catholicoutlook.org, Mark O’Connor FMS, 2020-04-22
Mỗi giáo hoàng đều có điểm mạnh và điểm yếu của mình. Xét cho cùng, các giáo hoàng (thực ra là mọi giám mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo) cũng giống như tất cả chúng ta, là những “kẻ có tội được ân phước.”
Vì chúng ta chỉ có một Đấng Cứu rỗi là Chúa Giêsu Nadarét. Vì thế trong bất cứ sự hiểu biết nào về chức vụ của ngôi Thánh Phêrô trong Giáo hội công giáo chắc chắn không có chỗ để “thần tượng hóa giáo hoàng.”
Nhưng dĩ nhiên chúng ta cần các quan điểm thần học khác nhau để hiểu tư tưởng và chức vụ của Đức Phanxicô, để có các đánh giá đúng đắn, tôn trọng.
Nhà thần học và sử học Massimo Faggioli người Ý và bây giờ là giáo sư thần học ở Mỹ, trong những ngày này ông đưa ra các phân tích sâu sắc của ông về Giáo hội đương đại. Giáo sư Faggioli cho thấy chính xác vì sao tự do phát biểu trong Giáo hội là rất cần thiết. Đó là lý do Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta đối thoại thẳng thắn và chân thành.
Ngược lại không có chỗ cho các tấn công ác độc, xấu xa mà trong những năm gần đây chúng ta thấy Đức Phanxicô bị tấn công, một nỗ lực ô nhục để phá hủy triều giáo hoàng của ngài. Các chỉ trích này phải bị lột mặt nạ và bị phơi ra cho thấy động lực của nó.
May mắn cho chúng ta, tác giả Christopher Lamb đã làm được điều này trong quyển sách mới xuất sắc của ông, Người ngoài cuộc: Đức Phanxicô và Cuộc chiến Cải cách Giáo hội (The Outsider: Pope Francis and His Battle to Reform the Catholic Church, nhà xuất bản Orbis, 2020). Tác giả Christopher Lamb người Anh làm việc cho báo The Tablet tại Rôma kể các câu chuyện thú vị về các thế lực “chống đối” ác độc này.
Chủ yếu họ từ một nhóm công giáo nhỏ gọi là “chính thống” và được Mỹ tài trợ. Đáng buồn họ có một vài bạn đồng hành ở đây, tại Úc.
Dù là một thiểu số công giáo nhỏ, họ quyết tâm làm những gì trong quyền lực của họ để phá hoại người kế vị Thánh Phêrô hiện tại.
Một tiếng nói khôn ngoan và cân bằng khác bổ túc cho phân tích của tác giả Christopher Lamb là tiếng nói của linh mục Dòng Tên người Ai-len Kevin O’Higgins. Từ lâu linh mục là nhà truyền giáo ở Paraguay, gần đây linh mục nêu bật món quà mà Chúa Thánh Thần đã cho tất cả chúng ta qua triều giáo hoàng Đức Phanxicô.
Câu tweet về chủ đề này của linh mục xứng đáng được trích dẫn để hiểu về tầm hiểu biết Đức Phanxicô sâu đậm của linh mục:
“Đây không phải là lời chỉ trích Đức Phanxicô khi nói ngài đã lớn tuổi, và năm 2013 ngài đã chuẩn bị về hưu ở Buenos Aires! Chính ngài cũng nghĩ triều giáo hoàng của mình ngắn hạn, chỉ từ 3 đến 4 năm và bây giờ là năm thứ 8, điều này không làm ai ngạc nhiên nếu ngài ít năng động hơn.
“Cũng nên ghi nhận, Đức Jorge Bergoglio là người gần gũi với người nghèo, truyền bá “thần học dân Chúa” theo phong cách Argentina, ngài chưa bao giờ là người theo chủ nghĩa tự do của Âu châu.
“Trong chừng mực mà toàn thế giới đang ở trong cuộc khủng hoảng, chúng ta có thể nói triều giáo hoàng của ngài không ở trong vòng ngoại lệ. Nhưng ngoài bối cảnh Covid-19, tôi nghĩ triều giáo hoàng của ngài khá vững mạnh và đạt được nhiều việc mà bất kỳ ai mong đợi một cách hợp lý đều nhận thấy.
“Có lẽ ngài còn ngạc nhiên hơn ai khi thấy mình ở trong năm thứ tám triều giáo hoàng của mình. Nhưng chắc chắn ngài ý thức trong những năm sắp tới năng lực của ngài sẽ suy giảm. Tôi nghĩ, có lẽ ngài xem mình là người quản lý tạm thời.
“Ngoài ảnh hưởng tăng dần với Hồng y đoàn và vì thế là có ảnh hưởng trong việc chọn người thừa kế mình, tôi muốn nhấn mạnh đến nhiều thực hiện cực kỳ quan trọng, và tôi nghĩ là lâu dài của Đức Phanxicô.”
Linh mục Kevin O’Higgin SJ tiếp tục xác định một số điểm mạnh chính của triều giáo hoàng Đức Phanxicô cho đến bây giờ:
- Nhấn mạnh lại tầm quan trọng của Công đồng Vatican II như bản đồ chỉ dẫn để Giáo hội đi theo.
- Phê bình chủ nghĩa giáo quyền và chủ nghĩa chuộng ưu tú của Giáo triều la-mã.
- Chọn lựa rõ ràng dứt khoát đối với người nghèo và người mong manh nhất.
- Kêu gọi Giáo hội thoát khỏi các tòa nhà tù túng và dấn thân trên đường phố “hậu-kitô giáo.”
- Sử dụng tinh thần đồng hội như yếu tố chính cho việc quản trị Giáo hội, chứ không phải là một chương trình phụ.
- Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phân định.
- Nhấn mạnh đến sự cần thiết của quy trình thay vì các hành vi biệt lập, để các quy trình này thành công cụ thay đổi dài hạn.
- Một cố gắng giải quyết các nguyên nhân sâu xa, ẩn giấu trong các vụ lạm dụng và tham nhũng trong Giáo hội, hơn là chỉ chữa các hậu quả bi thảm của nó. Danh sách này có thể dễ dàng kéo dài.
Cuối cùng linh mục O’Higgins kết thúc với các lời hiền triết:
“Quan điểm của tôi là sự quan trọng lớn lao của triều giáo hoàng Đức Phanxicô là hiển nhiên. Câu hỏi thực sự quan trọng là biết ai/cái gì sẽ tiếp sau.
“Để thể hiện đầy đủ ‘chương trình của Đức Phanxicô’ về đổi mới và cải cách, thì cần phải có một giáo hoàng trẻ hơn và cùng chí hướng.
“Thực tế là có thể phải có nhiều giáo hoàng chia sẻ cùng chí hướng, có đủ động lực và năng lực để giám sát một quy trình kéo dài hàng chục năm nhằm lèo lái Giáo hội theo con đường của Công đồng Vatican II đưa ra. Tôi không thấy một triều giáo hoàng đang khủng hoảng. Chắc chắn tôi thấy một Giáo hội phải đối diện với nhiều chọn lựa quan trọng. Đức Phanxicô tiếp tục đóng vai trò thiết yếu bằng cách xác định và nêu rõ nhiều vấn đề chính yếu mà cả Giáo hội và thế giới đều phải đương đầu.
“Và đây là một nhiệm vụ đơn độc!”
Trong khi chúng ta, người công giáo ở Úc tiếp tục cuộc hành trình đức tin của mình, chúng ta tiếp tục ủng hộ, yêu mến và tôn trọng Đức giáo hoàng Phanxicô. Đúng, làm giáo hoàng là làm một nhiệm vụ đơn độc!
Tạ ơn Chúa về Đức giáo hoàng Phanxicô của chúng ta, vì ngài là ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần cho chúng ta trong giai đoạn khó khăn này.
Và tạ ơn Chúa đã cho chúng ta các nhà thần học khôn ngoai như Linh mục Dòng Tên Kevin O’Higgins đã mang đến khích lệ và hy vọng cho chúng tôi rất nhiều.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét