Trang

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Đọc sách giúp bạn đi xa hơn là một cuộc gặp gỡ đơn thuần

la-croix.com, Marianne Meunier, 2020-07-13
Đọc sách, một công việc “khó khăn” của thời buổi nghe và nhìn, nhưng đọc sách có những lợi điểm khó có bộ môn nghe, nhìn nào sánh bằng.

Nữ diễn viên, ca sĩ và đạo diễn Rachida Brakni nói về sự cần thiết phải đọc sách. Cô nói đến mối quan hệ mật thiết và hàng ngày của cô với việc đọc sách, nhờ tính hiếu kỳ muốn tìm hiểu tâm hồn con người. Các sách cô giới thiệu là các sách đã rèn luyện cô hoặc đi theo cô vào trong giấc mơ… Bài học từ một nữ độc giả có tâm hồn rộng mở.
Tuần báo La Croix: Quyển sách nào đang ở trên đầu giưòng cô?
Rachida Brakni: Quyển Đi tìm thời gian đã mất của tác giả Pháp Marcel Proust (À la rechrche du temps perdu). Tôi vừa qua tập hai, Trong bóng các thiếu nữ đang độ trổ hoa. Đã lâu tôi đã cố đọc lại hai lần nhưng rồi tôi nhanh chóng bỏ qua…
Cô dứt khoát “phải đọc” vì đó là tác phẩm của Marcel Proust sao?
Khi còn trẻ tôi đã tự nhủ dứt khoát mình phải đọc một số sách cổ điển. Tôi xem đọc là công cụ để khai phóng. Nhưng tôi đã vượt lên mặc cảm này.
Thật ra, một trong các cô bạn thân nhất của tôi là cô Françoise Fabian, một phụ nữ và diễn viên tôi ngưỡng mộ trên tất cả, cô là fan hâm mộ của quyển sách Đi tìm thời gian đã mất. Cô đã đọc nó cả chục lần! Cô hay nói với tôi, “bạn thân mến, bạn không biết bạn bỏ lỡ chuyện gì đâu, vì mình biết bạn, mình biết bạn sẽ rất thích tác phẩm này.”
Françoise Fabian có lý không?
Cũng khá rắc rối… Khi tôi bắt đầu đọc Đi tìm thời gian đã mất, tôi có cảm tưởng có một cái gì bị rỉ sét trong tôi. Nhất là khi đọc các tác giả đương thời, tôi mất thói quen với ngôn ngữ này, các mô tả, cách cấu trúc câu… Và rồi, nó đã được gỡ ra, bây giờ mọi sự như trong suốt với tôi. Giống như người chơi thể thao. Để đọc được các tác phẩm văn học như Đi tìm thời gian đã mất mình phải rèn luyện bắp thịt
Làm thế nào để rèn luyện?
Mình phải luôn sẵn sàng. Nói chung, trong khi đọc sách,  tâm trí của tôi có thể đi lang thang nhưng không mất dấu. Với Proust, điều đó là không thể. Phải tập trung rất nhiều để theo dõi tiến trình phát triển các chuyện nhỏ, các chi tiết nhỏ mới đầu tưởng không thú vị. Nhưng đúng ra, nó rất thú vị và thật phi thường. Như khía cạnh xưa cổ trong cách viết của ông. 
Như vậy cô đọc Đi tìm thời gian đã mất mười lần, như Françoise Fabian!
Tôi rất muốn đọc, cũng như đọc lại một số sách mà tôi đã đọc khi còn trẻ. Nhưng nó cũng làm tôi sợ vì càng đọc, tôi càng nhận ra tôi thiếu căn bản và như thế, trong một đời sống tôi sẽ không bao giờ có đủ giờ để đọc những gì mình muốn đọc. Nó làm tôi kinh hoàng.
Đọc lại một số sách cổ điển hay tìm đọc các tác phẩm mới, cả một nan giải …
Đúng, vì luôn có khả thể là mình đọc quyển sách theo một cách khác. Như trong lãnh vực kịch nghệ, cứ trau dồi hoài một vở kịch, mình phát hiện ra có các ngăn kéo mình chưa biết. Nhưng khi bỏ thì giờ ra đọc lại các sách cũ, tôi không có thì giờ đọc được tác phẩm mới. Nó làm cho tôi áy náy lương tâm…
Cô cảm thấy khẩn cấp để đọc. Cô có tự đặt cho mình một thời hạn để xong quyển sách không?
Không, trừ khi tôi là giám khảo cuộc thi văn chương, như ở báo Madame Figaro, nơi tôi là thành viên. Đột nhiên mình phải đọc rất nhiều và nhanh. Vài năm trước khi mới bắt đầu, tôi tự buộc mình phải đọc từ đầu đến cuối. Bây giờ tôi ấn định chỉ đọc một phần ba, nếu không thích tôi sẽ không cố gắng.
Cô có giữ lại các sách cô đã đọc không?
Khi tôi đọc quyển sách loại bỏ túi nào hay, tôi cố gắng mua bản gốc rồi tôi giữ và tôi chuyền bản bỏ túi. Tôi không đòi họ phải trở lại, tôi thích vậy. Nhưng tôi khó rời một vài tiểu thuyết. Như quyển Đồng quê Mỹ (Pastorale américaine, giải Pulitzer năm 1998) của Philip Roth. Bạn không thể tưởng tượng được quyển sách này đã làm tôi xáo trộn như thế nào. Khi tôi đọc, tôi đã đi đi về về bằng xe lửa rất nhiều để quay loạt phim Black Baron. Các hành khách đã phải tự hỏi tôi bị gì. Tôi khóc sướt mướt, tôi khóc nấc lên! Tôi không thể cho ai quyển sách của tôi, góc sách cong queo, tôi tô đậm từng hàng chữ… Và nó đầy nước mắt của tôi!
Quyển sách Đây là những kẻ mơ mộng (Voici venir les rêveurs,) của Imbolo Mbue cũng vậy, nó cũng làm tôi xáo trộn. Tôi giữ một bản cho tôi, tôi cho rất nhiều người sách này. Về thơ thì tôi không bao giờ cho các tập thơ của tôi. Nó luôn đi theo tôi.
Làm sao cô giải thích mình không cho sách trong khi đa số mình sẽ không có thì giờ đọc lại?
Thành thật mà nói thì tôi không biết. Tôi giữ bản gốc quyển Nghệ thuật thua cuộc (L’Art de perdre) của Alice Zeniter nhưng tôi cho bản bỏ túi rất nhiều.
Gần đây khi tôi xem lại quyển Tiếng chuông tuyệt vọng (Cloche de détresse) của Sylvia Plath tôi mới thấy nó tuyệt vời đến như thế nào.
Vì tôi cảm thấy nhẹ lòng với sách nên biết chúng  ở đó làm tôi yên tâm… Nhất là khi còn nhỏ, giấc mơ tuyệt đối của tôi là có một thư viện khổng lồ với một cái thang cuốn. Đối với tôi, đó là biểu tượng của thành công hơn cả việc có một căn nhà. Nó đến sau chuyến đi thăm thư viện trường Trinity College ở Dublin. Một tuyệt vời.
Một giấc mơ đối nghịch với hoàn cảnh gia đình cô, cha mẹ cô đến từ Algérie và không biết đọc tiếng Pháp. Cô có đọc trước mặt cha mẹ không?
Có chứ. Mẹ tôi không bao giờ biết đọc truyện,  bà không thể. Nhưng cha mẹ không bao giờ càu nhàu khi cho tôi sách. Họ thúc giục tôi học. Từ khi rất nhỏ tôi đã đọc sổ điểm của tôi cho cha mẹ nghe. Mẹ tôi nói tôi được khai phóng nhờ tính độc lập của tôi, tôi kiếm sống được nhờ hành trang trí tuệ chứ không nhờ người đàn ông.
Làm thế nào sách đã đi vào căn hộ gia đình cô?
Vào thời đó, chúng tôi sống ở quận 3F ở Athis-Mons. Có một tiệm sách mà bây giờ hẳn không còn kiểu như thế này. Cha tôi đưa tôi đến đây, ông rất kiên nhẫn để tôi đọc bốn trang bìa, để tôi nhìn chung quanh… Thêm nữa có một chuyện thú vị. Khoảng 10 hoặc 11 tuổi, tôi phải mổ ruột dư. Cha tôi đến tiệm sách mua cho tôi quyển sách, ông tự hào khoe với bà lớn tuổi nằm cùng phòng với tôi. Bà nói, “nhưng thưa ông Brakni, quyển này không phải dành cho con gái ông, cháu mới 10, 11 tuổi, quyển này không phù hợp với cháu. Ông rất xấu hổ và đưa cho bà quyển sách đó trước khi tôi nhìn thấy. Tôi không bao giờ biết đó là quyển gì! Tôi nghĩ cha tôi cũng không dám hỏi người bán sách nên mua quyển gì. Cha tôi rất tự ái. Ông có thể băng bàn tay mặt khi ông phải sắp xếp giấy tờ trong một văn phòng. Ông có nghệ thuật giả vờ để không đối diện với khiếm khuyết của mình.
Làm thế nào đọc sách lại là “công cụ khai phóng” mà cô muốn trang bị cho mình khi cô ở tuổi vị thành niên?
Tôi biết việc đọc một số sách cổ điển sẽ cho tôi cột sống giúp tôi thiết lập ý tưởng một cách có cấu trúc hơn nhiều so với những gì tôi có thể tự làm. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng sửa các con khi chúng nói không đúng, tôi giải thích cho chúng hiểu, các con càng dùng chữ đúng thì các con sẽ hiểu hơn và sẽ nói rõ hơn chọn lựa và mong muốn của mình.
Văn học là một chỗ dựa phi thường. Quyển nhật ký Ngày cuối cùng của một kẻ bị kết án (Le dernier jour du condamné) của văn hào Victor Hugo cung cấp một chất đốt cực mạnh để chống bản án tử hình. Điều này cho chúng ta có những chữ vượt quá mình, ra khỏi các chữ sáo rỗng, của ngôn ngữ giao tiếp …
Liệu đọc văn chương có làm cho mình được thuyết phục hơn không?
Chính xác. Hồi đó tôi đã muốn làm luật sư. Vì thế tôi đọc rất nhiều sách của các luật sư tài ba, Thierry Lévy, Henri Leclerc, Robert Badinter… Tôi muốn thêm François Sureau vào danh sách này. Tôi phát hiện ra ông khi tôi nghe ông trên đài phát thanh trong thời gian cách ly, tôi ấn tượng với tầm nhìn xa của ông, với khả năng thấu cảm của ông… Tôi cũng có ý tưởng như ông về nước Pháp. Đó không phải là một Marianne, đó là François Sureau, ông phải hiện thân cho Marianne! Tất cả các luật sư này được tôi luyện trong văn chương, văn chương giúp họ dùng các hình ảnh rất ấn tượng, mở ra nhiều cánh cửa, để mọi người có thể bước vào một cách khác nhau trong các hình ảnh này.
Cô nói cô đã bước qua nhu cầu cần được văn chương khai phóng, vì sao bây giờ cô đọc?
Nếu nhìn lại, tôi bắt đầu đọc để trốn thoát. Chúng tôi không có truyền hình và cha mẹ gần như không cho chúng tôi ra ngoài. Họ sợ các giao tiếp của chúng tôi. Ngoài giờ đi học, đa số thời gian chúng tôi ở nhà. Đọc sách giúp tôi trốn thoát. Sau đó là ý chí khai phóng. Và bây giờ thì tôi nói là đồng cảm. Chẳng hạn thảm kịch của nhân vật chính trong quyển Đồng quê Mỹ đã làm tôi xáo trộn. Nó chạm đến một cái gì dính tới câu chuyện riêng của tôi. Khi bạn đọc, bỗng nhiên nó như chép lại những gì đã cấu tạo mình, mình không cần diễn tả bằng lời, thật là kỳ diệu và cũng chóng mặt.
Như vậy, đọc là như mình nhìn vào gương?
Không, tôi không muốn bạn hiểu lầm. Tôi không chọn các bài đọc để củng cố những gì tôi là hoặc những gì tôi tin. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi có khả năng thấu cảm khá nhất quán và óc hiếu kỳ không biết chán về tâm hồn con người. Đọc cho tôi đến được với các nhân vật mà tôi cảm thấy gần họ nhưng cũng cùng lúc là rất xa họ. Đây là những gì tôi thấy phi thường. Và đó là lý do vì sao tôi yêu một nữ tác giả như… Nữ tác giả… Tôi thấy chữ này thật xấu, nó mất hết phép huyền ảo. Ngắn gọn, tôi rất thích tác giả Joyce Carol Oates, vì bất cứ chủ đề nào bà cũng cho thấy một sự thấu cảm sâu đậm. Không bao giờ có kiểu thiện ác rạch ròi. Tiểu thuyết mới nhất của bà, một quyển sách về các người tử đạo Mỹ kể câu chuyện của hai gia đình. Một gia đình bác sĩ phá thai, gia đình kia là gia đình của một người cha thuộc giáo phái phúc âm, ông giết người bác sĩ này. Nhưng không có một bên là nhà khoa học, lý trí và tiến bộ, bên kia là người dốt nát, vô học. Một cái gì đó nói với tôi về từng nhân vật. Thật là kỳ diệu.
Cô giải thích sự phát triển trong tương quan của cô với việc đọc như thế nào?
Tất cả, trong hiện sinh, mọi thứ phức tạp hơn nhiều so với vẻ bên ngoài của nó. Có lẽ vì tôi bình yên hơn, tôi tự tin hơn nhiều để hiểu nó. Ngược lại khi ở tuổi thiếu niên, tôi rất bực Albert Camus (1913-1960) vì trong văn chương của ông, tôi không bao giờ thấy một nhân vật Algeria thực sự. Vậy mà ông cho mình là người Algeria. Tôi cũng nghe tác giả Kateb Yacine kể ông luôn bực Camus vì Camus không bao giờ đại diện cho người Algeria, và nhân vật Algeria duy nhất trong tác phẩm Người xa lạ của ông gần như không tồn tại. Ông giải thích ông thích một nhà văn như Faulkner, một cách nào đó phân biệt chủng tộc, nhưng có sức tạo ra các chân dung phi thường của người đàn ông da đen. Có một dạo tôi rất chống Camus. Tôi muốn hỏi ông, chất vấn ông, nói với ông: “Này Albert!” (Cô cười). Nhưng bây giờ thì không còn nữa, tôi đã hòa giải với ông.
Chúng ta có nên bỏ không dạy một số tác giả vì các quan điểm của họ không còn phù với ngày nay?
Xóa sạch thì không bao giờ lành mạnh. Tôi thích đặt câu hỏi. Tôi có dự án làm phim về một gia đình harkis với đạo diễn Dominique Cabrera. Cha tôi không hiểu tại sao. Tôi cảm thấy đối với cha tôi, đây là một vết thương. Phản ứng của cha tôi không có gì hợp lý. Tôi muốn giải thích với cha tôi nhưng không được, như mọi lần, không có một bên là những người tốt và bên kia là những người dữ….
Nước Pháp đã cư xử rất tệ với người harkis, nước Algeria cũng vậy. Họ mất tất cả. Nhưng đạo diễn Dominique Cabrera đã không thể dựng phim của mình. Đó là cách đây mười lăm năm và tôi nghĩ chúng ta chưa sẵn sàng nghe những lời này.
Cuốn phim Nghệ thuật thua cuộc (The Art of Losing) phát hành năm 2018, cô thật đáng kể và cô đã xử lý vấn đề này một cách chính xác…
Đúng. Thật tuyệt vời khi các nhà văn hoặc đạo diễn có thể làm những đề tài như vậy. Đây là dấu hiệu cho thấy thời điểm, một công việc vô thức đã diễn ra và chúng ta có cách thanh thản để đề cập đến.
Sự thấu cảm hướng dẫn khi cô đọc. Nhưng một cuộc gặp gỡ trực tiếp sẽ phong phú hơn? Vì sao phải cần đến bộ lọc của văn học?
Đọc giúp chúng ta đi xa hơn một cuộc gặp gỡ đơn thuần, cuộc gặp có thể bị ô nhiễm bởi vô số yếu tố bên ngoài. Và đôi khi đó không phải là thời điểm thích hợp, là đúng nơi. Lớp sơn có thể cự lại. Văn sĩ là người có thể chụp X-quang sâu hơn, phong phú hơn, chi tiết hơn. Ông có thể chạm vào sự thân mật và thăm dò tâm hồn con người mà chúng ta không thể, và vì nhân vật cũng có thể không thể nào có khả năng gì hơn. Một nhà văn có thể diễn tả những điều không thể nói lên được, và đó là điều làm tôi thích thú.
Có những lúc nào trong cuộc sống cô dễ đọc hơn lúc khác không?
Tôi phải công nhận là từ khi tôi có con, tôi đọc ít hơn. Nhưng không ngày nào mà tôi không đọc. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi đọc báo của ngày hôm sau vì tôi có ghi tên vào một số báo. Sau đó tôi đọc qua tiểu thuyết. Khi xong ngày, khi mọi việc đã làm xong, giây phút này thuộc về tôi.
Cô cảm thấy gì khi tắt đèn mà chưa đọc?
Điều này chưa bao giờ xảy ra! Đọc sách là phòng chờ để đi vào giấc ngủ.
Nó làm cô ngủ gật?
Không, đọc sách nhè nhẹ đưa tôi vào giấc ngủ.
Tôi thường ngủ trên quyển sách của tôi, tôi thích vậy. Đôi khi những gì tôi vừa đọc đi vào giấc mơ của tôi. Thường tôi ngủ thiếp đi sau khi đọc vài trang của Đi tìm thời gian đã mất, đoạn nói về măng tây. Sau đó, tôi mơ thấy măng tây, tôi đi hái nó trên cánh đồng … Thật là ngon.
Vì vậy, chúng ta không chỉ đọc với cái đầu mà còn đọc với cơ thể…
Tôi tin chắc. Điều này hiển nhiên với thơ. Đôi khi, tôi không hiểu tất cả, nhưng nó vượt qua tôi, nó làm tôi xúc động, chạm vào tôi … Tôi không biết, đó là do tính âm nhạc của các chữ, sự đan xen của chúng, như một hơi thở. Ngoài ra tôi luôn đọc thơ lớn tiếng, có khi than thở hay thì thầm. Giống như các câu thơ alexănđrin ở nhà hát, nó cần được thốt lên.
Cô là mẹ đỡ đầu của Mùa xuân các nhà thơ năm 2019. Thơ chiếm vị trí nào trong các bài đọc của cô?
Thơ chiếm một chỗ quan trọng. Tôi luôn có các tập thơ ở đầu giường, những quyển này tôi chọn ngẫu nhiên. Fernando Pessoa, bằng tiếng Pháp, vì tôi chưa đọc được bằng ngôn ngữ chính! (Cười.) Emily Dickinson hoặc Sylvia Plath. Nhưng tôi không đọc tập thơ từ đầu đến cuối.
Cô nói đến các sách trên đầu giường, cô có nằm đọc sách không?
(Cười). Rất nhiều! Nhưng tôi còn đọc khi đi du lịch, trên máy bay hay trên xe lửa.
Điều này không làm cho cô thấy việc đọc sách là xa xỉ sao?
Không, vì nó cho phép mình hành động. Tầm mức của hành động được văn học củng cố là rất lớn.
Nhưng tất cả sự phong phú của việc đọc mà chúng ta vừa đề cập đều dành cho người ưu tú…
Thật vậy. Nhưng trong tuổi thơ của tôi, ở điểm này nó không phải là như vậy. Cuộc gặp gỡ thì có thể. Trước thời gian cách ly, tôi tham gia vào một sự kiện được ông Arnaud Meunier, giám đốc Hội Kịch nghệ Saint-Etienne tổ chức. Ông đề nghị các bài đọc chung quanh từ “cùng nhau” để các trẻ em chưa bao giờ xem kịch đọc. Thật tuyệt vời vì một số người đã cười, có người phát hiện ra ý nghĩa mà lúc đầu họ chưa cảm nhận được… Tôi tin chắc trong số họ, một vài người đã gặp nhau. Vẫn có thể, nhưng chúng ta phải đi tìm các độc giả này.
Có tốt hơn để đọc một quyển tiểu thuyết tầm thường hơn là không đọc gì không?
Chắc chắn. Dù sao đọc vẫn tốt hơn. Tất nhiên. Bất cứ điều gì xảy ra, tốt nhất vẫn là đọc. Nhưng hạ thấp đòi hỏi để thích ứng với công chúng là điều không chấp nhận được. Đó là từ nhiệm và nhượng bộ. Tất nhiên, rất khó để đọc Proust. Nhưng có thể bắt đầu với nhiều tác phẩm của di sản Pháp. Nữ bá tước Ségur cho các em nhỏ, Georges Sand, Maupassant…
Hương vị thưởng thức sách có thể truyền được không?
Có thể, nhất là khi được nghe. Nó mang lại sức sống và giúp hiểu dễ dàng hơn.
Để việc đọc vừa tầm tay với mọi người, có nên giải thích về tác giả không?
Có chứ. Thường thường các học sinh đi học ở những trường có tên các nhân vật lịch sử mà chúng không biết họ là ai. Như Ronsard và Corot, trường đại học và trung học khi tôi còn là học sinh. Đó là lý do vì sao tôi có ý tưởng này. Sẽ rất tuyệt nếu trong một năm, chúng ta để thêm tên của một tác giả đương đại vào tên của một cơ sở. Tác giả này sẽ là cha mẹ đỡ đầu cho cơ sở đó. Trong năm, họ sẽ đến nói về công việc viết lách của mình, để đọc, để khám phá một nhà văn mà họ yêu thích. Điều này sẽ giúp cho sự hiện thân.
Đọc sách rất quan trọng trong cuộc sống của cô. Cô có thể gần gũi với những người không đọc được không?
Được. Tôi đang nghĩ về Jérôme, người bạn kiểm lâm trong một ngôi làng nhỏ. Anh rất thơ mộng và có một đời sống nội tâm rất phong phú. Cũng như những người trong gia đình tôi. Mẹ tôi không đọc, ngoại trừ các đoạn kinh Koran. Bà có đức tin sâu đậm, có đời sống nội tâm phong phú và tôi có thể nói rất nhiều chuyện với bà. Và điều ngược lại cũng đúng. Một số người đọc nhiều nhưng không thể chịu đựng được, họ rỗng tuếch!
Nữ diễn viên, ca sĩ và đạo diễn Rachida Brakni
  1. Sinh ra ở Paris.
  2. Nội trú ở Viện Kịch nghệ Pháp.
  3. Giải César dành cho tài năng hy vọng nữ trong vở Chaos, của Coline Serreau và giải Molière cho khám phá kịch nghệ trong vai Ruy Blas.
  4. Đóng trong Sonata d’automne, phóng tác từ phim của Ingmar Bergman, với Françoise Fabian.
  5. Phát hành album nhạc blues Accidentally yours.
  6. Đóng Nạma Meziani, cố vấn, trong phần ba của Black Baron.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét