Trang

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

GIẢI THÍCH LỜI CHÚA VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ

GIẢI THÍCH LỜI CHÚA VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ

(Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Linh hứng và Chân lý Kinh Thánh, Libreria Editrice Vatican, 2014, số104 -150 - Bản dịch của UBKT).

104. Trong Kinh Thánh chúng ta bắt gặp những mâu thuẫn, những điều không chính xác về mặt lịch sử, những câu chuyện không có thật, hoặc những huấn lệnh hay hành xử luân lý trong Cựu ước đi ngược lại với giáo huấn của Đức Giê-su. Vậy đâu là chân lý/sự thật (vérité) trong những đoạn Kinh Thánh này? Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang đối diện với những thách đố thật sự trong việc giải thích Lời Chúa.


Với câu hỏi này, chúng ta đã có những câu trả lời căn bản từ Hiến chế Mạc khải Dei Verbum [DV]. Bản văn Công đồng khẳng định rằng mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ được thực hiện qua các sự kiện và qua lời nói, và hai yếu tố này bổ sung cho nhau (DV 2), nhưng bản văn cũng nói rằng trong Cựu ước có “nhiều điều bất toàn và tạm bợ” (DV 15). Đây cũng chính là giáo huấn về “sự hạ cố của Đấng Khôn ngoan vĩnh hằng” của Thánh Gio-an Kim khẩu (DV 13), nhưng trên hết, đó là “những thể văn” được sử dụng trong thời cổ xưa, theo như thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo hoàng Pi-ô XII khẳng định (số 12).


Chính khía cạnh cuối cùng này đòi hỏi chúng ta phải đào sâu. Ngay cả thời nay, sự thật chứa đựng trong một quyển tiểu thuyết khác xa với sự thật có trong một cuốn sách giáo khoa vật lý. Có những cách thức khác nhau để viết lịch sử, nhưng không phải luôn là một ký sự khách quan; thi ca trữ tình không mô tả những điều như một thiên anh hùng ca. Ghi nhận này cũng có giá trị đối với nền văn chương vùng Trung Cận Đông cổ thời và trong thế giới Hy Lạp. Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy nhiều thể văn khác nhau được sử dụng như: thi ca, lời tiên tri, thuật chuyện, diễn từ cánh chung, dụ ngôn, vinh tụng ca, những bản tuyên xưng đức tin, v.v., và mỗi thể văn có một cách thức chuyển tải chân lý khác nhau.


Trình thuật St 1-11 về những truyền thống các tổ phụ, cuộc chinh phạt miền đất hứa và về lịch sử các vua cho đến cuộc nổi dậy của anh em nhà Ma-ca-bê, tất cả chắc chắn chứa đựng những chân lý, nhưng không muốn đưa ra một ký sự lịch sử chính xác của dân Ít-ra-en. Nhân vật trung tâm của lịch sử cứu độ không phải Ít-ra-en, cũng không phải những con người nào khác, nhưng là chính Thiên Chúa. Các trình thuật Kinh Thánh là những chuyện kể được thần học hóa. Chân lý của chúng được rút ra từ những sự kiện được mô tả, nhưng chủ yếu là từ mục đích giáo huấn và thần học của tác giả đã kể lại những truyền thống cổ xưa hay đã biên tập lại những tài liệu trong các văn khố của các kinh sư, để chuyển tải trực giác ngôn sứ hay về sự khôn ngoan và thông truyền một sứ điệp quyết định cho thế hệ của mình.


105. Mặt khác, sẽ không có một “lịch sử cứu độ” mà không có một cốt lõi lịch sử, nếu đúng là Thiên Chúa mạc khải qua “những sự kiện và lời nói và cả hai nối kết nhau” (DV 2). Bên cạnh đó, nếu việc linh hứng bao gồm cả Cựu ước và Tân ước “với tất cả các phần của chúng” (DV 11), chúng ta không thể loại bỏ bất cứ phần nào của các trình thuật. Người giải thích Kinh Thánh phải cố gắng tìm thấy những giá trị của mỗi sự tác động trong bối cảnh của câu chuyện toàn vẹn bằng những phương pháp khác nhau được liệt kê trong tài liệu của Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Việc Giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội (1993).


Dù phương pháp nghiên cứu theo lối xuyên đại
[1] trên bản văn là cần thiết để nhận thấy những lần giải thích lại khác nhau của một sấm ngôn hay một câu chuyện nguyên gốc, thì nghĩa thật của một đoạn văn là ở dạng thức cuối cùng của nó, được chấp nhận trong Quy điển Kinh Thánh của Giáo hội. Việc giải thích lại có thể lấy cả hình thái ẩn dụ hóa của các bản văn cổ hơn. Vì thế, một số trình thuật hay thánh vịnh nói về việc tru hiến hay ghét bỏ thù địch, vốn rất xa với tinh thần của Tân ước, dù được xem như mạc khải chưa trọn hảo của Cựu ước, thì chúng có thể có một giá trị giáo huấn cho thế hệ mà chúng hướng về.


Rõ ràng là những đánh giá này không giải quyết hết được các khó khăn, nhưng phải công nhận là Hiến chế mạc khải Dei Verbum, với cụm từ “những chân lý … vì phần rỗi chúng ta” đã giới hạn chân lý Kinh Thánh nơi mạc khải thánh liên quan đến chính Thiên Chúa và ơn cứu độ cho con người. Hơn nữa, việc quan tâm đến thể loại văn chương đã mở rộng biên độ và sự sâu rộng của công việc chú giải, tự nó đã là phức tạp.


2. Thách đố thứ nhất: những vấn đề lịch sử


106. Ở phần này chúng ta chỉ tập trung về một số bản văn có vấn đề, được rút ra từ Cựu ước. Những đoạn văn này có bản chất khác nhau, nhưng chung quy lại có cùng một câu hỏi: Theo những gì được mô tả, thì điều gì thật sự đã xảy ra? Những bản văn này muốn diễn tả những sự kiện thật sự xảy ra trong khuôn khổ nào? Các bản văn muốn khẳng định điều gì?


2.1. Vòng trình thuật[2] Áp-ra-ham (sách Sáng thế)


Phần lớn các nhà chú giải đều xác nhận rằng công việc biên soạn cuối cùng các câu chuyện về các tổ phụ, biến cố xuất hành, cuộc chinh phạt miền đất hứa, và về các thủ lãnh được thực hiện sau biến cố lưu đày Ba-by-lon, thời vua Ba Tư. Về vòng trình thuật Áp-ra-ham, các đoạn nối kết lịch sử của vị tổ phụ này với các truyền thống tổ phụ khác, nhất là qua những câu chuyện về các lời hứa, được xem là muộn màng hơn và vượt ra khỏi bộ khung nguyên thủy dành cho một thị tộc. Chẳng hạn như đoạn St 15, sau này trở nên phần chính yếu cho luận đề của thánh Phao-lô về ơn công chính hóa mà không phụ thuộc vào việc làm của Lề Luật (x. Rm 4) – theo như lịch sử biên soạn cho thấy, bản văn đã không mô tả các sự kiện theo cách thức chính xác những gì xảy ra. Nhưng nếu bối cảnh là như vậy, thì chúng ta có thể nói gì về niềm tin về các tổ phụ và về luận đề của thánh Phao-lô, bị xem như là đã mất điểm tựa Kinh Thánh?


Điều thứ nhất mà chúng ta cần nói liên quan đến các trình thuật về các tổ phụ (về biến cố xuất hành và về cuộc chinh phạt đất hứa), đó là chúng không tự dưng mà có. Thực tế, mỗi dân tộc có nhu cầu biết và diễn tả cho mình và cho người khác nguồn gốc xuất xứ của mình, về thời gian cũng như về lãnh thổ. Cũng giống như các dân tộc xung quanh, Ít-ra-en của thế kỷ V-IV trước CN đã bắt đầu kể lại quá khứ của mình. Đó là những trình thuật lấy lại các truyền thống cổ xưa, không chỉ để muốn nói là họ cũng có một quá khứ phong phú ngang tầm như các dân tộc khác, nhưng còn để muốn giải thích và đánh giá lại quá khứ đó với sự trợ giúp của niềm tin.


107. Vậy thì chúng ta biết gì về Áp-ra-ham và tổ tiên người Do Thái? Có lẽ họ là những người chăn súc vật đến từ miền Lưỡng Hà, thuộc lớp người du mục, di chuyển từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác tùy theo các mùa, tùy theo những cơn mưa và tùy theo sự chào đón của những vùng đất họ đi qua. Những văn sĩ thời hậu lưu đày, là những người mà suy tư của họ được nuôi dưỡng từ ký ức của cuộc lưu đày, đã hiểu được rằng thế hệ lưu đày đã trải qua kinh nghiệm tương tự như của các tổ phụ: họ là những người đã mất đất đai, mất cả thể chế chính trị và tôn giáo (đền thờ) và họ buộc phải đi đến một vùng đất xa lạ và sống ở đó như những người nô lệ. Đây quả là một bối cảnh bi kịch, buộc họ phải sống bởi niềm tin và hy vọng. Vì đã mất tất cả những gì làm nên căn tính của một dân tộc, nghĩa là đất đai và các thể chế của dân tộc, những người lưu đày dường như đã phải chịu cảnh bị xóa sổ, nhưng không, họ đã sống sót như một dân tộc nhờ niềm tin của mình. Kinh nghiệm sâu xa này đã giúp họ nuôi dưỡng lời cầu nguyện và đọc lại quá khứ của mình. Không nghi ngờ gì nữa, khi các văn sĩ Kinh Thánh thuật lại những lời hứa của Thiên Chúa và việc đáp trả bằng niềm tin của tổ phụ Áp-ra-ham (St 15,1-6), họ không nhắm đến những sự kiện mà việc truyền tải qua hàng thế kỷ của chúng là hoàn toàn chắc chắn. Nhưng đúng hơn là kinh nghiệm niềm tin của họ đã cho phép họ ghi lại với cách thức mà họ viết, nhằm đưa ra ý nghĩa phổ quát của các sự kiện này và mời gọi những người đồng hương tin vào quyền năng và sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng đã giúp chính họ và những bậc tổ tiên vượt qua những giai đoạn lịch sử vốn thường là bi kịch. Hơn là những sự kiện cụ thể, việc giải thích những sự kiện này của người Do Thái mới là điều quan trọng, vì đó chính là ý nghĩa gợi ra cho ngày hôm nay qua việc đọc lại lịch sử. Thực tế, ý nghĩa của một giai đoạn lịch sử kéo dài hàng thế kỷ sẽ không thể hiểu được và cũng sẽ không được chép lại dưới dạng các trình thuật thần học hay thi ca nếu không trải qua một khoảng thời gian nhất định. Các văn sĩ Kinh Thánh đã suy gẫm, với một niềm tin sống động vào Thiên Chúa, về sự sống sót của dân tộc mình trải qua hàng thế kỷ, dù trước những hiểm nguy luân lý cũng như những tai ương thảm họa khủng khiếp mà họ phải trải qua. Họ còn suy gẫm về vai trò của Thiên Chúa và đức tin vào Người trong những sự kiện này. Từ đó họ đã có thể suy luận ra rằng thời kỳ đầu của lịch sử của họ cũng đã trải qua như vậy. Vì thế, chúng ta không được đọc St 15 như là một ký sự lịch sử, nhưng như là một hành vi chuẩn mực mà Thiên Chúa muốn, một tiêu chuẩn mà các văn sĩ Kinh Thánh đã sống cách triệt để, mà họ có thể chuyển tải cho thế hệ của họ và cho thế hệ tương lai.


Tóm lại, để đánh giá lại tính chân thật của các trình thuật Kinh Thánh, cần phải đọc chúng như cách thế của thánh Phao-lô: “Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này” (1Cr 10,11).


2.2. Cuộc vượt qua Biển Đỏ (Xh 14)


108. Trình thuật về việc dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ tạo nên một yếu tố căn bản của các bài đọc phụng vụ trong cử hành Ki-tô giáo về đêm Phục sinh. Trình thuật này dựa trên một truyền thống rất lâu đời, nhớ lại cuộc giải phóng dân khỏi ách nô lệ. Truyền khẩu này, sau khi được viết ra, đã trở thành đối tượng cho nhiều lần “đọc đi đọc lại”, và cuối cùng được đưa vào trình thuật Xuất hành, trong Ngũ thư. Trong bối cảnh này, việc giải phóng dân Ít-ra-en được trình bày như là một cuộc sáng tạo mới. Như Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, phân chia biển cả và đất liền ra một bên, thì tương tự như thế, Người cũng đã “tạo dựng” dân Ít-ra-en, vạch ra một lối đi trên nền đất khô cạn của lòng biển để họ vượt qua. Do vậy, trình thuật nối kết chặt chẽ một truyền thống kể chuyện cổ xưa với một giải thích thần học, dựa trên thần học về sự sáng tạo.


Tính chân thật của trình thuật không chỉ nằm ở nơi truyền thống mà họ tưởng nhớ - một trình thuật cứu thoát được hiện thực hóa nơi biến cố lưu đày tại Ba-by-lon, khi dân Ít-ra-en làm nô lệ và khao khát tự do – nhưng còn hệ tại nơi việc giải thích thần học đi kèm. Vì thế, bản văn Kinh Thánh đã nối kết chặt chẽ một trình thuật cổ xưa, được truyền lại qua các thế hệ, và hiện thực hóa trình thuật đó. Việc hiện thực hóa này làm vang dội lại bối cảnh của các tác giả của đoạn Xh 14, lúc bản văn được soạn tác. Thật ra, bên cạnh thần học về sự sáng tạo, bản văn còn phát triển thần học ơn cứu độ, trình bày Thiên Chúa của Ít-ra-en như là một Đấng cứu độ, đã giải thoát dân Người khỏi áp bức, và Mô-sê như là một vị ngôn sứ đã mời gọi dân mình tín thác vào uy quyền cứu độ của Thiên Chúa: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em” (Xh 14,13). Cũng như trong thời cổ xưa, Thiên Chúa đã biết bảo vệ dân Người, thì tương tự như thế, trong mỗi bối cảnh sống, Người cũng có khả năng bảo vệ và cứu thoát dân Người. Vì thế, trình thuật biến cố xuất hành không có ý định chuyển tải ký sự về những sự kiện cổ xưa theo như kiểu của một văn kiện lưu nơi văn khố, nhưng đúng hơn là nhớ lại một truyền thống cổ xưa được chứng nhận, mà hôm nay, cũng như hôm qua, Thiên Chúa luôn ở cạnh và cứu vớt dân Người. 


Kinh nghiệm và niềm hy vọng được cứu thoát mà trình thuật biến cố Xh 14 mô tả ở đây, cũng có một truyền thống phụng vụ trong trình thuật Vượt qua được mô tả phía trước (Xh 12,1-13,16). Phụng vụ Ki-tô giáo trong đêm lễ Phục sinh cũng cho thấy trình thuật Xh 14 được “kiện toàn”: nơi Đức Giê-su Ki-tô, qua sự phục sinh của Người, Thiên Chúa, Đấng tạo hóa và là Đấng cứu độ đã tỏ cho dân Người trong cách thức dứt khoát và độc nhất.


2.3. Sách Tô-bi-a và sách Giô-na


109. Sách Tô-bi-a không nằm trong Sách Thánh Do Thái, nhưng trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Sắc lệnh về Quy điển của Công đồng Tren-tô đã đưa sách này vào trong các sách lịch sử của Cựu ước. Sách Giô-na nằm trong số mười hai ngôn sứ nhỏ của Sách Thánh Do Thái. Cả hai đều tường thuật hàng loạt các sự kiện mà chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng có xảy ra thật sự hay không.


2.3.1. Sách Tô-bi-a


Cái chết của bảy người chồng có cùng một người đàn bà trước khi ăn ở với nhau (3,8-17) là một sự kiện rõ ràng không có thật mà nếu đặt để riêng, chúng ta sẽ nhận ra ngay rằng trình thuật này là một loại văn hư cấu. Điều này giải thích việc có rất nhiều điểm sai niên đạ: chẳng hạn nhân vật được giới thiệu như một người Ít-ra-en lưu đày ở Ni-ni-vê, và cùng lúc, như là một người tuân giữ bộ đệ nhị luật (1,1-22); Tô-bi-a cũng “tiên tri” về thành Ni-ni-vê sụp đổ, về cảnh Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a bị tàn phá, cũng như về đền thờ bị thiêu hủy và công cuộc tái thiết (14,4-5).


Vì thế, chúng ta đang ở trong viễn cảnh của một truyện kể hư cấu dân gian thuộc lãnh vực tôn giáo với mục đích giáo huấn, và bởi vậy cho nên sách được đặt trong truyền thống khôn ngoan. Đây là một soạn tác văn chương với bộ khung nổi tiếng bởi cặp đôi Tô-bi-a và Xa-ra. Cuốn sách nói về hành vi của người công chính, mặc dù phải trải qua biết bao khổ đau, họ vẫn kiên trì cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng giải cứu họ.
Sự can thiệp của quỷ Át-mô-đai-ô có nguồn gốc từ truyền thống Kinh Thánh, trong đó, người ta nhìn thấy Xa-tan và những sứ giả của nó hành động như cách thức con người chúng ta và tạo ra những tai họa. Điều này cho phép chúng ta liệt kê tác phẩm vào trong thể loại văn chương kể chuyện tổng hợp cả nhân vật siêu phàm và con người. Nhưng khác với những trình thuật khác ở cùng thể loại, trong sách Tô-bi-a, sự can thiệp của quỷ Át-mô-đai-ô được đề cập rất hạn chế. Quỷ Át-mô-đai-ô là một nhân vật hư cấu, nhưng khả năng gây hại cho con người thì không hư cấu, đặc biệt nếu ai cố gắng sống trung thành với Thiên Chúa. Cũng vậy, sứ thần Ra-pha-en là nhân vật mà chức vụ mang tính văn chương, nhưng khả năng của những hữu thể giống như ngài can thiệp giúp đỡ những ai cầu khẩn danh Chúa là không hư cấu; điều này phù hợp với truyền thống Kinh Thánh ổn định, và được Giáo hội chấp nhận.


Sách Tô-bi-a là một tuyên ngôn với mục đích ca ngợi các thực hành đạo đức truyền thống trong Do Thái giáo, đó là cầu nguyện, ăn chay, và bố thí (12,8-9), cũng như việc thực thi lòng thương xót, nhất là chôn cất người chết (12,13) và lời nguyện chúc lành và tạ ơn, qua đó ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa (12,6.22; 13,1-18). Một khía cạnh đặc biệt của sách, đó là việc nhấn mạnh lời nguyện thánh hóa đời sống vợ chồng và tìm sự đỡ nâng lúc hiểm nguy (8,4-9).


2.3.2. Sách Giô-na


110. Việc sách Giô-na được lưu truyền trong nhóm các sách Mười hai Ngôn sứ là một dấu chỉ cho thấy rằng nhân vật của sách này từ rất sớm được xem như là một ngôn sứ thực thụ (x. 2V 14,25), và được đặt trong khung cảnh lịch sử dưới ách đô hộ Át-sua, theo như lời tường thuật của sách cho thấy, nghĩa là trước khi Ba-by-lon và Mê-đi-a (Iran cổ) bắt đầu phá hủy thành Ni-ni-vê vào năm 612 trước CN. Việc ở trong bụng cá ba ngày ba đêm của vị ngôn sứ được xem như là một dấu chỉ “lịch sử” tiên báo sự kiện phục sinh của Đức Giê-su (Mt 12,39-41; Lc 11,29-30; Mt 16,4).


Tuy nhiên, trong trình thuật này, không chỉ một số chi tiết, mà còn có những yếu tố về hình thái học làm cho chúng ta không thể xem như là những sự kiện lịch sử và buộc chúng ta phải giải thích bản văn như là một sáng tác tưởng tượng, với những nội dung thần học thâm sâu.


Ví dụ, một số chi tiết không thể xảy ra như: Ni-ni-vê là một thành rộng lớn, mất ba ngày đi bộ (Gn 3,3) – chi tiết này có thể được xem như là một phép ngoa dụ; về những yếu tố liên quan đến hình thái học, thật khó tin việc con cá nuốt Giô-na và giữ ông sống trong bụng cá suốt ba ngày ba đêm trước khi nhả ông ra (2,1.11), và việc yêu cầu toàn bộ dân thành Ni-ni-vê hoán cải (3,5-10) là không có dấu tích trong tài liệu ở Át-sua.


Trong ba chủ đề thần học có trong sách, chúng ta nhấn mạnh đến hai: (1) Nội dung của sứ điệp ngôn sứ không phải là một sắc lệnh không thể thu hồi (3,4), nhưng là một tuyên ngôn có thể thay đổi theo sự đáp trả của người nhận (4,2.11); (2) Do Thái giáo sau thời lưu đày có đặc điểm bị giằng co giữa hai khuynh hướng: khuynh hướng hòa giải, đại đồng hơn; và khuynh hướng khép kín, loại trừ. Ta thấy rõ sự đối nghịch này giữa các sách như Rút, Giô-na, Tô-bi-a với các sách khác như Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ét-ra, 
Nơ-khe-mi-a và các sách Sử biên niên. Ét-ra và Nơ-khe-mi-a đã cố gắng gìn giữ căn tính Do Thái, chống lại mọi thứ pha trộn với dân ngoại, đặc biệt là với hôn nhân hỗn hợp (Er 9-10; Nkm 10,29-31). Tuy nhiên, cũng không phải là không có chút nào tinh thần rộng mở và đại đồng hơn để có thể nuôi dưỡng những truyền thống tổ phụ và ngôn sứ cổ xưa. Sách Rút đã chống lại lệnh cấm hôn nhân hỗn hợp (R 1,4-19), chẳng hạn như bà cố nội của vua Đa-vít (R 4,17). Sách Giô-na đi xa hơn với tinh thần đại đồng của mình, đã làm cho những người Át-sua, vốn bị thù ghét vì đã phá hủy vương quốc Ít-ra-en và bắt dân lưu đày, và còn là những con người luôn hãnh diện vì những tập tục chiến tranh hung tàn, đã có khả năng hoán cải từ sứ điệp của tiên tri Giô-na.


2.4. Tin Mừng thời thơ ấu Đức Giê-su


111. Chỉ có thánh Mát-thêu (1-2) và thánh Lu-ca (1,5-2,52) đặt trước tác phẩm của mình một cái gọi là “Tin Mừng thời thơ ấu”, trong đó thuật lại gốc tích và khởi đầu cuộc sống của Đức Giê-su. Chúng ta có thể nhận thấy ở đây sự khác biệt lớn giữa hai trình thuật và với những sự kiện phi thường khơi dậy sự ngạc nhiên, chẳng hạn như việc thụ thai đồng trinh Đức Giê-su; câu hỏi đặt ra về tính lịch sử của những trình thuật này. Chúng tôi trình bày những sự khác biệt và hội tụ được tìm thấy trong hai trình thuật và cố gắng xác định thông điệp của hai bản văn.


a. Sự khác biệt


Mát-thêu đặt một gia phả vào khởi đầu Tin Mừng (Mt 1,1-17), khác biệt đáng kể so với bản gia phả trong Lc 3,23-38 khi nó được đặt sau phép rửa của Đức Giê-su. Tin về sự thụ thai Đức Giê-su bởi phép Chúa Thánh Thần được loan báo cho thánh Giu-se (Mt 1,18-25). Đức Giê-su sinh ra tại Bê-lem miền Giu-đê (Mt 2,1), quê hương của thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a, và được các đạo sĩ đến thăm và thờ lạy, dưới sự dẫn dắt của một ngôi sao, và các ông không biết về mối đe dọa nguy hiểm từ vua Hê-rô-đê (Mt 2,1-11). Được cảnh báo trong một giấc mơ, họ trở về nhà bằng một con đường khác (Mt 2,12). Thánh Giu-se, sau khi được một thiên thần Chúa báo mộng, đã trốn sang Ai Cập cùng với hài nhi và mẹ Người (Mt 2,13-15) trước khi vụ thảm sát các trẻ thơ ở Bê-lem xảy ra (Mt 2,16-18). Sau cái chết của vua Hê-rô-đê, thánh Giu-se, Đức Ma-ri-a và hài nhi Giê-su trở về quê hương và đến sống ở Na-da-rét, nơi Đức Giê-su lớn lên ở đó (Mt 2,19-23).


Một yếu tố khác biệt trong trình thuật của đoạn Lc 1,5-2,52, đó là sự hiện diện của Gio-an Tẩy giả và các câu chuyện song song về thánh Gio-an và Đức Giê-su; đó là việc công bố sự sinh hạ của hai vị (Lc 1,5-25.26-38), việc cắt bì và đặt tên (Lc 1,57-79; 2,1-21). Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se sống ở Na-da-rét (Lc 1,26) và vì cuộc điều tra dân số của Qui-ri-ni-ô, các ngài đã chuyển đến Bê-lem (Lc 2,1-5), nơi Đức Giê-su được sinh ra (Lc 2,6-7), và được các mục đồng đến thăm, là những người được thiên thần Chúa báo tin Đức Giê-su ra đời (Lc 2,8-20). Theo luật định, trẻ Giê-su được dâng lên Thiên Chúa trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem và được ông Si-mê-on và bà An-na chào đón (Lc 2,22-40). Hài nhi Giê-su sau đó ghé thăm một lần nữa trong Đền Thờ (Lc 2,41-52).


Không có trình thuật nào của Mát-thêu được tìm thấy trong Lu-ca và ngược lại. Cũng có những khác biệt đáng chú ý giữa hai trình thuật. Theo Mát-thêu, trước khi Đức Giê-su sinh ra đời, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se sống ở Bê-lem và chỉ sau khi trốn đi Ai Cập và tiếp theo là một cảnh báo đặc biệt, các ngài mới đến Na-da-rét. Còn theo thánh Lu-ca, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se sống ở Na-da-rét, và cuộc điều tra dân số đã dẫn họ đến Bê-lem và họ không trốn sang Ai Cập, nhưng trở về lại Na-da-rét. Thật khó để tìm ra giải pháp cho những khác biệt này. Mặt khác, chúng tiết lộ một sự độc lập lẫn nhau của hai thánh sử. Và điều này làm cho sự hội tụ có ý nghĩa hơn.


b. Sự hội tụ


112. Mát-thêu và Lu-ca, cả hai đều có các dữ liệu sau đây: Đức Ma-ri-a, Mẹ Đức Giê-su, đính hôn với thánh Giu-se (Mt 1,18; Lc 1,27), thuộc dòng dõi Đa-vít (Mt 1,20; Lc 1,27). Hai người không sống với nhau trước khi Đức Giê-su được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần (Mt 1,18.20; Lc 1,35); thánh Giu-se không phải là cha đẻ tự nhiên của Đức Giê-su (Mt 1,16.18.25; Lc 1,34). Tên của Đức Giê-su được một thiên thần truyền đạt (Mt 1,21; Lc 1,31), cùng với ý nghĩa cứu độ của nó (Mt 1,21; Lc 2,11). Đức Giê-su sinh hạ tại Bê-lem thời Vua Hê-rô-đê (Mt 2,1; Lc 2,4-7; 1,5) và lớn lên ở Na-da-rét (Mt 2,22-23; Lc 2,39.51). Các dữ kiện cơ bản liên quan đến con người, địa điểm và thời gian là giống nhau ở hai thánh sử. Đặc biệt quan trọng là sự hội tụ của cả hai liên quan đến việc thụ thai đồng trinh Đức Giê-su bởi phép Chúa Thánh Thần, loại trừ rằng thánh Giu-se là cha tự nhiên của Đức Giê-su.


c. Thông điệp


113. Các Tin Mừng thời thơ ấu của hai thánh Mát-thêu và Lu-ca giới thiệu cho phần còn lại của tác phẩm của mình và cho thấy những gì mà trong đời sống và hoạt động của Đức Giê-su tỏ lộ đều được đặt nền tảng trên những nguồn gốc đó. Thông qua những trình thuật và danh hiệu khác nhau được trao cho Đức Giê-su, các Tin Mừng này đã nói rõ mối quan hệ của Đức Giê-su với Thiên Chúa, nhiệm vụ của Người như là vị cứu tinh, vai trò phổ quát, số phận bi thương của Người, gốc rễ của Người trong lịch sử của Thiên Chúa với dân tộc Ít-ra-en.


Thánh Mát-thêu trình bày Đức Giê-su là Con Thiên Chúa (Mt 2,15); nơi Người, Thiên Chúa hiện diện và mang tên là Đấng “Em-ma-nu-en”, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Chính Thiên Chúa quyết định tên “Giê-su”, và tên gọi này diễn tả chương trình cứu độ của Người: “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Đức Giê-su là Đấng Ki-tô của nhà Đa-vít (Mt 1,1.16.17.18; 2,4), “Người sẽ là mục tử của dân tộc tôi, là Ít-ra-en” (Mt 2,6; x. Mc 5,1); Người là vị vua cuối cùng và dứt khoát mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Sự xuất hiện của các đạo sĩ cho thấy sứ mệnh của Đức Giê-su vượt ra ngoài Ít-ra-en và liên quan đến tất cả các dân tộc (Mt 2,1-12). Các mối đe dọa xuất phát từ vị vua lúc bấy giờ (Mt 2,1-18) và tiếp tục với người kế nhiệm ông (2.22), báo hiệu về cuộc thương khó và cái chết của Đức Giê-su. Nguồn cội của Đức Giê-su nơi dân Ít-ra-en hiện diện trong cả trình thuật và tập trung vào gia phả (Mt 1,1-17) và bốn trích dẫn về sự kiện toàn (Mt 1,22-23; 2,15.17-18,23; x. 2,6).
Trong Lu-ca chúng ta tìm thấy các dấu chỉ tương tự, mặc dù các biểu thức và điểm nhấn có khác nhau. Đức Giê-su được gọi là “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35; x. 1,32) và, trong Đền thờ, lời đầu tiên của Người, lời duy nhất được đề cập trong Tin Mừng thời thơ ấu, là: “Tôi phải lo những việc của Cha tôi” (Lc 2,49). Các thiên thần loan báo về sự ra đời của Đức Giê-su: “Một Đấng Cứu Thế được sinh ra cho anh em, Đấng Ki-tô là Đức Chúa” (Lc 2,11). Nơi “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 2,26), “ơn cứu độ” (Lc 2,30) và “sự cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (Lc 2,38) đã đến. Mối liên hệ của Đức Giê-su với vua Đa-vít (Lc 1,26.69; 2,4.11), mà đỉnh cao là việc loan báo của thiên thần, được nhấn mạnh: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Ý nghĩa phổ quát về sự xuất hiện của Đức Giê-su được ông Si-mê-on khẳng định: ơn cứu độ do Đức Giê-su mang đến là “dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2,31), và Đức Giê-su là “là ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32). Ông Si-mê-on cũng đề cập đến những khó khăn trong sứ mệnh của Đức Giê-su, khi nói về “dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34). Những gì được kể nằm trong bối cảnh đời sống tôn giáo của dân Ít-ra-en: nó bắt đầu bằng một lễ hiến tế trong Đền thờ (Lc 1,5-22) và kết thúc bằng một cuộc hành hương đến Đền thờ (2.41-50), tuân theo Luật Chúa (2,21-28).


114. Cả hai thánh sử đều đề cập đến việc thụ thai đồng trinh Đức Giê-su bởi phép Chúa Thánh Thần và khẳng định sự khởi đầu cuộc đời của Đức Giê-su là do hành động của Thiên Chúa, mà không có sự can thiệp của một người cha nhân loại. Trong Mt 1,20-23, việc truyền tin về cuộc sinh hạ của Đức Giê-su được kết nối với nhiệm vụ cứu độ của Người: Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ và hòa giải họ với Thiên Chúa; Đấng được gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” có nguồn gốc thần linh. Đấng cứu độ và ơn cứu độ chỉ đến từ Thiên Chúa, và đó là một món quà ân sủng của Người. Trong Lc 1,35, kết quả của việc thụ thai đồng trinh được chỉ ra: “Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Qua việc thụ thai đồng trinh Đức Giê-su, mối liên hệ giữa Người với Thiên Chúa được thể hiện. Vì Người là “Đấng Thánh”, nên Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; và ngay cả trong khía cạnh nhân loại, chỉ có Thiên Chúa là Cha của Người. Việc thụ thai đồng trinh Đức Giê-su có một ý nghĩa sâu sắc cả về mối liên hệ của Người với Thiên Chúa và cho cả nhiệm cục cứu rỗi của Người cho con người.


Xem xét sự khác biệt và sự hội tụ mà chúng ta tìm thấy trong những trình thuật thời thơ ấu của hai thánh sử, cần phải nói rằng công cuộc mạc khải cứu độ bao gồm tất cả những gì được nói về con người của Đức Giê-su và về mối liên hệ của Người với lịch sử Ít-ra-en và thế giới, như được trình bày và minh họa trong phần còn lại của Tin Mừng. Sự khác biệt, một phần có thể được hài hòa, chỉ nhắm đến các khía cạnh thứ yếu so với nhân vật trung tâm là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa và là vị cứu tinh của nhân loại, vốn là điểm chung đối với hai thánh sử.


2.5. Các trình thuật phép lạ


115. Trong Cựu ước và Tân ước, các sự kiện phi thường được thuật lại không tương ứng với những gì xảy ra thường ngày trong cuộc sống; chúng vượt quá khả năng của con người và được quy cho một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Từ lâu, do thiếu một lối tiếp cận khoa học, cũng như chịu ảnh hưởng bởi một số quan niệm triết học, đã có những bối rối về tính lịch sử của những loại trình thuật này. Theo khoa học hiện đại, mọi thứ xảy ra trên thế giới này đều diễn ra trên cơ sở các quy tắc bất biến, cái gọi là “quy luật tự nhiên”. Tất cả mọi thứ được xác định bởi những quy luật này, và không có chỗ cho các sự kiện phi thường. Ngoài ra còn có một quan điểm triết học rộng rãi cho rằng Thiên Chúa, mặc dù đã sáng tạo ra thế giới, nhưng Người không can thiệp vào chức năng vận hành của nó, do đó, nó diễn ra theo các quy tắc bất di bất dịch. Nói cách khác, người ta nói rằng không thể có những sự kiện phi thường do Thiên Chúa làm nên, và vì thế, họ cho rằng các trình thuật về những sự kiện này không thể có một sự thật lịch sử.


Vậy giờ đây chúng ta hãy xem xét những trình thuật về các phép lạ hiện diện trong Cựu ước và Tân ước, bằng việc tìm kiếm ý nghĩa trong bối cảnh văn chương của chúng. Những trình thuật trong Tân ước được tiếp nối với truyền thống của dân Ít-ra-en và cho thấy sức mạnh sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa đạt đến sự trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô.


a. Các trình thuật trong Cựu ước


116. Các sách Cựu ước tràn ngập bởi niềm tin rằng Thiên Chúa tạo dựng mọi sự; Người hoạt động liên tục trong thế giới này và gìn giữ mọi thứ được tồn tại và được sống. Với niềm tin của mình, dân Ít-ra-en coi sự sáng tạo, với tất cả những điều kỳ diệu của nó, như là kết quả của hành động chính xác của Thiên Chúa, trong thực tại thông thường và cả thực tại ngoại thường: mọi thứ đều liên tục, như một phép lạ vĩ đại. Tất cả mọi thứ là một thông điệp của đức tin, được tóm tắt rất hay qua những lời của Thánh vịnh: “Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,4).


Dưới hình thức như một bài vinh tụng ca, đức tin này diễn tả lòng biết ơn, niềm vui và lời ca khen, trong các bản văn như Tv 104 và Hc 43 (x. St 1). Thánh vịnh 4, được dành riêng cho Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, được nối kết theo sau là Tv 105, nơi tôn vinh quyền năng và sự trung tín của Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Ít-ra-en. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự và hoạt động qua công cuộc tạo dựng, thì chính Người cũng hoạt động trong lịch sử (x. Tv 106;135;136). Người hành động cách phi thường khi giải phóng Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ của Ai Cập và dẫn đưa họ đến vùng đất hứa. Mô-sê, người được Thiên Chúa ủy thác và ban cho khả năng, đã thực hiện các hành vi kỳ diệu này, được mô tả trong sách Xuất hành và nhiều bản văn khác (cả Tv 105,26-45). Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng to lớn mà quá trình giải phóng của Ít-ra-en có đối với các truyền thống cho đến khi nó được đọc lại trong sách Khôn ngoan 15,14 -19,17. Nhưng dường như không thể xác định cách chắc chắn các sự kiện đã thực sự xảy ra. Trong những truyền thống này, người ta nhớ lại, bày tỏ và công nhận rằng Thiên Chúa hành động trong lịch sử, và với quyền lực và sự trung tín của Người, Thiên Chúa đã dẫn dắt và cứu vớt dân Người.


b. Các phép lạ của Đức Giê-su


117. Cả bốn Tin Mừng đều nhắc đến một loạt các hành động phi thường do Đức Giê-su thực hiện. Thường xuyên nhất là việc chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Ngoài ra còn có ba lần Người cho kẻ chết sống lại (Mt 9,18-26; Lc 7,11-17; Ga 11,1-44) và một số “phép lạ thiên nhiên” như Đức Giê-su dẹp yên biển động (Mt 8,23-27), đi trên mặt biển (Mt 14,22-33), hóa bánh và cá ra nhiều (Mt 14,13-21), và biến nước thành rượu (Ga 2,1-11). Bên cạnh việc giảng dạy bằng các dụ ngôn, ngay cả những hành động phi thường của Đức Giê-su cũng thuộc về sứ vụ của Người và Người được chứng thực theo nhiều cách. Những trình thuật này không phải là một bổ sung sau này vào truyền thống ban đầu của sứ vụ Đức Giê-su.


Các thuật ngữ mà các Tin Mừng dùng để diễn tả các hành động đó mang nhiều ý nghĩa. Mặc dù diễn tả sự kinh ngạc của đám đông trước việc làm của Đức Giê-su (x. Mt 9,33; Lc 9,43; 19,17; Ga 7,21), các Tin Mừng không sử dụng một thuật ngữ tương ứng với hạn từ “phép lạ” của chúng ta (vốn có nghĩa là “hành động gây nên sự kinh ngạc”). Các Tin Mừng nhất lãm nói về “các việc làm đầy uy lực” (dynameis), trong khi Tin Mừng Gio-an sử dụng thuật ngữ “các dấu lạ” (semeia). Sự khác biệt trong các thuật ngữ này là rất đáng kể. Trong tất cả các hành động phi thường của Đức Giê-su, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một trạng huống cần kíp của một người được khắc phục (như bệnh tật, nguy hiểm, v.v.). Sau đó, Đức Giê-su, qua hành động của mình, Người cho thấy sự can thiệp phi thường này không phải là tất cả. Mt 11,20 thuật lại rằng: “Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối”(x. Lc 10,13). Là chưa đủ khi chỉ thán phục và cảm ơn người làm phép lạ, nhưng cần cải hoán theo sứ điệp của Người.


Trong Tin Mừng nhất lãm, Nước Thiên Chúa là trọng tâm sứ điệp loan báo của Đức Giê-su (x. Mt 4,17; Mc 1,15; Lc 4,43). Những việc làm uy lực của Người đã xác quyết và làm rõ rằng thực tại cứu độ của Vương quốc này đã đến gần và đang hiện diện. Về công việc của mình, Đức Giê-su nói: “Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”(Mt 12,28; x. Lc 11,20). Những việc làm đa dạng này không chỉ thể hiện các khía cạnh khác nhau của sức mạnh cứu rỗi của Nước Thiên Chúa, mà còn có chức năng mạc khải liên quan đến căn tính của Đức Giê-su. Sau khi dẹp yên biển động, các môn đệ tự hỏi: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,27). Câu hỏi của Gio-an tẩy giả: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không?” xuất phát “từ những công việc Đức Ki-tô làm” (Mt 11,2-3). Đức Giê-su trả lời câu hỏi này bằng cách liệt kê các những việc làm đầy uy quyền của mình (Mt 11,4-5).


Trong Tin Mừng Gio-an, những hành động phi thường của Đức Giê-su được gọi là “các dấu lạ”, do đó chúng phải dẫn đến một thực tại khác. Đầu tiên, đó là việc biến nước thành rượu ngon ở Ca-na, thánh sử viết: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Ý nghĩa và mục đích của các dấu lạ này là mạc khải vinh quang Đức Giê-su, bao gồm mối tương quan của Người với Thiên Chúa và là “vinh quang của Người Con duy nhất đến từ Chúa Cha” (Ga 1,14), và dẫn dắt con người đến niềm tin vào Đức Giê-su. Các dấu lạ thường được liên kết với một huấn dụ của Đức Giê-su, hướng tới một khía cạnh cụ thể về ý nghĩa ơn cứu độ của Người. Khi hóa bánh ra nhiều (Ga 6,1-58), Đức Giê-su tỏ cho thấy mình là “bánh ban sự sống” (Ga 6,35.48.51); qua việc cho người mù sáng mắt (Ga 9,1-41), Đức Giê-su là “ánh sáng thế gian” (Ga 9,5; x. 8,12; 12,46); khi cho La-da-rô sống lại (Ga 11,1-44), Đức Giê-su là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Trong phần kết luận đầu tiên về Tin Mừng của mình, thánh Gio-an đã nêu bật các dấu lạ mà Đức Giê-su làm và hướng trực tiếp đến độc giả: “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Các môn đệ (Ga 20,30) là những chứng nhân tận mắt, và tất cả những người khác phụ thuộc vào lời chứng của các ngài. Các dấu lạ, được chứng thực và viết thành văn, có mục đích dẫn đưa chúng ta đến niềm tin vào Đức Giê-su; niềm tin ấy không mơ hồ, nhưng được xác định rõ ràng, và vì thế, nó dẫn đưa chúng ta đến sự sống nơi Người.


Thánh Gio-an cũng thường sử dụng thuật ngữ “việc làm” (erga) để chỉ những hành động phi thường của Đức Giê-su. Sau khi chữa lành một người bệnh vào ngày Sa-bát (Ga 5,1-18), Đức Giê-su giải thích (5,19-47) như thể việc Người làm phụ thuộc vào việc của Chúa Cha: “Những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5,36; x. 10,25.37-38; 12,37-43). Thuật ngữ “việc làm” nhấn mạnh một đặc điểm khác trong hành động của Đức Giê-su. Chúng là “dấu lạ” cho con người, và chúng là những “việc làm” tương ứng với việc làm của Thiên Chúa Cha; do đó, chúng là một bằng chứng cho thấy Đức Giê-su đã được Chúa Cha sai đến.


118. Cuối cùng, chúng ta phải đề cập đến mục tiêu và đỉnh cao của tất cả các dấu lạ và những việc Đức Giê-su làm, đó là sự phục sinh của Người. Đây không còn là dấu lạ hữu hình nữa, và đó là việc làm của Chúa Cha, bởi vì “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết” (Rm 10,9; x. Gl 1,1; v.v.). Không ai nhìn thấy sự phục sinh của Đức Giê-su, nhưng sự kiện đó được các môn đệ biết đến, và chính các ngài là những người làm chứng (x. Cv 10,41), thông qua những lần hiện ra của Chúa Ki-tô phục sinh. Mục đích của các dấu lạ và việc làm của Đức Giê-su là mạc khải mối tương quan của Người với Thiên Chúa và trách vụ cứu rỗi của Người, được thể hiện như là sự cứu giúp những người khốn cùng và thông ban sự sống cho họ. Tất cả những điều này, giờ đây, được hoàn tất bằng sự phục sinh của Người. Điều này tỏ cho thấy và xác nhận sự kết hiệp thân tình của Thiên Chúa với Đức Giê-su, với ý nghĩa vượt qua cái chết và mọi bệnh tật, hướng đến sự sống viên mãn trong sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã loan báo sự phục sinh của Đức Giê-su với xác tín rằng “Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em”(2 Cr 4,14).


2.6. Những trình thuật về biến cố phục sinh


119. Một khó khăn đặc thù liên quan đến sự thật lịch sử của các trình thuật về biến cố phục sinh xuất phát từ việc chúng ta gặp phải nhiều sự khác biệt không dễ hòa hợp, dưới khía cạnh thuần túy sự kiện.


Tiến trình phục sinh của Đức Giê-su không được mô tả trong bất kỳ văn bản nào của Tân ước: thực tế nó bị che khuất khỏi con mắt nhân loại và chỉ thuộc về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng ta có hai loại trình thuật phục sinh; chúng kể lại những gì xảy ra sau khi phục sinh: cuộc viếng thăm của một số phụ nữ đến ngôi mộ của Đức Giê-su và những lần hiện ra khác nhau của Chúa phục sinh (x. 1 Cr 15,3-8), qua đó Người tỏ lộ là mình đang sống cho các nhân chứng do Người tuyển chọn. Cuộc viếng thăm ngôi mộ là sự kiện phục sinh duy nhất mà chúng ta đều thấy tương tự trong cả bốn sách Tin Mừng, mặc dù với nhiều biến thể chi tiết.


Chúng ta cùng xem xét cách riêng ba sự khác biệt, trong số những khác biệt khác, được ghi nhận trong bốn trình thuật: a. Chỉ có Mt 28,2 đề cập đến một trận động đất trước khi nói về sự xuất hiện của những người phụ nữ tại ngôi mộ Đức Giê-su. b. Chỉ có Mc 16,8 nói về việc các phụ nữ chạy trốn, về sự sợ hãi và im lặng của họ sau cuộc gặp gỡ với sứ giả từ trời. c. Theo các Tin Mừng nhất lãm (Mt 28,5-7; Mc 16,6-7; Lc 24,5-7), thông điệp về sự phục sinh của Đức Giê-su được loan truyền đến các phụ nữ bởi một hoặc nhiều sứ giả của Thiên Chúa; thay vào đó, theo Ga 20,14-17, là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, mặc dù nhìn thấy hai thiên thần trong ngôi mộ (Ga 20,12-13), nhưng bà vẫn nhận được thông báo trực tiếp từ Đức Giê-su về sự phục sinh của Người.


a. Động đất


120. Sự kiện chỉ có Mt 28,2 đề cập đến một trận động đất không có nghĩa là các Tin Mừng khác, vì không đề cập đến, nên phủ nhận nó. Lối suy diễn như vậy sẽ không chắc chắn, khi chỉ dựa trên một lập luận và sự im lặng. Mặt khác, “trận động đất” dường như là một phần trong phong cách thần học của Mát-thêu. Trên thực tế, chỉ có Mát-thêu mới đề cập đến một trận động đất - kết hợp với các hiện tượng phi thường khác - sau cái chết của Đức Giê-su (27,51-53), và trình bày nó như là lý do tại sao viên đại đội trưởng và các binh lính đầy sợ hãi và thú nhận rằng Đức Giê-su bị đóng đinh chính là con Thiên Chúa (27,54). Về vấn đề này, phải nói rằng, trong các mô tả về các cuộc thần hiện được tìm thấy trong Cựu ước, động đất là một trong những hiện tượng thể hiện sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa (x. Xh 19,18; Tl 5,4-5; 1 V 19,11; Tv 18,8; 68,8-9; 97,4; Is 63,19). Trong sách Khải huyền, trận động đất, một cách biểu tượng, diễn tả một sự rung chuyển có xu hướng phá vỡ “hệ thống trái đất”, được cấu thành bởi một thế giới bên ngoài Thiên Chúa và đối lập với Người, và vào một thời điểm nhất định sẽ sụp đổ (x. Kh 6,12 ; 11,13; 16,18).


Do đó, có khả năng thánh Mát-thêu đã sử dụng “mô-típ văn học” này. Khi đề cập đến trận động đất, ngài muốn nhấn mạnh rằng cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su không phải là những sự kiện thông thường, mà là những sự kiện “xáo trộn”, qua đó, Thiên Chúa hành động và mang lại ơn cứu độ cho loài người. Ý nghĩa cụ thể của hành động thần linh này phải được suy ra từ bối cảnh Tin Mừng: cái chết của Đức Giê-su giúp cho ơn tha thứ tội lỗi và hòa giải với Thiên Chúa được kiện toàn (x. Mt 20,28; 26,28), và qua sự phục sinh của mình, Đức Giê-su chiến thắng cái chết, bước vào sự sống của Chúa Cha và có quyền lực trên mọi sự (x. 28,18-20). Do đó, thánh sử không nói về một trận động đất mà sức mạnh của nó có thể được đo lường theo mức độ của một quy mô nhất định, nhưng muốn đánh thức và hướng sự chú ý của độc giả đến Thiên Chúa, nêu bật mốc thời gian quan trọng nhất của cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, đó là mối liên hệ giữa họ với sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa.


b. Hành vi của các phụ nữ


121. Tương tự như trường hợp của Mc 16,8, trong đó đề cập đến phản ứng của các phụ nữ đối với thông điệp phục sinh, một phản ứng đầy sợ hãi và hoảng loạn: “Họ đã đi ra khỏi ngôi mộ, vì họ đầy sợ hãi và kinh ngạc. Và họ không nói gì với bất cứ ai, vì họ sợ”. Các thánh sử khác không tường thuật những hành vi như vậy. Cũng như trận động đất là một trong những hiện tượng đi kèm với việc thể hiện uy quyền của Thiên Chúa, thì cũng vậy, nỗi sợ hãi cũng diễn tả phản ứng thông thường của con người trước một sự kiện như vậy. Một đặc điểm của Tin Mừng Mác-cô là thể hiện bản chất và phẩm tính của các sự kiện thông qua phản ứng của những người hiện diện (x. Mc 1,22.27; 4,41; 5,42; v.v.). Phản ứng mạnh mẽ và rõ rệt nhất được kể lại trong Tin Mừng này chính là phản ứng của các phụ nữ sau khi nghe sứ điệp phục sinh đến từ sứ giả của Thiên Chúa. Qua phản ứng của những người phụ nữ này, thánh sử chỉ ra rằng sự phục sinh của Đức Giê-su bị đóng đinh là biểu hiện lớn nhất quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Thánh sử không chỉ truyền đạt sự kiện như vậy, mà còn cho thấy ý nghĩa quyết định đối với con người và hiệu ứng tạo ra đối với họ.


c. Nguồn gốc thông điệp phục sinh


122. Nguồn gốc thông điệp phục sinh được trình bày theo nhiều cách khác nhau qua các Tin Mừng. Theo Tin Mừng nhất lãm (Mt 28,5-7; Mc 16,6-7; Lc 24,5-7), những phụ nữ đến ngôi mộ của Đức Giê-su và thấy nó trống rỗng, và họ nhận được thông điệp về sự phục sinh của Đức Giê-su từ một hoặc hai thiên sứ. Theo Ga 20,1-2, bà Ma-ri-a Mác-đa-la, sau khi thấy ngôi mộ trống, đã chạy đến các môn đệ và nói với các ông: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi ngôi mộ và chúng tôi chẳng biết họ đã để Người ở đâu”. Bà lặp lại lời giải thích này hai lần nữa (Ga 20,13.15) về ngôi mộ trống, và chỉ sau khi Chúa phục sinh hiện ra (Ga 20,14-17), bà mới mang thông điệp phục sinh của mình cho các môn đệ (Ga 20,18). Ở đây, chúng ta có thể tự hỏi, liệu Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, liên quan đến việc khám phá ngôi mộ trống, đã đi bước trước trong sự giải thích chính xác về sự kiện này, và như thế trái ngược với điều đã được đề cập mà bà Ma-ri-a Mác-đa-la đưa ra trong Ga 20,2.13.15 (x. Mt 28,13). Bằng cách đưa lời giải thích này vào miệng của vị thiên sứ, ba thánh sử đã mô tả nó như một kiến ​​thức siêu phàm, chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Nhưng nguồn gốc thực sự của sự giải thích này là cùng một Chúa phục sinh xuất hiện trước các nhân chứng được chọn. Không còn nghi ngờ gì nữa, nền tảng đức tin vững chắc nhất trong sự phục sinh của Đức Giê-su là những lần hiện ra của Người (x. 1 Cr 15,3-8).


Bốn trình thuật về cuộc viếng thăm ngôi mộ, với những khác biệt của chúng, làm cho sự tương hợp về tính lịch sử trở nên khó khăn, nhưng chính những khác biệt này tạo thành một sự kích thích thực sự để chúng ta hiểu chúng đầy đủ hơn. Nghiên cứu về ba điểm khác biệt chính: động đất, việc bỏ chạy của các phụ nữ và thông điệp từ trời - đã cho thấy một ý nghĩa chung, đó là họ làm chứng về Thiên Chúa và về sự can thiệp quyết định của quyền năng cứu rỗi của Người trong sự phục sinh của Đức Giê-su.


Kết quả này, một đàng giúp chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc phải xem từng chi tiết trong các trình thuật (không chỉ trong các trình thuật phục sinh, mà còn trong toàn bộ các sách Tin Mừng) như là một sử liệu chính xác, một đàng thúc đẩy chúng ta mở ra và chú ý đến ý nghĩa thần học không chỉ trong những khác biệt, mà còn trong tất cả các chi tiết của trình thuật.


d. ‘Giá trị thần học của các Tin Mừng’


123. Vẫn còn phổ biến ý kiến ​​cho rằng các sách Tin Mừng về cơ bản là một sử biên của các sự kiện, trong đó các nhân chứng cung cấp một trình thuật chính xác. Ý tưởng này dựa trên niềm tin chính xác rằng đức tin Ki-tô giáo không phải là một suy đoán lịch sử, mà dựa trên các sự kiện có thật. Thiên Chúa hành động trong lịch sử và làm cho mình hiện diện cách siêu việt trong người Con nhập thể của Người. Nhưng một quan niệm chỉ thấy trong Tin Mừng hoàn toàn chỉ có một loại sử biên thì như thế có thể đánh mất tầm quan trọng về giá trị thần học của các Tin Mừng, và do đó, ta đánh mất sự phong phú của các Tin Mừng, như là lời nói về Thiên Chúa. Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng, trong Huấn thị về Chân lý lịch sử của Tin Mừng - Sancta Mater Ecclessia - năm 1964, khẳng định: “Từ những nghiên cứu mới, dường như cuộc đời và giáo huấn của Đức Giê-su không chỉ đơn giản được đề cập với mục đích duy nhất là bảo tồn ký ức, mà còn được “rao giảng” để cung cấp cho Giáo hội nền tảng của đức tin và của những tập tục; do đó, nhà chú giải, khi xem xét kỹ lưỡng những lời chứng của các thánh sử, với sự tiếp cận sâu xa hơn, có thể sẽ mang lại giá trị thần học bất diệt về các Tin Mừng, và đưa ra ánh sáng đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng trong việc giải thích của Giáo hội” (EB: Enchiridion Bibl., 652).


Do đó, chúng ta phải tính đến thực tế rằng các Tin Mừng không chỉ là cuốn sử biên về các sự kiện trong cuộc đời của Đức Giê-su, vì các thánh sử, theo mẫu văn tường thuật, cũng có ý định bày tỏ giá trị thần học của các sự kiện này. Điều này có nghĩa là, trong tất cả những gì các ngài nói, các ngài không có ý định chỉ cung cấp các dữ kiện lịch sử, nhưng các ngài cũng muốn đưa ra một ‘diễn giải thần học’ về những sự kiện các ngài đang nói, đồng thời diễn tả giá trị thần học và nhấn mạnh mối quan hệ của chúng với Thiên Chúa.
Nói cách khác, ý định loan báo Đức Giê-su, Con Thiên Chúa và Đấng cứu độ con người - một ý định có thể được gọi là “thần học” - là phổ biến và cơ bản trong Tin Mừng. Việc tham khảo các sự kiện cụ thể mà chúng ta gặp phải trong Tin Mừng là một phần của loan báo thần học này. Điều này có nghĩa là, trong khi những quả quyết thần học về Đức Giê-su có giá trị trực tiếp và chuẩn mực, thì các yếu tố lịch sử thuần túy có chức năng phụ thuộc.


3. Thách đố thứ hai: những vấn đề luân lý và xã hội


124. Một số bản văn Kinh Thánh khác, với từng bản chất khác nhau, cũng đặt ra một thách thức cho việc giải thích. Đó là những bản văn nói về những hành vi hầu như là vô luân, bày tỏ thái độ thù hận và bạo lực, hoặc như cổ võ cho các điều kiện xã hội mà ngày nay bị xem là bất công. Những bản văn này có thể gây khó và làm bối rối các Kitô hữu, là những người đôi khi bị người ngoài Ki-tô giáo lên án về một tôn giáo răn dạy những điều bạo lực và sự vô luân trong cuốn sách thánh thiêng của mình. Đối với vấn đề khó khăn này, với Cựu ước, chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề bạo lực, được thể hiện rõ nhất trong luật tru hiến và trong các thánh vịnh có nội dung mong muốn trả thù; với Tân ước, chúng ta sẽ đề cập tới địa vị xã hội của phụ nữ trong thư thánh Phao-lô.


3.1. Bạo lực trong Kinh Thánh


125. Một trong những trở ngại lớn trong việc đón nhận Kinh Thánh như Lời được linh hứng, đó là sự hiện diện lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là trong Cựu ước, những biểu hiện bạo lực hung hãn, trong nhiều trường hợp do bởi lệnh truyền của Thiên Chúa, trường hợp khác là nội dung cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, và đôi khi còn được tác giả thánh quy hướng về Thiên Chúa cách trực tiếp.


Sự khó chịu của độc giả thời nay không giảm thiểu. Thật ra, điều này làm cho một số người than phiền về các bản văn Cựu ước, được xem như lỗi thời và không phù hợp cho việc nuôi dưỡng niềm tin. Ngay chính cả hàng giáo phẩm Công giáo cũng nhận ra những phản hồi mục vụ của vấn đề này, và quy định rằng trong nghi thức phụng vụ công khai, không được chọn đọc toàn bộ những đoạn sách như thế, và những câu làm xúc phạm đến cảm thức của người Ki-tô hữu cũng nên lược bỏ. Không biết có sai lầm hay không khi suy luận rằng một phần của Kinh Thánh không xứng với đặc sủng linh hứng, và trong thực tế chúng không “có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3,16).


Vì thế thật cần thiết cho chúng ta nêu ra đây một vài ý hướng giải thích để tiếp cận truyền thống Kinh Thánh cách đúng đắn, nhất là những đoạn có vấn đề, chúng phải được giải thích trong khung cảnh toàn bộ Kinh Thánh, dĩ nhiên dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng về việc yêu thương ngay cả kẻ thù (Mt 5,38-48).


 3.1.1. Bạo lực và các chế tài pháp luật của nó


126. Ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh đã mô tả bạo lực nổi lên trong xã hội loài người (St 4,8.23-24; 6,11.13), mà nguyên nhân của chúng xuất phát từ việc con người chối bỏ Thiên Chúa mà tôn thờ ngẫu tượng (Rm 1,18-32). Kinh Thánh tố cáo và lên án mọi hình thức áp bức, từ nô lệ cho đến các cuộc chiến huynh đệ, từ những xâm hại cá nhân cho đến những hệ thống áp bức, hoặc giữa các quốc gia hay trong nội bộ dân Ít-ra-en với nhau (Am 1,3-2,16). Khi đặt để trước con người những hệ quả khủng khiếp của những tâm hồn lầm lạc (St 6,5; Gr 17,1), Lời Chúa thể hiện chức năng ngôn sứ của mình, và mời gọi con người nhận ra sự dữ để né tránh và chống lại nó.


Để cổ võ cho con người nhận thức làm điều thiện (Rm 3,20), và tạo điều kiện cho việc hoán cải, Kinh Thánh đã ban hành lề luật của Thiên Chúa như là một cái phanh kìm hãm sự bất công. Tuy nhiên, Lề luật của Thiên Chúa không chỉ đưa ra con đường công chính mà mỗi người được kêu gọi phải bước theo, mà còn quy định những động thái nào dành cho những người có tội, và như thế sự dữ được loại trừ (Đnl 17,12; 22,21.22.24; …), các nạn nhân được bồi hoàn và hòa bình được triển nở. Không thể chỉ trích mệnh lệnh đó như là một hành vi hung bạo. Những biện pháp chế tài thật sự là cần thiết, bởi lẽ không chỉ nêu rõ ra sự dữ và mối nguy hiểm của tội ác, và tạo ra một đền đáp công bằng, nhưng còn nhắm sửa lỗi cho người có tội khi họ sợ hãi những hình phạt, góp phần giúp ích cho xã hội và cho hối nhân chừa bỏ đường gian ác. Việc bãi bỏ hoàn toàn các hình phạt thì tương tự như việc dung thứ cho các hành vi sai trái, và trở thành những kẻ tòng phạm. Hệ thống hình phạt, được quy định bởi giới luật được gọi là “luật báo đền” (“mắt đền mắt, răng đền răng” Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19,21) đã tạo nên khuôn mẫu hợp lý vì lợi ích chung. Mặc dầu còn bất toàn ở khía cạnh cưỡng chế của giới luật này và cách thức chế tài của nó, thì hệ thống này rõ là một sự tổng hợp của những quy định pháp lý của mỗi thời kỳ và mỗi quốc gia, bởi vì theo đúng lý tưởng dựa trên sự cân xứng giữa tội và hình phạt, giữa thiệt hại gây ra và thiệt hại phải chịu. Vì thế, thay vì trả thù cách tùy tiện, người ta đã đưa ra một định lượng đáp trả tương xứng cho một hành vi gian ác.


Người ta có thể phản biện rằng một số quy định về hình phạt trong các bộ luật của Cựu ước có vẻ quá hung bạo (chẳng hạn như hình phạt đánh đòn ở Đnl 25,1-3; hay luật chặt tay ở Đnl 25,11-12); ngay cả án phạt tử hình, được dành cho những tội nghiêm trọng, thì ngày nay bị phản đối cách rộng rãi. Độc giả Kinh Thánh trong những trường hợp này, một mặt phải nhìn nhận khía cạnh lịch sử thể chế luật pháp trong Kinh Thánh, vốn đã bị vượt qua bởi một nhận thức tốt hơn về quyền con người không thể chối bỏ được; một mặt phải hiểu rằng những định chế cổ xưa dù sao cũng có thể góp phần chỉ ra sự nghiệm trọng của một số tội ác, vốn đòi buộc những chế tài xứng hợp để sự dữ không bị lan rộng.


Đang khi nơi Kinh Thánh, người ta gán cho Thiên Chúa và cho vị quan tòa nhân loại quyền biểu lộ sự giận giữ bằng việc thi hành sự công bằng qua án phạt, thì không có nghĩa đây là một lối hành xử không đúng mực. Nhưng thật sự phải như vậy để sự dữ phải bị luận phạt, và những nạn nhân phải được trợ giúp và bồi hoàn. Mặt khác, Kinh Thánh, ngay cả trong Cựu ước, kiện toàn cái nhìn của Thiên Chúa trong việc bảo vệ lẽ công bình qua việc luôn nhắc đi nhắc lại về sự kiên nhẫn của Người (Xh 34,6; Ds 14,18, Tv 103,8; . . .), và nhất là với việc luôn mở rộng ơn tha thứ cho người lỗi phạm (Is 1,18; Gn 4,11); ơn tha thứ này được trao ban một khi tội nhân bày tỏ thái độ và hành động sám hối (St 3,10; Ed 18,23). Khuôn mẫu của Thiên Chúa là làm hòa hợp những hình phạt cần thiết theo quy định với sự dịu dàng và viễn cảnh tha thứ, và khuôn mẫu này xuất phát từ Kinh Thánh được đề ra để cho con người bắt chước với tinh thần trách nhiệm về sự công bình và hòa hợp xã hội.


3.1.2. Luật tru hiến


127. Đặc biệt trong sách Đệ nhị luật, chúng ta có đoạn Thiên Chúa ra lệnh cho dân Ít-ra-en phế truất các vương quốc vùng Ca-na-an và tru hiến họ (Đnl 7,1-2; 20,16-18); lệnh truyền này được Giô-suê trung thành thi hành (Gs 6-12) và kết thúc ở giai đoạn quân chủ đầu tiên (x. 1Sm 15). Trình thuật này cho thấy có vấn đề, còn nghiêm trọng hơn những trận chiến và tàn sát khác được tường thuật trong Cựu ước. Việc thực thi một hệ thống hành xử quốc gia nhằm biện hộ cho thái độ hung bạo trên các quốc gia khác, trong mọi trường hợp, là điều đáng chê trách, bởi lẽ làm bóp méo ý nghĩa của những trang Kinh Thánh.


Cần phải ghi nhận ngay từ đầu, rằng những trình thuật này không trình bày những đặc tính của một ký sự lịch sử: thật ra, trong một cuộc chiến, các tường thành không thể sụp đổ do bởi những tiếng tù và (Gs 6,20), cũng không thể xảy ra việc phân chia địa giới cách thanh bình qua cuộc rút thăm (Gs 14,2). Mặt khác, huấn lệnh trong sách Đệ nhị luật quy định việc tru hiến những người Ca-na-an được viết thành văn trong một thời khắc lịch sử mà những dân tộc đó không còn hiện diện nữa trên đất Ít-ra-en. Vì thế cần xem xét kỹ lưỡng thể văn của những truyền thống thuật chuyện này. Như những nhà chú giải bậc nhất thời các giáo phụ đã đưa ra, trình thuật thiên hùng ca chinh phạt miền đất hứa phải được xem như một dạng dụ ngôn, là đặt để các nhân vật vào trong khung cảnh của các giá trị biểu trưng; bên cạnh đó, giới luật tru hiến không được giải thích theo nghĩa đen, cũng như trường hợp lệnh truyền của Thiên Chúa về việc chặt tay hay móc mắt đối với những trường hợp làm gương mù gương xấu (Mt 5,29; 18,9).


Dù sao giờ đây cũng phải chỉ ra cách thế để định hướng cách đọc các bản văn khó này. Phương diện đầu tiên gây tranh cãi về truyền thống văn chương vừa được nêu ở trên, đó là cuộc chinh phạt, được hiểu như một cuộc trục xuất dân bản địa để định cư trên phần đất của họ. Việc cậy dựa vào luật của Thiên Chúa để phân phối đất đai cách ưu tiên cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn là không thuyết phục (Đnl 7,6-11; 32,8-9), bởi vì như thế là chối bỏ tính hợp pháp của dân bản địa.


Có những hướng giải thích khác thuyết phục hơn rút được từ bản văn Kinh Thánh. Thứ nhất, trình thuật được đặt để trong bối cảnh của sự xung đột giữa hai nhóm người với điều kiện kinh tế và binh lực khác nhau, đó là những người Ca-na-an rất hùng mạnh (Đnl 7,1; x. Ds 13,33; Đnl 1,28; Am 2,9…), với những người Ít-ra-en, vốn rất yếu thế và không có vũ trang; vì thế như là một khuôn mẫu lý tưởng, trình thuật không được mô tả với sự thắng thế của kẻ hùng mạnh, nhưng trái lại, là chiến thắng của những con người nhỏ bé, tương hợp với “hình ảnh” được chứng thực trong toàn bộ Kinh Thánh cho đến Tân ước (Lc 1,52; 1 Cr 1,27). Điều đó đã diễn tả một sự đọc lại lịch sử theo cách ngôn sứ, là qua những chiến thắng huyền thoại trong một trận “thánh chiến”, người ta nhìn thấy được sự hoàn thành của Nước Chúa nơi trần thế. Bên cạnh đó, theo chứng thực của Kinh Thánh, người Ca-na-an bị Thiên Chúa xem là đã phạm những tội ác nghiêm trọng (St 15,16; Lv 18,3.24-30; 20,23; Đnl 9,4-5…), trong đó có việc giết chết chính con cái của họ trong những nghi thức sai lạc (Đnl 12,31; 18,10-12). Vì thế trình thuật nêu trên nhắm đến việc hiện thực hóa sự phán xét của Thiên Chúa trong lịch sử. Và Giô-suê được xem như là “tôi tớ Chúa” (Gs 24,29; Tl 2,8) trong việc thực thi nhiệm vụ của người thi hành công lý: những chiến thắng của ông luôn được gán cho Thiên Chúa và uy quyền siêu phàm của Người. Như thế, đề tài văn chương về sự phán xét các dân nước bắt đầu từ những trình thuật về nguồn gốc, nhưng cũng như các bản văn ngôn sứ và khải huyền, nó mở rộng tới các dân khác nhau, mỗi lần một dân, và vì thế ngay cả dân Ít-ra-en, cũng sẽ được Thiên Chúa phán xét vơi hình phạt tương xứng.


Giờ đây, trong cùng một chiều hướng này chúng ta cũng cần phải hiểu về luật tru hiến và việc áp dụng chính xác luật này của những người tin vào Thiên Chúa. Luật định này gợi hứng cho một lối giải thích thánh thiêng của đoàn dân giao ước (Đnl 7,6), là dân phải biểu lộ, thậm chí cách cực đoan, sự khác biệt căn bản với các dân tộc khác. Dĩ nhiên Thiên Chúa không ra lệnh thi hành một sự lạm quyền nào đó được biện minh với những lý do tôn giáo, nhưng Người đòi phải tuân hành một phận vụ công lý, như truy tố, lên án và xử tử một tội nhân mang án tử hình, hoặc với một cá nhân, hoặc với một tập thể. Việc thương xót những tội ác và miễn trừ chúng được xem như một hành động bất tuân phục và bất công (Đnl 13,9-10; 19,13.21; 25,12; 1Sm 15,18-19; 1V 20,42). Vì thế, ngay cả trong trường hợp này, lối hành xử hung bạo rõ ràng phải được giải thích như là một ước muốn loại bỏ sự dữ, như thế sẽ gìn giữ được lợi ích chung của cộng đồng. Luồng văn này được tu chính bởi những luồng văn khác, trong đó có luồng văn tư tế, mà đối với cùng những sự việc như vậy, nó lại đề xuất đường hướng hòa bình. Bởi lý do này mà chúng ta phải hiểu toàn bộ sự kiện của cuộc đánh chiếm miền đất hứa như là một sự biểu trưng, tương tự như cách chúng ta đọc một số dụ ngôn trong Tin Mừng về cuộc phán xét (Mt 13,30.41-43.50; 25,30.41). Vì thế, cuộc đánh chiếm này, chúng ta lập lại, phải được liên kết với các trang Kinh Thánh khác, là những trang loan báo lòng thương cảm của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Người.


3.1.3. Lời cầu xin trả thù


128. Việc biểu lộ thái độ bạo lực còn thể hiện cách rất không phù hợp khi được diễn tả qua lời cầu nguyện; ngay cả trong bộ Thánh vịnh chúng ta thấy có những lời ghét bỏ và mong muốn trả thù hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần yêu thương kẻ thù mà Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ của Người (Mt 5,44; Lc 6,27.35). Mặc dù tôn trọng quyết định cẩn trọng khi loại bỏ khỏi phụng vụ những gì được xem là gương mù gương xấu, nhưng rõ ràng là cần phải có những chỉ dẫn để các tín hữu thích nghi toàn bộ gia sản lời cầu nguyện của dân Ít-ra-en ngay cả hôm nay, như đã diễn ra trong quá khứ.


Khuôn mẫu chính yếu dùng để giải thích và đón nhận những lối diễn tả khó này trong bộ Thánh vịnh là phải hiểu được thể văn; điều đó có nghĩa là cách thức diễn tả bằng lời mà chúng ta đọc hôm nay không được hiểu theo nghĩa đen. Trong các Thánh vịnh cầu xin và than vãn của một người bị bách hại, thường xuyên xuất hiện mẫu thức “nguyền rủa”, được diển tả như một lời cầu xin đầy thương cảm hướng về Thiên Chúa, để Người thực thi ơn cứu rỗi qua việc loại bỏ kẻ thù. Trong một số Thánh vịnh, chiều kích trả thù này được nhấn mạnh hay trổi vượt hẳn (như Tv 109). Nếu những lối diễn tả mà tác giả Thánh vịnh sử dụng có từ ngữ ôn hòa (chẳng hạn như: “Chớ gì những ai tìm hại mạng sống con phải xấu hổ thẹn thùng, kẻ tính kế hại con phải tháo lui nhục nhã!” Tv 35,4) thì dễ hòa nhịp vào trong lời cầu nguyện; nhưng sẽ trở thành vấn đề đối với những hình ảnh hung bạo (chẳng hạn như:  “Vì Ngài vẫn một lòng thương mến, xin tiêu diệt những kẻ thù con” (Tv 143,12) hay:  “Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt! Phúc thay người xử lại với mi, như mi đã xử với ta! Phúc thay người bắt những con thơ của mi mà đem đập vào đá” (Tv 137,8-9). Về vấn đề này có ba khía cạnh cần xem xét:


a. Chủ thể của lời cầu nguyện: người đau khổ


129. Thể loại văn than vãn dùng những từ ngữ phóng đại hay trầm trọng hóa vấn đề, hoặc để mô tả nỗi đau khổ cùng cực phải chịu : “Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem” (Tv 22,17-18); hay: “Kẻ vô cớ ghét con nhiều hơn tóc trên đầu, bọn thù con vô lý lại mạnh thế hơn con” (Tv 69,5), hoặc trong những lời van xin những biện pháp cứu chữa, họ mong muốn phải nhanh chóng, tức thời và dứt khoát. Lý do của những điều này là những lời nguyện đó diễn tả tâm trạng nếm trải của người đang lâm cảnh bi kịch; Vì thế, những tâm tình của họ không thể có được sự điềm tĩnh, và những lời họ phát ra giống như là tiếng gào thét (Tv 22,2). Trong mọi trường hợp, những hình ảnh được dùng phải được xem như là những hình ảnh ẩn dụ: “…đập gẫy răng bọn gian ác...” (3,8; 58,7) có nghĩa là muốn dừng sự gian dối và tham lam nơi người quyền thế; hay “đập nát những đứa con thơ vào đá” (137, 9) nghĩa là muốn loại bỏ sức mạnh xấu xa làm hủy hoại cuộc sống, và không cho nó có khả năng sinh sản trong tương lai… Bên cạnh đó, những ai cầu nguyện với Thánh vịnh đều dùng những lời được một người khác viết lại trong những hoàn cảnh khác nhau; vì thế cần phải luôn biết hoán đổi vị trí để áp dụng vào trong chính hoàn cảnh sống cá nhân của mình. Việc thực tại hóa tương đồng sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu biết dùng những lời cầu nguyện than vãn không phải như một sự biểu cảm của hoàn cảnh sống cá nhân của mình, nhưng là như một lời khổ đau của các nạn nhân trong toàn bộ lịch sử.


b. Người cầu nguyện xin gì? “xin cứu khỏi sự dữ”


130. Trong những lời cầu xin có tính nguyền rủa, người ta không xin một hành động thần diệu có hiệu quả tức thì trực tiếp lên kẻ thù; nhưng họ phó thác vào Thiên Chúa nhiệm vụ thực thi sự công bình mà không ai trên trần gian này có thể làm được. Những lời kêu xin có vẻ áp đặt cho Thiên Chúa cách thức hành động; tuy nhiên, nếu hiểu chính xác, họ chỉ bày tỏ mong muốn là sự dữ bị loại bỏ, và như thế, những con người hèn mọn được bước vào cõi sống. Và người ta cầu xin rằng những điều đó được thực hiện trong lịch sử, như mạc khải của Thiên Chúa (Tv 35,27; 59,14; 109,27) và bởi điều này mà những lời cầu xin đó trở thành trung gian bầu cử để hoán cải những kẻ hung bạo (Tv 9,21; 83,18-19); thật ra, sự bách hại chống lại những người van xin trong một số trường hợp được xem như là chống lại Thiên Chúa (Tv 2,2; 83,3.13), và thường đi kèm với thái độ khinh miệt đối với Người (Tv 10,4.13; 42,4; 73,11).


c. Ai là kẻ thù của người cầu nguyện?


131. Việc xác định ai là kẻ thù của người cầu nguyện không phải là một việc thuần túy thuộc phạm trù chú giải, qua đó chỉ ra nhân vật nào và bối cảnh lịch sử nào mà tác giả thánh đã ám chỉ đến. Thực tế, bối cảnh được miêu tả trong thánh vịnh (than vãn) giống như một khuôn đúc; ngôn từ thì mang tính quy ước và thường được ẩn dụ hóa cách cố ý, và như thế có thể áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác nhau và cho nhiều chủ thể khác nhau. Vì thế, cần phải có một hành động mang tính “ngôn sứ”, của việc giải thích trong Thần khí, để có thể thấy được những lời của tác giả Thánh vịnh áp dụng như thế nào trong cuộc sống cụ thể của người đọc một Thánh vịnh than vãn hôm nay, và trong lịch sử cụ thể  này có thể xác định ai là kẻ thù gây hại cho mình (như trong Cv 4,23-30).


Có một sự tiến triển trong việc xác định kẻ thù khi người ta khám phá ra rằng đây không chỉ là những kẻ gây nguy hại đến đời sống thể lý hay nhân phẩm của con người, nhưng đúng hơn là kẻ mưu hại đến đời sống tinh thần của người cầu nguyện (Mt 10,28). Vậy đâu là những thế lực thù địch mà người tín hữu phải đối mặt? Ai hay điều gì là “sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé” (Tv 22,14; 1Pr 5,8), hay “lưỡi độc như lưỡi rắn”(140,4), mà làm cho người ta phải giận dữ căm thù khôn nguôi (Tv 26,5; 139,21-22) và họ phải kêu cầu Thiên Chúa loại bỏ (Tv 31,18)? Thánh Phao-lô đã nói: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân” (Ep 6,12), nhưng là “sự dữ”, với đoàn binh hùng mạnh (Mc 5,9) mà người cầu nguyện xin được giải thoát khỏi họ, giống như việc trừ quỷ, là do bởi lòng thường xót đầy uy quyền của Thiên Chúa, và những lời nói ra thật mạnh bạo, để biểu lộ thái độ thù địch tuyệt đối giữa Thiên Chúa và sự dữ, giữa con cái Người và thế gian tội lỗi (Gc 4,4).


3.2. Địa vị xã hội của phụ nữ


132. Một số đoạn Kinh Thánh, đặc biệt là những đoạn của thánh Phao-lô, mời gọi chúng ta suy gẫm về những gì, trong Quy điển của Cựu ước cũng như Tân ước, được cho là bất biến và những gì, liên quan đến một nền văn hóa, một nền văn minh hay thậm chí là các phạm trù của một thời đại xác định, được cho là có tính tương đối. Tình trạng của những người phụ nữ trong thư của thánh Phao-lô đặt ra cho chúng ta câu hỏi này.


a. Sự phục tùng của người vợ đối với người chồng


Trong các bức thư gửi cho các tín hữu ở Cô-lô-xê (3,18), Ê-phê-xô (5,22-33) và cho Ti-tô (2,5), thánh Phao-lô yêu cầu các bà vợ phải phục tùng chồng và bằng cách đó, họ làm theo phong tục của người Hy Lạp và Do Thái lúc bấy giờ, khi mà người phụ nữ có địa vị xã hội thấp hơn nam giới. Khuyến dụ này dường như không theo tinh thần của thư Ga-lát 3,28, trong đó tuyên bố rằng trong Giáo hội không được có sự phân biệt đối xử, giữa người Do Thái và người Hy Lạp, cũng như giữa tự do và nô lệ, và giữa những người nam nữ.
Trong các đoạn thư gởi cho Ê-phê-xô và Cô-lô-xê, sự phục tùng của người vợ không dựa trên các quy tắc xã hội có hiệu lực lúc bấy giờ, mà dựa trên hành xử của người chồng, là cách hành xử bắt nguồn từ agape, với khuôn mẫu là tình yêu của chính Chúa Ki-tô dành cho Thân thể Người là Giáo hội. Tuy nhiên, thánh Phao-lô đã bị buộc tội viện dẫn mẫu gương cao cả này với mục đích dễ dàng giữ người vợ trong sự phục tùng và, khi làm như vậy, thánh nhân đã bắt các Ki-tô phải hữu tuân theo các giá trị của thế gian - hay nói cách khác, là quay lưng lại với Tin Mừng!


Trước những phản đối này, câu trả lời là thánh Phao-lô không khăng khăng đòi buộc sự phục tùng của những người vợ, nhưng là dựa trên tình yêu mà người chồng phải thể hiện với vợ mình, một tình yêu mà theo thánh Phao-lô là điều kiện cần không chỉ giúp duy trì sự hợp nhất của vợ chồng, nhưng còn là sự phục tùng và tôn kính của người vợ dành cho chồng. Tính vượt trội đẳng cấp xã hội của người chồng – là điều cấu thành động lực đầu tiên (x. Ep 5,23: “Vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người”) đã hoàn toàn biến mất trong lối lập luận của thánh nhân. Do đó, điều cần quan tâm, là cách thức mà theo đó, hoàn toàn độc lập với vai trò được thiết định đối với những người vợ chồng trong xã hội lúc bấy giờ, thánh Phao-lô muốn khuyến khích đổi mới hành vi của người chồng, là người có địa vị xã hội vượt trội. Bên cạnh đó, việc phục tùng của người vợ với chồng không nên được tách khỏi bối cảnh của thư Ê-phê-xô 5,21, trong đó, thánh Phao-lô nói rằng tất cả các tín hữu “phải phục tùng lẫn nhau”.


Tuy nhiên, một khó khăn vẫn còn. Việc sử dụng mô hình Ki-tô học và Giáo hội học có mục đích gì nếu không nhấn mạnh rằng địa vị thấp hơn của người vợ không thích hợp trong Giáo hội, bởi vì tất cả các tín hữu đều có cùng phẩm giá và cùng chỉ có một Chúa là chính Chúa Ki-tô? Phải loại trừ khả năng thánh Phao-lô có thể đã tự thỏa hiệp với các giá trị thế tục. Nói cách chính xác, ngài không đề xuất các mô hình xã hội mới, cũng không cố gắng thay đổi những quy định của thời bấy giờ, nhưng chỉ mời gọi nội tâm hóa các mối tương quan hoặc các quy tắc xã hội được thiết định và tồn tại trong một kỷ nguyên nhất định - của thế kỷ thứ nhất - để chúng có thể được sống trong sự tương hợp với Tin Mừng.


Do đó, nhiều thế kỷ sau, người ta có thể hối tiếc rằng thánh Phao-lô trong những lá thư này đã không khẳng định rõ ràng sự bình đẳng nhân phẩm trong xã hội cho các cặp vợ chồng tín hữu, nhưng cách tiến hành của ngài có lẽ là điều duy nhất có thể thực hiện tại thời điểm đó - nếu không, Ki-tô giáo của ngài có thể đã bị buộc tội phá hoại trật tự xã hội.


b. Sự im lặng của phụ nữ trong các cuộc hội họp cộng đoàn


133. Ngay cả đoạn 1 Cr 14,33-35 cũng có một số vấn đề, bởi vì thánh Phao-lô yêu cầu phụ nữ giữ im lặng trong các cộng đoàn: “Như thói quen trong mọi cộng đoàn dân thánh, phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp, vì họ không được phép lên tiếng; trái lại, họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy. Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng, bởi vì phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn thì không còn thể thống gì”. Những câu này dường như mâu thuẫn với 1 Cr 14,31: “Mọi người có thể lần lượt nói tiên tri, để ai nấy đều được học hỏi và khích lệ”, và 1 Cr 11,5, trong đó chúng ta nói về những người phụ nữ nói tiên tri trong các cộng đoàn. Tuy nhiên, những tuyên bố của 1 Cr 14,34-38 cần phải được đặt trong bối cảnh, nghĩa là phải được giải thích trong tương quan với những câu trước về việc nói tiên tri. Chắc chắn thánh Phao-lô không có ý nói rằng phụ nữ không được phép nói tiên tri (x. 1 Cr 11,5), nhưng là họ không được xem xét và lượng giá (câu 29) những lời tiên tri của người chồng trong cộng đoàn. Các nguyên tắc cơ bản cấm đoán như vậy là những nguyên tắc tôn trọng, hòa hợp giữa vợ chồng và bảo đảm trật tự tốt trong các cuộc hội họp cộng đoàn. Nếu những nguyên tắc này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay, thì việc áp dụng đó rõ ràng phụ thuộc vào địa vị dành cho phụ nữ trong nền văn minh và văn hóa tương ứng của họ. Thánh Phao-lô không có ý nói phụ nữ phải im lặng một cách tuyệt đối, mà đó chỉ là một phương tiện phù hợp với tình hình của các cộng đoàn thời đó. Và ngày nay, chúng ta không được nhầm lẫn giữa các nguyên tắc và việc áp dụng của chúng, vốn luôn được xác định bởi bối cảnh xã hội và văn hóa.


c. Vai trò của phụ nữ trong các cộng đoàn


134. Khó khăn hơn và khó biện hộ hơn, nếu được hiểu là một nguyên tắc tuyệt đối, là cách mà đoạn 1 Tm 2,11-15 biện minh cho tình trạng thấp kém của phụ nữ, trong lĩnh vực xã hội và giáo hội: người phụ nữ phải học cách im lặng và phục tùng hoàn toàn: “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì A-đam được tạo dựng trước, rồi mới đến E-và. Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ. Tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu nhờ sinh con cái, nếu kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh thiện, với lòng đơn sơ giản dị”. Bối cảnh vẫn là trong các hội họp cộng đoàn bao gồm cả nam và nữ. Thánh Phao-lô không yêu cầu phụ nữ im lặng, ngài cũng không ngăn họ nói tiên tri; lệnh cấm chỉ ảnh hưởng đến việc giảng dạy và các đặc sủng của việc điều hành. Ý tưởng này ít nhiều giống với các trường hợp trước: giảng dạy và điều hành thời đó dành riêng cho nam giới và thánh Phao-lô muốn trật tự xã hội này, mà lúc đó được cho là bình thường, phải được tôn trọng (x. 1 Cr 11, 3: “thủ lãnh của người nữ là người nam”).


Ý tưởng này không gây ra nhiều khó khăn - bởi vì như đã nói ở trên, nó có thể thích nghi với văn hóa và xã hội nơi người ta sống – nhưng khó khăn ở nơi cách thức nó được chứng minh, nghĩa là bằng một lối giải thích có vấn đề về bản văn Sáng thế 2-3: đó là thứ tự của sự sáng tạo (đàn ông có địa vị cao hơn, bởi vì được tạo ra trước người phụ nữ; xem St 2,18-24) và sự sa ngã của người nữ trong vườn địa đàng. Điều này chúng ta cũng đọc thấy trong Hc 25,24 và trong các tác phẩm khác, ví dụ như trong ngụy thư Do Thái: Cuộc đời của Ađam và Eva, hoặc trong cuốn Khải huyền của Môsê trong bản dịch tiếng Hy Lạp. Người nữ để mình bị con rắn lừa dối, rồi phạm tội và chịu trách nhiệm cho cái chết của cả loài người; vì lý do đó mà người nữ phải cư xử khiêm tốn và không được thống trị người nam. Lối đọc hiểu này rõ ràng bị ảnh hưởng bởi cách thức người ta hiểu và biện minh cho địa vị xã hội tương ứng của nam giới và nữ giới thời bấy giờ; thêm nữa, nó không tương thích với các đoạn 1 Cr 15,21-22 và Rm 5,12-21; nó cũng phản ánh một cảnh huống giáo hội trong đó người ta cần phải tìm ra những lý giải có thẩm quyền để đáp lại những người phụ nữ phàn nàn rằng họ không thể thực hiện các vai trò đã nói ở trên trong các cuộc hội họp cộng đoàn. Như thế, cách hiểu đoạn Sáng thế 2-3 này phải được đặt trong bối cảnh của thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, cần phải nói rằng một lối giải thích đúng đắn về một đoạn Kinh Thánh - ở đây là St 2-3 – phải đón nhận và tôn trọng ý định của bản văn (intentio textus).

4. Kết luận


135. Khẳng định rằng Kinh Thánh thông truyền Lời Chúa dường như bị một số đoạn Kinh Thánh phủ nhận. Chúng ta đã xem xét hai loại bản văn: đó là những trình thuật xem ra như không có thật và không có khả năng đứng vững trước những cuộc khảo cứu lịch sử và khoa học, và những bản văn không chỉ đề nghị mà còn áp đặt những hành vi vô luân, đi ngược lại với công bình xã hội. Giờ đây chúng ta tổng hợp lại các kết quả từ những gì chúng ta đã làm. Việc tổng hợp này sẽ giúp chúng ta phát biểu nên một số qui tắc cho việc đọc và hiểu một cách thích đáng và đúng đắn các bản văn Kinh Thánh.


a. Tổng hợp vắn


Việc phân tích bốn trình thuật của Cựu ước cho thấy rằng nếu chỉ quan tâm đến các sự kiện xảy ra thực sự, chúng ta sẽ không thể nắm bắt được ý muốn cũng như nội dung của các bản văn này. Trong trường hợp St 15 và Xh 14, các sự kiện được kể lại không thể được kiểm chứng chính xác bằng khoa học lịch sử. Đối với các tác giả của những bản văn này, sự sống sót của dân tộc họ qua hàng thế kỷ là một sự kiện lịch sử, và niềm tin của họ vào Thiên Chúa có tính quyết định trong hoàn cảnh của họ và trong trải nghiệm của họ (vào thời lưu đày). Những trình thuật này chứng thực thái độ nền tảng, đó là đức tin vô điều kiện vào Thiên Chúa và vào sức mạnh cứu độ vô biên của Người. Trong trường hợp Tô-bi-a và Giô-na, chúng ta có thể lưu ý rằng các trình thuật - vốn không phải kể lại những sự kiện đã thực sự xảy ra – đều chất chứa ý nghĩa giáo huấn và thần học.


Liên quan đến các trình thuật trong Tân ước, một cách hiển nhiên, sẽ không đủ nếu chỉ quan tâm đến các sự kiện thực sự xảy ra, nhưng cần phải lưu tâm nhiều đến ý nghĩa của những gì được kể lại. Trong các Tin Mừng thời thơ ấu, chúng ta không thể kiếm chứng lịch sử tất cả các chi tiết của trình thuật, nhưng việc thụ thai đồng trinh Đức Giê-su được xác quyết rõ ràng. Các Tin Mừng về thời thơ ấu này, dẫn vào cho phần còn lại của trình thuật (trình thuật Mát-thêu hay trình thuật Lu-ca), giới thiệu những yếu tính của con người và sứ vụ của Đức Giê-su. Về các phép lạ (những cử chỉ quyền năng, các dấu chỉ), chúng đều có trong tất cả các truyền thống kể lại hoạt động của Đức Giê-su. Các phép lạ không chỉ có nghĩa là những hành động phi thường. Trong các Tin Mừng nhất lãm, phép lạ làm chứng về sự hiện diện cứu độ của Nước Thiên Chúa trong con người và trong sứ vụ của Đức Giê-su. Trong Tin Mừng Gio-an, các phép lạ mạc khải mối tương quan của Đức Giê-su với Thiên Chúa và dẫn đến việc tin vào Đức Giê-su (xem thêm Mt 8,27; 14,33). Các trình thuật về biến cố phục sinh, vì những khác biệt giữa các Tin Mừng, cho thấy rằng chúng không phải là những chuỗi sự việc đơn giản, nhưng để nhằm gợi lên giá trị thần học của những đặc điểm của trình thuật.


Việc giải thích luật tru hiến và những lời cầu nguyện báo thù, cho phép chúng ta xác định bối cảnh lịch sử và văn chương của các bản văn này, nhờ đó giúp hiểu hơn ý nghĩa và công dụng của các luật và lời kinh đó. Việc xác định vai trò của phụ nữ trong các thư của Phao-lô cho thấy rõ cần thiết phải phân biệt giữa các nguyên tắc của hành vi Ki-tô giáo đúng đắn và việc áp dụng các nguyên tắc đó trong bối cảnh văn hóa và xã hội của thời đó.

b. Hệ quả đối với việc đọc Kinh Thánh


136. Thoạt tiên, nhiều trình thuật Kinh Thánh được trình bày như những ký sự kể lại các sự kiện thực sự đã xảy ra. Cảm giác này có thể dẫn đến cách đọc Kinh Thánh theo đó mỗi trình thuật được xem là mỗi diễn tả về một thực tại đã thực sự xảy đến. Cách đọc này dường như cho ra một lối hiểu nội dung Kinh Thánh một cách đơn giản, có ngay liền, - một lối hiểu mở ra cho tất cả mọi người với những kết quả rõ ràng và chắc chắn.


Ngược lại, nếu dựa vào các khoa học hiện đại (khoa chép sử, khoa ngôn ngữ, khoa khảo cổ, khoa nhân chủng học văn hóa, vv..), phương pháp đọc Kinh Thánh cho ra một sự hiểu biết phức tạp hơn về các bản văn Kinh Thánh và dường như dẫn đến những kết quả ít chắc chắn hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể trốn tránh những đòi hỏi của thời đại, chúng ta cũng không đặt các bản văn Kinh Thánh ở bên ngoài bối cảnh lịch sử của chúng để giải thích: chúng ta phải đọc chúng trong thời đại của chúng ta, với và cho người thời đại của chúng ta. Lộ trình áp dụng trong tài liệu này cho thấy rằng: việc tìm kiếm ý nghĩa của các bản văn - vốn là một công việc vượt lên trên mối bận tâm phải thiết lập những sự kiện thực sự đã xảy ra – giúp hiểu các bản văn một cách sâu xa hơn và đúng đắn hơn như thế nào.


Mối nguy hiểm - và phải cẩn thận tránh nó – là không xem các trình thuật Kinh Thánh là những ký sự về các sự kiện được kể lại, mà coi toàn bộ Kinh Thánh chỉ là những chế tác, những ý nghĩ và những tín ngưỡng hoàn toàn của con người. Thiên Chúa mạc khải mình trong lịch sử, và “nhiệm cục Mạc khải của Người được thực hiện bằng những hành động và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau” (DV 2). Mục đích của Kinh Thánh là truyền đạt các sự kiện và những lời này. Và để đọc Kinh Thánh nghiêm túc và đúng đắn, cần phải để ý đến các sự kiện và các lời đó.


Sự hiện diện của luật tru hiến và các bản văn tương tự chứng tỏ có yếu tố quan trọng khác đối với việc đọc Kinh Thánh. Việc đọc Kinh Thánh, vừa trình bày lịch sử mạc khải của Thiên Chúa, vừa tỏ cho thấy lịch sử của “nền luân lý được mạc khải”
[3]. Giống như mạc khải về Thiên Chúa, mạc khải về một hành vi nhân văn đúng đắn sẽ đạt đến sự tròn đầy của nó trong Đức Giê-su. Cũng như trong mỗi đoạn của Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy mạc khải trọn vẹn về Thiên Chúa, thì cũng thế trong mỗi đoạn đó, chúng ta sẽ không tìm thấy mạc khải hoàn hảo về đời sống luân lý. Chính vì thế, mỗi đoạn Kinh Thánh không nên được đọc tách biệt, cũng không nên tuyệt đối hóa, nhưng được hiểu và đánh giá theo mối tương quan của nó với sự viên mãn của mạc khải trong con người và trong sứ vụ của Đức Giê-su, trong bối cảnh của việc đọc Kinh Thánh theo lối quy điển. Việc đọc này là cần thiết để hiểu trọn vẹn mỗi bản văn. Như thế con đường do chính mạc khải thực hiện trọn vẹn được tỏ lộ trong lịch sử.
Cuối cùng, thật nền tảng khi độc giả của Kinh Thánh được hướng đến việc khám phá những gì nói về Thiên Chúa và về ơn cứu độ cho con người. Làm như thế, ngay cả khi độc giả không luôn luôn hiểu trọn vẹn bản văn, vẫn có sự tiến bộ trong việc hiểu biết chân lý Kinh Thánh, và trong sự khôn ngoan thiêng liêng vốn là con đường hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.


KẾT LUẬN CHUNG


137. Trong một thông cáo long trọng và chuẩn tắc (Công đồng Tren-tô, EB 48-60), Giáo hội Công giáo đã ấn định Quy điển các sách thánh và như thế đã định nghĩa những tiêu chuẩn nền tảng của đức tin. Như vậy, Giáo hội đã giải thích bản văn nào phải được xét là đã “được soạn tác dưới sự linh hứng của Thánh Thần” (DV, 11), và do đó cần thiết cho việc đào luyện và giáo huấn các tín hữu và toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu (x. 2 Tm 3,15-16). Nếu, một đàng, Giáo hội ý thức đầy đủ rằng các tác phẩm này được soạn tác bởi các thánh sử - các ngài đã ghi dấu các bản văn này bằng chính tài năng văn phong riêng của mình, thì đàng khác, theo cách đó nên chân nhận nơi các thánh sử có một phẩm chất thần linh hoàn toàn đặc biệt, được chính những bản văn thánh thiêng này chứng thực bằng những cách khác nhau, và được các nhà thần học giải thích theo những cách khác nhau suốt dòng lịch sử.


138. Được mời gọi diễn tả về chủ đề này, sứ vụ của Uỷ ban Kinh Thánh không cốt tại cung cấp một học thuyết về linh hứng, có vẻ như cạnh tranh với điều thường được trình bày trong các luận giải của thần học hệ thống. Nhưng Uỷ ban Kinh Thánh tìm cách cho thấy, qua tài liệu này, chính Kinh Thánh chứng thực như thế nào nguồn cội thần linh của điều mà Kinh Thánh làm chứng, bởi lẽ Kinh Thánh chứa đựng và thông truyền chân lý của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta đi vào trong lãnh vực của đức tin, khi chúng ta đón nhận Lời Chúa mà Giáo hội giao phó cho chúng ta, và khi chúng ta cố gắng nắm bắt từ Lời Chúa, những yếu tố hiểu biết cho phép tiếp nhận một cách thành công hơn di sản thánh thiêng này.


139. Kinh Thánh là một tổng thể thống nhất, bởi vì tất cả các sách, “với tất cả các phần của chúng” (DV 11) đều là những bản văn được linh hứng, vì Thiên Chúa là “tác giả” (sđd.). Tuy nhiên, dù hoàn toàn chấp nhận rằng, mỗi một lời của bản văn thánh có thể được xem là Lời Chúa, trong sự tương hợp với tất cả các lời khác, thì Giáo hội vẫn luôn luôn nhìn nhận từ lời đó khía cạnh đa hình thể, vốn là khía cạnh xem ra đối nghịch với sự xác quyết về nguồn gốc thần linh duy nhất.


Sự khác biệt giữa Cựu ước và Tân ước diễn tả rõ ràng nhất rằng Kinh Thánh có tính đa diện riêng của mình. Trong các thánh đường Ki-tô giáo xa xưa, luôn có hai thư đài để đọc các sách thánh, với mục đích là để tôn vinh sự khác biệt và tính bổ túc cho nhau của hai Giao ước, vốn là điều cần thiết để chứng thực sự kiện duy nhất của mạc khải chung cục và để nhận biết mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Chính vì thế mà trong tài liệu này chúng ta tôn trọng bản chất riêng của mỗi phần kiến tạo nên Kinh Thánh, và làm nổi bật cách thức mà tính đa diện của Kinh Thánh không chỉ không làm cản trở, mà còn làm phong phú chứng tá đích thực của Lời duy nhất của Thiên Chúa.


Tận bên trong hai phần lớn của Kinh Thánh, ta thấy nổi bật rõ cách đặc biệt tính đa diện của các thể văn, của các phạm trù thần học, của các lối tiếp cận nhân chủng học và xã hội học. Quả thực, Thiên Chúa đã phán “bằng nhiều cách khác nhau” (Dt 1,1), không chỉ trong thời xưa cũ, nhưng cũng còn sau sự kiện mạc khải trọn vẹn của Chúa Con về Chúa Cha (x. Ga 1,18). Như thế, dường như cần thiết phải minh họa trong Tài liệu này, qua những ví dụ được chọn, sự phong phú của những thể loại diễn đạt trên; những diễn đạt đó hoàn toàn được thúc đẩy để cùng diễn tả chắc chắn chân lý thần linh.


1. Nguồn gốc thần linh của những bản văn Kinh Thánh


140. Cộng đoàn đức tin sống nhờ một truyền thống: cộng đoàn đức tin được thiết lập và xây dựng nhờ việc lắng nghe Lời Chúa – là Lời được ghi lại bằng chữ viết trong các cuốn sách. Các cuốn sách này vốn được lưu truyền như là chuẩn mực, bởi vì chúng sở hữu uy quyền riêng được ghi khắc trong mình.


Uy quyền này trước hết được bảo chứng bởi uy quyền của các tác giả sách thánh, mà dựa vào truyền thống xa xưa và đáng kính, các ngài được nhìn nhận là sứ giả của Thiên Chúa, và có đặc sủng linh hứng. Cũng thế, trong nhiều thế kỷ, và cho đến thời hiện đại, không ai đặt vấn đề về nguồn tác giả văn chương của Ngũ thư, vốn được quy toàn thể cho Mô-sê, cũng như nguồn tác giả văn chương của các các sách ngôn sứ và khôn ngoan, cũng được quy cho các tác giả nổi tiếng (như Đa-vít, Sa-lô-môn, Giê-rê-mi-a), khi những cuốn sách này không có tựa danh tác giả cụ thể.


Kiểu thức truyền thống nhìn nhận các cuốn sách này cũng có giá trị đối với các tác phẩm Tân ước. Tất cả các sách Tân ước đều được xem là đến từ các Tông đồ. Ngày nay, nhờ có những nghiên cứu hội tụ, được dẫn dắt bằng các phương pháp văn chương và lịch sử, chúng ta không thể giữ mãi viễn cảnh của những ngày xưa cũ. Quả thực, khoa chú giải, với những lập luận thuyết phục, đã chứng minh rằng nhiều sách không có gốc gác từ những tác giả được nêu trong tựa đề tác phẩm hay từ những tác giả được truyền thống nhìn nhận. Ngược lại, lịch sử văn chương Kinh Thánh giả định trong suốt lịch sử biên tập rất lâu dài và trau chuốt lại, đã có nhiều sự can thiệp, và do đó có sự hợp tác của nhiều tác giả khác nhau, nhiều người trong số họ là vô danh. Những lưu ý khác nhau này liên quan đến kiểu mẫu để giúp giải thích nguồn gốc các sách thánh không đối đầu với quan niệm truyền thống – vốn thỉnh thoảng và vội vàng bị quy kết là một lối giải thích quá đơn giản. Thực tế, Giáo hội, trải qua nhiều thế kỷ nhờ công việc phân định đầy kiên nhẫn và nghiêm túc, đã luôn luôn suy xét rằng Giáo hội có thể chấp nhận là linh hứng những tác phẩm tương hợp với kho tàng đức tin vốn được cộng đoàn đức tin lưu giữ một cách chắc chắn và trung thành. Kho tàng này được bảo đảm bởi những người mà Thiên Chúa đã thiết lập, đó là các mục tử và lãnh đạo các tín hữu. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội, với sức mạnh và sự hiểu biết riêng của Người, đã cho phép tách biệt những gì là thông truyền thánh thiêng đích thực khỏi những diễn đạt gian dối và thiếu cơ sở. Có những bản văn mà trong tiêu đề vốn được gán cho người được linh hứng, thị bị loại ra, trong khi có những bản văn dù không được gán một cách chắc chắn cho một tác giả nổi tiếng, lại được đón nhận một cách tôn kính. Những bản văn đó mang dấu vết của linh hứng không thể nghi ngờ. Với cảm thức đáng lưu ý về chân lý mạc khải, Giáo hội kiến tạo chính mình trong sự biết ơn một cách ngoan ngùy đối với Lời Chúa, là Lời mà nhờ đó Giáo hội được sống.


Sự tương hợp với Ngôi Lời


141. Giáo hội đặt nền tảng toàn bộ sự phân định của mình trên kinh nghiệm sống động về Đức Giê-su. Kinh nghiệm này được đón nhận bởi lời của các chứng nhân – là những người đã biết Đức Giê-su, và đã nhận ra nơi Người sự toàn vẹn của Mạc khải. Từ những gì các Tông đồ và các tác giả Tin Mừng loan báo, Quy điển các sách thánh dần dần được hình thành và Giáo hội đã xem trong những sự chứng thực khác nhau của các ngài có đặc tính chân lý đích thực, bởi vì nó tương hợp với chứng tá của Con Thiên Chúa. Không phải tự cho là Lời Chúa mà do đó, một tác phẩm cụ thể được đọc trong các cộng đoàn phụng vụ trên nền tảng đức tin, nhưng là bởi vì, qua sự diễn tả của tác phẩm, nó tương hợp với Ngôi Lời và giải đáp rõ ràng về Ngôi Lời này. Chính sự tương hợp này, vượt lên trên sự đa dạng của các diễn đạt và tính đa diện của các nền thần học, mà những trang của Tài liệu này tìm cách minh hoạ và cho thấy nhiều hình thể khác nhau của sự tự làm chứng được những cuốn sách khác nhau của Kinh Thánh mang lại.


Sự tương hợp này không giới hạn vào một sự hội tụ khái quát của một số học thuyết nền tảng. Nếu dừng lại ở đó, người ta hẳn đã không tôn trọng tính đa diện của các quan điểm, sự bổ túc cho nhau của các đóng góp từ những tác phẩm khác, cũng như lịch sử văn chương của các cuốn sách đã được hình thành tiếp theo sau sự đồng hóa và tái tạo những truyền thống cổ. Theo sự chứng thực của chính Đức Giê-su, ký lục Kinh Thánh lấy từ kho tàng của mình cái mới lẫn cái cũ (x. Mt 13,52). Điều đó có nghĩa là các tác phẩm mà Giáo hội nhìn nhận là được linh hứng khẳng định nguồn gốc thần linh một cách hiển nhiên ít nhiều, và ngoài ra còn cho thấy tính chân thực của các tác phẩm có trước đó. Các ngôn sứ chứng thực kinh Tô-ra, và các tác phẩm văn chương khôn ngoan nhìn nhận nguồn gốc thần linh của Lề Luật và các Ngôn sứ. Cũng vậy, lời chứng của Đức Giê-su đã tuyên phong truyền thống được ghi lại của dân Do Thái, và các sách Tân ước củng cố lẫn nhau, trong khi đảm nhận một cách triệt để và tương khớp nhau hết mọi truyền thống của “Kinh” cổ xưa.


Tính đa diện của các hình thức chứng thực


142. Đây là khái niệm làm nên một trong những kết quả chính yếu từ việc phân tích các sách Cựu ước và Tân ước được dẫn dắt trong Tài liệu này. Hơn cả sự đồng nhất mà chúng ta bàn ở đây, tính đa diện trong kinh nghiệm tôn giáo và trong hình thức diễn đạt các kinh nghiệm này là điều hiển nhiên. Không thể đề cập lại ở đây một cách chi tiết và chuyên nhất về cách thức mà nhiều thánh sử khác nhau chứng thực về nguồn gốc thần linh của các tác phẩm của họ, chúng ta chỉ cần nêu ra những thể thức khác nhau, với nhiều điểm nhấn phong phú, vốn xuất hiện trong nhiều sách khác nhau của Kinh Thánh.


Kiểu thức chính yếu của sự tự-chứng-thực là kiểu thức mà người ta tìm thấy lại trong những trình thuật ơn gọi ngôn sứ, và trong nhiều phát biểu khác nhau, vốn là những phát biểu làm nổi vang những trang sách ngôn sứ. Thực tại của ơn linh hứng đều được rõ ràng giải thích ở đó:  Ơn linh hứng được diễn tả là ý thức bên trong của một số người tuyên bố là có khả năng hiểu những lời của Thiên Chúa và đã nhận sứ mệnh phải truyền đạt trung thành những lời ấy. Kiểu thức này, vì sức mạnh mang tính gợi ý của nó, được vay mượn bởi nhiều thánh ký khác của truyền thống lề luật (nói đến Mô-sê), của truyền thống khôn ngoan (nói đến Sa-lô- môn) hay của truyền thống khải huyền (Đa-ni-en), mục đích là để xây dựng một dạng đồng nhất toàn bộ, một loại dấu ấn bảo chứng, nhằm khẳng định cho độc giả giá trị của một tác phẩm mà người ta quy về cho một nguồn thần linh duy nhất.


143. Một cách khá tổng quát, Kinh Thánh cũng làm nổi bật giá trị sự tham gia của các cộng tác viên cho người được linh hứng: họ là những người có khả năng văn chương và đáng tin cậy, là những người không chỉ giúp các tác giả chính yếu, mà còn gom góp các chất liệu văn chương mới, điều chỉnh những chất liệu trước đó phù hợp những đòi hỏi mới của người đọc. Họ đã thực hiện từ thế hệ này sang thế hệ khác công việc biên tập rất ấn tượng, với tầm quan trọng mang tính quyết định cho giá trị của bản văn Kinh Thánh. Ơn ngôn sứ chắc chắn nằm ở công việc của các biên tập viên vô danh này. Họ gián tiếp chứng thực rằng họ ý thức phải truyền đạt Lời Chúa, trong chính hành vi truyền đạt tác phẩm mà họ ghi dấu ấn với sứ đóng góp riêng của mình.


Các học giả Kinh Thánh đã đưa ra giả thuyết rất hợp lý về sự tồn tại những trào lưu, những trường phái và những nhóm tôn giáo, có khả năng lưu giữ một cách sống còn những truyền thống văn chương được xem là thánh thiêng, là những truyền thống vốn sau đó gặp lại nhau trong khung cảnh chung của Kinh Thánh – điều này giúp nhấn mạnh về ích lợi phải có để làm xuất hiện lịch sử kiến tạo các bản văn Kinh Thánh –, do đó không thể, cũng không mong cho cái “nguyên gốc” một giá trị khác hay một uy quyền khác so với cái có gốc gác phụ thứ.


Quả thực, trong nhiều trường hợp, chúng ta không có được những lời nói trực tiếp của vị ngôn sứ (ipsissima verba) (được Chúa linh hứng), mà chỉ theo những lời của các môn sinh. Đó là trường hợp điển hình trong các Tin Mừng mà việc linh hứng ở đây là không bàn cãi. Với các sách này, tác giả (tức là tác giả Tin Mừng) là chứng nhân trung thành của Thầy Giê-su, nhưng trong một số trường hợp, tác giả là đồ đệ của những môn đệ tiên khởi của Đức Giê-su (chính tác giả này không có trong danh sách các Tông đồ).


Từ những dữ kiện này, khởi đi từ những gì Kinh Thánh nói về chính mình, chúng ta cần phải chấp nhận một định nghĩa rộng hơn và ít minh nhiên hơn về khái niệm linh hứng. Nhưng không phải theo nghĩa là trong bản văn thánh có những phần vô nghĩa và thiếu giá trị, nhưng đúng hơn trong ý nghĩa là đặc sủng linh hứng được biểu lộ một cách phong phú và đa dạng. Trong mọi trường hợp, cần phải lưu tâm cách ưu tiên chứng tá minh nhiên hơn của Đức Ki-tô và của sứ điệp hoàn hảo của Người về ơn cứu độ.


Quan điểm được phác họa trên đây không làm giảm đi sự gắn bó, tin tưởng vào Lời xuất phát từ Thiên Chúa, ngược lại, nó thúc đẩy một sự biểu lộ trưởng thành hơn, bởi vì nó cúi đầu biết ơn trước sự trao ban chính mình của Thiên Chúa trong lịch sử, và bởi vì nó tôn thờ Thánh Thần đã nói qua các ngôn sứ (x. Dcr 7,13; Nkm 9,30) trong suốt nhiều thế kỷ của lịch sử cứu độ. Ý tưởng đó giúp một đàng hiểu biết hơn về việc chính Thánh Thần luôn tiếp tục hoạt động như thế nào sau khi các Tông đồ qua đời, bởi vì Thánh Thần được ban cho Giáo hội để Giáo hội có thể phân biệt và chấp nhận các sách được linh hứng. Chính Chúa Thánh Thần hôm nay hoạt động trong việc “thành kính lắng nghe Lời Chúa” (DV 12), bởi vì Kinh Thánh – theo diễn tả của DV 12 – phải “được đọc và giải thích dưới ánh sáng của chính Thánh Thần mà nhờ Người, Kinh Thánh được viết ra”. Lời được linh hứng sẽ không có tác dụng gì nếu người đón nhận lời đó không sống trong Thần Khí, biết nhận ra và hưởng nếm nguồn gốc thần linh của trang Kinh Thánh.


2. Chân lý Kinh Thánh


144. Đến từ Thiên Chúa, Kinh Thánh sở hữu những phẩm chất thần linh. Giữa những phẩm chất này, phẩm chất nền tảng, đó là chứng thực chân lý. Phẩm chất này không được hiểu như là một mớ các thông tin chính xác về những phương diện khác nhau của kiến thức nhân loại, nhưng là mạc khải về chính Thiên Chúa và về nhiệm cục cứu độ của Người. Quả thực, Kinh Thánh giải bày mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha. Tình yêu đó được bày tỏ trong Lời trở thành xác phàm, nhờ Thánh Thần, Lời ấy dẫn đến sự hiệp thông viên mãn giữa con người với Thiên Chúa (x. DV 2).


Rõ ràng là bằng cách này, chân lý Kinh Thánh nhắm đến sự cứu độ của các tín hữu. Những luận cứ bác bỏ tính chân lý Kinh Thánh – nổi lên trong quá khứ, và vẫn còn ngày hôm nay – vì dựa vào những điểm không chính xác, những mâu thuẫn về trật tự địa lý, lịch sử, khoa học, vốn có khá nhiều trong Kinh Thánh, đã chủ trương đặt vấn đề về tính khả tín của Kinh Thánh, và do đó, cũng đặt vấn đề về nguồn gốc thần linh của Kinh Thánh. Luận cứ bác bỏ này đã bị Giáo hội đẩy lùi bằng xác quyết rằng: “Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” (DV 11). Chính chân lý này đã cho sự hiện hữu con người một ý nghĩa tròn đầy, và chính chân lý này mà Thiên Chúa muốn cho mọi người biết đến.


Tài liệu này chia sẻ quan điểm mang tính diễn giải luận trên đây. Sự đóng góp của Tài liệu này, dù chỉ canh tân một phần, cốt tại cho thấy, qua hành trình xuyên qua các bản văn được chọn trong các sách của Kinh Thánh và qua nhiều cách diễn tả văn chương khác nhau, chân lý mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho thế giới qua trung gian các tôi tớ của Người là các thánh sử, được giới thiệu như thế nào.


Một chân lý đa hình thể


145. Đặc tính đầu tiên của chân lý Kinh Thánh, đó là chân lý được diễn tả theo những thể loại (forme) và những hình thái (modalité) khác nhau (x. Dt 1,1). Vì được nhiều người truyền đạt lại, vào những thời đại khác nhau, chân lý bao gồm trong mình chiều kích đa diện đối với những gì liên quan đến những xác quyết tín điều và luân lý, lẫn đối với những gì liên hệ đến những diễn tả văn chương. Cũng thế, vào thời đại lịch sử của mình và tương hợp với thánh sủng, các thánh ký trình bày những gì được trao cho để các ngài hiểu và để truyền đạt. Những gì được Thiên Chúa nói trong một đoạn văn đặc thù thì sau đó lại được nối kết với những mạc khải thần linh mới hơn. Ngoài ra, chân lý Kinh Thánh đảm nhận một sự phong phú lớn về thể văn. Vì điều này, chân lý Kinh Thánh không chỉ cốt tại ở những mệnh đề tín lý mang tính mạc khải, nhưng bao hàm chân lý của một trình thuật ngắn, chân lý của một điều luật, của một dụ ngôn, của một lời cầu nguyện hay của một vần thơ tình ái như Diễm Ca, của những lời chỉ trích của Gióp và sách Giảng viên và các sách văn chương khải huyền. Hơn nữa, trong chính thể văn này, chúng ta có thể xác nhận nhiều quan điểm phong phú. Sự phong phú này dường như là quy luật hơn là một sự lập đi lập lại các diễn tả đồng nhất.


Sự phong phú về hình thức diễn tả chân lý không chỉ liên quan đến văn chương Cựu ước, nhưng còn liên quan đến mạc khải được chứng thực bởi Tân ước, trong đó chúng ta thấy các trình thuật, các diễn từ (chúng vốn không phải được đặt chồng lên nhau), và trong đó chúng ta chân nhận sự khác biệt nhưng lại có ý nghĩa trong việc giới thiệu sứ điệp. Quả thực, có bốn Tin Mừng, và Giáo hội đã đẩy lùi tất cả những cố gắng của giải pháp tương hợp, được xem là không thích hợp: ví dụ, phải tôn trọng và đón nhận những gì được ghi “theo Lu-ca” ngay cả không có sự tương hợp chính xác với những gì được viết trong Mác-cô và Gio-an. Hơn nữa, trong khi thông điệp trong các Tin Mừng chủ yếu dựa trên cuộc đời và những lời nói của Đức Giê-su, thì đối với Phao-lô, chân lý của Đức Ki-tô bén rễ gần như chuyên nhất trong biến cố tử nạn và phục sinh của Người. Chúng ta cũng còn thấy rằng sự khác biệt trong cách lập luận giữa thư gửi tín hữu Rô-ma và thư của Gia-cô-bê dường như là điển hình cho tính đa diện mà qua đó Kinh Thánh chứng thực chân lý duy nhất của Thiên Chúa.


Những tiếng nói thánh thiêng đa âm sắc này được ban cho Giáo hội như là kiểu mẫu, bằng cách nào đó để Giáo hội chứng tỏ hôm nay về chính khả năng kết hợp tính duy nhất của sứ điệp phải được thông truyền cho con người, với sự tôn trọng cần thiết về tính đa diện của những kinh nghiệm cá nhân, của văn hóa và của các ân sủng được Thiên Chúa rộng ban.


Chân lý được diễn tả dưới một dạng thức lịch sử


146. Đặc tính quan trọng thứ hai của chân lý Kinh Thánh, đó là chân lý được diễn tả dưới dạng thức lịch sử. Một số sách của Kinh Thánh mang dấu chỉ về thời đại, lúc mà những sách đó được soạn tác; với những sách khác của Kinh Thánh, khoa chú giải có thể xác định đúng những sách đó được biên soạn vào những thời điểm cụ thể của lịch sử. Thời đại bao quát toàn bộ văn chương Kinh Thánh thì mênh mông, bởi vì nó kéo dài trên một thiên niên kỷ. Những quan niệm được truyền lại như là di sản qua một thời đại cụ thể, những ý kiến xuất phát từ kinh nghiệm hay từ những mối bận tâm đặc thù của một thời đại cụ thể về đời sống dân Chúa, đều được tỏ lộ một cách cần thiết. Công việc do các nhà Biên tập thực hiện, khi tìm cách tạo nên sự liên kết mạch lạc về giáo thuyết và thực tế ở trong bản văn Kinh Thánh, đã không xóa đi những dấu vết của lịch sử, bao gồm cả những dao động và những khiếm khuyết của nó, cho dù đó là lãnh vực thần học hay nhân chủng học. Do đó, nhiệm vụ của nhà chú giải là tránh đọc Kinh Thánh theo lối của trường phái cơ yếu, duy văn tự (fondamentaliste), mà cần đặt để những lối diễn tả khác nhau của bản văn Kinh Thánh vào trong bối cảnh lịch sử của chúng, theo từng thể loại văn chương đương thời đang phổ biến. Quả thực, chính khi đón nhận hình thức lịch sử này của mạc khải thần linh mà chúng ta được dẫn dắt đến mầu nhiệm của Đức Ki-tô, Người là diễn tả viên mãn và chung cục của chân lý Thiên Chúa trong lịch sử con người.

Chân lý quy điển


147. Mặt khác, giải thích Kinh Thánh trong quan điểm Công giáo giúp ta đón nhận chân lý của Thiên Chúa trong bối cảnh của toàn bộ Mạc khải. Chân lý này được chứng thực là Chuẩn tắc của Kinh Thánh. Điều đó có nghĩa là chân lý mạc khải không chỉ bị giới hạn vào một phần của di sản thánh thiêng (ví dụ chối bỏ Cựu ước để làm nổi bật Tân ước), cũng không bị giới hạn vào một lõi đồng nhất để có thể loại trừ hay tương đối hóa những điều khác mà xem chúng không có ý nghĩa bao nhiêu. Không chỉ tất cả những gì được linh hứng, nhưng còn tất cả những phần được đọc trong tương quan với những phần khác là cần thiết cho mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa, dựa vào nguyên tắc hòa hợp - hòa hợp không được nhầm lẫn với tính đồng nhất, nhưng đúng hơn như là sự hội tụ may mắn của những khác biệt.


Lẽ dĩ nhiên, theo quan niệm Ki-tô giáo, rõ ràng là chân lý của bản văn Kinh Thánh trùng hợp với chứng tá về Đức Giê-su, “Đấng Trung gian và viên mãn của toàn bộ Mạc khải” (DV 2), Đấng là “Con Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Đặc tính trung tâm và chính yếu này của mầu nhiệm Chúa Ki-tô không mâu thuẫn với những gì mà truyền thống cổ xưa cũng đề cập về Người và về ơn cứu độ dứt khoát được thực hiện trong cái chết và sự sống lại của Người, như chính Người xác quyết về mình (x. Ga 5,39). Trong mầu nhiệm vô biên của mình, Đức Ki-tô là trung tâm giãi sáng toàn bộ Kinh Thánh.


Các truyền thống văn chương của các tôn giáo khác


148. Một cách tổng quan, chúng ta sẽ gợi lên và sẽ tìm hiểu trong phần này mối tương quan giữa Kinh Thánh và các truyền thống văn chương của các tôn giáo khác. Đây là vấn đề thời sự cấp bách cho đối thoại liên tôn. Giải pháp cho vấn đề đó không phải dễ dàng, bởi vì tương quan giữa Kinh Thánh và các truyền thống văn chương của các tôn giáo khác đòi buộc phải liên kết nguyên tắc bất di bất dịch của “duy nhất tính và phổ quát tính của ơn cứu độ nơi Đức Giê-su Ki-tô và Giáo hội”  (như tựa đề tuyên ngôn “Đức Giê-su là Chúa” của Uỷ ban Giáo lý Đức tin), và mặt khác, với một nhận định đúng đắn về kho tàng thiêng liêng nơi các tôn giáo khác. Tài liệu này không nêu ra chi tiết, từ chính Kinh Thánh, những yếu tố vốn liên hệ đến mối bận tâm thần học và mục vụ của Giáo hội. Chỉ cần gợi lên ở đây hình ảnh Bi-lơ-am (x. Ds 22 – 24), để cho thấy rằng lời sấm (được linh hứng) không phải là đặc quyền riêng biệt của dân Chúa, và cần nhắc lại rằng thánh Phao-lô trong diễn từ ở A-rê-ô-pa-gô đã nại đến trực giác của những thi sĩ và triết gia Hy Lạp như thế nào (x. Cv 17,28). Mặt khác, chúng ta phải hoàn toàn chân nhận rằng văn chương Cựu ước lệ thuộc phần lớn vào các bản văn ở Mê-sô-pô-ta-mi-a và ở Ai Cập, cũng như các sách trong Tân ước vay mượn rộng rãi di sản văn hoá của thế giới Hy Lạp. Các hạt giống của Lời (semina Verbi) được gieo vãi rộng khắp trong thế giới, và không thể giới hạn vào chỉ một bản văn Kinh Thánh. Giáo hội đã xác định những gì Giáo hội xem là linh hứng, nhưng không bao giờ phán quyết tiêu cực về phần còn lại của văn hoá khác. Dĩ nhiên, chính Lời Chúa đã được ghi lại trong Kinh Thánh Chính lục, và cụ thể trong phần làm chứng trực tiếp về Lời nhập thể, đó là phần kiến tạo nguyên tắc phân định chân lý của tất cả những diễn tả khác mang tính tôn giáo, cho dù sự diễn tả đó ở trong Giáo hội hay trong nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau của nhiều dân tộc khác nhau trên trái đất.
Như có thể thấy từ những nhận định cuối cùng này, Giáo hội sống trong một vòng tròn chú giải
[4] chuyên biệt. Giáo hội rút ra từ việc lắng nghe lời Kinh Thánh những nguyên tắc của đức tin, và khi được đức tin này giãi sáng, Giáo hội có và vẫn mãi có khả năng giải thích đúng đắn những gì mà Giáo hội đọc, đó là sách thánh của mình, và Giáo hội vẫn mãi có khả năng phân biệt giá trị của tất cả những chứng thực khác - là những chứng thực đòi phải được lắng nghe. Nguyên tắc của chân lý là vận hành tiến trình của đức tin, và dẫn đưa tiến trình đó đến sự hoàn thiện của nó, nhờ sự cởi mở toàn diện cho sự biểu hiện của Thiên Chúa trong lịch sử. Đó chính là đặc điểm của Thánh Thần.


3. Giải thích những trang Kinh Thánh khó hiểu


149. Vì thế, Giáo hội, thân thể sống động của các độc giả tín hữu, là những người được phép giải thích bản văn được linh hứng, có nhiệm vụ, vào mỗi thời đại của lịch sử, và cũng vào ngày hôm nay, làm trung gian của việc tiếp nhận và loan báo chân lý của Kinh Thánh. Bởi vì đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Giáo hội thực sự là “trụ cột đỡ nâng chân lý” (1 Tm 3,15), vì lẽ rằng Giáo hội thông truyền trung thành cho thế giới Lời kiến tạo Giáo hội. Sứ vụ của Giáo hội cốt tại mạnh dạn (parresia) loan báo Lời này: Lời loan báo Đức Ki-tô Giê-su là Đấng Cứu độ duy nhất và vĩnh viễn. Nhưng Giáo hội, trong vai trò thầy dạy, cũng phải giúp đỡ các tín hữu và những người đang tìm kiếm chân lý biết giải thích đúng đắn các bản văn Kinh Thánh, nhờ một phương pháp thích hợp và một tư thế diễn giải tương xứng. Về điều này, Tài liệu của Uỷ ban Kinh Thánh Giáo hoàng năm 1993 về Giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội được xác nhận là đặc biệt hữu ích.


Thời gian trở lại đây, xuất hiện những dè chừng đối với một số điều liên quan đến truyền thống Kinh Thánh, bởi vì một số trang và một số trào lưu đọc Kinh Thánh xem ra không thể chấp nhận đối với não trạng đương đại, vì có những quan niệm về công lý dường như lỗi thời, những phong tục và những thực hành luật gây tranh cãi và thậm chí đáng chê trách, hay những trình thuật không có nền tảng lịch sử. Kết quả là có sự mất uy tín rộng rãi nơi bản văn Kinh Thánh, và có sự dè chừng nào đó khi sử dụng cho mục vụ, dẫn tới việc người ta đặt lại vấn đề linh hứng của một số phần nào đó của Kinh Thánh, và do đó, người ta đặt lại cả vấn đề chân lý của những trang này. Vì thế, sẽ là chưa đủ nếu xác quyết chung chung rằng, trong Cựu ước có “điều bất toàn và tạm bợ” (DV 15), hoặc sẽ chưa đủ khi nhắc rằng ngay cả các tác giả Tân ước cũng hàm ơn não trạng của thời đại mà họ sống. Nếu đúng là phải nhấn mạnh đến khái niệm nhập thể, và áp dụng theo kiểu loại suy khái niệm này vào công việc biên soạn nội dung mạc khải, thì phải cho thấy ngay bên trong sự yếu đuối ấy của con người, vinh quang của Lời thần linh vẫn toả sáng như thế nào. Sẽ là chưa đủ nếu vì lý do khôn ngoan trong chăm sóc mục vụ mà loại bỏ những đoạn có vấn đề khi đọc công khai trong cộng đoàn phụng vụ. Người nào biết đến tính toàn vẹn của bản văn, sẽ có thể có lý khi cảm thấy di sản thánh thiêng bị giảm thiểu, và có thể sẽ trách cứ các mục tử vì đã che khuất trái lẽ những mảng Kinh Thánh khó hiểu.


150. Giáo hội không thể tự miễn cho mình khỏi bổn phận khiêm tốn và kiên nhẫn trong việc giải thích một cách tôn trọng toàn bộ truyền thống văn chương vốn đã được nhìn nhận là linh hứng, và nhờ đó truyền thống này kiến tạo nên sự diễn tả về chân lý Thiên Chúa. Để giải thích, trước hết nên có những nguyên tắc rõ ràng giúp hiểu rằng ý nghĩa của những gì được truyền lại không phải giống hệt với “chữ” của bản văn. Mặt khác, cần phải tiến hành một cách chính xác, và đề cập lần lượt những khó khăn cần phải tháo gỡ, cũng như cần phải nhắc lại bổn phận của mọi tín hữu là phải thủ đắc Lời Chúa, tuỳ vào ơn thông minh mà Thánh Thần ban cho trong mỗi thời đại của lịch sử.


Chính vì thế, Tài liệu này của Uỷ ban Kinh Thánh Giáo hoàng đã chọn lựa những vấn đề chính yếu đặt ra cho độc giả, và đưa ra những gợi ý trả lời, trong khung cảnh đức tin của chúng ta. Sự vắn gọn của bài trình bày hẳn không luôn luôn làm thoả mãn, nhưng những nguyên tắc chú giải đã được trình bày, cũng như những giải thích nhằm trả lời cho những vấn đề đặc thù, tỏ ra là hữu ích.


Hơn cả một sự khảo sát mang tính chung cục và chuyên nhất về những đoạn khó hiểu của bản văn Kinh Thánh, Tài liệu này trình bày một lộ trình chú giải nhằm gợi ý cho việc suy tư sau này, trong đối thoại với những nhà diễn giải khác của bản văn Kinh Thánh. Trong cố gắng cùng chung nghiên cứu này, con đường dẫn đến chân lý sẽ khiêm nhường hơn, nhưng đồng thời rạng rỡ hơn bởi lẽ con đường đó sẽ thấm nhuần bởi việc lắng nghe tiếng của cùng chính một Thánh Thần.

 

 
[1] Việc nghiên cứu Kinh Thánh theo lối xuyên đại (diachronique) quan tâm đến các giai tầng của bản văn trong lịch sử hình thành và thông truyền của nó. Cụ thể, lối nghiên cứu xuyên đại này quan tâm đến các nguồn hình thành có trước bản văn và những tác động biên tập trong suốt lịch sử hình thành cho đến bản văn như chúng ta có bây giờ. Ngược lại, nghiên cứu Kinh Thánh theo lối đồng đại (synchronique) không quan tâm đến lịch sử hình thành, nhưng đến tình trạng cuối cùng của bản văn Kinh Thánh.”
[2] Vòng trình thuật (cycle): trong văn chương, hạn từ này chỉ một nhóm truyện kể xoay quanh một nhân vật và có cùng một bối cảnh giống nhau.
 
[3] X. Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Kinh Thánh và Luân lý, Vatican, 2008, số 4.
[4] [Vòng tròn chú giải (Ermeneutical Circle): Một số học giả, như Martin Heidegger, Rudolf Bultman, Hans Georg Gadamer, đưa ra thuật ngữ “vòng tròn chú giải” nhằm nhấn mạnh rằng trong việc chú giải Sách thánh, người chú giải không những phải tìm hiểu ý nghĩa bản văn của tác giả, nhưng còn phải tìm ý nghĩa của vấn đề mà mình đang băn khoăn. Nói cách khác, chú giải Kinh thánh lệ thuộc vào hai bối cảnh: bối cảnh của tác giả khi viết và bối cảnh của người chú giải hiện nay].


 http://www.kinhthanhvn.net/giai-thich-loi-chua-va-nhung-thach-do-tai-lieu-cua-uy-ban-kinh-thanh-giao-hoang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét