Tôi có thể tìm thấy Đức Kitô trong những nỗi đau của tôi không?
© wellcomeimages.org, Thánh tử đạo Isaac Jogues, tranh của A. Malaer.
TÔI CÓ THỂ TÌM THẤY ĐỨC KITÔ TRONG NHỮNG NỖI ĐAU CỦA TÔI KHÔNG?
Tác giả: Lm. Patrick Briscoe, OP
Chuyển ngữ: Văn Quyết
Từ: aleteia.org
WHĐ (12.1.2021) – Câu chuyện đầy kịch tính về Thánh Isaac Jogues – trong chiều sâu tình yêu và sự chịu đựng đau đớn của ngài – khiến chúng ta phải đặt câu hỏi.
Sau cuộc trốn chạy đầy khó khăn, trước nguy cơ bị phát hiện bởi những giám ngục Mohawk giận dữ và bị phản bội bởi những thực dân Hà Lan, những người đã từng hỗ trợ cha trốn thoát, trong cuộc tẩu thoát đầy ngoạn mục đó, cha Isaac Jogues, đã chịu đựng vết cắn của một con chó hung dữ và sáu tuần ở trong một căn gác chật chội, nơi mà cha phải đối mặt với sự mất nước cực độ và gần như chết đói. Một bản tường thuật miêu tả những đau khổ của cha, nói rằng: “Họ đã cho cha ăn ít nhất có thể, không phải để sống, nhưng cũng không phải để chết. Chỉ có Thiên Chúa và các Thánh là bạn hữu của cha.”
Cha Jogues trở về quê hương Pháp của mình vào ngày Giáng sinh năm 1643 sau các sứ vụ ở Bắc Mỹ - nơi cha đã phải chịu đựng một năm làm nô lệ người Mohawk. Cha Jogues đã được ca ngợi rất nhiều khi cha trở về, đặc biệt là vì sự đau khổ tột cùng của cha. Cha đã phải phục dịch như một nô lệ cho người Mohawk, kể cả làm việc như một súc vật thồ trong các cuộc thám hiểm săn bắn. Cha thậm chí còn đánh mất các ngón tay cầm chén thánh của mình, đó là những ngón trỏ mà một linh mục sử dụng để giữ Mình Thánh trong Thánh Lễ, trong thời gian mà cha phải chịu đựng nhiều sự tra tấn.
Đối với những người quan sát thông thường, việc làm của cha Jogues dường như đã thất bại, mặc dù cha đã nhận được nhiều lời tán dương về những đau khổ của cha. Tuy nhiên, điều này chưa từng làm suy giảm đức tin của cha. Trong một lá thư gửi cho một người bạn linh mục, cha chứng nhận, “Niềm hy vọng của tôi là ở Chúa, Đấng cần chúng ta không phải để chúng ta hoàn thành các kế hoạch của Ngài, cho bằng để chúng ta cố gắng trung thành với Ngài, và để chúng ta không phá hỏng công việc của Ngài bằng sự yếu hèn của chúng ta.” Không ngừng hy vọng vào công việc truyền giáo của mình, tin tưởng rằng nó hoàn toàn thuộc về sự quan phòng của Thiên Chúa, cha Isaac Jogues đã khao khát trở về với người Mohawk yêu quý của mình.
Trên thực tế, cha Jogues đã xem mối quan hệ của mình với người Mohawk rất mật thiết đến mức cha ví nó như cuộc hôn nhân. Trong cùng một bức thư, cha viết, “Infumma, populus ille, sponsus mihi sanguinum est; hunc mihi despondi sanguine meo (Tóm lại, người Mohawk là vợ của tôi bởi máu huyết, và trong máu huyết của tôi, tôi đã cưới họ). Vị Mục Tử nhân lành của chúng ta, Đấng đã cứu họ bằng máu của Người, nếu đẹp lòng Người, thì cánh cửa Phúc Âm của Người sẽ mở ra với họ.” Với những người Kitô hữu, những lời của cha Jogues vang vọng như Lời Chúa nói với dân tộc Israel. Chẳng hạn trong sách Hôsê, nhà tiên tri mô tả dân Israel bất trung như là hiền thê của Chúa. Mặc cho sự không chung thủy của dân Israel, Thiên Chúa vẫn kiên trung. Đối với người Mohawk, cha Jogues là hiện thân tuyệt vời cho tình yêu kiên trung và vô bờ bến của Chúa.
“Ta là Ðức Chúa, không còn Chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Isaia 45,5)
Sự tin tưởng tuyệt đối, vâng phục Thiên Chúa trong cha Jogues đã cho phép cha được tự do. Chỉ có lòng yêu mến phi thường, một món quà trọn vẹn của cuộc đời cha đối với Chúa, mới có thể thúc đẩy cha mong muốn trở lại với người Mohawk sau khi đã trốn thoát. Trong suốt thời gian ở cùng họ, cha Jogues đã rửa tội cho hơn 60 người Mohawk. Phép rửa tội, phép rửa một lần và mãi mãi, truyền ban ân sủng thiêng liêng vào linh hồn và chuộc nó cho Thiên Chúa. Niềm tin của cha Jogues vào Chúa - chỉ có Đức Chúa mới là Thiên Chúa, kết hợp với ước muốn cho người Mohawk được hiểu và đón nhận sự thật này đã thúc đẩy cha tiến về phía trước.
Trước những đau khổ trong chính cuộc đời mình, chúng ta dễ bị cám dỗ, đánh mất niềm tin rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa và không có Đấng nào khác”. Chúng ta cũng có thể đi tìm sự khuây khỏa và niềm an ủi từ nhiều thứ khác hơn là từ niềm tin tôn giáo của chúng ta. Điều đáng chú ý trong sự đau khổ của Cha Jogues là cha không bao giờ đổ lỗi cho Chúa về tất cả những điều đó. Đúng hơn, Cha Isaac Jogues nhận thấy Thiên Chúa luôn ở bên cha giữa những thử thách mà cha đã trải qua.
Mức độ đau khổ của cha làm cho tất cả những điều này trở nên đặc biệt hơn. Cha Jogues nhớ lại:
“Họ gây ra cho tôi vô vàn sự tổn thương, biến tôi trở thành trò cười và thành đối tượng để họ chế giễu; họ tấn công tôi bất cứ khi nào, đánh trên đầu, cổ và toàn thân của tôi, và những trận đòn roi khác. Sẽ rất dài dòng nếu tôi phải viết ra tất cả sự khắc nghiệt trong những đau khổ của tôi. Họ đốt một trong những ngón tay của tôi, dùng răng nghiền nát một ngón tay khác, và những ngón tay đã bị xé nát, họ bóp chặt và vặn vẹo với cơn thịnh nộ của quỷ dữ; họ dùng móng tay cào vào vết thương của tôi; và khi sức lực của tôi yếu dần đi, họ châm lửa vào cánh tay và đùi tôi.”
Vậy tại sao cha Jogues có thể chịu đựng được những cực hình như vậy? Giống như Thánh Phaolô, cha Isaac Jogues vui mừng khi có cơ hội thông phần vào những đau khổ của Đức Ki-tô. Cha viết, “Điều đó khiến tôi cảm tạ Đấng Cứu Thế của tôi là Chúa Giêsu Kitô, bởi vì, vào ngày vui mừng và hân hoan đó, Ngài đã cho chúng tôi chia sẻ những đau khổ của Ngài và đón nhận chúng tôi vào tham dự cuộc khổ nạn của Ngài.”
Vậy, mỗi người chúng ta nên tự hỏi bản thân rằng, liệu tôi có thể tìm thấy Chúa Giê-su trong những đau khổ của tôi không? Tôi thậm chí có tìm kiếm Ngài ở đó không? Tôi có nhận ra rằng Thiên Chúa, Chúa cả trời đất, sẽ không bỏ rơi tôi không? Không có Chúa nào khác. Và chính Ngài luôn kiên định, yêu thương và thành tín.
Cuộc đời của Cha Isaac Jogues là một minh chứng bằng máu cho chân lý tuyệt vời này. Ước gì cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thể hiện rõ nét nguồn ơn cứu độ ấy.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/toi-co-the-tim-thay-duc-kito-trong-nhung-noi-dau-cua-toi-khong--41286
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét