Trang

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Cao cả & tầm thường: bài học truyền giáo từ Maximum Illud

Cao cả & tầm thường: bài học truyền giáo từ Maximum Illud

 
  •  
  •  
CAO CẢ & TẦM THƯỜNGBài học truyền giáo từ Maximum Illud
Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công,Giáo Phận Xuân LộcGiám Đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam
WHĐ (27.7.2020) – Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành Tông Thư Maximum Illud - Sứ vụ cao cả (30/11/1919), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể con cái Hội Thánh Công giáo tái suy tư về sứ vụ truyền giáo đến với muôn dân (missio ad gentes). Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, bài viết này suy tư và rút ra bài học từ Tông Thư để áp dụng trong bối cảnh truyền giáo tại Việt Nam hôm nay. Hy vọng những suy tư này giúp người môn đệ Chúa Kitô hiểu rõ hơn bản chất sứ vụ mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội, đồng thời giúp họ nhiệt tâm hơn để thực thi sứ vụ ấy. Nội dung bài viết xoay quanh ba điểm: 1) Sứ vụ cao cả và hiện tượng “tầm thường hóa”; 2) Maximum Illud và bài học hôm nay; 3) Maximum Illud và các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.
Tông Thư Maximum Illud ra đời trong bối cảnh Đại Thế Chiến thứ nhất[1] vừa kết thúc, cuộc chiến mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XV nhận định là “cuộc tàn sát vô ích.”[2] Lúc bấy giờ cả thế giới (bất kể bên thắng trận hay bại trận) đều phải gánh chịu hậu quả thảm khốc do cuộc chiến gây ra: khổ đau, mất mát, ly tán, thất vọng... Giáo hội, lúc đó, không những đối diện với hậu quả cuộc chiến mà còn đối diện với cuộc khủng hoảng về truyền giáo: tình trạng giảm sút lòng nhiệt thành và tình trạng “dân tộc / quốc gia hóa” Giáo hội.[3] Trong hoàn cảnh đó, Maximum Illud ra đời để, trước hết, tái xác tín loan báo Tin mừng là sứ vụ duy nhất của Giáo hội trong thế giới tràn ngập khổ đau và, kế đến, tái cấu trúc các hoạt động truyền giáo.[4]
Loan báo Tin mừng là sứ vụ cao cả mà Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, trao cho Giáo hội. Do đó, sự hiện diện của Giáo hội chỉ có ý nghĩa và giá trị khi gắn liền với sứ vụ này. Chính vì thế, hai chữ mở đầu Tông Thư (bản nguyên ngữ, tiếng Latin), Đức Thánh Cha viết: “Sứ vụ cao cả và siêu phàm mà Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, lúc sắp về cùng Chúa Cha, đã trao phó cho các môn đệ của Ngài khi nói: Anh em hãy đi khắp thế gian loan báo Tin mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15).[5] Tuy nhiên, Sứ vụ này dường như lại đang rơi vào nguy cơ bị “tầm thường” hóa bởi chính những người đi rao giảng. Nhiều người trong họ đã và đang thi hành sứ vụ theo ý riêng mình hơn là theo ý Thiên Chúa. Do đó, Đức Thánh Cha cảnh báo họ đừng vướng vào những nguy cơ ấy.
1. Sứ vụ cao cả và hiện tượng “tầm thường hóa”
Sứ vụ truyền giáo, tự bản chất thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về con người. Đó là tính “cao cả” của sứ vụ.[6] Đặc tính này quyết định giá trị của vị thừa sai (môn đệ truyền giáo). Nói cách khác, qua bí tích Rửa Tội, người môn đệ được trở nên “cao cả” nhờ sứ vụ mà họ đã lãnh nhận. Như thế, giá trị người môn đệ không hệ tại nơi chính mình nhưng hệ tại nơi tương quan bản thể với sứ vụ[7] cũng như trong ý hướng linh thánh và vô vị lợi khi thực thi sứ vụ ấy.[8] Ngỏ lời với các thừa sai Đức Thánh Cha nói: “Các con đừng một giây phút nào quên tính chất cao vời và rực rỡ của nhiệm vụ mà các con đã cam kết dấn thân. Nhiệm vụ của các con là một nhiệm vụ linh thiêng, vượt quá tầm của lý trí con người [...]. Hãy nhớ rằng bổn phận của các con không phải là mở rộng bờ cõi loài người, nhưng mở rộng bờ cõi của Đức Kitô; và cũng hãy nhớ rằng mục tiêu của các con là giành được các công dân cho một quê hương trên trời, không phải cho một quê hương dưới đất.” (MI 18). Ngài nói tiếp: “Người Thừa Sai đích thực luôn luôn ý thức rằng mình không phải là đại diện của quốc gia, nhưng là sứ giả của Đức Kitô” (MI 19)Đức Thánh Cha nhắc nhở các thừa sai luôn phục vụ vô vị lợi, “đừng ước muốn tìm kiếm lợi lộc vượt ra ngoài việc chinh phục các linh hồn[9] và luôn sống theo lời khuyên của thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho Timôthê: “Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1 Tm 6,8).
Tiếc rằng, trong khi thi hành sứ vụ, người môn đệ lại có khuynh hướng “tầm thường hóa” bằng cách “chiếm hữu” sứ vụ và thực hiện theo ý riêng mình hơn theo ý Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội của sứ vụ ấy. Hiện tượng “tầm thường hóa” mà Đức Thánh Cha cảnh báo trong Maximum Illud là chủ nghĩa dân tộc và ước muốn tìm kiếm lợi lộc chóng qua.[10] Trước hết, chủ nghĩa dân tộc (nguyên nhân chính dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới) là xu hướng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác.[11] Chủ nghĩa dân tộc vừa là cha đẻ vừa là con ruột của tinh thần cục bộ và chia rẽ. Giáo hội sẽ bị phân năm xẻ bảy và gãy vụn khi người môn đệ bị tiêm nhiễm tinh thần này. Đức Thánh Cha nói: “Tôi không thể khen ngợi người nào lấy mảnh vườn Chúa đã giao cho mình chăm sóc rồi bắt đầu coi nó như là tài sản riêng của mình, một lãnh địa mà không một người ngoài nào được đụng tay vào” (MI 12). Ngài nói tiếp: “Giáo hội Công Giáo không phải người đi xâm lược một đất nước nào; Giáo hội cũng không phải người xa lạ đối với bất cứ dân tộc nào” (MI 16). Ngài bày tỏ sự đau buồn vì có những thừa sai hành động nhiệt tình nhưng chỉ vì lợi ích quốc gia hơn là vì sự lớn mạnh của Nước Chúa.[12] Kế đến, kiếm tìm lợi lộc chóng qua là kiếm tìm mối lợi trước mắt (có thể đó là mối lợi vật chất hay tinh thần nhưng giá trị không lâu dài). Nếu người môn đệ bị lôi cuốn tìm kiếm những lợi lộc này thì không còn khả năng và sức lực vươn tới thực tại Tin mừng. Do đó, Đức Thánh Cha cảnh giác: “Còn một khuyết điểm nữa mà người truyền giáo phải cẩn thận xa tránh, đó là ước muốn tìm kiếm lợi lộc vượt ra ngoài việc chinh phục các linh hồn [...]. Nếu một người là nạn nhân của ước muốn tìm kiếm lợi lộc tài chánh thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý chu toàn bổn phận tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa? Và làm sao họ có thể làm tăng vinh quang Thiên Chúa, có thể luôn sẵn sàng hy sinh mọi sự mình có, kể cả mạng sống, cho việc kêu gọi người khác trở lại trạng thái tốt lành của đời sống thiêng liêng được?” (MI 21).
Thật vậy, chủ nghĩa dân tộc và ước muốn tìm kiếm lợi lộc chóng qua là hai mặt của một vấn đề, tức là khuynh hướng muốn thu vén về cái tôi của mình (hay cái tôi của chúng mình). Khuynh hướng này tuy âm thầm nhưng gây tác hại và phá hoại rất lớn công cuộc loan báo Tin mừng trong Giáo hội. Nó làm cho người môn đệ cảm thấy “an tâm” và thỏa mãn với những thành quả mà họ đạt được, cho dù điều ấy chóng qua. Điều đáng nói là những thừa sai bị tiêm nhiễm thứ “virus” này chỉ làm việc vì cái tôi/chúng tôi chứ không vì Tin mừng, cho dù có thể họ hoạt động rất hăng say.
2. Maximum Illud và bài học hôm nay
Đã trải qua 100 năm rồi nhưng những điều Đức Thánh Cha Bênêđictô XV viết trong Maximum Illud vẫn còn nguyên giá trị cho Giáo hội hôm nay, đặc biệt Giáo hội Việt Nam. Để đào sâu giá trị này, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu toàn thể Giáo hội tái khám phá và suy tư về sứ vụ truyền giáo, đồng thời cũng tái cấu trúc các hoạt hoạt động này để việc truyền giáo đạt hiệu quả hơn. Ngài nói: “Tông thư Maximum Illud kêu gọi vượt lên trên những ranh giới quốc gia và làm chứng, bằng tinh thần ngôn sứ và sự bạo dạn Tin Mừng, cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa nhờ sứ mạng phổ quát của Giáo hội.''[13] Điều này cho thấy rằng Đức Thánh Cha vẫn kêu gọi người môn đệ vượt lên trên ước muốn tầm thường để thi hành sứ vụ với mục tiêu cao thượng hơn.
Những ước muốn “tầm thường” mà Đức Thánh Cha cảnh báo trong Maximum Illud vẫn còn, cách nào đó, đang xảy ra trong Giáo hội Việt Nam, nổi cộm là: tư tưởng cục bộ và thói quen ưa chuộng hình thức bề ngoài. Trước hết, tư tưởng cục bộ (vừa là cha đẻ vừa là con ruột của chủ nghĩa dân tộc) là đỉnh điểm của hình thức tôn vinh cái tôi tập thể.[14] Rất nhiều nguy cơ Tin mừng đang bị bóp nghẹt và nhiệt tâm truyền giáo bị tê liệt bởi hàng loạt cái tôi này nơi không ít giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam. Có những “thừa sai” dốc sức ra để làm rạng danh đồng hương, giáo xứ, giáo phận hay hội dòng mình hơn làm rạng danh Thiên Chúa. Không thiếu những công trình (vật chất cũng như tinh thần) đang hình thành nhằm ghi đậm dấu ấn cá nhân hay dấu ấn tập thể “chúng tôi” hơn dấu ấn của Đức Kitô. Đặc biệt, tình trạng thiếu trầm trọng sự liên kết và phối hợp trong truyền giáo ở nhiều nơi trong Giáo hội Việt Nam là một bằng chứng rõ ràng. Hơn nữa một trong những hiện tượng phổ biến của tư tưởng cục bộ là người ta (các thành viên) thích làm đẹp lòng nhau hơn đẹp lòng Chúa.
Kế đến, thói quen ưa chuộng hình thức bề ngoài rất dễ nhận ra qua các cuộc rước trọng thể, lễ hội hoành tráng, công trình xây dựng đồ sộ, lãng phí, các bài diễn văn đầy ắp mỹ từ cũng như những khẩu hiệu (slogan) thường thấy... Một biểu hiện khác là người ta hay dựa vào các tiêu chí bên ngoài để nhận định một vấn đề, sự kiện hay con người. Chẳng hạn, để phân biệt các tu sĩ, người ta thường dựa vào tu phục hơn đặc sủng của từng hội dòng; để nhận định một ai đó, người ta hay dựa vào công việc, số đông... Hậu quả của thói quen này khiến người môn dễ giản lược chiều kích huyền nhiệm (chiều kích đức Tin) của đời thánh hiến vào chiều kích xã hội và có khuynh hướng khẳng định mình thông qua tiêu chí xã hội như: bác ái, từ thiện, truyền thông, được sự ủng hộ của đám đông.. Ngoài ra, hậu quả tai hại khác mà thói quen ưa chuộng hình thức bề ngoài gây ra là nó làm cho sự hiện diện của người môn đệ bị “khô cứng” do thiếu sức sống Tin mừng. Không ít người môn đệ giỏi về kỹ năng giảng Lời Chúa nhưng lại thiếu khả năng sống Tin mừng, vì thế dẫn tới tình trạng nhiều “thầy dạy” nhưng hiếm chứng nhân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tư tưởng cục bộ và thói quen ưa chuộng hình thức bề ngoài, nhưng nguyên nhân chính có thể là: một phần, do tính cách của người Việt Nam[15] và, phần khác, quan trọng hơn, do nhiều giáo sĩ và tu sĩ tiếp cận thiếu sâu đậm và triệt để với giáo huấn của Hội Thánh, đặc biệt những giáo huấn trực tiếp về truyền giáo, ví dụ Sắc Lệnh Ad Gentes (35-42), Huấn Thị Cooperatio Missionalis, Tông Huấn Evangelii Gaudium (222 - 237). Chắc chắn câu trả lời sẽ là “có” khi được hỏi: bạn có tiếp cận với giáo huấn của Hội Thánh không. Nhưng nếu hỏi: bạn có tiếp cận sâu đậm và triệt để, tức là học hỏi, đào sâu và suy niệm. các giáo huấn này không, thì câu trả lời chưa hẳn như trên. Thật vậy, nhìn vào khả năng sống Lời Chúa và khả năng dấn thân vì Sứ vụ cũng như cách thức người môn đệ thi hành Sứ vụ ấy, phần nào nhận ra mức độ người môn đệ tiếp cận với các giáo huấn này.
3. Maximum Illud và các Hội Giáo hoàng Truyền giáo
Như đã nói trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XV viết Tông Thư Maximum Illud với mục đích xác tín loan báo Tin mừng là sứ vụ duy nhất của Giáo hội và kêu gọi tái cấu trúc các hoạt động truyền giáo. Ngài đưa ra ba cách thức hỗ trợ và thúc đẩy nhiệt tâm truyền giáo, đó là: cầu nguyện, nuôi dưỡng ơn gọi truyền giáo và trợ giúp tài chính.[16] Đặc biệt, Đức Thánh Cha đã “nhiệt liệt giới thiệu” các Hội Giáo hoàng Truyền giáo như là cách thức hiệu quả để canh tân công cuộc loan báo Tin mừng.[17]
Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo gồm bốn Hội: 1) Hội Truyền Bá Đức Tin được thiết lập tại Pháp, năm 1822, do Pauline Jaricot, một nữ giáo dân ở Lyon. 2) Hội Nhi đồng Truyền giáo được thiết lập tại Pháp, năm 1843, do Đức Giám mục Địa phận Nancy, Charles de Forbin-Janson. 3) Hội Thánh Phêrô Tông đồ được thiết lập tại Pháp, năm 1889, do Jeanne Bigard cùng với người mẹ. 4) Hiệp Hội Giáo sĩ Truyền giáo, được thiết lập tại Ý, trong những năm đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 20, do linh mục Paul Manna, thành viên của Dòng Truyền giáo Nước ngoài PIME. Các Hội này trở thành phương thức mục vụ (pastoral approach) mà Hội Thánh sử dụng hàng trăm năm nay để phục vụ sứ vụ loan báo Tin mừng. Đức Tổng Giám mục Giampietro Dal Toso, mô tả ngắn gọn các Hội này là “mạng lưới phục vụ toàn cầu của Đức Thánh Cha để duy trì sứ mạng truyền giáo và các Hội Thánh trẻ, bằng cầu nguyện và làm việc bác ái.[18] Thật vậy, qua hàng trăm năm, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo vẫn luôn đi tiên phong trong công cuộc loan báo Tin mừng và chu toàn trọng trách mà Hội Thánh trao phó.
Trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam hôm nay, sự hiện diện của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là nhu cầu rất cần thiết và mang lại nhiều ích lợi, vì các Hội này có nền tảng vững chắc về cả hai mặt: thần học lẫn thực hành. Về mặt thần học, đặc biệt Giáo Hội học, các Hội này diễn tả đặc tính hiệp thông trọn vẹn trong Hội Thánh, hiệp thông trong đức tin và hiệp thông trong sứ vụ. Về mặt thực hành, các Hội này vừa mang tính quốc tế vừa mang tính quốc gia, vừa có thuộc tính giáo hoàng (pontifical) lại vừa có thuộc tính giám mục (episcopal), nên có đủ khả năng và uy tín để nối kết các thành phần Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) tại một hay nhiều giáo phận cũng như hội dòng nhằm mục đích loan báo Tin mừng.[19] Đặc biệt, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo sẽ giúp người môn đệ giảm bớt tư tưởng cục bộ và thói quen ưa chuộng hình thức bề ngoài để ngày càng đi vào đời sống nội tâm như Hội Thánh mong đợi.
- Gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh của Người: Thánh Thể, Lời Chúa, cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn;
- Chứng tá của các Thánh, các vị Tử Đạo Truyền Giáo và các Thánh Hiển Tu, là những biểu hiện độc đáo của các Hội Thánh trên khắp thế giới;
- Đào luyện về Kinh Thánh, huấn giáo, thiêng liêng và thần học liên quan đến missio ad gentes;
- Đức ái truyền giáo bằng việc nâng đỡ vật chất cho các công cuộc bao la của việc phúc âm hóa, đặc biệt missio ad gentes và việc đào luyện Kitô hữu tại các Hội Thánh địa phương thiếu thốn nhất.[20]
Thật vậy, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là cách thức giúp người môn đệ thi hành sứ mạng theo hướng dẫn của Hội Thánh hơn bao giờ hết. Vì sự cần thiết và lợi ích của các Hội này, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa giới thiệu và kêu gọi thiết lập các Hội này tại các địa phương.[21]
Kết luận
Tư tưởng của Maximum Illud được tiếp tục suy tư sâu hơn và khai triển rộng hơn trong các văn kiện Công Đồng Vatican II cũng như các giáo huấn khác của Hội Thánh thời hậu Công Đồng. Tiếp nối công việc này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta suy tư đề tài “được Rửa Tội và được Sai đi” để hiểu mối liên hệ nội tại giữa bí tích Rửa Tội và sứ vụ loan báo Tin mừng. Không một tín hữu nào (người được Rửa Tội) “không được” hay “chưa được” sai đi! Vấn đề còn lại là có “đi” hay không và “đi” như thế nào, nghĩa là khả năng và mục đích dấn thân của người môn đệ trong sứ vụ như thế nào. Nếu dấn thân vì mục đích linh thánh và cao thượng, người môn đệ đó đang thi hành Sứ vụ cao cả! Nếu dấn thân vì ý riêng và trục lợi, người môn đệ đó đang “tầm thường” hóa Sứ vụ của Thiên Chúa. Ước mơ rằng ngày càng nhiều môn đệ phục vụ Sứ vụ cao cả với mục đích và tinh thần cao thượng hơn!
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 115 (tháng 11 & 12 năm 2019)

[1]   Đại Thế Chiến thứ nhất diễn ra từ ngày 28 tháng 7 năm 1914 đến ngày 11 tháng 11 năm 1918. Chiến trường chính của cuộc chiến này bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến. Số nhân mạng chết trong cuộc chiến này trên 19 triệu người và sức tàn phá, ảnh hưởng về vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc, lâu dài. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới khoảng 85 tỉ đôla. Ngoài sức mạnh tàn phá nhân mạng, kinh tế, vật chất, nó còn gây hãi hùng lâu dài về tâm lý cho cả châu Âu và gây ra một thế hệ bị mất mát của châu Âu. Chính cuộc chiến này làm cho châu Âu tụt hậu và mất đi vai trò lãnh đạo văn minh nhân loại mà họ đã đảm đương trong hơn 300 năm qua. Vai trò đó dần dần chuyển sang cho Hoa Kỳ. (x. Wikipedia, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, vi.wikipedia.org, accessed 15/08/2019).
[2] Benedict XV, Letter to the Leaders of the Warring Peoples, 1 August 1917: AAS IX (1917), 421-423.
[3] Lúc bấy giờ Giáo Hội phải đối diện với hai thách đố lớn đến từ chính các nhà truyền giáo, đó là: 1) “chủ nghĩa hội dòng” (congregationalism), tức là các nhà truyền giáo nước ngoài (từ những hội dòng/tổ chức khác nhau) “chiếm hữu” và “phân vùng” hoạt động truyền giáo và không muốn chia sẻ trách nhiệm (trao quyền quản trị) cho những người có năng lực trong hàng giáo sĩ địa phương. 2) “Chủ nghĩa dân tộc/quốc gia” (nationalism) muốn độc tôn tinh thần dân tộc hay quốc gia mình bằng cách “bảo trợ độc quyền” khu vực truyền giáo mà quốc gia đó đang hoạt động. (xem Valentine U. Iheanacho, “Benedict XV and the Rethinking of Catholic Missionary Strategy” (Winter 2016 Vol. 36 no. 183) in Tripod, http://hsstudyc.org.hk/en/tripod_en/en_tripod_183_05.html), accessed 15/08/2019.
[4] xem MI 7.
[5] Maximum illud sanctissimumque munus quod, suo iam instante ad Patrem reditu, Dominus Noster Iesus Christus discipulis demandavit, cum dixitEuntes in mundum universum praedicate evangelium omni creaturae” (MARC., XVI, 15), MI1.
[6]   xem MI 1.
[7]   Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp Truyền giáo 2019 (Roma ngày 09/06/2019).
[8]   MI 19-21.
[9]  MI 21.
[10] xem MI 19-21.
[11] xem Trần Nam Tiến, Chủ nghĩa Dân tộc trong Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT - Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[12] MI 20.
[13] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thư gửi Hồng Y Fernando Filoni nhân kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới (Roma: 22/10/2017).
[14] Cái tôi tập thể có thể là: gia đình tôi, dòng họ tôi, đồng hương tôi, giáo phận tôi, giáo xứ tôi, hội dòng tôi và linh tông của tôi. (Người viết).
[15] Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhận định một số nét về tính cách của người Việt như sau: 1) Cần cù nhưng dễ thỏa mãn; 2) Thông minh nhưng chỉ đối phó (chứ không sáng tạo); 3) Khéo léo nhưng chỉ nửa vời; 4) Tụ tập nhưng không liên kết; 5) Đoàn kết nhưng chỉ trong lúc gian nan (đố kỵ trong khi thuận lợi). Xem Lê Thẩm Dương: “Phân tích Tính cách con người Việt Nam” Allan Adu published 04/05/2016 (https://www.youtube.com/watch?v=W0iRXL5AqG0), accessed 20/08/2019.
[16] xem MI 31-36.
[17] xem MI 37-40.
[18] Giampietro Dal Toso Diễn văn tại Hội nghị Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam - Bãi Dâu ngày 25/04/2019”: HĐGMVN, Bản Tin Hiệp Thông (số 113, tháng 7&8 2019), 106 - 128.
[19] xem thêm Nguyễn Đình Công, Dự thảo thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam (2019). 
[20] xem Thư Đức Hồng Y Fernando Filoni gửi các Hồng Y và Giám mục giáo phận (Vatican ngày 03/12/2017).
[21] xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp Truyền giáo 2019 (Roma ngày 09/06/2019).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét