GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 38: LỜI CẦU NGUYỆN CHÚC TỤNG
WHĐ (04.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 20.06.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 38: Lời cầu nguyện chúc tụng. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 20 tháng 06 năm 2012
Lời cầu nguyện của chúng ta thường là một lời xin ơn trợ giúp trong những lúc khẩn thiết. Và đó là điều bình thường đối với con người, bởi vì chúng ta cần được trợ giúp, cần đến những người khác, và cần đến Thiên Chúa. Vì vậy, việc chúng ta cầu xin Thiên Chúa một điều gì đó, hay tìm kiếm sự trợ giúp của Người thì cũng là điều bình thường thôi. Chúng ta cần phải khắc ghi lời cầu nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha, đó chính là một lời cầu nguyện. Và với lời kinh nguyện này, Chúa dạy chúng ta những ưu tiên trong việc cầu nguyện của mình. Người thanh tẩy và thanh lọc những ước muốn của chúng ta, và nhờ đó, cũng thay tẩy và thanh lọc tâm hồn chúng ta. Vì thế, mặc dù việc chúng ta khấn xin trong lời cầu nguyện là điều bình thường đi chăng nữa, song không phải hoàn toàn như thế.
Ngoài ra chúng ta còn có lý do để tạ ơn, và nếu để ý một chút thì chúng ta thấy rằng, mình nhận được từ Thiên Chúa rất nhiều ơn lành: Người quá tốt lành với chúng ta, và đáng cho chúng ta cảm tạ. Quả thật, chúng ta cần phải dâng lên Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ. Nhưng đó cũng phải là một lời cầu nguyện ngợi khen: nếu tâm hồn chúng ta mở ra, bất chấp mọi vấn đề, chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp của các thụ tạo của Chúa, sự tốt lành được tỏ lộ trong việc tạo dựng của Người. Vì thế, chúng ta không chỉ cầu xin, mà còn cảm tạ và ngợi khen Chúa: chỉ như thế, lời cầu nguyện của chúng ta mới đầy đủ mà thôi. Trong các Thư của mình, thánh Phaolô không chỉ nói về việc cầu xin; ngài chắc chắn nói đến cầu nguyện xin ơn, nhưng cũng nói đến cầu nguyện ngợi khen và chúc tụng vì tất cả những điều mà Thiên Chúa đã thực hiện và tiếp tục hoàn thành trong lịch sử nhân loại này.
Và giờ đây tôi muốn chú tâm vào Thư gửi tín hữu Êphêxô, chương 1, được mở đầu bằng một lời cầu nguyện, một thánh thi chúc tụng, để diễn tả lòng biết ơn và niềm vui. Thánh Phaolô chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, bởi vì “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu” (Ep 1,9). Quả thật, chúng ta có lý do để tạ ơn Thiên Chúa nếu chúng ta biết những gì còn đang bị che giấu: thánh ý của Chúa đối với chúng ta, dành cho chúng ta; đó là “thiên ý nhiệm mầu”. Chữ “Mầu Nhiệm” (Mysterion) là một thuật ngữ được lặp lại thường xuyên trong Sách Thánh và trong Phụng vụ.
Tôi không muốn bàn về triết lý, nhưng trong ngôn ngữ phổ thông, từ đó có nghĩa là điều không thể biết được, một thực tại chúng ta không thể hiểu nổi bằng trí khôn của mình. Mở đầu Thư gửi tín hữu Êphêxô, bài thánh thi này đã nắm tay và dẫn chúng ta đến một ý nghĩa sâu xa hơn của thuật ngữ này, và thực tại mà nó muốn nói đến. Đối với các tín hữu, “mầu nhiệm” không hẳn điều chưa biết; nhưng theo ý muốn nhân từ của Thiên Chúa, thì kế hoạch yêu thương của Người được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, và ban cho khả năng “để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,18-19). “Mầu nhiệm vượt quá sự hiểu biết” của Thiên Chúa đã được mặc khải, đó là Thiên Chúa yêu thương ta, và Người đã yêu thương ta ngay từ nguyên thủy, từ muôn đời.
Như vậy, chúng ta hãy dừng lại trong giây lát ở lời cầu nguyện long trọng và sâu sắc này. “Chúc tụng Thiên Chúa và là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Ep 1,3). Thánh Phaolô sử dụng động từ “euloghein”, thường được dùng để dịch từ “barak” của tiếng Hípri, có nghĩa là ngợi khen, tôn vinh, cảm tạ Chúa Cha, là nguồn gốc của mọi sự tốt lành và ơn cứu độ, là Đấng “đã chúc lành cho chúng ta bằng muôn vàn phúc lộc thiêng liêng trong Đức Kitô”.
Thánh Tông đồ cảm tạ và ngợi khen, nhưng ngài cũng suy niệm về những lý do đưa con người đến việc ngợi khen này, bằng cách trình bày những yếu tố căn bản trong kế hoạch của Thiên Chúa và các giai đoạn của nó. Trước hết chúng ta phải chúc tụng Chúa Cha, như thánh Phaolô đã viết: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Đức ái làm cho chúng ta nên thánh thiện và tinh tuyền. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta bước vào sự sống, vào sự thánh thiện. Và sự lựa chọn này xảy ra thậm chí trước khi tạo dựng thế gian. Chúng ta luôn luôn hiện hữu trong kế hoạch của Thiên Chúa, trong ý tưởng của Người. Với ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta cũng có thể xác quyết rằng, trước khi hình thành chúng ta trong dạ mẹ, Người đã biết chúng ta (x. Gr 1,5); và vì biết chúng ta, Người cũng yêu thương ta. Ơn gọi nên thánh là hiệp thông với Thiên Chúa, là thuộc về kế hoạch vĩnh cửu này của Thiên Chúa, một kế hoạch kéo dài trong lịch sử và bao gồm tất cả mọi người nam nữ trên thế gian, bởi vì đó là một ơn gọi phổ quát. Thiên Chúa không loại trừ ai; kế hoạch của Người là kế hoạch yêu thương. Thánh Gioan Kim Khẩu quả quyết: “Chính Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta là thánh, nhưng chúng ta được mời gọi để tiếp tục làm thánh. Thánh là người sống bằng đức tin” [Homilies on the Letter to the Ephesians, 1, 1, 4].
Thánh Phaolô nói tiếp: Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta, đã chọn chúng ta làm “nghĩa tử qua Đức Giêsu Kitô”, để được kết hợp với Con Một của Người. Thánh Tông đồ nhấn mạnh sự rộng lượng của kế hoạch tuyệt vời này của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa chọn chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành. Người thời xưa nói về sự tốt lành rằng: bonum est diffusivum sui - sự tốt lành thì tự nó lan tỏa (hữu xạ tự nhiên hương); bản chất của sự tốt lành thì tự nó thông truyền, tự nó tỏa lan. Vì Thiên Chúa thì tốt lành, và Người truyền thông sự tốt lành, Người tạo dựng bởi vì Người muốn truyền thông sự tốt lành của Người cho chúng ta và làm cho chúng ta trở nên tốt lành và thánh thiện.
Ở trọng tâm của lời cầu nguyện chúc tụng, thánh Tông đồ cho thấy phương cách mà kế hoạch cứu độ của Chúa Cha được thực hiện trong Đức Kitô, Con yêu dấu của Người. Thánh nhân viết: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,7). Hy tế Thập giá của Đức Kitô là một biến cố độc đáo và không thể lặp lại được, qua đó, Chúa Cha đã mặc khải một cách huy hoàng tình yêu mà Người dành cho chúng ta, không những chỉ bằng lời nói, mà bằng thực hành cụ thể. Thiên Chúa rất cụ thể và tình yêu của Người cụ thể đến nỗi đã đi vào lịch sử, trở thành con người để cảm nhận thân phận con người là gì, cùng sống trong thế giới được tạo dựng như thế nào, và Người chấp nhận con đường đau khổ, kể cả cái chết. Tình yêu của Thiên Chúa cụ thể đến nỗi Người không những chỉ tham gia vào sự sống của chúng ta, mà còn chấp nhận cả đau khổ và cái chết của chúng ta nữa. Nhờ hy tế Thập giá, chúng ta trở thành “gia sản của Thiên Chúa”, vì máu Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, thanh tẩy chúng ta khỏi sự dữ, và kéo chúng ta ra khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự chết.
Thánh Phaolô mời gọi chúng ta xét đến chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, điều làm biến đổi lịch sử, đã biến đổi cuộc đời của chính Phaolô, từ một kẻ bách hại các Kitô hữu thành một Tông đồ không biết mệt mỏi của Tin Mừng. Vang vọng một lần nữa những lời đảm bảo của Thư gửi tín hữu Rôma: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?… Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,31-32.38-39). Sự đảm bảo này là Thiên Chúa về phía chúng ta và không thụ tạo nào có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa, vì tình yêu của Chúa mạnh mẽ hơn. Chúng ta phải ghi nhớ điều này trong tâm khảm với ý thức Kitô hữu của mình.
Cuối cùng, phúc lành của Thiên Chúa được kết thúc bằng một lời ám chỉ về Chúa Thánh Thần là Đấng đã được đổ vào lòng chúng ta, Đấng Bảo Trợ mà chúng ta nhận được như bảo chứng của lời hứa, như thánh Phaolô nói: “Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1,14). Chúng ta nghe biết rằng ơn cứu độ chưa hoàn tất, nhưng sẽ hoàn tất cách trọn vẹn khi tất cả những người mà Thiên Chúa chiếm hữu được cứu rỗi. Chúng ta vẫn đang đi trên cuộc hành trình cứu độ, mà thực tại thiết yếu của nó được ban cho chúng ta qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Chúng ta đang trên đường hướng về ơn cứu độ chung cuộc, hướng về cuộc giải thoát hoàn toàn của con cái Thiên Chúa. Và Chúa Thánh Thần là đảm bảo chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ đem kế hoạch cứu độ của Ngài đến hoàn thành, khi Người phục hồi cho Đức Kitô, là thủ lãnh duy nhất, “quy tụ muôn loài trong trời đất” (Ep 1,10). Thánh Gioan Kim Khẩu chú giải về điểm này: “Thiên Chúa đã chọn chúng ta cho đức tin và đã đóng trên chúng ta ấn tín thừa kế của vinh quang tương lai” [Homilies on the Letter to the Ephesians, 2, 11-14]. Chúng ta phải chấp nhận rằng cuộc hành trình cứu độ cũng là cuộc hành trình của chúng ta, bởi vì Thiên Chúa muốn các thụ tạo tự do tình nguyện thưa “xin vâng”, nhưng trước hết và trên hết, nó là cuộc hành trình của Thiên Chúa. Chúng ta ở trong tay Người và sự tự do của chúng ta là đi trên con đường mà Người đã rộng mở. Bằng cách cùng đi trên hành trình cứu độ với Đức Kitô, chúng ta cảm thấy ơn cứu độ đang được thể hiện cách trọn vẹn.
Viễn tượng mà Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta trong lời cầu nguyện chúc tụng tuyệt vời này dẫn chúng ta đến chiêm ngắm hành động của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Đấng đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ; Người đã nghĩ đến chúng ta và tạo thành chúng ta; Chúa Con cứu độ chúng ta bằng máu Người; và Chúa Thánh Thần là Đấng đảm bảo ơn cứu độ và vinh quang của chúng ta trong tương lai. Trong việc cầu nguyện liên lỉ, và qua mối liên hệ hằng ngày với Thiên Chúa, cũng như thánh Phaolô, chúng ta học phân biệt cách rõ ràng hơn dấu chỉ của kế hoạch và hành động này: trong vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa được tỏ bày qua các thụ tạo của Người (x. Ep 3,9 ), như bài hát của thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, qua tất cả các thụ tạo của Ngài – Laudato sie mi’ Signore, cum tutte le Tue creature” [St Francis of Assisi, Laudato sie mi’ Signore, cum tutte le Tue creature, ff 263].
Điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến vẻ đẹp của các thụ tạo, đặc biệt là lúc này trong những ngày nghỉ hè, và thấy dung mạo Thiên Chúa chiếu rọi qua vẻ đẹp này. Trong cuộc đời của mình, các thánh đã làm sáng tỏ những gì mà quyền năng Thiên Chúa có thể thực hiện trong sự yếu đuối của con người. Và Người cũng có thể thực hiện được nơi chúng ta nữa. Trong toàn thể lịch sử cứu độ, trong đó Thiên Chúa đã tự đến gần chúng ta và kiên nhẫn chờ đợi giờ của chúng ta, Người hiểu sự bất trung của chúng ta, khuyến khích những cố gắng của chúng ta và hướng dẫn chúng ta.
Trong cầu nguyện, chúng ta học cách nhìn thấy những dấu chỉ của kế hoạch nhân từ này trong cuộc hành trình của Giáo hội. Vì thế, chúng ta lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa, mở cửa tâm hồn để Thiên Chúa Ba Ngôi có thể đến ngự trong chúng ta, soi sáng, sưởi ấm và hướng dẫn cuộc đời ta. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23), đó là điều mà Đức Giêsu nói với các môn đệ khi Người hứa ban ân huệ Thánh Thần, Đấng sẽ dạy các môn đệ tất cả mọi sự. Thánh Irênê đã từng nói rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Thánh Thần có thói quen ngự trong con người. Trong cầu nguyện chúng ta cũng phải có thói quen ở cùng Thiên Chúa. Điều rất quan trọng là chúng ta học ở cùng Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta thấy rằng được ở với Người thật tốt đẹp biết bao, đó là ơn cứu độ.
Các bạn thân mến, trong khi cầu nguyện nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình, chúng ta trở nên có thể hiểu điều mà thánh Phaolô gọi là “mầu nhiệm đức tin” với một lương tâm trong sáng (x. 1Tm 3,9). Cầu nguyện là một cách để “có thói quen” ở cùng Thiên Chúa, tạo ra những người nam nữ được linh hoạt không phải bởi tính ích kỷ, ham muốn chiếm hữu, khao khát quyền lực, nhưng từ lòng quảng đại, ước muốn yêu thương, khát khao phục vụ, tức là được linh hoạt bởi Thiên Chúa; và chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể mang lại ánh sáng vào bóng tối của trần gian.
Tôi muốn kết thúc chương này bằng lời kết trong Thư gửi tín hữu Rôma. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng làm vinh danh Thiên Chúa, bởi vì Người đã cho chúng ta biết tất cả về chính Người, trong Đức Giêsu Kitô, và đã ban cho chúng ta Đấng An Ủi, đó là Thần Chân Lý. Thánh Phaolô viết cuối Thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen” (Rm 16,25-27).
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét