Quyết Định và Nhẫn Nại
Chúa Nhật 16 Thường Niên A
Truyện kể rằng, có thầy ẩn tu tên là Cébastien, thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn”.
Thấy dân chúng có lòng tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy. Một hôm, nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn nguyện:
- “Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập giá”.
Rồi thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời. Một lúc sau thầy nghe như từ trên thánh giá có tiếng phán bảo:
- “Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết”.
Thầy Cébastien đã hứa, và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá. Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện. Nhưng không ai hay biết về việc thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.
Một hôm có người đến quỳ cầu nguyện. Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng. Một lúc sau có người nghèo đói vào nhà nguyện. Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra đi. Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa. Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát. Không cầm lòng được nữa, từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:
- “Đứng lại!”
Mọi người ngạc nhiên dừng lại, và thầy phân trần sự việc. Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo đói để lấy lại túi tiền và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến tàu. Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:
- Con hãy xuống ngay khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời con hứa.
Thầy Cébastien vội vã phân trần:
- Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?
Cũng giống như thầy Cébastien, con người chúng ta thường nhìn thấy cái trước mắt, và không chịu nổi trước hiện tượng xã hội, thiện ác đan xen, người tốt kẻ xấu chung sống khó phân biệt, cỏ dại và lúa tốt mọc lên bên nhau trong ruộng lúa.
ĐGH Phanxicô suy niệm về Dụ ngôn Hạt Lúa và Cỏ Lùng như sau:
Câu chuyện diễn ra trong một cánh đồng với hai nhân vật chính đối nghịch nau. Một bên là người chủ, người đại diện cho Thiên Chúa và gieo hạt giống tốt; bên kia là kẻ thù, đại diện cho Satan và gieo cỏ lùng.
Với thời gian trôi qua, cỏ lùng cũng lớn lên giữa lúa và khi đối diện với sự thật này thì người chủ và các tôi tớ của ông có thái độ khác nhau. Các tôi tớ thì muốn can thiệp vào và nhổ cỏ lùng, nhưng người chủ, một người quan tâm trên hết là việc giữ lại lúa, thì lại bác bỏ và nói: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng”. Với hình ảnh này, Chúa Chúa Giêsu nói là việc trong thế giới này sự lành và sự dữ thì quá đan xen vào nhau đến nỗi thật không thể tách và loại trừ hết mọi sự dữ. Chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi mới có thể thực hiện điều này, và Ngài sẽ thực hiện trong Dịp Phán Xét Chung. Hoàn cảnh hiện tại, với tất cả sự mập mờ và tính cách hỗn tạp của nó, là cánh đồng của sự tự do, cánh đồng của sự tự do của người Kitô Hữu, mà trong đó việc khó biện phân giữa điều tốt và điều xấu lại diễn ra.
Do đó, trong cánh đồng này, vấn đề là về sự phối hợp, với niềm tín thác lớn lao vào Thiên Chúa và vào Sự Quan Phòng của Ngài, hai thái độ dường như trái khuấy nhau: quyết định và nhẫn nại. Quyết định là muốn là hạt giống tốt - tất cả chúng ta đều muốn điều này, với tất cả sức mạnh của mình, và do đó, tự tách bản thân chúng ta ra khỏi Ma Quỷ và những cám dỗ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là yêu thích một Giáo Hội vốn là nắm men trong khối bột, một Giáo Hội không sợ vấy bẩn đôi bàn tay của mình để giặt áo cho con cái mình, hơn là một Giáo Hội của “những người trong sạch”, vốn giả vờ đề phán xét trước thời hạn ai là người không được ở trong Nước Thiên Chúa.
Chúa, Đấng là Sự Khôn Ngoan nhập thể, hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rằng điều tốt và điều dữ không thể được xác định bằng những lãnh thổ đã xác định hay những nhóm người cụ thể: “Có những người tốt, có những người xấu”. Ngài dạy chúng ta rằng làn ranh giới giữa điều tốt và điều xấu có hết ở trong tâm hồn mỗi người, có ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta, đó là, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Lòng muốn đến với tôi để họi các bạn: “Hãy để cho người ấy là tội nhân giơ tay lên”. Không ai cả! Vì tất cả chúng ta là, tất cả chúng ta là tội nhân. Đức Giêsu Kitô, qua Cái Chết của Ngài trên Thập Giá và Sự Phục Sinh, đã giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi và Ngài ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trong một đời sống mới. Tuy nhiên, với Phép Rửa thì Ngài cũng ban cho chúng ta Phép Hoà Giải, vì chúng ta luôn cần được tha thứ tội lỗi của chúng ta. Luôn nhìn vào sự dữ vốn đang ở bên ngoài chúng ta, thì có nghĩa là không muốn nhìn nhận tội lỗi cũng đang ở trong chúng ta.Và rồi Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cách khác khi nhìn vào cánh đồng thế giới, của việc quan sát thực tại. Chúng ta được mời gọi để họ về thời gian của Thiên Chúa – vốn không phải là thời gian của chúng ta – và cũng là “cái nhìn” của Thiên Chúa: nhờ vào sự ảnh hưởng có lợi về một sự đợi chờ lắng lo, điều gì là cỏ lùng hay dường như là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là thực tại về sự hoán cải. Đó là tiềm năng của niềm hy vọng! (Joseph C. Pham, chuyển ngữ từ Zenit).
Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19).
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.
“Cứ để cỏ lùng lớn lên cùng với lúa”. Đây là một cuộc chiến lâu dài với sự dữ. Con người sống giữa ánh sáng và bóng tối, sự dữ và cám dỗ lúc nào cũng có, hiện rõ trước mặt, cuốn hút hấp dẫn. Có người xin Chúa cho nhổ cỏ lùng đi, nhưng Chúa lại bảo, sợ nhổ cả lúa. Điều này nhắc lại sự kiện của ông Gióp, Chúa để cho ma quỷ sàng lọc ông. Như vậy Chúa muốn người theo Chúa cần sống trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Như lửa thử vàng, người theo Chúa cũng cần thử thách bằng những chước ma quỷ, cám dỗ để lớn lên trong ân sủng.
Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Giáo Hội có rất nhiều thánh nhân, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân trong lòng xót thương của Chúa. Thiên Chúa biết cỏ lùng, biết ai đã gieo nó vào ruộng lúa của mình, nhưng Ngài kiên nhẫn đợi chờ. Lòng nhẫn nại của Ngài không những không loại bỏ những tội nhân, mà còn tiếp đón họ: Chúa không đoán xét bất công...nhưng khoan dung và hy vọng.
Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.Nhìn lại thửa ruộng tâm hồn của mình, chúng ta suy gẫm, hạt giống tốt được gieo, nhưng có hạt đã rơi vào bụi gai, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi và có số hạt rơi vào đất tốt. Trong khi đó, hạt giống cỏ lùng đã được gieo tràn lan, phát triển nhanh và như muốn chen lấn làm hạt giống tốt khó vươn lên. Không thể nhổ hết cỏ lùng, nhưng chúng ta cần vun xới cho hạt giống Lời Chúa lớn lên và sinh hoa trái. Cần phải gìn giữ đức tin cho đến cùng như lời Thánh Phaolô dạy: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4, 7). Sau cuộc lữ hành đức tin, Thánh Phaolô chia sẻ: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4, 8).
VietCatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét