Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Đón nhận những thách đố

 

Đón nhận những thách đố

 
  •  
  •  

Olga Bakhtina, “Người samaritanô nhân hậu” (2016)

ĐÓN NHẬN NHỮNG THÁCH ĐỐ

Tác giả: Fernando Filoni
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: L’Osservatore Romano, thứ Ba ngày 19 tháng Giêng 2021, số 3, tr. 8

WGPQN (21.1.2021) – “Niềm xác tín rằng mọi người là anh chị em của nhau không chỉ là một ý nghĩ trừu tượng (...) mà còn khiến chúng ta phải đối mặt với một loạt những thách đố” (Fratelli tutti [FT], số 128). Thách đố đầu tiên là có phải và tại sao chúng ta là anh chị em với nhau. Khi đối mặt với những cuộc chiến tranh hằng ngày, mọi thứ thù hận, trong quá khứ và hiện tại, chủ nghĩa khủng bố, những hành động ác độc cá nhân và tập thể, ta tự hỏi liệu có nên và tại sao có thể nói về tình huynh đệ; một hạn từ gây hiểu lầm về ý thức hệ cũng như chính trị và chính cuộc Cách mạng Pháp ở thế kỷ XVIII đã khiến nó trở thành một trục trong kỷ nguyên “mới”, một kỷ nguyên không màng đến bạo lực, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và khai thác lao động, sự phát sinh những ý thức hệ thống trị và tiên quyết (Đức quốc xã, mọi thứ độc tài, và chủ nghĩa độc tài …).

Đối với Đức Kitô và nền văn hóa có nguồn gốc từ Ngài, tình huynh đệ có một lịch sử khác – trong Kinh Thánh – rất nhân bản và hiện sinh, không công nhận câu khẳng định homo homini lupus (người với người là sói – câu châm ngôn lấy từ cuốn Asinaria của Plautus, II, 4, 88), nhằm giải thích tính vị kỷ của con người cũng như chỉ ra tình trạng mà con người chiến đấu với nhau để sống còn.

Nhãn quan mới mà Đức Giêsu vạch ra là một nhãn quan “khác”. Và phải hiểu trong chính trong nhãn quan này câu nói trong cuốn Admonitiones (Những lời khuyên) được gán cho Thánh Phanxicô, đòi hỏi các anh em mình nhìn vào Đức Kitô để nắm bắt lấy ý nghĩa của tình huynh đệ mà Ngài mong muốn họ có với nhau.

Theo nhãn quan Kinh Thánh, ý tưởng huynh đệ (có trước mọi hình thức “tương quan bằng hữu” gần giống với tình bạn) không đơn thuần xuất phát từ sự chia sẻ phụ tính hay mẫu tính sinh học mà còn vượt qua khía cạnh sinh học được Thánh vịnh 51 diễn tả cách rất hiện sinh: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (c. 7); theo như thánh vịnh thì con người đã ý thức rằng trong cuộc sống mình trở thành bạn đồng hành của những kẻ cắp và người ngoại tình, những kẻ lừa đảo, và thậm chí giết cả đồng loại trong sự khinh miệt của chính Thiên Chúa (xem Tv 50, câu 16 và tiếp theo). Lương tâm xấu xa đã dẫn đưa Cain đến chỗ nói dối với chính Thiên Chúa khi tìm cách chối bỏ tình huynh đệ với Aben; câu chuyện này vẫn còn tiếp diễn trong nhân loại. Nhưng chúng ta vẫn mang trong mình tội nguyên tổ (mà thực tế dường như bị bỏ quên trong thần học và giảng thuyết hiện đại);  hơn nữa, không có tội nguyên tổ thì sẽ không còn phép rửa từ trời (xem  Ga 3, 3-8), theo như lời dạy của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô: ông này muốn hiểu “điều mới mẻ” mà Đức Kitô rao giảng là gì; và cũng sẽ không còn vai trò nào cho “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29) là Đức Giêsu mà Gioan Làm phép rửa đã chỉ ra khi thấy Ngài đến với mình.

Sự gì mới mẻ đây? Đức Giêsu dạy đám đông và các môn đệ về trung tâm của mối tương quan với Thiên Chúa, với xã hội (cũng như tôn giáo) và với tha nhân; rồi Ngài khẳng định cách kiên quyết: “Tất cả là anh chị em với nhau” (Mt 23, 8). Ở đây không đơn giản chỉ là vấn đề thuộc về dân tộc Do Thái; Ngài mở rộng cái nhìn, bởi vì “anh chị em chỉ có một Cha ở trên trời” (Mt 23, 9). Với Đức Giêsu, vấn đề trở nên siêu việt như thế. Đức Giêsu nói tình huynh đệ tìm thấy nguồn gốc mình ở trong người Cha trên trời, và vì thế, nó vượt qua mọi phân biệt liên quan đến màu da, văn hóa hay truyền thống. Một “nguồn gốc” mà ngay trong môi trường giáo hội dường như cũng bị giáng hạng hay bỏ qua. Nếu lời mời gọi đến sự siêu vượt này biến mất thì tình huynh đệ cũng sẽ gãy đổ; sự bình đẳng không đứng vững được trước mọi sức ép khác nhau, gồm cả sức ép kinh tế và xã hội, và sự tự do sẽ thu mình lại cách vị kỷ. Tình huynh đệ có một tầm với siêu việt. Đó là điều mà Thông điệp của Đức thánh cha nhắc lại khi trích dẫn Thông điệp Centesimus annus của Đức Gioan Phaolô II (xem  FT, số 273).

Một thách đố khác xuất hiện: nếu sự siêu việt là thật thì chúng ta nói đến Thiên Chúa nào? Câu hỏi được đặt ra cho tôi cách đơn giản nhưng sâu xa bởi một Kitô hữu sống ở Iran khi tôi phục vụ tại miền đất này và ông là người phải thường xuyên chạm trán với “Thiên Chúa của Hồi giáo”. Ông ấy nói: “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô có phải cũng là Thiên Chúa mà người Hồi rao giảng?”. Câu hỏi không phải là không thích đáng. Những mâu thuẫn cụ thể, sự kiện thấy mình bị gọi là “kẻ ngoại đạo” (kāfir) là có thật.  Abou Dhabi, trước những tương quan giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, (Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống, ngày 4 tháng Hai 2019), là một bước đi mới, ít nhất là để không gây chiến cũng như tạo nên những khủng hoảng nhân loại. Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan lên án Abou Dhabi. Nhưng niềm hy vọng rằng nguồn gốc từ ông Abraham của ba tôn giáo độc thần, mà Công đồng Vatican II đã nói đến (xem Lumen gentium, số 16), đã không biến mất và có thể mang lại hoa trái. Trong bầu khí này, không phải là tình cờ khi nghĩ rằng Pacte d'Abraham (hiệp ước giữa các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrein, và Israël, có thể mở rộng với các quốc gia khác), là một sáng kiến đã có những hiệu quả, vượt qua những ngoại giao, kinh tế, văn hóa và tôn giáo mà trước đây không hề được nghĩ đến. Đi ra ngoài lý luận của cuộc xung đột có nghĩa là hãy nghĩ khác đi và vượt lên trên.

Khi Đức Giêsu nói đến “Cha trên trời”, chắc chắn Ngài nói đến Thiên Chúa của mạc khải thuộc về Abraham. Ngài không nói đến một Thiên Chúa trừu tượng hay triết học; với người phụ nữ Samari (hãy nhớ lại có sự thù hận giữa người Samari và Do Thái) đã  hỏi rằng Thiên Chúa nào mà ta phải thờ phượng thì Đức Giêsu trả lời phải vượt qua ngọn núi  Garizim gần bên mà người Samari thờ phượng “Thiên Chúa” của mình, đồng thời cũng phải vượt qua ngọn núi Giêrusalem mà người Do Thái tôn thờ Đấng Tối Cao. Ngược lại, Đức Giêsu nói về một “Thiên Chúa Cha” muốn được tôn thờ trong “thần khí và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 23-24). Thiên Chúa này được mạc khải qua và trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, Đấng mà ta không còn có thể trừu tượng được. Không có Ngài, ta sẽ quay về với thuyết phiếm thần (panthéisme) hay  những chi phái dung hòa tôn giáo (iréniques) và triết thần (théosophiques) về một Thiên Chúa kiểu Platon (platonique) hay thần bí luận (ésotérique). Thiên Chúa của Đức Kitô có những đặc tính của một Thiên Chúa Cha là Đấng trong Thiên Chúa Con đã soi sáng, cứu chuộc và hòa giải chúng ta và trên thập giá đã mở ra cho chúng ta tình huynh đệ. Tình huynh đệ nào?

Để cất mọi nghi ngờ cho vị Tiến sĩ luật đến xin Ngài giải thích, Đức Giêsu đã kể lại dụ ngôn về người Samari nhân hậu (xem Lc 10, 25-37); Ngài không dùng lý thuyết nhưng sử dụng một minh họa, và nhất là câu nói quyền lực này: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37); Thông điệp của Đức Phanxicô đã minh họa dụ ngôn này cách sáng sủa, trình bày tâm điểm thần học của giáo huấn Đức Giêsu về tình huynh đệ và là trọng tâm của thông điệp (xem các số 56 và tiếp theo). Đức thánh cha giải thích rằng sự tin tưởng vào “tính bổn thiện của con người” được nhấn mạnh trong dụ ngôn (FT, số 71), điều được hình thành và bắt nguồn trong chân lý.

Trong chân lý nào? Một lần nữa, Kitô hữu nghĩ đến Đức Kitô: “Ta là đường’ là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Bằng những hạn từ dễ hiểu, có thể nói rằng Đức Giêsu đã hoàn thiện cho chúng ta giáo huấn của Ngài khi nói đến những hành động khó khăn nhất của con người, chẳng hạn như những lời dạy bảo của Ngài (xem Mt 5, 20 và tiếp theo), về sự trả thù (“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác…” Mt 5, 39), những mối tương quan giữa người và người (“Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5, 41), thái độ đối với người có nhu cầu (“Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” Mt 5, 42) hay tương quan với kẻ nghịch (“Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? …Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” Mt 18, 21-22). Hãy chú ý! – Đức Giêsu nói -  có một cảm tình huynh đệ nào đó cũng hiện diện giữa những người “thu thuế” và những người “ngoại đạo”, nhưng đối với các Kitô hữu, tình huynh đệ quy chiếu đến “Cha chúng ta trên trời” (Mt 5, 48)!

Như vậy tình huynh đệ mà Đức Giêsu nói đến không chỉ giản lược vào dữ kiện nhân loại học hay xã hội học; đối với Kitô hữu thì vấn đề này là thần học, là siêu việt (xem FT, số 85); nghĩa là nó cần đến Thiên Chúa Cha, nguyên lý của mọi quy chiếu và đá gốc của mọi kiến trúc về tình huynh đệ. Không có Thiên Chúa Cha, tình huynh đệ đi vào khủng hoảng và thường xuyên cần đến chỗ dựa: sự khoan dung, hòa ước, quy tắc, sự phán xử, sức mạnh. Chỉ mình lý trí không đủ tạo nên nền tảng cho tình huynh đệ (xem FT, số 272).

Là người Thầy, Đức Giêsu là bảo đảm cho một nhãn quan vượt qua giới hạn nhân loại. Với một nữ tu muốn rời bỏ Hội dòng vì không chịu nổi mùi hôi thối của người nghèo, Mẹ Têrêsa Calcutta hỏi người nghèo mà chị tiếp đón hôm ấy là ai, bà hỏi: “Đó chẳng phải là khuôn mặt Đức Giêsu sao?”, và chị nữ tu đã ở lại Hội dòng. Đức thánh cha nói: “Đối với các Kitô hữu… nhận ra chính Đức Kitô trong mỗi anh chị em” (FT, số 85) cho phép ta vượt qua nhiều động cơ và những vấn nạn làm ta bất an. Điều này mời gọi ta đến đức ái, nhân đức đối thần thứ ba, nhân đức hâm nóng mọi tương quan. Đức bác ái vượt qua bên kia mọi chiều kích xã hội hay sinh học, nó tìm thấy trong Thiên Chúa để yêu thương “vượt qua mọi sự vì chính Ngài, và yêu tha nhân như chính mình vì tình yêu Thiên Chúa” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1822); đức ái được hoàn tất trong Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương những kẻ thuộc về mình đến tận cùng  (xem Ga 13, 1). Thư gởi tín hữu Do Thái đưa ra một giải thích thú vị về nhân loại được Đức Kitô đảm nhận, khi chú thích điều mà Ngài “làm một việc thích đáng” (decèbatéprepen) (Dt 2,10) trong cuộc nhập thể cứu chuộc của Đức Giêsu, “Đấng thánh hóa” và là “Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Dt 2, 11).

Một thách đố cuối cùng: Chúng ta là những anh chị em, nhưng là những anh chị em “khác”? Đúng vậy, sự đa dạng không ảnh hưởng gì đến ý nghĩa xã hội của hiện hữu hay xác tín về phẩm giá của mỗi người, hay chiều kích huynh đệ của linh đạo (xem FT, số 86). Tính đa dạng làm thăng tiến sự phong phú của con người và cái đẹp. Có nghĩa là ta nghĩ đến sự đa dạng không mang đặc tính nhân ái hay phổ quát chủng tộc mà là sự đa dạng có tính sáng tạo về một hình thức thật sự của “tình bạn xã hội” làm phát sinh chân lý, công ích và sự bình an, qua sự chính trực của tâm hồn.

Nguồn: gpquinhon.org 


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/don-nhan-nhung-thach-do-41332

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét