Đức Giêsu có thói quen cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (Lc 22,39). Tại vườn này, buổi tối cầu nguyện trước cuộc thương khó thật đặc biệt.Tin Mừng Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Đức Giêsu cầu nguyện trong thổn thức và xao xuyến. (Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,39-46). Thấy trước cuộc khổ nạn, Đức Giêsu cầu nguyện đến mức “Mồ hôi của Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Tuần Thánh, dừng lại nơi vườn Cây Dầu để suy niệm cuộc vượt qua của Đức Giêsu.

1. Đức Giêsu đổ mồ hôi máu



Trong dịp hành hương Đất Thánh, tôi có đến vườn Cây Dầu, nơi đây Chúa Giêsu đã trải qua cơn hấp hối khủng khiếp.Vườn có nhiều cây Ôliu gốc to sần sùi, dáng cổ ẩn dấu thời gian rêu phong. Nơi đây Chúa quì cầu nguyện trước khi bước vào khổ nạn. Khu vườn nằm sát bên Thánh Đường Các Dân Tộc. Gọi tên như vậy vì nhiều quốc gia đã đóng góp tiền của để xây nên Thánh Đường này.

Trước bàn thờ, tảng đá lớn được bao quanh bằng hàng rào thấp nhỏ như chiếc mão gai, có thể đưa tay để đặt vào tảng đá. Chúng tôi quỳ trước tảng đá cầu nguyện. Thật bồi hồi xúc động, được quỳ gối nơi Chúa đã từng quỳ gối cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu. Mỗi người hôn kính tảng đá và thì thầm cầu nguyện với Chúa cách sốt mến lạ lùng. Chính tại nơi đây đã diễn ra đêm sầu khổ tột cùng của Chúa. Thời gian là vào khoảng 10 giờ đêm. Phía đông trăng tròn đã lên cao, tỏa ánh sáng huyền ảo xuống mặt đất, những nấm mồ trắng lung linh nhập nhoà. Các ngọn đuốc của đám vệ binh Đền thờ rọi sáng cả khu vườn. Tiếng lách cách của gươm đao, tiếng loảng xoảng của lưỡi kiếm khua vang trong đêm tĩnh lặng. Đêm cuối cùng. Cuộc Khổ Nạn bắt đầu. Ngày mai Ngài sẽ gặp cái chết và nấm mồ. Đức Giêsu vào vườn cùng với ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Tấn kịch bi thảm sắp diễn ra, Đức Giêsu có một cảm giác đau đớn, lo lắng, bồi hồi, xao xuyến đến tột cùng: “Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33); Đức Giêsu thổn thức: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được”. Đấng Toàn Năng, cố vấn kỳ diệu, người chiến thắng sự chết và tử thần, lại xem ra ngã quỵ trước viễn tượng khổ giá. Ngài yêu cầu các môn đệ giúp đỡ: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26,38). Nhiều lần Đức Giêsu từng dặn dò các môn đệ “canh thức”, nhưng chưa lần nào nói “với Thầy” như hôm nay. Rồi bắt đầu cơn hấp hối, Ngài sấp mặt xuống nằm phủ phục dưới đất. Thân mình Ngài run rẩy đến nỗi mồ hôi rịn ra hòa lẫn với máu. Lời Thánh vịnh mô tả: “Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp”. (Tv 54,5-6 ).Ứng nghiệm vào Đức Giêsu thật chính xác. Ngài bị đánh đòn trong tư tưởng và đóng đinh trong ý nghĩ trước khi cuộc khổ nạn xảy ra. Viễn tưởng đó sẽ diễn ra tại vườn Cây dầu, rồi dốc ngược lên nhà Anna, tới chỗ dinh Caipha rồi cho đến đồn binh Antonia, dọc theo các phố xá đến lúc chết tủi nhục đớn đau trên thập giá và mai táng trong mồ. Ngài trông thấy tất cả, phải nếm sự cay đắng tột cùng của kiếp người cô đơn.

Ngài khóc với con tim rướm máu. Máu và nước mắt ấy là giọt sương của đêm cuối cùng trên trái đất. Có những nỗi khổ đau làm tan nát trái tim. Lúc này thần chết đã đứng ngoài ngưỡng cửa của cơn hấp hối.

2. Điều gì làm cho Đức Giêsu đổ mồ hôi máu?

Mồ hôi máu (en: Hematidrosis) hay chứng đổ mồ hôi máu là tình trạng rất hiếm gặp xảy ra ở người khi đang trong trạng thái tâm thần, cảm xúc và căng thẳng thể lý một cách cực độ, ví dụ như đang đối diện với cái chết, làm họ tiết ra mồ hôi máu. Một số tài liệu tham khảo về lịch sử đã mô tả hiện tượng này, đáng chú ý là những tài liệu của Leonardo da Vinci đã mô tả về: một người lính trước khi ra trận hay một người đàn ông bất ngờ chịu một án tử hình đã đổ mồ hôi máu, cũng như theo chi tiết trong Kinh Thánh thì Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu khi đang cầu nguyện trong vườn Getsemani (Lc 22,44). (x.vi.wikipedia.org).

Điều gì đã làm cho Đức Giêsu phải đau đớn buồn phiền đến mức phải “đổ mồ hôi máu”?

Phải chăng Ngài run sợ trước cái chết? Hay lo lắng trước những đau đớn thể xác sắp phải chịu? Không! Đức Giêsu không run sợ trước cái chết hay bất cứ nhục hình nào. Đau đớn thể xác không thể làm cho Ngài buồn phiền và lo lắng đến như thế. Biết bao thánh tử đạo đã hy sinh mạng sống mình mà không lo lắng buồn phiền, trái lại còn rất hân hoan vui mừng nữa. Chẳng lẽ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người lại sợ hãi cái chết, lo buồn vì những hình phạt thể xác sẽ xảy đến cho mình mà “đổ mồ hôi máu” hay sao?

Vậy thì điều gì làm cho Ngài muộn phiền đến vậy? Câu trả lời thật đơn giản, chỉ nằm gọn trong một từ: “chén”. Đức Giêsu lặp lại đến 3 lần cùng một lời cầu nguyện: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Chén này là chén Chúa Cha đã trao cho Đức Giêsu (Ga 18,11). Cách đó ít lâu trước giấc mơ quyền lực của hai môn đệ thân tín, Đức Giêsu đã từng nhắc đến: “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22; Mc 10,38). Vậy, Chén ấy là chén gì mà khiến Đức Giêsu phải “ngập ngừng” như thế? (Giuse Duy Thạch).

Bị phản bội trong tình yêu, đó là nỗi đau đớn nhất. Trái tim co thắt từng cơn và tâm hồn xao xuyến muộn phiền tột cùng. Đức Giêsu, người trao ban tình yêu sắp bị phụ bạc, sắp bị chối từ. Các môn đệ trốn chạy, mọi người khinh khi nhục mạ. Đức Giêsu đau buồn đến “đổ mồ hôi máu” không phải vì lo lắng sợ hãi trước cuộc khổ hình thập giá cho bằng những khao khát yêu thương bị chối từ.

Đã có bao nhiêu người đi theo và nhận lãnh những ân huệ của Chúa Giêsu? Những trích đoạn Tin mừng sau đây giúp tính thử bằng con số.

- Mười hai Tông Đồ, đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê, Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Tôma, Mátthêu, Giacôbê, Tađêô, Simôn và Giuđa Ítcariốt (Mt 10,2-4).

- Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến (Lc 10,1).

- Năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con [đã được ăn uống no nê] (Mt 14,13; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14).

- Bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con [đã được ăn uống no nê] (Mt 15,38-39).

Tính sơ sơ đã thấy có tổng số 9.084 người. Tin Mừng Gioan và Máccô còn cho biết con số theo Chúa Giêsu không chỉ giới hạn ở con số 9.084 người mà còn nhiều hơn nữa. Chắc chắn trong số này đã có rất nhiều người đã từng thọ ơn của Chúa Giêsu.

- Có rất đông dân chúng đã đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm (Ga 6,2).

- Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm (Mc 3,7-8).

- Nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua (Ga 2,23).

- Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ (Ga 13,2).

Như vậy, Chúa Giêsu là thần tượng và là vị đại ân nhân của cỡ chừng vài chục ngàn người chứ không phải ít bởi vì chính những ông Pharisiêu đã bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” (Ga 12,17-19). Rất đông người đi theo, ngưỡng mộ và nhận lãnh những ơn huệ của Chúa Giêsu. Nhưng khi Người lâm nạn thì có bao nhiêu người đến chia sớt những nỗi cô đơn, đau khổ?. Có bao nhiêu người đến trả nghĩa dù là một chén nước lã, hay ghé vai vác đỡ thập giá trên đường thương khó?

Không thấy ai cả.

Khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ chạy tán loạn, chạy bán sống bán chết đến độ không còn một mảnh vải để che thân nữa (Mc 14,51-52). Chỉ còn ông Phêrô là “can đảm” theo Thầy xa xa. Ngày nay, ngoài vườn Giếtsêmani còn một động đá mệnh danh là “hang phản bội”, để nhắc lại biến cố đau lòng của Phêrô và các môn đệ đã bỏ Chúa. Mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê (Mc 14,52-54; 15,40)… Đức Giêsu dường như cô độc giữa một biển người đồng hương. Không có ai đứng ra bàu chữa. Trong mắt họ, Ngài còn thua tên cướp Baraba. Họ khinh bỉ và khạc nhổ vào Ngài. Tình yêu bị chối từ là niềm đau đớn nhất. Đức Giêsu khao khát được yêu họ, được mang ơn cứu độ cho họ cho đến hơi thở cuối cùng. Thế mà tất cả đều chối từ. Lời Thánh vịnh ứng nghiệm: “Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ không được một ai; Đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu” (Tv 69,21). Mồ hôi và máu chảy ra là do tự nỗi đau tột cùng ở trong tâm hồn đã làm đứt các mạch máu và máu chảy ra. Đức Giêsu thấy trước những vong ân bội nghĩa, thấy bị bỏ rơi trong cô đơn, thấy những tội lỗi nhân loại nên đau khổ tột cùng. “Chén đắng” là như thế, Ngài không “đổ mồ hôi máu sao được”?.

3. Đón nhận chén đắng với lòng vâng phục.

Dù bị các môn đệ bỏ rơi, bị giới lãnh đạo cô lập, Chúa Giêsu vẫn bình thản trước các sự kiện đang diễn ra. Người hoàn toàn tự do để đón nhận hay khước từ. Người có thể khước từ chén đắng, nhưng không, Người đã đón nhận trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Dầu vậy, khi giờ đã đến, Người vẫn cảm thấy hãi hùng, xao xuyến nên đã cầu nguyện. Cầu nguyện trong cô đơn và sợ hãi đến độ mồ hôi máu bịn rịn nơi thân thể. Đây quả là giờ của đau khổ, giờ của hãi hùng, giờ bị mọi người khước từ. Đây là chén đắng của cuộc đời. Chén chua chát bị ruồng bỏ, bị nhạo báng đến nỗi Người đã nại vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này”, nhưng đón nhận thánh ý Chúa Cha, Người lại tiếp tục bình thản để thưa lên cùng Cha: “nhưng xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha trọn đời”.

Chúa Giêsu bị phản bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án cách bất công để cứu nhân loại khỏi án phạt đời đời. Người đã chết để đền tội, để chuộc tội, để gánh tội, để cứu độ con người. Người cho chúng ta được thông phần cuộc sống của Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, cho chúng ta “được sống dồi dào”. Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận chén đau thương để đem lại tình yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn (x.1Cr 15, 26. 54; Dt 2, 14), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới (Ga 12, 24). Tuần Thánh giúp ta chiêm ngắm tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với nhân loại.

Xin Chúa cho chúng con luôn sống yêu thương, biết đem Tin Mừng bình an đi xây dựng cuộc đời.