x. Ga 13:1 xem Ga 10:11.15; 15:13; 17:23.26).

2.7 Các sách khôn ngoan

78. Các sách khôn ngoan cũng đưa ra ánh sáng nhiều đặc điểm của Thiên Chúa Tạo Hóa, diễn tả Người như một Thiên Chúa thương xót và khôn dò. Tạo hóa Xuất hiện như một Thiên Chúa thương xót, Đấng quên hết tội lỗi của con người trong viễn cảnh hoán cải của họ. Mặt khác, Người mầu nhiệm và không tài nào hiểu thấu, khiến con người nhìn nhận các giới hạn tạo vật của mình, bằng lòng bước đi một cách trung thành, vì biết mình không thể khám phá hết những gì Người hoàn thành trong lịch sử. Trong chương này, chúng ta nhấn mạnh các đặc điểm nhờ đó nền văn học khôn ngoan tìm cách minh họa rằng Thiên Chúa là sự thật chân thực: nền văn học này tìm cách dẫn con người đến một việc gắn bó với đức tin vào Chúa và tìm cách khơi dậy trong họ sự kính sợ Chúa, nghĩa là, một sự kính trọng sâu sắc, ý thức được khoảng cách mênh mông hiện hữu giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật của Người (xem Gv 3:10-14).

2.7.1 Sách Khôn ngoan và Huấn Ca: Lòng từ tâm của Thiên Chúa

a. Sách Khôn ngoan

79. Lòng từ tâm của Thiên Chúa, tự phát biểu cách riêng trong câu Kn 11:15-12.27, qua trung gian nghịch lý của "tai ương" giáng xuống người Ai Cập, và biểu lộ chiều kích sư phạm trong các hình phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa giao ước, chúa tể của sáng thế (xem Kn 16:24-29; 19:6-21), can thiệp liên tiếp vào lịch sử cứu độ, Người chăm sóc dân Người như tất cả đều là "công chính "(xem Kn 3:1-4.19); Chính Người là Đấng ban thưởng và trừng phạt (xem Kn 4:20-5:23; 11:1-5), đối xử với mỗi con người một cách khoan dung để dẫn họ đến sự hoán cải (x. Kn 12:9-18; Rm 2:3-4; 2 Pr 3:9) và để dạy người công chính biết phán xét một cách khoan hồng (xem Kn 12:19-22).

Sau khi nhắc nhớ rằng vào thời Xuất hành, Thiên Chúa đã trừng phạt một cách vừa phải các kẻ thù của dân Người, tác giả giải thích các lý do của cách hành xử đó: "Quả vậy, Chúa toàn năng, từ chất thể không hình không dạng, đã ra tay tạo dựng vũ hoàn” (Kn 11:17); "Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn11:23; Tv 103:8-12; 130:3-4; Is 34:6-7).

Sự chừng mực đối với Ai Cập (x. Kn 11:15-12.2) không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối; trái lại, Thiên Chúa đã hành động như vậy vì lòng thương xót của Người đối với mọi người, và vì Người muốn dẫn dắt con người đến sự hoán cải, ngõ hầu, khi từ bỏ sự gian ác, họ vươn tới niềm tin vào Người: "Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn. 12:2). Sự toàn năng của Thiên Chúa không được biểu lộ trong sức mạnh của Người, nhưng trái lại, trong lòng thương xót của Người. Quyền năng của Thiên Chúa không phải là nguồn phán xét, mà là nguồn tha thứ (xem Hc 18:7-12, Rm 2:4). Chính sự toàn năng của Thiên Chúa đã thúc đẩy lòng thương xót của Người. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng được biểu lộ trong cách Người trừng phạt cư dân của xứ sở (xem Kn 12: 8): Người đối xử với họ bằng lòng nhân từ và khoan hồng (xem Kn 11:26), bởi vì họ là những con người mỏng dòn (xem Tv 78:39). Nếu Thiên Chúa đã sử dụng sự khoan dung trong hình phạt của Người và tha thứ cho họ, thì đó không phải là sự bất lực, cũng không phải vì Người không biết tội ác của họ (xem Kn 12:11). Tác giả không dừng lại ở đó, và phơi bày ở đây một trong những suy tư đẹp đẽ nhất của Cựu Ước: "Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên... Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa, Đấng dung tha mọi sinh vật” (Kn 11:24.26). Thiên Chúa không thể không yêu những gì chính Người đã tạo nên, vì thần trí bất diệt của Người ngự trong tất cả mọi sự (xem Kn 1:7; 12:1). Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự để được cứu rỗi, Người thương xót mọi người vì muốn họ hoán cải và Người không muốn phá hủy bất cứ thứ gì Người đã tạo ra (xem Kn 11:26).



Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ ngay trong cái chết sớm của người công chính. Người yêu người công chính vì nhân đức của họ, vì cuộc sống không tì vết của họ (Kn 4: 9), và Người rút họ ra khỏi thế giới độc ác này, để họ khỏi bị thối nát: " Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương. Và họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được Thiên Chúa dời đi nơi khác” (Kn 4:10; xem St 5:24; Huấn ca 44:16; Dt 11:5).

Tình yêu của Chúa dành cho các tạo vật của Người không phải là một tình yêu tĩnh tụ mà là một tình yêu năng động được bộc lộ bằng hành động. Sự kiện các tạo vật hiện diện và tiếp tục hiện diện trong hiện hữu, và được duy trì như hữu thể đa dạng, hoạt động, là bằng chứng hữu hình nhất về tình yêu của Thiên Chúa trong hành động.

b. Sách Huấn Ca

80. Ben Sira, cũng vậy, có ý thức cao nhất về ý nghĩa sự vĩ đại của Thiên Chúa, toàn năng và hay thương xót. Ông nói về Thiên Chúa một cách đầy cảm xúc, phấn khởi và kính sợ. Thiên Chúa là toàn năng và, trong sự quan phòng của Người, Người ban cho người chép sự khôn ngoan (xem Hc 37:21; 39:6), và thành công mà nó mang lại (xem Hc 10:5). Nó cũng mang lại sự giàu có cho người nghèo (xem Hc 11:12-13.21). Cũng chính từ Người mà có bản án tử hình dành cho mọi người (xem Hc 41:4). Ngoài sự vĩ đại của Thiên Chúa, lòng thương xót của Người đã được nhấn mạnh: "Ai đo lường được Người mạnh mẽ quyền năng đến đâu? Ai dám kể ra lòng thương xót của Người?” (Hc 18:5). Vì sự mỏng dòn của tạo vật, được tạo thành từ thịt từ máu, từ đất từ tro, nên Thiên Chúa đã khoan dung với con người, đổ tràn trên "mọi tạo vật" (Hc 18:13; xem Kn 11:21-12:18; Tv 145:9) lòng thương xót của Người (xem Hc 18:10). Sự khoan dung này của Thiên Chúa không nên dẫn đến việc giải trách nhiệm cho con người, nhưng đúng hơn, là một lời mời gọi hoán cải: "Hãy trở về với Đức Chúa và từ bỏ tội lỗi, hãy cầu khẩn trước nhan Người và giảm bớt dịp tội. Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng Tối Cao, và cực lực gớm ghét mọi điều ghê tởm” (Hc 17:25-26).

2.7.2 Sách Gióp và Sách Giảng viên: Đặc tính khôn dò của Thiên Chúa

a. Sách Gióp

81. Sách Gióp - được đóng khung bằng một lời mở đầu kép (G 1:1-2:13) và một đoạn kết kép (G 42:7-17) - là một cuộc đối thoại dài, qua đó, bắt đầu từ một Thiên Chúa rõ ràng "được biết", người ta vươn tới sự mặc khải về một Thiên Chúa không lường trước được và rất huyền bí.

Gióp đã rất mong mỏi sự hiện diện của Chúa (x. G 9:32-35; 13:22-24; 16:19-22; 23:3-5; 30:20), ông cũng đã yêu cầu một câu trả lời (x. G. 31:35), vì ông muốn thảo luận nguyên nhân của nó một cách trực tiếp với Người. Nhưng quả là một sai lầm khi tự đối đầu với Thiên Chúa, bằng cách đối xử với Người ngang hàng. Thử thách cách hành động của Thiên Chúa, bằng cách yêu cầu Người giải thích các phán đoán của Người, Gióp, theo một cách nào đó, đã tự biến mình thành người ngang hàng với Đấng Tạo Hóa của ông. Nhưng ông ta không thể đạt đến chiều cao vô tận của Đấng toàn năng, mà sự hoàn hảo mà tâm trí con người không thể với tới được (xem G 11:7). Để diễn tả hùng hồn và thi vị sự siêu việt thần thiêng vượt qua mọi hiểu biết của con người, thiên đàng, Shéol (tử giới), trái đất và biển khơi được trình bày như những biểu tượng chiều cao, chiều sâu, chiều dài và chiều rộng vũ trụ, bị sự bao la của Thiên Chúa vượt qua (xem G 11:8-9). Độ sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa khiến con người ra ngu muội và bất lực (xem Am 9: 1-4; Grm 23:24; Đnl 30:11-14; Eph 3:18-21). Thực thế, các hữu thể nhân bản được ban cho sự hiểu biết trực giác về các giới hạn của sự vĩ đại nhân bản. Các tiên tri đã chỉ trích dữ dội "những người tự cho mình khôn ngoan, những người tự cho mình thông minh" (Is 5:21; xem Is 10:13; 19:12; 29:14; Grm 8:89: 9:22-23, Edk 28).

Mặc dù Thiên Chúa không đáp ứng bất cứ kêu cầu nào của Gióp, tuy nhiên, Người vẫn có một diễn từ tuyệt vời trong các chương 38-41 của sách. Trong một cuộc thần hiện vĩ đại được đánh dấu bởi một cơn bão, cuối cùng, Người lên tiếng, không phải để trả lời những người đã góp tiếng, mà là đưa Gióp vào một loại thẩm vấn, để dẫn ông vào mầu nhiệm về bản vị của Người. Trong diễn từ của Người, rất nhiều câu hỏi nhanh chóng nối tiếp nhau, đôi khi đi kèm với những mô tả lớn lao. Thiên Chúa làm cho Gióp hiểu được sự thiếu hiểu biết của ông, các giới hạn của tạo vật, trong khi sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa không hề biết bất cứ giới hạn nào (xem G 28). Cùng một lời khẳng định ấy đã làm cơ sở cho mọi câu hỏi của Chúa: Thiên Chúa hiện diện trong sáng thế của Người, trong sự đa dạng vô tận của nó, vẫn là một mầu nhiệm đối với con người. Các tiêu chuẩn phán đoán phàm nhân không thỏa đáng khi nói đến việc tự đo lường mình với các mầu nhiệm của sáng thế.

Gióp đã biết Chúa bằng các việc "nghe nói" (G 42,5), theo mô hình truyền thống của một nền thần học dựa trên nguyên tắc cứng ngắc của thưởng phạt. Sau diễn từ dài của Thiên Chúa, ông thấu hiểu Thiên Chúa một cách thỏa đáng hơn. Ở cuối cuộc đụng đầu với Người, ông thú nhận: "Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu. Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ngài không còn được rõ ràng minh bạch?” (G 42:2-3). Gióp đã tìm thấy vị trí của mình, và có thể khám phá ra sự vĩ đại của Thiên Chúa và việc không thể vươn tới sự toàn năng của Người. Cuộc gặp gỡ của ông với Thiên Chúa đã cho ông thấy sự phù phiếm trong cao ngạo dự kiến một vụ kiện chống lại Thiên Chúa của ông, ông vẫn là một người đau khổ, nhưng không con cao ngạo nữa. Vào cuối cuốn sách, ông tự rút lui và coi bản thân như tro bụi, và do đó, trở nên chân thực và nhân bản hơn (xem G 42:6).



Gióp hiểu rằng con người không thể biết được các kế sách của Thiên Chúa, nhưng ông cũng hiểu rằng mắt ông đã nhìn thấy chính Thiên Chúa, qua công trình Người thực hiện trên thế giới (xem G 42:5). Nhìn vũ trụ và loài người bằng con mắt của Thiên Chúa, ông có thể nhìn nhận lỗi lầm liên quan đến tầm nhìn của chính mình về sự vật, và sự kiện mình đã đi quá xa; đó là lý do tại sao ông tuyên bố: "con xin rút lại" (G 42:6a). Đối với Gióp, sự khôn ngoan bây giờ hệ ở việc thú nhận rằng Thiên Chúa có thể được nhìn nhận là công chính mà không được hiểu đầy đủ. Con người có thể cam kết mãi trung thành với Người mà không biết "từ đầu đến cuối" (Gv 3:11) ý nghĩa của những gì Thiên Chúa đã làm. Thiên Chúa mãi là một mầu nhiệm khôn dò đối với các hữu thể nhân bản.

b. Sách Giảng viên

82. Một cách chậm hơn, tác giả sách này khai triển suy tư về chủ đề đặc tính khôn dò trong việc làm của Thiên Chúa. Hành động theo quan điểm của bậc hiền nhân (xem Gv 8:16-17), Ông bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, thông qua những điều ông được thấy trong thực tại của thế giới, trên trái đất và "dưới ánh mặt trời". Bậc hiền nhân muốn hiểu ý nghĩa của sự bận bịu đến chóng mặt của con người trên trái đất (Gv 8:16), nên ông nhận xét: "Đứng trước mọi công trình của Thiên Chúa, con người không thể hiểu được những công trình được thực hiện dưới ánh mặt trời [...]. Ngay cả khi bậc hiền nhân quả quyết đã biết, ông cũng không thể khám phá ra (Gv 8:17, xem G 42:3). Không ai có thể thay đổi những gì Thiên Chúa đã làm trong thời gian của Người (xem Gv 1:15; 3:1-8.14; 6:10; 7:13). Thiên Chúa đã ngăn cản con người biết công việc của Người (xem Gv 7:13-14, xem G 9:2-4). Giảng Viên 11:5 tiếp tục chủ đề này: công trình của Thiên Chúa được mô tả ở đây như không thể nào hiểu thấu và được so sánh với mầu nhiệm thai nghén trong bụng mẹ. Con người ngu dốt ý nghĩa của cuộc sống, nhưng, trong thánh ý Thiên Chúa, mọi sự được tạo dựng đều có không gian và thời gian riêng của nó (xem Gv 3:11). Bí nhiệm trong việc làm của Thiên Chúa là điều không thể với tới, không thể dò thấu và không thể hiểu thấu được đối với người đi tìm ý nghĩa dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Giống như chính Thiên Chúa, công trình của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, vẫn là một mầu nhiệm khôn dò đối với các hữu thể nhân bản.

Kỳ tới: Kết luận phần nói về Cựu Ước