Dịch corona và Kỳ nghỉ Sa-bát của Mẹ Thiên Nhiên
DỊCH CORONA VÀ KỲ NGHỈ SA-BÁT CỦA MẸ THIÊN NHIÊN
Khắc Bá, SJ
Ngày 22/4 hằng năm được chọn là ngày trái đất để con người ý thức việc bảo vệ hành tinh. Mẹ Thiên Nhiên như đang tranh thủ được một ‘kỳ nghỉ Sa-bát’ lúc con người bất đắc dĩ phải đóng băng các hoạt động của họ.
Từ trên sân thượng của toà nhà, tôi nhìn bao quát xuống thành phố Roma. Nét đặc trưng lúc này chính là sự vắng lặng của hoạt động con người. Các đường phố hầu như yên ắng hoàn toàn, ngoại trừ lác đác một vài chuyến xe buýt, hay ở các ngõ ngách có mấy người vô gia cư đang chia sẻ đồ ăn cho nhau. Nhưng chính trong sự lặng lẽ đó, tôi thấy thiên nhiên nơi đây như đang hít một hơi thở thật sâu và dài để hồi sức và tự chữa lành các vết thương sau những tháng ngày mệt mỏi và bị tàn phá. Bầu khí đang mát lành trở lại vì bớt được hàng vạn ống khói xe cộ thải ra mỗi ngày. Những tiếng chim hót thánh thót hơn, hoà điệu hơn, khi không còn bị lấn át bởi âm lượng khổng lồ và hỗn tạp từ đủ thứ máy móc sinh hoạt của con người. Mẹ Thiên Nhiên như đang tranh thủ được một ‘kỳ nghỉ Sa-bát’ lúc con người bất đắc dĩ phải đóng băng các hoạt động của họ.
Trong Tiếng Do-thái, từ Sa-bát (שַׁבָּת) có nghĩa là ‘ngừng’, hay ‘nghỉ ngơi’. Một cách tương đối, có thể nói nó có nguồn gốc từ trình thuật Sáng Thế của Kinh Thánh, trong đó Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình tạo dựng; và Ngài ra lệnh cho con người cũng phải nghỉ ngơi vào ngày này, để nó trở thành ngày phụng tự, tức ngày con người sống với Thiên Chúa cách trọn vẹn. Loại suy từ Ngày Sa-bát, Do-thái giáo có thêm luật định về Năm Sa-bát, là năm cuối cùng sau mỗi chu kỳ 7 năm. Trong Năm Sa-bát, con người tạm ngừng các hoạt động nông nghiệp để đất đai và súc vật được nghỉ ngơi (Lê-vi 25, 2-7). Rồi mở rộng hơn, sách Lê-vi có thêm quy định về Năm Thánh, vốn là năm cuối cùng của chu kỳ Năm Sa-bát (tức sau mỗi 49 năm). Trong Năm Thánh, con người không chỉ phải để cho đất đai và súc vật được nghỉ ngơi, mà còn phải tái lập tương quan công bình với tha nhân: xoá nợ nần, trả tự do cho tù nhân, giải thoát nô lệ và phá bỏ mọi hình thức áp bức bóc lột (Lê-vi 25, 8-54). Năm Sa-bát và Năm Thánh (chúng ta sẽ gọi chung là ‘Kỳ Sa-bát’) đã trở thành một phần trong cuộc sống của dân Do Thái ngày xưa.
Luật về các kỳ nghỉ Sa-bát mang lại những giá trị đặc biệt cho con người; và ngay cả khi không nhìn theo khía cạnh tôn giáo, chúng ta cũng có thể nói rằng đây là một phát kiến vĩ đại. Đầu tiên là giá trị của nghỉ ngơi. Mọi thụ tạo, dù là con người hay đất đai, đều cần sự nghỉ ngơi để hồi sức, để lấy lại tính quân bình và hài hoà cần có. Đối với con người, nghỉ ngơi không chỉ cần cho sức khoẻ thể lý, mà còn cho tương quan xã hội và đời sống tinh thần-thiêng liêng. Hơn nữa, chính nghỉ ngơi thúc đẩy và phát triển năng lực sáng tạo, vốn là thứ cần thiết để kiến tạo lối sống thích hợp và những hình thức lao động hiệu quả hơn.
Thứ hai, Kỳ Sa-bát tạo nên ý thức về thăng tiến công bình và bảo vệ phẩm giá con người, nhất là những người nghèo. Xét từ nhiều khía cạnh, các xã hội thường có sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc, trong đó, triển vọng để một người nghèo thoát khỏi tình trạng của mình là rất thấp. Người giàu sẽ có điều kiện ngày càng giàu hơn; còn người nghèo và con cháu của họ có nguy cơ ở lại mãi trong tình trạng khốn quẫn, và bị đối xử như thành phần thứ cấp của xã hội. Lịch sử chỉ ra rằng chính những bất công mang tính cơ cấu như thế đã dẫn đến hầu hết những cuộc xung đột, chiến tranh và huỷ hoại của thế giới này. Kỳ Sa-bát có mục đích cắt đứt ‘chuỗi dây’ bất công như thế. Nó là mốc thời gian để đất đai được khôi phục lại chủ sở hữu ban đầu. Ví dụ, nếu một người bán trang trại của mình cho người khác, anh sẽ tự động nhận lại quyền sở hữu nó trong Năm Thánh. Nếu anh nghèo và bị bán làm nô lệ, thì vào Năm Thánh, anh được giải thoát. Nói cách khác, Kỳ Sa-bát cho phép mọi người, kể cả con nợ lẫn chủ nợ, một cơ hội để bắt đầu lại. Do đó, Kỳ Sa-bát có thể trở thành một yếu tố giúp giảm thiểu xung đột xã hội ở mức nền tảng.
Quan trọng hơn, phía sau điều luật Kỳ Sa-bát là một mối tương quan mang tính gắn bó, thấu hiểu và tôn trọng đặc biệt của con người đối với thiên nhiên. Trong tương quan đó, con người ý thức rằng đời sống của mình phụ thuộc và nối kết với thiên nhiên, đặc biệt là qua việc sản xuất nông nghiệp. Vì thế, dường như họ có thể hiểu rõ về thiên nhiên ở mức độ mang tính cảm quan và trực giác, vốn là mức hiểu biết sâu hơn so với tri thức thuần lý. Nhờ gắn bó chặt chẽ với môi trường, con người thời đó dường như nghe được nhịp đập, cảm nhận được ‘hơi thở’ của đất, và nhìn thấu được biến chuyển của đất trời. Vì vậy, họ hiểu rằng, thiên nhiên cũng cần được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng và sự cân bằng của nó.
Nhưng với thế giới hôm nay, Kỳ Sa-bát chỉ còn là một khái niệm của quá khứ, ngay cả với người Do-Thái. Tất nhiên, bây giờ chúng ta không thể trông chờ việc thực hành Kỳ Sa-bát theo đúng kiểu cổ điển. Tuy nhiên, điều đáng nói là ý thức của chúng ta về ‘tinh thần Kỳ Sa-bát’ đang mai một dần. Ví dụ, ngay cả những kỳ nghỉ rất ngắn dành cho đất đai nói riêng và cho thiên nhiên nói chung cũng đang bị cắt bớt hoặc bỏ hẳn đi. Đó là chưa nói đến sự thiếu vắng ở khía cạnh tương quan giữa con người với nhau mà Năm Thánh đề cập.
Tại sao tinh thần Kỳ Sa-bát bị biến mất? Hẳn có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề áp lực lương thực khi dân số tăng quá cao; tuy nhiên, thiết tưởng nguyên nhân nền tảng nhất chính là việc con người thay đổi ý thức về tương quan của mình với thiên nhiên. Có thể nói, Kỳ Sa-bát biến mất khi con người bắt đầu nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ; rằng mình là ông chủ và thế giới thiên nhiên là ‘tài sản sở hữu’ của mình. Ý thức đó đưa đến não trạng tự do ‘khai thác và sử dụng’ thiên nhiên. Sự thay đổi ý thức đó đã khiến con người tự trở nên xa lạ và chia cắt mình khỏi tự nhiên; và nghiêm trọng hơn, chúng ta bắt đầu làm biến đổi và tàn phá chính cái nôi nuôi sống bản thân mình.
Chính ý thức đổi vai đó khiến con người bị cuốn vào một lối sống mang tính nô lệ, rối loạn và vong thân. Như lời Dẫn Nhập trong phim The gods must be crazy - Đến thượng đế cũng phải cười’ (1990), “con người ‘văn minh’ đã không muốn thích nghi với môi trường sống, thay vào đó, họ biến đổi môi trường thích nghi với mình. Vì vậy, con người văn mình đã xây dựng phố xá, thành thị, xe cộ, máy móc, và đường dây điện để chạy các loại máy tiết kiệm sức lao động (nhưng lại không biết khi nào thì ngừng). Càng cải tạo môi trường để làm đời sống dễ dàng hơn, con người càng làm cho nó rắc rối thêm. Giờ đây, con người lại phải cho con cái đến trường, từ mười đến mười lăm năm để học, để biết cách sinh tồn trong hệ sinh thái phức tạp và nguy hiểm này. Và con người văn minh đã từng từ chối thích nghi với môi trường thiên nhiên giờ đây hiểu ra mình phải thích nghi, và thích nghi nhiều lần, từng giờ trong ngày, đối với chính môi trường mình đã tạo ra.” Quả là một đúc kết chân xác!
Chúng ta không chỉ bị cuốn vào tính phức tạp của thứ môi trường mình tạo ra, mà còn bị cuốn vào cuộc tranh đua mù quáng với tha nhân trong xã hội của môi trường đó. Thực thế, đa phần chúng ta không chỉ làm việc để hoàn thành những gì mình muốn, mà còn cảm thấy bắt buộc phải làm việc để có thể chạy đua theo những gì xã hội nói ta nên có. Chúng ta ‘đóng khuôn’ đời người dựa trên căn bản của thành công – thất bại; và căn bản này lại lấy tiền bạc – danh tiếng làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống xoay quanh mấy khái niệm: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Cuộc sống hiện đại kéo con người vào vòng xoáy của riêng nó: người ta tìm mọi cách tăng nhanh tốc độ (sản xuất, bán hàng, thay đổi mẫu mã, học hành,…); mọi thứ lại thay đổi quá nhanh, khiến người ta lo sợ mình bị đào thải, và thế là lại lao vào tăng tốc cho chính mình. Vì vậy, điều lớn nhất chi phối tâm trí con người thời hiện đại chính là hai chữ ‘cạnh tranh’. Bởi thế, như đúc kết của linh mục Dòng Tên Gaël Giraud, vốn là một nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp, chúng ta đang chịu ảnh hưởng bởi một thứ chủ nghĩa “biết giá cả của mọi thứ nhưng không biết giá trị của bất cứ điều gì cả, vì nguồn gốc thật sự của giá trị chính là các tương quan giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường sinh thái.”[1]
Kết quả, con người mơ hồ nhận ra là cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời. Con người đâu thể sống như một cái máy! Con người âm thầm tự vấn: đáng ra, đời sống đâu phải chỉ gói gọn với tiền bạc của cải, với danh tiếng! Cuộc sống lớn lao hơn những gì bị khuôn ép trong cái khung thành công – thất bại. Vì thế, có nhiều người bất chợt thấy nổi lên nhu cầu tìm lại một thực tại quen thuộc nào đó, mặc dù chính họ cũng chưa xác định rõ nó là gì. Nhu cầu này lớn tới nỗi khiến người ta có khi ‘nổi đoá’ với cuộc sống hiện tại, muốn làm những gì đó khác đời, vượt qua mọi ‘rào chắn’, mọi nguyên tắc của xã hội. Có người lại lao vào tìm kiếm những điều kỳ bí, những hiện tượng lạ, vv. Nhưng dường như họ càng tìm thì lại càng thấy mọi thứ rối tung và mất phương hướng.
Như vậy, việc tìm cách tách lìa khỏi tự nhiên chính là khởi đầu cho một tiến trình tự sát! Nó chẳng khác mấy việc em bé tự bứt dây rốn của mình khi còn ở trong bụng mẹ. Khi bị cắt đứt khỏi những yếu tố thuộc về cội nguồn nơi thiên nhiên, chúng ta cũng bị cắt đứt khỏi những căn bản vốn giúp xây dựng tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa; và xét ở mức độ gần nhất, khi phá huỷ thế giới tự nhiên, làm cho nó mất cân bằng và bị bệnh tật, chúng ta không còn môi trường nuôi dưỡng và bảo vệ chính sức khoẻ thể lý của mình nữa. Làm sao chúng ta có thể chờ mong sẽ được khoẻ mạnh khi bản thân mình lại đang sống trong một ngôi nhà bị bệnh được! Đó cũng là lời nhắc của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô[2]; và do vậy, như tài liệu Laudato si khẳng định, “tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa” (số 7).
Vì thế, hy vọng việc ngắm nhìn tự nhiên đang được nghỉ ngơi lúc này có thể giúp chúng ta nghiệm lại phần nào tầm quan trọng của tinh thần Sa-bát nơi người xưa. Tinh thần đó giúp chúng ta nhìn về đời sống như một món quà được ban tặng, thay vì một điều gì đó mà mình cần tạo lập. Ta không nhìn mọi thứ xung quanh như những gì phải chiếm hữu, mà tất cả đều là ân sủng được trao ban. Trong tinh thần Sa-bát, ta cũng không nhìn tha nhân như những đối thủ cạnh tranh, nhưng như những người anh chị em đích thật. Trong viễn tượng đó, đời sống của chúng ta được mở ra trong tất cả sự phong phú của nó.
Đó là lối sống của lòng biết ơn. Khi ý thức về mọi thứ của đời sống như những quà tặng, con người luôn thấy mình được dư đầy, và mong muốn sống xứng đáng với ân huệ đó. Vì thế, thay vì sống kiểu đua đòi và cạnh tranh, chúng ta sống tinh thần hài lòng với những gì đang có, đồng thời có trách nhiệm với tha nhân: biết vượt ra khỏi chính mình, nhìn thấy những thiếu thốn, những nhu cầu của tha nhân, khát khao dấn thân cho họ. Nếu cái khung ‘thành công – thất bại’ khiến con người đánh mất những niềm vui lớn, như niềm vui của việc chia sẻ (vì mọi việc đã trở thành ‘trao đổi, mua bán’), hay niềm vui phục vụ, vv., thì tinh thần Sa-bát sẽ trả lại cho ta tất cả những điều này, bởi chưng chúng ta được kêu gọi xây dựng đời mình qua việc xây dựng đời tha nhân, lấy niềm vui của tha nhân làm niềm vui của chính mình. Nếu quan niệm ‘làm chủ’ khiến đời sống ta bị đóng khung trong những ‘bức tường’ của các chỉ số và định lượng toán học, đến mức đánh mất khả năng mở ra với nhiều điều khác, tinh thần Sa-bát khiến ta có được tâm trí đủ rộng mở để đón nhận mọi khả thể, mọi khía cạnh trong ơn gọi con người, từ những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Đặc biệt, nó giúp ta sống thái độ tín thác và bình an.
Câu hỏi lúc này: liệu chúng ta có thể tìm kiếm những hình thức Kỳ Sa-bát nào đó mang tính thực tiễn trong đời sống ngày nay hay không? Có lẽ ngày nay chúng ta không thể thực hiện được bất cứ hình thức cụ thể nào của Kỳ Sa-bát xưa kia. Tuy nhiên, tinh thần Sa-bát có thể cung cấp cho ta những yếu tố cần thiết trong việc hình thành các câu hỏi quan trọng về đời sống xã hội hiện tại. Tinh thần đó khiến ta thấy cần phải thay đổi cuộc sống và định vị lại các định chế nhằm hướng tới những hình thức vận hành cuộc sống trong sự tiết độ, tôn trọng tính hữu hạn và hoà hợp với nhịp sống của thiên nhiên.
Những hình thức đó phải chứa ít nhất hai yếu tố: thời gian nghỉ ngơi và khả thể bắt đầu lại dành cho mọi người. Ví dụ, đối với các ngành nghề nông nghiệp, chúng ta phải ra luật định về chu kỳ canh tác sao cho đảm bảo thời gian nghỉ của đất trong mỗi năm. Đối với các ngành nghề công thương nghiệp, cần có cơ chế đảm bảo khả năng tái cơ cấu, tái phân bổ và phân phối, sao cho các nguồn lực, nhất là nguồn lực tự nhiên, được chia sẻ và sử dụng hợp lý. Hệ thống sản xuất phải hướng đến nhu cầu sử dụng thiết thực thay vì nhu cầu giả tạo; và phải nhắm đến thiện ích chung của cộng đồng thay vì lợi nhuận cá nhân.
Nhưng để đi đến một viễn tượng như thế, điều quan trọng trước nhất là con người phải hoán cải quan niệm của mình về cuộc sống và về tương quan với thiên nhiên. Chúng ta không được sinh ra để trở thành ông chủ của ai khác; chúng ta cũng không được trao quyền để thành kẻ thống trị thiên nhiên. Chúng ta bén rễ sự hiện hữu của mình ngay trong môi trường sống, và là một phần của thiên nhiên; hay nói cách khác, chúng ta gắn chặt với tự nhiên và cùng tự nhiên hướng về cùng đích thánh thiêng mà mình được tạo dựng. Do đó, thay vì thái độ tách mình ra và cai trị, chúng ta phải xem tự nhiên như người bạn, như người mẹ, hay chí ít như một quà tặng cung cấp môi trường và nguồn sống để nuôi dưỡng mình và cộng đồng xã hội.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_______________
[2] X. Bài Giảng trong trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi, ngày 27/03/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét