GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 43: THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
WHĐ (10.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 29.08.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 43: Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 29 tháng 08 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Ngày thứ Tư cuối cùng của tháng 8 này, nhằm lễ nhớ cuộc tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả, vị Tiền hô của Chúa Giêsu. Trong lịch Phụng vụ Rôma, đây là vị thánh duy nhất mà Phụng vụ mừng ngày Sinh Nhật, đó là ngày 24 tháng 6, và cái chết của ngài qua việc tử đạo. Ngày lễ nhớ hôm nay nhắc tới việc cung hiến một hầm ở vùng Sebaste, ở Samaria, tại đó, ngay từ thế kỷ thứ IV, người ta đã tôn kính thủ cấp của thánh nhân. Việc tôn kính này lan ra tới Giêrusalem, trong các nhà thờ bên Đông Phương và tại Rôma, với tên gọi là tưởng nhớ Việc chặt đầu thánh Gioan Tẩy Giả. Trong sách Thư Mục của Giáo hội Rôma (Martyrologium Romanum), người ta tưởng nhớ tới một cuộc tìm ra lần thứ hai thánh cốt quý hóa này, và do một sự tình cờ, đã được đem tới nhà thờ thánh Silvestro tại Hý trường Campo Marzio, ở Rôma.
Các chi tiết lịch sử này giúp chúng ta hiểu được việc tôn kính thánh Gioan Tẩy Giả đã có từ lâu đời thế nào và mang tính cách sâu xa thế nào. Trong các Tin mừng chúng ta thấy rõ ràng vai trò của thánh nhân trong mối liên hệ với Đức Giêsu. Đặc biệt, thánh Luca kể lại việc Gioan sinh ra, cuộc sống trong sa mạc, việc rao giảng của thánh nhân, còn thánh sử Máccô nói cho chúng ta cái chết thảm khốc của Ngài như chúng ta nghe kể lại trong bài Tin mừng hôm nay. Thánh Gioan Tẩy Giả khởi đầu việc rao giảng của ngài dưới thời Hoàng đế Tiberio, vào khoảng năm 27-28 sau Chúa Kitô, và lời mời gọi rõ ràng thánh nhân gửi tới dân chúng chạy đến nghe ngài, đó là chuẩn bị đường để đón nhận Đức Kitô, là san phẳng các con đường khúc khuỷu ngoằn ngoèo trong đời sống riêng của mỗi người bằng một cuộc trở lại của con tim (x. Lc 3,4). Tuy nhiên, thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ giới hạn trong việc rao giảng sự ăn năn thống hối, việc hoán cải, nhưng khi nhận biết Đức Giêsu như là “Chiên Con của Thiên Chúa”, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29), thánh nhân đã hạ mình xuống thật khiêm nhường để giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người biết đó là Vị chính thức được Thiên Chúa sai đến, và thánh nhân lánh ra một bên để Đức Kitô có thể lớn lên, được lắng nghe và được mọi người đi theo. Như một hành động cuối cùng, Gioan Tẩy Giả làm chứng bằng việc đổ máu ra về lòng trung thành với các giới răn của Thiên Chúa, mà không nhượng bộ hoặc bỏ qua, để chu toàn đến cùng sứ vụ của thánh nhân. Thánh Bêđa, một đan sĩ thế kỷ thứ IX, trong các bài giảng của ngài, đã nói như sau về thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Thánh Gioan đã hy sinh cả mạng sống mình vì Đấng ấy [Đức Kitô]. Tuy kẻ bách hại ngài không đòi ngài chối bỏ Đức Kitô, mà chỉ đòi ngài đừng nói lên sự thật nhưng ngài đã nằm xuống vì Đức Kitô” (x. Homil., 23, CCL 122,354). Và Gioan đã không ngừng nói sự thật, và như thế, thánh nhân đã chết vì Đức Kitô, Đấng là Sự Thật. Chính vì yêu mến sự thật mà thánh nhân đã không chấp nhận sự thỏa hiệp và không ngại dùng những lời lẽ mạnh mẽ đối với những ai đang lạc xa đường lối của Thiên Chúa.
Chúng ta chiêm ngắm chân dung vĩ đại này, sức mạnh trong cuộc thương khó, trong việc chống lại những kẻ cường quyền. Chúng ta tự hỏi xem: sự sống này xuất phát từ đâu, nội tâm này rất mạnh mẽ, ngay thẳng và trung thực, xả thân hoàn toàn cho Thiên Chúa và để dọn đường cho Đức Giêsu như thế? Câu trả lời thật đơn giản: đó là phát xuất từ mối tương quan với Thiên Chúa, từ việc cầu nguyện, chính là sợi chỉ dẫn đường toàn cuộc sống của thánh nhân. Gioan chính là ân huệ của Thiên Chúa mà cha mẹ của thánh nhân, ông Dacaria và bà Êlisabét, đã khấn xin từ rất lâu (x. Lc 1,13); đó là một ân huệ lớn lao, theo sức loài người thì không thể xảy ra được, bởi vì cả hai ông bà đã cao niên, vả lại bà Êlisabét lại son sẻ (x. Lc 1,7); nhưng “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Việc loan báo sự ra đời của Gioan diễn ra chính xác ở nơi cầu nguyện, trong đền thờ Giêrusalem; Hơn nữa, nó xảy ra chính vào lúc ông Dacaria được đặc ân lớn lao, được vào nơi cực thánh để dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa (x. Lc 1,8-20). Ngay cả việc Gioan Tẩy Giả sinh ra cũng được ghi dấu bởi việc cầu nguyện: bài thánh ca của niềm hân hoan, của việc chúc tụng và của lời tạ ơn mà ông Dacaria dâng lên Thiên Chúa, và chúng ta đọc thánh ca này mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng, đó là bài thánh ca “Chúc tụng” [Benedictus], ca tụng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử và nói tiên tri về sứ vụ của Gioan con ông là đi trước Con Thiên Chúa và dọn đường cho Người (x. Lc 1,67-79). Toàn bộ cuộc sống hiện hữu của vị Tiền hô của Đức Giêsu được nuôi dưỡng bằng mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, đặc biệt trong giai đoạn sống tại sa mạc (x. Lc 1,80); Các vùng sa mạc được coi như là nơi của các cơn cám dỗ, nhưng cũng là nơi trong đó con người cảm thấy sự nghèo hèn túng thiếu của mình, bởi vì họ thiếu mọi điều để nương tựa và mọi bảo đảm về vật chất, và hiểu rằng điểm tựa duy nhất chắc chắn vẫn là chính Thiên Chúa. Nhưng Gioan Tẩy Giả không chỉ là một con người cầu nguyện, sống trong sự tiếp xúc liên lỉ với Thiên Chúa, mà thánh nhân cũng còn là một vị hướng đạo trong tương quan với Thiên Chúa nữa. Thánh sử Luca khi thuật lại lời cầu nguyện mà Đức Giêsu dạy các môn đệ trong “Kinh Lạy Cha”, đã ghi nhận rằng lời xin của các môn đệ nói với Đức Giêsu, được diễn tả qua câu Tin Mừng sau đây: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11,1).
Anh chị em thân mến, cử hành cuộc tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả cũng nhắc nhở cho chúng ta, các Kitô hữu của thời đại chúng ta, rằng tình yêu danh cho Đức Kitô, đối với Lời Chúa, với Sự Thật, không cho phép thỏa hiệp. Sự thật là Sự thật, dứt khoát không có sự thỏa hiệp. Có thể nói, đời sống Kitô hữu đòi hỏi sự “tử đạo” của lòng trung thành hằng ngày với Tin Mừng, nghĩa là lòng can đảm để Chúa Kitô lớn lên trong chúng ta, để Chúa Kitô hướng dẫn tư tưởng và hành động của chúng ta. Nhưng điều này chỉ có thể xảy đến trong đời sống của chúng ta nếu mối tương giao của chúng ta với Thiên Chúa thật vững chắc. Việc cầu nguyện không phải là lãng phí thời gian, không phải là chiếm đoạt không gian trong các hoạt động, thậm chí cả các hoạt động tông đồ, nhưng là điều hoàn toàn ngược lại: chỉ khi nào chúng ta có khả năng dành cuộc sống để cầu nguyện cách trung thành, liên lỉ, tín thác, thì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta khả năng và sức mạnh để sống một cách hạnh phúc và bình an, để có thể vượt lên trên các khó khăn và làm chứng cho Đức Kitô với lòng can đảm. Nguyện xin thánh Gioan Tẩy Giả chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta biết luôn duy trì quyền ưu tiên của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Xin cám ơn anh chị em đã chú ý lắng nghe.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét