Quan điểm của Thần học gia Joseph Ratzinger về cải cách phụng vụ sau Công đồng Vatican II
QUAN ĐIỂM CỦA THẦN HỌC GIA JOSEPH RATZINGER VỀ CẢI CÁCH PHỤNG VỤ SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II
WHĐ (9.7.2020) – Văn kiện đầu tiên của Công đồng Vatican II là Hiến chế về Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium). Trong đó, ngay từ số đầu, Công đồng đã xác định bổn phận của mình là “canh tân và phát huy Phụng vụ, để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày càng tăng triển.”[1] Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử, thì chính các phong trào cải cách Phụng vụ ở đầu thế kỷ XX, đặc biệt là các phong trào tại Đức, đã thúc đẩy Giáo Hội nhận thấy nhu cầu canh tân đời sống của mình, từ đó dẫn đến việc mở Công đồng Vatican II. Như vậy, Phụng vụ và đời sống Giáo Hội có một mối liên hệ chặt chẽ, đến nỗi chúng ta có thể nói rằng: Phụng vụ là đời sống của Giáo Hội, là hành động cao cả nhất của đời sống Giáo Hội, “là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời cũng là mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội.”[2] Do đó, “canh tân Phụng vụ cũng chính là canh tân toàn bộ đời sống Giáo Hội.”[3] Và thực tế của những năm sau Công đồng đã chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, việc áp dụng những canh tân ấy đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau từ các thành phần trong Giáo Hội. Những người thuộc phe bảo thủ, ví dụ như các thành viên trong huynh đoàn Piô X, cho rằng việc canh tân của Công đồng đi quá đà. Trái lại, phe cấp tiến lại than phiền vì cho rằng Giáo Hội quá chậm chạp trong việc canh tân, cập nhật hóa. Riêng đối với thần học gia Joseph Ratzinger – một người được xem là bảo thủ trong việc giữ gìn chân lý đức tin Công giáo, với biệt danh là “der Pantzerkardinal” (hồng y xe tăng) – thì việc canh tân nói chung, và canh tân Phụng vụ nói riêng, đã có những lạm dụng đáng tiếc, làm cho các nền tảng đức tin Công giáo bị méo mó và bị lãng quên. Điều này được ngài thường xuyên lặp lại mỗi khi đề cập đến việc cải cách Phụng vụ trong nhiều bài viết và các cuộc trả lời phỏng vấn.
Vì những lời chỉ trích của ngài về các sai lầm và lạm dụng trong việc canh tân Phụng vụ như vậy, nên có những người đã lên tiếng cho rằng thần học gia Ratzinger như là một người đi ngược lại Công đồng,[4] hay chống lại những cải cách Phụng vụ Công đồng.[5] Nhưng trong thực tế, nếu tìm hiểu kĩ các bài viết và các cuộc phỏng vấn của ngài, chúng ta nhận thấy rằng ngài đã trình bày những quan niệm về Phụng vụ hoàn toàn trung thành với giáo huấn và đường hướng cải cách của Công đồng Vatican II. Nhưng trước những cải cách sai lầm và lệch lạc trong thực tế, ngài cảm thấy hối tiếc,[6] nên phải lên tiếng phê bình và chỉ ra chỗ sai lầm lệch lạc ấy.
Bài viết này sẽ nỗ lực trình bày quan điểm của thần học gia Ratzinger về những cải cách Phụng vụ sau Công đồng Vatican II, cụ thể là theo ba hạn từ như là châm ngôn cho việc cải cách đó là: cập nhật hóa (agiornamento), tham gia tích cực (participati actuosa) và hội nhập văn hóa (inculturatio). Trong mỗi hạn từ, chúng ta sẽ nhận thấy cách nhìn của ngài về Phụng vụ theo giáo huấn và đường lối cải cách Phụng vụ của Giáo Hội được trình bày trong Hiến chế Phụng vụ, đồng thời cách ngài chỉ ra những quan niệm, những áp dụng sai lầm, lệch lạc trong quá trình canh tân ấy.
1. CẬP NHẬT HÓA
Cập nhật hóa được xem như là chiều hướng chính của Công đồng Vatican II, để trình bày đức tin Kitô giáo phù hợp với tâm thức con người ngày nay.[7] Đối với Phụng vụ, các nghị phụ nỗ lực tìm cách canh tân toàn diện. Mặc dù Phụng vụ có những điều không thể thay thế do Thiên Chúa thiết lập, phát xuất từ Phụng vụ Do Thái giáo – đặc biệt là nghi lễ Vượt Qua - được Chúa Giêsu kiện toàn và trao lại cho các tông đồ, nên những yếu tố nồng cốt cần phải được duy trì. Nhưng bên cạnh đó, Phụng vụ “có những phần theo dòng thời gian có thể hay thậm chí buộc phải thay đổi, nếu đã có chen vào đó những yếu tố không đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng vụ.”[8]
Cũng vậy, đối với thần học gia Joseph Ratzinger, Giáo Hội nói chung, và Phụng vụ nói riêng, luôn mang trong mình dấu ấn của mọi thế hệ loài người thay đổi qua các thế kỷ, chịu ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa xã hội. Cử hành Phụng vụ không đơn thuần diễn tả lại một biến cố trong quá khứ xa xưa, nhưng đó là một cuộc hiện tại hóa công trình cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô. Do đó, Phụng vụ không phải là một cái gì khô cứng, nhưng Phụng vụ luôn sống động trong quá trình lịch sử. Nhờ đó, ta có thể đưa vào những cái mới. Hay ngược lại, nhờ “cập nhật hóa”, Phụng vụ không trở nên xơ cứng, và đó cũng là bản chất của truyền thống Phụng vụ.[9]
Tuy nhiên, người ta thường quên đi tính chất thánh thiêng của Phụng vụ mà Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức năng tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô [...], và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu cùng với các chi thể.”[10] Do đó, đối với thần học gia Ratzinger, mặc dù Phụng vụ luôn sống động trong quá trình lịch sử, nhưng Phụng vụ không bao giờ chỉ là một lễ hội đơn thuần. Thay vào đó, qua Phụng vụ, người Kitô hữu được thông phần vào việc Đức Kitô trình diện trước mặt Thiên Chúa Cha, trong tư cách là cộng đoàn hoàn vũ của Giáo Hội, bao gồm cả cộng đoàn các thánh.[11] Tuy nhiên cần lưu ý, việc tiếp nhận các luồng sinh khí mới phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại phải được đặt nền tảng trên tinh thần của truyền thống tốt lành.[12]
Nhưng trong thực tế, có những phong trào cải cách Phụng vụ quá chú trọng đến việc đưa vào những cái mới mà quên đi rằng việc cải cách không được phép cắt đứt với truyền thống, nhưng phải diễn ra trong sự quan tâm đến những phát triển sống động gắn liền với truyền thống. Ngài cho rằng, ngày nay đang có nhiều khuynh hướng muốn lắp ráp hoặc tháo gỡ bớt. Điều này không phù hợp với bản chất của Phụng vụ. Không phải đơn giản là các ban giáo sư tự nghĩ ra chuyện làm sao để Phụng vụ tốt hơn về mặt mục vụ, để nó được thực tế hơn, hấp dẫn hơn hay là vì mục đích nào khác. Ngài đưa ra lời cảnh cáo đối với những người có trách nhiệm trong Phụng vụ: “Hãy thi hành công tác này với tinh thần phục vụ, để làm cho những gì sinh động được lớn lên [...], đừng nghĩ mình là những kẻ toàn năng, có thể sáng tạo hoặc chế biến ra được cái hay hơn”.[13]
Một ví dụ khác về sự quá đà trong việc cập nhật hóa, đó là việc chỉ chấp nhận cử hành thánh lễ bằng tiếng địa phương và cắt đứt với nghi lễ cũ. Ngài vẫn khẳng định cần phải cử hành thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng cũng cần phải giữ lại những gì là nét văn hóa, là cái gì đó chung, và cũng là một cái nền liên kết toàn thể Giáo Hội. Do đó, Ratzinger đã lên tiếng khuyến khích và phục hồi việc cử hành rộng rãi nghi lễ theo Công đồng Tridentinô, duy trì cử hành thánh lễ bằng tiếng Latin khi có thể. Đồng thời, ngài lên tiếng phê bình những thái độ bất khoan dung đối với những người có khuynh hướng bảo thủ.[14] Một cách cụ thể hơn, khi đăng quang giáo hoàng, ngài kêu gọi và chào đón những nhóm bảo thủ - ví dụ như Huynh đoàn Piô X với các thành viên kiên quyết phản đối Vatican II – trở lại Giáo Hội.[15]
2. THAM GIA TÍCH CỰC
“Tham gia tích cực” là một trong những hạn từ được Hiến chế Phụng vụ của Công đồng lặp lại nhiều lần.[16] “Tham gia tích cực” thuộc về chính bản chất của cử hành Phụng vụ, bởi vì “các nghi lễ theo bản chất phải được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và tích cực của giáo dân.”[17] Ngoài ra, “tham gia tích cực” còn là quyền lợi và bổn phận của toàn dân Kitô giáo, bởi vì nhờ được lãnh nhận bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã trở nên “dòng dõi ưu tuyển, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, đoàn dân được tuyển chọn” (1 Pr 2, 9).[18] Thêm vào đó, ngay từ thuật ngữ “Phụng vụ” (liturgia) vốn dĩ muốn nói tới một công việc chung, một công việc của toàn thể dân thánh.[19] Do đó, việc canh tân Phụng vụ phải hết sức lưu ý đến việc tham gia trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân Chúa.[20]
Thần học gia Ratzinger đã nhiều lần trình bày một cách hiểu về “tham gia tích cực”, đặc biệt, ngài dành một phần chương II của phần II trong tác phẩm Tinh Thần Phụng vụ để nói về vấn đề này.[21] Vấn đề quan trọng ở đây là “tham gia tích cực” phải được hiểu thế nào cho đúng với ý định của Hiến chế Phụng vụ? Chắc chắn rằng, tham gia tích cực không chỉ đơn thuần là những gì thuộc về bên ngoài, được nhiều người cùng tham gia hay diễn ra thường xuyên. Đối với Ratzinger, ngài trình bày quan điểm của mình: “Trước hết, cần phải loại bỏ một lối giải thích về khái niệm này một cách sai lầm và thiển cận: tham gia tích cực không thể bao gồm những hành vi bên ngoài trong cử hành Phụng vụ. Tham gia tích cực phải là một cái gì đó quan trọng hơn. Nó đòi hỏi một sự hiểu biết rõ các bản văn và các hình thái của Phụng vụ, nghĩa là một nền đào tạo Phụng vụ, nếu không có được điều đó thì các hành vi thuần túy bên ngoài vẫn trống rỗng và vô nghĩa.”[22]
Để trình bày về tham gia tích cực, trước hết ngài làm rõ khái niệm hoạt động (actio), bằng cách trở lại với các giáo phụ, và truyền thống Phụng vụ. Sau đó, ngài cho rằng hành động thực sự trong Phụng vụ chính là hành động của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cộng tác với hành động của Chúa Kitô không chỉ qua hành vi bên ngoài, nhưng còn phải phát xuất từ trong sâu thẳm tâm hồn, phải là một hành vi nội tâm. Người tham gia tích cực là người để cho quyền năng Thiên Chúa biến đổi nhờ cử hành Phụng vụ.[23] Ngài đưa ra những ví dụ cụ thể: khi linh mục mời gọi: “Hãy nâng tâm hồn lên”, việc tham gia tích cực ở đây không chỉ là đáp lại: “chúng con đang hướng về Chúa”, nhưng điều quan trọng hơn đó là toàn bộ thân xác, tâm trí, linh hồn của người ấy phải kết hợp với Chúa Kitô trong cử hành Phụng vụ.[24]
Ngoài ra, thần học gia Ratzinger còn cho rằng khi quá chú trọng đến tính chất cộng đoàn nơi các cử hành Phụng vụ, người ta đã đánh mất mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Thật ra, qua cử hành Phụng vụ chung với cộng đoàn, người Kitô hữu thực thi sứ mạng của mình, và họ phải đạt được những cảm nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa một cách riêng tư. Do đó, việc “tham gia tích cực” đích thực phải phát xuất từ mỗi cá nhân trong việc hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô. Và như vậy, Chúa Kitô trở thành mối dây hiệp nhất toàn bộ các Kitô hữu trong cử hành Phụng vụ, nhờ đó tính chất cộng đoàn nơi cử hành Phụng vụ mới có chiều sâu và mang ý nghĩa thực sự.[25]
Khi áp dụng trong thực tế, việc “tham gia tích cực này” thường được hiểu cách hời hợt như một cái gì đó sinh động ở bên ngoài, nơi các nghi thức, bầu khí, mà Ratzinger gọi là “một kiểu sân khấu với những vai diễn khác nhau.” Đặc biệt trong phần dâng lễ vật với những điệu múa (đôi khi do các vũ công chuyên nghiệp biểu diễn), và kết thúc bằng tràng vỗ tay tán thưởng của “khán giả”. Ngài dẫn chứng từ những gì ngài đã chứng kiến thực tế: nghi thức sám hối bị biến thành một màn trình diễn nhảy múa. Ngài khẳng định khi đó bản chất của Phụng vụ đã biến mất, và cử hành Phụng vụ chỉ còn là một thứ giải trí mang tính tôn giáo”.[26]
3. HỘI NHẬP VĂN HÓA
Công đồng cũng mở ra những thích nghi với tâm tính và truyền thống của các dân tộc, nhằm “phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những tích cách đặc thù của mỗi dân tộc.”[27] Tuy nhiên, vì Phụng vụ là cử hành của Chúa Kitô cùng với toàn thể Giáo Hội để tôn thờ Thiên Chúa và thánh hóa con người, nên Phụng vụ còn mang chiều kích cộng đồng, với tính chất phổ quát của nó. Phụng vụ là di sản quý báu của Giáo Hội được Chúa Kitô truyền lại cho các Tông đồ, và tiếp tục lưu truyền cho đến ngày nay. Do đó, di sản ấy phải thuộc về toàn thể Giáo Hội. Đồng thời, “Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là cử hành của Giáo Hội.”[28] Vì thế, Hiến chế Phụng vụ khẳng định: “Việc điều hành Phụng vụ thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội.”[29] Việc điều hành ấy cũng được dành cho “các tập thể giám mục có thẩm quyền được thiết lập cách hợp pháp trong từng địa phương.”[30]
Với những trình bày của Hiến chế Phụng vụ, thần học gia Ratzinger khẳng định: “Hiến chế Phụng vụ và Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội [của Vatican II] hoàn toàn cho phép khả năng đạt tới những thích ứng các truyền thống văn hóa và phong tục của các dân tộc.”[31] Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý: Phụng vụ không phải là sản phẩm của con người, để có thể tự chế biến theo sáng kiến riêng. Phụng vụ chứa đựng niềm tin của Giáo Hội, chứa đựng toàn bộ cái lưu truyền và toàn bộ đời sống Giáo Hội đã có từ trước.[32] Vì vậy, Phụng vụ ở từng vùng địa phương khác nhau vẫn phải đảm bảo được tính chất phổ quát, là nền tảng căn bản chung của toàn Giáo Hội.
Điều đó có nghĩa là mặc dù có những nghi lễ, những sắc thái khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống, nhưng Phụng vụ phải diễn tả một sự duy nhất của đức tin, của lễ vật và bí tích. Do đó, cần phải cẩn thận tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống ấy để chọn lọc những yếu tố “phù hợp với nguyên tắc của tinh thần Phụng vụ đích thực và chân chính”[33] trước khi đưa vào Phụng vụ, đồng thời phải “đề phòng hết sức có thể để tránh những khác biệt đáng kể về nghi lễ giữa các miền lân cận.”[34] Với đường hướng đó, Ratzinger cho rằng: mặc dù có những khác biệt do ảnh hưởng của văn hóa, Phụng vụ phải thể hiện được một nền văn hóa đức tin phát triển từ nền phụng tự Kitô giáo. Nền văn hóa đức tin ấy sẽ làm thành một ngôn ngữ chung vượt qua mọi giới hạn của các nền văn hóa khác, để mọi người đều cảm thấy một kinh nghiệm Phụng vụ như nhau, điều đó diễn tả một sự hiệp thông đức tin cao cả và đích thực.[35]
Nhưng trong thực tế, Joseph Ratzinger cho rằng người ta đã vội vã và thiếu thận trọng khi đưa vào Phụng vụ những yếu tố không phù hợp với nguyên tắc của tinh thần Phụng vụ chân thực và chân chính. Ngài cho rằng “trong việc cải cách phụng vụ, có một khuynh hướng sai lầm tìm cách thực hành ‘hội nhập văn hóa’ của phụng vụ trong thế giới hiện đại [...] Khi đó, về cơ bản, người ta không còn biết đến điều chính yếu của phụng vụ và các lễ phụng vụ.”[36] Ngài khẳng định rằng “nếu xem hội nhập văn hóa chỉ là sự thay đổi những hình thức bên ngoài không hơn không kém, thì đó không phải là hội nhập văn hóa, mà là hiểu lầm về hội nhập văn hóa.”[37] Một cách cụ thể, ngài đưa ra một minh họa từ việc áp dụng tư thế ngồi kiết già – là cách ngồi thiền của Phật giáo và Ấn giáo – vào Phụng vụ Kitô giáo. Ngài khẳng định việc áp dụng như vậy là không phù hợp, bởi vì cách ngồi thiền của Đông phương là để nhìn vào chính mình, chìm ngập vào bên trong, trong khi Phụng vụ Kitô giáo hướng con người đến Thiên Chúa – một Đấng gần gũi với chúng ta.[38] Không những là không phù hợp với Phụng vụ Kitô giáo, ngài cho rằng việc hiểu lầm này còn là một sự xúc phạm đến các tôn giáo khác vì sự vay mượn được thực hiện một cách nông cạn và quá bề ngoài.[39]
Nói như vậy không có nghĩa là ngài hoàn toàn loại trừ một sự kết hợp giữa nền văn hóa truyền thống và lòng đạo đức Kitô giáo, nhưng ngài muốn khẳng định tính chất phổ quát của Phụng vụ Kitô giáo cùng những tính chất đặc thù của nó. Do đó, ngài đã mở một đường lối mới cho việc kết hợp các hình thức văn hóa, các tập tục cổ truyền với lòng đạo đức Kitô giáo một cách dễ dàng hơn, đó là lòng sùng kính bình dân. Ngài phân biệt lòng sùng kính bình dân không mang tính phổ quát như Phụng vụ. Ngài trưng dẫn một hình thức sùng kính bình dân phổ biến đó là việc rước kiệu: với những màn múa nhảy, ca hát như một lễ hội đường phố, và ở mỗi nơi, việc rước kiểu ấy mang những sắc thái khác nhau tùy thuộc văn hóa của mỗi địa phương. Ngài khẳng định việc kết hợp như vậy là nét tiêu biểu của Công giáo cho đến ngày nay.[40] Lòng sùng kính bình dân này được ngài ví như là mảnh đất, mà nếu thiếu mảnh đất này, Phụng vụ không thể nào phát triển mạnh được. Do đó, cần phải “yêu mến, thanh luyện và hướng dẫn lòng sùng kính bình dân khi cần thiết, nhưng cũng phải chấp nhận với lòng kính trọng sâu xa.”[41]
KẾT LUẬN
Trong số các đề tài thần học, Ratzinger có một niềm đam mê và mối quan tâm đến Phụng vụ một cách đặc biệt.[42] Ngài trình bày Phụng vụ một cách trung thành với đường hướng cải cách Phụng vụ của Công đồng Vatican II.[43] Tuy nhiên, ngài nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng trước những gì ngài xem như là lệch lạc, quá khích, và thậm chí đi ngược lại Công đồng. Đối với Ratzinger, những sai lầm và lệch lạc trong việc canh tân, thay đổi mà đặc biệt là hội nhập văn hóa trong Phụng vụ, đã làm thay đổi tâm thức và ý nghĩa của cử hành Phụng vụ. Khi đó, thay cho những ý nghĩa thần học, Thánh Kinh và Phụng vụ, người ta thường dành ưu tiên hơn cho xã hội học, văn hóa học, truyền thống dân tộc và thẩm mỹ.
Trước tình trạng đó, thần học gia Ratzinger chủ trương “cải tổ lại những cải tổ”. Đầu tiên là phải tìm lại một ý thức đúng đắn về Phụng vụ như là một việc thánh thiêng, và chấm dứt tinh thần tự biên tự diễn cách tùy tiện. Kế đó là phải biết trân trọng những giá trị của truyền thống, tìm ra những gì đã bị cắt xén quá nhiều để sửa chữa, và phục hồi lại trong sự liên hệ với toàn bộ lịch sử.[44] Để được như vậy, trước hết cần tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Phụng vụ một cách có nền tảng ở nhiều cấp độ dành cho các đối tượng khác nhau. Để nhờ cử hành Phụng vụ một cách đúng đắn, chúng ta sẽ có được cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa, về thế giới cũng như hiểu được các mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với chính mình.[45] Và kết quả là, qua các cử hành Phụng vụ - một cuộc hiện tại hóa ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô – chúng ta được dẫn đến cùng Thiên Chúa.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 81 (tháng 3 & 4 năm 2014)
__________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
1. Công đồng Vatican II, bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin - trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012.
2. Giáo lý Hội thánh Công giáo, Ban giáo lý giáo phận Saigon dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
3. Le Gall, Dom Robert. Phụng vụ của Giáo Hội (nguyên bản: La Liturgie de L’Église), Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P. dịch, Trung tâm học vấn Đa Minh, 2009.184 HIỆP THÔNG
4. Ratzinger, Joseph. Nguyên lý của Thần học Công giáo (nguyên bản: Theologische Prinzipienlehre. Bausteine zur Fundamentaltheologie), Nguyễn Luật Khoa O.F.M. dịch, Nhà xuất bản Phương Đông, 2010.
5. Ratzinger, Joseph. Tinh thần Phụng vụ (nguyên bản: Der Geist der Liturgie), Nguyễn Luật Khoa O.F.M và Phạm Thị Huy dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2007.
6. Ratzinger, Joseph và Seewald, Peter. Ánh Sáng Thế Gian, (nguyên bản: Licht der Welt: Der Papst, die Kirche und die Zeichen der Zeit) Phạm Hồng Lam dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011.
7. Ratzinger, Joseph và Seewald, Peter. Muối cho đời (nguyên bản: Salz der Erde: Christentum und katholische Kirche an der Jahrtausendwende) không rõ người dịch, nhà xuất bản và năm xuất bản.
8. Ratzinger, Joseph và Seewald, Peter. Thiên Chúa và Trần Thế (nguyên bản: Gott und die Welt: Glauben und Leben in unserer Zeit, Phạm Hồng Lam dịch, tái bản II, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011.
Tài liệu tiếng Anh
1. Boeve, Lieven và Manion, Gerard (edd.) Ratzinger Reader, T&T Clark, 2010.
2. Ratzinger, Joseph. A New Song for the Lord: Faith in Christ and Liturgy Today (nguyên bản: Ein neues Lied für den Herrn: Christusglaube und Liturgie in der Gegenwart), Crossroad Herder, 1997.
3. Ratzinger, Joseph. Feast of Faith: Approaches to a Theology of the Liturgy (nguyên bản: Das Fest des Glaubens: Versuche zur Theologie des Gottesdienstes), Ignatius Press, 2000.
4. Tạp chí Antiphon 11.1 (2007).
CHÚ THÍCH
1. Công đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (dưới đây xin viết tắt là PV), số 1. Xin lưu ý: các văn kiện của Công đồng Vatican II được trích từ bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012).
2. PV 10.
3. Dom Robert le Gall, La Liturgie de L’Église (1990) [bản dịch tiếng Việt của Lm Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P., Phụng vụ của Giáo Hội (Gò Vấp: Trung tâm học vấn Đa Minh, 2009)], trang 3.
4. cf. Pierre-Marie Gy, O.P., “Cardinal Ratzinger’s The Spirit of the Liturgy: Is It Faithful to the Council or in Reaction to It?” đăng trên tạp chí Antipho 11.1 (2007), trang 90-96 [Nguyên bản tiếng Pháp được đăng trên tạp chí La Maison-Dieu 229.1 (2002), trang 171-178].
5. cf. John L. Allen, Pope Benedict XVI: A Biography of Joseph Ratzinger (New York: Continuum, 2005), trang 71.
6. cf. Gerard Manion, ‘Liturgy, Catechesis and Evangelization’, đăng trong Lieven Boeve và Gerard Manion (biên tập), Ratzinger Reader (London and New York: T&T Clark, 2010), trang 229.
7. Điều này được trình bày một cách đặc biệt trong Hiến Chế Mục vụ, đặc biệt trong các số 2, 91, 92... đồng thời cf. PV 1.
8. PV 21.
9. cf. Joseph Ratzinger và Peter Seewald, Gott und die Welt: Glauben und Leben in unserer Zeit [Bản dịch tiếng Việt của Phạm Hồng Lam, Thiên Chúa và Trần Thế (tái bản II, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)], trang 419; và Joseph Ratzinger, Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology [Bản dịch Việt ngữ của Lm Nguyễn Luật Khoa, Nguyên lý của Thần học Công giáo (Nhà xuất bản Phương Đông, 2010)], trang 218.
10. PV 7.
11. cf. Thiên Chúa và Trần Thế, trang 417.
12. cf. PV 3.
13. Thiên Chúa và Trần Thế, trang 418-420.
14. Ibid., trang 420-423. Đồng thời, xem: Joseph Ratzinger và Peter Seewald, Muối cho đời, không rõ người dịch, nhà xuất bản và năm xuất bản, trang 195.
15. cf. Gerard Manion, ibid., trang 232.
16. Về việc “tham gia tích cực ”của tín hữu trong cử hành Phụng vụ, xem Hiến chế Phụng vụ, số 11, 12, 14, 19, 21, 30, 31, 48, 53, 79.
17. PV 27.
18. cf. PV 14.
19. cf. Giáo lý Hội thánh Công giáo [bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý giáo phận Saigon, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh,1997], số 1069.
20. cf. PV 14.
21. Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy (nguyên bản: Der Geist der Liturgie) [Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Luật Khoa O.F.M và Phạm Thị Huy, Tinh Thần Phụng vụ (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2007), trang 185-241. Ngoài ra, các tác phẩm của ngài có đề cập đến vấn đề này, như là: Nguyên lý của Thần học Công giáo, ibid., trang 219-220; hay trong Feast of Faith (San Francisco: Ignatius Press, 2000), trang 88. Vấn đề này cũng được ngài lưu ý trong cuộc phỏng vấn với Peter Seewald, trong tác phẩm Licht der Welt: Der Papst, die Kirche und die Zeichen der Zeit [Bản dịch tiếng Việt của Phạm Hồng Lam, Ánh Sáng Thế Gian, (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011), trang 197-198.
22. What is needed in the first place is to set aside a false and superficial interpretation of this fundamental notion: active participation cannot consist in assigning exterior activities in the liturgy to all the faithfull gathered for eucharistic celebration. Active participation means something greater. It demands first of all real familiarity with the texts and forms of the liturgy, hence a liturgical formation, without which the purely exterior activities remain empty and meaningless. (Cardinal Joseph Ratzinger, ‘The Spirit of the Liturgy or Fidelity to the Council: Respond to Father Gy’, đăng trên tạp chí Antiphon 11.1 (2007), [Nguyên bản tiếng Pháp được đăng trên tạp chí La Maison-Dieu 230.2 (2002), trang 113-120] trang 98.
23. cf. Tinh Thần Phụng vụ, trang 189-190.
24. cf. Joseph Ratzinger, Feast of Faith (San Francisco: Ignatius Press, 2000), trang 86.
25. cf. Nguyên lý của Thần học Công giáo, trang 220.
26. cf. Tinh Thần Phụng vụ, trang 189 và 213-214.
27. PV 37, cf. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, số 58.
28. PV 26.
29. PV 22, §1.
30. PV 22, §2.
31.“First of all, it must be said that both [Vatican II’s] Consititution on the Liturgy and the Decree on the Church’s Missionary Activity explicitly allow for the possibility of far-reaching adaptations to the customs and cultic traditions of peoples.” (Trích từ bài viết ‘Change and Permanence in the Liturgy’ được đăng trong Joseph Ratzinger, Feast of Faith (San Francisco: Ignatius Press, 2000), trang 79.
32. Ánh Sáng Thế Gian, trang 197-198.
33. PV 7.
34. PV 23.
35. cf. Tinh Thần Phụng vụ, trang 191, 217-218.
36. Muối cho đời, 195.
37. Tinh Thần Phụng vụ, trang 216.
38. cf. ibid., trang 212-213. Điều này được ngài nhắc lại trong Ánh Sáng Thế Gian, trang 196.
39. cf. Tinh Thần Phụng vụ, trang 216.
40. cf. ibid., trang 214-215.
41. cf. ibid., trang 217-218.
42. Gerard Manion (ibid., trang 231) cho rằng: Joseph Ratzinger quan tâm đặc biệt đến Phụng vụ, ngài đã viết nhiều về chủ đề này trong suốt sự nghiệp nghiên cứu thần học của ngài. Thật vậy, khi cuốn đầu tiên trong một ấn bản tập hợp những công trình đầy đủ của Ratzinger (được xuất bản vào năm 2008, thì cuốn đầu tiên nói về đề tài thần học Phụng vụ (Theologie der Liturgie, Freiburg: Herder, 2008). Phụng vụ là một đề tài nhất quán xuyên suốt nhiều tác phẩm thần học của Ratzinger. Như người viết tiểu sử cho Ratzinger và cũng là một thông tín viên lâu năm của tạp chí Hoa Kỳ National Catholic Reporter, John Allen tuyên bố rằng: “Hiện nay, hiếm có đề tài nào được Ratzinger quan tâm cách say mê hơn so với Phụng vụ” (x. John Allen, Pope Benedict XVI: a Biography of Joseph Ratzinger. New York: Continuum, 2005, trang 71. Đồng thời xem Aidan Nichols, ‘The Liturgist’, là chương 10 tác phẩm của ông The Thought of Benedict XVI: an Introduction to the Theology of Joseph Ratzinger. London and New York: Burns & Oates/ Continuum, 2005, trang 207–224).
43. Chính ngài khẳng định điều đó trong bài viết trả lời cho Cha Pierre- Marie Gy, O.P. với tựa đề ‘The Spirit of the Liturgy or Fidelity to the Council: Respond to Father Gy’, đăng trên tạp chí Antiphon 11.1 (2007), trang 98-102 [Nguyên bản tiếng Pháp được đăng trên tạp chí La Maison-Dieu 230.2 (2002), trang 113-120].
44. Thiên Chúa và Trần Thế, trang 420-421.
45. “Since then it has become increasingly clear that liturgy involves our understanding of God and world and our relationships to Christ, the Church, and ourselves” trích trong Joseph Cardinal Ratzinger, A New Song for the Lord: Faith in Christ and Liturgy Today (New York: Crossroad Herder, 1997), trang ix. Ngài cũng nói về việc cần thiết có một nền giáo dục mới về phụng vụ, nhất là giáo dục các chủng sinh, linh mục, xem Muối cho đời, trang 197.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét