Phỏng vấn Linh mục Nicolas Buttet: Giáo hội đã lỡ cuộc hẹn của mình với Covid-19 và với lịch sử
echomagazine.ch, Laurent Grabet, 2020-07-15
Nhân vật nổi tiếng trong giới công giáo và là người sáng lập Cộng đoàn Thánh Thể năm 1996, linh mục Thụy Sĩ Nicolas Buttet đưa ra cái nhìn trí tuệ và thần nghiệm không khoan nhượng những gì đại dịch Covid-19 cho thấy về nhân loại và Giáo hội.
Đầu tháng 7, Linh mục Nicolas Buttet tiếp chúng tôi lâu giờ trong căn nhà miền quê ở vùng núi cao Saxon, Thụy Sĩ nơi cha nghỉ một năm sa-bát, đánh dấu kết thúc thời gian 23 năm đứng đầu Cộng đoàn Thánh Thể Eucharistein, một cộng đoàn huynh đệ cảm hứng từ truyền thống Phanxicô Assisi mà năm 1996 cha đã thành lập tại Epinassey, gần Saint-Maurice, Thụy Sĩ. Từ cuối tháng này và cho đến năm 2021, cha sẽ phục vụ ở các cộng đoàn Truyền giáo Bác ái Mẹ Têrêxa ở Rôma, Kenya, Madagascar, Mauritius và ở Calcutta. Sau đó, cha trở về sống như người cha em trong Cộng đoàn Thánh Thể của cha. Đắm mình trong cô tịnh của một thiên nhiên hùng tráng rất thân thiết với cha dưới chân núi Pierre Avoi và dưới con mắt che chở của tượng Đức Mẹ lộng lẫy nằm giữa lô sách vở và các tập ghi chú trong văn phòng tạm thời của cha, cha thanh thản phân tích sâu đậm về cuộc khủng hoảng coronavirus. Cha thẳng thắn nói suy nghĩ của cha với chúng tôi.
Khủng hoảng Covid-19 đã cho cha thấy các điểm gì?
Nicolas Buttet: Một trong các điều nổi bật nhất là Covid-19 đã giảm thiểu con người xuống chỉ còn sống theo bản năng sinh lý, coi thường khía cạnh tâm lý và tâm linh của nó, điều mà trong mấy thập kỷ qua y học toàn tiến đã nhấn mạnh. Các mối quan hệ của con người đã bị nghèo đi. Một bà ngoại nói: “Cách tốt nhất để con cháu tôi cho tôi biết chúng yêu tôi là không chạm vào tôi cũng không đến thăm tôi.” Trên lãnh vực này một đại dịch tâm hệ đã phát triển mạnh, chủ yếu được các phương tiện truyền thông gây thêm lo lắng cho cuộc khủng hoảng. Một nghiên cứu của Đại học Bâle Thụy Sĩ cho biết, 20% trong số các người được hỏi đã có các triệu chứng trầm cảm.
Đôi khi chúng ta có cảm tưởng người dân đã dễ dàng từ bỏ nhiều quyền tự do cá nhân của họ cho sức khỏe cộng đồng …
Đại dịch này được đánh dấu bởi sự tuân thủ xã hội giống như tất cả các thời kỳ khủng hoảng. Một đa số thầm lặng đã chịu đựng các sự kiện mà không thể hiểu chúng. Rất nhiều người hiểu, nhưng họ hèn nhát không hành động. Một thiểu số “anh hùng” làm những gì họ có thể làm. Bầu khí độc hại này đã từng bước cho phép một chế độ toàn trị lén lút làm việc, máy bay không người lái, máy bay trực thăng, các ứng dụng, nhận dạng khuôn mặt và các công cụ công nghệ khác đã được sử dụng để theo dõi vì lợi ích chúng ta. Đó là Đế quốc cho điều tốt theo triết gia Philippe Muray. Người ta sẽ cho bạn sức khỏe, bánh mì và an toàn nhưng đổi lại, bạn sẽ phải bỏ tự do của mình, chương Đại quan tòa dị giáo (The Grand Inquisitor) trong tác phẩm Anh em nhà Kazamazov của Dostoievski đã nói…
Nhưng dù sao, mỗi người không có được tự do hành động sao?
Có, nhưng khó. Vì trong bối cảnh này, chúng ta bị dán nhãn nếu chúng ta không tuân các quy tắc. Chẳng hạn bác sĩ cấm một cụ đang nằm bệnh viện dự đám tang chồng sau 67 năm họ kết hôn!
Cách đối xử với người già, người bệnh tật, người cuối đời có làm cha sốc không?
Tôi nghe tiếng khóc và nước mắt của các người bị cô lập vì “tốt cho họ”, những người van xin chúng ta thương họ. Họ chết sáu tháng trước không sao, miễn là họ không chết cô lập. Chúng ta hoàn toàn phủ nhận nhu cầu thiêng liêng, ngăn chặn sự đồng hành với người bệnh và người sắp qua đời. Lần đầu tiên kể từ thời con người sống trong hang động, việc mai táng đã rơi vào quên lãng dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng vệ sinh. Tuy nhiên, “khi không có mai táng, vết thương khó thành sẹo hoặc thành sẹo nhưng sẹo xấu xí”, nhà phân tâm học Boris Cyrulnik đã nhắc lại.
Do đó chiều kích tâm linh của con người đã phần lớn bị che giấu. Tại sao?
Giáo hội đã hoàn toàn lỡ cuộc hẹn của mình với lịch sử khi nhân danh sức khỏe để mình bị bẫy trong quan niệm sai lầm, rằng mọi hạn chế đều được chấp nhận. Triết gia Pascal Bruckner nhắc, người Hy Lạp nói, phải chống đối các thảm kịch lớn bằng các từ ngữ lớn. Giáo hội chưa tuyên bố điều đó… Khi chính phủ Ý đòi hỏi đóng cửa các nơi công cộng không quan trọng, các giám mục làm trước lời kêu gọi ở nhà thờ của họ. Đó là một sự thú nhận đáng sợ: đối với họ, nhu cầu tâm linh không phải là nhu cầu thiết yếu đầu tiên! May mắn thay, giáo hoàng nhắc nhở họ về lý do và sau đó nhà thờ được mở trở lại.
Chính quyền cũng đã nhắc một vài nguyên tắc chính trong lĩnh vực này. Khá an tâm, đúng không?
Ở Đức, phải chờ Tòa án Hiến pháp nhắc, việc cấm thờ phụng là bất hợp pháp để các giám mục xứ này thức tỉnh. Cũng vậy ở Pháp! Và nhờ các lời phàn nàn từ giáo dân can đảm. Nhưng chính các linh mục phải là người thức tỉnh đầu tiên. Tôi vô cùng thất vọng trước sự bất lực hoàn toàn của một số lớn trong họ, để có một cái nhìn tự do về tình hình và tôn vinh bất chấp mọi sứ mệnh Tin Mừng mà vẫn tôn trọng các hạn chế về sức khỏe.
Ngay cả một số tu sĩ đã đề nghị người thân cho các người trong gia đình rước lễ…
Ý tưởng đẹp đẽ này đến từ một nhóm nhỏ người can đảm nhưng bị đa số linh mục từ chối, họ sợ mất quyền vì như thế là có lợi cho giáo dân! Từ rất lâu trước đại dịch Covid-19, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh, trong thời kỳ khủng hoảng, Giáo hội phải như “bệnh viện dã chiến sau trận chiến”. Nói cách khác, Giáo hội phải đi thẳng vào mục đích bằng cách phá vỡ, nếu cần thiết, các quy tắc thông thường. Chúng ta ở rất xa bệnh viện này, nó đã bị đóng cửa hoàn toàn! Thay vào đó, chúng ta phát trên mạng ảo các thánh lễ không hồn trên internet. Hoặc chúng ta triển khai một sáng tạo thần học đáng chú ý, nhưng hơi cứng nhắc và trại ra để ca ngợi hiệp thông thiêng liêng…
Điều này gây phiền nhiễu như thế nào?
Hiệp thông thiêng liêng chỉ là phần chủ quan của hiệp thông bí tích, cụ thể không thể tách rời. Nhiều người xin được rước lễ thật sự, trong số này có rất nhiều người nghèo. Bị cách ly trong tháp ngà, Giáo hội không thể cảm thông sự đói khát của những người mà họ là các người chủ của chúng ta, vì Thần Khí nói qua họ. Điều này làm chúng ta nghĩ đến một thảm kịch khác: ngày nay tôi sợ nhiều linh mục dường như không còn tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể!
Cha nói Giáo hội cũng đã thất bại trong bổn phận xã hội của mình. Trong lãnh vực nào?
Bây giờ nạn nghèo đói vẫn còn rất nhiều và các dịch vụ xã hội của Giáo hội vẫn đóng cửa. Các linh mục và giám mục ở các nước chúng ta được Nhà nước trả lương nên dành một phần tiền lương của mình để hỗ trợ cho một quỹ tương trợ. Như thế công việc này sẽ có tác dụng ngôn sứ. Dù rất ái ngại nhưng nhiều người đã đến xin cộng đoàn chúng tôi giúp đỡ. Chỉ riêng ở thành phố Valais, chúng tôi đã giúp khoảng 250 gia đình. Nhưng nhìn chung, Giáo hội đã không biết quan tâm đủ đến những người không còn khả năng trả tiền nhà hoặc chi phí bảo hiểm sức khỏe. Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy sự khác biệt giữa một Giáo hội thể chế, đời sống người dân và sự đau khổ của thế giới! Một số giáo dân nói với tôi: “Giáo hội đã bỏ rơi chúng tôi!”
Đại dịch cũng thức tỉnh một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ…
Đúng, tạ ơn Chúa, và thường ở ngoài Giáo hội, các sáng kiến này phát sinh từ xã hội dân sự. Một số sống kinh nghiệm đổi mới tâm linh. Đó là lý do để hy vọng trong cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội mà các nhà lãnh đạo chúng tôi đã cố gắng đẩy lùi trong nhiều năm và bây giờ nó đang ở trước ngưỡng cửa nhà chúng ta. Nếu không có cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19, không có gì chắc các cuộc khủng hoảng khác sẽ có khả năng đánh thức sự tương trợ rất cần thiết này để vượt qua mà không cần phải tốn quá nhiều bạo lực. Cho đến nay, Giáo hội đã có mặt ở tất cả các nơi có thảm kịch nhân loại. Sự tê liệt của Giáo hội trong đại dịch này là lần đầu tiên. Giáo hội không còn có thể ở lại trong sự thụ động nhân từ và nô lệ này. Giáo hội phải bắt đầu lên tiếng mạnh về các giá trị của mình, như Tổng Giám mục Paris, Michel Aupetit đã đề nghị.
Một số giáo dân nhìn thảm kịch này như hình phạt thiêng liêng của thời cánh chung. Cha cảm nhận gì trong điều này?
Với tôi, Các sự kiện này mang dấu ấn mô phạm thiêng liêng. Nó kêu gọi chúng ta phải tuyệt đối khiêm nhường, trở về với thực tại, với sự khác biệt. Và để đối diện với sự bất lực khi chúng ta muốn kiểm soát mọi chuyện. Thật không may, nó lại nảy sinh ra các lo lắng hiện sinh mà đôi khi dẫn đến các thuyết âm mưu hoặc hé thấy trong khủng hoảng một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Và rồi rất nhiều người quay qua các kỹ thuật công nghệ, luôn là tôn giáo của thời đại chúng ta dù sự bất lực của chúng là hiển nhiên. Thực sự có một điều gì đó cho thấy sự cánh chung trong thảm kịch này và các hậu quả của nó, mà chỉ có sự xuất hiện của siêu việt mới có thể mang đến một giải pháp.
Cha có lạc quan cho tương lai không?
Tôi muốn ở trong thực tế. Chẳng hạn từ lâu cứ mỗi phút có mười em bé chết đói trên thế giới này, chuyện nghe như giai thoại trong cuộc khủng hoảng nhưng đủ để thức tỉnh chúng ta. Liệu điều đó có đủ để thế giới sau này không phải là thế giới trước không? Không chắc! Nhưng nhiều người xem các tháng vừa qua như một kiểu mở dấu ngoặc đơn không nên có. Nhưng phần tôi, tôi tin chúng ta không thể tránh một cuộc tự xét can đảm về các suy thoái nhân học và các hậu quả trên con người mà đại dịch này đã mang đến.
“Trong sự yếu đuối hoàn toàn”
Cá nhân cha, cha trải qua đại dịch này như thế nào?
Tôi bị nhiễm coronavirus vào tháng giêng. Lúc đầu tôi nghĩ đây là bệnh sưng phổi không bình thường. Tôi cách ly một mình ở ẩn cốc của tôi ở Epinassey để không làm ai lây nhiễm. Tôi mất vị giác và yếu toàn thân. Nếu tôi cố gắng làm việc, thì đầu tôi sụp xuống bàn phím ngay. Khi hết bực mình, tôi phải chấp nhận thực tế. Sự cách biệt giữa người đầy ý chí bình thường là tôi với người mất năng lực bây giờ thì thật là khủng khiếp. Thêm nữa với tuổi, sự mong manh này có thể trở thành tình trạng chung của tôi.
Cha có sợ chết không?
Không. Vì tôi đã chiến đấu với nỗi sợ này khi đứng trước tuyết lở và và với chiến tranh. Và cũng vì theo tôi, cái chết là một hy vọng.
Còn sự cô lập có đè nặng trên cha không?
Cũng không. Tôi không bao giờ tìm cách đi khắp thế giới để giảng bài. Và tôi còn giữ một hoài niệm lớn lao của năm năm sống ẩn tu đơn độc trên vách đá Saint-Maurice. Đã nhiều năm nay tôi không ngủ một nơi nào quá bốn đêm. Cuộc sống này cũng đã làm cho tôi không tập trung vào một số chi tiết về đời sống nội tâm của tôi. Thật là quan trọng để tìm thấy một nhịp sống con người hơn và để tâm hồn tôi tập trung lại dù quá trình này đôi khi cũng là một loại “hích trị liệu” (cười).
Marta An Nguyễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét