Công bố và giảng Lời Chúa trong phụng vụ
CÔNG BỐ VÀ GIẢNG LỜI CHÚA TRONG PHỤNG VỤ
Giám mục Vincent Ri Pyung-ho,
Giám mục giáo phận Jeonju,
Chủ tịch Ủy ban Phúc Âm hóa, thuộc Hội đồng Giám mục Hàn quốc.
(Tham luận được đăng trong FABC Papers, số 132a, trg. 34-44)
WHĐ (20.1.2021) – Chủ đề được giao cho tôi triển khai là “Việc công bố, đặc biệt, việc Giảng Lời Chúa trong Phụng vụ”. Như các Đức giám mục đã tái khẳng định tại Thượng Hội đồng giám mục: phụng vụ là nơi tốt nhất để Lời Chúa được diễn đạt một cách đầy đủ, và đối với đa số kitô hữu, đây là dịp duy nhất họ được nghe Lời Chúa. Do đó, tôi sẽ tập trung vào việc giảng Lời Chúa trong phụng vụ.
Trước hết, tôi xin tóm lược những gì tôi đã đọc được ở một số bài báo hay sách và đặc biệt những gì tôi đã được nghe từ một số phát biểu trong đó có phát biểu của một số quý vị có mặt ở đây. Sau đó, tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân liên quan đến chủ đề chúng ta đang bàn.
1. Trào lưu duy văn tự Thánh Kinh và thách thức của trào lưu này một bài viết của Lucien Legrand ([Dei Verbum], số 70-71, 1-2/2004)
Trước hết, tôi xin giới thiệu với quý vị một bài viết tôi đã được đọc trong tạp ch1 của chúng ta [Dei Verbum] năm 2004. Bài viết có tựa đề “Trào lưu duy văn tự và Thánh Kinh”; tác giả là cha Lucien Legrand, một linh mục người Pháp và là giáo sư Tân Ước tại Giáo hoàng Học viện thánh Phêrô ở Bangalore, Ấn Độ. Tôi đã bị đánh động đặc biệt bởi phần II của bài báo, có tựa đề ‘Đối thoại và Thách thức'. Để hiểu phản ứng của tôi đối với bài báo này, có lẽ nên xem xét vị trí của Giáo Hội Công giáo Hàn quốc trong mối tương quan với các tôn giáo khác và đặc biệt với các Giáo Hội Tin Lành. Như quý vị biết, tại Hàn quốc, có nhiều truyền thống tôn giáo sống chung với nhau một cách tương đối hòa bình.
Phật giáo, các giáo phái Tin Lành, Công giáo và các tôn giáo có xuất xứ bản địa khác. Trong hầu hết các tôn giáo, trào lưu duy văn tự không gây nên vấn đề nghiêm trọng nào. Ngược lại, tình trạng không có tôn giáo nào chiếm ưu thế có thể được xem là tích cực đối với sự lành mạnh của tất cả các tôn giáo. Và một trong những khía cạnh tích cực nhất của tình trạng này là chúng ta có thể so sánh các tôn giáo này với nhau và học hỏi lẫn nhau mà không mặc cảm. Trong bối cảnh ấy, tôi có thể nhận xét nhiều điểm khác biệt giữa Công giáo và Tin Lành, điểm mạnh và điểm yếu trong mỗi truyền thống Kitô giáo này.
Trong viễn cảnh này, điều cha Lucien Legrand viết có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi: “Nhược điểm của trào lưu duy văn tự có thế nào đi nữa, sự kiện là trào lưu ấy có đó và có sức hấp dẫn lớn đối với quần chúng. Mổ xẻ vấn đề chưa đủ. Mà còn phải tiếp cận một cách tích cực trong một tinh thần đối thoại và như một thách thức đang chất vấn chúng ta. Ở đây, chúng ta cũng phải phân biệt giữa hệ tư tưởng và người theo hệ tư tưởng này. Con người nhiều khi tốt hơn là cấu trúc lý trí của họ. Họ cần phải được tiếp cận với tư cách những con người, với sự cảm thông và thiện cảm đối với các mối quan tâm của họ và đối với cảm giác bất an của họ. Còn về chính hệ tư tưởng, nó có thể là hiện thân của những giá trị tích cực. Như người ta thường nói, một sự lạc giáo là một sự thật bị chệch khỏi đường.
Ám chỉ tới những người đắm chìm trong trào lưu duy văn tự, tác giả này viết: “Thánh linh hoạt động trong mỗi con người, trong sự gắn bó thật cảm động của họ với Thánh Kinh và trong việc họ hăm hở đi tìm trong Thánh Kinh sự an ủi và chỉ dẫn. Người cũng hoạt động trong cả những lo âu và tình trạng bất an của họ, trong việc họ tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới rối ren và gây xáo trộn” (trg. 12).
Điều lý thú hơn nữa đối với tôi trong bài báo này là phần dành cho việc so sánh với người Tin Lành. Dưới tiêu đề ‘Trở về với bản văn', tác giả viết: “Như người ta thường nói, người Tin Lành đọc Thánh Kinh; người Công giáo nói về Thánh Kinh. Người Tin Lành thuộc những đoạn Thánh Kinh dài; chúng ta thì không trích dẫn nổi một câu nên hồn. Đúng là những phần họ học thuộc lòng là những phần đã được chọn lọc một cách kỹ lưỡng; họ có ‘điển quy của họ trong điển quy', nhiều khi có tính cách chống Công giáo. Nhưng cuối cùng, Lời là phần của trang bị trí tuệ để đương đầu với các vấn đề của cuộc sống.”
Dưới tiêu đề ‘Trở về với tính năng tụng niệm (incantatory) của bản văn', tác giả đi tới chỗ viết: “Người Tin Lành trích dẫn Thánh Kinh; người Công giáo rút ra những chủ đề trừu tượng được xem là có tính cách Thánh Kinh. Một ví dụ điển hình của khuynh hướng giảm thiểu thông điệp của Thánh Kinh vào ý niệm trừu tượng có thể thấy nơi một loại bài giảng rất quen thuộc. Trong khi chuẩn bị, nếu có chuẩn bị, người giảng đọc đoạn văn của ngày Chúa nhật, quy vào một “chủ đề” nào đó rồi triển khai các chủ đề mà không cần quy chiếu vào bản văn Thánh Kinh. Nếu bài Tin Mừng Chúa nhật kể về ‘đứa con hoang đàng', chúng ta quyết định là ‘chủ đề của Tin Mừng hôm nay' là tình yêu của Thiên Chúa là cha, hay bí tích hòa giải hoặc sám hối và thao thao bất tuyệt về chủ đề đã chọn. Tệ hơn nữa là loại bài dẫn lễ nhằm đưa người ta vào phụng vụ trong đó đoạn Tin Mừng, vốn chưa được công bố, được giới thiệu với một số ít hay nhiều câu trừu tượng nhiều khi trong một hình thức lạnh lùng của kiểu nói gián tiếp. “Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phán rằng chúng ta phải, vân vân… Hay Chúa Giêsu nói về, vân vân…”
Và tác giả kết luận bằng các lời này: “Từ ngữ có tính năng tụng niệm (incantatory power), đặc biệt, từ ngữ của các tiên tri được thần hứng và từ ngữ của Lời. Tôi không nói đến một loại quyền năng ma thuật của Thánh Kinh hẳn sẽ đưa chúng ta về lại với sự sùng bái cuốn sách. Tôi chỉ xin gợi lại những nhận thức sâu sắc của khoa Thánh Kinh ngày nay về cách tiếp cận Thánh Kinh theo tu từ học. Sự phân biệt giữa ‘hình thức' và ‘nội dung' là giả tạo. Rất nhiều khi hình thức lại là nội dung như trong thi ca và trong âm nhạc. Một trang sách của tiên tri Amos không thể bị giản lược thành một câu nhạt nhẽo ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta dè chừng bất công'; một Thánh vịnh không chỉ là ‘lời tán tụng quyền năng của Thiên Chúa'; các dụ ngôn của Chúa Giêsu không đơn thuần là sự minh họa cho một chủ đề, dù đó là về ‘tình yêu của Thiên Chúa'. Ngôn ngữ đích thực có một tính năng khơi dậy, sáng tạo. Heidegger nói: ‘Ngôn ngữ là nhà của hiện hữu.' Trong một viễn tượng Kitô giáo, Lời là nhà của Thánh Linh”.
2. Hiệu quả của việc giảng Lời Chúa trong các Giáo Hội Công giáo và Tin Lành
Khi so sánh việc giảng của các thừa tác viên Công giáo và Tin Lành, tôi nghĩ đến một hiện tượng đáng chú ý xảy ra tại châu Mỹ Latinh.
Theo một khảo sát được công bố gần đây trong một tờ nhật báo của Brasil thì số người người Brasil theo Công giáo giảm đều đều từ năm 1980. Năm 1940, số người Công giáo chiếm 95,2% của tổng dân số, năm 2000, 73,8%. Năm 2010, tuy cuộc khảo sát còn đang tiến hành, nhưng nhiều người nghĩ rằng dân số Công giáo sẽ là dưới 70%.
Trong khi dân số Công giáo giảm một cách nhanh chóng thì ngược lại, dân số Tin Lành lại gia tăng cũng nhanh như vậy trong cùng thời gian tại Brasil. Vào năm 1940, số người Tin Lành chiếm 2,6%, nhưng vào năm 2000, con số này tăng thành 15,4%. Và nhiều người nghĩ rằng, vào năm 2010, tỷ lệ này sẽ là khoảng 20%.
Chúng tôi cho rằng đây là hiện tượng chung của hầu hết các nước tại châu Mỹ Latinh. Và nếu những người công giáo chúng ta không có một biện pháp quyết liệt đối với tình hình này, khuynh hướng này sẽ phổ biến tại gần như khắp nơi trên trái đất. Vậy thì đâu là lý do chính của tình trạng này? Và thuốc chữa cho vấn đề này là gì?
Liên quan đến các câu hỏi này, Đức tổng giám mục Walmor Oliveira de Azevedo, tổng giám mục Belo Horizonte, Brasil, nói: “Hội nghị lần thứ năm của hàng giáo phẩm châu Mỹ Latinh và Caribê, phản ánh về những thách thức đối với sứ vụ, đặc biệt đối với sự ra đi của nhiều người Công giáo khỏi Giáo Hội, đã kết luận: “Trong thực tế, nhiều người tuy chuyển sang các nhóm tôn giáo khác nhưng không muốn từ bỏ Giáo Hội chúng ta, mà vì họ muốn thực lòng tìm Chúa và Lời của Ngài.” (...)
Bản thân Đức tổng giám mục Oliveira cũng nêu lên các câu hỏi: “Tại sao tác động của Lời lại không đến được với họ khi họ là người Công giáo? Họ đã tìm thấy được điều gì nơi các giáo phái mà trước đó, khi còn ở trong các cộng đoàn của chúng ta, họ đã không tìm thấy? Và vị tổng giám mục ở Brasil vấn nạn chính mình và tất cả chúng ta: Mặt khác, sự kiện tất cả những người này đều đói khát Thiên Chúa và Lời của Ngài khiến chúng ta phải tự đặt câu hỏi xem có phải chúng ta thiếu những người rao giảng Tin Mừng Đức Kitô có khả năng tới với các nhu cầu của các tín hữu này.
Trước câu hỏi này, tôi có thể trả lời: Vâng, chúng ta thiếu những người rao giảng Tin Mừng Đức Kitô có khả năng tới với các nhu cầu của các tín hữu này. Để tìm ra phương thuốc hiệu nghiệm cho tình trạng đáng tiếc này, chúng ta phải bắt đầu bằng việc thành thật nhìn nhận sự thiếu sót này. Liên quan đến vấn đề, tôi xin trích dẫn ở đây một đoạn trong bài phát biểu của Đức Hồng y Godfried Danneels, tổng giám mục Mechelen-Brussel, chủ tịch Hội đồng Giám mục (Bỉ): Có nhiều cản trở đối với việc công bố Lời Chúa: khó khăn truyền đạt trong một nền văn hóa và môi trường bị thế tục hóa, sự chống cự và thiếu hiểu biết nơi người nghe. Nhưng cản trở lớn nhất có lẽ ở nơi lòng của chính nhà rao giảng Tin Mừng: sự thiếu tự tin và thiếu hiểu biết của nhà rao giảng về quy tắc trong việc loan báo Tin Mừng vốn khác với các quy tắc của thế gian.
Vậy, đâu là câu trả lời hay phương thuốc cho tình trạng này?
Báo cáo của nhóm làm việc nói tiếng Anh B tại Thượng Hội đồng cung cấp cho chúng ta một đầu mối để trả lời: “Chúng ta cần phải hiểu điều gì đã lôi cuốn người ta đến với các giáo phái và học hỏi ở các giáo phái này? Một điểm khác nữa là làm sao để cải thiện việc giảng Lời Chúa và làm cho nó trở nên sống động hơn?” Theo tôi nghĩ, học hỏi nơi các truyền thống Kitô giáo khác và cải thiện việc giảng Lời Chúa là gần như cùng một chuyện. Nếu người Công giáo chúng ta có một điều gì đó để học từ các mục sư Tin Lành, tôi nghĩ đó chính là việc giảng.
3. Truyền thống của việc giảng Lời Chúa một cách đúng đắn đặt nền tảng trên lịch sử cứu độ
Sở dĩ nhiều người Công giáo bỏ Giáo Hội để chạy sang các Giáo Hội và giáo phái Kitô giáo khác, đó chủ yếu là vì trong Giáo Hội công giáo chúng ta, họ đã không được nghe Lời Chúa. Sở dĩ họ không được nghe Lời Chúa trong Giáo Hội công giáo, đó là vì chúng ta thiếu các tông đồ rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô có khả năng đáp ứng các nhu cầu của các tín hữu này. Và nữa, sở dĩ chúng ta thiếu các tông đồ rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô, ấy là vì trong chương trình đào tạo các linh mục tương lai còn thiếu một điều gì đó thật quan trọng, như nhiều giám mục đã nêu lên tại Thượng Hội đồng gần đây nhất. Và đó không phải là một vấn đề mới nổi lên ngày nay.
Theo một nhà thần học (Jean Mereau, chú giải các văn kiện Công đồng Vaticanô II, 6 tập; tập 5, chương 1, I.3. c.b) Giảng Lời Chúa / lịch sử của việc giảng Lời Chúa, trg. 170 [bản dịch tiếng Hàn quốc]), thậm chí từ khi Đức giáo hoàng Grêgôriô I qua đời vào năm 604, Giáo Hội đã không phát triển cách giảng Lời Chúa theo truyền thống là đặt nền tảng trên lịch sử cứu độ. Nói cách khác, nói một cách có hơn giản lược một chút, Giáo Hội đã đánh mất truyền thống tốt lành là giảng Lời Chúa trên nền tảng Thánh Kinh từ một ngàn bốn trăm năm này. Mãi tới Công đồng chung Vaticanô II với việc phổ biến Hiến chế Dei Verbum, Giáo Hội mới có chính sách mới cho việc giảng đặt nền tảng trên Lời Chúa. Nhưng như các giám mục đã nhìn nhận tại Thượng Hội đồng gần đây nhất, đường lối này đã không được đưa vào một cách đầy đủ trong mục vụ. Thậm chí ngày nay, đa số các chủng viện vẫn còn theo một chương trình đào tạo gần như trước.
4. Thánh Phaolô được xem là mẫu mực cho việc giảng Lời Chúa
Có lẽ, trong một thời gian dài, chúng ta đã quên mất việc giảng dạy của thánh Phaolô, được Đức giáo hoàng Bênêđictô XV tuyên bố vào năm 1917 là mẫu mực cho các người giảng. (Đức giáo hoàng vào thời đó nói rằng thánh Phaolô là mẫu mực cho người giảng về ba khía cạnh: ngài đã giảng sau khi suy nghĩ một cách thâm sâu; bài giảng của ngài luôn đặt nền tảng trên mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô; ngài là gương mẫu về cách thức giảng của ngài). Vị tông đồ Dân ngoại viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Conrintô: “Quả vậy, Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng: không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo Thập giá của Đức Kitô bị ra hư không trống rỗng. Vì chưng lời giảng Thập giá, đối với những kẻ đang hư đi, là một sự điên rồ; còn đối với chúng ta, những người đang ở trên đường cứu thoát, lại là quyền năng của Thiên Chúa. Vì đã viết: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của hạng khôn ngoan, và trí thông thái của hạng thông thái, ta sẽ thủ tiêu” (1 C 1, 17-19)”.
Thánh Phaolô còn đi tới chỗ diễn tả cũng một lập trường như vậy về việc rao giảng của chính ngài trong chương hai: “Và lời tôi nói, việc tôi rao giảng đã không cốt nơi lời lẽ có sức thuyết phục của khoa khôn ngoan, nhưng nơi việc chứng minh bằng vào Thần Khí và quyền phép, ngõ hầu việc anh em tin không bằng vào sự khôn ngoan của người phàm, song bằng vào quyền phép của Thiên Chúa… Phần ta, không phải thần khí của thế gian mà ta đã chịu lấy, nhưng là do tự Thiên Chúa, ngõ hầu ta nhận biết các điều Thiên Chúa đã thi ân xuống cho ta. Các điều ấy chúng tôi nói lên không phải bằng những lời lẽ học đòi bơi sự khôn ngoan của loài người, nhưng là bằng những lời lẽ Thần khí dạy cho, đem những điều thần thiêng giải bày cho hạng người thần thiêng” (1 C 4-5; 12-13).
Có lẽ, từ lâu, chúng ta đã quá bị ám ảnh, theo cách nói của thánh Phaolô, bởi sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, sự khôn ngoan của người thông thái, những lời lẽ thuyết phục của sự khôn ngoan loài người, tinh thần thế gian, lời lẽ do sự khôn ngoan người đời giảng dạy.
Tham luận của Đức cha Evarist Pintô, Tổng giám mục Karachi (Pakistan), thực sự có ý nghĩa theo chiều hướng này: tiên tri Amos nói đến sự đói khát “nghe những Lời của Chúa” (Am 8, 11). Nhiều người công giáo ngày nay cũng đói khát Lời Chúa. Tại đất nước chúng tôi là Pakistan, hơn 60% là người không biết chữ và do đó không thể đọc Thánh Kinh, họ càng mong mỏi được nghe Lời Chúa. Mặt khác, không ít người đã thành đạt trong lĩnh vực khoa học, nhưng lại mù chữ đối với Lời Chúa. Nhiều người trong dân của chúng tôi gồm cả linh mục và những người tận hiến là chuyên gia trong các lĩnh vực đời nhưng lại không có khả năng đem lại sự hiểu biết tối thượng về Thánh Kinh cho những người đang đói khát Lời Chúa.
Có thể các linh mục và tu sĩ, trong khi nỗ lực để trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực đời hay cả trong lĩnh vực thánh, đã đánh mất sự giản dị của con tim vốn là đặc điểm của những kẻ bé mọn, cánh cửa chính mở ra trước sự hiểu biết tối thượng về Lời Chúa.
5. Việc rao giảng Lời Chúa của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
Tôi xin trích dẫn ở đây một đoạn dài trong cuốn Đức Giêsu thành Nazareth của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.
“Thuở ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Chúa là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha. Mọi sự đều đã được Cha Ta trao phó cho Ta, và không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấng mạc khải ra cho” (Mt 11, 25- 27; Lc 10, 21-22).
“Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ; Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Gioan 1, 18).
“Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6, 44). Chúa Cha muốn lôi kéo ai đây? Chúa nói: “Không phải những bậc thông thái khôn ngoan, nhưng là những kẻ bé mọn”.
Điều này biểu lộ kinh nghiệm cụ thể của Đức Giêsu: không phải các kinh sư, là những người chuyên nghiệp tìm hiểu Thiên Chúa, có thể nhận biết Đức Giêsu; họ bị dính khăn vào những nhận thức tiểu tiết của họ. Cái nh2in đơn sơ vào tổng thể, vào thực tại mạc khải của Thiên Chúa, đã bị tất cả sự hiểu biết của họ chuyển đổi sự đơn sơ không thể có nơi những con người nhìn tất cả trong sự phức tạp của vấn đề. Thánh Phaolô nói lên kinh nghiệm này và suy nghĩ tiếp theo: “Thật thế, Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái (Isaia, 29, 14)...Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và nhửng gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Côrintô 1, 18-19.26-29). “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật” (1 Côrintô 3, 18). Vậy thì sự điên rồ, sự đơn sơ của những người “nhỏ bé” khai mở cho con người tiến đến ý muốn của Thiên Chúa và đến sự nhận biết Người, sự điên rồ này là gì?
Bài giảng trên núi cho chúng ta chìa khóa để thấy được nền tảng nội tại cho kinh nghiệm đặc biệt này, đồng thời cũng là con đường sám hối, của việc khai mở vào nhận thức trọn vẹn của Con: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Sự thanh sạch tâm hồn giúp chúng ta nhận thức. Sự đơn sơ tối hậu khai mở tâm hồn để đón nhận ý muốn mạc khải của Đức Giêsu” (tr, 292).
6. Khi chúng ta không còn bị sự khôn ngoan người đời cám dỗ
Khi chúng ta thoát khỏi nỗi ám ảnh hay đúng hơn không còn bị cám dỗ dùng sự khôn ngoan người đời, những lời thuyết phục theo kiểu con người để giải thích và có được sự đơn sơ của con tim, khi ấy chúng ta đã sẵn sàng tiếp nhận cách thức trọn hảo để rao giảng Lời Chúa.
Thay vì thao thao bất tuyệt về Lời Chúa, chúng ta để Lời Chúa tự giãi bày. Khi ấy, thay vì là kẻ sở hữu Lời, chúng ta trở thành môn đệ và tôi tớ của Lời.
Thường thì đọc đoạn Thánh Kinh với mấy lời tối thiểu giải thích để áp dụng vào hoàn cảnh “ở đây và bây giờ” của cử tọa là đủ. “Đoạn Thánh Kinh này hôm nay đã nên trọn”, Chúa nói.
Theo cách này, chúng ta để Chúa Thánh Linh hoạt động theo cách của Người, để Lời trở thành Thần và sự sống (xem Gioan 6,63). Chúng ta phải nhìn nhận lời rao giảng của chúng ta có giới hạn và để Chúa Thánh Linh làm công việc của Người. Chúa nói: “Ta còn lắm điều phải nói với các ngươi, nhưng hiện giờ, các ngươi không mang nổi. Song khi nào Ngài đến, vì là Thần khí sự thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật; vì không phải tự mình mà Ngài nói, nhưng nghẻ gì Ngài sẽ nói ra, và Ngài sẽ loan báo cho các ngươi những điều sẽ đến” (Gioan 16, 12-13).
7. Mấy kinh nghiệm bản thân
Giờ đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân.
Khi tôi còn là một linh mục trẻ, trách nhiệm rao giảng quả nặng nề đối với tôi đến độ tôi đã nghĩ rằng chẳng thà sang Liên xô làm thừa sai và chịu tử đạo còn hơn. Tôi nghĩ ít ra tôi cũng được chết với tư cách linh mục. Tại sao tôi lại cảm thấy nặng nề trong lương tâm như vậy? Tôi cho rằng lý do lớn nhất là tôi đã bảo người ta làm những điều mà bản thân tôi không làm được. Và lý do thứ hai là tôi đã chuẩn bị bài giảng về một chủ đề đã chọn và triển khai với tất cả mọi thứ lập luận chẳng mấy có sức thuyết phục và đánh động ngay cả đối với chính mình, bởi nó nằm trong đầu chứ không phải trong tim tôi.
Nhưng giờ thì tôi đã hoàn toàn thoát khỏi những gánh nặng tâm lý và tinh thần và tôi sẵn sàng rao giảng bằng tiếng Hàn quốc trong mọi hoàn cảnh hay mọi dịp. Điều gì đã khiến tôi thay đổi triệt để như vậy?
Điều tôi muốn chia sẻ và cùng suy nghĩ với quý vị chính là vấn đề này. Ở Hàn quốc, có nhiều mục sư Tin Lành rất nổi tiếng và có sức hấp dẫn đối với một số lớn người dân. Và trong số các kitô hữu Tin Lành, chúng ta có thể gặp một cách hết sức dễ dàng những người sẵn sàng đi bất cứ đâu trên thế giới để truyền giáo. Còn trong Giáo Hội Công giáo, về nhiều khía cạnh, tình hình lại trái ngược với Giáo Hội Tin Lành. Đâu là tác nhân chính gây nên sự khác biệt này? Mọi người đều biết, tại Hàn quốc, tác nhân gây nên sự khác biệt này chính là việc rao giảng của các thừa tác viên. Ví dụ cụ thể về cách thức rao giảng trong Giáo Hội Tin Lành và Công giáo được linh mục Lucien Legrand minh họa trong bài báo tôi vừa giới thiệu với quý vị là hoàn toàn chính xác tại đất nước chúng tôi.
Vấn đề này đã là một thách thức nghiêm trọng đối với tôi, với tư cách một kitô hữu và một mục tử. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu cuộc sống của một giám mục vào năm 1990, tôi đã quyết định học thuộc lòng toàn bộ các bản văn Thánh Kinh của thánh lễ hàng ngày. Làm vậy, tôi đã có được những kinh nghiệm thực sự quý báu và tôi tin rằng cuối cùng tôi đã tìm ra được một trong những cách thức tốt đẹp nhất để thực hiện giáo huấn của Công đồng chung Vaticanô II khi Công đồng dạy “mọi việc rao giảng của Giáo Hội phải được nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi Thánh Kinh” (DV, số 21).
Để học thuộc lòng, tôi thức dậy từ 4g30 sáng, và cho tới 6 giờ, giờ cử hành thánh lễ hàng ngày, tôi cố gắng học thuộc lòng và suy niệm về các đoạn Thánh Kinh của ngày hôm đó, và sau thánh lễ, trong khoảng một tiếng rưỡi, tôi đi bách bộ ở một quả núi nhỏ ngay sát tòa giám mục, cầm trong tay một cuốn Thánh Kinh cỡ nhỏ hay một tờ giấy có in đoạn văn Thánh Kinh. Khi tôi làm vậy, tôi thể hiện ý nghĩa câu nói của thánh Ambrôsiô: “Khi tôi đọc Thánh Kinh, Chúa đến và cùng đi với tôi trong địa đàng.” Tôi muốn thay thế động từ “đọc” bằng động từ “học thuộc lòng”. Và chúng ta càng thêm chắc chắn được có Chúa cùng đi, Chúa Thánh Linh, Đấng thay đổi chữ viết thành Thần khí, thành ánh sáng và quyền năng sâu thẳm nơi con người chúng ta.
8. Học thuộc lòng các đoạn văn Thánh Kinh
Thực vậy, khi chúng ta tìm cách học thuộc lòng một số đoạn Thánh Kinh, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng đây không chỉ đơn thuần là những hành động của bộ não hay trí thức. “Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì. Lời Ta đã nói với các ngươi là Thần khí và là sự sống” (Jn 6, 63), Chúa nói. Nhưng Lời của Chúa không phải lúc nào và đối với mọi người cũng đều là Thần khí và là sự sống. Đặc biệt, khi được viết trên giấy, lời có nguy cơ là chữ viết không có sự sống. Để Lời của Chúa trở thành Thần khí và sự sống, chúng ta cần phải có thời gian để hấp thụ như chúng ta cần có thời gian để tiêu hóa bánh chúng ta ăn và biến bánh ấy thành năng lượng nâng đỡ sự sống thể xác của chúng ta. Khi chúng ta học thuộc lòng các đoạn Thánh Kinh của thánh lễ hàng ngày và một số đoạn Thánh Kính quan trọng khác, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng các đoạn văn này tự động liên kết lại với nhau, từ các đoạn Cựu Ước tới các đoạn Tân Ước. Nó giống như việc xem một ván bài hay một màn trình diễn cộng đồng giới thiệu các cảnh khác nhau theo nhu cầu hay ý muốn của người điều khiển. Khi ấy chúng ta giống như gia chủ được Chúa Giêsu nói đến trong Matthêu 13, 52: “Và Ngài bảo họ: ‘Bởi thế, phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời, thì cũng giống như gia chủ biết rút tự trong kho của ông điều mới và điều cũ”.
Đối với gia chủ, để có thể rút tự trong kho của mình điều mới và điều cũ, việc cấp bách trước tiên là để Lời Chúa xuyên thâu và vào sâu trong trái tim của mình, như thư gửi tín hữu Hipri cho thấy: “Quả thế, Lời Thiên Chúa sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, gân cốt và tủy não, cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ” (Hp 4, 12). Đức Maria sở dĩ là gương mẫu cho mọi môn đệ của Đức Kitô, ấy là vì Người đã “giữ kỹ mọi lời ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”(Lc 2, 19; xem Lc 2, 51: Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều trong lòng).
Như vậy, chúng ta có thể so sánh một thừa tác viên phục vụ lời với một chiến binh được trang bị với giáp binh của Thiên Chúa được thánh Phaolô mô tả trong thư gửi tín hữu Êphêsô (6, 11 tt.). Sau khi liệt kê năm thứ vũ khí, cuối cùng vị Tông đồ giới thiệu vũ khí phòng thủ duy nhất là gươm Thần khí, tức là Lời Thiên Chúa (câu 17).
Điều thánh Phaolô viết cho Timôthê, một mục tử ở địa phương, là một trong những lời khuyên bảo quan trọng nhất cho tất cả chúng ta vốn được kêu gọi để phục vụ Lời: “Kinh Thánh nhất nhất đã được thần hứng, và có ích để dạy dỗ, để biện bác, để tu chỉnh, để giáo huấn trong mọi sự công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn bị sẵn sàng cho mọi công việc lành thánh” (2Tm 3, 16-17).
Thánh Têrêsa thành Lisieux, được phong Tiến sĩ Hội Thánh, đã đạt đến mức của sự khôn ngoan Thiên Chúa bằng sự tiếp cận đơn sơ với Lời Chúa: Thánh nữ đã học thuộc lòng tất cả các đoạn Thánh Kinh ngài gặp, đặc biệt các đoạn sách thánh của thánh lễ hàng ngày và suy niệm suốt ngày. Thánh nữ đã nói với một trong số các chị em của người: “Đối với người dân thường, chẳng cần đến các phương tiện rắc rối”.
Kết luận
“Nếu các ngươi lưu lại trong lời Ta, thì hẳn thật, các ngươi là môn đệ của Ta” (Gioan 8, 31), Chúa phán.
Tôi xác tín rằng nếu tất cả các thừa tác viên phục vụ Lời học thuộc lòng các đoạn Thánh Kinh của thánh lễ hàng ngày, và một số đoạn quan trọng khác của Cựu và Tân Ước, và nếu các thừa tác viên được trang bị như vậy với gươm của Thần khí, vốn là Lời của Thiên Chúa, khi ấy Giáo Hội chắc chắn sẽ có một mùa xuân mới.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 63 (Tháng 1 & 2 năm 2011)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cong-bo-va-giang-loi-chua-trong-phung-vu-41325
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét