Trang

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Làm thế nào để dạy con những quy tắc đầu tiên của phép lịch sự?

 

Làm thế nào để dạy con những quy tắc đầu tiên của phép lịch sự?
fr.aleteia.org, Inès de Franclieu, 2021-01-02
Chào hỏi, cám ơn, chào từ giã, đó là những lời nói cơ bản của phép lịch sự. Một vài chỉ dẫn để dạy những lời này cho các con từ khi chúng còn rất nhỏ.
Thỉnh thoảng chúng ta tình cờ gặp một em bé rất lễ phép, chúng ta nghĩ cha mẹ của em bé này thật may mắn, làm như phép lịch sự là một điều may mắn. Nhưng phép lịch sự không phải tự nhiên mà có. Với đa số, nó không đột nhiên mà đến, tôi dám nói, đây là điều phải học. Là kết quả của một công việc kiên nhẫn và thường xuyên của những cha mẹ quan tâm đến lợi ích con cái mình. Lịch sự làm cho cuộc sống hàng ngày trở nên vô cùng dễ chịu, các giao tiếp giữa con người với nhau dễ dàng hơn rất nhiều. Nó là dầu bôi trơn máy móc. Lịch sự dễ chịu cho người nhận, nhưng trước hết là cho người cho. Đứa trẻ biết chào hỏi cảm thấy mình thoải mái tự tin với người lớn. Cũng vậy, người cám ơn biết mình là đối tượng thu hút sự chú ý của người kia. Vì vậy, việc dạy con cái những điều này khi còn nhỏ là điều cấp thiết.
Sự lặp lại luôn mang lại kết quả
Phép lịch sự gồm một loạt các quy tắc, các quy ước xã hội cần phải tôn trọng, chắc chắn, đây là điều cản trở trong việc truyền bá nghệ thuật sống này. Đã qua rồi cái thời cha mẹ giữ khoảng cách với con cái, bây giờ cha mẹ  thành bạn với con. Tuy nhiên, giữ phép lịch sự đòi hỏi phải có quan hệ trên – dưới, người cho – người nhận, người dạy – người được dạy. Khoảng cách này là khoảng cách giúp chúng ta nhận biết.
Ngay từ rất sớm (vì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta làm từ rất sớm), chúng ta cần phải có phép lịch sự vì lợi ích cho con cái mình. Từ 18 tháng, em bé đã có thể nói lời cám ơn. Tuy chưa biết nói, nhưng không thành vấn đề, em bé sẽ bắt chước cử chỉ cám ơn bằng cách chắp tay khi nhận một cái gì đó từ mẹ, đó là lời cám ơn đầu tiên. Sau đó, chúng ta sẽ dạy cho trẻ con biết lùi lại để nhường cho người lớn đi trước. Dạy cho con lặp lại “Xin lỗi ông, xin lỗi bà” mỗi khi em bé băng qua đường và đẩy người đi đường một chút. Chúng ta cũng sẽ xin các em nói “Chào ông, chào bà” chứ không nói “chào” cụt ngủn.
Dấn thân vào công việc lâu dài, có nghĩa là không có gì thể làm một lần mà có được ngay, phải lặp đi lặp lại nhiều lần mới thành công. Sự thường xuyên này chỉ có hiệu quả khi nó được nhất quán, đứa bé phải chịu hậu quả khi nó vô lễ. Con không muốn chào sao? Con phải về nhà. Con không giữ cánh cửa cho người đi sau sao? Con phải xin lỗi.Con không nói cám ơn sao? Con sẽ bị lấy chiếc bánh lại, dù lòng tôi nặng trĩu, nhưng chắc chắn là vì tôi yêu con, tôi muốn điều tốt cho con tôi.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2021/01/16/lam-the-nao-de-day-con-nhung-quy-tac-dau-tien-cua-phep-lich-su/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét