Trang

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2025

Giải nghĩa Thánh vịnh 102 – CN 3 MC C

 


THÁNH VỊNH 102

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C

1. Bối cảnh

Trong Chúa Nhất VII Thường Niên – Năm C, chúng ta đã có dịp cùng nhau suy niệm Thánh vịnh 102 mà chúng ta vừa nghe khúc dạo đầu. Để có thể hiểu sâu hơn chúng ta đặt Thánh vịnh này trong mối tương quan với thánh vịnh trước nó và những thánh vịnh sau nó. Nếu thánh vịnh 101 trình bày lời than van rên siết trong cảnh gian truân khốn khổ, thì Thánh vịnh 102 cùng với 4 thánh vịnh tiếp đó diễn tả lời tán tụng tạ ơn Chúa. Thánh vịnh 102 chi phối và đụng chạm tới những vấn đề lớn của đời sống đức tin như tội lỗi và ơn tha thứ, bệnh tật và ơn chữa lành, áp bức và biện hộ, tính phải chết của phận người và sự vĩnh cửa Thiên Chúa. Toàn bộ thánh vịnh này được xây dựng trên nền tảng quyền năng siêu phàm và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

2. Bố cục

Thánh vịnh 102 gồm có 22 câu và được chia thành năm phần:

– Trước hết, phần nhập đề là lời kêu gọi chúc tụng Chúa (cc. 1-2).

– Phần thứ hai diễn tả lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đối với cá nhân Vịnh gia (cc. 3-8).

– Phần thư ba diễn tả lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đối với dân Ít-ra-en (cc. 9-16).

– Phần thứ tư trình bày tình thương vô biên của Chúa đối với toàn thể nhân loại (cc. 17-19).

– Phần kết khép lại cũng với lời kêu mời toàn thể vũ trụ chúc tụng Chúa (cc. 20-22).

3. Ý nghĩa

Vịnh gia khởi đầu và kết thúc cùng một lời chúc tụng: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” Từ cái nội tâm sâu xa nhất của con người, Vịnh gia cất lên lời tán tụng Chúa. Sau khi chính bản thân cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương, thứ tha và chữa lành, Vịnh gia trình bày lòng từ bi của Chúa đối với toàn thể con cái nhà Ít-ra-en.

Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu,

Người chậm giận và giầu tình thương,

chẳng trách cứ luôn luôn

Không oán hờn mãi mãi. (Tv 102, 8)

Trong sách Xuất hành, chính Chúa tỏ cho Mô-sê và toàn dân biết Người là Đấng yêu thương thứ tha: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6; Tv 102,8).

Kế tiếp, với ba hình ảnh gần gũi và sống động, Vịnh gia phác hoạ tình thương vĩ đại của Thiên Chúa dành cho tất cả nhân loại (cc. 11-13).

“Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,

tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái,

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” (Tv 102,11-13)

Quả thật, Chúa thương xót con người vì con người thân phận mỏng manh yếu đuối như chiều tà bóng ngả, cỏ úa vàng khô (x. Tv 101,12; Tv 89,5-6; Is 40,6-8).

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

 tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

một cơn gió thoảng là xong,

chốn xưa mình ở cũng không biết mình. (Tv 102, 15-16)

Sau cùng, thánh vịnh này khép lại với lời mời gọi toàn thể vũ trụ, các vì thiên sứ cùng toàn thể thiên bình và muôn vật được tạo thành chúc tụng Chúa, Đấng Tạo Hoá uy linh cao cả, “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương” (c. 8).

4. Truyền thống cầu nguyện

Với tâm tình tán tụng và biết ơn tình phụ tử bao la của Chúa, Thánh vịnh 102, dẫn chúng ta vào trung tâm sứ điệp của Lời Chúa trong Chúa Nhật III Mùa Chay hôm nay. Khi chúng ta cầu nguyện với thánh vịnh này trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá, chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt tuyệt mỹ của lòng Chúa thương xót nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng bị đâm thâu. Nhờ Người mà chúng ta những con người tội lỗi và yếu hèn có thể cảm nhiệm sâu sắc ân sủng và ơn thứ tha mà Chúa dành cho chúng ta từng phút giây trong đời. Nếu không có Đức Giêsu sự sống mới không bao giờ đến với chúng ta. Nếu không có những giọt máu hoà với những giọt nước tuôn chảy từ cạnh sườn Đức Giêsu trên cây thập giá thì chúng ta “một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 102, 16). Thế nên, khi còn lữ hành trần thế, chúng ta hướng con mắt chúng ta vào Đức Giêsu trên cây thập giá, và hân hoan tiến bước với lời tán tụng:

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!”

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét