Tôi nên thánh ư? Bảy hành động giúp bạn nên thánh mỗi ngày
TÔI NÊN THÁNH Ư?
BẢY HÀNH ĐỘNG GIÚP BẠN NÊN THÁNH MỖI NGÀY
BẢY HÀNH ĐỘNG GIÚP BẠN NÊN THÁNH MỖI NGÀY
Lm. H. Edgar Henríquez CarrascoMinh Duyên dịch từ Catholic-link.com
Rất nhiều người trong Giáo hội nói: “Tôi nên thánh ư ? Không, việc đó dành cho người khác, không phải tôi”. Như thể họ không tin rằng Chúa có thể đổi mới mọi sự, rằng đối với Ngài không có gì là không thể. Nếu điều này có thể đi vào lòng trí của thánh Augustinô và thánh Phanxicô, thì cũng có thể đi vào tâm hồn bạn.
Bạn chỉ cần tin khi Ngài nói với bạn rằng bạn có thể nên thánh, rằng bạn đã được chuẩn bị cho một nơi trên thiên đàng. Và câu hỏi đặt ra bây giờ là, làm thế nào tôi có thể nên thánh trong cuộc sống hàng ngày? Tôi phải làm gì? Công thức là gì? Chà, không có một công thức duy nhất, vì sự thánh thiện mang nét cá nhân, nghĩa là sự thánh thiện của bạn không giống với tôi hay của người khác.
Lời kêu gọi bạn nên thánh là duy nhất và bạn phải khám phá nó. Ở đây tôi xin gợi ý bảy hành động mà bạn có thể thực hiện trong ngày để đến gần với sự thánh thiện. Bảy hành động cụ thể mà nếu bạn áp dụng vào thực tế, có thể giúp bạn nhanh chóng hướng về Chúa. Hãy chú ý.
1. Kiểm soát và điều khiển các giác quan
Có các giác quan bên trong và các giác quan bên ngoài. Những cái bên trong là ý thức, trí tưởng tượng, trí nhớ và ước muốn, những cái bên ngoài là thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác. Nhờ các giác quan, chúng ta có thể biết thế giới xung quanh và cho chúng ta một hình ảnh tinh thần về nó. Chúng ta nhớ về quá khứ, chúng ta tưởng tượng tới tương lai, chúng ta nhận thức được ý tưởng của mình và chúng ta đánh giá các tình huống.
Nhưng đôi khi các giác quan của chúng ta dễ đi theo con đường của chúng, như những con ngựa hoang, không được dẫn dắt. Để nên thánh, chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về đời sống và các giác quan của mình. Có những âm thanh không giúp ích cho chúng ta, chúng ta hãy tập bỏ qua. Có những hình ảnh không để chúng ta yên, chúng ta hãy tập buông chúng ra. Ăn nhiều dẫn đến háu ăn, chúng ta hãy tập để lại một chút thức ăn…vv.
Tương tự với giác quan nội tâm: đôi khi chúng ta tưởng tượng nhiều điều về người khác, chúng ta tạo ra những lâu đài trong không khí vốn không có thật và chúng ta có thể mất cảm giác thực tế. Vì vậy, nếu bạn làm chủ các giác quan của mình và kiểm soát chúng, bạn có thể tập trung vào những gì cần thiết, vào những gì quan trọng.
Hãy để Chúa thấm vào cuộc sống của bạn và hướng dẫn các giác quan của bạn đến với Ngài, đồng thời cố gắng tránh tiếp xúc với những gì làm tổn thương tâm hồn bạn và lấy đi sự bình an trong tâm hồn. "Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới." (Gv 1, 8). "Dù ăn, uống hay làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm tất cả vinh danh Thiên Chúa" (1 Cr 10, 31).
2. Xét mình liên tục
Xét mình có nghĩa là nhìn vào bản thân, vào những phản ứng, suy nghĩ, hành vi, ý tưởng, hành động của mình… vv. Biết mình có đi đúng hướng hay không. Nếu những gì tôi làm giúp người khác nên thánh hoặc làm họ chậm lại. Chúng ta phải sống với thái độ xét mình liên tục, biết chúng ta đang đi đâu, chúng ta đang ở đâu, tại sao chúng ta làm những việc này… v.v.
Đối với điều này, cần dành thời gian, có một vài phút để suy nghĩ về đời mình. Có thể là khi đi bộ, hoặc ngồi ở một nơi yên tĩnh. Nếu bạn xét mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và bằng cách này bạn sẽ có thể biết những gì bạn phải cải thiện và / hoặc thay đổi.
Đây có thể là một bước nhỏ cho con người, nhưng là một bước nhảy vọt cho sự thánh thiện. Người Hy Lạp đã đặt một cụm từ rất khôn ngoan trong đền thờ: "Hãy tự biết mình", vì họ nghĩ rằng khôn ngoan nhất là biết hoàn thành nhiệm vụ này. Nếu biết chính mình, bạn sẽ có thể dự đoán được nhiều điều và bạn sẽ biết cách phản ứng với những khó khăn và vấn đề bằng sức mạnh và lòng can đảm.
Xin mời bạn đọc Thánh vịnh 139 (138), giúp bạn bước vào tâm tình xét mình:
“Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời”. (Tv 139, 1.23-24).
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời”. (Tv 139, 1.23-24).
3. Tìm kiếm và xây dựng hòa bình xung quanh
Bạn có thể là một tác nhân cho hòa bình ở mọi lúc mọi nơi: trong công việc, trong vòng tròn bạn bè, trong gia đình, luôn là điểm nối gắn kết và hòa bình cho người khác. Giúp giải quyết xung đột qua đối thoại và thanh thản về tinh thần. Điều này rất quan trọng, đó là một trong những điều tuyệt vời: "Phúc cho xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5, 9).
Trở thành người xây dựng hòa bình sẽ mang lại cho bạn sự bình an, tuy nhiên, một sự bình an không như thế gian ban tặng, đó là sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho bạn. Có hàng triệu tình huống mà bạn có thể xây dựng hòa bình: xung đột gia đình, tranh chấp tạm thời, tranh luận thắng thua, vấn đề việc làm, khác biệt về quan điểm…v.v.
Ngay cả trên phương tiện truyền thông xã hội, bạn có thể là một người xây dựng hòa bình tuyệt vời, và có một nhu cầu rất lớn đối với những người như vậy trong môi trường kỹ thuật số. Nếu bạn muốn trở nên thánh thiện, hãy tìm kiếm sự bình an nội tâm, làm mọi lúc mọi nơi, sống đối diện với Chúa, đừng sợ hãi và tin tưởng rằng thành quả của nỗ lực này sẽ là sự bình an đến từ Chúa, một sự bình an lâu dài. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
4. Giữ gìn miệng lưỡi
Hãy suy nghĩ về những gì bạn nói trước khi nói hoặc viết. Đôi khi chúng ta có thể làm tổn thương sâu sắc ai đó bằng cách chỉ cần gõ một vài nút trên bàn phím, bạn có thể tránh điều đó bằng cách suy nghĩ cẩn thận về những gì bạn sẽ viết. Vấn đề này mở rộng trong các mạng xã hội, nơi tính nhạy cảm là rất lớn và đôi khi người ta không có không gian để đối thoại trung thực.
Do đó, hãy chú ý để tất cả những gì bạn nói phù hợp với người khác, nó sẽ giúp ích cho người thân cận. Nếu bạn định nói những điều vô nghĩa, tốt hơn là giữ im lặng. Nếu bạn định dùng miệng để nguyền rủa, tốt hơn nên im lặng và không khơi lên một làn sóng lăng mạ. Tôi đảm bảo với bạn khi quan tâm đến lời nói của mình, chúng ta có thể lớn lên trên đường đức hạnh và thánh thiện.
Thật tốt khi trên hết bạn học cách kiểm soát miệng lưỡi mình, phúc hay họa cũng từ miệng mà ra. Nhờ đó, chúng ta chúc lành và động viên. Bạn chọn con đường nào, nên thánh không hề dễ nhưng không phải là không thể.
“Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được.8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa”(Gc 3, 7-9)
5. Truyền cảm hứng cho người khác
Đây là nguồn sức mạnh tinh thần. Khi chúng ta khuyến khích người khác, chúng ta khuyến khích chính mình. Và nó giúp chúng ta thấy được sức nặng thực sự của những khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta nói: "Cố lên, mọi sự sẽ ổn thôi", "Đừng lo lắng, hãy phó dâng trong tay Chúa", nhưng bạn có thực sự tin vào điều đó không? Bạn có thực sự tin rằng mọi thứ sẽ qua đi và Chúa sẽ quan tâm đến khó khăn của bạn?
Có lẽ việc động viên người khác sẽ giúp bạn xây dựng đức tin của mình và tin vào những lời hứa của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu ở Thêxalônica: "Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người." (1 Tx 5,14).
Anh em giúp đỡ lẫn nhau, chừng nào chúng ta còn là con cái Chúa. Tôi đảm bảo với bạn rằng nếu bạn động viên an ủi người khác, nâng đỡ kẻ yếu bằng sức mạnh của Chúa Giêsu và bạn luôn có những lời khích lệ cho những người đau khổ, bạn sẽ tiến thẳng vào sự thánh thiện của cuộc sống. Hãy thử và bạn sẽ thấy, bạn có thể nên thánh qua những chi tiết nhỏ như thế.
"Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình.2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình” (Rô-ma 15: 1-3)
6. Sống trong niềm vui
Đó là niềm vui của Đấng Phục sinh. Thế giới có thể sụp đổ xung quanh chúng ta, nhưng niềm vui đến từ Chúa thì luôn còn mãi. Đó là một niềm vui sâu sắc, nó không phải là kết quả của khoảnh khắc mà là của chính sự sống. Niềm vui này sẽ khuyến khích chúng ta chinh phục những đỉnh cao của đời sống tâm linh, để leo lên những đỉnh núi của sự thánh thiện.
Niềm vui của Chúa Giêsu thì “truyền nhiễm”, nó lan tỏa nhanh hơn bất kỳ loại virus nào. Và nhất là, nó vô tư miễn phí, Chúa ban cho bạn, bạn không phải mua và không thể mua được. Làm sao có được niềm vui này ? Hãy sống trong sự thật, trong sự chân thành của con cái Chúa, biết được những ưu – khuyết điểm của mình.
Hãy đối diện với Chúa như người bạn và thú tội với Ngài, rằng với tình yêu thương xót, Ngài sẽ tha thứ và cho bạn niềm vui trong tâm hồn. Đừng sợ niềm vui của Chúa. Thánh Thomas More nói: “Không có gì có thể xảy ra với tôi mà Chúa không muốn. Và tất cả mọi sự mà Ngài muốn, cho dù nó có vẻ tồi tệ như thế nào đối với chúng ta, thực sự là điều tốt nhất”.
Đây là niềm vui đích thực, khi biết rằng tôi được Chúa yêu thương và hướng dẫn. Để trở thành một vị thánh bạn cũng phải làm việc vì hạnh phúc của mình. "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!... Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su." (Phl 4, 4.7).
7. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô
Hãy có Chúa Giêsu trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn, nâng đỡ, bổ sức và là nguồn động viên của bạn. Nếu bạn đặt Ngài vào giữa các hoạt động của bạn, bạn có thể bình tĩnh, bởi vì Ngài ở bên bạn. Nếu để Ngài rời khỏi cuộc sống của bạn, sẽ rất khó để bạn tìm thấy sự bình yên bên trong mà bạn mong muốn.
Vì vậy bạn nên thay đổi một số thói quen. Bạn có thể tìm kiếm nhạc Công giáo trên Spotify và nghe thường xuyên, theo dõi những người có ảnh hưởng Công giáo, có thể xem các kênh truyền hình Công giáo hoặc các chương trình trực tuyến hoặc phim về các vị thánh, danh sách này có thể giúp bạn. Và từng chút một, bạn sẽ nên giống với những gì thuộc về Chúa.
Dần dần bạn sẽ đi vào cầu nguyện, chiều sâu gặp gỡ Chúa, bạn sẽ gia tăng kết hiệp với Ngài. Nhưng điều cần thiết là cuộc đời bạn phải được "Kitô hóa”. Tôi khuyên điều này cho tất cả những ai muốn đến gần Chúa hơn, nếu bạn sửa đổi thói quen theo môi trường và bạn làm cho nó trở nên Kitô hơn, bạn sẽ dễ dàng thích những gì thuộc về Chúa hơn.
Hãy can đảm, nên thánh là có thể, bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh trong ngày và biến đổi nó cho Chúa. "Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết… Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín,
Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2, 8.11-13).
Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2, 8.11-13).
Hãy quyết tâm, hôm nay bạn có thể bắt đầu nên thánh!
Tôi hy vọng rằng bảy hành động mà bạn có thể thực hiện hàng ngày đây sẽ giúp bạn ngày càng trở nên thánh thiện. Tôi chắc chắn rằng nếu bạn Kitô hóa cuộc đời mình, bạn sẽ đi đúng hướng. Có nhiều điều cần thay đổi, hãy trình bày với Chúa và Ngài sẽ giúp bạn. Điều quan trọng là bạn quyết định nên thánh, rằng điều này cũng dành cho bạn.
Chúa muốn bạn nên thánh trong cuộc sống, trong công việc, trong gia đình, trong mối quan hệ xã hội của bạn, ở đó Chúa muốn bạn đặt Ngài vào trung tâm và để Ngài biến đổi tất cả. Hãy can đảm lên, bạn có nhiều anh chị em cầu nguyện giúp để bạn có thể tìm thấy Ngài. Xin Chúa chúc lành cho bạn và đồng hành với bạn!
Nguồn: phatdiem.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét