Trang

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Chia sẻ Lời Chúa trong các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ

 

Chia sẻ Lời Chúa trong các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ

 
  •  
  •  


CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WHĐ (18.1.2021) - Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu có Văn phòng về Giáo dân và Gia đình, trong đó có một Tiểu ban (Desk) được gọi là AsIPA, nghĩa là Cách tiếp cận mục vụ toàn diện tại châu Á (Asian Integral Pastoral Approach), được cụ thể hóa qua việc xây dựng những cộng đoàn nhỏ BEC/SCC (Basic Ecclesial Communities – Small Christian Communities) như Đức hồng y Patrick D’Rosario, Chủ tịch Văn phòng Giáo dân và Gia đình, nói: “Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (SCC) được chấp nhận như cách tiếp cận mục vụ toàn diện để thể hiện cách thức hiện diện mới của Giáo Hội tại châu Á”[1] .

Trong bài này, xin trình bày hai phần chính: (1) Nền tảng thần học và ứng dụng mục vụ của BEC/SCC tại châu Á; (2) Tầm quan trọng của việc chia sẻ Lời Chúa trong BEC/SCC; cuối cùng là một vài gợi ý thực hành.


I. CÁCH THỨC HIỆN DIỆN MỚI CỦA GIÁO HỘI TẠI CHÂU Á

1. Thần học về Giáo Hội như là Hiệp thông

Để xây dựng một ngôi nhà, khởi điểm không phải là gạch cát và xi-măng, cũng không phải là bản vẽ, nhưng là mô hình mà chủ nhà có trong đầu về ngôi nhà mơ ước của mình. Cũng thế, mô hình về Giáo Hội sẽ âm thầm định hướng việc xây dựng ngôi nhà Giáo Hội. Trong tác phẩm nổi tiếng Models of the Church, Đức hồng y Avery Dulles đã tóm kết năm mô hình về Giáo Hội: (1) Giáo Hội như là Cơ chế, Institution; (2) Giáo Hội như là sự Hiệp thông thần bí, Mystical Communion; (3) Giáo Hội như là Bí tích, Sacrament; (4) Giáo Hội như là Sứ giả, Herald; (5) Giáo Hội như là Tôi tớ, Servant. Sau này, ngài còn gợi ý thêm một mô hình được gọi là Cộng đoàn các môn đệ (Community of disciples)[2].

Tại châu Á, đâu là mô hình mà Giáo Hội muốn xây dựng? Dựa vào những tư liệu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) cũng như Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Asia của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, có thể trả lời ngay là mô hình Giáo Hội như là hiệp thông: “Ở tâm điểm mầu nhiệm Giáo Hội là mối dây hiệp thông kết hợp Đức Kitô là Tân lang với tất cả những người đã chịu Phép Rửa. Qua mối hiệp thông sinh động và ban sự sống này, các Kitô hữu không còn thuộc về chính mình nữa nhưng thuộc về Chúa. Được kết hợp với Chúa Con trong mối dây yêu thương của Thánh Thần, các Kitô hữu được kết hợp với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này, tuôn chảy sự hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Do đó, mục đích đầu tiên của Giáo Hội là trở nên bí tích của sự kết hợp sâu xa con người với Thiên Chúa, và vì sự hiệp thông giữa con người với nhau được đâm rễ nơi sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng là bí tích của sự hiệp nhất nhân loại. Nơi Giáo Hội, sự hiệp nhất này đã bắt đầu rồi, đồng thời Giáo Hội cũng là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất trọn vẹn trong tương lai.”[3]

Sự hiệp thông có vẻ trừu tượng đó cần được cụ thể hóa trong đời sống hằng ngày của mỗi Giáo Hội địa phương như Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Mỗi Giáo Hội địa phương phải được xây nền trên chứng tá về sự hiệp thông vốn làm nên chính bản chất của Giáo Hội. Các nghị phụ muốn mô tả giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn, quy tụ chung quanh Mục tử, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến, và giáo dân, dấn thân vào ‘cuộc đối thoại của con tim và đời sống’, được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ. Chủ yếu là nơi Giáo phận mà tầm nhìn về sự hiệp thông của các cộng đoàn được hiện thực hóa, giữa những thực tại phức tạp của châu Á về xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế.”[4]

2. Mục vụ: xây dựng Giáo Hội tham gia

Từ suy tư thần học về Giáo Hội như là Hiệp thông, các giám mục Á châu đưa ra định hướng về một Giáo Hội tham gia: “Sự hiệp thông trong Hội Thánh hàm nghĩa rằng mỗi Giáo Hội địa phương phải trở thành điều mà các nghị phụ gọi là “Giáo Hội tham gia”, một Giáo Hội trong đó mọi người sống ơn gọi riêng của mình và thi hành vai trò riêng của mình…Cách riêng, cần phải cổ võ sự tham gia nhiều hơn của giáo dân và những người sống đời thánh hiến trong việc lên kế hoạch mục vụ và tiến trình quyết định, qua những cấu trúc mang tính tham gia như Hội đồng mục vụ hoặc Hội đồng giáo xứ.”[5]

Thế nào là một Giáo Hội tham gia? Không thể trình bày chi tiết ở đây, chỉ xin đưa ra những nét chính mà các giám mục Á châu mong muốn khi bàn về Giáo Hội tham gia: (1) Tập trung vào Chúa Kitô; (2) Cộng đoàn bình đẳng; (3) Cộng đoàn đồng trách nhiệm; (4) Cộng đoàn mà mỗi người cảm nhận mình thuộc về Giáo Hội; (5) Cộng đoàn mà mỗi người đều góp phần vào sứ mạng chung; (6) Cộng đoàn với tầm nhìn vượt xa hơn bức tường của Giáo Hội.

“Giáo Hội tại châu Á phải là một cộng đoàn hiệp thông ăn rễ sâu nơi sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành và sống bí tích chung quanh Thánh Thể. Sự tham gia và đồng trách nhiệm đích thực phải là những yếu tố thiết yếu của đời sống Giáo Hội. Đó là một cộng đoàn nỗ lực duy trì sự hiệp nhất không giả dối với các mục tử, với mối dây hiệp thông nơi Giáo Hội địa phương và phổ quát trong một Giáo Hội duy nhất. Cộng đoàn đó được kêu gọi làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mình tuyên xưng, đưa những giá trị này vào trong lối sống của người dân, diễn tả những giá trị đó qua sự hiện diện, đối thoại và hành động trong mọi lãnh vực hoạt động như một Giáo Hội ở trong lịch sử, trong thế giới thực. Cuối cùng, cộng đoàn đó không ngừng đi tới trong sứ vụ, khi đồng hành với nhân loại trong cuộc hành hương tiến đến Vương quốc của Chúa Cha.”[6]

3. BEC/SCC: mô hình thể hiện Giáo Hội tham gia.

Hiểu được tầm nhìn về Giáo Hội như là hiệp thông và định hướng mục vụ xây dựng Giáo Hội tham gia, sẽ hiểu được tại sao Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đề cao các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản. Tông huấn Ecclesia in Asia không phủ nhận tầm quan trọng của các giáo xứ: “Trong mọi Giáo phận, giáo xứ vẫn là nơi thông tường để các tín hữu quy tụ và lớn lên trong đức tin, để sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội và tham gia vào sứ mệnh của Giáo Hội.”[7] Tuy nhiên các giám mục Á châu xem các cộng đoàn nhỏ là phương thế hữu hiệu để thể hiện hình ảnh Giáo Hội hiệp thông và tham gia: “Giáo hội học về hiệp thông là ý tưởng trung tâm và nền tảng của các văn kiện Công đồng”, đồng thời các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản là “sự diễn tả chân thật về hiệp thông và là phương tiện cho việc xây dựng sự hiệp thông sâu xa hơn.”[8]

Vậy, cộng đoàn Giáo Hội cơ bản là gì? Xin gợi ý những nét chính:

- Cộng đoàn nhỏ: vì là nhóm nhỏ nên các thành viên có thể có tương quan liên vị với mọi người trong nhóm và cảm nhận mình thuộc về một cộng đoàn. Một trong những thách đố lớn đối với Giáo Hội Công giáo tại Nam Mỹ và châu Á ngày nay là sự phát triển rất nhanh và mạnh của phong trào Ngũ Tuần (Pentecostalism). Không ít giáo dân Công giáo rời bỏ Giáo Hội để tham gia phong trào này. Có thể nói đến nhiều lý do nhưng không thể bỏ qua thực tế này: nhiều giáo xứ Công giáo quá lớn, mỗi Thánh Lễ quy tụ cả ngàn giáo dân, tuy nhiên trong đám đông đó, người ta dễ cảm thấy mình lạc lõng, trở thành ‘vô danh’, không cảm nhận được mối liên hệ thân tình và gần gũi với anh chị em mình. Trong tình hình đó, cộng đoàn nhỏ là một đáp ứng mục vụ vì nơi đó, mỗi người có thể dễ dàng gặp gỡ người khác và hình thành tương quan thân tình, nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin.

- Các thành viên trong cộng đoàn sống cùng khu vực, nhờ đó có thể đến với nhau dễ dàng và thường xuyên hơn. Về tâm lý mục vụ, người ta thường phân biệt hai loại nhóm: nhóm nhấn mạnh đến công việc phải chu toàn (task-oriented) và nhóm nhấn mạnh đến tương quan (relation-oriented). Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản (BEC) hoặc Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (SCC) không nhấn mạnh đến công việc phải làm cho bằng mối tương quan, sự gặp gỡ, chia sẻ, nâng đỡ, hiệp nhất với nhau. Theo đó, nhóm nhỏ này không giống các hội đoàn tông đồ thường thấy trong các giáo xứ như Legio Mariae hay Cursillo.

- Cộng đoàn cơ bản này tập trung vào Đức Kitô và Lời Chúa. Do đó hoạt động quan trọng nhất trong cộng đoàn là chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm đức tin và cùng nhau đem Lời Chúa vào đời sống. Vì chia sẻ Lời Chúa là hoạt động quan trọng nhất của cộng đoàn nên sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau.

- Cộng đoàn dấn thân cho sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô. Họ nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin, cùng nhau thực hiện những việc làm của lòng thương xót, sự công bằng, hòa giải và hòa bình. Xa hơn nữa, họ có thể cùng nhau suy nghĩ về các vấn đề xã hội và tìm cách giải quyết như Đức Giáo hoàng Phanxicô mong muốn: “Cho dù có nhiều giáo dân ngày nay tham gia các tác vụ giáo dân, nhưng sự dấn thân này không được thể hiện rõ nét trong việc đem các giá trị Kitô giáo vào các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế. Sự dấn thân đó thường chỉ gắn với những nhiệm vụ bên trong Giáo Hội chứ chưa thực sự nỗ lực áp dụng Tin Mừng để biến đổi xã hội.”[9]

- Cộng đoàn nhỏ này phải hợp nhất với Giáo Hội. Giáo Hội ở đây là Giáo Hội phổ quát cũng như Giáo Hội địa phương. Mỗi cộng đoàn nhỏ có đại diện tham gia Hội đồng giáo xứ và những người lãnh đạo cộng đoàn phải thường xuyên được linh mục giáo xứ đồng hành, hướng dẫn.

Thánh Gioan Phaolô II đúc kết cùng một nội dung trong Ecclesia in Asia: “Khởi đi từ kinh nghiệm mục vụ của mình, các nghị phụ nhấn mạnh giá trị của BEC như phương thế hữu hiệu thúc đẩy sự hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và giáo phận, và như sức mạnh đích thực của việc Phúc-Âm-hóa. Các nhóm nhỏ này giúp các tín hữu sống như những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các nhóm đó có mục đích giúp các thành viên sống Phúc Âm trong tình thương huynh đệ và phục vụ, do đó là khởi điểm vững chắc cho việc xây dựng một xã hội mới, diễn tả văn minh tình thương. Cùng với Thượng hội đồng giám mục, tôi khuyến khích Hội Thánh tại châu Á, nơi nào có thể, hãy xem những cộng đoàn cơ bản này như đặc điểm tích cực trong hoạt động Phúc-Âm-hóa của Hội Thánh.”[10]

II. VAI TRÒ VIỆC CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG BEC/SCC

Như đã trình bày, chia sẻ Lời Chúa là hoạt động quan trọng trong sinh hoạt của các BEC/SCC. Trong khóa tập huấn, các chuyên viên sẽ hướng dẫn tham dự viên về đề tài này cách chi tiết. Ở đây chỉ xin đọc lại trình thuật Hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) để khám phá những nét căn bản trong việc chia sẻ Lời Chúa.

“Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Họ trò chuyện với nhau về những việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán với nhau thì Chúa Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Người. Người hỏi họ, ‘Các ông vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?’ Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời, ‘Chắc ông là người duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những chuyện xảy ra trong thành mấy ngày nay’. Chúa Giêsu hỏi, ‘Chuyện gì vậy?’ Họ thưa, ‘Chuyện ông Giêsu Nazarét. Người là một tiên tri đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và dân chúng. Thế mà các thượng tế và thủ lĩnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hi vọng rằng chính Người sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa những việc ấy xảy ra đến nay đã ba ngày rồi. Thật ra, cũng có mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ từ sáng sớm nhưng không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn đang sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ và thấy sự việc y như các bà nói, còn chính Người thì họ không thấy’.

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với hai ông rằng, ‘Các ông chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các ông thật chậm tin vào lời các tiên tri. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?’ Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Chúa Giêsu làm như còn phải đi xa hơn. Họ nài ép Người, ‘Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn’. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người biến mất. Họ mới bảo nhau, ‘Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?’

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông, ‘Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon’. Hai ông cũng thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.

1. Nhóm nhỏ

“Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus” (Lc 24,13)

Ngoại trừ lần hiện ra với bà Maria Mađalêna (Ga 20,11-18) và lần hiện ra với cộng đoàn lớn (x. 1Cor 15,6), Đấng Phục sinh thường hiện đến với các môn đệ khi họp nhóm: nhóm Mười Một trong phòng kín (Ga 20,19-23; 20,24-29) và ngoài bãi biển (Ga 21,1-14); nhóm hai môn đệ Emmaus (Lc 24,13-35). Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).

Nhóm nhỏ, cộng đoàn nhỏ là môi trường thuận lợi cho việc gặp gỡ Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Trong nhóm nhỏ, mọi người có thể dễ dàng biết nhau, có thể nói và được lắng nghe, hình thành bầu khí thân tình và tín nhiệm, vốn là đòi hỏi cần thiết để có thể chia sẻ những điều sâu xa và riêng tư trong đời sống.

2. Đối thoại

“Người hỏi họ: các ông vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24,15).

Đấng Phục sinh đặt câu hỏi rồi lắng nghe hai môn đệ kể chuyện đời của họ. Hóa ra Thiên Chúa không chỉ nói nhưng trước hết Ngài lắng nghe tâm tư, nỗi lòng của con người. Niềm tin vào vị Thiên Chúa biết lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của con cái chính là nền tảng của việc cầu nguyện. Liệu chúng ta có thể cầu nguyện nếu không tin rằng Chúa đang lắng nghe?

Lắng nghe tiếng Chúa trong nhóm nhỏ có nghĩa là chia sẻ Lời Chúa trong bầu khí cầu nguyện, tin rằng Chúa đang hiện diện và lắng nghe tâm tư của con cái. Nếu không, việc chia sẻ có nguy cơ trở thành việc thảo luận của một nhóm xã hội, ngồi lại để bàn thảo với nhau những kế hoạch hoạt động.

Lắng nghe tiếng Chúa qua Lời của Chúa, đồng thời qua việc lắng nghe nhau. Vì thế chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ không đồng nghĩa với việc giảng dạy Kinh Thánh. Cụ thể là việc sử dụng đại từ ‘tôi’ khi chia sẻ. Trong thực tế, đây là điều khó khăn đối với nhiều người vì có thể rơi vào những thái độ không thích hợp: hoặc giảng giải Kinh Thánh và dạy dỗ người khác, “chúng ta phải thế này, thế kia…”, hoặc chỉ lo chuẩn bị phần chia sẻ của mình cho hấp dẫn chứ không lắng nghe người khác.

3. Lời Chúa và cuộc sống

“Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy ngày nay” (Lc 24,18).

Hai môn đệ kể chuyện về sự kiện lớn mới xảy ra trong thành, về niềm hi vọng của họ vào nhân vật Giêsu Nazarét và bây giờ là nỗi thất vọng cùng cực của họ, cả về tin đồn ông Giêsu đã sống lại. Sau khi nghe họ kể chuyện, Đấng Phục Sinh mới giảng giải Kinh Thánh cho họ nghe: “Các ông chẳng hiểu gì cả!..” (24,25).

Chia sẻ trong nhóm nhỏ gắn với thực tế đời sống, với những gì đang diễn ra trong đời thực và những tâm tư, nỗi niềm của con người trước những biến cố đó, rồi xin Lời Chúa soi sáng. Vì thế, chia sẻ Lời Chúa không phải là một khóa học Kinh Thánh theo nghĩa hàn lâm. Cũng vì thế nhóm nhỏ thường quy tụ những người sống trong cùng một khu vực, với những vấn đề đang xảy ra trong đời sống thường ngày và tác động đến mọi người.

4. Tính toàn thể của Lời Chúa

“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27).

Đấng Phục sinh giải thích Kinh Thánh “từ ông Môsê đến tất cả các tiên tri”, nghĩa là toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Đây là điều bản thân tôi được gợi ý khi áp dụng phương pháp Kinh Thánh 100 tuần để đồng hành với anh chị em giáo dân trong việc học Kinh Thánh: đọc toàn bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối, từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền.

Điều muốn nhấn mạnh ở đây không chỉ là phải đọc hết toàn bộ Kinh Thánh nhưng là tính toàn thể, nghĩa là phải đọc Lời Chúa trong văn mạch và trong mối liên kết với toàn bộ Kinh Thánh, không nên giải thích Lời Chúa theo sở thích chủ quan hoặc quan điểm và lập trường riêng của mình.

5. Những hoa trái của chia sẻ Lời Chúa

Một tầm nhìn mới về cùng một sự kiện: Cũng vẫn là sự kiện “các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (24,20), thế nhưng sự kiện đó được nhìn bằng một cặp mắt mới, nhờ đó khám phá ý nghĩa mới: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (24,26). Chia sẻ Lời Chúa giúp các thành viên trong BEC/SCC nhìn vào cuộc sống và những biến cố bằng cặp mắt mới để khám phá ý nghĩa mới.

Một trái tim mới : “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi dọc đường Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” (24,32). Lòng bừng cháy vì trước đây tâm hồn bị nhận chìm trong nỗi thất vọng ê chề, thì nay hi vọng lại được thắp lên, sưởi ấm tâm hồn và ban tặng niềm vui.

Một lối sống mới : “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Hai…thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường” (24,33-34). Trạng từ “ngay lúc ấy” và tiếp theo là một loạt những động từ (đứng dậy, quay trở lại, gặp, thuật lại) mô tả hành động cụ thể phát sinh từ niềm xác tín vào Đức Kitô Phục sinh. Không còn là những bước chân rã rời vì thất vọng nhưng là những bước đi mạnh mẽ, mau mắn, để làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục sinh.

III. VÀI GỢI Ý MỤC VỤ

1. Cộng đoàn nhỏ, một đáp ứng mục vụ

Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản hoặc Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ có thể là một đáp ứng thích hợp cho mục vụ giáo xứ theo định hướng hiệp thông và tham gia.

Với những giáo xứ đông người trong các thành phố lớn, việc thành lập các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ có thể giúp các tín hữu biết nhau, gần gũi với nhau hơn, nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin và tham gia sứ mạng của giáo xứ cách tích cực hơn.

Trong các giáo xứ miền nông thôn, ví dụ tại giáo phận Mỹ Tho, số giáo dân không nhiều và lại sống rải rác trên địa bàn rộng lớn, do đó dễ cảm thấy lẻ loi, đơn độc và thiếu sự nâng đỡ trong đời sống đức tin. Việc thành lập các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ sẽ giúp họ cảm nhận rõ hơn mình thuộc về Giáo Hội, nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin cũng như tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo cho lương dân.

Di dân là vấn đề lớn trong xã hội Việt Nam ngày nay, trong đó có không ít anh chị em giáo dân Công giáo, nhất là người trẻ, phải rời bỏ giáo xứ miền quê để đến lập nghiệp trong những thành phố lớn. Cuộc sống của anh chị em di dân không những bấp bênh về kinh tế, xã hội mà cả về mặt đức tin tôn giáo. Họ cảm thấy lẻ loi và đơn độc trong môi trường mới, vì thế dễ buông lơi những thực hành đạo đức và xa cách Giáo Hội. Việc thành lập các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ sẽ giúp người di dân cảm thấy Giáo Hội gần gũi hơn và là sự trợ giúp tích cực trong đời sống đức tin.

2. Vai trò người giáo dân

Thông thường, người đứng đầu các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là giáo dân. Ngoài ra, trong một cộng đoàn nhỏ, anh chị em giáo dân có thể dễ dàng chia sẻ và bàn thảo với nhau về những điều họ cùng quan tâm trong đời sống gia đình và xã hội, cùng nhau tìm cách giải quyết bằng những hành động cụ thể. Vì thế, cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là phương thế phát huy vai trò và thúc đẩy sự tham gia của người giáo dân vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, vốn là điều Giáo Hội mong ước: “Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ hoặc Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản thường do người giáo dân hướng dẫn và linh hoạt, là nơi đặc biệt để tái khám phá căn tính Kitô hữu, ơn gọi đặc thù của giáo dân, và ý nghĩa sâu xa của Bí tích Thánh tẩy.”[11]

3. Đào tạo người lãnh đạo cộng đoàn

Khi đề cao vai trò giáo dân trong các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, không thể không quan tâm đến việc đào tạo. Trong Huấn thị về một vài khía cạnh của Thần học giải phóng, sau khi chỉ ra những lệch lạc trong một số hình thái của Thần học giải phóng, Bộ Giáo lý đức tin cũng lưu ý rằng những lệch lạc này đã được “các nhóm cơ bản” đón nhận vì họ “thiếu sự chuẩn bị cần thiết về giáo lý và thần học cũng như thiếu khả năng phân định.”[12] Ghi nhận này cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo những người đứng đầu các Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản và Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ. Họ cần có sự hiểu biết về định hướng xây dựng Giáo Hội hiệp thông và tham gia, mục đích của cộng đoàn cơ bản, có tinh thần hiệp thông khi hướng dẫn cộng đoàn, đồng thời có sự hiểu biết về Kinh Thánh để hướng dẫn việc chia sẻ Lời Chúa trong cộng đoàn.

Các giám mục Á châu đã nhấn mạnh những đòi hỏi này từ lâu. Các ngài nói đến việc đào tạo ở cả hai lĩnh vực căn bản và chuyên biệt. Đào tạo căn bản có mục đích phát huy những khả năng về lãnh đạo như truyền thông, thiết lập tương quan, làm việc nhóm; đồng thời phải có những hiểu biết căn bản về bối cảnh xã hội, văn hóa nơi mình sống cũng như hiểu biết căn bản về Kinh Thánh và truyền thống Công giáo. Đào tạo chuyên biệt nhằm nâng cao và phát triển những kỹ năng cần có trong lĩnh vực họ làm việc.[13]

Những đề nghị này được lặp lại trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Á và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích: “Cùng với các nghị phụ, tôi đề nghị thiết lập các trung tâm đào tạo giáo dân, ở cấp giáo phận hoặc quốc gia, để chuẩn bị cho giáo dân trong sứ mệnh làm chứng cho Đức Kitô tại châu Á ngày nay.”[14]

KẾT LUẬN

Để kết luận, xin trích dẫn huấn dụ của Thánh Gioan Phaolô II để thấy tầm quan trọng của các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ trong việc canh tân giáo xứ: “Một cách thế canh tân các giáo xứ, đặc biệt khẩn thiết đối với những giáo xứ trong các thành phố lớn, là nên nhìn giáo xứ như cộng đoàn của các cộng đoàn và phong trào. Do đó, thật thích hợp để hình thành những cộng đoàn hoặc các nhóm nhỏ, ở đó có thể có được những tương quan con người đúng nghĩa. Điều đó giúp cho việc sống tình hiệp thông, không chỉ là trong nhóm nhỏ mà còn với giáo xứ mà nhóm nhỏ thuộc về, cũng như với giáo phận và Giáo Hội phổ quát. Trong khung cảnh đó, sẽ dễ dàng hơn cho việc quy tụ để nghe Lời Chúa, suy nghĩ về các vấn đề nhân sinh trong ánh sáng của Lời, và từng bước đưa ra những quyết định được gợi lên bởi tình yêu rộng mở của Đức Kitô.”[15]

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 102 (Tháng 9 & 10 năm 2017)



[1] AsIPA, General Assembly VII, 10

[2] Avery Dulles, Models of the Church, Images Books, Doubleday, 1987.

[3] Ecclesia in Asia, số 24.

[4] Ibid., số 25

[5] Ibid., số 25

[6] Statement of the Third Plenary Assembly of FABC, For All the Peoples of Asia,

[7] Ecclesia in Asia, số 25.

[8] Asian Colloquium on Ministries in the Church, For All the Peoples of Asia, Vol. 1, 76.

[9] Evangelii Gaudium, số 102.

[10] Ecclesia in Asia, số 25.

[11] Hồng y Stamislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, Thư gửi General Assembly of AsIPA, 2015.

[12] X. Instruction on Certain Aspects of the Theology of Liberation, Origins, Vol. 14, no. 13, 204.

[13] Asian Colloquium on Ministries, For All the Peoples of Asia, Vol. 1, 83.

[14] Ecclesia in Asia, số 45.

[15] John Paul II, Apostolic Exhortation The Church in America, 1999.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chia-se-loi-chua-trong-cac-cong-doan-kito-huu-nho-41320

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét