Trang

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

2 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh

 

2 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh



MỤC I. TIN MỪNG THÁNH MATTHEW


I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT


Trong bốn sách Tin Mừng, Thánh Matthew nói nhiều hơn hết về Thánh Giuse: trong hai chương đầu, Thánh Giuse giữ vị trí then chốt, và phần nào họa lại vai trò của tổ phụ Giuse trong Cựu Ước. Ngoài ra, Đức Giêsu được gọi là “con bác thợ mộc” ở Mt 13,55.


Thánh Luca cũng nhắc đến Thánh Giuse trong hai chương đầu, tuy nhấn mạnh nhiều hơn đến Đức Maria. Dù sao, Thánh Luca bổ túc thêm cho Thánh Matthew nhiều chi tiết để hiểu rõ hơn vai trò của Thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh của Đức Giêsu. Thánh Giuse còn được nhắc đến hai lần nữa trong Tin Mừng Luca vào lúc khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 3,23 và 4,22).


Thánh Giuse được nói đến hai lần trong Tin Mừng Thánh Gioan (1,45; 6,42), nhưng hoàn toàn vắng bóng trong Tin Mừng Thánh Marco.[3]


Trước hết, chúng ta bắt đầu khảo sát Tin Mừng Thánh Matthew, đặc biệt là hai chương đầu tiên, quen được đặt tên là “Tin Mừng thời niên thiếu” (hoặc “Tin Mừng thơ ấu”); tuy rằng, thuật ngữ này không được chính xác lắm.


Thật vậy, chủ đích của hai chương đầu của Tin Mừng Thánh Matthew (48 câu) và Luca (132 câu) không hẳn là thuật lại gia thế của Đức Giêsu và tuổi thơ ấu của Người (giai đoạn ẩn dật trước khi hoạt động công khai). Ngoài việc kể lại sự thụ thai trinh khiết trong cung lòng Đức Maria và sự giáng sinh tại Bethlehem, hai thánh sử không nói gì thêm về những sinh hoạt thời thơ ấu của Đức Giêsu (đừng kể việc thánh gia lánh nạn sang Ai Cập và việc ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi). Thử hỏi các thánh sử có chủ đích gì? Tại sao phải thêm hai chương này, trong khi Thánh Marco và Thánh Gioan bắt đầu Tin Mừng với cuộc đời công khai của Đức Giêsu? Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến, có thể thu vào hai quan điểm.


– 1/. Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một thể văn đương thời giới thiệu các vĩ nhân với những điềm lạ xuất hiện trước khi chào đời, tựa như Abraham, Moses, Isaac, Samuel. Khuynh hướng này còn tăng hơn nữa nơi các “Tin Mừng ngụy thư”. Tuy nhiên, chủ ý của người viết không chỉ là đề cao thân thế của nhân vật anh hùng, nhưng còn muốn chúc tụng Thiên Chúa đã đoái thương dân tộc ưu tuyển và đã phái đến những vị cứu tinh.


– 2/. Quan điểm thứ hai cho rằng hai chương này là một thứ nhập đề cho toàn thể cuốn Tin Mừng. Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua nhưng đã được phác họa ngay từ khi Người ra đời. Nói khác đi, Đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại ngay từ cuộc Nhập thể, tuy hồng ân này đạt đến cao điểm nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh.[4]Nơi Thánh Matthew, cốt yếu Tin Mừng có thể tóm lại như thế này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Messia được hứa cho dân tộc Israel. Thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ (vua Herode tìm cách thủ tiêu Người;[5] cũng như về sau này các nhà lãnh đạo Do Thái sẽ lên án xử tử Người, Mt 27,1-2), đang khi đó Tin Mừng lại được dân ngoại đón nhận (các nhà chiêm tinh ở đây, cũng tựa như các dân tộc bên Đông bên Tây sẽ đến tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, Mt 8,11; 28,19).


Thiết tưởng, hai quan điểm không trái nghịch nhau, bởi vì cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên đọc “Tin Mừng thơ ấu” như là đọc chuyện thần thoại, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa sâu xa của các trình thuật. Khuynh hướng thứ nhất cố gắng tìm hiểu ý nghĩa qua việc khảo sát thể văn, đối chiếu với các tác phẩm văn chương cổ điển. Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến nội dung thần học, gắn liền với toàn bộ Tin Mừng. Theo nhãn giới này, “Tin Mừng niên thiếu” cũng có những nét giống với tự ngôn của Tin Mừng theo Thánh Gioan, nói về nguồn gốc của Đức Giêsu trước thời kỳ hoạt động công khai, nguồn gốc bắt đầu từ khởi nguyên (Ga 1,1). Chúng tôi sẽ áp dụng đường hướng này khi tìm hiểu các bản văn.


Xét về cấu trúc, hai chương đầu theo Tin Mừng Thánh Matthew, đã có nhiều đề nghị phân đoạn:


– 1/. Một ý kiến cho rằng, toàn bộ sách Tin Mừng theo Thánh Matthew được phân thành 5 quyển sách tương tự như bộ Ngũ thư của ông Moses. Cụ thể là các lời giảng của Đức Giêsu được gom thành 5 bài giảng về Nước Trời:

a/. Bài giảng trên núi công bố hiến chương Nước Trời, ở các chương 5-7;

b/. Bài giảng về sứ vụ rao giảng Nước Trời, chương 10;

c/. Bài giảng về các dụ ngôn giải thích bản chất Nước Trời, chương 23;

d/. Bài giảng về kỷ luật nội bộ Hội Thánh, mầm mống của Nước Trời, chương 18;

e/. Bài giảng về sự thiết lập vĩnh viễn Nước Thiên Chúa vào thời cánh chung, chương 24-25.


Hai chương đầu tiên xem ra đã gói ghém ý tưởng đó, với việc trưng dẫn 5 câu Kinh Thánh để kết thúc 5 đoạn văn:


Nhập đề: Gia phả (1,1-17)

a/. Isaia 7,14: Ơn gọi của Giuse (1,18-25)

b/. Mikha 5,2: Vua Herode, các nhà chiêm tinh, Bethlehem (2,1-12).

c/. Hoses 11,1: Trốn sang Ai Cập (2,13-15)

d/. Gieremia 31,15: Tàn sát các anh hài (2,16-18)

e/. Isaia 4,3 (Tl 13,5?): Từ Ai Cập trở về Nazareth (2,19-23).


Dĩ nhiên, các học giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khác về cấu trúc của hai chương này, chẳng hạn:


– 2/. Dựa theo các giấc mơ của Thánh Giuse dẫn tới hành động


Trong Tân Ước, chỉ có Tin Mừng Matthew đề cập đến giấc mơ như là một phương tiện mặc khải ý Chúa.[6] Thánh sử ghi nhận 6 trường hợp được ghi nhận, trong đó 5 trường hợp nằm ở hai chương đầu, và cách riêng 4 trường hợp được dành cho ông Giuse (lấy bà Maria làm vợ; đưa thánh gia sang Ai Cập; trở về quê hương; định cư ở Nazareth). Trường hợp thứ năm dành cho các nhà chiêm tinh (2,12). Ba lần báo mộng cho ông Giuse được thuật lại theo một mô hình đồng nhất:


a/. Nhập đề: mô tả hoàn cảnh


b/. Công thức: “này kìa sứ thần Chúa[7] hiện đến báo mộng cho ông rằng”.


c/. Sứ điệp: thiên sứ trao cho ông một công tác “hãy đem” (hãy mang).


d/. Tuân hành: ông Giuse tuân hành
 

e/. Trích dẫn Kinh Thánh: để ứng nghiệm lời Chúa về một danh hiệu của Đức Giêsu: Emmanuel, Con (Thiên Chúa), người Nazareth.
 

– 3/. Dựa theo bốn câu hỏi xoay quanh căn cước của Đức Giêsu
 

a/. Ai (Quis)? Đức Giêsu Kitô (Messia), con vua David, con của cụ Abraham, sinh bởi một phụ nữ (1,1-17).

 

b/. Bằng cách nào (Quomodo)? Con Thiên Chúa đã trở nên con vua David do ông Giuse thuộc dòng dõi David chấp nhận hài nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (1,18-25).
 

c/. Ở đâu (Ubi)? Bethlehem, thành phố David, nhưng được các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đến bái yết (2,1-12).
 

d/. Từ đâu (Unde)? Từ Bethlehem của người Do Thái, đi lánh nạn sang Ai Cập giống như ông Moses, về miền Galilee của dân ngoại, định cư tại Nazareth.
 

– 4/. Dựa theo những cuộc di chuyển địa lý: Bethlehem- Ai Cập – Nazareth
 

a/. Chương 1, diễn ra tại Bethlehem, thành phố vua David
 

b/. Chương 2, tường thuật việc di chuyển từ Bethlehem sang vùng đất dân ngoại (Ai Cập), để rồi kết thúc với việc hồi hương về Israel và định cư tại Nazareth.
 

Những cuộc di chuyển này không phải là do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong toàn bộ lịch sử cứu độ, “ngõ hầu lời ngôn sứ được nên trọn”: Đức Giêsu sinh tại Bethlehem như là Messia lãnh tụ Israel dõng dõi vua David (2,6); sang Ai Cập và ra khỏi đó như là con Thiên Chúa(2,15); về Nazareth, trở thành biệt hiệu “Giêsu Nazareth” (2,23).

Sau phần giới thiệu tổng quát, bây giờ chúng ta hãy khảo sát bản văn.
 

II. GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ (1,1-17)
 

“Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1,1).
 

Tin Mừng Matthew mở đầu bằng một câu thoạt tiên xem ra mang tính cách cung khai lý lịch, kê khai dòng tộc. Thực ra, dụng ý của tác giả sâu xa hơn nhiều: đây không phải là lý lịch hành chánh cho bằng một lời tuyên xưng đức tin: “Đức Giêsu vừa là con cháu của vua David(nghĩa là phần tử của dân Israel) vừa là con cháu tổ phụ Abraham (nghĩa là phần tử của dân ngoại)”.
 

Thánh sử muốn chứng tỏ cho dân Do Thái biết rằng, Đức Giêsu là Đấng Messia (Kitô) được hứa cho miêu duệ của David qua gia phả của ông Giuse là con cháu David (chương Một), qua sinh quán là Bethlehem, thành phố vua David (chương Hai). Đồng thời, Đức Giêsu cũng mang ơn cứu độ cho dân ngoại, bởi vì Người là con cháu của tổ phụ Abraham, kẻ đã nhận được lời hứa dành cho muôn dân: “Từ Đông Phương, Tây Phương, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời, còn con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc, nghiến răng” (Mt 8,11-12). Trong chương Hai, thánh sử cho thấy rằng, các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đi tìm vua mới giáng sinh để bái thờ, còn các nhà lãnh đạo tại Jerusalem tỏ ra lãnh đạm với Người, và còn đồng lõa với vua Herode để giết Người.
 

Vì thế, chúng ta đừng nên đọc gia phả của Đức Giêsu theo cặp mắt của cơ quan an ninh muốn truy tầm cặn kẽ gốc tích của Người. Thánh sử còn gói ghém nhiều dụng ý thần học trong đó nữa, đến nỗi có lúc phải gò ép các dữ kiện: “Từ tổ phụ Abraham đến vua David là 14 đời; từ vua David đến thời lưu đày ở Babylon là 14 đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô cũng là 14 đời” (Mt 1,17). Con số 14 đời xem ra giả tạo khi áp dụng cho những thời kỳ dài ngắn khác nhau: từ tổ phụ Abraham (khoảng 1850) đến vua David (khoảng 1000) thời gian là 850 năm, từ vua David đến thời lưu đày ở Babylon (năm 598) là 400 năm, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô là 600 năm. Làm sao những khoảng thời gian chênh lệch như vậy mà gồm 14 đời ngang nhau được? Để đếm trọn số 14, Matthew buộc lòng gạt bỏ nhiều tên, và dĩ nhiên việc lựa chọn những ai đáng loại không phải là không có lý do, thí dụ: vua Giơhôgiakim con của vua Giôsigia (2V 36 tt) vào thời lưu đày Babylon, (lẽ ra phải nhắc đến ở câu 11).[8]
 

Vấn đề chính yếu ở đây không phải là thống kê chính xác con số các thế hệ. Xem ra trọng tâm xoay quanh nhà vua David: vua David là thừa kế của lời hứa dành cho tổ phụ Abraham, và vua David được Thiên Chúa hứa sẽ thiết lập một triều đại muôn đời (xc. 2Sm 7,12-16). Lời hứa ấy vẫn tồn tại bất chấp cuộc lưu đày ở Babylon, và nay được thực hiện nơi Đức Giêsu, là “Con Vua David” (Mt 9,27; 12,23; 15,22; 20,30.31; 21,9.15; 22,41-45). Đức Giêsu trở nên Con Vua David qua móc xích của ông Giuse là con cháu David, như sẽ nói sau.
 

Do đó, theo các nhà chú giải, con số 14 mang tính cách biểu tượng, vì tổng cộng số thứ tự của các phụ âm ghép thành tên David trong chữ Hippri: DWD (4+6+4).[9]
 

Tóm lại, Thánh Matthew không chỉ liệt kê các dòng dõi tổ tiên của Đức Giêsu nhưng còn gói ghém một dụng ý khác nữa. Điều này có thể xác minh qua một chi tiết khác. Bản gia phả bắt đầu bằng danh từ “Genesis” (câu 1) có nghĩa là “sự sinh ra” (“Generatio”, chứ không chỉ là sách gia phả, gốc tích); danh từ này được lặp lại ở câu 18 (Iesu Christi autem generatio sic erat). Xâu chuỗi các thế hệ được liên kết với nhau qua động từ “sinh ra” (Generat): ông A sinh ông B; ông B sinh ông C,.v.v… từ câu 2 cho đến câu 16 (lặp lại 39 lần). Nhưng đến cuối thì xâu chuỗi bị gián đoạn: thay vì tiếp tục “ông Jacob sinh ông Giuse, ông Giuse sinh ông Giêsu”, Thánh Matthew lại viết: “ông Jacob sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (câu 16). Trước sự thắc mắc đương nhiên của độc giả, thánh sử tìm cách giải thích: “sự sinh ra Đức Giêsu Kitô là như thế này” (câu 18). Đến đây, ông Giuse trở thành nhân vật hàng đầu: ông là con cháu vua David và truyền lại gia thế này cho Đức Giêsu, mặc dù ông không phải là cha của Đức Giêsu theo phương diện sinh lý.


https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/than-hoc/su-mang-cua-thanh-giuse-trong-cuoc-doi-chua-kito-va-hoi-thanh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét