Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Bài 1: “Với trái tim của Người Cha, thánh Giuse đã yêu thương Đức Giê-su”

 

Bài 1: “Với trái tim của Người Cha, thánh Giuse đã yêu thương Đức Giê-su”

Trình chơi Audio

Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

  1. Thánh Giuse trong các Tin Mừng

Ngay từ dòng đầu tiên của tông thư về Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng nêu ra chân lý, một chân lý vừa đời thường, nhưng vừa mới mẻ và đánh động lòng người: “Chính với trái tim của người cha, thánh Giuse đã yêu thương Đức Giê-su”. Chúng ta thường chỉ chú ý đến mặc khải Đức Giê-su được yêu thương bởi Cha trên trời (chiều dọc), và quên đi mặc khải Người cũng được yêu thương với trọn cả con tim, bởi một người cha ở dưới đất (chiều ngang): Đức Giê-su “con ông Giuse” (x. Lc 4, 22; Ga 6, 42; Mt 13, 55 và Mc 6, 3. Có thể đọc bài “Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô).


Xác tín này có nền tảng Tin Mừng. Thật vậy, tuy các Tin Mừng nói về Thánh Giuse không nhiều, nhưng đủ để giúp chúng ta hiểu ngài thuộc “mẫu người cha nào” và ngài có “sứ mạng nào”. Đức Thánh Cha cẩn thận nhắc lại từng biến cố có sự hiện diện âm thầm, nhưng quảng đại của Thánh Giuse, được các thánh sử Mát-thêu và Luca kể lại.


Như thế, tông thư của Đức Thánh Cha mời gọi tôi trước tiên hãy chiêm ngắm Thánh Giuse, được kể lại bởi các Tin Mừng (có thể đọc Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria): các Tin Mừng giúp tôi hiểu và yêu mến Thánh Giuse như thế nào”? Và Thánh Giuse giúp tôi hiểu và yêu mến Chúa Giêsu ra sao?


  1. Thánh Giuse và Truyền Thống Giáo Hội

“Sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị thánh nào giữ nhiều chỗ như thế trong Huấn Quyền Giáo Hoàng, hơn thánh Giuse, bạn trăm năm của Người”. Các vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố Thánh Giuse là:


“Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo” (Chân phước Piô IX).

“Thánh Bổn Mạng của người lao động” (Đấng đáng kính Piô XII).

“Đấng bảo vệ của Chúa Cứu Thế” (và Thánh Gioan Phaolô II).


Ngoài ra, Dân Chúa kêu cầu Thánh Giuse là “Thánh Bổn Mạng của ơn chết lành”. Tôi hiểu những tước hiệu này của Thánh Giuse như thế nào? Tước hiệu nào làm tôi hiểu và yêu mến Thánh Giuse hơn? Tôi thích tước hiệu nào hơn cả? Tại sao?


Truyền thống hay “linh đạo” của xứ đạo, gia đình, nhóm, hội dòng, cộng đoàn… mà tôi thuộc về, đã tôn vinh Thánh Giuse như thế nào? Phần tôi, tôi “công bố” Thánh Giuse là ai đối với tôi, trong cuộc đời, trong đời sống đức tin và đời sống ơn gọi của tôi? Với lời “công bố” đích thân của tôi về Thánh Giuse, tôi ước ao ngài sẽ hiện diện trong đời sống của tôi như thế nào, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô?


  1. Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô và “những người bình thường” trong cơn đại dịch

Tông thư về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha được ban hành nhân dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố Thánh Giuse là Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo, vào ngày 08/12/1870 của Chân phước Giáo Hoàng Piô IX; trước đó tông thư đã được “cưu mang” trong những tháng dài của cơn đại dịch: “Tôi muốn… chia sẻ với anh chị em những suy tư cá nhân về chân dung ngoại thường của Thánh Giuse, nhưng lại thật gần gũi với thân phận con người của mỗi người trong chúng ta. Ước ao này đã chín muồi trong suốt những tháng vừa qua của cơn đại dịch...” Vậy điều gì xẩy ra trong cơn đại dịch, đã làm cho ước ao chia sẻ về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha trở nên“chín muồi? “Những con người bình thường, hay bị quên lãng” nào trong cơn đại dịch, đã làm cho Đức Thánh Cha nhớ tới Thánh Giuse, hiểu và yêu mến ngài hơn? Những người này đã hiện diện trong cuộc sống của tôi như thế nào? Tôi có nhận ra không?


Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, tôi hãy hồi tâm lại đời mình, để nhận ra “những con người bình thường, hay bị quên lãng” và sống đời mình trong từng ngày, với tâm tình biết ơn. Chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục hiệp thông và cầu nguyện cho những con người vẫn hi sinh phục vụ trong thầm lặng, và cho những nạn nhân và dân tộc vẫn đang bị cơn đại dịch gây tác hại.


Trong đời thường cũng như trong những “giai đoạn hay hoàn cảnh đặc biệt” (của tôi, của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ…), tôi đã, đang và ước ao trở thành “người bình thường, hay bị quên lãng” như thế nào, theo lời chia sẻ của Đức Thánh Cha và theo gương của Thánh Giuse?


https://dongten.net/2021/01/07/suy-niem-ve-thanh-giuse-bai-1-voi-trai-tim-cua-nguoi-cha-thanh-giuse-da-yeu-thuong-duc-gie-su/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét