Kinh Thánh rất hay sử dụng hình ảnh người mục tử để nói về những người như vua, các ngôn sứ và tư tế, những người có trách nhiệm hướng dẫn và chăm sóc dân Chúa. Chúa tỏ mình ra là mục tử của dân Người và Đức Kitô cũng thể hiện mình là Mục Tử nhân lành. Để hiểu đầy đủ những lời mang tính biểu tượng này, điều quan trọng trước tiên là phải biết nghề nghiệp rất cụ thể của người mục tử, vai trò và những yêu cầu. Đây hoàn toàn là một hình ảnh có tính ẩn dụ cao và bắt nguồn từ trong Kinh Thánh, cần phải được hiểu theo các bản văn Kinh Thánh và cách dùng của Giáo Hội.

Trước tiên, chúng ta có thể nói ngay rằng: Đức Giêsu – là Mục Tử Nhân Lành – nhưng Ngài không phải là người chăn chiên! Dù các văn bản Kinh thánh không đề cập đến nghề nghiệp của Ngài nhưng chắc chắn rằng Ngài đã làm những việc có liên quan đến gỗ, giống như Thánh Giuse, một người thợ mộc. Khi Đức Giêsu còn trẻ, hẳn thánh Giuse đã dạy cho Ngài cái nghề rất được tôn trọng này trong xã hội thời đó. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu nói về chính mình hoặc về các môn đệ của mình, Ngài thường xuyên sử dụng hình ảnh người mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên của mình, gọi tên chúng, biết chúng và không ngần ngại bỏ cả đàn chiên lại để đi tìm con chiên lạc mất (Lc 15, 4-7).

Những trang Kinh Thánh đầy rẫy hình ảnh người mục tử và những tấm gương mục tử tốt hay xấu, và dân Israel được so sánh với đàn chiên mà Chúa muốn quy tụ, bảo vệ, đem về cho Người. Đối với các Kitô hữu, hình ảnh người mục tử cũng gợi lên sự hiện diện của các mục đồng tại hang Bêlem. Bài viết này không có ý liệt kê tất cả các đề cập - khoảng 150 lần - trong đó các mục tử, đàn chiên hoặc cừu được đề cập trong Kinh Thánh nhưng đúng hơn là trình bày nghề này bao gồm những gì, sống trong điều kiện khí hậu và xã hội đôi khi khó khăn, cần kiên nhẫn, cảnh giác, nhanh nhẹn và… biết đếm!

Royî (người chăn chiên cừu)

Ta bắt đầu với một chút ngữ nghĩa. Từ "người chăn chiên", trong tiếng Híprri là royî, từ gốc là raah, có những ý nghĩa tùy theo ngữ cảnh là: chăn dẫn, chăm sóc, cho ăn, lãnh đạo, điều khiển, cai trị, dạy dỗ, liên kết, đồng hành, gắn bó¸ làm bạn … Có nhiều cách dịch từ royî này nhưng cách dịch phổ biến nhất vẫn là “người chăn chiên, cừu” hoặc “mục tử”.

Nghề chăn chiên trong thời Kinh Thánh

Vậy nghề này như thế nào vào thời Kinh thánh? Rất lâu trước khi có những người làm trang trại định cư, những người du mục phụ thuộc vào đàn chiên hay dê của mình để được cung cấp sữa, pho mát, thịt và quần áo. Có vẻ như cừu hiếm khi được nuôi để lấy thịt, mặc dù những chiếc đuôi béo ngậy của chúng được coi là một món ngon! Sữa cừu đông là một trong những thực phẩm của người nghèo. Bình đựng rượu được làm từ da dê, lông đen hoặc nâu của chúng được dùng để dệt vải lều và áo choàng cho những người khấm khá. Với len cừu, người ta dệt áo choàng dài và áo khoác để giữ ấm cho mùa đông. Chiên và dê được dâng làm hy lễ cho Thiên Chúa. Loại vật nuôi này thích nghi tốt với đồng cỏ cằn cỗi nơi miền núi. Chiên và dê được chăn thả chung với nhau. Người chăn chiên bảo vệ đàn chiên của mình khỏi thú dữ, chăn dắt và dẫn chúng đến các nguồn nước (Stk 27, 9; Xh 26, 7; Lv 1, 10; Mt 25, 32; Ga 10, 1-12).

Cuộc sống của người mục tử ít có thay đổi giữa thời ông Abraham và thời của Đức Giêsu. Người chăn chiên dẫn dắt đàn chiên mình, biết rõ từng con chiên và trông chừng chúng cả ngày lẫn đêm (Ga 10, 1-6). Những hàng rào bằng đá dùng làm chuồng chiên không ngăn được kẻ trộm hoặc thú dữ (sư tử, báo, chó sói, linh cẩu, chó rừng, rắn và bọ cạp). Người bảo vệ đàn chiên mang theo một cây gậy đầu cong để bắt lại những con cừu chạy trốn và một cây gậy nữa để làm vũ khí. Nếu một con chiên bị đánh cắp, người chăn chiên phải đền cho ông chủ. Nếu nó bị dã thú xé nát thì phải đưa ra bằng chứng! (Xh 22, 12-13) Cừu và dê, giống như bò ở những nơi khác, là những yếu tố thiết yếu trong hoạt động kinh tế nông nghiệp. Nhưng nghề chăn chiên, giống như nông nghiệp, cũng có những thách thức và khó khăn ở một đất nước mà hầu hết thời gian trong năm bị hạn hán và bạn phải đối mặt với những cơn gió đông mạnh (gọi là sirocco) hoặc gió nam (được gọi là hamsin) có thể gây ra bão cát, hành sốt và làm nhức đầu... trong mọi nghĩa của từ này. Công việc chăn chiên đòi hỏi sự giám sát và cảnh giác cao độ để bảo vệ đàn chiên khỏi sự xâm lăng của châu chấu, kẻ trộm hoặc quân địch.

Trong Thánh Kinh, Thánh Vịnh 23, thường được sử dụng trong các lễ an táng, trình bày Chúa là mục tử của dân Israel khiến họ không sợ nguy cơ nào: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trên đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ …” (Tv 23, 1-2)

Các trình thuật trong Tân Ước cũng coi Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Con chiên đáp lại một cách tin tưởng khi được gọi tên và từ chối đi theo bất kỳ ai khác (Ga 10, 1-18). Các ngôn sứ, tư tế và vua chúa bị dân chúng coi là những kẻ chăn chiên thuộc cấp, thường bất trung (Is 56, 11). Trong các văn bản Tân Ước, các trưởng lão và giám mục, giống như Đức Giêsu Mục tử, được khuyến khích chăm sóc đàn chiên. Chẳng phải Đức Kitô đã nói với Phêrô rằng: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” đó sao (Ga 21, 16)?

Vào thời Đức Giêsu

Vào thời Đức Giêsu, hoạt động chăn chiên vẫn chiếm một vị trí thiết yếu trong xã hội. Rất có thể, những người chăn cừu đã bắt đầu nuôi những con cừu có đuôi to, mập và bộ lông dày và chỉ có con đực mới có sừng. Những con vật ngoan ngoãn này hoàn toàn không có khả năng tự vệ và chống lại những kẻ săn mồi trong môi trường sống của mình. Khi đàn dê leo lên sườn núi đá lởm chởm, đôi tai dài và thòng xuống của chúng dễ dàng bị mắc, vướng vào những bụi gai! Một trong những khó khăn thường xuyên của công việc là dạy chiên và dê vâng lời... Tối đến, người chăn chiên đếm đàn gia súc của mình và kiểm tra xem chúng có mạnh khỏe không. Vào buổi sáng, anh gọi chúng và chúng theo anh ra đồng cỏ. Đến giữa trưa, anh đưa chúng đến nguồn nước để giải khát.

Mỗi gia đình Israel đều có mảnh đất riêng, các con trai cũng như gái, có phận sự chăn dẫn đàn gia súc của gia đình - thường là cừu và dê. Mỗi hộ gia đình, dù đạm bạc, đều có đủ tiền để mua hai con chiên con cho Lễ Vượt Qua. Một con bị giết để ăn thịt, con còn lại trở thành thú cưng của bọn trẻ và cung cấp len làm quần áo cho chúng. Trong số những người nghèo, không có chuồng gia súc, và chiên con thường ngủ với bọn trẻ và thậm chí có thể ăn từ chén bát của chúng (2 Sm 12, 3). Vào cuối mùa hè, nó bị giết và thịt được bảo quản với mỡ lấy ở cái đuôi. Hầu hết các gia đình đều có ít nhất một con dê để cung cấp sữa, một phần được dùng làm pho mát. Nguyên tắc làm phô mát dê khá đơn giản: sau khi lấy sữa, nó được đun nóng một chút và thêm vài giọt nước ép trái vả để kích hoạt quá trình đông tụ. Sau đó, đổ sữa ấy vào một loại vải thưa để tách kem ra khỏi váng sữa, một quả bóng phô mát nóng đã được hình thành (hơi giống một viên phô mát mozzarella), sẵn sàng để thưởng thức! Thật tuyệt, món phô mát dê này ăn kèm với bánh mì pita nóng rắc zaatar (gia vị làm bằng húng tây và hạt vừng), thêm một ít dầu ô liu…

Vai trò người chăn chiên

Trong các trình thuật Kinh thánh, người chăn cừu cơ bản là người chăm sóc các loài động vật. Abel sở hữu một đàn gia súc (Stk 4, 2) và các tổ phụ (Abraham, Isaac, Giacóp) là những người chăn chiên. Họ là những người du mục hoặc bán du mục, sống trong lều, chăn thả những đàn gia súc lớn nhỏ từ nơi này sang nơi khác. Những chủ nhân gia súc giàu có khác sống trong các thị trấn, trong khi những tôi tớ của họ chuyển từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác cùng với đàn gia súc. Ngoài ra còn có người chăn chiên định cư, đi ra ngoài vào buổi sáng cùng đàn chiên của mình và đưa chúng về chuồng vào buổi tối. Người ta thường giao gia súc cho con trai, con gái hoặc người làm thuê. Chủ nhân yêu cầu người chăn chiên phải đến bất kỳ con vật nào bị mất (Stk 31, 39), nhưng luật Môise miễn cho người làm thuê khỏi nghĩa vụ này, nếu anh ta chứng minh được rằng việc mất mát không phải là hậu quả của sự chểnh mảng (Xh 22, 9- 12).

Sáng sớm, người chăn chiên đến chuồng gia súc gồm có nhiều đàn và gọi đàn của mình ra. Con chiên nhận ra tiếng anh và đi theo anh. Chiên của người chăn chiên khác không chú ý đến anh ta. Người chăn chiên dẫn đàn của mình ra đồng cỏ, ở đó cả ngày, đôi khi cả đêm (Lc 2, 8), bảo vệ chúng khỏi thú rừng hoặc kẻ cướp, ngăn chặn đàn cừu lơ đểnh ăn sang đất canh tác, tìm kiếm những con đi lạc và đưa nó về (Êd 34, 12). Anh chăm sóc những con yếu sức (Dcr 11, 9). Mỗi con đều có một cái tên và đáp lại tình cảm của người chăn chiên. Ngày nay điều này vẫn còn xảy ra ở phương Đông.

Dụng cụ của người chăn chiên

Người chăn chiên mang theo một chiếc túi đựng lương thực dự trữ như bánh mì, dầu ô liu, trái cây khô và pho mát. Anh cũng mang theo một chiếc gậy ngắn, một loại vũ khí phòng thủ, đầu gậy phình lên có gắn một mảnh đá sắc nhọn. Anh còn có một con dao, một cây gậy chống để đi hoặc leo trèo, một bầu khô đựng nước, một chiếc gàu bằng da có thể gấp được để múc nước từ giếng sâu, một chiếc ná bắn đá nhằm tránh đàn chiên xa đàn hoặc để xua đuổi thú hoang và cuối cùng là một cây sáo để giải trí hoặc trấn an gia súc. Trong trường hợp thời tiết xấu, người chăn cừu quấn mình trong chiếc áo khoác. Cây trượng cho phép anh dẫn dắt đàn, tập hợp và bảo vệ đàn. Đôi khi anh được sự hỗ trợ của những chú chó, đi lảng vảng phía sau đàn trong khi người chăn chiên ở phía trước, chúng sủa để báo hiệu mối nguy hiểm (G 30, 1). Nghề chăn chiên cừu tuy không có tiếng vang gì nhưng vẫn được tôn trọng; những mục tử tốt là những người chăm chỉ, đáng tin cậy và can đảm, thậm chí liều mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên.

Hỡi cô chăn chiên, cô từ đâu đến?

Một câu hỏi làm tôi băn khoăn: Còn các cô gái chăn chiên thì sao? Liệu trong một xã hội gia trưởng, các cô có thể làm người chăn chiên không? Có vẻ như ngay từ khi còn rất nhỏ, các cô gái nông thôn, thường là dân du mục, đã chăm sóc đàn gia súc như trong các xã hội truyền thống ngày nay, đặc biệt là ở người Bedouin. Rachel (Stk 29, 9), người sau này là vợ yêu quý của Giacóp, chắc chắn là người chăn cừu nổi tiếng nhất trong Kinh thánh. Rachel (tiếng Hípri là רָחֵל - raḥel) cũng có nghĩa là “chiên con” hoặc “cừu con”. Hiện đại hơn, chẳng phải có các “nữ mục sư” (pasteures) trong một số Giáo hội Tin Lành sao?

Vào thời Kinh thánh, nhu cầu bảo vệ các cô chăn chiên có lẽ bắt nguồn từ luật miễn trừ mọi trách nhiệm cho người phụ nữ nếu cô ấy bị một người đàn ông tấn công ở quá xa làng vì tiếng kêu cứu của cô ấy không thể được nghe thấy (Đnl 22, 25-26). Ngược lại, tôi vẫn còn một số nghi ngờ về người nữ chăn chiên trong sách Diễm ca (1, 8), dường như cô đang có mối tình đẹp nào đó trong đầu khi người ta nói với cô rằng: “Này hỡi trang tuyệt thế giai nhân, nếu quả nàng không biết, thì hãy ra đi theo vết chân đàn cừu, mà dẫn dê con của nàng đi ăn quanh các lều của các anh chàng chăn chiên”.

Ngày nay...

Ngay cả ngày nay, trong Giáo hội Công giáo, các linh mục vẫn được các tín hữu coi là “mục tử”. Cũng cần nói rằng các giám mục - bao gồm cả giáo hoàng, giám mục Rôma - luôn đi trong các cuộc rước phụng vụ, cầm trên tay cây gậy mục tử (crosse), là biểu tượng tuyệt vời của sứ mạng mục tử mà các ngài thi hành giữa các tín hữu của mình. Chẳng phải chúng ta cũng gọi lãnh đạo các Giáo hội Tin Lành là… những mục sư, nữ mục sư sao? Hơn nữa, cách đây không lâu, các linh hoạt viên về đời sống thiêng liêng trong các trường học và giáo xứ đã tự giới thiệu mình là những tác viên mục vụ (agents de pastorale) sao. Đây cũng là những thực tế đưa chúng ta trở lại hình ảnh người mục tử, người mục tử có nhiệm vụ “chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ” (1 Pr 5,2).

Ngay cả khi đối với chúng ta ngày nay, hình ảnh người chăn chiên có vẻ quê mùa, hoa đồng cỏ nội và đúng hơn chỉ liên quan đến nông thôn trong quá khứ, nhưng nó vẫn mang tính thời đại và hoàn toàn phù hợp trong chừng mực nó mời gọi sự hiệp nhất chứ không phải phân tán hay chia rẽ trong các Giáo hội Kitô giáo. Một lời mời gọi các vị mục tử hãy… hiến mạng sống mình cho đoàn chiên được giao phó cho mình.

Tác giả: Lina Dubois

Phụ tá Giám đốc, Trung tâm Kinh Thánh Har’el

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Từ: Parabole, Juin 2024, Vol. XL, no 2, tr. 4-6

Nguồn: gpquinhon.org