BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (19.07.2015) - Trông thấy, cảm thương và dậy dỗ Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (22.07.2012) - Thiên Chúa chữa lành |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (18.07.2021) - Người môn đệ cần nghỉ ngơi và có lòng trắc ẩn
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thái độ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng giúp chúng ta nắm bắt được hai khía cạnh quan trọng của cuộc sống. Đầu tiên là sự nghỉ ngơi. Các Tông đồ trở về sau hoạt động truyền giáo và phấn khởi kể lại tất cả những gì các ông đã làm, Chúa Giêsu dịu dàng đáp lại bằng một lời mời gọi: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (c 31). Đây là một lời mời gọi nghỉ ngơi.
Khi làm như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta một lời dạy quý giá. Mặc dù vui khi thấy các môn đệ hoan hỉ vì những điều kỳ diệu của việc rao giảng, nhưng Chúa không dành thời gian cho những lời khen ngợi và đặt câu hỏi, nhưng quan tâm đến sự mệt mỏi về thể chất và nội tâm của các môn đệ. Chúa muốn các ông ý thức về một mối nguy hiểm luôn rình rập, ngay cả với chúng ta. Đó là để bản thân bị lôi cuốn vào vòng xoáy làm việc điên cuồng, rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa hoạt động. Để rồi, điều quan trọng nhất đối với chúng ta chỉ là hiệu quả của công việc và cảm giác mình là nhân vật chính tuyệt đối”. Điều này cũng thường xảy ra trong Giáo hội. Chúng ta bận rộn, chúng ta chạy loanh quanh, chúng ta nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta, và cuối cùng, chúng ta có nguy cơ bỏ Chúa. Đó là lý do vì sao Chúa mời các môn đệ nghỉ ngơi riêng một chút với Người. Đây không chỉ là sự nghỉ ngơi thể chất, mà còn là sự nghỉ ngơi của con tim. Vì nếu chỉ ‘rút phích cắm’ thôi thì chưa đủ, chúng ta cần nghỉ ngơi thực sự. Và để làm được điều này, chúng ta cần quay trở lại trọng tâm của mọi sự: dừng lại, thinh lặng, cầu nguyện, để kế hoạch điên cuồng của công việc không ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của chúng ta. Chúa Giêsu không từ chối nhu cầu của đám đông, trái lại mỗi ngày, trước hết, Người rút lui trong cầu nguyện, trong thinh lặng, trong tình thân mật với Chúa Cha. Lời mời dịu dàng của Chúa – hãy nghỉ ngơi đôi chút – phải đồng hành với chúng ta: chúng ta hãy thận trọng với thái độ chỉ quan tâm đến hiệu quả, chúng ta hãy dừng lại cuộc chạy đua điên cuồng của quyết định cho các chương trình nghị sự. Chúng ta hãy học cách tạm dừng, tắt điện thoại di động để nhìn thẳng vào mắt mọi người, trau dồi sự thinh lặng, chiêm ngắm thiên nhiên, tái tạo bản thân trong cuộc đối thoại với Chúa.
Tuy nhiên, Tin Mừng thuật lại rằng, Chúa Giêsu và các môn đệ không thể nghỉ ngơi như ý muốn. Mọi người tìm thấy Chúa và các môn đệ và từ khắp các thành đổ xô đến. Tại thời điểm đó, Chúa chuyển sang lòng trắc ẩn. Đây là khía cạnh thứ hai của cuộc sống người môn đệ: lòng trắc ẩn, và đây cũng là phong cách của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta thấy trong Phúc âm thuật lại câu: “Ngài chạnh lòng thương dân chúng”. Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu trao ban chính mình cho dân chúng và tiếp tục giảng dạy. Điều này tưởng chừng là mâu thuẫn, nhưng thực sự không phải vậy. Thực tế, chỉ có trái tim không để mình bị cuốn đi bởi sự vội vàng, mới có khả năng xúc động, nghĩa là không để mình bị cuốn theo những việc cần làm, nhưng để ý đến người khác, vết thương và nhu cầu của họ. Lòng trắc ẩn nảy sinh từ việc chiêm niệm. Nếu chúng ta học cách nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có lòng trắc ẩn thực sự; nếu chúng ta trau dồi một cái nhìn chiêm niệm, chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động của mình, không có thái độ thô bạo của những kẻ muốn chiếm hữu và tiêu thụ mọi thứ; nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không làm cho nơi sâu thẳm nhất của chúng ta bị gây mê, thì những việc cần làm sẽ không có quyền lấy đi hơi thở của chúng ta và nuốt chửng chúng ta. Chúng ta cần một “hệ sinh thái của trái tim” được tạo thành từ nghỉ ngơi, chiêm niệm và lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy dành thời gian nghỉ hè hiện tại cho điều này. Nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều.
Và bây giờ, chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã nuôi dưỡng sự thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm, và luôn động lòng trắc ẩn dịu dàng đối với những người con của Mẹ. Amen.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (22.07.2018) - Chúa Kitô là Chân Lý hướng dẫn cuộc sống chúng ta
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay (Mc 6: 30-34) tường thuật cho chúng ta thấy các tông đồ, sau sứ vụ đầu tiên của các ông, các ông tụ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy (c.30). Sau khi trải nghiệm sứ vụ, chắc chắn các ông có nhiều điều thú vị nhưng cũng không tránh sự mệt mỏi, các ông có nhu cầu nghỉ ngơi. Và Chúa Giêsu, với đầy sự hiểu biết, quan tâm đến các tông đồ, muốn bảo đảm cho các ông một chút nhẹ nhõm, an ủi; Chúa nói: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (c.31). Nhưng lần này ý định của Chúa Giêsu không thể thực hiện được bởi đám đông đoán được nơi vắng vẻ mà Chúa Giêsu cùng với các môn đồ sẽ dùng thuyền đi đến đó; họ đã đến trước khi Chúa và các tông đồ đến.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra hôm nay. Đôi khi chúng ta không thể thực hiện được các kế hoạch, hoạt động của chúng ta, bởi vì một điều bất ngờ xảy ra, một điều chúng ta không thể biết trước, làm xáo trộn các chương trình của chúng ta và đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng cho nhu cầu của người khác. Trong những trường hợp này, chúng ta được mời gọi noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu đó là: “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng rất đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều” (c. 34).
Với câu ngắn này, tác giả Tin Mừng cho cho chúng ta một tia sáng với cường độ nhẹ để chúng ta có thể chụp ảnh đôi mắt của Thầy Chí Thánh và Lời giảng dạy của Ngài. Chúng ta hãy quan sát ba động từ: thấy, động lòng thương, dạy dỗ. Chúng ta có thể gọi các động từ này là động từ của vị Mục Tử. Cái nhìn của Chúa Giêsu không phải là một cái nhìn trung lập hoặc tệ hơn, lạnh lùng và xa cách, bởi vì Chúa Giêsu luôn nhìn bằng con mắt của trái tim. Trái tim dịu dàng và tràn đầy sự cảm thông của Chúa Giêsu hiểu được những nhu cầu còn ẩn giấu nơi con người. Hơn nữa, lòng trắc ẩn của Ngài không chỉ đơn giản là một phản ứng của tình cảm, cảm xúc đối với tình trạng khó khăn của dân chúng, nhưng còn hơn thế nữa: đó là thái độ của Thiên Chúa đối với con người và lịch sử của con người. Chúa Giêsu xuất hiện như hiện thân của sự quan tâm, ân cần của Thiên Chúa đối với dân Ngài.
Chúa Giêsu xúc động khi thấy tất cả dân chúng cần được hướng dẫn và trợ giúp, người ta hy vọng rằng Ngài sẽ thực hiện một phép lạ nào đó. Nhưng không, trái lại Ngài dạy họ nhiều điều. Đây là chiếc bánh đầu tiên mà Đấng Mêsia cung cấp cho đám đông đang đói khát và bất ổn: bánh của Lời.
Tất cả chúng ta đều cần lời chân lý, sự thật hướng dẫn và soi sáng hành trình. Không có sự thật là chính Chúa Kitô, chúng ta không thể tìm được hướng đi đúng cho cuộc sống. Khi chúng ta rời xa Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài, chúng ta đánh mất chính mình và sự hiện hữu biến thành thất vọng và bất mãn. Với Chúa Giêsu ở bên chúng ta có thể tiến bước một cách chắc chắn, chúng ta có thể vượt qua các thử thách, chúng ta tiến lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho người thân cận. Chúa Giêsu tự hiến mình là một món quà cho người khác, do đó trở thành một mẫu gương của tình yêu và phục vụ cho mỗi người chúng ta.
Xin Đức Maria rất thánh giúp chúng ta thực hành các vấn nạn, đau khổ và khó khăn của người thân cận, qua thái độ chia sẻ và phục vụ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (19.07.2015) - Trông thấy, cảm thương và dậy dỗ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta rằng Các Tông Đồ đã trở về hài lòng, nhưng mệt mỏi sau kinh nghiệm truyền giáo. Và Chúa Giêsu tràn đầy thương xót muốn cho các ông một chút củng cố; vì thế Ngài đưa các ông đi riêng ra trong một nơi thanh vắng, để các ông có thể nghỉ ngơi một chút (x, Mc 6,31) “Nhưng nhiều người trông thấy các ngài ra đi, họ hiểu… và đi tới trước các ngài” (c. 32). Tới đây thánh sử cống hiến cho chúng ta một hình ảnh của Chúa Giêsu đặc biệt sâu đậm, như thể là chụp hình các con mắt của Chúa, và tiếp nhận các tâm tình của con tim Ngài; và thánh sử nói: Xuống thuyền Ngài trông thấy một đám đông lớn, Ngài cảm thương họ, bởi vì họ như chiên không có người chăn, và Ngài bắt đầu giảng dậy họ nhiều điều (c. 34).
Chúng ta hãy lấy lại ba dộng từ của hình ảnh gọi hứng này: trông thấy, cảm thương và dậy dỗ. Chúng ta có thể gọi chúng là các động từ của vị Mục Tử. Trông thấy, cảm thương và dậy dỗ. Động từ thứ nhất và thứ hai, trông thấy và cảm thương luôn luôn được kết hiệp trong thái độ của Chúa Giêsu. Thật thế, cái nhìn của Ngài không chỉ là cái nhìn của một nhà xã hội học hay của một phóng viên chụp hình, bởi vì Ngài luôn “nhìn với đôi mắt của con tim”. Hai động từ trông thấy và cảm thương diễn tả gương mặt Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Sự cảm thương của Ngài không phải là một tâm tình nhân loại, nhưng là sự cảm xúc của Đấng Cứu Thế, nơi Người nhập thể sụ dịu hiền của Thiên Chúa.Và từ lòng cảm thương này nảy sinh ra ước muốn của Chúa Giêsu dưỡng nuôi đám đông với bánh Lời Ngài, nghĩa là giảng dậy Lời Chúa cho dân chúng. Chúa Giêsu trông thấy, Chúa Giêsu cảm thương, Chúa Giêsu giảng dậy. Điều này thật là đẹp!
Và tôi đã xin Chúa rằng Thần Khí của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn tôi trong chuyến tông du, mà tôi đã hoàn thành tại các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay. Tôi cảm tạ Chúa với tất cả tâm lòng vì món quà này. Tôi xin cám ơn các dân tộc của ba nước vì sự tiếp đón trìu mến nồng hậu và hứng khởi của họ. Tôi tái bầy tỏ lòng biết ơn các chính quyền ba nước vì sự tiếp đón và cộng tác của họ. Với tất cả lòng trìu mến tôi xin cám on các anh em Giám Mục, các linh mục, các người sống đời thánh hiến và dân chúng vì đã tham gia một cách nồng nhiệt. Với các anh chị em này tôi đã chúc tụng Chúa vì các điều tuyệt diệu Ngài đã làm trong Dân Chúa trên con đường trần gian, vì đức tin đã và đang linh hoạt cuộc sống và nền văn hóa của nó. Và chúng tôi cũng đã chúc tụng Chúa vì các vẻ đẹp thiên nhiên, mà Ngài đã rộng ban cho các quốc gia này. Đại lục Mỹ latinh có các tiềm năng nhân bản và tinh thần lớn lao, nó giữ gìn các giá trị kitô đã đâm rễ sâu nơi đây, nhưng cũng sống các vấn đề xã hội và kinh tế nghiêm trọng. Để góp phần vào giải pháp cho nó, Giáo Hội đã dấn thân huy động các lực lượng tinh thần và luân lý của các cộng đoàn của mình bằng cách cộng tác với tất cả các thành phần xã hội. Trước các thách đố lớn mà việc loan báo Tin Mừng phải đương đầu, tôi đã mời gọi kín múc nơi Chúa Kitô ơn thánh cứu rỗi và trao ban sức mạnh cho dấn thân của chứng tá kitô, phát triển việc phổ biến Lời Chúa, để tôn giáo tính cao độ của các dân tộc này có thể luôn luôn là chứng tá trung thành của Tin Mừng.
Tôi phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, mà toàn châu Mỹ Latinh tôn kính như Bổn Mạng với tước hiệu Đức Bà Guadalupe, các hoa trái của chuyến tông du không thể quên được này.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (22.07.2012) - Thiên Chúa chữa lành
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa Chúa Nhật tuần này một lần nữa trình bày với chúng ta một chủ đề cơ bản và luôn hấp dẫn trong Kinh Thánh; chủ đề nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là Mục Tử của chúng ta. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn cho chúng ta sự sống, Người muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được dưỡng nuôi vàn nghỉ ngơi. Thiên Chúa không muốn chúng ta bị hư mất và chết đi, nhưng muốn chúng ta đạt mục đích của con đường đời là sự sống tràn đầy. Đó là điều mà mọi cha mẹ đều muốn cho con cái mình: thiện ích, hạnh phúc và thành đạt.
Trong Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu tự giới thiệu như Mục Tử của đoàn chiên lạc nhà Israel. Cái nhìn của Người trên đám động là một cái nhìn có thể nói là “mục tử”. Chẳng hạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay nói rằng: “khi xuống thuyền Chúa Giêsu trông thấy một đám đông dân chúng, Người cảm thương họ, bởi vì họ như chiên không có chủ chăn, và Người bắt đầu dậy đỗ họ rất nhiều điều” (Mc 6,34). Chúa Giêsu nhập thể Thiên Chúa Mục Tử với kiểu giảng dậy của Người và với các việc Người làm, bằng cách chữa lành các ngươi đau yếu và tội lỗi, săn sóc những người đã bị hư mất” (x. Lc 19,10), để đem họ tới chỗ an ninh trong tình xót thương của Thiên Chúa Cha.
Trong số các chiên lạc mà Chúa Giêsu đã cứu vớt cũng có một phụ nữ tên là Maria, gốc làng Madgala, trên bờ hồ Galilea, và gọi là Maria Madalena. Hôm nay là lễ nhớ bà trong lịch phụng vụ của Giáo Hội. Thánh sử Luca nói rằng Chúa Giêsu đã đuổi bảy quỷ dữ ra khỏi bà (x. Lc 8,2), nghĩa là Người cứu bà khỏi sự nô lệ hoàn toàn của kẻ dữ. Sự chữa lành sâu thẳm mà Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Giêsu hệ tại điều gì? Sự chữa lành ấy hệ tại nơi một sự bình an đích thực, trọn vẹn, hoa trái của sự hòa giải con người trong chính mình, và trong tất cả mọi tương quan của nó: với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới. Thật vậy, kẻ dữ luôn tìm phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác và linh hồn, giữa con người và Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Kẻ dữ gieo rắc chiến tranh; Thiên chúa tạo dựng hòa bình. Còn hơn thế nữa, như thánh Phaolô khẳng định, “Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, Đấng đã liên kết hai dân tộc thành một, bằng cách phá đổ bức tường ngăn cách chia rẽ họ, nghĩa là sự thù ghét, nhờ thân xác của Người” (Ep 2,14). Để chu toàn công trình hòa giải triệt để ấy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, đã phải trở thành Chiên Con, “Chiên Con Thiên Chúa... Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29). Chỉ như thế Người đã có thể thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Thánh Vịnh: “Vâng, lòng lành và sự trung thành cụa Chúa sẽ đồng hành với con, mọi ngày trong suốt cuộc đời, con sẽ ở trong nhà Chúa, những ngày tháng những năm dài triền miện” (Tv 23, 6).
Các bạn thân mến, các lời này khiến cho con tim của chúng ta rung động, bởi vì chúng diễn tả ước mong sâu thẳm nhất của chúng ta, chúng nói lên những gì được làm nên cho chúng ta: đó là sự sống, sự sống vĩnh cửu! Chúng là các lời của người, như bà Maria Madalena, đã sống kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc đời mình và hiểu biết niềm an bình của Chúa. Đó là các lời đích thật hơn bao giờ hết trên miệng lưỡi của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã luôn luôn sống trong các đồng cỏ Trời Cao, nơi Chiên Con Mục Tử đã chăn dắt Người.
Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, hòa bình của chúng ta, cầu cho chúng ta!
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét