Suy niệm chú giải Lời Chúa – CN XVI TN B – Lm. Inhaxio Hồ Thông
Chủ đề
của Chúa Nhật XVI Thường Niên năm B này có thể được gọi là “Tấm Lòng của Vị Mục
Tử đích thật”.
Gr
23: 1-6
Lên
án các vị mục tử vô trách nhiệm khiến dân Ít-ra-en phải lâm vào cảnh nước mất
nhà tan, ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đích thân nắm giữ vận
mệnh dân Ngài và sẽ ban cho họ một vị mục tử đích thật, thuộc dòng dõi Đa-vít,
Đấng ấy sẽ chăn dắt dân trong công minh chính trực.
Ep 2:
13-18
Trong
thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô cho thấy Đức Ki-tô chính là Đấng quy tụ
dân Do thái và lương dân trong bình an và hòa giải để chỉ có một dân duy nhất
và một thân thể duy nhất.
Mc 6:
30-34
Trong
bài trình thuật của thánh Mác-cô, Đức Giê-su hành xử như một vị mục tử đích thật,
vị mục tử Mê-si-a được loan báo trong Bài Đọc I. Thương đám đông dân chúng “bơ
vơ như đàn chiên không có người chăn dắt”, Đức Giê-su quy tụ họ, trước tiên
nuôi dưỡng họ bằng lời hằng sống của Ngài, và sau đó cho họ được no thỏa bằng
hóa bánh ra nhiều, tượng trưng bàn tiệc Thánh Thể.
BÀI ĐỌC
I (Gr 23: 1-6)
Như
ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a sống vào giai đoạn bi thảm nhất của
vương quốc Giu-đa, dưới những cuộc tấn công của đạo quân Ba-by-lon, vào đầu thế
kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.
Sấm
ngôn của chương 23 này được định vị giữa hai cuộc tấn công của quân Ba-by-lon
vào Giê-ru-sa-lem. Cuộc tấn công thứ nhất vào năm 597, thành đô Giê-ru-sa-lem bị
chiếm lần thứ nhất và cuộc lưu đày lần thứ nhất; cuộc tấn công thứ hai vào năm
587, thành đô Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, Đền Thờ bị phá hủy và những cuộc lưu
đày mới.
Trái
với ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không bị lưu đày; ông vẫn ở
Giê-ru-sa-lem và cực lực tố cáo các vị lãnh đạo, đời cũng như đạo, phải chịu
trách nhiệm về tai họa bi thảm này. Tuy nhiên, ngay ở giữa lòng thành đô tang
thương này, vị ngôn sứ thắp lên ngọn lửa hy vọng: Thiên Chúa vẫn trung tín, Người
không bỏ rơi dân Người; đến thời đến buổi, Người sẽ sai phái một vị Mục Tử đích
thật đến chăn dắt họ.
1. Những
mục tử vô trách nhiệm
Đó là
các vua vương quốc Giu-đa mà vị ngôn sứ nhắm đến trước tiên (tước hiệu mục tử
được ban cho các vị vua ở Đông Phương xưa). Ông trách cứ họ là đã không trung
thành với sứ mạng của mình, đã “hành xử như những nhà chính trị chứ không như
những con người của Thiên Chúa”. Đoạn văn mà chúng ta đọc hôm nay là phần đầu của
chương 23, chương kết thúc “sách chống lại các vua”.
Nhưng
bên kia các vua, Giê-rê-mi-a ngỏ lời với toàn thể tầng lớp lãnh đạo, đời cũng
như đạo, những người mà nhiều lần vị ngôn sứ gọi họ tước hiệu mục tử này (2: 8;
10: 21; 25: 34). Như ngôn sứ đã nói trước đó, những vị lãnh đạo dân đã coi thường
quyền lợi và công bình; họ đã sống một cuộc sống hưởng thụ phù phiếm; họ đã xây
cho mình những dinh thự đền đài tráng lệ mà không ngó ngàng gì đến cuộc sống của
dân chúng (22: 3, 13; vân vân). Cuối cùng, họ đã đưa dân chúng lâm vào cảnh lầm
than nước mất nhà tan và phải tản mác khắp nơi: “Khốn thay những mục tử đã làm
cho đàn chiên trong đồng cỏ của Ta phải tản lạc chết chóc”. Không chỉ những người
phải bị lưu đày ở đất khách quê người, nhưng cũng biết bao người đã phải rời
Giê-ru-sa-lem tỵ nạn ở miền quê hẻo lánh, vài người trốn chạy sang tận bên Ai-cập.
“Ta sẽ
hỏi thăm các ngươi về những hành vi ngang trái của các ngươi”. Quả thật án phạt
đã không chậm trễ. Vua Giơ-hô-gia-khin bị dẫn đi giam cầm ở Ba-by-lon. Thành phần
ưu tú bị lưu đày lần thứ nhất vào năm 597 trước Công Nguyên (2V 24: 10-16).
2. Sứ
điệp tràn đầy hy vọng: vị Mục Tử Mê-si-a
Sau bản
cáo trạng nghiêm khắc này, vị ngôn sứ công bố một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Bởi
vì các vị mục tử đã không chu toàn sứ mạng của mình, Thiên Chúa sẽ can thiệp:
Người sẽ đích thân đảm nhận việc chăn dắt dân Người; Người sẽ tập hợp đàn chiên
của Người bị phân tán khắp nơi và đưa chúng về đồng cỏ của chúng.
Đây
là một trong những giấc mơ lớn lao đã làm nức lòng dân chúng; họ mong chờ thời
Mê-si-a đến để thống nhất quốc gia Ít-ra-en. Việc phân tranh giữa các chi tộc
miền Bắc và các chi tộc miền Nam, mặc dầu đã xa xưa, nhưng vẫn còn để lại nỗi
đau trong lòng mọi người. Cuộc sụp đổ của vương quốc miền Bắc đã kéo theo một
cuộc tản mác đầu tiên, hoặc do phải trốn chạy hoặc do bị lưu đày ở Át-sua. Cuộc
sụp đổ vương quốc miền Nam gây nên những hậu quả còn thậm tệ hơn.
Trong
lời sấm của vị ngôn sứ, chính Đức Chúa sẽ đảm nhận vai trò của vị mục tử nhân
lành, Người sẽ tập hợp đàn chiên của Người vào trong đồng cỏ của chúng. Sấm
ngôn loan báo viễn cảnh của cuộc hồi hương trở về từ chốn lưu đày và từ những
nơi dân phải lưu lạc tha hương. Đức Chúa sẽ đem lại cho dân Người niềm vui hưởng
cảnh thái bình thịnh trị.
3.
Chân dung của vị mục tử lý tưởng
Sau
cùng, sấm ngôn loan báo vị mục tử lý tưởng: “Này đây sẽ đến thời kỳ Ta khiến mọc
lên cho nhà Đa-vít một Mầm Non công chính”. Biểu thức: “Này đây sẽ đến những thời
kỳ” mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a rất tâm đắc được dùng để giới thiệu một thị kiến
tương lai. Có thể ông mượn biểu thức này từ ngôn sứ A-mốt (Am 4: 2; 8: 11; 9:
13). Tước hiệu “Mầm Non” đã trở thành tước hiệu Mê-si-a. Tước hiệu này đã xuất
hiện trước tiên tại I-sai-a (4: 2); Giê-rê-mi-a đã trích dẫn tước hiệu này hai
lần (một ở đây và một nơi khác: 33: 15); chúng ta sẽ gặp lại tước hiệu này ở
ngôn sứ Da-ca-ri-a (3: 8; 6: 12).
Dưới
triều đại vua Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít này, “miền Giu-đa sẽ được cứu
thoát, miền Ít-ra-en sẽ an cư lạc nghiệp”. Giu-đa và Ít-ra-en được nêu lên như
hai miền của chỉ một vương quốc, như vào thời vua Đa-vít, dân Thiên Chúa chỉ là
một dân tộc duy nhất. Người ta sẽ gọi vị mục tử Mê-si-a này là: “Đức Chúa, sự
công chính của chúng ta”. Ngài sẽ phân xử toàn dân trong công minh chính trực.
BÀI ĐỌC
II (Ep 2: 13-18)
Chúng
ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-xô. Trong đoạn trích của
Chúa Nhật trước, thánh Phao-lô đã trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được
thực hiện qua Đức Ki-tô. Trong đoạn trích hôm nay, thánh nhân mô tả sự hòa giải
mà Đức Ki-tô thực hiện: chết cho mọi người, cả người Do thái lẫn lương dân. Như
vậy, Đức Ki-tô muốn kiến tạo một nhân loại mới và quy tụ họ vào trong Giáo Hội
của Ngài.
1.
Người Ki-tô hữu gốc lương dân
Trước
tiên, thánh Phao-lô ngỏ lời với những người Ki-tô hữu gốc lương dân, họ chiếm
đa số trong các cộng đoàn Ki-tô hữu miền Tiểu Á. Thánh nhân dùng thành ngữ
“xa-gần” đã được I-sai-a đệ tam, vị ngôn sứ hậu lưu đày, sử dụng rồi (Is 57:
19). Dụng ngữ này đã trở nên phổ biến trong Do thái giáo. Qua dụng ngữ “xa-gần”
này, thánh nhân muốn nói rằng những người Ki-tô hữu gốc lương dân, trước kia là
những người xa lạ, bây giờ trở thành những người nhà của Thiên Chúa, vì từ nay
họ được dự phần vào những lời hứa của Giao Ước, bởi vì chính họ cũng được ban
ơn tha thứ tội lỗi.
2. Một
dân duy nhất
Vì thế,
những người Ki-tô hữu, dù gốc lương dân hay gốc Do thái, đều có thể nói: Đức
Ki-tô “là sự bình an của chúng ta”. Chúng ta khó mà đo lường được việc liên kết
giữa những người Ki-tô hữu gốc lương dân và những người Ki-tô hữu gốc Do thái
đã đem lại tính cách mạng đến mức độ nào cho các cộng đoàn Ki-tô hữu, ở đó vốn
nảy sinh biết bao sự ngộ nhận và lời qua tiếng lại ở giữa đôi bên.
Những
Ki-tô hữu gốc Do thái ý thức mình là một dân được tuyển chọn và được tách riêng
ra, dân cưu mang Mặc Khải. Họ tự hào về nét đặc thù tôn giáo của họ, việc tuân
giữ lề luật giúp họ khỏi những uế nhiễm của dân ngoại; họ tránh giao tiếp với
những kẻ không chịu cắt bì chừng nào có thể. Trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, có một
lan can bằng đá cẩm thạch ngăn chia khuôn viên dân ngoại khỏi khuôn viên dân
Ít-ra-en. Khi nói: “Bức tường ngăn cách là sự thù ghét”, thánh Phao-lô ám chỉ đến
bức lan can phân cách này. Chắc chắn thánh nhân đã nghĩ đến những kẻ xách động
đồng bào Do thái bắt ngài được tường thuật trong sách Công Vụ 21: 28: “Hỡi đồng
bào Ít-ra-en, giúp một tay nào! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người
những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh này! Nó còn đem cả mấy người
Hy lạp vào cả Đền Thờ mà làm cho Nơi Thánh này ra ô uế”.
Ngược
lại, những thái độ bài Do thái thường xảy ra, như được chứng thực trong nhiều
thành phố chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp, kể cả thành phố A-lê-xan-ri-a. Chúng
ta đừng quên sách Khôn Ngoan được soạn thảo vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công
Nguyên, thời kỳ những người Do thái bị chính quyền quấy nhiễu. Thái độ bài Do
thái này cũng gặp thấy trong thế giới Rô-ma, ở đó người ta không ưa những người
Do thái vốn không làm việc vào ngày thứ bảy, cũng như không chỉ đường cho những
ai không chịu cắt bì hỏi đường (như thi sĩ Junéval kể ra vài ví dụ trong bài
thơ châm biếm của ông vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai sau Công
Nguyên).
Đức
Ki-tô đã hủy bỏ bức tường ngăn cách này: tinh thần duy luật khiến những kẻ thực
hành tỉ mỉ Lề Luật tự thu mình lại vào trong thế giới của riêng mình. Luật Mới
không còn chia cách nữa, nhưng hòa giải.
3. Một
thân thể duy nhất
Thánh
Phao-lô thật táo bạo khi khẳng định rằng: đôi bên, người Ki-tô gốc lương dân và
người Ki-tô hữu gốc Do thái, hình thành nên chỉ một con người duy nhất, một người
mới. Người Ki-tô hữu là một con người được tái tạo và tất cả những người Ki-tô
hữu được quy tụ hình thành nên những chi thể của một thân thể duy nhất, thân thể
của Đức Ki tô.
Thánh
Phao-lô đã sử dụng từ vựng thần học này rồi trong các thư gửi các tín hữu
Cô-rin-tô và Cô-lô-sê. Đây là đề tài chủ đạo của thư gửi tín hữu Ê-phê-sô này,
diễn tả ơn gọi phổ quát của Giáo hội.
4.
Bình an và hiệp nhất, công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi
Cuối
cùng, thánh Phao lô cho thấy rằng nhờ Đức Ki tô, “cả đôi bên, chúng ta được
liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha”. Nhờ Đức Ki-tô, con
đường đến cùng Chúa Cha rộng mở cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp
nhất Chúa Cha và Chúa Con, dẫn đưa các tín hữu vào trong cung lòng cuộc sống Ba
Ngôi.
TIN MỪNG
(Mc 6: 30-34)
Chúa
Nhật tuần trước tường thuật cho chúng ta Đức Giê-su đã sai các tông đồ ra đi
thi hành sứ vụ khắp miền Ga-li-lê. Bây giờ, thánh Mác-cô tường thuật những diễn
biến khi họ trở về. Thánh Mác-cô cho chúng ta bài tường thuật đầy tình tiết sống
động. Vị thánh ký này luôn luôn cho chúng ta những đường nét nêu bật con người
của Đức Giê-su.
1.
Các tông đồ tụ họp quanh Đức Giê-su
Danh
xưng “tông đồ” được dùng để chỉ nhóm Mười Hai chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng
của ông. Cách dùng này được biện minh: các tông đồ đã “được Đức Giê-su sai đi”.
Xin được nhắc lại điều đã được nói trước đây, các tác giả Tin Mừng chung tránh
dùng danh xưng “tông đồ” này cho nhóm Mười Hai, bởi vì chỉ mình Đức Giê-su xứng
với tước hiệu này: Đấng được Chúa Cha sai đi thi hành sứ vụ.
Nhóm
Mười Hai quy tụ lại chung quanh Đức Giê-su, chắc chắn ở Ca-phác-na-um, thành phố
mà Đức Giê-su chọn làm bản doanh cho sứ vụ của Ngài. “Các ông kể lại cho Ngài
biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã giảng dạy”. Đây là hai
khía cạnh của một sứ vụ đã được trao gửi cho các ông: lời giảng dạy kèm theo
các dấu chỉ, theo gương Thầy mình. Vào ngày hôm ấy, Đức Giê-su sắp đưa ra cho
các ông một mẫu gương: sau khi đã giảng dạy đám đông dân chúng nhiều điều, Ngài
sẽ cho họ được ăn no nê, khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, một trong những dấu chỉ
quan trọng bậc nhất của thừa tác vụ của Ngài.
“Kẻ
lui người tới quá đông”, trong số đó có những kẻ hiếu kỳ còn muốn hỏi các ông
thêm nhiều điều nữa. Trong bối cảnh đó, các ông khó thuật lại cho Đức Giê-su sứ
vụ mà họ vừa mới thi hành theo lệnh của Ngài. Thánh Mác-cô không xác định khung
cảnh, nhưng chỉ ghi lại một chi tiết theo ông có ý nghĩa nhất “nên các ông cũng
chẳng có thì giờ ăn uống nữa”.
Ấy vậy,
các tông đồ mệt mỏi. Đức Giê-su lưu ý sự mệt mỏi của các ông, vì thế, nếu cứ ở
lại đây, họ không tài nào thoát khỏi đám đông quấy nhiễu này: “Anh em hãy lánh
riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Thái độ của Đức Giê-su nói
lên tấm lòng của một vị thầy ân cần quan tâm đến các môn đệ mình. Các môn đệ đồng
thuận và xuống thuyền lánh xa một nơi hoang vắng.
2.
Lánh xa một nơi khác
Đây
không là lần đầu tiên Đức Giê-su tìm cách lánh xa đám đông để được ở lại một
mình với các môn đệ và dạy riêng cho họ. Trước đây, thánh Mác-cô ghi nhận, sau
khi giảng dạy cho đám đông nhiều dụ ngôn, “khi chỉ có Thầy trò với nhau, thì
Ngài giải thích hết cho họ” (4: 34). Nhưng việc thầy trò lánh đi như vậy không
phải luôn luôn là dễ dàng. Thánh Mác-cô cũng đã viết: “Đức Giê-su cùng với các
môn đệ của Ngài lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê người ta lũ lượt đi theo
Ngài” (3: 7). Cũng xảy ra đúng y như vậy trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.
3. Tấm
lòng của đám đông dân chúng
Việc
dân chúng lũ lượt kéo nhau đến với Đức Giê-su là một trong những nét tiêu biểu
của Tin Mừng Mác-cô, như chúng ta đã ghi nhận rồi. Sự kiện này không phải là
không có liên hệ với sự thành công sứ vụ của Ngài.
Thánh
Mác-cô không cho chúng ta biết địa danh, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ của đám đông với
Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài. Theo Lu-ca, Đức Giê-su “đem các ông đi riêng
ra với mình, lui về thành kia gọi là Bết-xai-đa” (Lc 9: 10), đây là thành phố ở
phía đông nam Biển Hồ, bên kia sông Giô-đan, dòng sông đổ nước vào Biển Hồ. Từ
thành Ca-phác-na-um đến thành Bết-xai-đa khoảng 12 cây số, vì thế có lẽ đám
đông cùng nhau theo đường bộ vượt qua một quảng đường như vậy đến trước cả các
ngài. Cách diễn tả: “nhiều người hiểu ý” gợi lên một mối tương quan gần gũi
thân thiết giữa đám đông dân chúng với Đức Giê-su như theo cách nói của Tin Mừng
Gioan: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10: 14).
4. Tấm
lòng của vị Mục Tử Mê-si-a
Lòng
nhiệt thành này của đám đông dân chúng trái với ý muốn của Đức Giê-su và các
môn đệ là được lánh riêng một nơi thanh vắng. Ấy vậy, thay vì bực mình, Đức
Giê-su “chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Ở đây phảng
phất chủ đề căn bản của Cựu Ước. Dân Ít-ra-en là đoàn chiên thương mến của Đức
Chúa. Người đã trao gửi đoàn chiên của mình cho các vị mục tử Ít-ra-en chăn dắt.
Nhưng những vị mục tử vô trách nhiệm này chỉ nghĩ đến tư lợi của riêng mình mà
không quan tâm đến cảnh sống của đàn chiên Người, khiến đàn chiên của Người phải
bơ vơ lạc lõng. Đức Giê-su sẽ ân cần săn sóc họ và chứng tỏ mình là vị Mục Tử
Mê-si-a được ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo. Công việc của người mục tử là tìm kiếm
cho đàn chiên của mình cánh đồng cỏ tốt tươi. Lương thực mà Ngài trao ban cho đám
đông này trước hết là Lời Ngài. Chính cái đói này phải được đáp ứng trước tiên:
“Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Phép lại bánh hóa nhiều nối tiếp theo sau.
Từ xưa Giáo Hội đã ghi nhận điều này là luôn luôn nối kết “hai bàn tiệc” với
nhau: trước hết là Lời Chúa, tiếp đó là Thánh Thể.
Khi
ngỏ lời với đám đông suốt ngày hôm ấy quên cả nghĩ ngơi, Đức Giê-su cho các môn
đệ của Ngài một giáo huấn rõ ràng: “người mục tử nhân lành là người hiến dâng
trọn vẹn bản thân của mình cho đàn chiên”.
Bài
tường thuật của Mác-cô chứng tỏ Đức Giê-su ân cần săn sóc các môn đệ mệt mỏi của
Ngài sau khi họ hoàn thành sứ vụ, cũng như đám đông dân chúng sau khi họ đi một
quảng đường xa đến gặp Ngài. Đây là một trong số các bài tường thuật cho thấy ở
nơi Đức Giê-su một tấm lòng từ bi nhân hậu: vừa có độ nhạy cảm sâu xa của con
tim nhân loại vừa có tấm lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa trước nỗi khốn khổ
của đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng, tìm nương tựa ở nơi Ngài. Đó cũng là mẫu
gương cho tất cả các vị mục tử của Giáo Hội Ngài, không tìm cách trốn tránh dưới
chiêu bài này hay chiêu bài khác, nhưng tìm cách đáp trả nỗi khốn khổ đau của
đoàn chiên, bởi vì: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga
10: 11).
Lm. Inhaxio Hồ Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét