Trang

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Áp dụng chiến lược giá áo để cải thiện trí nhớ của bạn

fr.aleteia.org, Caroline de Fouquières, 2020-07-04

Phỏng vấn bà Anne de Pomereu, giáo sư về trí nhớ và phương pháp luận, tác giả nhiều sách giáo dục tâm lý. 
Bạn có muốn có được một bộ nhớ đáng tin cậy hoặc trở nên tập trung hơn không? Dù bạn ở độ tuổi nào và quá trình của bạn như thế nào, điều đó là có thể! Bạn chỉ cần biết loại bộ nhớ của mình và áp dụng đúng phương pháp.
Thanh lọc các yếu tố cần thiết, loại bỏ những thứ thừa thãi… Ở thời đại kỹ thuật số, bà Anne de Pomereu, giáo sư về trí nhớ và phương pháp luận trả lời một số chiến lược để cải thiện trí nhớ.
Cải thiện trí nhớ ở kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo có thực sự hữu ích không?
Anne de Pomereu: Trí nhớ rất cần thiết cho lý luận: chúng ta chỉ suy nghĩ thông minh khi chúng ta có kiến thức tối thiểu. Thế giới chúng ta càng trở nên kỹ thuật số, thì điều quan trọng chúng ta càng phải có một trí nhớ tốt. Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới quá tải thông tin. Vì trí nhớ có tính liên kết, trong đầu chúng ta phải có trong các điểm gắn kết mạnh để giúp bộ não tiếp nhận và giữ các điều mới. Nếu tin giả hoạt động tốt và mạnh như vậy, đó là vì chúng ta coi thường việc tiếp thu kiến thức để có thể đặt câu hỏi: đó là đúng hay sai?
Chúng ta có nên nhớ tất cả mọi thứ?
Giữ lại mọi thứ vừa vô lý vừa vô dụng! Quên là chuyện không đáng sợ, đó là chức năng cao cả của bộ nhớ, nó không phải là “mặt trái” của bộ nhớ. Trí nhớ “tệ” giúp lọc các yếu tố cần thiết và bỏ những thứ thừa thãi. Ngoài ra, quên là cần thiết, chúng ta mới có thể phục hồi sau một chấn thương hoặc khi mất người thân. Mục tiêu không phải là lưu trữ kiến thức như con khỉ thông thái. Điều quan trọng là ghi nhớ kiến thức vững chắc để có thể phát triển tự do nội tâm, khả năng lấy quyết định trong sự thật, không bị áp lực xã hội hoặc ý thức hệ can thiệp. Khi chúng ta dựa vào kiến thức đã được mình nắm vững, chúng ta có được tự tin, có được bình an nội tâm.
Vì sao có người có bộ nhớ phi thường, có người có bộ nhớ tầm thường?
Có một bất bình đẳng trong việc phân phối khả năng này khi mới sinh. Nhưng không có nghĩa là khả năng này bị đóng băng! Chúng ta tất cả đều có thể có được một bộ nhớ phi thường, vì bộ nhớ được học. Nó chỉ bị hao mòn nếu chúng ta không sử dụng.
Có nhiều loại bộ nhớ không?
Khả năng phân phối trí nhớ không đồng đều trong chúng ta. Chúng ta thường nói đến trí nhớ thị giác, thính giác hoặc vận động học. Chúng ta nên đi xa hơn: trí nhớ về con số, về các tên trừu tượng, về bài viết, về thơ ca, lời hát, ký ức cá nhân, địa điểm, những người chúng ta gặp. Hình lát cắt y khoa chứng minh bộ nhớ chúng ta ở số nhiều: trí nhớ ngắn hạn (suy giảm khi lớn tuổi), lưu trữ thông tin (số lượng và thời lượng hạn chế) trước khi chuyển chúng sang bộ nhớ dài hạn. Bộ nhớ dài hạn tự nó được tạo thành từ một bộ nhớ theo cử chỉ hoặc theo thủ tục (đi xe đạp, bơi lội, lái xe …), một bộ nhớ ngữ nghĩa (kiến thức đã học) và một bộ nhớ theo thời kỳ (ký ức của chúng ta).
Làm thế nào để khám phá loại bộ nhớ của mình?
Chỉ cần tự hỏi: tôi có thể nhớ những gì mà không gặp khó khăn? Điều gì là khó khăn nhất với tôi? Tôi khó có thể nhớ tên mọi người, nhưng tôi có thể dễ dàng nhớ các số liệu. Con gái tôi chỉ cần nghe hai hoặc ba lần là nhớ lời bài hát, tôi phải cố gắng học riêng từng âm điệu để bám vào đó.
Bà đề nghị phương pháp nào để cải thiện trí nhớ?
Chúng ta sẽ dựa vào những gì bộ nhớ làm một cách dễ dàng. Nếu bộ nhớ giữ nơi và hình ảnh hoàn toàn tốt, thì từ đó, bằng trí tưởng tượng chúng ta sẽ biến đổi những điều mình muốn nhớ thành các chỉ dẫn qua hình ảnh. Cái mà tôi gọi là “hình ảnh trong đầu”. Sau đó chúng ta sẽ lưu trữ các hình ảnh này ở những nơi thực sự, gắn liền với các điểm mốc, được phân phối theo một thứ tự nhất định. Thứ tự của những nơi này giữ lại thứ tự sự vật. Đó là “đền đài ký ức” nổi tiếng nhờ thừa hưởng từ người Hy Lạp nhưng không được sử dụng rộng rãi. Một ít kiến thức bám neo đủ để chứa nhiều chuyện mà không phải cố gắng nhiều.
Tôi rất thích Lịch sử, nhưng tôi pha trộn mọi thứ và không nhớ gì nhiều cho đến khi tôi học biên niên sử của các vua và các tổng thống. Tôi lập danh sách ngày họ lên ngôi, sau đó, tôi ghi lại thông tin bằng cách chuyển tên và ngày thành hình ảnh trong đầu, ghi vào “đền đài ký ức” của tôi. Tôi đặt các vua trị vì trong cùng thế kỷ vào một ô. Ký ức của tôi mạnh về biên niên sử, tôi thích các chương trình truyền hình lịch sử và dễ dàng nhớ các quyển sách tôi đọc. Đó là những gì tôi gọi là chiến lược giá áo.
Chiến lược này là gì?
Đó là không học thuộc lòng một cách ngu xuẩn. Để giữ trí nhớ lâu dài chỉ cần chọn khoảng 20% nội dung – đây là mức tối thiểu cần thiết và đủ – rồi “mã hóa” nó cho vững chắc sẽ giúp chúng ta khôi phục phần còn lại mà không cần phải nhiều cố gắng.
Theo bà, sự tập trung chú ý là cửa ngõ vào bộ nhớ. Xã hội chúng ta đầy cả tiếng động ồn ào và màn hình, việc tập trung chú ý đã không được thành công?
Không tập trung, không có trí nhớ! Tuy nhiên, sự tập trung của chúng ta rất mong manh, ương ngạnh, luôn bị thu hút bởi những gì dễ dàng hơn. Các nhà chế tạo nội dung (Facebook, Twitter, Snapchat, Instagram, v.v.) gờm gờm muốn đánh cắp nó. Chẳng hạn chúng ta muốn làm việc nhưng lại dễ dàng bỏ hàng giờ để ngồi xem tin tức. Ngày nay những người thành công và triển nở là những người có khả năng làm chủ sự tập trung của mình và cự lại với cám dỗ làm nhiều việc.
Liệu trí nhớ tốt có làm chúng ta hạnh phúc?
Tất nhiên! Simone Weil, triết gia người Pháp đầu thế kỷ 20 nói trong khảo luận Về Sự Tập Trung của bà: “Trí thông minh chỉ có thể được điều khiển bởi ham muốn. Để có ham muốn thì phải có hứng thú và niềm vui. Thông minh chỉ sinh hoa trái trong niềm vui.” Thuộc lòng một thánh vịnh hoặc đọc trong sách lễ không giống nhau. Thuộc lòng một bài thơ của Baudelaire, một bài hát của Aznavour hay của Cyrano làm chúng ta hạnh phúc. Đối với một luật sư, bào chữa tại tòa không cần ghi chú tăng thêm sức mạnh cho luận cứ của ông. Trong trí nhớ có một sư phạm hạnh phúc.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét