Trang

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Thánh Giuse tuyệt diệu

 Thánh Giuse tuyệt diệu

Di cảo của Cha Jean-Jacques Olier, Sáng lập Hội Linh Mục Xuân Bích.

(Phạm Đình Khiêm)

 

 

LỜI NÓI ĐẦU :

Mấy trang thần học tu đức súc tích và thâm thúy về Thánh cả Giuse phiên dịch trong tập sách này, là di cảo quý báu của một Tông đồ của các Tông đồ, mà tên tuổi và sự nghiệp rạng ngời trong lịch sử Giáo hội : Cha Gioan-Giacôbê Ôliê (1608-1657).

 

Hồi đầu thế kỷ 17 nổi dậy trong Giáo hội một phong trào canh tân hàng giáo sĩ, với ba ngôi sao sáng chói : Giám mục Gioan Êuđê, linh mục Vixentê Phaolô, và linh mục Gioan-Giacôbê Ôlivê. Vị thứ ba này, theo sử gia và văn hào Daniel - Rops, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, được coi như là tay thợ "hoàn hảo nhất" của phong trào, đến nỗi sau khi ghi nhận lại hai vị trên lần lượt được phong thánh, thì sử gia tự hỏi : "Tại sao Gioan - Giacôbê lại chưa ?" và tự trả lời là : "Bí mật của Hội Thánh". Bí mật của Thiên Chúa vậy.

 

Là con đẻ của Paris hoa lệ, Ôliê bước vào đời linh mục rất sớm, nhưng rất ít ý thức trách vụ. Giữa tuổi hai mươi, linh mục trẻ này, một hôm cùng chúng bạn cười đùa bước vào chợ phiên xóm Saint - Germain, bỗng gặp một thiếu phụ đứng sững trước mặt, trang nghiêm nói : Ôi, cha làm cho tôi lo lắng quá, tôi xin cầu nguyện cho cha cải hoá".

 

Khác với con đường Damas của thánh Phaolô, con đường cải hóa của linh mục trẻ Ôliê trải qua nhiều giai đoạn. Khoảng ba mươi tuổi, ông đi hành hương Nhà Đức Mẹ tại Lôrettô (Ý), tuy lòng sùng kính thật chưa mạnh hơn hiếu kỳ là bao nhiêu, nhưng một lời cầu đơn sơ dâng lên Mẹ, ông liền khỏi một bệnh về mắt nặng nề.

 

Rồi một nữ tu nào đó, mà nhiều lần trong giấc mơ, ông gặp đang cầu nguyện cho ông, bỗng một hôm, ông gặp thật bằng xương bằng thịt : Mẹ đáng kính Agnès de Langeac, nữ tu dòng Đaminh. Siêu nhiên đã gặp hiện thực, giáo lý "các thánh thông công" đã thể hiện nơi ông.

 

Tiến thêm nữa trên đường cải hoá, ông gặp linh mục Vinh Sơn (Thánh Vixentê - Phaolô), một con người cháy lửa bác ái và tông đồ, đã giúp ông lần đầu khám phá ra được ý nghĩa đích thực của chức linh mục. Rồi khi tiếp xúc với Đức Hồng y Bérulle, vị tông đồ sáng chói của thời đại, ông hiểu được rằng "phải sống trọn vẹn với Chúa Kitô mới là sống thực". Nhưng cũng chính lúc ấy, một cuộc khủng hoảng nội tâm trầm trọng đã dằn vặt ông và đe dọa xô đẩy ông tới vực thẳm, đến nỗi có người thân thiết nhất đã tưởng phải thất vọng về ông. Nhưng, bí mật của lòng Trời, ông đã chỗi dậy, hào hứng như một Phaolô sau lúc ngã ngựa.

 

Từ nhiều năm trước, lòng nhiệt thành cứu các linh hồn đã khiến ông trở thành linh mục thừa sai tại nhiều thành phố và vùng thôn quê nước Pháp. Có lúc ông đã mơ tưởng việc truyền giáo phương xa, như đến Việt Nam với cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) hay đi Canada, nơi các cha dòng Tên đang hoạt động rất đắc lực. Nhưng đó không phải là con đường đích thực của ông. Có lúc Đức Hồng y Richelieu đã thuyết phục ông nhận chức giám mục, nhưng ông cương quyết từ chối. Thiên Chúa chờ đợi ông trong một sứ mạng khác.

 

Thời ấy hàng giáo sĩ sa sút trầm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là sự đào tạo thiếu sót, và nhiều khi thiếu hẳn đào luyện nữa. Công đồng Triđentinô đã lên tiếng cảnh giác và đặt ra các nguyên tắc cho việc phục hưng giáo sĩ. Đáp ứng một nhu cầu cấp bách của Hội thánh, Phong trào canh tân giáo sĩ phát khởi, mà việc chính yếu là đào tạo linh mục một cách chu đáo và có quy củ. Đồng nhịp với hai vị thánh tương lai, một quen biết trước, Vixentê - Phaolô, và một bạn thân, Gioan Êuđê, mỗi người trong phạm vi của mình. Cha Ôliê tra tay vào việc. Ngày 29-12-1641 ông rời Paris đến làng hẻo lánh Vaugirard, với dự định lập một chủng viện, nhưng Thánh Linh Chúa đã dẫn đến việc thành lập một Hội chuyên lo đào tạo các linh mục (tháng 3-1642). Liền sau đó tại giáo xứ Xuân Bích (Saint Sulpice, Paris) nơi ông đến nhận chức cha sở, chủng viện đầu tiên của Hội ra đời (đầu năm 1642).

 

Ngoài mục tiêu giáo dục chủng sinh thành linh mục tốt, cha Ôliê lại thấy cần đào tạo giáo sư tốt cho chủng sinh. Do đó, nảy sinh những nhà giáo dục ưu việt của hàng giáo sĩ, quen gọi là "Các cha Hội Xuân Bích".

 

Năm 1652, cha Ôliê phải từ chức cha sở và rời bỏ luôn 30 "trường bác ái" mà ngài đã lập ra trong khu vực này, để chuyên lo cho Hội đang trên đà phát triển mạnh. Nhưng vì quá đa đoan, tận tụy, ông sớm kiệt sức và hy sinh lúc 49 tuổi (1657). Hột giống đã nằm trong lòng đất, và chẳng bao lâu nữa, mùa màng sẽ chín đỏ. Quả thực Hội Xuân Bích ngày càng lan rộng nhiều nước, kể cả Việt Nam (Liễu Giai, Hà Nội, 1933), và là một đóng góp lớn lao cho Nước Chúa trên khắp địa cầu.

 

Con người đã có lúc mơ tưởng đến Việt Nam, khi gần từ trần, còn nói với bạn mình là Đức cha Francois Pallu, vị giám mục tiên khởi Đàng Ngoài rằng : "Tôi sẽ sung sướng biết bao, nếu được sống những ngày còn lại của đời tôi, để phục vụ Giáo hội Việt Nam". Đó cũng là ước mơ của Têrêxa nhỏ, vị Đại thánh của con đường thơ ấu thiêng liêng, mà lý do sức khoẻ đã không cho phép vượt trùng dương đến ẩn mình trong dòng Kín Sàigòn.

 

VĂN BẢN VỀ THÁNH GIUSE :

NHẬP ĐỀ :

Thánh Giuse Tuyệt Diệu được ban cho thế gian, để biểu dương cho ta thấy những toàn thiện, toàn mỹ đáng tôn thờ của Thiên Chúa Cha. Thánh nhân tích cực góp nguyên nơi bản thân Người những mỹ lệ, trong sáng, khôn ngoan và lòng yêu thương, nhân hậu, từ bi của Thiên Chúa Cha. Chỉ một vị thánh duy nhất được đặt làm tiêu biểu cho Thiên Chúa Cha, trong khi phải có vô số tạo vật, muôn vàn vị thánh, để tiêu biểu cho Chúa Giêsu Kitô ; vì lẽ toàn thể Hội Thánh chỉ chăm lo một việc là biểu lộ ra bề ngoài những nhân đức và những thiện hảo của vị Thủ Lãnh rất đáng kính thờ, mà duy chỉ có một Thánh Giuse tượng trưng cho Chúa Cha hằng hữu. Toàn thể thiên thần được tạo dựng để biểu hiện Thiên Chúa và những hoàn hảo của Ngài, mà chỉ có một người biểu hiện tất cả vinh quang cao cả của Ngài.

 

Vậy nên phải coi Thánh Giuse uy nghi như là điều cao cả nhất, vẻ vang nhất, khó thấu hiểu nhất trên đời, vì cũng có thể ví Thánh Giuse như là Đức Chúa Cha, Đấng ẩn khuất, không thấy được ngôi vị Ngài, và không thấu hiểu được bản thể và những thiện hảo tuyệt vời của Ngài. Và khi ta nhận thấy rằng, cái điều trong sáng nhất, thánh thiện nhất ấy, lại là điều mà ta ít có khả năng nhất để hiểu, để biết, thì sự thể đó chẳng làm cho thân phận thiển trí kém hèn của ta phải hổ ngươi và kinh sợ lắm sao ? Nếu dưới quan điểm đó ta thấy Thánh Cả Giuse là Đấng cao cả khôn sánh, được liệt vào một bậc riêng biệt, ấy là duy mình Người là hình ảnh phổ quát của Thiên Chúa Cha nơi trần thế. Từ đó mà suy luận rằng : vì Thiên Chúa Cha đã tự lựa chọn Thánh Giuse để làm nên hình ảnh Ngài ở trần gian, thì Ngài cũng ban cho Vị Thánh này được nên giống bản chất kín ẩn của Ngài mà mắt trần không thể thấy được, và theo tôi cảm nghĩ, thì trí óc loài người không thể hiểu nổi Vị thánh đó, cần phải nhờ đức tin phụ lực để mà tôn vinh nơi Người hết những điều mà chúng ta không hiểu.

 

I. THIÊN CHÚA CHA ĐÃ TRỌNG VỌNG THÁNH CẢ GIUSE NHƯ THẾ NÀO ?

Thánh Giuse đã được chọn để làm nên hình ảnh Thiên Chúa. Vậy thật là kỳ diệu được nhìn ngắm các nhân đức và các sự thiện hảo của Người. Người khôn ngoan dường nào, hùng mạnh dường nào, thận trọng biết mấy, đơn sơ biết mấy. Tôi nghĩ rằng, đó là điều độc đáo chưa hề bao giờ có trên trần gian, vì cũng dễ hiểu rằng, nếu Thiên Chúa Cha đã lấy vị Thánh này để gợi ý và biểu tượng những thiện hảo tuyệt vời của Ngài, nên Ngài đã cho nhìn thấy được nơi vị thánh đó những gì kín ẩn từ thuở đời đời trong chính bản thể Ngài, thì sự tuyệt hảo của vị Thánh quả là khôn sánh...

 

1. Thánh Giuse, hình ảnh những vẻ đẹp của Chúa Cha hằng hữu :

Đã hẳn Người có phong thái trang nghiêm khiêm tốn, thân hình hoàn hảo lạ lùng, với một vẻ thanh tú khác thường, do bởi Đấng mà Người tiêu biểu trước đôi mắt của Con Thiên Chúa. Bởi vì nếu trời đất, các nguyên tố, tóm lại muôn vật trong vũ trụ đều tốt đẹp, quý hiếm và kỳ diệu như thế, lại được phối trí với bao nhiêu trọng lượng, số lượng và độ lượng, chỉ vì các chúng phải phục vụ chúng ta, để chúng ta thán phục những tuyệt hảo của Thiên Chúa, và vì chúng cũng phải diễn tả cho chúng ta vẻ đẹp của Ngài, như vậy thì Vị Thánh này đẹp tốt, kỳ diệu đến đâu, vì là Vị Thánh mà Thiên Chúa Cha tự tay cố ý tạo dựng để làm biểu tượng cho chính mình Ngài trước Con Một Ngài, và để Con Một Ngài luôn luôn có trước mắt hình ảnh Ngài, bức chân dung thật của Ngài, như một cách đền bù cho sự xa vắng Ngài trong thời gian, và một sự an ủi cho Con Một Ngài trong những năm lữ thứ trần gian.

 

Và còn một điều lớn lao quan trọng hơn nữa, ấy là cái thế giới quá tốt đẹp, quá hoàn hảo mà khắp nơi khắp chốn đều tuyên dương vẻ đẹp của Đấng Tạo Thành, cái thế giới đó chỉ diễn tả cho loài những cao cả kỳ diệu của Thiên Chúa được nhìn nhận là Chủ Tể càn khôn, là Bản Thể tuyệt hảo, tức là một Đấng cao trọng, nhân từ, khôn ngoan vô cùng tận, nhưng thế giới đó lại không hình dung Thiên Chúa với những sức hấp dẫn, những vẻ khả ái của Người Cha, nó chỉ hình dung Ngài với tư cách là Chủ Tể và Nguyên Ủy của mọi loài. Còn như Thánh Giuse, được tạo dựng trên ý niệm về Thiên Chúa Cha hằng hữu, để tiêu biểu cho Chúa Cha trước Chúa Con, như vậy Người tiêu biểu cho Thiên Chúa với tư cách là Cha, và Người mang nơi mình tất cả những nét yêu thương, những vẻ đậm đà, những sự dịu ngọt của Tình Cha Chí Thánh.

 

2. Thánh Giuse, hình ảnh sự thánh thiện của Chúa Cha hằng hữu :

Được chọn để làm hình ảnh Thiên Chúa Cha, Thánh Giuse thánh thiện dường nào ! Vị Đại Thánh này sống trong sự thánh thiện tuyệt hảo, và cách biệt với mọi phúc lộc trần gian và mọi loài thọ tạo. Tin Mừng Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta chiêm ngưỡng Người như tràn đầy sự thánh thiện tuyệt hảo đó. Vì thánh ký chép : "Người là bậc công chính" (Mt 1,19), nghĩa là thánh thiện. Mặt khác phải hiểu rằng với tư cách thánh thiện độc nhất đó, Người được chỉ định làm hộ thủ cho một Vị thánh thiện nhất và cao quý nhất trên đời. Quả thực để làm hộ thủ cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh sau khi Chúa qua đời, Chúa Giêsu đã chọn một vị thánh, một trong những thánh lớn nhất của trần gian, một vị thánh đáng được coi như cùng thân thế với Chúa, mặt khác lại là một nam nhân đồng trinh (thánh Gioan) để bảo vệ và giữ an toàn cho Mẹ Chúa. Ở đây Thiên Chúa Cha đã chọn một người mà Ngài làm cho người đó nên hình ảnh sự thánh thiện của Ngài, để người đó giữ an toàn và bảo vệ, không phải chỉ cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh, mà là cả Con Một Ngài mà đời đời Ngài sinh ra trong sự thánh thiện và công chính trước nhan Ngài : In sanctitate et justitia coram ipso ... (x. Lc 1,75).

 

3. Thánh Giuse, đặc trưng và hình ảnh tính tạo sinh phong phú của Chúa Cha hằng hữu :

Giáo Hội cho ta kính lễ Thánh Giuse (ngày 19-3) 7 ngày trước lễ kính Mầu Nhiệm Nhập Thể (Truyền Tin : 25-3), để thấy trong Thánh Giuse, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Cha đang lúc chuẩn bị và mang trong lòng Ngài những ý định về Mầu Nhiệm thánh của Con Ngài. Mầu nhiệm này vốn kín ẩn mãi trong các thế kỷ, bây giờ, trong Thánh Cả Giuse, chúng ta được tôn kính cung lòng rất đáng tôn thờ của Thiên Chúa Cha. Vậy nên Vị Thánh này bồng Chúa Giêsu trên tay và ẵm vào lòng y như Chúa Cha đã sinh ra Ngài trong lòng mình từ thuở đời đời. Các vị thiên thần thì, vì không phải là nét đặc trưng của tính tạo sinh phong phú của Thiên Chúa, nên không thiên thần nào được gọi là cha của các thiên thần khác, nhưng Thánh Giuse, vì là hình ảnh tính tạo sinh phong phú đó của Thiên Chúa, nên được gọi là Cha Chúa Giêsu Kitô. Người khác nào như một nhiệm tích của Chúa Cha hằng hữu, mà dưới nhiệm tích ấy Thiên Chúa đã cưu mang và đã hạ sinh Ngôi Lời của Ngài trong Đức Maria, và cũng dưới nhiệm tích ấy Ngài đã thông bản chất Thiên Chúa vào. Trong Thánh Cả Giuse, Thiên Chúa Cha đã tỏ rõ tính tạo sinh của Ngài, tuy nhiên, đặc tính đó của Ngài hoàn toàn tách biệt với huyết nhục, bởi vì xác thịt và máu huyết không ăn nhập gì trong việc sinh Chúa Con : Qui non ex sanguinibus, neque ex voluntate carnis, neque ex voluntate viri, sed ex Deo natus est (Ga 1,13).

 

4. Thánh Giuse, hình ảnh tình yêu của Chúa Cha hằng hữu đối với Chúa Con :

Thiên Chúa Cha, vì chọn Thánh Cả Giuse để làm nên hình ảnh Ngài đối với Chúa Con, thì Ngài đã sống trong lòng Thánh Giuse, và ở đó Ngài đã yêu Chúa Con bằng một tình yêu bao la vô tận, và thường xuyên nói về Con Ngài rằng : "Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng : Hic est Filius meus dilectus in quo mihi bene complacui" (Mt 3,17). Trong bản thể Ngài, Chúa Cha yêu Con Ngài như là Ngôi Lời hằng hữu của Ngài, và trong Thánh Cả Giuse, Ngài yêu Con Ngài như là Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài ngự trong linh hồn Vị Đại Thánh này và đã cho Người tham gia, không phải chỉ các nhân đức của Ngài, mà cả sự sống và tình yêu của Ngài với tư cách là Cha; vì thế nên Thánh Giuse linh thiêng đi vào tình yêu của Chúa Cha hằng hữu đối với Chúa Con, và Người yêu mến Chúa Con bằng tất cả sự sâu rộng, nhiệt nồng, trong sáng và thánh thiện của mối tình đó.

 

5. Thánh Giuse tiêu biểu lòng từ bi thương xót của Chúa Cha hằng hữu trước những nỗi thống khổ của loài người :

Chúa Cha hằng hữu, vì đã chọn Thánh Giuse để biểu hiện tư cách làm Cha của Ngài, nên đã tạo ở nơi Vị Thánh lòng từ bi thương xót trước những nỗi thống khổ của loài người, và đã tự tỏ mình là Cha nhân hậu trong Thánh Giuse. Trước khi nhập thể, Ngôi Lời rất nghiêm khắc : "Vox tonitrui tui in rota, vox confringentis cedros. Tiếng sấm sét của Ngài rầm rộ" (Tv 76,19) "Tiếng của Ngài bẻ gẫy bá hương" (Tv 28,5).

 

Nhưng từ khi xuống thế làm người, Ngài đã cảm thông những nỗi đau khổ của chúng ta, Ngài tràn đầy lòng nhân từ và âu yếm : "Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Mitis et humilis corde" (Mt 11,29). Ngài đầy lòng từ bi thương xót đối với những nỗi thống khổ của chúng ta. Chính Chúa Cha hằng hữu, khi thông ban mình cho Thánh Giuse, cũng tạo hình ảnh Ngài như thế đó. Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã cách biệt hẳn với nhục thể. Ngài trổi vượt ngàn trùng về sự thánh thiện trên thân phận của chúng ta, thế nên lúc ấy Ngài bỏ mặc những nỗi khốn khổ của chúng ta và đầy sự nghiêm khắc đối với loài người. Nhưng từ khi Ngài mặc lấy thân thế Thánh Giuse (Kiểu nói của tác giả không thể hiểu cùng một ý nghĩa như kiểu nói "Ngôi Lời mặc lấy xác loài người", nhưng phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng, như khi Thánh Phaolô nói : "Tín hữu được rửa tội là mặc lấy Chúa Giêsu Kitô). Và ẩn mình dưới hình hài Thánh Cả, thì Ngài trở nên nhân hậu, tràn đầy âu yếm và xúc động đối với những nỗi thống khổ của loài người. Trong Thánh Cả Giuse, Ngài là Cha đầy lòng nhân hậu, vì thế nên Thánh Phaolô sau khi nói : "Chúc tụng Thiên Chúa. Benedictus Deus" liền thêm ngay : "Là Cha Chúa Giêsu Kitô, Cha đầy lòng nhân hậu" (2 Cr 1,3). Nghĩa là khi trở nên Cha Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Giuse, Ngài đã tỏ ra là người Cha đầy lòng nhân hậu xót thương hơn bao giờ hết.

 

6. Thánh Giuse, hình ảnh sự khôn ngoan và cẩn trọng của Chúa Cha hằng hữu :

Vì lẽ Chúa Cha đã muốn tỏ mình trong thân thế của Thánh cả Giuse, nên Ngài đã thông ban dồi dào cho Thánh Giuse Thần Trí của Ngài với tư cách là Cha : "Ex quo omnis paternitas. Nguồn gốc mọi gia tộc" (Ep 3,15). Và để coi sóc Đấng Khôn Ngoan hằng hữu, Ngài đã thông ban cho Thánh Giuse trí tuệ thông minh và khôn ngoan tuyệt vời. Vì nếu Thiên Chúa trao phó việc dìu dắt và bảo vệ các quốc gia cho các vị Thiên Thần rất mạnh thế, và cả các vị Tổng Thần trong giới Thiên Thần cao sang này ; nếu Ngài uỷ thác việc điều hướng các tầng trời và các thiên thể khổng lồ cho một số minh thần trong sáng tuyệt mức đó, thì phải hiểu Thánh Giuse cao cả dường nào, khi Người được Thiên Chúa uỷ nhiệm coi sóc chính Con Một Ngài, quý giá hơn cả trăm ngàn thế giới và trăm triệu quốc gia ! Ôi ! Thánh Cả Giuse thông minh duệ trí dường nào để dìu dắt và hướng dẫn trong mọi sự chính Con Thiên Chúa mà mỗi cử động, mỗi bước đi quý giá và thân thương đến thế ! A, người ta đã nói : Đức Trinh Nữ Rất Thánh được nhìn Thiên Chúa thường xuyên và nhiều khi được vinh phúc chiêm ngưỡng Ngài do ân sủng của Chúa Con. Đã hẳn rằng Chúa Con Chí Thánh được nhìn thấy rõ ràng và minh bạch bản tính Thiên Chúa, để lúc nào Ngài cũng làm trọn ý muốn của Chúa Cha : "Quae placita sunt ei facio semper" (Ga 8,29). Và Ngài luôn làm điều Ngài thấy Chúa Cha làm : "Facio quae video Patrem facientem" (Ga 5,19), để không bao giờ tỏ ra không vâng phục Đức Chúa Cha và để thoả mãn những ý định rất đáng tôn thờ của Ngài ; hoặc cũng vì tất cả sự quan trọng của những ý định ấy đối với loài người. Vậy thì cũng lý do đó khiến chúng ta tin rằng : Thánh Giuse vì đã được uỷ nhiệm dìu dắt Chúa Giêsu đến mức độ làm trọn thánh ý Chúa Cha với hiệu quả vô cùng quan trọng cho phần rỗi của loài người, cho nên chính Người cũng được soi dẫn bằng nguồn ánh sáng đó của Thiên Chúa, để làm mọi sự theo thánh ý Chúa.

 

Hơn nữa, tôn xin nói ra đây một điều nảy ra trong trí khôn tôi mà tôi không dám tự nhận, vì xem ra quá lạ lùng : Ấy là ơn trí sáng của Thánh Giuse, ơn được ban cho Người để dìu dắt Con Thiên Chúa, cũng cùng tính chất với ơn minh trí của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, mà theo các vị thánh tiến sĩ, thì Đức Trinh Nữ Maria được ơn minh trí vinh quang sáng láng, vì Thiên Chúa đã ban cho Mẹ mọi ân sủng mà quyền phép toàn năng của Ngài có thể ban cho một thụ tạo. Vậy nếu ơn minh trí của Thánh Cả Giuse cũng vinh quang sáng lạng, thì ơn ó cũng luôn luôn không sai lầm, vì nếu không như thế, Con Thiên Chúa vâng lời Thánh Giuse tất sẽ không đúng thánh ý Thiên Chúa và bổn phận của mình, hoặc không vâng lời vị nắm giữ địa vị cha mình, mà Kinh Thánh thì nói rõ : "Ngài hoàn toàn vâng phục các Vị ấy. Et erat subditus illis" (Lc 2,51).

 

Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa ban cho mọi người để làm gương đức vâng lời, vậy nếu Ngài lại không vâng lời Thánh Cả Giuse thì ai cũng có thể lấy đó làm cớ để bào chữa cho sự không vâng lời của mình, và để có thể nói rằng : người ta có thể sai lầm khi vâng lời, và rằng : các Bề trên không có đủ những điều cần phải có để hướng dẫn chắc chắn. Nếu như Thiên Chúa từ chối không cho các Bề trên được có tinh thần cần thiết để dìu dắt chúng ta, thì đó chẳng hoá ra Thiên Chúa thiếu sót trong sự giữ lời hứa và trong sự quan phòng của Ngài ư ? Không, người ta không bao giờ lầm khi vâng lời, chính Thiên Chúa bảo lãnh cho những người hướng dẫn kẻ khác. Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, có lẽ nào lại ở phận kém hơn những người khác vì họ không bị sai lầm khi vâng lời ? Có lẽ nào Ngài lại ở phận kém hơn những vị Thiên Thần ở b­c dưới, vì những thiên thần này được hoàn toàn an tâm khi vâng phục những thiên thần bậc trên của họ, và họ được bậc trên của họ hướng dẫn vững chắc và không sai lạc, mặc dù việc hướng dẫn của họ không quan trọng như việc hướng dẫn Con Thiên Chúa. Vậy nếu các vị Thiên Thần, vì ở trong vinh quang, mà có những Thiên Thần bậc trên được trí sáng quang vinh, thì phải hiểu trí sáng của Thánh Cả Giuse quang vinh hơn biết bao ! Vì Người được Thiên Chúa Cha chỉ định để hướng dẫn Chúa Giêsu Kitô như bề trên hướng dẫn bề dưới, và chỉ huy Đức Trinh Nữ, Mẹ Ngài. Còn gì bất xứng bằng nếu để cho Con Thiên Chúa dị nghị Cha Ngài và cưỡng lại Đấng được tràn đầy thần trí Thiên Chúa ? Có lẽ nào Thiên Chúa Cha lại để cho Chúa chúng ta sa vào điều vô lễ như thế, nếu Ngài từ chối không ban cho Thánh Cả Giuse một ơn rất xứng hợp, rất cần thiết cho địa vị của Người như vậy ? Cho nên Thánh Cả của chúng ta đích thực được tràn đầy ơn khôn ngoan tuyệt diệu ấy, vì lẽ Thiên Chúa đã uỷ nhiệm Người dìu dắt chính Đấng Khôn Ngoan : Christum, Dei Sapientiam (1Cr 1,24). Và nếu Thiên Chúa có thói quen ban ơn sủng tương xứng với sự hệ trọng của công việc mà Ngài trao phó cho chúng ta, thì Ôi ! cao cả dường nào, ơn soi sáng, ơn khôn ngoan của vị Thánh Cả mà chính Đấng Khôn Ngoan phải phục tùng !

 

Thánh Giuse quan hệ với Chúa Giêsu Kitô cũng như ông Maisen xưa quan hệ với Dân của Thiên Chúa : Dân này là hình bóng của Chúa Cứu Thế, được ông Maisen dẫn đưa ra khỏi Aicập thế nào, thì Chúa chúng ta cũng được Thánh Giuse dẫn đưa ra khỏi Aicập như vậy. Tin Mừng theo Thánh Matthêu thấy chép câu này rút từ lời tiên tri Ôsê : "Ta đã gọi Con Ta từ Aicập về : Ex Aegypto vocavi Filium meum" (Mt 2,15), thì chúng ta thấy rằng : dân Israel ở Aicập được gọi là Con Thiên Chúa, vì lẽ dân ấy là hình bóng Chúa Giêsu Kitô. Thánh Giuse quả thực đã là vị bảo hộ sự an toàn cho Chúa Giêsu Kitô khi phải trốn sang Aicập : "Protector salvationum Christi sui" (Tv 27,8), và Người cũng đã gìn giữ bảo vệ Chúa suốt cuộc đời của Người.

 

Ôi ! Đấng Khôn Ngoan hằng hữu ! Nếu ông Maisen đã được thông giao với Ngài cách rất mật thiết như vậy, đến nỗi mặt nhìn mặt với Ngài, thì chúng ta phải hiểu thế nào về Thánh Cả Giuse !!! Ông Maisen chỉ hướng dẫn hình bóng Con Ngài, còn Thánh Giuse hướng dẫn đích thân Con Ngài thì lại chẳng lẽ không được tràn đầy ân huệ của Ngài hơn sao ? Nếu như người mang luật chết mà đã được đi vào vinh quang ngay từ đời này, đến nỗi con cái Israel không thể chịu nổi hào quang dung nhan Ngài, thì phải hiểu thế nào về Người bồng ẵm trên tay chính Đấng là luật sống và Thánh Linh, theo kiểu nói của Thánh Phaolô ? Chắc hẳn Người được hưởng ơn chiêm ngưỡng tuyệt diệu và ơn vinh quang nhìn ngắm Thiên Chúa.

 

Tôi trình thuật tư tưởng ấy, rồi rút ra những kết luận như là do trí khôn tôi, nhưng tôi nghĩ là được soi sáng bởi ánh sáng đức tin, vì ở đây tôi không hề cảm thấy một hoạt động tích cực hay một cố gắng nào của trí óc tôi để phát triển ra những điều ấy, tôi xin để cha linh hồn của tôi xét đoán.

 

II. CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ TRỌNG KÍNH THÁNH CẢ GIUSE THẾ NÀO ?

Con Thiên Chúa đã trở thành hữu hình khi mặc xác loài người, Ngài chuyện trò và giao tiếp cách hữu hình với Thiên Chúa Cha tiềm ẩn trong thân thế Thánh Giuse.

 

Đức trinh Nữ Rất Thánh và Thánh Giuse, cả hai cùng tiêu biểu một Ngôi Vị duy nhất : Ngôi Vị Thiên Chúa Cha. Đó là hai cách tiêu biểu khả giác về Thiên Chúa, hai hình ảnh mà qua đó Chúa Giêsu Kitô tôn thờ sự sung mãn của Chúa Cha, hoặc trong sự phong phú tạo sinh hằng hữu của Ngài, hoặc trong sự quan phòng của Ngài trong thời gian, hoặc trong tình yêu của Ngài đối với chính Chúa Con và Giáo hội của Con Ngài. Nơi đó là như thánh đường của Chúa Giêsu Kitô và là đối tượng hữu hình cho lòng sùng mộ hiếu kính của Chúa. Đã hẳn đền thờ (Giêrusalem) đối với Chúa là một nơi tôn nghiêm thờ phượng, vì Chúa nhận thấy nơi ngôi nhà đó một hình ảnh bất động và vật chất về Thiên chúa Cha Ngài. Nhưng ở đây, nơi Đức Mẹ và Thánh Giuse, Ngài nhìn thấy một hình ảnh sống động tâm linh và thần thánh về tất cả những vinh quang tuyệt hảo của Chúa Cha : "Templo hic major est" (Mt 12,6). Ngài nhìn thấy nơi Thánh Cả Giuse những bí nhiệm của Chúa Cha, và nghe qua miệng Vị Thánh chính lời của Chúa Cha mà Thánh Giuse là cơ quan hữu hình. Đối với Chúa Giêsu, đó là ngôn sứ cho Chúa biết mọi ý muốn của Chúa Cha trên trời, đó là đồng hồ cho Chúa biết mọi thời khắc ghi trong thánh chỉ của Thiên Chúa. Chính trước thánh đường đó mà Chúa Giêsu đã ngỏ lời cùng Chúa Cha : "Lạy Cha chúng con ở trên trời. Pater noster", và Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho toàn thể Giáo Hội. Ôi ! đối tượng yêu đương biết bao cho Chúa Giêsu, đối tượng thỏa lòng Chúa dường nào ! Ôi ! duyên cớ tuyệt vời để Chúa bộc lộ tình yêu ! Biết bao mơn trớn và biết bao ân cần âu yếm ! Ôi ! Vị Thánh Cả ! Ngài hạnh phúc biết bao được cống hiến chất liệu rất tuyệt vời như vậy cho tình yêu của Chúa Giêsu ! Ôi ! Thiên Chúa ! Chúa đã ghé mắt nhìn yêu đương và thỏa dạ dường nào ! Ôi, Chúa Giêsu nhân từ của con, Chúa bằng lòng biết bao tìm được ngay trước mặt sự thỏa mãn cho tình yêu của Chúa. Hạnh phúc Thánh Giuse ! Hạnh phúc Chúa Giêsu ! Thánh Giuse hạnh phúc dường nào được cống hiến cho Chúa Giêsu duyên cớ chính đáng nhất cho những vui thỏa của Chúa ! Chúa Giêsu vinh phúc biết bao vì tìm thấy nơi Thánh Giuse đối tượng cho những thỏa lòng đẹp ý Chúa hơn hết ! Con mắt tinh thần của Chúa nhìn thấy nơi Thánh Giuse Thần Trí của Chúa Cha, và con mắt thể xác của Chúa nhìn thấy nơi Người hình ảnh linh động và những vẻ đẹp tuyệt vời của Chúa Cha, đến nỗi chỉ nguyên nơi Thánh Giuse Chúa đã vui lòng thỏa dạ vô ngần.

 

Tuyệt diệu thay cuộc sống trong cõi thường sinh của Thiên Chúa Cha âu yếm Chúa Con, và đối lại Chúa Con âu yếm Chúa Thánh Linh ! Cũng tuyệt diệu thay cuộc sống của Thánh Giuse và Đức Maria, cả hai vị cũng là hình ảnh của Thiên Chúa Cha đối với Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Hai vị đã yêu mến Chúa Giêsu dường nào và Chúa Giêsu yêu đương hai vị biết bao ! Chúa chúng ta nhìn thấy nơi Đức Mẹ và Thánh Giuse, sự hiện diện, sự sống, bản thể, Ngôi Vị và những thiện hảo của Thiên Chúa Cha Ngài. Nhìn thấy những ưu tú mỹ lệ ấy, Ngài yêu mến biết bao, vui mừng dường nào, phấn khởi biết mấy ! Về phần Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, được thấy Ngôi Vị Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu với tất cả phẩm tính của Chúa là Con Thiên Chúa, Lời Chúa Cha, sự sống vinh quang rực rỡ và tính chất của Bản Thể Thiên Chúa, thì Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse suy tôn trọng kính, tha thiết mến yêu và thờ phụng rất thâm sâu dường nào ! Đó là thiên cung, là thiên đàng trần gian, đó là hoan lạc vô biên trong chốn khổ đau, là của cải dư đầy giữa nơi nghèo khó, và là vinh quang khởi sự ngay trong cuộc sống thấp hèn bé nhỏ của Hai Đấng.

 

Ôi lạy Chúa Giêsu ! Con chẳng ngạc nhiên khi thấy Chúa sống ba mươi năm trường trong ngôi nhà hạnh phúc kia và không hề xa lìa Thánh Giuse. Con không ngạc nhiên khi thấy Chúa không thể tách rời Thánh Cả. Nguyên mái nhà của Người đối với Chúa là cung lòng Chúa Cha, mà Chúa không thể xa lìa được, và ở đó đời đời Chúa được vui thỏa. Và ngoài ngôi nhà đó thì Chúa chỉ thấy những vật bi thảm, những người tội lỗi, nguyên nhân thảm khốc cho cái chết của Chúa. Và trong nhà Thánh Giuse, cũng là nhà Đức Mẹ, Chúa gặp được những đối tượng làm Chúa vui thỏa hơn hết, những nguồn mạch thánh hảo nhất cho đời sống của Chúa. Chúa chẳng bao giờ ra khỏi nơi thánh hảo đó chỉ trừ khi đi hành hương đền thờ. Thế gian nhạo cười sự cô đơn của Chúa và nếp sống ẩn dật ấy, nhưng thế gian không biết rằng : đền thờ chỉ là hình ảnh bất động của cung lòng Chúa Cha, còn Thánh Giuse, vì là hình ảnh sống động của cung lòng Chúa Cha, nên là nơi vui thú và nghỉ ngơi của Chúa.

 

Nào ai có thể nói được sự tuyệt hảo của Đấng Thánh này, Người vừa được Chúa chúng ta hết lòng trọng kính, lại được Đức Mẹ tha thiết mến thương dường nào !

 

III. THÁNH CẢ GIUSE BỔN MẠNG CÁC LINH HỒN ẨN DẬT VÀ CÁC LINH HỒN ƯU VIỆT

Thánh Giuse được Thiên Chúa chọn để nên hình ảnh Ngài đối với Con Một Ngài, Người không được tác thành để lãnh nhận một chức vụ công khai nào trong Giáo Hội của Thiên Chúa, mà chỉ để biểu lộ sự trong sáng và thánh thiện khôn sánh của Ngài, làm cho Ngài khác biệt hẳn mọi loài thụ tạo hữu hình. Do đó mà Thánh Giuse trở nên bổn mạng của những linh hồn ẩn dật không ai biết đến. Chức quyền Thánh Phêrô trong Hội Thánh thì khác. Thánh Phêrô được chỉ định mặt ngoài để coi giữ kỷ cương, chế độ, giáo lý, và Người tạo ảnh hưởng trên các vị giám mục và trên các thừa tác viên của Hội Thánh. Trái lại, Thánh Cả Giuse, vì là một Vị Thánh kín ẩn và không có chức vụ nào bề ngoài, nên Người được chỉ định để truyền thông bên trong sự sống trác việt mà Người nhận được của Chúa Cha và rồi sự sống ấy đổ tràn xuống cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô. Ảnh hưởng của Thánh Giuse là do sự tham dự vào ảnh hưởng của Thiên Chúa Cha trong Con Ngài. Còn ảnh hưởng của Thánh Phêrô và của các thánh khác là do sự tham dự ân sủng của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống cho loài người và phân phát ra cho tuỳ mức lượng giữa các chi thể của Chúa. Ảnh hưởng của Thánh Cả Giuse là do sự tham dự vào nguồn suối vô hạn lượng Thiên Chúa Cha chảy tràn trong Con Ngài. Mà Thiên Chúa Cha, vì yêu thương chúng ta bằng cũng một tình yêu mà Ngài yêu thương Con Một Ngài, nên Ngài cho chúng ta được múc, được nếm, được thưởng thức trong Thánh Giuse chính nguồn ân sủng và tình yêu mà Ngài yêu Con Một Ngài. Qua các thánh khác, Ngài thông ban ân sủng và tình yêu ấy cho chúng ta từng phần và tuỳ mức độ. Ở đây, nơi Thánh Giuse, Ngài ban không giới hạn, và không mức độ nào.

 

Thánh Giuse là bổn mạng các linh hồn ưu việt đạt tới sự thuần khiết và sự thánh thiện của Thiên Chúa : các linh hồn mật thiết kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và được thánh Giuse thông truyền cho tình âu yếm của Người đối với Đấng Cứu Thế rất đáng mến yêu, cũng như các linh hồn gắn trọn lòng trí vào Thiên Chúa Cha mà Thánh Cả Giuse là hình ảnh.

 

Đây là Vị Thánh mai ẩn mà sinh thời Thiên Chúa đã muốn giï kín. Hoạt động nội tâm của Người đã được Thiên Chúa giữ riêng cho mình Ngài, không chia sẻ cho việc săn sóc Hội Thánh bên ngoài. Một Vị Đại Thánh mà Thiên Chúa đã bộc lộ trong thâm cung các tâm hồn, và chính Ngài đã in lòng sùng kính Vị Thánh cả ấy trong sâu thẳm các linh hồn. Và vì Thánh cả Giuse trong đời sống chỉ gắn bó với Thiên Chúa mà thôi, nên Thiên Chúa đã tự dành cho mình việc biểu lộ Đấng Thánh và in vào lòng người ta sự quý mến, sùng mộ và tôn vinh Thánh cả Giuse.

 

Chúa Cha hằng hữu là cứu cánh mọi lời cầu nguyện của chúng ta, là cùng đích và là cứu cánh toàn bộ tôn giáo chúng ta. Thánh Giuse là hình ảnh của Ngài, tất cũng là cung thánh phổ quát của Giáo Hội. Vậy nên linh hồn nào kết hiệp thâm sâu với Chúa Giêsu Kitô, đi sâu vào đường lối, tình cảm, tâm tư và ý hướng của Chúa, linh hồn ấy, bao lâu còn ở thế gian, tất sẽ đầy tràn lòng ân cần, yêu mến, kính tôn Thánh Cả Giuse theo gương Chúa Giêsu Kitô khi sống ở trần gian. Vì đó chính là tâm tư, ý tưởng của Chúa Giêsu Kitô : Chúa ân cần yêu mến Chúa Cha trong Thánh Giuse, và phụng thờ Chúa Cha dười hình ảnh sống động ấy.

 

Chúng ta hãy đi theo đường hướng đó và như vậy là đi tìm Cha chúng ta ở trong Vị Thánh này. Chúng ta phải tìm đến Người mà nhìn xem, chiêm ngưỡng và phụng thờ mọi thiện hảo của Thiên Chúa Cha, để trở nên thiện hảo như Cha chúng ta trên trời là Đấng thiện hảo. Chúng ta học được nơi Thánh cả Giuse điều này : là người ta có thể nên giống Thiên Chúa Cha và nên thiện hảo dưới thế y như Ngài thiện hảo trên trời. Và bởi vì trong Thiên Chúa Cha, Thánh Giuse là nguồn mọi ơn lành và mọi sự thương xót, nên người ta có thể nói về Vị Thánh này rằng : "Không điều gì người ta cầu xin cùng Người mà không được toại nguyện" (Thánh nữ Têrêsa Avila).

 

IV. THÁNH CẢ GIUSE BỔN MẠNG CÁC LINH MỤC

Các linh mục, nơi Thiên Chúa hiện diện sung mãn với tính tạo sinh phong phú thuần khiết và trinh bạch của Ngài, vì thế các linh mục, hơn ai hết, càng phải theo gương Thánh Cả Giuse mà xử sự với các người con mà họ sinh ra cho Thiên Chúa. Vị Thánh Cả này dìu dắt, hướng dẫn Ấu Chúa Giêsu trong tinh thần của Chúa Cha, trong sự hiền từ, khôn ngoan, cẩn trọng của Chúa Cha. Chúng ta cũng phải làm y như vậy đối với mọi chi thể của Chúa Giêsu Kitô được trao phó cho chúng ta, và là những "Kitô hữu", đến nỗi chúng ta phải đối xử với họ với sự trọng vọng cũng như Thánh Cả Giuse đối xử với Chúa Hài Đồng. Chúng ta hãy làm bề trên họ trong Thiên Chúa, nhưng trong thân phận con người của chúng ta, chúng ta hãy coi mình là bề dưới họ, y như thánh Giuse tự coi mình hèn kém vô cùng tận dưới Chúa Giêsu Kitô, mặc dầu Người được quyền hướng dẫn Chúa và được đặt trên Chúa, nhân danh và thay mặt Chúa Cha hằng hữu.

 

Vì thế nên chúng tôi đã chọn Thánh Giuse là một trong những Thánh bổn mạng của chủng viện, vì là Vị Thánh mà trên trời, Chúa chúng ta đã ủy nhiệm đích thị việc chăm sóc các linh mục, như Chúa đã cho tôi được biết điều ấy do lòng nhân hậu của Chúa. Đức Mẹ cũng đã cho Vị Thánh lớn này làm bổn mạng. Người quả quyết với tôi rằng : Thánh Giuse là bổn mạng các linh hồn ẩn dật, và Mẹ nói thêm điều này về Đấng Thánh : "Trên trời dưới đất, Mẹ không có gì yêu quý hơn nữa sau Con mẹ : Je n’ai rien de plus cher au ciel et en la terre après mon Fils".

 

Một hôm mang Chúa gửi đến cho một bệnh nhân, tôi bỗng nhớ đến lời này và tôi thầm nghĩ trong lòng : Dux justi fuisti, Người đã hướng dẫn Đấng Công Chính. Lời ấy làm cho tôi nhớ đến Thánh Giuse đã từng là vị dìu dắt Đấng Công Chính là Chúa chúng ta. Vậy nên khi đang mang Con Thiên Chúa, tôi phải biểu hiện Thánh Giuse trong chính những tình cảm mà Người đã ấp ủ trong bao phen Người bồng ẵm Chúa Giêsu Kitô khi Người sống ở trần gian.

 

http://hivong.org/giusetuyetdieu.php

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét