4 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh
IV. CÁC NHÀ CHIÊM TINH (2,1-12)
Thánh Matthew mở đầu sách Tin Mừng với việc khẳng định căn cước của Đức Giêsu là “con cháu vua David và con cháu tổ phụ Abraham”. Xem ra, chương Một được dành để chứng tỏ sự liên hệ của Đức Giêsu với David (vua dân Do Thái), và chương Hai được dành bàn đến mối liên hệ với ông Abraham (tổ phụ của muôn dân).
Chương hai mở đầu với biến cố các nhà chiêm tinh từ bên Đông Phương đến bái lạy “Vua dân Do Thái” vừa mới sinh (2,2). Nên lưu ý, bản văn không nói đến “ba vua”: họ không phải là vua, cũng không chỉ có ba; con số này được suy đoán từ ba lễ phẩm mang đến (vàng, nhũ hương, mộc dược).[12] Họ được gọi là “Magus”, một danh từ mang nhiều ý nghĩa: các lãnh đạo tôn giáo (đạo sĩ), những hiền nhân quân tử, các nhà thiên văn. Họ đến từ Đông Phương(xét theo địa lý của Palestina, nghĩa là có thể từ Arabia, Syria, hoặc Babylonia). Họ đã nhận được một tín hiệu từ một ngôi sao mọc lên: đã có nhiều bút mực chảy ra để xác định bản chất của ngôi sao kỳ diệu này (sao chổi, chòm sao, hay chỉ là sao tưởng tượng?).[13] Những vấn đề này không quan trọng lắm đối với vấn đề đang bàn, bởi vì có lẽ dụng ý của Matthew nằm ở chỗ khác, đó là so sánh thái độ của cấp lãnh đạo dân Do Thái với các lãnh đạo của dân ngoại.
Như đã biết, người Do Thái đang mong chờ Đấng Messia đến để tái lập vương triều David, giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ ngoại bang (xc. Cv 1,6). Tuy nhiên, lúc ấy, tại Jerusalem, vương quyền nắm trong tay triều đại Herode, dưới quyền kiểm soát của chính quyền Roma. Ông Herode coi mình là “vua” chính thức (Mt 2,3), và không thể nào dung túng cho bất cứ ai đe dọa ngai báu của mình. Tuy các giới lãnh đạo tôn giáo và kinh sư tại Jerusalem cũng biết đến các sấm ngôn, nhưng họ đứng về phía vua Herode, cho nên họ không đếm xỉa gì đến biến cố Chúa giáng sinh. Ngược lại, các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại thì lại háo hức đi tìm kiếm Chúa để thờ lạy. Việc chính quyền Jerusalem khai trừ “vua người Do Thái” mới ra đời báo trước việc tẩy chay “Vua người Do Thái” mai sau, đưa đến việc đóng đinh Người trên thập giá (Mt 27,37).
Trong câu chuyện này, Thánh Giuse đứng ở hậu trường. Tên của ông không được nhắc đến, bởi khi ở câu 11, thánh sử viết: “Họ vào nhà, thấy Hài nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người”. Hiểu ngậm là Thánh Giuse cũng hiện diện lúc đó, bởi vì cụm từ “Hài nhi và mẹ Người” được dùng bốn lần trong chương Hai (câu 13.14.20.21) bên cạnh Thánh Giuse. Tuy nhiên, thiết tưởng nên ghi nhận sự hiện diện của Thánh Giuse qua một lối hành văn khác, đó là ở chương Một, ông định bỏ bà Maria cách “kín đáo” (1,19); còn bây giờ vua Herode “kín đáo” tra vấn các nhà chiêm tinh (2,7). Cả hai hành vi diễn ra cách kín đáo (bí mật), nhưng một bên là vì muốn tìm hiểu ý Chúa, bên kia là trái ngược ý Chúa. Sự đối chọi này tăng thêm ý nghĩa khi bước sang biến cố kế tiếp, khi âm mưu của vua Herode bị ông Giuse phá vỡ do một mặc khải từ trời.
V. LÁNH NẠN SANG AI CẬP (2,13-18)
Trong những đoạn tiếp của chương Hai, ông Giuse trở thành nhân vật chính, với vai trò là bảo vệ “hài nhi và mẹ Người” (Mt 2,13.19.22). Ông tỏ ra thực sự là “người công chính” mau mắn tuân hành ý Chúa. Trước đây, ông vâng theo ý Chúa đón bà Maria về làm vợ; bây giờ ông vâng theo ý Chúa đưa thánh gia sang nước Ai Cập, rồi từ Ai Cập trở về quê hương, và đến định cư tại Nazareth.
Tại sao lánh nạn sang Ai Cập mà không sang nước khác? Đây không chỉ là vấn đề an ninh bản thân nhưng còn nằm trong kế hoạch cứu độ, như thánh sử Matthew giải thích câu Kinh Thánh: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” (Hs 11,1). Ngôn sứ Hoses nói đến dân Israel được Thiên Chúa thương yêu như đứa con và dẫn ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập; nhưng Matthew áp dụng cho Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: cũng như Moses không những cứu dân mình ra khỏi cảnh nô lệ mà còn đưa vào đất Israel, Đức Giêsu – Thiên Chúa cứu độ – là ông Moses mới, lãnh đạo đoàn dân được cứu thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa vào Nước Trời (Mt 2,21). Đó là kế hoạch của Thiên Chúa, và Thánh Giuse góp phần vào sự thực hiện chương trình này.
VI. TRỞ VỀ NAZARETH (2,19-23)
Biến cố cuối cùng được Thánh Matthew nói trong chương Hai là ông Giuse đưa thánh gia về quê hương Israel và định cư tại Nazareth:
“Sau khi vua Herode băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết rồi”. Ông liền chỗi dậy đưa Hài nhi và mẹ Người về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Arkhêlao đã kế vị vua cha là Herode, cai trị miền Judea, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilee, và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth”.
Đoạn văn này hàm chứa hai lần thiên sứ báo mộng tương ứng với hai hành động của ông Giuse: trước hết là trở về quê hương, kế đó là định cư ở Nazareth.
Trước đây, ông Giuse đã đưa thánh gia từ Bethlehem lánh nạn sang Ai Cập. Vì thế khi tính chuyện hồi hương thì đương nhiên là trở về quê cũ ở miền Judea (miền Nam Palestin). Tuy nhiên, ý Chúa lại định cách khác: ông Giuse sẽ về Nazareth, ở miền Galilee (miền Bắc Palestin). Tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa.
Nên lưu ý, các nhà chú giải Kinh Thánh không tìm thấy được một câu nào trong Cựu Ước nói là “Người sẽ được gọi là người Nazareth”:
– Vài học giả nghĩ rằng, “người Nazareth” là một biến thể của tính từ “Nazir”: kẻ được thánh hiến, giống như ông Samson được thánh hiến ngay từ lòng mẹ (Tl 13,5; 16,17); hoặc“Neser”: chồi lộc, được nói đến trong Is 11,1 (Đấng Messia thuộc chồi Jesse là thân sinh của David).
– Ý kiến khác cho rằng, thánh sử Matthew không nghĩ tới một câu văn cụ thể nào trong Kinh Thánh cho bằng toàn thể kế hoạch của Thiên Chúa nói chung: Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, thành phố của vua David, nhưng sinh sống tại Nazareth, miền Galilee thuộc dân ngoại.
Dù sao, biệt hiệu của Người là “Giêsu Nazareth” (Mt 21,11; 26,71; xc Cv 22,8; 24,5; 26,9). Đối với người đương thời, Nazareth là một chốn vô danh tiểu tốt, và đôi khi còn bị khinh miệt nữa (Mc 14,67). Vì thế họ không thể nào chấp nhận Đấng Messia xuất thân từ Nazareth được (Ga 1,46; 7,41-42.52). Điều trớ trêu là chính cư dân Nazareth cũng chẳng có thiện cảm với Đức Giêsu (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14.22-29).
Ông Giuse lẳng lặng thi hành ý Chúa, tuy dù ông không am tường tất cả mọi tình tiết. Từ chương Ba trở đi, Thánh Matthew chuyển sang giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu. Đến đây vai trò của ông Giuse trở nên lu mờ. Không ai biết được ông qua đời lúc nào. Tên ông còn được nhắc đến một lần nữa ở chương 13, khi thiên hạ thắc mắc về Đức Giêsu:“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao?”.
Qua đó, chúng ta biết được Thánh Giuse làm nghề “thợ mộc”. Đoạn văn tương tự ở Mc 6,3 cho biết là Đức Giêsu cũng làm thợ mộc, và như vậy là Người được ông Giuse truyền nghề. Nên biết là, “thợ mộc” (Hy Lạp: Tektôn) đã được các Giáo phụ giải thích theo nhiều nghĩa: thợ mộc, thợ rèn, thợ nề (faber lignarius, o ferrarius, o morarius); tuy rằng, ý kiến thông thường cho rằng Thánh Giuse làm thợ mộc, thậm chí Thánh Justino viết rằng:“Người đẽo cày và ách cho thú vật” (Dial. 88: PG 6,888). Dù sao, vào thời bấy giờ, “thợ mộc” không chỉ được xếp vào hạng “thủ công”, mà nhiều người thuộc hạng “sĩ” cũng làm thợ mộc, chẳng hạn Rabbi Shammai. Vì thế không lạ gì khi dân Israel bị phát lưu sang Babylon, các thợ mộc cũng bị bắt cùng với hàng quý tộc (Gr 24,1).
Theo ngụy thư “Chuyện ly trần của ông Giuse thợ mộc”, thánh nhân qua đời khi đã cao niên(111 tuổi) lúc Đức Giêsu sắp lên 20 tuổi! Thánh Matthew không đả động gì đến cuộc ly trần của ông Giuse có lẽ vì thấy nhiệm vụ của Người đã hoàn tất. Từ nay, Đức Giêsu sẽ bắt đầu mặc khải Tin Mừng cứu độ, mà chủ thể là “Thiên Chúa là Cha trên trời”: các độc giả hãy cần dồn chú ý vào người Cha đó (xc Mt 23,9).
VII. KẾT LUẬN
Trong hai chương đầu của Tin Mừng Thánh Matthew, ta thấy Thánh Giuse giữ một vai trò quan trọng trong mầu nhiệm Nhập thể. Ông được Chúa gọi tham gia vào việc Chúa Cứu Thế ra đời cũng như che chở Hài nhi trong thời thơ ấu:
– Bằng cách đưa bà Maria về sống chung: ông trở thành chồng của bà, và cha của Đức Giêsu, nhờ thế Người trở nên con cháu vua David;
– Bằng cách đặt tên cho Hài nhi là Giêsu, mặc khải chân tướng của Người như là “Thiên Chúa cứu chữa”, “Thiên Chúa ở với chúng ta” (Emmanuel).
– Bằng cách bảo vệ Đức Giêsu khỏi bị vua Herode ám sát qua việc đưa thánh gia lánh nạn bên Ai Cập, rồi đưa về định cư tại Nazareth, nhờ thế Đức Giêsu trở thành ông Moses mới và mang biệt hiệu “Giêsu Nazareth”.
Tóm lại, ông Giuse đã đóng vai trò quan trọng trong việc “nặn hình” Đức Giêsu theo chương trình cứu chuộc. Tuy nhiên, ông đã thi hành sứ mạng trong tinh thần vâng phục đức tin như một tôi trung của Thiên Chúa. Đối lại, vinh dự của ông ở chỗ làm “chồng của bà Maria” (Mt 1,16.19), và nhất là Đức Giêsu được coi là “con ông Giuse” (xc. Lc 4,22; Ga 6,42).
https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/than-hoc/su-mang-cua-thanh-giuse-trong-cuoc-doi-chua-kito-va-hoi-thanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét