Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

KHÔN NGOAN TRONG KINH THÁNH

 

KHÔN NGOAN TRONG KINH THÁNH

Thời sự Thần học – Số 96, tháng 05/2022, tr. 17-51. 

_Nuria Calduch-Benages_ 

Nữ tu dòng Thừa sai Thánh gia Nazareth, giáo sư đại học Gregoriana, Roma, thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh. Nguồn: “Sapienziali, Libri”, in: R. Penna - G. Perego - G. Ravasi (eds.), Temi teologici della Bibbia (Dizionari San Paolo; San Paolo, Cinisello Balsamo [Milano] 2010) 1250-1267.


I. Dẫn nhập.
II. Các sách Khôn ngoan trong Kinh Thánh.
III. Văn chương khôn ngoan ở vùng Cận đông.
IV. Các hình thức văn chương khôn ngoan.
V. Việc quy gán cho vua Salômôn.
VI. Thế giới theo các nhà hiền sĩ.
VII. Chủ đề khôn ngoan.
VIII. Khôn ngoan như một nhân vật.
IX. Các sách Khôn ngoan trong Tân Ước: 1) Đức Giêsu với sự khôn ngoan. 2) Những trích dẫn.
X. Các sách Khôn ngoan và văn hóa thời nay.



I. DẪN NHẬP


Trong quá khứ, các cuộc nghiên cứu Kinh Thánh ít quan tâm đến các sách Khôn ngoan, bởi vì người ta thường tập trung vào Ngũ thư và các Ngôn sứ, là những tác phẩm nêu bật đặc trưng lịch sử của mặc khải Kitô giáo. Mãi đến thập niên 70 của thế kỷ XX, người ta mới chứng kiến một sự hồi sinh của “Ngũ thư khôn ngoan”, nhờ việc xuất bản tác phẩm “Sự khôn ngoan của Israel” của Gerhard von Rad[1]. Các học giả bắt đầu chú ý đến quan niệm đầy tính nhân bản của các tác phẩm này.



II. CÁC SÁCH KHÔN NGOAN TRONG KINH THÁNH


Trong bộ Kinh Thánh Híp-ri, trong nhóm dành cho “các trước tác” (ketubim), người ta thấy có ba sách khôn ngoan: Châm ngôn, Gióp, Giảng viên. Kể từ bộ Kinh Thánh Masoret, Giảng viên được đặt trong hàng “năm cuộn” (megillot): Diễm ca, Rút, Ai ca, Giảng viên, Ester; thứ tự này có lẽ dựa theo lý do phụng vụ. Bản dịch LXX còn thêm hai cuốn sách Khôn ngoan nữa: Huấn ca (Ben Sira, từ năm 1896, người ta tìm được phần lớn nguyên bản Híp-ri trong nhiều thủ bản) và sách Khôn ngoan (hoặc “Khôn ngoan của vua Salômôn”). Về tính quy điển của hai tác phẩm này, không có sự nhất trí giữa các Kitô hữu. Chúng được nhìn nhận là được linh hứng (“hậu quy điển” về phía Công giáo và Chính thống), và bị coi là “ngụy thư” (không thuộc quy điển) về phía Tin lành và Anh giáo. Dĩ nhiên là chúng không được nhận vào quy thư của Do-thái, bởi vì sách Khôn ngoan được viết bằng tiếng Hy-lạp, còn sách Huấn ca thì không hiểu vì lý do gì. Mặc dù bị Rabbi Aqiba (+135 sau CN) bác bỏ, nhưng sách Huấn ca được các rabbi sau đó trân trọng (x. Các trưng dẫn trong sách Talmud).

Năm cuốn sách được biên soạn trong một quãng cách thời gian khá dài, đi từ thế kỷ VIII tCN (các bộ sưu tập cổ xưa nhất của sách Châm ngôn) cho đến thế kỷ I CN(biên soạn sách Khôn ngoan ở Alexandria). Phần cốt yếu của sách Gióp có lẽ bắt nguồn từ thế kỷ V tCN (thời kỳ Ba-tư); sách Giảng viên vào giữa thế kỷ III tCN (thời đô hộ của nhà Ptolomei bên Ai Cập), sách Huấn ca vào thế kỷ II tCN (khi vùng Palestina được chuyển từ tay vương triều Ptolomei sang triều Seleucia ở Syria).

Công cuộc thu thập bộ các sách Khôn ngoan thì rất khác với các bộ khác trong Kinh Thánh. Không phải vô tình mà trong lời tựa sách Huấn ca, chúng được gọi bằng tên khái quát, như là “những văn phẩm khác”, “những sách khác của cha ông”, “các sách còn lại”. Chúng họp thành một nhóm đặc biệt, với những thành phần khá lỏng lẻo. Chúng không giống với Ngũ thư và các sách Lịch sử bởi vì không phải là tác phẩm thuật chuyện, tuy dù đôi khi cũng có đả động xa gần đến các đề tài Xuất hành (x. Hc 3,16; 44,23; Kn 11–19) hay Đệ nhị luật (x. Hc 2,15-17; 17,13-19; 30,1-

13), hoặc đọc lại lịch sử Israel (x. Hc 44–50). Chúng khác với những bộ luật trong Xuất hành, Lê-vi, Đệ nhị luật, bởi vì chúng chẳng mấy quan tâm đến luật pháp như là quyền bính bởi trời hay bởi nhà cầm quyền. Tuy vậy chúng cũng nhắc đến hoặc giải thích một vài khoản luật cụ thể (x. Cn 19,26 với Xh 21,17; Hc 28,7 với Lv 19,17-18). Sau cùng, chúng cũng khác xa các bản văn ngôn sứ, bởi vì thay vì cảnh cáo hay tố giác, chúng sử dụng một ngôn ngữ khuyến khích, kêu mời tìm kiếm sự khôn ngoan hoặc cảnh giác những nguy cơ. Dù vậy, xem ra giọng điệu ngôn sứ cũng phảng phất nơi vài đoạn văn (x. Diễn từ của Bà Khôn ngoan trong Cn 1,20-33; lời cầu cho Israel trong Hc 36,1-17; hoặc diễn từ của vua Salômôn trong Kn 6). Mặc dù thấm nhuần tinh thần khôn ngoan, nhưng hai sách Tôbia và Ester thuộc về loại thuật chuyện khuyến dụ của loại văn chương giả tưởng chứ không thuộc về văn chương khôn ngoan. Điều này cũng có thể nói về một vài Thánh vịnh, mang tên là Thánh vịnh khôn ngoan (chẳng hạn 1; 19; 37; 49; 90; 119), được coi như là những lời nguyện chứ không phải là tác phẩm khôn ngoan. Ngay cả sách Diễm tình ca, tuy mang tính cách khôn ngoan và giống với vài đoạn của Châm ngôn và Huấn ca, cũng không thuộc văn chương khôn ngoan, bởi vì nó là bài thơ tình yêu. Ngoài những tác phẩm vừa kể trên, các đề tài khôn ngoan cũng được gặp thấy trong các trình thuật Sáng thế 2–3, trong tiểu sử ông Giuse (x. St 37–50), trong các lưu truyền pháp lý của Xuất hành và Dân số, trong câu chuyện kế ngôi (x. 2Sm 9–20; 1V 1–2) hoặc các lưu truyền ngôn sử của Amos, Isaia và Giêrêmia, cũng như trong sách Đaniel.

Các sách “Ngũ thư khôn ngoan” không chỉ khác với những sách khác trong Kinh Thánh, nhưng còn khác biệt với nhau nữa. Các sách Châm ngôn và Huấn ca nổi bật bởi sự khôn ngoan lạc quan, bởi chiều kích sư phạm giáo dục, bởi hình thức văn chương truyền đạt sự hiểu biết của cha ông. Hai sách Gióp và Giảng viên thì gặp nhau ở đặc tính suy tư và tranh biện, đả kích vài quan niệm cổ truyền, chẳng hạn như thuyết báo ứng (Thiên Chúa thưởng những hành vi tốt và phạt những hành vi xấu) – và xét lại vấn đề Thiên Chúa một cách triệt để và bi đát. Sau cùng, sách Khôn ngoan đương đầu với quan niệm Hy-lạp về sự khôn ngoan đang lan truyền giữa các kiều bào Do-thái ở Alexandria.

Mặc dầu có nhiều sự khác biệt xét về hình thức và nội dung, nhưng chúng ta có thể nói đến một “khối” sách khôn ngoan, vì nhiều lý do. Tất cả năm quyển đều bàn về sự khôn ngoan và vạch ra cho những ai tìm kiếm con đường gặp gỡ nó. Ở một cấp độ cao, chúng suy tư về hình ảnh huyền bí và hấp dẫn của Bà Khôn ngoan, được xuất hiện trong bộ sưu tập thứ nhất của sách Châm ngôn (x. Các chương 1–9), trong bài thơ của Gióp 28, trong phần thứ nhất của Huấn ca (x. Hc 1-24), trong Kn 7–9 và ngay cả trong Br 3,9–4,4. Khác với các tác giả Ngũ thư, các sách Lịch sử và bản văn Ngôn sứ, các nhà hiền triết Israel vượt xa viễn ảnh lịch sử, để đặt mình trong một chân trời phổ quát, bén nhạy với thực tế sinh sống hằng ngày của đời người. Các tác giả này không quan tâm đến việc kể lại những chuyện quá khứ, công bố những luật lệ cho dân chúng, nói tiên tri nhân danh Thiên Chúa, và cũng chẳng nghĩ đến việc chúc tụng Người trong những buổi cử hành phụng tự. Thái độ của họ khi đối diện với thực tế được dựa trên việc tìm kiếm sự khôn ngoan đích thựcc, sự khôn ngoan dẫn đến cuộc sống sung mãn, và tìm thấy lời giải đáp cuối cùng nơi Thiên Chúa. Các nhà hiền triết Israel truyền đạt cho các thế hệ mai sau kinh nghiệm, kiến thức, lòng đạo của mình trong một ngôn ngữ biết tôn trọng tự do con người, nghĩa là nhờ những quan sát, nhận định, đề nghị. Tóm lại, đây là một giáo huấn nhân bản, dạy cách sống và cách làm việc, đặt trong khung cảnh của luân lý và tôn giáo.

 

III. VĂN CHƯƠNG KHÔN NGOAN Ở VÙNG CẬN ĐÔNG

 

Nhờ những khám phá bắt đầu từ thế kỷ XIX, chúng ta biết được rằng sự khôn ngoan của Israel không phải là cổ xưa nhất của nhân loại. Nó được phát sinh và khai triển trong khung cảnh văn hóa vùng Cận Đông, cái nôi cổ nhất của nhân loại. Trong thiên niên kỷ III tCN, các nhà hiền triết của Ai Cập và Mesopotamia đã viết lại những giáo huấn của mình thành các bản danh sách, giảng huấn, thi ca, thuật chuyện, đối thoại và nhiều tác phẩm khác nữa; tất cả những tài liệu này đều có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng khôn ngoan của Kinh Thánh.

Một thể loại khôn ngoan rất phổ biến bên Ai Cập là những lời dạy hay giáo huấn của một nhà vua cho hoàng tử, của một quân sư cho con cái hoặc của một văn nhân cho người kế thừa. Các tác phẩm này nhằm hai mục tiêu: truyền thụ các giá trị, và dạy cho các nhân viên hành chánh tương lai biết cách đọc và viết. Dù địa vị xã hội thế nào đi nữa, người lãnh nhận những lời dạy này được gọi là “con”. Người ta còn giữ được những tập giáo huấn sau đây, biên soạn vào khoảng những năm 2700-2200 tCN: Giáo huấn dành cho Kaghemi, do một quân sư vô danh viết cho người con của mình; Giáo huấn của Hergedef và Giáo huấn của Ptahhotep (bản văn duy nhất của thời ấy còn được giữ nguyên vẹn, gồm 37 câu châm ngôn “của tiền nhân” để lại); Giáo huấn dành cho Merikare và Giáo huấn của Amenemhet ra đời muộn hơn (2200- 2060 tCN), còn Giáo huấn của Ani ra đời vào khoảng 1580-1320 tCN. Cách riêng Giáo huấn của Amenope (khoảng giữa 1000 và 600 tCN), do E.W. Budge khám phá năm 1923, đáng được nhắc đến bởi vì đã được nhiều học giả tìm hiểu vì thấy giống với sách Châm ngôn 22,17–24,22. Ngoài các tập giáo huấn ra, cũng cần nêu bật những tác phẩm khác được viết vào đầu thiên niên kỷ thứ hai, với luận điệu bi quan yếm thế đứng trước cuộc đời, xã hội và chính trị. Kẻ tự sát hoặc Cuộc đối thoại của một người tuyệt vọng với linh hồn của mình khuyến khích tự vẫn khi hoàn cảnh đã trở nên hoàn toàn tuyệt vọng. Câu chuyện của người ốc đảo hùng hồn đòi hỏi công lý trước mặt một viên quan triều đình, bàn về đề tài bất công xã hội. Bài ca của người gảy đàn là một bài thơ chua chát khi đối diện với cái chết. Ngoài thể văn tranh luận, chúng ta cũng nên ghi nhận Trào phúng về các nghề nghiệp (hay có khi được gọi là Giáo huấn của Khety hay Các châm ngôn của Duaf), một tác phẩm nổi tiếng trong đó kinh sư được cho là nghề cao quý nhất trong các công việc tay chân. Tư tưởng này sẽ được khai triển trong sách Huấn ca 38,24-39. Trong những bản văn bình dân nổi tiếng nhất là Giáo huấn của Onkhsheshonqy (thế kỷ V tCN), một tác phẩm châm biếm rất gần với sách Châm ngôn.

Bên Mesopotamia văn chương khôn ngoan không được phong phú cho lắm. Trong các bản văn bằng tiếng sumero, chúng ta có thể kể Các giáo huấn của Shuruppak, tuyển tập các tục ngữ ra đời vào năm 2500 tCN, và một tác phẩm với nội dung giống với sách Gióp (quen gọi là Gióp sumero, hoặc những lời than trách của một người với Thiên Chúa của mình), ra đời khoảng năm 2000 tCN. Bài thơ trình bày một người vô tội than van liên lỉ về cảnh khổ cực của mình gây ra bởi cơn giận dữ không hiểu nổi của thần linh, cho đến khi chính vị này giải thích và biến đổi đau khổ thành niềm vui. Trong các bản văn bằng tiếng Akkad, chúng ta thấy Những lời khuyên của Đức Khôn ngoan (1500-1200 tCN), rất gần với các châm ngôn Kinh Thánh. Cũng vào thời này là Bài thơ của chính nhân đau khổ, cũng được gọi bằng những lời mở đầu: Ludlul bel nemeqi, “Tôi muốn ca ngợi vị thần khôn ngoan”. Đây là một cuộc độc thoại, trong đó một người đau khổ ngỏ lời với thần Marduk – “Chúa Khôn ngoan” của Babylon – để xin Người giải thoát khỏi những đau khổ. Tuy rất giống với sách Gióp, nhưng bài thơ này không hề đặt vấn đề về mối tương quan giữa đau khổ và tội lỗi (trả báo), cũng chẳng nghi ngờ gì về giải đáp cho vấn đề đau khổ chỉ có thể đến từ các thần linh, mà loài người không thể nào phê bình nhưng chỉ biết chấp nhận bằng cách tin tưởng vào lòng tốt của các ngài. Cuốn Thần lý Babylon – soạn vào khoảng năm 1400 và 800 tCN, hoặc cũng gọi là Cuộc đối thoại giữa một người đau khổ với bạn hữu của mình – đề cập vấn đề giống như ông Gióp: đứng trước sự đau khổ bất công, đường lối của Thiên Chúa quả là khó hiểu. Tuy nhiên, ngoài việc bênh vực “sự công minh của các thần linh”, tác phẩm còn muốn bảo vệ các ngài trước lời tố cáo về sự bất công hoặc lãnh đạm trước cảnh người công chính bị bách hại. Cuộc đối thoại giữa ông chủ với gia nhân của mình, viết vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất tCN, cho thấy gia nhân tuân hành chỉ thị của ông chủ, dù thế nào đi nữa.

Tiểu thuyết ông Achikar (thế kỷ VI-V tCN), rất nổi tiếng ở vùng Cận Đông, và được trưng dẫn trong sách Tôbia (1,21-22; x 2,10; 11,19; 14,10). Theo lưu truyền, Achikar là cố vấn của vua Sennàcherib (704-681 tCN) và của hoàng tử Assarhàddon (681- 668 tCN). Vị này muốn giết Achikar do lời vu khống của Nadab, người cháu mà ông đang chuẩn bị để kế thừa cho mình. Achikar đã giãi bày sự thật, và được nhà vua khôi phục địa vị và Nadab bị kết án.


IV. NHỮNG THỂ VĂN KHÔN NGOAN


Các nhà hiền triết Israel diễn tả kinh nghiệm của mình về thực tại và về vũ trụ bằng nghệ thuật cao cấp. Dù có khác nhau về khung cảnh, diễn ngữ, nội dung đi nữa, thì các sách Khôn ngoan vẫn mang đặc trưng chung là thể thơ, được diễn đạt qua nhiều hình thức văn chương đa dạng. Hình thức phổ thông nhất là các châm ngôn tục ngữ, masal. Tầm nguyên của từ này còn trong vòng tranh cãi, masal có khi được dịch là “ví von” (có thể diễn tả thực chất), “lời có uy lực” (bởi vì có khả năng truyền khiến), “lời có cánh” (bởi vì vượt lên trên thời gian). Tuy masal thường được dịch là “châm ngôn” (hay tục ngữ) nhưng nguyên gốc từ ngữ phong phú của nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau: có thể là cách ngôn, giáo huấn, khuyến dụ.

Vai trò sư phạm của châm ngôn có thể nhận thấy nơi các huấn dụ thường gặp trong các chương 1–9 của sách Châm ngôn và trong sách Huấn ca (chẳng hạn 2,1-6; 3,17-24; 13,2-7; 29,1-13). Đặc trưng là lời kêu gọi “Con ơi” mở đầu, rồi đến các lời truyền răn kèm theo những lý do, và những hậu quả tiêu cực dành cho những ai không nghe theo lời khuyên của nhà hiền triết. Chiều kích sư phạm của châm ngôn cũng hiện diện trong những lời “khuyên lơn”, tích cực hay tiêu cực (x. Hc 6,18-37; 7,1-17), và đặc biệt là những “châm ngôn số”, giúp cho môn sinh nhớ (chẳng hạn Cn 30,21-23; Hc 25,7-11; G 5,19-22). Khoảng phân nửa Cn 25–26 gồm bởi những “so sánh”, dùng hình ảnh để đánh giá những lối cư xử. Vài thí dụ Cn 25,11: “Táo bằng vàng và đồ trang sức bằng bạc là một lời được nói đúng lúc” và Cn 26,8: “Cũng như cột hòn đá vào ná thế nào, thì trao vinh quang cho đứa ngu si cũng như thế”.

Khá gần với châm ngôn, và đặc biệt châm ngôn số, là “ẩn ý”: một lối chơi chữ hàm hồ hàm chứa một chân lý sẽ được vạch ra ở cuối. Chúng ta lấy một ví dụ từ Cn 26,4-5: “Đừng đáp lại kẻ ngu si theo sự ngu đần của nó, kẻo cả con, con cũng nên giống như nó. Hãy đáp lại kẻ ngu si theo sự ngu đần của nó, để nó đừng nghĩ là minh khôn ngoan”. Hai câu này xem ra mâu thuẫn với nhau, nhưng kỳ thực, khuyên nhủ là hãy tùy hoàn cảnh mà hoặc là không tranh luận với kẻ ngu đần hoặc là xử sự xứng đáng với nó. Trong cùng gia đình ẩn ý, ta có thể xếp các “ngụ ngôn” và “ám dụ”, hai hình thức sử dụng ngôn ngữ bóng bảy hoặc ám hiệu. “Ngụ ngôn” là một hình thức văn chương cổ xưa nhất của nhân loại (von Rad), mà mục đích không nhất thiết là bài học luân lý, mà chỉ là sư phạm và đôi khi để chế giễu. Trong Cựu Ước, hiếm khi gặp các ngụ ngôn, và chúng đều nằm ngoài khối các tác phẩm Khôn ngoan: ngụ ngôn của ông Giotham trong Tl 9,8-15, ngụ ngôn mà ngôn sứ Nathan kể cho vua Đavít ở 2Sm 12,1-4 và ngụ ngôn thuật lại cuộc đụng độ giữa Amasia, vua nước Giuđa, và Gioas, vua Israel, ở 2V 14,9. Áp dụng vào các hoàn cảnh chính trị cụ thể, ngụ ngôn theo dòng thời gian có thể trở thành ám dụ, nghĩa là một bản văn với hai hay nhiều ẩn dụ để đối chiếu ý nghĩa. Chẳng hạn như ám dụ về con chim phượng hoàng và cây bá hương (x. Ed 17,1-10) hoặc ngụ ngôn về sư tử cái với các con của nó (x. Ed 19,1-14). Hai đoạn văn Cn 5,15-23 (về sự trung thành của bà vợ) và Gv 12,16 (về tuổi già) không phải là những ám dụ theo đúng nghĩa nhưng là những bài thơ theo khuynh hướng ám dụ. Rất gần với giáo huấn và ca tụng là “bài thơ giáo dục”, thường là mô tả chứ không truyền khiến. Một thí dụ là chân dung của ác nhân ở G 27,13-23 (x. Cn 2,1-22; 24,30-34; Hc 1,11-20). Tuy vậy, rất khó xếp loại một vài bài thơ bởi vì nội dung và hình thức khác biệt, chẳng hạn như Hc 16,24–17,14, có thể coi như một bài thơ giáo dục, giáo huấn hay ca ngợi. Những thí dụ về “lời cầu nguyện”, của cá nhân hay tập thể, được gặp thấy nơi sách Châm ngôn (x. Cn 30,7-9), Gióp (x. G 7,7-21; 10,1-22; 13,20–14,22), Huấn ca (x. Hc 22,27–23,6;

36,1-17; 51,1-12) và Khôn ngoan (x. Kn 9,1-18; 11,23–12,2). Các bài “ca ngợi” cũng không phải là hiếm: có khi là ca ngợi công trình Thiên Chúa trong vũ trụ (x. Hc 42,15–43,33), có khi là ca ngợi nguồn gốc thần linh của đức khôn ngoan hoặc sứ mệnh đức khôn ngoan trong thế giới (x. Cn 8,22-31; G 28; Hc 24,1-22; Kn 7,22–8,1). Khác với văn chương Ai Cập và Mesopotamia, Cựu Ước chỉ có một mẫu “đối thoại” đó là sách ông Gióp: tuy rằng tác phẩm này mang nhiều thể văn khác nhau, nhưng nổi bật hơn cả là sự đối thoại, một hình thức thích hợp để đương đầu, khai triển và giải quyết một vấn đề.

Bắt nguồn từ Ai Cập, thể văn “tự thuật” cũng được các nhà hiền triết sử dụng như một phương tiện sư phạm (x. Cn 4,3-9; Gv 1,12–2,26; Hc 24,30-34; 33,16-18; 51,13-30). Những danh sách

các tên tuổi, một thể văn rất phổ biến bên Ai Cập, thu thập mọi thứ dữ liệu: động vật, thảo mộc, xứ sở, chủng tộc, vv.. Những danh sách bách khoa này đáp ứng với ước muốn của con người muốn kiểm soát thực tại, đồng thời cũng hỗ trợ cho việc thực tập chữ viết. Cuối cùng, ngoài những hình thức khôn ngoan vừa nói, chúng ta có thể thêm một hình thức nữa ít được quan tâm và khảo sát, đó là “giải đáp bỏ lửng” (x. Cn 5,15-19; 23,29-30; G 28). Các nhà hiền nhân sử dụng phương pháp này để thu hút sự chú ý của các môn sinh, kích thích sự tò mò và thúc đẩy sự tra cứu. Qua những câu hỏi hoặc hình ảnh bí hiểm, người nghe được mời gọi hãy đi tìm câu trả lời, mà chỉ được hé lộ vào cuối đoạn văn.


V. VIỆC QUY GÁN CHO VUA SALÔMÔN


Salômôn là con thứ hai của Đavít và Betsabê, ông là vị vua thứ ba của Israel (972-932 tCN) và chắc hẳn là một nhà lãnh đạo lẫy lừng nhất. Dưới triều đại của ông, Israel được hưởng một thời kỳ phong phú và phát triển về kinh tế. Nhờ những cuộc kết hôn với những phụ nữ ngoại quốc, vua đã tạo ra nhiều bang giao tốt đẹp, làm tăng cường nền thương mại, văn hóa và an ninh quốc gia. Đối nội, vua Salômôn tiếp tục khai triển hệ thống hành chính mà vua cha đã bắt đầu, hoàn tất một số công trình xây cất (xây đền thờ, dinh nhà vua, các thành lũy, cất nhiều thành phố và cả những đền miếu cho các thần linh của các bà vợ ngoại quốc), tổ chức quân đội chuyên nghiệp thay cho các dân quân địa phương. Truyền thống Kinh Thánh ca ngợi cách riêng tài sản và sự khôn ngoan của vua. Sau khi vua Đavít băng hà, Salômôn đã cầu xin Thiên Chúa ban cho một “trái tim biết phán đoán” để biết cách cai quản nhân dân trong công bình, và phân biệt điều tốt điều xấu (1V 3,9). Nhờ đức khôn ngoan mà Chúa ban, ông đã vượt qua tất cả các nhà hiền triết ở bên Đông và Ai Cập, và danh tiếng ông đồn thổi khắp các nước lân cận (x. 1V 5,10-11). Salômôn tỏ ra tài giỏi trong việc phân xử (x. 1V 3,16-

28) và giải đáp các câu đố (x. 1V 10,2-4). Vua sáng tác ba ngàn châm ngôn và một ngàn lẻ năm bài thơ (x. 1V 5,12), và vua còn tỏ ra sự khôn ngoan trong việc quan sát các định luật tự nhiên của thế giới thảo mộc và động vật: “Vua đã bàn luận về cây cối, từ cây hương bá trên núi Libano cho đến cành hương thảo mọc nơi bờ tường; vua cũng bình giảng về động vật và chim trời, rắn rết và cá biển” (1V 5,13). Mặc dù có nhiều bóng tối bao trùm lên vương triều của ông (bóc lột nhân dân, xa hoa triều đình, bất tuân tôn giáo), ông đã được lịch sử ghi nhận như là vị vua khôn ngoan bậc nhất.

Vì thế cũng như Ngũ thư được gán cho ông Mosê và các Thánh vịnh cho vua Đavít, thì các sách Khôn ngoan (cộng thêm thánh vịnh 72 và 127) được gắn liền với tên tuổi vua Salômôn. Quả vậy, tên vua Salômôn xuất hiện, cách minh nhiên hay mặc nhiên, như là tác giả của các cuốn sách thuộc về phần thứ ba của Kinh Thánh Híp-ri, tức là “những văn phẩm” (Châm ngôn, Diễm ca và Giảng viên). Bản dịch LXX thêm một cuốn nữa: sách Khôn ngoan của Salômôn. Tất cả những sách này đều được viết sau thời lưu đày, nghĩa là nhiều thế kỷ sau khi vua Salômôn lịch sử đã qua đời. Như vậy, sự gán ghép cho vị đại vương này là một trường hợp rất thịnh hành vào thời xưa được gọi là pseudepigrafia (ngụy danh), gán tác phẩm cho một tác giả nổi tiếng để tăng thêm uy tín. Bằng cách này hay cách khác, Salômôn hiện diện trong bốn tác phẩm vừa kể. Trong Huấn ca, tác phẩm duy nhất không dùng đến tục lệ pseudepigrafia (ngược lại, là tác phẩm duy nhất mang tên soạn giả), Salômôn được nhắc đến trong một đoạn văn ca ngợi các tiền nhân (Hc 44–50).

Sách Châm ngôn được minh nhiên gán cho Salômôn ngay ở đầu Cn 1,1: “Các châm ngôn của Salômôn, con ông Đavít, vua Israel”. Ngoài tựa đề cho toàn thể tác phẩm, tên của vị vua này còn xuất hiện ở đầu của hai bộ sưu tập “các châm ngôn của vua Salômôn” (x. Cn 10,1–22,16; 25,1–29,27). Trong Cn 10,1 chúng ta đọc thấy như sau: “Những châm ngôn của Salômôn” và 25,1: “Đây cũng là những châm ngôn của Salômôn, mà những người Êzekia, vua Giuđa, đã truyền lại”. Chúng ta không rõ bộ tuyển tập này do Salômôn soạn hay không, nhưng rất có thể là các dữ liệu này đã được các kinh sư và các nhà hiền triết biên soạn do lệnh của nhà vua, xem ra dưới triều Edechia.

Cả sách Diễm ca cũng được gán cho vua Salômôn ngay ở lời tựa (x. Dc 1,1), nhưng các học giả tranh luận không chắc có phải là tựa đề nguyên thủy không. Khác với những sách khác, trong Diễm ca, vua Salômôn giữ một vai trò quan trọng tuy không lúc nào cũng tích cực. Ngoài lời tựa, ông còn được nhắc đến 6 lần (x. Dc 1,5; 3,7.9.11; 8,11.12). Dc 1,5 có một lời ám chỉ nhà vua rất là tranh cãi. Theo bản masoret và LXX, vẻ đẹp của người yêu được so sánh như “những màn trướng của Salômôn”, nhưng các tác giả khác sửa lại bản văn và không nhắc gì đến ông nữa: “như những màn trướng của Salma”. Dc 3,6-11, một khúc hát xen kẽ (intermezzo) mô tả đám rước loan giá nhà vua được tập trung vào Salômôn, người tình lý tưởng và chiếc kiệu để chở hôn thê. Trái lại, trong Dc 8,11-12, ông tượng trưng cho một tình yêu sa sút mà tác giả tỏ ra thái độ dè dặt. Tóm lại, hình ảnh hàm hồ của Salômôn cô đọng trong hai câu ngắn ngủi này tùy thuộc vào việc giải thích toàn thể bài thơ.

Khác với Châm ngôn và Diễm ca, sách Giảng viên không được minh thị gán cho vua Salômôn. Thật vậy, tên nhà vua không hề được nhắc đến. Tuy vậy, nhân vật được nói ở Gv 1,1 “Những lời của Cô-he-lét, con Đavít, vua Giêrusalem” hẳn nhiên là vua Salômôn (x. 1,12: “Tôi, Cô-he-lét, tôi đã là vua Israel ở Giêrusalem”). Có lẽ vì bài thơ nổi tiếng về tuổi già (x. Gv 12,1- 8), truyền thống các rabbi cũng như Kitô giáo đều đồng hóa Cô- he-lét bí ẩn với vua Salômôn. Rabbi Jonatan nói như sau: “Salômôn viết sách Diễm ca khi còn trẻ, Châm ngôn khi trưởng thành và Cô-he-lét khi đã già; bởi vì con người khi trẻ thì sáng tác các bài thơ, khi lớn tuổi thì đưa ra những lời khuyên răn khôn ngoan, khi già thì nói đến thế sự phù vân” (Midrash Rabba, Dc 1,10).

Tác giả Huấn ca dành 12 câu cho vua Salômôn (x. Hc 47,12-23). Gợi hứng từ quyển I sách các vua, Ben Sira trình bày bức tranh của vua trong đó có điểm sáng và điểm tối. Bên cạnh hòa bình trong xứ sở, xây dựng đền thờ, sáng tác văn chương, sự sang trọng phú quý, tác giả nêu bật tình yêu lăng loàn với phụ nữ, và trách nhiệm gây ra sự chia rẽ giữa 12 chi tộc. Nên lưu ý là Ben Sira không nhắc đến giấc mơ Gabaon và lời cầu xin được ơn khôn ngoan, mặc dù ông biết điều đó (x. Hc 39,6; 51,13-14). Hoàn toàn đối nghịch với thần học sách Sử biên niên, Ben Sira trình bày một hình ảnh tương phản về Salômôn; điều này chỉ có thể giải thích do hoàn cảnh tang thương của Israel dưới thời đô hội của các đế quốc Ptolomei và Seleucia.

Trong sách Khôn ngoan, hoặc “Khôn ngoan của vua Salômôn” (tựa đề trong bản LXX), danh tính nhà vua không hề được nhắc đến. Tuy nhiên, mọi người đều biết là trong các chương 7–9, tác giả tự đồng hóa với vua Salômôn trong ánh quang vinh trước khi phạm những sai lầm. Salômôn đọc một diễn từ dài trong đó, sau khi trình bày nguồn gốc, bản chất và công trình của đức khôn ngoan, ông kể lại cuộc gặp gỡ với nàng, qua hai chặng. Trước hết, ông nhìn lại quá khứ, khi còn trẻ và trong giai đoạn đào tạo, ông ước ao thủ đắc đức khôn ngoan (Kn 7); kế đó khi đến tuổi kết hôn, ông phải lựa chọn một người bạn trăm năm (Kn 8); sau cùng, sau một thời gian chuẩn bị lâu dài, và gợi hứng từ 1V 3,69 và 2Sb 1,8-10, Salômôn kể lại lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan vào lúc mới lên ngôi (Kn 9). Việc bỏ qua danh tính của vị vua lừng danh có lẽ nằm trong dụng ý của tác giả: ông muốn rằng kinh nghiệm của nhà vua có thể mở rộng cho hết mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, cần phải biết lựa chọn những nguyên tắc chỉ đạo cho cả cuộc đời.


VI. THẾ GIỚI THEO CÁC NHÀ HIỀN TRIẾT


Quan niệm về thế giới theo các sách khôn ngoan được gắn liền với ý tưởng về trật tự, theo đó thế giới (con người, thiên nhiên, vũ trụ) tuân theo những định luật mà Thiên Chúa đã ấn định vào lúc tạo dựng. Trong trình thuật Sáng thế chương 1, hành động của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc tách rời và phân chia các yếu tố và thiết lập một trật tự trong vạn vật. Thế nhưng, ý tưởng “trật tự thế giới” không phải là quan điểm độc đáo của Israel nhưng thuộc về gia sản khôn ngoan của vùng Cận Đông. Bên Ai Cập, nó được đồng hóa với Maat, con gái của thần Ra và nhân cách hóa của chân lý, trật tự và công lý. Maat được hình dung như một thiếu nữ đội trên đầu một triều thiên với một cái lông dài của con đà điểu, tay cầm một cây thập tự có cán, biểu hiệu của sự sống; bà bảo đảm cho trật tự hoàn vũ, sự hài hòa trong các mối tương quan xã hội và trong thế giới thần linh. Trên thực tế, Maat còn hơn là một nữ thần, vì là một nguyên tắc mà nếu thiếu nó thì thế giới sẽ trở về cảnh hỗn mang nguyên thủy. Ở Israel, Maat được thay thế bởi sự hiện diện và những hành động của Thiên Chúa, hoặc bởi đức khôn ngoan bao trùm khắp vũ trụ và thấm nhập mọi vật (x. Hc 1,9; Kn 1,7; 7,24).

Rất nhiều câu nói trong sách Châm ngôn nói đến trật tự trong vũ trụ, nhịp điệu của thiên nhiên và thời gian (x. Cn 25,13-14: “Như cái lạnh của tuyết trong ngày gặt [...] Mây và gió mà chẳng có mưa”; Cn 25,23: “Gió bấc sinh ra mưa”; Cn 25,25: “Nước trong cho họng khô”; Cn 26,1: “Như tuyết trong mùa hè và như mưa trong mùa gặt”). Những ý tưởng ấy được diễn đạt lại một cách văn vẻ hơn trong sách Giảng viên (1,4-11): “Một thế hệ đi, một thế hệ đến; nhưng đất đứng mãi. Mặt trời mọc và mặt trời lặn, và nó vội vã về nơi của nó. Gió đi về hướng nam, và xoay về hướng bắc: xoay xoay, nó đi; gió trở lại những vòng xoay của nó. Mọi dòng sông đi ra biển, và biển không hề đầy; nơi các dòng sông đi tới, ở đó chính chúng lại đi”. Các thế hệ qua đi, các vì sao di chuyển, dòng sông êm ả trôi, tất cả cho thấy một thế giới có trật tự.

Sách Huấn ca cũng nói đến sự chính xác và thứ tự trong vạn vật trong đoạn văn vọng lại những trang đầu sách Sáng thế: “Các công trình của Thiên Chúa đã có từ lúc khởi đầu, và bởi việc làm ra chúng, Người đã phân chia các thành phần của chúng. Người đã trang hoàng các công trình của Người đến muôn đời, và những lúc khởi đầu của chúng cho đến các thế hệ của chúng. Chúng không đói cũng không lao nhọc, và không bỏ các công việc của chúng. Mỗi vật không đụng vào vật gần bên mình, và cho đến muôn đời, chúng sẽ không bất tuân lời của Người” (Hc 16,26-28: xem thêm 42,21-25). Nhà hiền triết, nhờ lý trí và kinh nghiệm, cảm thấy mình có khả năng hiểu biết và tôn trọng trật tự của loài thụ tạo. Tất cả giáo huấn của ông đều nhằm vào việc bảo vệ và duy trì trật tự ấy. Vì thế mỗi người có bổn phận tìm ra thời buổi thích hợp để thi hành công tác thích hợp. Tuân thủ trật tự của vũ trụ, chấp nhận những giới hạn của sự khôn ngoan của con người thì không những tránh khỏi làm điều xấu và đi vào con đường sự sống mà còn giúp cho ta thể hiện chính mình. Dưới viễn tượng này, người công chính không chỉ là người ngay lành, nhưng là kẻ tự nguyện tuân phục trật tự ấy. Trái lại, kẻ xấu không chỉ là người thực hành những hành động đáng trách, mà còn là kẻ bất chấp trật tự hoặc muốn phá hủy nó. Sự xác tín này được bảo đảm bởi học thuyết về sự báo ứng, như sách Châm ngôn đã chứng tỏ. Vấn nạn được đặt ra khi thấy không có sự tương xứng giữa hành động và kết quả: tại sao những người lành lại thất bại, còn những kẻ độc ác lại thành công? Gióp và Giảng viên, mỗi người một cách, đã làm nổ tung pháo đài mà các nhà hiền triết đề ra; họ cho thấy sự khủng hoảng của công trình các nhà hiền triết Israel. Lời giải đáp cho cuộc khủng hoảng này đến từ thần học và tóm lại trong bốn khía cạnh: tương quan giữa đức khôn ngoan và lòng kính sợ Thiên Chúa (x. G 28; Hc 1), đức khôn ngoan được đồng hóa với một nhân vật (x. dưới đây); đức khôn ngoan được gắn với lề luật (x. Hc 24) và đức khôn ngoan nhập thể trong lịch sử Israel (x. Hc 44,1-50,21).


VII. KHÔN NGOAN, CHỦ ĐỀ CHÍNH YẾU


Chủ đề chính yếu của các sách Khôn ngoan là đức khôn ngoan và cách thức đạt được khôn ngoan. Trong tiếng Híp-ri, các từ hokmà, “khôn ngoan”, hakam, “người khôn” (nhà hiền triết) – và các từ tương đương trong tiếng Hy-lạp, sophia và sophós, được sử dụng nhiều nhất trong các sách Châm ngôn, Gióp, Giảng viên, Huấn ca và Khôn ngoan. Ngoại trừ St 41,8 và Xh 7,11, nơi mà khôn ngoan được liên kết với ma thuật và chiêm tinh, các từ ngữ nói trên ám chỉ sự hiểu biết thực tế, tùy theo mạch văn có thể dịch là tài khéo, chuyên môn hay khôn khéo. Theo nghĩa này, người khôn là người chứng tỏ một năng khiếu trong việc thi hành một nghề nghiệp hay làm một công việc gì đó. Trong sách Xuất hành, chúng ta gặp thấy những đoạn văn nói đến những người khôn ngoan trong việc xây cất đền thờ, chẳng hạn các nhà điều khắc chạm trổ vàng bạc (x. Xh 31,1-6; 35,31.35), kể cả các phụ nữ trong công tác thêu thùa (Xh 35,25-26). Nơi khác, sự khôn ngoan cũng được áp dụng cho người thiết kế tàu bè (x. Kn 14,1-2), hoặc ký lục (x. Hc 38,24) hay chọn lựa một phương pháp thích ứng (x. Gv 1,13; 2,21; 7,23). Sự khôn khéo thủ công đạt đến tột đỉnh khi áp dụng cho Thiên Chúa tạo dựng: “Thiên Chúa đặt nền trái đất bằng sự khôn ngoan, thiết lập các tầng trời bằng sự hiểu biết” (Cn 3,19; x. Gr 51,15). Trong lãnh vực tương quan xã hội, sự khôn ngoan có thể trở thành sự lanh lợi, mưu lược, tinh thông. Ông Gióp đã mỉa mai đáp lại ông Sofar rằng: “Quý vị thật là những người quan trọng, và sự khôn ngoan sẽ chết theo quý vị!” (G 12,2). Các câu nói của các hiền nhân rất là đanh thép: “Chẳng có sự khôn ngoan, thông minh hay ý kiến nào mà chống lại được Thiên Chúa” (Cn 21,30); hoặc: “Người khôn thì học rõ đường đi, còn kẻ dại thì lạc hướng” (Cn 14,8). Khía cạnh tiêu cực này xuất hiện nơi những đoạn văn nói đến những người nghĩ rằng mình khôn nhưng hành động như kẻ khờ dại (x. G 5,13; 15,2; Cn 3,7; 26,12.16; 28,11; Hc 7,5;

37,20). Sau cùng, trong hai trường hợp, ông Gióp nói đến sự khôn ngoan của động vật, nghĩa là bản năng tinh ranh của chúng: “Ai đã ban cho chim dang sự khôn ngoan và ai đã cấp cho gà trống sự hiểu biết?” (G 38,36); còn con đà điểu vụng về thì tác giả nói: “Thiên Chúa đã làm cho nó quên sự khôn ngoan và không chia cho nó sự hiểu biết” (G 39,17). Ngay cả tác giả sách Châm ngôn cũng ca ngợi sự khôn ngoan của vài động vật bé nhỏ: con kiến, thỏ, châu chấu và thằn lằn, “chúng khôn ngoan hơn những kẻ khôn ngoan” (Cn 30,24).

Mặt khác, sự khôn ngoan thường được so sánh với sự hiểu biết, kiến thức, đạo lý. Ngoài vua Salômôn, nổi tiếng về kiến thức bách khoa, vài nhân vật trong lịch sử cũng được coi như hiền triết, chẳng hạn như Đavít (x. 2Sm 14,19), Cô-he-lét (x. Gv 12,9), Đaniel và các đồng bạn (x. Đn 1,4.17.20).

Rất nhiều đoạn văn nói đến sự khôn ngoan như một điều tốt hay một giá trị, là kết quả của một kinh nghiệm lâu dài của bản thân hay của tập thể (x. G 26,3; Gv 9,10.13). Vì thế các hiền nhân rất quý trọng sự khôn ngoan và không ngừng giới thiệu cho các môn sinh (x. Cn 5,1). Nó được sánh với một kho tàng (x. G 28,18), nhưng sẽ chẳng có ích lợi gì nếu cứ che giấu: “Nếu sự khôn ngoan mà giấu kín và kho tàng trở nên vô hình thì có ích gì? Người che giấu sự dại dột của mình thì tốt hơn người che giấu sự khôn ngoan rồi” (Hc 41,14-15). Sự khôn ngoan mang lại phẩm giá cho người sở hữu nó (x. Hc 11,1) và làm cho họ được hạnh phúc (x. Cn 3,13; Hc 3,29; 14,20), còn người nào khinh thường nó sẽ bị khốn khổ (x. Kn 3,11). Tuy nhiên, con người không trở nên khôn ngoan từ khi mới sinh, nhưng cần phải học nó (x. Cn 4,11; Hc 6,22) và phải gắng sức để thủ đắc (x. Cn 4,5). Cần có nhiều nỗ lực thì mới trở thành khôn ngoan: “Con ơi, nếu muốn thì con có thể giỏi dang, nếu dấn thân thì con sẽ trở nên tinh khôn” (Hc 6,32; x. Cn 6,6). Tiến trình học tập đòi hỏi sự cố gắng cá nhân: “Không phải sống lâu năm mà trở nên khôn ngoan, không phải cứ già đầu mà biết xét xử” (G 32,9). Trong một nền văn hóa truyền khẩu, sự khôn ngoan được truyền thụ bằng lời nói. Vì thế điều quan trọng là muốn và biết nghe: “Hãy lắng tai và nghe những lời của hiền nhân, hãy chú tâm để hiểu” (Cv 22,17; x. Hc 6,33; G 15,17-18). Nhờ quen thân với những người khôn nên ta cũng nên khôn (x. Cn 13,20; Hc 6,34), bởi vì “trong lời nói của người khôn luôn có sự khôn ngoan” (Hc 27,11) và “miệng lưỡi người khôn phát sinh điều khôn ngoan” (Cn 15,2).

Sự khôn ngoan có liên hệ chặt chẽ với thuật cai trị. Khi lâm chung, vua Đavít đã trối lại những lời khuyên cho hoàng tử Salômôn. Đề cập đến Gioáp, kẻ đã lén lút ám hại hai vị chỉ huy quân đội, vua nói: “Con hãy hành động khôn ngoan, đừng để đầu bạc của nó xuống âm phủ bình an” (1V 2,6). Không lâu sau, di chúc của vua cha đã được thi hành (x. 1V 2,28-34). Trong sách thánh, thuật cai trị là một hồng ân mà Chúa ban cho những ai cầu xin. Điều này đã xảy ra cho vua Salômôn, như đã nói trên đây. Trong sách Khôn ngoan, đức khôn ngoan chính trị là một điều mà tác giả khẩn khoản yêu cầu các vị lãnh đạo các nước (x. Kn 6,9.20-21).

Trong lãnh vực luân lý, đức cao minh (sapientia) được đồng hóa với đức khôn ngoan (prudentia), cương trực và công bình. Theo nghĩa này, khôn ngoan được hiểu về một nhân đức, điều khiển đời sống và các hành động của con người. Người khôn là người có khả năng quyết định hành động hợp với những nguyên tắc luân lý trước mặt Thiên Chúa và thân nhân. Chiều kích luân lý này đồng hóa người khôn ngoan với người công chính (đối lại với người dại dột và gian ác) rất thường gặp nơi các Châm ngôn: “Hãy cho người khôn ngoan, nó sẽ khôn ngoan hơn nữa, hãy làm cho người công chính biết, nó sẽ tăng thêm tri thức” (Cn 9,9); hoặc: “Hoa trái người công chính là cây sự sống, và người khôn ngoan chinh phục các linh hồn” (Cn 11,30).

Ngoài một nghệ thuật sống, một đường lối giáo dục toàn diện, một nhân đức rất nhân bản, sự khôn ngoan trong Kinh Thánh còn được lồng trong khung cảnh tôn giáo: đối với các hiền nhân Israel, sự khôn ngoan không phải là “sự hiểu biết về những công chuyện thần linh và nhân sinh” mà, theo học thuyết khắc kỷ, ta có thể thủ đắc nhờ học hỏi. Đối lại sự khôn ngoan thường được đồng hóa với lòng đạo đức, kính sợ Thiên Chúa. Tuy dù khởi điểm của người khôn luôn luôn là kinh nghiệm cuộc đời, nhưng họ biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng và cai quản thế giới, vì thế họ ý thức giới hạn của mình bởi vì mình chỉ là một thụ tạo. Thiên Chúa là nguồn gốc và căn nguyên của sự khôn ngoan (x. Hc 1,1.8); nhất là Thiên Chúa là Đấng hành động khôn ngoan (x. Cn 3,19; Kn 1,9; 14,5); chính Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho những ai ước mong, tuân hành hành lề luật và cầu xin cho bản thân hay cho người khác (x. Hc 6,37; 43,33; 50,23). Tóm lại, sự khôn ngoan theo Kinh Thánh đâm rễ trong truyền thống một dân tộc tin vào Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất.


VIII. ĐỨC KHÔN NGOAN ĐƯỢC ĐỒNG HÓA VỚI MỘT NHÂN VẬT


Ngoại trừ sách Giảng viên ra, tất cả các sách khôn ngoan đều có những đoạn dành cho Bà Khôn ngoan, hình ảnh rất sống động trong Kinh Thánh Do-thái. Bà hiện diện trong sách Châm ngôn (x. Cn 1,20-33; 8; 9,1-6), Gióp (x. G 28), Huấn ca (x. Hc 1,1-10;

4,11-19; 6,18-37; 14,20-15,10; 24), Khôn ngoan (x. Kn 7–9), và kể cả Baruc (x. Br 3,9–4,4) với những khuôn mặt rất khác nhau: một bé gái, người chị em, thiếu nữ, bà chủ nhà, bà mẹ và cô giáo, hướng dẫn viên, cô gái đang tuổi cập kê, hôn thê. Những khuôn mặt khác nhau nhưng luôn là hình ảnh phụ nữ. Nhiều giả thuyết đã được đề ta để giải thích lý do. Có ý kiến cho rằng bởi vì danh từ hokma tiếng Híp-ri và sophia tiếng Hy-lạp đều là giống cái. Ý kiến khác cho rằng hình ảnh phụ nữ dễ quyến rũ các môn sinh toàn là nam giới; họ đến thụ giáo để học biết cách đương đầu với cuộc sống tương lai. Ý kiến thứ ba lưu ý đến ảnh hưởng của các nữ thần – Astarte ở Canan, Siduri-Sabitu ở Babylon, Ishtar ở Phenicia, Maat ở Ai-cập, Isidis của Hy-lạp. Những ý kiến trên đây chưa giải thích thỏa đáng câu hỏi. Một hướng đi khác cho rằng thay vì dừng lại ở hình thức văn chương và từ ngữ, thì hãy mở rộng tầm nhìn đến việc nhân cách hóa trật tự vũ trụ, hoặc là nhân cách hóa mặc khải Thiên Chúa.

Trong Cn 8, Bà Khôn ngoan lên tiếng cách long trọng trong một diễn từ công khai, trong đó bà ca ngợi giáo huấn của mình và bản thân mình (x. Cn 1,20-32; 9,1-6). Bà Khôn ngoan tự nhận là một thụ tạo rất thông minh, không thể chê trách về luân lý (chê ghét tính giả dối, kiêu căng, quanh co), và quen thân những nhà lãnh đạo. Đặc biệt bà trổi vượt vì khả năng thiết lập những mối tương quan, biết cư xử với những ai yêu mến và ước ao mình. Yếu tố nổi bật nhất trong bài diễn từ này là mối tương quan ngay từ nguyên thủy giữa Thiên Chúa với đức khôn ngoan, giữa Đấng Tạo thành với thụ tạo tiên khởi. Công trình tạo dựng của Thiên Chúa có thể tóm tắt như sau: Thiên Chúa tạo dựng đức khôn ngoan và tạo dựng vũ trụ. Như vậy đức khôn ngoan và vũ trụ đều là thụ tạo tùy thuộc vào Thiên Chúa. Được Thiên Chúa tạo dựng trước vũ trụ, đức khôn ngoan đã chứng kiến công trình của Người và làm cầu nối kết giữa Thiên Chúa và loài người. Đức khôn ngoan mang tính thần linh nhưng không phải là Thiên Chúa, bởi vì do Thiên Chúa tạo dựng. Đối lại, Thiên Chúa gắn bó chặt chẽ với đức khôn ngoan nhưng Người không phải là đức khôn ngoan, bởi vì Người là đấng tạo dựng nó. Tuy vậy, Cn 8 xem ra muốn đồng hóa đức khôn ngoan với Thiên Chúa: cả hai ở gần nhau đến nỗi dễ lẫn lộn: nói tiếng như nhau, ước mong truyền thông với loài người. Đức khôn ngoan là mặc khải của Thiên Chúa, sự thông đạt của Thiên Chúa lan tràn khắp vũ trụ, trong lịch sử và cho mọi người. 

 

Chương 28 sách Gióp, tuy được coi là được thêm vào sau, là một bài thơ ca ngợi đức khôn ngoan: có người đặt trên miệng ông Gióp (x. G 27,1–28,28), có người cho là của tác giả cuốn sách, hay một kẻ vô danh hay một ca đoàn (x. G 28,1-28). Cấu trúc của bài thơ có nét đặc trưng là điệp khúc đặt lặp đi lặp lại nhiều lần: “Tìm đâu ra đức khôn ngoan (sapientia), sự hiểu biết (prudentia) nằm ở chỗ nào?” (G 28,12.20). Trong đoạn đầu tiên (câu 1-12), người công nhân, homo faber, có khả năng đi đào khoáng sản đá quý trong lòng đất, nhưng không có khả năng tìm thấy đức khôn ngoan. Đoạn thứ hai (câu 13-20) đề cao giá trị vô song của đức khôn ngoan: nó quý hơn vàng, hơn đá quý và hơn tất cả mọi tài sản trên mặt đất. Trong đoạn ba, tác giả thú nhận là không ai biết được đức khôn ngoan cư ngụ ở chỗ nào: “Duy chỉ Thiên Chúa biết được nơi ở và con đường dẫn đến đó” (câu 23). Chỗ nào vậy? Có thể đạt tới không? Những câu cuối cùng cho biết con đường: Khi Thiên Chúa xếp đặt vũ trụ, Người đã thấy nó, đã dò xét nó, đã thiết lập nó (câu 27). Như vậy đức khôn ngoan ở cùng với Thiên Chúa, tàng ẩn trong vũ trụ và loài người.

Trong Huấn ca chương 24, bà Khôn ngoan đọc một bài diễn từ mà thực sự là ca ngợi chính mình. Cũng như lời tạo dựng của Thiên Chúa ở St 1, Đức Khôn ngoan thoát ra khỏi miệng Đấng Tối cao và như sương mù, ngự trên đám mây, Bà khởi sự một chuyến du hành khắp thế giới: trải qua bầu trời, vực thẳm, biển khơi và đất liền, giống như Thiên Chúa. Mục tiêu của chuyến du hành là đi tìm một nơi để cư ngụ. Thế nhưng quyết định lại là của Đấng Tạo hóa: “Hãy cắm lều nơi Giacóp và hưởng phần sản nghiệp ở Israel” (24,8). Sau khi chấm dứt chuyến du hành, Đức Khôn ngoan trở lại thời nguyên thủy và nhắm tới tương lai vô hạn. Khôn ngoan muốn chia sẻ cuộc sống với loài người, chia sẻ hoa trái dồi dào với họ, trở nên lương thực nuôi sống họ. Từ câu 22 cho đến hết chương, không còn nghe tiếng nói của Đức Khôn ngoan nữa, và tác giả tiết lộ căn tính của Bà, được đồng hóa với Torah, lề luật mà Thiên Chúa đã trao ban cho dân Israel nhờ ông Mosê.

Trong các chương 7–9 của Sách Khôn ngoan, chân dung của Bà Khôn ngoan được giải thích qua rất nhiều hình ảnh. Trước đó, tác giả lấy danh nghĩa của Salômôn và gợi lại quang cảnh Gabaon (x. 1V 3,4-15), vì muốn trình bày Đức Khôn ngoan như kết quả của lời cầu xin; nó có giá trị hơn quyền lực, sức khỏe, sắc đẹp, ánh sáng. Hơn thế nữa, đức khôn ngoan là mẹ và nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, và bảo đảm tình thân với Thiên Chúa (x. Kn 7,1-14). Cũng như trong 1V 5,9-14 tác giả cầu khẩn Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan, bởi vì chính Người điều khiển và hướng dẫn đức khôn ngoan; chính Người ban cho kẻ khôn ngoan được thông hiểu tất cả mọi kỳ công của việc tạo dựng. Tuy nhiên, ở Kn 7,21, tác giả lại nói rằng chính Đức khôn ngoan dạy dỗ hiền nhân về những thực tại kín đáo hay tỏ tường trên thế giới, khôn ngoan là kẻ tác tạo muôn loài. Bản tính thần linh của Đức khôn ngoan được làm sáng tỏ trong Kn 7,22-8,1, tột đỉnh của việc nhân cách hóa Đức khôn ngoan, với 21 đặc tính, con số ám chỉ sự toàn thiện. Khôn ngoan hiện diện khắp nơi, bắt nguồn từ Thiên Chúa và ra như đồng hóa với Người. Nhờ mối liên kết chặt chẽ này, khôn ngoan mang trong mình tất cả những ưu phẩm của Thiên Chúa: quyền năng, vinh quang, ánh sáng, hoạt động sáng tạo. Sau khi đã mô tả các hoạt động của Đức khôn ngoan, tác giả trở lại kể chuyện đời tư của mình: khi còn trẻ vua đã yêu chuộng khôn ngoan, đã ước mong và tìm kiếm như là bạn đời (x. Kn 8,2); rồi đã cưới về để chung sống (x. Kn 8,9). Tất cả là vì yêu chuộng nàng; nhưng chỉ nguyên việc ước muốn thì chưa đủ, bởi vì không do cố gắng mà chiếm được nàng: đó là một ân huệ do Chúa ban; do đó cần phải cầu xin như chính vua Salômôn đã làm trong 1V 3,6-9. Trong lời nguyện (Kn 9,1-18), Đức khôn ngoan vượt trên Torah, và mang tầm mức hoàn vũ. Đức khôn ngoan được đồng hóa với Thần khí Chúa, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ và nhân loại, đặc biệt là những ai ước ao, tìm kiếm và yêu mến bà.

Mầu nhiệm của khôn ngoan trong Cn 8 và G 28 – một thứ khôn ngoan bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng không thể xác định căn tính và nơi chốn, thì biến mất trong Hc 24 và Br 3,9–4,4: Bà khôn ngoan không còn hình dáng phụ nữ nữa và trở thành To- rah. Tuy nhiên, đừng quên rằng Đức Khôn ngoan-Torah này đã đến trần gian và sống giữa loài người. Đó là ý tưởng đã nói trước đây ở Cn 8, Hc 24, và Kn 7. Sự tiến triển của nhân vật khôn ngoan vẫn tiếp tục theo thời gian, chẳng hạn như trong Sách các dụ ngôn (thế kỷ I sau CN), Đức khôn ngoan trở về trời bởi vì không tìm được nơi cư ngụ ở trái đất. Thay vì sống với loài người, Đức khôn ngoan sống với các thiên sứ (x. 1Hen 42,1-3).


IX. TÂN ƯỚC VÀ CÁC SÁCH KHÔN NGOAN

 

1. Chúa Giêsu và đức khôn ngoan


Các sách Khôn ngoan, cách riêng lưu truyền về đức khôn ngoan được nhân cách hóa, đã để lại một vết sâu đậm trong nhiều đoạn sách Tân Ước. Tùy theo cách thức riêng của mình, các thánh Phaolô, Mátthêu, Luca, Gioan, trình bày Đức Giêsu dạy dỗ không chỉ qua việc sử dụng những văn thể của các nhà hiền triết (x. các dụ ngôn, bài giảng trên núi, diễn từ về bánh hằng sống và nhiều châm ngôn được Người trích dẫn), nhưng còn như chính đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Các tác giả ấy đã thích nghi các bản văn Cựu Ước ngõ hầu có thể áp dụng vào bản thân Đức Giêsu.Vì thế họ gán cho Đức Giêsu những nét, những chức năng, những diễn ngữ của đức khôn ngoan được nhân cách hóa. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến chức năng vũ trụ của Đức Kitô (x. 1 Cr 1,8-6.18-31; 2,6-8; Cl 1,15-20); còn các Tin Mừng nhất lãm nhìn Đức Giêsu như bậc thầy ban những giáo huấn khôn ngoan (x. Mt 11,16–19.28-30; 12,38-42; 23,24-36 và song song). Thánh Gioan cho thấy căn tính của Đức Giêsu được phản chiếu qua lộ trình mà đức khôn ngoan đã trải qua (x. Ga 1,1-18).

Ở đoạn khởi đầu thư thứ nhất gửi các tín hữu Corintô (x. 1Cr 1,18-31) thánh Phaolô trình bày sự đối chọi giữa sự khôn ngoan giả hiệu và chân chính, nghĩa là giữa sự khôn ngoan của thế gian (được hiểu là toàn thể những suy tư luận lý, những lập luận hùng biện vô bổ) và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (là chính Đức Kitô Giêsu). Mối tương quan giữa Đức Kitô-Đức khôn ngoan được nhấn mạnh ở 1Cr 1,22-24, khi Đức Kitô chịu đóng đinh là hiện thân của đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Thay vì đồng hóa Đức Kitô với đức khôn ngoan, bản văn nêu bật sự nghịch lý của thập giá Đức Kitô: vấp phạm và điên rồ đối với người này và công cụ cứu độ đối với người kia. Ở 1Cr 1,30 thánh Phaolo không nói rằng Đức Kitô là đức khôn ngoan, nhưng ơn cứu độ đạt đến nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh. Dù sao đi nữa, những nét của đức khôn ngoan được nhân cách hóa trở nên rõ rệt hơn trong những đoạn khác của lá thư, chẳng hạn như 1Cr 2,6-8 khi thánh Phaolô mô tả đức khôn ngoan của Thiên Chúa tác động nơi bản thân của Đức Kitô với những nét mà Cựu Ước dành cho Bà Khôn ngoan (xem thêm 1Cr 8,6). Sau cùng, trong thánh thi Kitô luận ở Cl 1,15-20, thánh Phaolô sử dụng ngôn ngữ và những khái niệm của truyền thống khôn ngoan (đặc biệt là Kn 7-9) để trình bày Đức Kitô chiến thắng cái chết và làm vua vũ trụ.

Trong Tin Mừng nhất lãm, từ “khôn ngoan” xuất hiện 10 lần, luôn luôn có liên quan đến thân thế Đức Giêsu. Ngay từ buổi thiếu thời, Đức Giêsu đã trổi vượt về đức khôn ngoan (x. Lc 2,40.52), tiếng tăm về bậc thầy khôn ngoan càng tăng trong cuộc đời công khai. Dân làng ngạc nhiên về những lời dạy của Đức Giêsu, nhưng không muốn nhìn nhận uy tín của Người vì nguồn gốc gia thế tầm thường: “Từ đâu mà ông này biết những chuyện ấy? Ai đã ban cho ông sự khôn ngoan như vậy? Các phép lạ do tay ông làm thật khác thưởng?” (Mc 6,2; x. Mt 13,54). Trong vài đoạn văn của Mátthêu và Luca, thân thế Đức Giêsu gắn liền với đức khôn ngoan trong Cựu Ước: dấu chỉ Giona (x. Mt 12,38-42; Lc 11,29-32), dụ ngôn ngắn trong Mt 11,16-19 về các kinh sư và Pharisêu (x. Lc 7,31-35), Mt 11,28-30, khi Đức Giêsu lên tiếng giống như nhà hiền triết của Hc 51,23-26 (“Hãy đến với tôi...”), và sau cùng Mt 23,24-36 (x. Lc 11,49-51). Đối với nhất lãm, Đức Giêsu Nazareth, tuy giảng dạy bằng châm ngôn, cách ngôn và ẩn ý, nhưng không chỉ là một bậc thầy khôn ngoan theo lối các nhà hiền triết cổ xưa mà thôi, nhưng Người còn là hiện thân của chính đức khôn ngoan của Thiên Chúa.

Trong các văn phẩm của thánh Gioan, những hạn từ “sự khôn ngoan” và “người khôn ngoan” không hề xuất hiện, nhưng không thể phủ nhận sự hiện diện của đề tài khôn ngoan trong Tin Mừng thứ bốn. Thực vậy tác giả đã sử dụng những từ ngữ, biểu tượng và quan niệm thần học của truyền thống khôn ngoan để soạn thảo một Kitô luận sâu sắc về cuộc nhập thể. Đây là điều khác biệt giữa Gioan với các sách Tin Mừng khác. Tự ngôn của Tin Mừng thứ bốn (x. Ga 1,1-18), tuy không phải là bằng chứng duy nhất của truyền thống khôn ngoan của Cựu Ước (x. phần còn lại của Tin Mừng và các lá thư của Gioan) là một thí dụ điển hình. Tác giả mô tả Logos với những nét khôn ngoan và gán cho Người những chức năng của đức khôn ngoan. Ngoài ra, chuyển động văn chương và thần học của tự ngôn rất giống với Hc 24,8. Trong cả hai trường hợp ta thấy một chuyển động từ trên xuống (vào hồi nguyên thủy, Logos và Đức Khôn ngoan ở với Thiên Chúa trên trời, và sau đó xuống đất); Ga 1,14 (Logos “cư ngụ giữa chúng ta” nghĩa là “cắm lều giữa chúng ta”) là sự ám chỉ về Hc 24,8 (“Bấy giờ Đấng Tạo hóa [...] nói [với Đức Khôn ngoan]: Hãy dựng lều ở Giacóp”). Như vậy tác giả sử dụng một từ ngữ trừu tượng Logos thay cho tên riêng Giêsu; thực vậy tất cả đều muốn trình bày lịch sử của Con Thiên Chúa, gợi lên hình ảnh của đức khôn ngoan được nhân cách hóa.

 

2. Việc trích dẫn các sách Khôn ngoan trong Tân Ước 

 

Sách Châm ngôn rất được các thế hệ Kitô hữu đầu tiên quý trọng, như ta thấy qua những trích dẫn (khoảng 100 lần, tính cả những trích dẫn gián tiếp và ám chỉ) trong Tân Ước. Chúng tôi xin kể vài thí dụ. Tác giả của lá thư thứ hai của thánh Phêrô quy chiếu về Cn 26,11 nói về các thầy giả hiệu: “Điều xảy ra cho họ thật đúng với câu ngạn ngữ sau đây: Chó mửa ra, cho liền ăn lại và Heo tắm xong, heo nhảy vào bùn” (2Pr 2,22). Nói chung, các thánh tông đồ sử dụng các châm ngôn để dạy dỗ các tín hữu biết sống theo ý muốn của Thiên Chúa: quảng đại ban phát tùy theo khả năng của mình (x. Cn 3,27 và 2Cr 8,12), giữ thái độ khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và tha nhân (x. Cn 3,34 và Gc 4,6; 1Pr 5,5), kính sợ Chúa và nhà vua (x. Cn 24,21 và 1Pr 2,17), uốn nắn những con đường quanh co (x. Cn 4,26 và Hr 12,13), cung cấp lương thực cho kẻ thù địch đói khát (x. Cn 25,21-22 và Rm 12,20). Tác giả thư Híp-ri nhắn nhủ các tín hữu của mình bằng lời khuyên của Cn: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Hr 12,5-6).

Trong Tân Ước, sách Gióp được trích khoảng 80 lần, tuy nhiên chính nhân vật ông Gióp thì chỉ được đề cập một lần vào cuối thư của Giacôbê: “Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì (hypomoné) của ông Gióp và đã thấy kết quả cuối cùng là công trình của Chúa” (Gc 5,11). Lời khuyên của thánh tông đồ, thoạt tiên ra như củng cố hình ảnh cổ truyền của ông Gióp nhẫn nại được Thiên Chúa ban thường, nhưng được hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn. Hạn từ tiếng Hy-lạp hypomoné gốc bởi động từ hypoméno, có nghĩa là “đứng ở dưới”, tức là “chống đỡ, chịu đựng, bền chí”. Vì thế, theo nhãn quan của thánh Giacôbê, ông Gióp trở thành một ngôn sứ đích thực, một con người ở giữa vòng xoáy của thử thách và đau khổ đã biết khám phá những dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa và mong chờ Người tỏ hiện.

Mặc dù sách Giảng viên không hề được trích dẫn minh thị trong Tân Ước, nhưng có 12 đoạn văn ám chỉ hoặc cho thấy có sự tiếp xúc, đáng được nghiên cứu sâu xa hơn. Chúng tôi chỉ đưa ra ba thí dụ. Lời dạy của Đức Giêsu về việc cầu nguyện: “Khi cầu nguyện, các con đừng rậm lời như dân ngoại” (Mt 6,7; x. Gc 1,19) nhắc nhớ lời khuyên của Giảng viên về việc sử dụng lời lẽ ôn tồn khi bàn về tương quan với Thiên Chúa trong đoạn văn duy nhất đề cập đến tôn giáo (x. Gv 4,17-5,6). Lời khuyên của thánh Giacôbê “Mỗi người hãy [...] chậm nóng giận” (Gc 1,19) rất gần gũi với Gv 7,9: “Đừng dễ bực tức trong lòng, bởi vì sự bực tức nằm trong lòng những kẻ ngu dại”. Những lời của ông nhà giàu khờ dại trong dụ ngôn của Luca – “Tốt lắm, bây giờ ngươi có đủ lương thực dự trữ cho nhiều năm. Hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc đi” (Lc 12,19) – vọng lại những lời của người khôn: “Thế rồi tôi đã tán dương sự vui mừng, bởi vì con người không có gì tốt lành dưới mặt trời, ngoại trừ ăn uống và hưởng lạc” (Gv 8,15).

Trong Tân Ước không thấy chỗ nào trưng dẫn sách Huấn ca, cũng chẳng nhắc đến tác giả hay tác phẩm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một vài điểm tương đồng về từ ngữ và chủ đề. Ngoài các sách Tin Mừng Mátthêu và Luca, tự ngôn của thánh Gioan, các thư của thánh Phaolô và thư gửi Híp-ri, thì thư của thánh Giacôbê là văn phẩm Tân Ước gần gũi với Huấn ca hơn cả. Trong số nhiều lần tiếp xúc giữa hai tác phẩm (khoảng chừng 10 lần) nổi bật nhất là sự gần gũi về văn chương, chủ đề và khung cảnh nối kết Hc 2,1-18 và Gc 1,2-12, hai đoạn văn ra đời trong những thời đại và hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng cho thấy một xã hội đang bị khủng hoảng. Đoạn sách Huấn ca xem ra nói đến ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp đang lan tràn giữa người Do-thái tại Giêrusalem, còn đoạn văn Giacôbê hướng đến các Kitô hữu gốc Do-thái sống ở hải ngoại. Nơi cả hai đoạn văn, những thử thách cho Chúa gửi đến có thể giúp cho người tín hữu trung tín giữ luật, như là phương thế thanh luyện nội tâm, tăng trưởng đức tin và nguồn mạch cho niềm vui. Nên ghi nhận một vài điểm chung giữa hai câu đầu tiên trong hai đoạn văn đang bàn: cả hai đều là những lời khuyên, ở thể mệnh lệnh cũng như thuật ngữ peirasmós (thử thách): “Con ơi, nếu muốn phụng sự Thiên Chúa, con hãy chuẩn bị đón nhận thử thách” (Hc 2,1) và “Này anh em, hãy vui mừng khi gặp thử thách gian truân” (Gc 1,2); cả hai đều là lời khuyên của một vị thầy luôn sẵn sàng giúp đỡ môn sinh trong cảnh hoạn nạn.

Tuy không lần nào trích dẫn trực tiếp sách Khôn ngoan, nhưng xem ra không thể chối được là Tân Ước, đặc biệt là thánh Gioan và thánh Phaolô, đều chịu ảnh hưởng của nó khi đề cập đến vài chủ đề (chẳng hạn về sự xuất hành ở Gioan). Rất có thể là vài tác giả Tân Ước đã đọc sách Khôn ngoan, bởi vì họ sử dụng bản Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp bắt nguồn từ Alexandria, nơi mà chắc chắn là sách này được phổ biến. Án bản Tân Ước của Nestlé-Aland trưng dẫn đến gần 100 đoạn văn liên hệ đến sách Khôn ngoan, trong đó ta có thể kể đến: Rm 5,12 (x. Kn 2,24), Hr 1,3 (x. Kn 7,25) và Mt 27,43 (x. Kn 2,18).


X. CÁC SÁCH KHÔN NGOAN VÀ VĂN HÓA THỜI NAY


Thời nay, tầm quan trọng của một cuốn sách cổ xưa thường được đánh giá qua khả năng mà nó còn tác dụng đến hiện tại. Theo nghĩa này, chắc hẳn các sách khôn ngoan mang tính rất hiện đại. Những sách này đề cập những đề tài căn bản của cuộc sống con người dưới nhiều phương diện mang tính cách hiện sinh, và đó là một đặc trưng của văn hóa thời nay. Các sách khôn ngoan thâu nhận tất cả những vấn đề của con người, vì thế có thể trở thành chiếc cầu dẫn đưa con người thời nay vào Kinh Thánh, cho dù họ không tin vào Thiên Chúa đi nữa nhưng tin vào con người (x. bài viết của Luca Mazzinghi kết thúc số báo này).

Các sách Châm ngôn, Gióp, Giảng viên, Huấn ca và Khôn ngoan, đều mời gọi, bằng những đường lối khác nhau, hãy nhìn vào con người và thế giới của con người, trong đó phản ánh Thiên Chúa. Các sách này khuyến khích hãy tìm kiếm đức khôn ngoan như sự thiện tối cao, cảnh giác những khó khăn và thử thách trên hành trình ấy, và mô tả cách thi vị cuộc gặp gỡ đức khôn ngoan, một cuộc gặp gỡ mang lại bình an, hoan lạc, hạnh phúc sâu xa, và nói cho cùng, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Lời mời này được đặc biệt hướng đến các bạn trẻ, những người còn trong giai đoạn đào tạo. Cuộc đời của họ vẫn còn là một công trường đang thi công, một dự án còn đang hoàn thành, một hành trình vừa mới khởi đầu, vì thế họ cần được học cách thức dự phòng và đương đầu với mọi điều có thể xảy ra. Đức khôn ngoan của Kinh Thánh, được hiểu như một hành trình đào tạo, dạy cho ta biết hãy giữ mối tương quan sâu xa với chính mình, một mối tương quan chiều ngang với vạn vật và môi trường hoạt động, một mối tương quan 360 độ với tha nhân chung quanh ta, và sau cùng, một tương quan chiều dọc với Thiên Chúa (De Carlo).

Ngoài chiều kích sư phạm và đào tạo, đức khôn ngoan của Kinh Thánh còn hiện đại bởi vì là dụng cụ đối thoại cho phép gần gũi với những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Thoạt tiên, xem ra đức khôn ngoan nhìn đến vũ trụ, lý trí, con người, đến những yếu tố chung của nhân loại, thì đối lại với đức tin, dựa trên mặc khải và gắn liền với một lịch sử và truyền thống đặc thù (Milani). Tuy nhiên, có thể kết hợp cả hai thực tại ấy mà không làm suy giảm đặc trưng của mỗi bên, nếu ta biết đọc đức tin với cặp mắt của đức khôn ngoan. Các sách khôn ngoan diễn tả ra những từ ngữ và phạm trù phổ quát những kinh nghiệm đặc thù của đức tin, nhờ đó giúp cho cuộc đối thoại liên tôn, một công tác không chỉ dành cho các cơ quan chuyên môn của Giáo hội hoặc các trung tâm thần học, nhưng còn hướng đến



những người khác, cách riêng là các bạn trẻ, đang khát mong xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó các giá trị phổ quát giữ ưu thế, bên trên những lợi ích địa phương hoặc ý thức hệ. Tác giả sách Khôn ngoan có lý khi tuyên bố rằng: “Thế giới được cứu vớt nhờ đông đảo những người khôn ngoan (nghĩa là những người công chính” (Kn 6,24).


THƯ MỤC


L. Alonso Schokel - J. Vilchez Lindez, Proverbi, Borla, Roma 1988 - J. Auneau (ed.), I Salmi e gli altri Scritti, Boria, Roma 1991 – É. Beaucamp, I sapienti d'Israele o il problema dell'impegno, Paoline, Milano 1991 - P. Beauchamp, L'uno e l'altro Testamento. Saggio di lettura, Paideia, Brescia 1985, 123-155 - D. Bergant, Israel's wisdom literature. A liberation-critical reading, Fortress Press, Minneapolis 1997 - A. Bonora - M. Priotto, Libri sapienziali e altri scritti, Elledici, Leumann (To) 1997 - D.K. Berry, An Introduction to Wisdom and Poetry of the Old Testament, Broadman and Holman, Nashville (Tn) 1995 - N. Calduch- Benages, Il profumo del Vangelo. Gesù incontra le donne, Paoline, Milano 2007 - C.V. Camp, Wisdom and the Feminine in the Book of Proverbs, JSOT Press, Sheffield 1985 - Ead., Woman Wisdom as Root Metaphor. A Theological Consideration, in K. Hoglund e altri (ed.), The Listening Hean, JSOT Press, Sheffield 1987, 45-76 - R.J. Clifford, The Wisdom Literature, Abingdon Press, Nashville (TN) 1998 - J.L. Crenshaw (ed.), Studies in Ancient Israelite Wisdom, KTAV, New York 1976 - Id., Old Testament Wisdom. An Introduction, SCM Press, London 19982 - J. Day - R. Gordon - H. G.M. Williamson (ed.), Wisdom in Ancient Israel, University Press, Cambridge 1997 - G. De Carlo, «Ti indico la via». La ricerca della sapienza come itinerario formativo, Dehoniane, Bologna 2003 - A.-M. Dubarle, Les Sages d'Israël, Cerf, Paris 1946 - J.G. Gammie e altri (ed.), lsraelite Wisdom, Scholars Press, Missoula (MT) 1978 - J.G. Gammie -

L.G. Perdue (ed.), The Sage in Israel and in the Ancient Near East, Eisenbrauns, Winona Lake (IN) 1990 - M. Gilbert (ed.), La Sagesse dans l'Ancien Testament, Leuven University Press, Leuven 19902 - Id., La Sapienza del cielo. Proverbi, Giópbe, Qohèlet, Siracide, Sapienza, San Paolo, Cinisello B. (Mi) 2005 - M. Gilbert - J.-N. Aletti, La sapienza e Gesù Cristo, Gribaudi, Torino 1981 - J. Leclant (ed.), Les Sagesses du proche-orient ancien, Presses Universitaires, Parigi 1963 - M. Milani (ed.), La via "sapienziale" e il dialogo interreligioso. Rischio e tensioni fra la singolarità della Rivelazione e la sua universalizzazione, Dehoniane, Bologna 1996 - V. Moria Asensio, l libri sapienziali, Paideia, Brescia 1997 - R.E. Murphy, Wisdom Literature. Job, Proverbs, Ruth, Canticles, Ecclesiastes and Esther, Eerdmans, Grand Rapids (Mi) 1981 - Id., L'albero ddla vita. Una esplorazione della letteratura sapienziale biblica, Queriniana, Brescia 1993 - A. Niccacci, La casa ddla sapienza. Voci e volti della sapienza biblica, San Paolo, Cinisello

B. (Mi) 1994 - M. Noth - D. Thomas (ed.), Wisdom in Israel and in the Ancient Near East, Brill, Leiden 1955 - L. G. Perdue (ed.), In Search of Wisdom, Westrninster John Knox, Louisville (KY) 1993 - G. von Rad, La Sapienza in Israele, Marietti, Genova 19953 - G.T. Sheppard, Wisdom as an Hermeneutical Construct. A Study in the Sapientializing of the Old Testament, de Gruyter, Berlin-New York 1980 - P.W. Skehan, Studies in Israelite Poetry and Wisdom, Catholic Biblical Association, Washington 1971 - J. Trublet (ed.), La Sagesse biblique. De l'Ancien au Nouveau Testament, Cerf, Parigi 1995 - A. Vanel et al., Alle radici della sapienzia, Gribaudi, Torino 1978 - R.N. Wybray, The Intellectual Tradition in the Old Testament, de Gruyter, Berlin-New York 1974.

 

[1] G. von Rad, Weisheit in Israel, Neukirchener Verlag, Neukirchen-Vluyn, 1970. Tác phẩm này được dịch ra nhiều ngôn ngữ.

 

https://www.thoisuthanhoc.net/2024/05/khon-ngoan-trong-kinh-thanh.html


 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét