Trang

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

Trong 10 năm, Đức Phanxicô tồn tại lâu hơn sự phản kháng của giới bảo thủ

 Trong 10 năm, Đức Phanxicô tồn tại lâu hơn sự phản kháng của giới bảo thủ

ncroline.org, Brian Fraga, 2023-03-01

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023



Các hồng y nhóm hoài nghi, dubia. Vụ ‘Pachamama’. Hồ sơ Viganò. Những chỉ trích thường xuyên của đài EWTN (Eternal Word Television Network). 10 năm trên ngai Thánh Phêrô của Đức Phanxicô phần lớn bị đánh dấu bởi những lời chỉ trích dai dẳng và sự phản kháng ngoan cường từ cánh bảo thủ của Giáo hội công giáo, đặc biệt là trong thế giới nói tiếng Anh, nơi những người bảo vệ giáo hoàng nhiệt thành trước đây, bây giờ đả kích chống lại ngài theo những cách bị cho là không thể tưởng tượng được.

Nhà báo Christopher Lamb, phóng viên tại Rôma của trang The Tablet, một tuần báo công giáo Anh cho biết: “Họ muốn Giáo hội đạo đức, nơi ẩn núp để tránh sự hiện đại, để Giáo hội trở thành pháo đài, nơi đưa ra những lời lên án, những chỉ thị và chống lại cái gọi là chương trình nghị sự tiến bộ”, tác giả nêu lên những phản đối của giới bảo thủ chống Đức Phanxicô trong qưyển Người ngoài cuộc: Giáo hoàng Phanxicô và cuộc chiến của ngài để cải tổ Giáo hội (The Outsider: Pope Francis and His Battle to Reform the Church xuất bản năm 2020), ông nói với trang NCR, ngay từ đầu, những người chỉ trích ngài đã cho thấy họ phản đối ngài về mặt thần học, họ thường nói phong cách mục vụ của Đức Phanxicô gieo rắc ‘nhầm lẫn’ vì không trình bày rõ ràng các học thuyết của Giáo hội về đồng tính, phá thai và tính bất khả phân ly của hôn nhân.

Nhưng theo nhà báo Lamb, tầm nhìn của ngài về Giáo hội công giáo toàn cầu như một ‘bệnh viện dã chiến’, nơi Bí tích Thánh Thể được hiểu là liều thuốc cho người bệnh thay vì là phần thưởng của một tầm nhìn chính trị bảo thủ hoàn hảo, đầy thách thức về Giáo hội như một chiến binh trong văn hóa chiến tranh bị Đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ lợi dụng và được các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc theo chủ nghĩa dân túy ở Châu Âu và Nam Mỹ ủng hộ.

Nhà báo Lamb nói: “Đã có những cuộc tấn công chính trị nhằm vào Đức Phanxicô vì ngài là nhà lãnh đạo trên trường thế giới, người đang tạo ra khác biệt và có tác động, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông.”

Căng thẳng ngay từ đầu

Các nhà quan sát khác – gồm các nhà báo, học giả, nhà thần học và các blogger công giáo đã nghiên cứu triều giáo hoàng 10 năm của Đức Phanxicô – mô tả những động lực tương tự đang diễn ra. Họ nói, những động lực này đã làm mồi cho phản ứng của giới bảo thủ chống giáo hoàng kể từ khi ngài xuất hiện lần đầu ở ban công Đền thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng 3 năm 2013, trong chiếc áo trắng nhưng không có dây thêu chỉ vàng như thường lệ.

Bà Nichole Flores, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Virginia cho biết: “Cảnh tượng ở ban công đêm đó, ngay lập tức cho những người có mắt thấy tai nghe biết rằng, đây sẽ là một triều giáo hoàng hoàn toàn khác.”

Bà nói với hãng tin NCR, khi cúi đầu trong im lặng và xin giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô đêm đó cầu nguyện cho mình, đã cho thấy ngài sẽ có những ưu tiên khác trong cương vị giáo hoàng so với các tiền nhiệm trực tiếp của ngài, Đức Bênêđictô XVI và Đức Gioan Phaolô II.

 

Bà Flores nói: “Có lẽ chúng ta nên thấy trước, sự kháng cự này đơn thuần vì ngài đến từ Châu Mỹ Latinh, sẽ có kháng cự về mặt văn hóa cho triều giáo hoàng của ngài, bất kể ngài nói gì về các vấn đề cụ thể.”


Ông Nate Tinner-Williams nói với hãng tin NCR, các giám mục Hoa Kỳ bảo thủ mà theo họ tầm nhìn của Giáo hội công giáo được khẳng định với Đức Bênêđictô XVI và Đức Gioan-Phaolô II, họ đã rất ngạc nhiên khi Đức Phanxicô được bầu và bắt đầu làm việc.”

Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ các giám mục Hoa Kỳ thấy mình ở một vị trí để thực thi quyền lực và tiếng nói của họ có ảnh hưởng, theo cách mà với tôi là không thực tế. Tôi không rõ Giáo hội Hoa Kỳ có phải là một cánh  đặc biệt mạnh mẽ hay quan trọng của Giáo hội hay không.”


Các chuyên gia như ông Massimo Faggioli, thần học gia và là giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Villanova, ông nói với hãng tin NCR, những người chỉ trích Đức Phanxicô vì ngài là hiện thân cho một tương lai Giáo hội có trọng tâm ở Nam bán cầu thay vì ở ngôi nhà lịch sử của Bắc bán cầu.

Ông nói: “Đức Phanxicô không phải là phần mở rộng của công giáo châu Âu, và tôi nghĩ điều này là gốc rễ của rất nhiều căng thẳng chống lại ngài”, ông cho biết ngay từ năm 2013, ông đã ngờ một giáo hoàng Dòng Tên đến từ Argentina sẽ làm mọi người cảm thấy khó chịu.

Giáo sư nói: “Tôi chờ một kiểu đối lập khác, sẽ không gây rối theo nghĩa làm tất cả và bất cứ điều gì để làm suy yếu ngài. Điều đáng ngạc nhiên là sự phản đối ngài đã đến quá sớm. Nó bắt đầu gần như ngay lập tức, vài tuần sau khi ngài được bầu chọn.”

Chỉ vài tháng sau khi được bầu chọn, ngài đã bị giới bảo thủ công giáo chỉ trích khi ngài rửa chân cho 12 thanh niên, trong đó có hai phụ nữ và hai người hồi giáo ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, và khi ngài ung dung trả lời phỏng vấn không kiểm duyệt trên trang America.

Tháng 9 năm 2013, một blogger trên trang National Catholic Register của đài EWTN tự cho mình là thành viên của “phe đối lập trung chính” đã chỉ trích nặng cách tiếp cận của Đức Phanxicô. Cùng năm đó, một nhà văn công giáo bảo thủ khác nói, Đức Phanxicô đã làm ông “khó chịu”, dù ông cũng cho rằng, cũng Chúa Giêsu, ngài đang thách thức ông và những người công giáo khác, họ không được tự mãn.

Sự thù nghịch bảo thủ bén rễ


Bà Cathleen Kaveny, giáo sư luật và thần học tại Đại học Boston nói với hãng tin NCR, Đức Phanxicô làm người công giáo bảo thủ bất an, những người đã thấy nơi Đức Bênêđictô XVI và Đức Gioan-Phaolô II một tầm nhìn thống nhất về chức vị giáo hoàng mà họ nghĩ gần như “sẽ tiếp tục theo lịch sử, xuyên suốt thời gian.”

Bà nói: “Họ đã thấy và vẫn thấy điều mà họ cho là thông điệp chính của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô là thông điệp mà chúng ta vẫn cần phải rao giảng bây giờ: hành động chống lại chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối. Đó là mối quan tâm chính của họ, giữ lập trường, bảo vệ các quy tắc và xem Giáo hội là một cộng đồng rõ ràng khác với văn hóa rộng lớn.”

Bà Kaveny nói: “Với họ, đó là động lực chính, nhưng đó không phải là động lực chính của Đức Phanxicô.”

Các chuyên gia cho biết, từ năm 2014 đến 2016, sự phản kháng của giới công giáo bảo thủ với Đức Phanxicô đã bắt đầu thành hình, đặc biệt năm 2015 khi ngài viết Thông điệp Laudato Si’Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta, thông điệp của ngài về các vấn đề môi trường xác nhận khí thải nhiên liệu hóa thạch chủ yếu chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu.

Ông Mike Lewis, cựu nhân viên truyền thông của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cho biết: “Laudato Si’ đã thúc đẩy sự phản đối vì những người chỉ trích cho rằng Đức Phanxicô tham gia vào chủ nghĩa toàn cầu và chương trình nghị sự kiểm soát dân số.” Tháng 2 năm 2018, ông lập blog Phêrô ở đâu (Where Peter Is) để bảo vệ Đức Phanxicô khỏi điều mà ông cho là ngày càng có nhiều cuộc tấn công bất công nhắm vào giáo hoàng và huấn dụ của ngài.

Ông nói với hãng tin NCR, người công giáo có đầu óc bảo thủ cũng không thích tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium năm 2013 của ngài, trong đó ngài đưa ra tầm nhìn về việc đồng hành mục vụ và nhấn mạnh đến các vấn đề công bằng xã hội, như bất bình đẳng kinh tế mà ngài cho đó là chủ nghĩa tư bản không kìm hãm.

Ông nói: “Nhà báo Rush Limbaugh tố cáo Đức Phanxicô theo chủ nghĩa mác-xít. Nhiều người công giáo hết lòng với chủ nghĩa tư bản bắt đầu nhìn Đức Phanxicô dưới cặp mắt tiêu cực.”

Năm 2014 và 2015, ông Lewis và các nhà quan sát khác cho biết, thái độ thù địch bảo thủ đối với Đức Phanxicô bắt nguồn từ khi ngài triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình. Thượng hội đồng có các cuộc thảo luận thẳng thắn về các vấn đề gai góc, như làm thế nào để chăm sóc các gia đình có trẻ em LGBTQ và những người công giáo đã ly dị và tái hôn mà không xin phép hủy hôn trước.

Nhà báo Lamb nhớ lại cuộc phỏng vấn với hồng y Hoa Kỳ Raymond Burke và cố hồng y người Úc George Pell tại thượng hội đồng lúc đó, cả hai không thoải mái với các cuộc thảo luận và tìm cách bảo vệ kỷ luật Giáo hội, không cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ.

Nhà báo Lamb giải thích: “Rõ ràng là cả hai đều chống lại toàn bộ tiến trình thượng hội đồng, và họ đã làm việc này khá công khai: “Đó là sự khác biệt so với các triều giáo hoàng khác, khi nếu người nào công khai phản đối điều gì đó mà giáo hoàng đang cố gắng thực hiện, họ sẽ bị sa thải.”

Các hồng y đứng đầu phe đối lập

Các nhà quan sát cho biết, năm 2016, khi Đức Phanxicô viết tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia, ngài mở nhẹ cánh cửa cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ trong một số trường hợp, một số lượng lớn người công giáo nói tiếng Anh bảo thủ dứt khoát tỏ thái độ cay chua với Đức Phanxicô.

Ngay sau khi công bố tông huấn này, bốn hồng y bảo thủ, trong đó có hồng y Burke đã công bố danh sách năm câu hỏi, cái gọi là hoài nghi dubia, yêu cầu Đức Phanxicô làm rõ những gì họ mô tả là mơ hồ trong tông huấn. Các trang web công giáo bảo thủ đăng dubia nhưng Đức Phanxicô không bao giờ phản hồi.

Nhà báo Lamb nói: “Dubia không phải là đối thoại. Các hồng y muốn câu trả lời có hoặc không. Đó là tấn công vào tiến trình thượng hội đồng và Đức Phanxicô.”

Ông Austen Ivereigh, nhà báo người Anh, người viết tiểu sử giáo hoàng, ông đã viết về sự phản kháng của phe bảo thủ đối với Đức Phanxicô trong quyển sách Người mục tử bị thương: Giáo hoàng Phanxicô và Cuộc đấu tranh của ngài để hoán cải Giáo hội công giáo (Wounded Shepherd: Pope Francis and His Struggle to Convert the Catholic Church, năm 2019).

Tác giả Ivereigh nói: “Tông huấn Amoris Laetitia cố gắng tìm cách đồng hành mục vụ với những người đã ly dị và tái hôn. Tông huấn này không làm suy yếu học thuyết về sự bất khả phân ly, nhưng cố gắng này đã dấy lên nỗi sợ của người bảo thủ, họ sợ phải đầu hàng với hiện đại. Đức Phanxicô đã thu hút sự tức giận của giới bảo thủ khi ngài vạch trần một hệ tư tưởng bảo thủ đội lốt công giáo nguyên thủy.”

“Và hệ tư tưởng đó đã phát triển và cứng rắn theo thời gian” – Austen Ivereigh

Trong những năm sau Tông huấn Amoris Laetitia, phe bảo thủ liên tục chống đối các sáng kiến của Đức Phanxicô, họ chỉ trích mọi thứ, từ chính sách ngoại giao của Vatican với Trung Quốc cho đến những đề nghị của giáo hoàng với thế giới hồi giáo.

Các hồng y chỉ trích Đức Phanxicô như hồng y Raymond Burke; George Pelle, Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng bộ Giáo lý Đức tin; và hồng y Robert Sarah, cựu bộ trưởng của bộ Phụng tự và Bí tích – đã trở thành một cái gì đó giống như các nhà lãnh đạo đối lập của người công giáo có cùng chí hướng.

Tác giả Ivereigh nói: “Họ có những người theo họ, những người này vô cùng lo lắng và các hồng y này tự cho mình là nhà lãnh đạo thay thế Đức Phanxicô.”

Các Thượng hội đồng giám mục Đức Phanxicô triệu tập ở Rôma cũng là chủ đề phẫn nộ của giới bảo thủ, kể cả Thượng hội đồng năm 2019 cho vùng chín quốc gia Amazon, nơi chủ đề của giới bảo thủ tập trung vào bức tượng gỗ người phụ nữ mang thai được người bản địa giới thiệu với Đức Phanxicô như biểu tượng của Đức Mẹ Amazon.

Các tiệm buôn tuyên bố sai sự thật, cho rằng các bức tượng này là ‘Pachamama’, một nữ thần Inca của dãy Andes.

Gần đây hơn, các phương tiện truyền thông công giáo bảo thủ, trong đó có đài EWTN, đã chỉ trích giáo hoàng, cho rằng Thượng Hội đồng giám mục năm 2021-23 về hiệp hành là “sự kiểm soát thù nghịch” với Giáo hội công giáo.

Bà nói: “Ngay từ đầu, tôi hơi choáng váng về mức độ phản đối, một phần vì tôi có cảm nghĩ, các anh chị em bảo thủ hơn của chúng tôi có một quan điểm cao hơn về thẩm quyền giáo hoàng so với những người công giáo khác. Với thời gian, tôi không còn thích sự giả tạo này nữa.”

Bà nói tiếp: “Lập luận cho rằng chúng ta phải tuân theo thẩm quyền của giáo hoàng trong mọi trường hợp, đó là những lập luận yếu ớt và và có lẽ đây thực sự không phải là mấu chốt của vấn đề trong các cuộc chiến văn hóa gây tranh cãi hơn trong Giáo hội.”

Mối quan hệ căng thẳng với các giám mục Hoa Kỳ

Trong 10 năm qua, quan hệ của Đức Phanxicô với các giám mục Hoa Kỳ cũng có lúc trở nên căng thẳng.

Giáo sư Faggioli nói: “Mối quan hệ của Đức Phanxicô với các giám mục Mỹ vẫn chưa phục hồi sau thời điểm gây sốc nhất, khi tháng 8 năm 2018, tổng giám mục Carlo Viganò, cựu sứ thần Mỹ đăng bức thư, phối hợp với hãng tin NCR thuộc sở hữu của đài EWTN và hãng tin cực hữu Lifesite News, cáo buộc Đức Phanxicô phớt lờ những hạn chế trước đó với cựu hồng y Theodore McCarrick, tổng giám mục đã nghỉ hưu của Washington, người hiện đã bị sa thải và bị buộc tội hình sự liên quan đến một số cáo buộc lạm dụng tình dục.

Cựu sứ thần Viganò kêu gọi giáo hoàng từ chức, và một số giám mục Hoa Kỳ có các lời tuyên bố chứng minh cho sự chính trực của cựu sứ thần. Không một giám mục nào trong số này – kể cả tổng giám mục giáo phận Oklahoma Paul Coakley, đương kim thư ký Hội đồng Giám mục Mỹ – công khai rút lại sự ủng hộ của họ, dù không có bằng chứng nào chứng minh cho lời tuyên bố của cựu sứ thần Viganò. Sau đó cựu sứ thần còn theo thuyết âm mưu, liên kết vắc xin COVID-19 với tham vọng của giới tinh hoa toàn cầu cho một guồng máy quản trị thế giới.

Trên chuyến bay từ Ai-len về Rôma tháng 8 năm 2018, các ký giả hỏi Đức Phanxicô về bức thư của cựu sứ thần Viganò, ngài trả lời, họ nên điều tra các cáo buộc này và đưa ra kết luận cho riêng họ. Các nhà quan sát cho biết, cách giải quyết khéo léo của ngài phù hợp với cách tiếp cận của ngài trước những chỉ trích của giới bảo thủ. Ông Lamb nói: “Tôi không nghĩ những lời chỉ trích cá nhân có tác động trên ngài nhiều. Tôi nghĩ ngài bực mình khi những chỉ trích này có hại cho Giáo hội.” Ông lưu ý các nhận xét của Đức Phanxicô năm 2021 khi ngài nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia, trong đó ngài ngụ ý ám chỉ đến đài EWTN, khi ngài nói ‘có một đài truyền hình công giáo lớn làm công việc của ma quỷ, làm tổn thương Giáo hội khi họ tấn công giáo hoàng.

Các nhà quan sát cũng cho thấy, Đức Phanxicô đã cương quyết hành động chống lại phe đối lập khi ngài nghĩ điều đó là cần thiết cho giáo hội. Tháng 7 năm 2021, ngài ban hành Tông thư Traditionis Custodes (Những người bảo vệ Truyền thống), hạn chế việc cử hành thánh lễ la-tinh trong bối cảnh làm ngài lo ngại, phụng vụ trước Công đồng Vatican II đang làm chia rẽ Giáo hội.

Bà Flores nói: “Tôi nghĩ ngài là mục tử, ngài kiên định và có trực giác tiên tri, và đây là diễn từ thích hợp cho Giáo hội chúng ta ở thời điểm này.”

Giới bảo thủ chống đối với dàn loa truyền thông được tài trợ mạnh của họ cũng đã làm cho Đức Phanxicô hành động cách thận trọng với một số cải cách của ngài cho đời sống và guồng máy quản trị Giáo hội.

Ông Lamb nói: “Về các vấn đề LGBTQ, về việc bổ nhiệm phụ nữ, ngài đi từng bước. Tôi nghĩ ngài thích cách tiếp cận này, ngài nghĩ nó tiến hành tốt. Ngài cũng biết ngài làm một cuộc cải cách lớn, ngài biết nó có thể bị sụp, vì vậy ngài phải thận trọng và cẩn thận.”

Vẫn còn phải xem liệu phe đối lập bảo thủ có tồn tại lâu hơn ngài năm nay đã 86 tuổi hay không. Một số nhà quan sát nghĩ rằng, các tiền lệ ngài đã thiết lập và lên cấu trúc có thể là những thách thức cho bất cứ ai sẽ mặc chiếc áo chùng trắng trong mật nghị tiếp theo.

Giáo sư Faggioli nói: “Đây có thể là khởi đầu của một bình thường mới vì tôi không thấy giáo hoàng tiếp theo nào có thể làm vừa lòng một số người công giáo Hoa Kỳ như cách họ đã được vừa lòng với các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI của những năm 1978 và 2013. Trong lịch sử, cửa sổ đó đã đóng lại.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2023/03/09/trong-10-nam-duc-phanxico-ton-tai-lau-hon-su-phan-khang-cua-gioi-bao-thu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét