LECTIO DIVINA:ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TƯ THẾ CẦU NGUYỆN
Lm. FX Vũ Phan Long, OFM
I. Giới thiệu tổng quát
Trong Tông huấn Verbum Domini, khi đề cập đến Lectio divina, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã dạy:
Đây là lối đọc “có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa ra cho tín hữu, và như thế cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa”. Ở đây, tôi muốn nhắc lại vắn tắt những bước căn bản của lectio divina. Nó mở ra bằng việc đọc (lectio) bản văn, việc này dẫn ta một câu hỏi liên quan đến việc hiểu biết trung thực nội dung của bản văn: tự nó, bản văn Kinh Thánh muốn nói gì? Nếu không có chặng này, bản văn rất có thể chỉ trở thành một duyên cớ để không bao giờ phải ra khỏi các tư tưởng của chúng ta. Sau đó, là suy niệm (meditatio), với câu hỏi: bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi người riêng tư, nhưng cũng trong tư cách là thực tại cộng đoàn, phải để cho mình bị chạm tới và đặt thành vấn đề, bởi vì đây không phải là cứu xét các lời được nói ra trong quá khứ nhưng là trong hiện tại. Rồi người ta đi tới phần cầu nguyện (oratio) với câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người? Việc cầu nguyện như là khẩn xin, chuyền cầu, tạ ơn và ngợi khen, là phương cách đầu tiên mà Lời Chúa dùng để biến đổi chúng ta. Cuối cùng, Lectio divina kết thúc bằng sự chiêm ngưỡng (contemplatio), khi đó, ta đón nhận chính cái nhìn của Ngài để phán đoán thực tại như một hồng ân của Thiên Chúa, và chúng ta tự hỏi: Đức Chúa yêu cầu chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim và đời sống như thế nào? (...) Kế đó, cũng nên nhớ rằng Lectio divina không kết thúc trong năng động của nó bao lâu nó chưa mở ra với hành động (actio), thúc đẩy người tín hữu dâng hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái” (số 87).
Đây là cách đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện. Đây là một phương pháp đưa chúng ta tới chỗ coi Kinh Thánh như một cơ quan sống động đang thúc bách chúng ta; một cách đọc đưa chúng ta tới chỗ thiết lập một tương quan riêng tư với bản văn, dù không phải là phương pháp duy nhất cầu nguyện với Lời Chúa1.
Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, chính là nghệ thuật hiện tại hóa đoạn văn Kinh Thánh trong đời sống. Cách đọc này giống như một dụng cụ quý báu để giúp chúng ta chiến thắng vực thẳm rất thường chia cách đức tin với đời sống, đời sống thiêng liêng với đời sống thường ngày. Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện không phải chỉ đơn thuần là một cách thực hành đạo đức, đây là một phương pháp nhắm đến việc cụ thể hóa Lời Chúa đã được lắng nghe; đây là một cách giải thích Kinh Thánh theo kiểu hiện sinh sẽ đưa người tín hữu đến chỗ tìm kiếm trước hết Đức Giêsu Kitô trong trang Kinh Thánh, xúc tiến một cuộc đối thoại giữa đời sống chúng ta với chính Đức Kitô, Đấng đang tự mạc khải ra cho chúng ta và cuối cùng, nhìn thấy đời sống thường nhật của mình đã được soi chiếu bởi một ánh sáng mới.
Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện là cách cốt yếu và cần thiết cho sự tăng trưởng đức tin của tất cả những ai tự nhận mình là môn đệ và nhà thừa sai của Lời của Chúa Cha. Quả thế, nếu đúng là chính trong cử hành phụng vụ, như chúng ta đã nói, mà khi ấy trở thành ngày hôm nay, thì cũng đúng là đặc biệt qua việc Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện mà chúng ta sở hữu Lời Chúa và cá nhân hóa Lời ấy, bởi vì chúng ta để cho chính Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta (x. Ga 6,45). Trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân, trong việc Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, Thiên Chúa nói trực tiếp với tôi, và điều ở trong phụng vụ là đối thoại với dân chúng, trong việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, lại trở thành đối thoại duy nhất và riêng tư. Nếu phụng vụ biểu lộ Hội Thánh ra cách hữu hình, việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện cho phép mỗi người chúng ta được cảm nghiệm Hội Thánh. Thánh Bênađô đã nói: “Tôi (là) Hội Thánh”2.
Đây không phải là một phương pháp tiêu biểu và độc quyền của các đan sĩ, như có người đã hiểu. Phương pháp đoc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện đã được sử dụng trong Do Thái giáo (x. Nkm 8,1tt), sau đó được Đức Giêsu sử dụng tại hội đường Caphácnaum (x. Ga 6,26tt) và hội đường Nadarét (Lc 4,17tt). Người cũng dùng phương pháp này trong khi cử hành phụng vụ với các môn đệ Emmau (x. Lc 24,13tt), và ngay từ đầu, đã được Hội Thánh tiên khởi nhận lấy như một di sản (x. 2 Tm 3,14-16). Kể từ đó, các thế hệ Kitô hữu đã cầu nguyện bằng phương pháp này, bằng cách nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ nhờ một nền linh đạo Kinh Thánh sâu sắc.
Các Giáo Phụ không bao giờ ngừng mời các Kitô hữu đón nhận phương pháp cầu nguyện này. Trong số đó chỉ cần nhắc đến thánh Gioan Kim Khẩu, ngài đã khuyến khích giáo dân cùa ngài dùng phương pháp cầu nguyện này: “Một số người nói rằng anh chị em không phải là các đan sĩ... Nhưng nói như thế là nói nước đôi bởi vì anh chị em nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ dành cho các đan sĩ, thế mà ngược lại, Kinh Thánh còn cần thiết cho anh chị em hơn nữa, anh chị em tín hữu thân mến, khi mà anh chị em còn đang ở trong thế gian. Có điều gì trầm trọng hơn và đáng tội hơn là việc không đọc Kinh Thánh mà tưởng rằng việc đọc Kinh Thánh là chuyện vô ích, chẳng giúp gì?”3. Và vẫn thánh Gioan Kim Khẩu đã truyền cho các tín hữu của ngài: “Anh chị em hãy về nhà và chuẩn bị hai bàn ăn: một bàn với chén dĩa thực phẩm, bàn kia với các chén dĩa Kinh Thánh4. Và ngài còn nói vào một dịp khác: Khi anh chị em về đến nhà, hãy cầm lấy Kinh Thánh và... đọc đi đọc lại và lặp đi lặp lại những điều anh chị em đã nghe ”5.
Phương pháp này đã gặp khủng hoảng vào thời Trung Cổ do một cách đọc nhắm nhiều đến quaestio (đặt câu hỏi) và disputatio (tranh luận) hơn là suy niệm và cầu nguyện, nhưng vào ngày hôm nay, nhờ Công đồng Vaticanô II, chúng ta đang chứng kiến một cuộc hiển linh mới của Lời Chúa trong cộng đoàn Kitô hữu. Đàng khác, cũng chính Công đồng này đã đề nghị cho tất cả các tín hữu phương pháp đoc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện: “Thánh Công đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, học được sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh”6.
II. Phương pháp đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện
Như đã thấy trong Lời trích Tông huấn trên đây, đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, theo truyền thống, gồm có bốn thì: đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng. Bốn thì này có mục tiêu là đưa dẫn người Kitô hữu đến chỗ tiệm tiến đào sâu bản văn Kinh Thánh, sao cho việc đọc đưa tới gặp gỡ Chúa và, như thế, thực hiện được một sự biến đổi đời sống thật sự. Việc đoc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện là một lộ trình đưa từ việc đọc và lắng nghe Lời Chúa đến sự hiểu biết và, từ sự hiểu biết, đưa tới tình yêu và một đời sống mới, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa hơn. Như thế việc đọc bản văn Kinh Thánh biến thành martyría, chứng tá về sự Hiện diện của Thiên Chúa, có đỉnh cao là sự viên mãn trong việc hiến tặng mạng sống mình vì tình yêu.
Việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện là một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa và, cũng như mọi nẻo đường, việc đọc này phải được thích ứng với các bước chân, sức lực và nhịp điệu của người tiến bước. Kết quả chúng ta nhắm tới không phải là thực hiện một lược đồ, nhưng là sử dụng nó cách tự do để đạt tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa.
1. Hãy đọc / hãy lắng nghe: bản văn nói gì?
Đọc không phải chỉ là bước đầu tiên của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, nhưng chính là cửa mở chúng ta ra với kiến thức, và với việc hiểu Lời, cũng như với việc cầu nguyện nhờ Lời đó giúp đỡ. Việc đọc phải quy hướng về việc nội tâm hóa Lời và cuộc đối thoại trong suy niệm. Một việc đọc thông minh và hữu ích, giữa những điều khác, gồm có:
a. Đọc theo chương trình. Để cho việc đọc được hữu hiệu, phải dành cho mình một thời gian mà ta coi là quan trọng, và trung thành tuân giữ. Trong ngày sống của bạn, đâu là không gian dành cho việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện? Tại sao?
b. Đọc chăm chú và trong thinh lặng. Sự hiểu biết Thiên Chúa, mục tiêu tối hậu của việc đọc, đòi hỏi thời gian, và như Guillaume de Saint-Thierry đã nói, cần “sự thinh lặng và sự kín đáo”7. Việc cầu nguyện Lời Chúa đòi hỏi một sự chữa trị bằng thinh lặng. Chúng ta có sẵn sàng cho điều này chăng?
c. Đọc chuyên cần. Chỉ có việc đọc chuyên cần mới sẽ dẫn đưa chúng ta đến chỗ hấp thụ Lời cho tới mức thuộc về chính chúng ta, và dẫn đưa chúng ta đến việc cầu nguyện, củng cố đức tin chúng ta và biến đổi đời sống chúng ta theo hình ảnh và giống với Lời. Chỉ người nào đọc chuyên cần thì mới đi vào trong sự thâm sâu của Lời và khám phá được các bí mật của Lời. Thánh Phanxicô Assisi, sau khi đã hỏi anh em ngài là, “vì lòng mến Chúa, họ hãy vui lòng đón nhận những lời thơm tho của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”, đã lưu ý: “Ai không biết đọc, hãy năng nhờ người khác đọc cho nghe”8. Chúng ta tiếp xúc thường xuyên với việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện như thế nào? Chúng ta có thỏa mãn không?
d. Đọc với lòng tin. Chỉ việc đọc với cặp mắt đức tin mới giúp chúng ta sẵn sàng lắng nghe và đón nhận sứ điệp của Lời, cho dù sứ điệp này có khó khăn và triệt để đến đâu, với một con tim cởi mở và sẵn sàng. Trong bối cảnh này, điều hết sức quan trọng là nhớ rằng đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện hoặc lectio divina, là một việc đọc được thực hiện với hai nhân vật: Thần Khí, Đấng đã linh hứng và làm cho Lời thành đúng là Lời, nay sống trong người đang đọc Lời, trong chúng ta nữa. Không có Thần Khí, chúng ta sẽ không gặp được Lời Ngôi Lời của Thiên Chúa. Đọc trong đức tin đưa chúng ta đến việc đọc khẩn nguyện, cách đọc này sẽ tạo nên nơi chúng ta sự hiểu biết, sự giác ngộ, sự ngoan ngoãn và sự trống rỗng cần thiết để chấp nhận cho Lời đến cư ngụ nơi chúng ta và, như Đức Maria, sinh ra Lời trong đời sống chúng ta. Đức tin của chúng ta thế nào khi chúng ta đọc Kinh Thánh? Chúng ta đặt mình thế nào trước Lời, như lời con người hay như Lời Thiên Chúa? Tôi đón nhận hay tôi thuần hóa các đòi hỏi triệt để của Tin Mừng?
e. Đọc liên tục. Tìm các bản văn theo sở thích riêng, đó là giảm thiểu Kinh Thánh thành một quyển sách trong đó ta tìm những gì ta muốn có. Vì lý do này, rất nên đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện bằng cách dựa theo Sách Bài đọc hoặc đọc liên tục Kinh Thánh hoặc một trong các sách của Kinh Thánh. Chỉ như thế ta mới tránh khỏi rơi vào trong khuynh hướng hoàn toàn duy chủ quan. Việc hiểu bản văn mà đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện đòi hỏi tùy thuộc sự quen thuộc với tất cả bản văn Kinh Thánh, sao cho một bản văn được hiểu và bình luận bởi một bản văn khác. Phải đọc Kinh Thánh với Kinh Thánh. Để được như thế, chúng ta có thể và còn phải sử dụng các dụng cụ ở tầm tay chúng ta, để hiểu bản văn rõ ràng hơn, như một quyển chú giải tốt, đó là chắc chắn không hề quên rằng Lời Thiên Chúa được ban cho chúng ta nhằm việc xức dầu thiêng liêng và nhằm đức mến, chứ không chỉ nhằm sự thông thái hoặc trau dồi văn hóa. Phải chăng tôi để cho Lời soi sáng và phán xét hay là tôi thuộc về số những người đang tìm cách biện minh bằng lời tất cả những gì họ làm hoặc nói?
f. Đọc trong Hội Thánh. Hội Việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện chỉ có thể có được trong khung cảnh Hội Thánh, tức là cộng đoàn, ngay cả khi đọc riêng tư. Lời sinh ra trong cộng đoàn đức tin, được hiểu trong lòng cộng đoàn, chính vì thế, đời sống huynh đệ trong cộng đoàn hỗ trợ việc tái khám phá chiều kích Giáo Hội của Lời: “đón tiếp Lời, suy niệm Lời, sống Lời với nhau, truyền thông các kinh nghiệm phát sinh từ việc này và như thế đi sâu vào trong một nền linh đạo chân chính về hiệp thông”9.
Đọc Lời với tất cả các điều kiện chúng ta đã nói đến, phải có kèm theo ý muốn lắng nghe Lời. Nghe đây, hỡi Israel (Đnl 4,1; 5,1; 6,4-9) là lời mời gọi thường xuyên vang lên bên tai Dân Thiên Chúa. Nghe đây, đây chính là điệp khúc thường hằng trên môi miệng của các ngôn sứ, và là mệnh lệnh cho tất cả những ai sẵn sàng đi vào việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện.
Việc nghe tương ứng với Lời, duy việc nghe mới cho phép chấp nhận Lời, đón tiếp Lời, và mở trái tim mỗi người ra, để vâng theo ngay, không chút chậm trễ (x. Mc 1,18.20). Việc nghe đòi hỏi sự thinh lặng, vì sự thinh lặng cho phép thế giới của người khác, trong trường hợp này, là thế giới của Lời, đi sâu vào trong con tim của mỗi người; việc nghe đòi hỏi chú ý, điều này cho phép sinh hạ Lời trong tim mình, che chở Lời; đòi hỏi sự sẵn sàng, nghĩa là Lời đi vào trong mỗi người và chọn nơi đó làm nơi cư ngụ. Như thế, ta hiểu là nếu không có việc nghe, việc đọc sẽ hời hợt, Lời bị mất đi, sự truyền thông bị cắt đứt và cuộc gặp gỡ không xảy ra.
2. Suy niệm / Hấp thụ: Lời đang nói gì với bạn hôm nay?
Không phải chỉ đọc Lời là đủ, còn phải bảo tồn Lời, cho Lời trú ngụ trong tim mình (x. Ed 3,10), để Lời có thể sinh ra những hoa trái ta chờ đợi. Cuộc gặp gỡ chất thể với Lời không đủ, còn phải hấp thụ Lời, đón tiếp Lời trong đức tin, nhận Lời làm của mình. Đây chính điều mà thì thứ hai của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện nhắm tới: suy niệm/hấp thụ.
Đối với Kinh Thánh, suy niệm có nghĩa là thì thào , nói thầm. Chính vì thế, việc suy niệm chúng ta đang nói đến cũng được hiểu như là việc nghiền ngẫm Lời. Chính là xuyên qua việc thì thào hoặc nghiền ngẫm bản văn Kinh Thánh mà ta đạt tới chỗ hiểu biết bản văn, nghĩa là đạt tới chỗ hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa để sau đó đưa ra thi hành, sống ý muốn đó, vâng phục ý muốn đó. Như thế, suy niệm đưa đến sự hấp thụ và từ sự hấp thụ này ta chuyển qua việc nắm bắt cái ngày hôm nay của Lời, nó cho phép ta đối chiếu đời sống, cá nhân hoặc cộng đoàn, với Lời đã nghe.
Suy niệm là một hoạt động thiêng liêng đưa từ việc đọc và nghe bản văn Kinh Thánh đến một trả lời bằng cầu nguyện và chiêm ngưỡng, và một trả lời bằng đời sống: suy niệm có mục tiêu là sống và làm cho Lời được nhập thể. Không phải do tình cờ mà truyền thống Kinh Thánh đã nói đến nhai và ăn lời: “Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ed 3,3). Phần Giêrêmia, ngài nói tới ăn ngấu nghiến Lời. Biết bao niềm vui tràn ngập lòng ngài khi ngài ăn Lời (x. Gr 15,16), và cũng bằng ấy sự ngọt ngào (Tv 119,103.105). Suy niệm/hấp thụ cho phép chúng ta để cho Lời cư ngụ trong chúng ta, đón tiếp Lời trong cõi thâm sâu của lòng mình. Chỉ người nào ăn Lời mới có thể truyền thông Lời cho người khác: “Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel” (Ed 3,1).
Trong thì thứ hai này của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, phải có một sự đồng thời cần thiết giữa sự hiểu biết Lời Chúa trong tâm trí và việc tiếp đón quảng đại của con tim. Nói cụ thể, trong suy niệm, bởi vì vấn đề là hấp thụ bản văn, toàn thể con người phải chịu liên lụy vào, điều này được tổng hợp bằng nhị thức truyền thống tinh thần và trái tim. Thì này hết sức quan trọng, bởi vì đây là để cho Lời biến đổi mình, bởi vì Lời là lời sống động của chính Đức Kitô, chính lời của Đức Giêsu, lời hữu hình và nhập thể nơi người nhận Lời với tình yêu.
Chúng ta nhớ lại bài Dụ ngôn Người gieo giống (x. Mt 13,3-23). Khi không được nghe với trái tim sẵn sàng, Lời bị mất đi, chết nghẹt, không thể sản sinh hoa quả. Ai không đón tiếp lời với một số tâm trạng nào đó là một mảnh đất ở bên lề đường, giữa sỏi đá và gai góc, tại đó Lời không thể tăng trưởng và càng không thể sinh hoa kết quả. Thánh Phanxicô lưu ý chúng ta chống lại khả năng này, nên ngài bảo chúng ta: “Chúng ta hãy giữ mình cẩn thận cho khỏi rơi vào mưu gian và thủ đoạn tinh vi của ma quỷ. Nó muốn con người đừng hướng lòng trí về Thiên Chúa”10. Tà thần muốn rằng Lời không tìm được đất tốt, nghĩa là Lời không đi sâu vào được trong trái tim. Thế mà chính Lời đặt trái tim trong thế quan hệ chặt chẽ với Chúa, đây là điều mà thần dữ tuyệt đối không mong muốn. Để tránh quan hệ này, tà thần khôn khéo tìm cách đạt tới nguyên do căn bản khiến trái tim hướng về Chúa: Lời đã bám rễ trong trái tim con người.
Chính là trong việc suy niệm/hấp thụ mà ta thấy được hoa quả của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện. Vậy, phải chuẩn bị việc đọc này cho kỹ càng, cả về tình trạng của trái tim cũng như về các phương diện bên ngoài: thời gian, nơi chốn, thinh lặng... Cũng chính tại đây mà vang lên Lời của Đức Chúa: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Chúng ta phải chuẩn bị trái tim đón nhận Lời như một cánh đồng được dành riêng và bảo vệ, bằng cách nhắc lại cho mình rằng Lời chỉ vang lên trong một trái tim sẵn sàng và trong thinh lặng. Chính là vào lúc đó mà sa mạc biến thành nơi có Lời cư ngụ, nhằm ghi nhớ mối tình đầu (x. Gr 2,2), thành nơi của lòng chung thủy (x. Đnl 32,10-12). Tôi có thể vận dụng những phương tiện nào hầu bảo tồn Lời trong trái tim tôi?
3. Hãy cầu nguyện / Hãy chiêm ngưỡng: Chúa nói với bạn điều gì bằng Lời?
Một khi Lời đã được hấp thụ nhờ việc suy niệm, bây giờ đã đến lúc cầu nguyện với Lời. Một khi chúng ta đã biêt Chúa nói với chúng ta điều gì, thì đã đến giờ chúng ta phải tự hỏi là tôi sẽ nói gì với Chúa? Cầu nguyện, chính là trả lời Thiên Chúa sau khi đã nghe Người, chính là thưa xin vâng với dự phóng của Thiên Chúa, một dự phóng có liên hệ đến chúng ta, và theo một nghĩa nào đó, chính là dâng trả lại cho Người chính Lời đã nghe.
Trong chặng thứ ba của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, thời điểm nói với Chúa đã đến, thời điểm bày tỏ với Người những gì chúng ta, được hướng dẫn bởi Lời, đang cảm thấy nơi trái tim. Lời đã đến tận nơi chúng ta, đã cư trú trong trái tim chúng ta và bây giờ quay trở về với Thiên Chúa dưới dạng lời cầu nguyện. Chúng ta ghi nhận điều này trong các lời kinh vĩ đại của Tân Ước: Kinh Magnificat (x. Lc 1,46tt), Benedictus (x. Lc 1,67tt), và Nunc dimittis (x. Lc 2,29-32).
Lời cầu nguyện trong bối cảnh việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện là một tiếng kêu trào vọt lên từ nơi sâu thẳm nhất của con tim đang tiêu hao đi vì Lời Chúa. Biến Lời thành kinh nguyện, chính là nhìn chúng ta trong gương, hiện diện trong Lời, để rồi để cho chúng ta được Lời biến đổi, cả bên trong lẫn bên ngoài, và chính chúng ta cũng trở thành gương soi cho người khác. Chính khi bạn lắng nghe, mà Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, mà bạn nói với Thiên Chúa, như thế là kết thúc chu kỳ đối với thánh Ambrôsiô. Vòng tròn khép lại, nó đã hoàn tất.
Vậy cầu nguyện không phải là một phương tiện đối với việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, nhưng là kết quả của việc đọc này, cũng như kết quả của cầu nguyện là chiêm ngưỡng: thời điểm thụ động cho tình thân mật, thời điểm mà Lời được thưởng thức trong con tim, sự hiểu biết Thiên Chúa bằng kinh nghiệm của trái tim, sự tập trung vào mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Ga 17,3). Sau một thời gian cầu nguyện kéo dài, ta trải nghiệm sự hiện diện của Chúa, Đấng đang gợi lên trong chúng ta: sự ngạc nhiên, sự kinh ngạc thán phục, cái nhìn tinh trong trên thực tại với cặp mắt của những con người đơn sơ, những người có tinh thần nghèo khó. Trong khung cảnh này, sự chiêm ngưỡng, chính là điều trào vọt lên từ một trái tim có Lời cư ngụ và chạm tới.
Cầu nguyện đưa chúng ta tới đời sống cụ thể, vì cầu nguyện không bao giờ tách khỏi đời sống: chúng ta cầu nguyện bằng những gì chúng ta sống và chúng ta yêu mến Thiên Chúa xuyên qua những hoàn cảnh và những phương diện cụ thể của đời sống chúng ta. Ngược lại, sự chiêm ngưỡng đưa chúng ta đến chỗ tập trung vào điều chính yếu: Chỉ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu mà thôi, an nghỉ nơi Người, đón nhận tình yêu của Người đối với chúng ta (x. Lc 10,39). Như thế việc chiêm ngưỡng đưa chúng ta, đi từ các biến cố và các hoàn cảnh của cuộc sống, mà khám phá ra và thưởng thức nơi chúng sự hiện diện năng động và sáng tạo của Lời, và cuộc gặp gỡ liên hệ đến Lời được thay thế bằng cuộc gặp gỡ Lời trong đời sống. Khi đó, Lời sẽ cư ngụ trong trái tim chúng ta bằng đức tin, và cuối cùng, chúng ta sẽ biết tình yêu của Chúa Kitô (x. Ep 3.17-19).
4. Hãy đưa ra thực hành / Hãy loan báo: Làm gì với Lời?
Kết luận tự nhiên của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện là thế này: đưa Lời ra thực hành và làm chứng cho Chúa. Trong Kinh Thánh, một từ ngữ duy nhất, shemá, có nghĩa là nghe, vâng phục, đưa ra thực hành. Nghe không chỉ là đạt được một thông tin về Thiên Chúa, nhưng là gắn bó với một Lời đưa cách sống của chúng ta đến những dấn thân. Nếu nghe là cách trả lời tự nhiên của con người với một vì Thiên Chúa đang nói, vâng phục trong đức tin (x. Rm 1,5; 10,14-17) là mục tiêu của mọi việc lắng nghe.
Vậy việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện không chỉ là một trường dạy về cầu nguyện, mà còn là một trường dạy sống. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai nghe và thi hành Lời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Sự hiệp thông của chúng ta với Chúa, được diễn tả ra bằng các từ ngữ nhân loại được Tin Mừng sử dụng mẹ, anh em, chị em -, tùy thuộc vào sự sống chúng ta dành cho Lời trong đời sống chúng ta (x. Mt 12,48-50).
Ai đón tiếp Lời trong đức tin và sự vâng phục và để cho Lời hành động, thì trải nghiệm một sức mạnh biến đổi bởi vì người ấy có Chúa Kitô cư ngụ, như thánh Tông đồ đã nói: “Chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vâng phục Lời soi chiếu bất cứ sự vâng phục nào khác.
Lời được đón tiếp với một trái tim tinh trong thì không bao giờ vô hiệu, bởi vì như vị ngôn sứ đã nói: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11). Như Đức Maria, khi ta đón tiếp Lời và bảo tồn Lời trong tim (x. Lc 1,38; 2,19.51), Lời quăng chúng ta lên đường để đến với những ai đang cần chúng ta (x. Lc 1,39-45). Lời đã được nghe và đón tiếp nay trở thành sự sống.
Điểm đến của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, chính là công việc Phúc Âm hóa. Và quan trọng là không được quên điều này. Ta chỉ đạt được hoa trái của việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện khi chịu mở dạ mẹ ra và để cho người khác cũng được giải khát nơi cùng một Lời, một Lời cuối cùng đã biến đổi trái tim chúng ta. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Anh chị em hãy nuôi dưỡng ngày sống của anh chị em bằng cầu nguyện, suy niệm và nghe Lời Chúa. Là những người đã quen với việc thực hành Lectio divina, anh chị em cũng hãy giúp các tín hữu đánh giá cao phương pháp này trong cuộc sống thường nhật của họ. Và anh chị em nên biết cách diễn ra thành chứng từ những gì Lời đã chỉ cho anh chị em, bằng cách để cho anh chị em được Lời ấy nắn đúc như hạt giống được đón nhận vào trong một mảnh đất tốt sẽ cung cấp hoa trái dồi dào. Như thế anh chị em phải ngoan ngoãn với Thần Khí và anh chị em sẽ lớn lên trong sự hợp nhất với Thiên Chúa, anh chị em phải trau dồi sự hiệp thông huynh đệ giữa anh chị em với nhau và anh chị em phải sẵn sàng phục vụ anh em mình với lòng quảng đại, nhất là những người đang sống trong quẫn bách”11.
Đến đây, chúng ta lại trở về với Đức Maria: “Các chặng này (của Lectio divina) được tổng hợp và gồm tóm cách tuyệt diệu nơi dung mạo Mẹ Thiên Chúa, là gương mẫu cho tất cả các tín hữu về việc ngoan ngoãn đón tiếp Lời Thiên Chúa, vì ngài ‘hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng' (Lc 2,19; x. 2,51), ngài biết tìm ra mối liên kết sâu xa đang hợp nhất các biến cố, các hành động và các sự vật tưởng chừng rời rạc, trong kế hoạch vĩ đại Thiên Chúa” (Lời Chúa, số 87).
Trích Tập San Hiệp Thông / HĐGMVN số 63 (Tháng 01 & 02 năm 2011)
1. Chúng tôi viết bài này dựa vào Thư của Lm José R. Carballo, OFM, Tổng phục Vụ Dòng AEHM, gửi cho Gia đình Phan sinh dịp Lễ Hiện Xuống 2008.
2. X. Thánh Bênađô, In Canticum Serm. 57, 3; trong PL 183, 105, x. Origiênê, In Canticum Canticorum Hom. 1; trong sđd 37, 95.
3. Thánh Gioan Kim Khẩu, In Mattheum 2,5; trong PG 57, 30.
4. Thánh Gioan Kim Khẩu, In Mattheum 5,1; trong PG 57, 55.
5. Thánh Gioan Kim Khẩu, In Genesim 6,2; trong PG 54, 607.
6. MK 25; x. THĐGM XII, Lineamenta 25.
7. X. Guillaume de Saint-Thierry, Super Cantica Canticorum, 1, 28, trong Sđd 82, 109.
8. Thư một gửi các Tín hữu, 19-20.
9. Thánh Bộ Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hội Tông Đồ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (14-6-2002) 24.
10. Thánh Phanxicô, Luật không sắc chỉ 22,19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét