NGƯỜI ĐÀN BÀ NGOẠI TÌNH
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM C
(Ga 8,1-11)
1. Đoạn phúc âm này đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, không những vì sự phong phú của nội dung – nó một trật gợi lên khuôn mặt và sứ vụ của Chúa Giêsu – mà nhất là vì những nét đặc thù nó chất chứa về phương diện phê bình lịch sử. Ở đây chỉ cần nêu lên những kết quả chính yếu mà các nhà phê bình đã thu đạt được.
a. Hầu như chắc đoạn Ga,53-8,11 không thuộc về phúc âm thứ tư trong lần biên soạn đầu tiên: nó không có trong các bản thủ sao Tân ước chính bằng tiếng Hy lạp, trong bản dịch syriaque, bản dịch gheorgienne và trong các thủ bản cổ xưa bằng tiếng bohairi và ârmêni. Nó cũng không nằm trong chỉ thảo thư Bodmer II (p.66) viết năm 200. Bất cứ đâu (c.8,12) đến tiếp liền câu 7,52. Một số tác giả như Tertullien, Kyprien, Tatien, Clément, Origène, Chrysostome, Theophylacte cũng chả biết đên bản văn này…Ngoài những dấu chứng văn bản tiêu cực như vừa nói, còn nhiều dấu chứng khác thuộc văn thể: đoạn này có ngữ vựng và bút pháp của phúc âm nhất lãm. Nó tháp nhập một cách vụng về vào văn mạch chung của phúc âm thứ tư cũng như vào văn mạch trực tiếp mà nó đang tách rời 8,12 khỏi 7,52.
b. Đoạn văn này đã được thêm vào khá nhanh, chắc chắn với mục đích soi sáng lời xác quyết của Ga 8,15. Thật vậy, người ta tìm thấy nó trong một vài thủ sao hy ngữ bằng chữ hoa (onciaux), nhất là trong Codex de Bèze, trong những thủ sao la ngữ cổ xưa, đó là chưa kể bản Vulgata và các bản sao liên hệ. Thánh Jérôme tự khoe đã đọc đoạn này trong nhiều thủ bản Latin và Hy lạp. Thánh Augustine cũng xác quyết như vậy (Tractatus in Joannem 33,4-8, Pl 35,1648-1651).
Người ta đã tìm ra nhiều lý do khác nhau để giải thích sự hiện diện của đoạn văn này trong phúc âm Gioan. Guiding (The Fourth Gospel and jewish Worship, Oxford, 1960, tr. 110-112) cho rằng nó có liên quan với chu kỳ các bài đọc phụng vụ. Đa số coi đó như là một lời chú giải để cắt nghĩa Ga 8,15 (“Phần Ta, Ta không xét xử ai”). Nhiều người khác (chẳng hạn Temple) đã cho rằng việc đưa bản văn vào chỗ này thật là tài tình, vì vừa giải thích được lời nói của Chúa Giêsu (8,15), vừa đặt đúng trong một văn mạch thần học hay ho hạt ngọc thất lạc này của kho tàng phúc âm. Trong phần chú giải sau đây, sẽ cho thấy rõ ràng hơn những trường hợp của trình thuật này với bản văn của Gioan (sự tự phê của các nguyên cáo, ý nghĩa của sứ vụ Chúa Giêsu), những trường hợp khả dĩ dẫn nhập vào đề tài “phán xét” mà chương 8 sẽ khai triển.
c. Bản văn này chứa đựng một truyền thống phúc âm về cuộc đời Chúa Giêsu có lẽ do Lc biên soạn. Papias (cuối thế kỷ thứ nhất, đầu thế kỷ thứ hai) để xác nhận tính cách cổ xưa của truyền thống phúc âm này. Chính Eusèbe (Hist. Eccl,III,39,16-17) đã lưu lại cho chúng ta chứng tá đầu tiên: (Papias) trình bày một câu chuyện khác về việc người đàn bà bị cáo nhiều tội trước mặt Chúa, có trong phúc âm theo người Hy bá. Một kỷ niệm chính xác hơn đã được hiến pháp các tông đồ và sách Didascalies Syriaques (cả hai thuộc thế kỷ thứ ba) ghi lại như sau: “Các trưởng lão đem đến cho Ngài một người đàn bà tội lỗi và bỏ đi, để mặc Ngài phán đoán bà ta. Bấy giờ Chúa, Đấng thấu hiểu mọi tâm hồn, hỏi bà phải chăng các ký lục đã kết án bà. Bà trả lời: không. Chúa nói với bà: “Chị hãy đi, ta cũng không kết án chị”.
Một đàng, nội dung của trình thuật tương hợp hoàn toàn với tình thế của Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai của Ngài: nhiều đoạn khác của phúc âm đã xác nhận cách hành động của những kẻ tố cáo, người ta cũng thấy trong trình thuật thái độ thường có của Chúa Giêsu đối với luật Môisen, và ơn tha thứ Ngài ban cho kẻ tội lỗi. Như vậy, không có quyền nghi ngờ lịch sử tính của trình thuật này.
Đàng khác, ngữ vựng của đoạn này cũng như khuynh hướng thần học làm ta nghĩ đoạn này là do Lc viết (Barrett, the Gospel according to St John, Londres, 1962,p. 492). Vì thế, có nhiều thủ bản đặt đoạn văn nằm sau Lc 21,38 và nhiều tác giả cho rằng đó là chỗ nguyên thủy của nó.
d. Đoạn này có chính lục tính và đã được linh ứng: theo giáo thuyết công giáo, tính cách chính lục của một bản văn không tùy thuộc tác giả nhưng tùy thuộc việc giáo hội chấp nhận nó như đoạn văn được linh ứng. Tính cách chính lục và linh ứng của đoạn văn này được đảm bảo nhờ sự hiện diện của nó trong bản Vulgata, như công đồng Tridentinô đã dạy (Ds 1504). Đối với người công giáo, không phải là người ta phủ nhận Gioan là tác giả đoạn văn này, mà đoạn văn không còn được xem như là một đoạn văn đã được linh ứng.
Giáo hội Đông phương và phần lớn các giáo hội cải cách cũng xác nhận đoạn văn này là thành phần của Kinh thánh. Cuối cùng cần phải lưu ý điểm này là: nếu có nhiều tác giả phủ nhận tính cách linh ứng của đoạn này vì nhiều lý do khác nhau, như do quan niệm linh ứng của họ, họ vẫn không nghi ngờ lịch sử tính của nó, nghĩa là tính cách xác thực của sự kiện cuộc đời Chúa Giêsu mà nó ghi lại.
e. Lý do khá chắc chắn để xác quyết bản văn này không thuộc về các phúc âm ngay từ đầu: có rất nhiều lý do, lý do mạnh nhất là khó dung hòa sự tha thứ quá bao dung mà Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ này với việc giáo hội sơ khai ra việc đền tội nghiêm khắc cho những ai phạm tội ngoại tình.
Để thay phần chú giải tổng quát, trước tiên chúng ta hãy nói vài lời về ý nghĩa việc can thiệp của ký lục và biệt phái. Chúa Giêsu đang êm thắm giảng dạy cho dân chúng, thình lình kéo tới một nhóm ký lục và biệt phái (đây là lối nói của phúc âm nhất lãm, còn Gioan thích gọi: “trưởng tế và biệt phái:, x.7.32.45; 11,47.57; 18,3; ngoài đoạn này ra Gioan không bao giờ nói đến ký lục); họ tràn vào giữa đám cử tọa và lôi đến trước mặt Ngài một người đàn bà bất hạnh bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (c.4). “Bị bắt đứng giữa đám” (c.36), nghĩa là giữa Chúa Giêsu và đám đông, người đàn bà này run bắn lên vì số phận đang chờ. Bà là hiện thân cho câu hỏi luật pháp mà kẻ thù sẽ đặt ra cho Chúa Giêsu. Nhưng trước khi đặt ra, họ đã dựa trên lề luật để kết tội bà rồi (c.5a). Như vậy tấn kịch sẽ xoay quanh sự chọn lựa thi hành hoặc Luật Môisen hoặc lòng nhân từ.
Các lý lục và biệt phái dựa trên hai đoạn văn của lề luật: Lv 20,10 ra lệnh giết chết người đàn ông và người đàn bà ngoại tình và Đnl 22,22-24 dạy ném đá người đàn bà ngoại tình với tòng phạm. Sự nghiêm khắc của luật đó đi ngược lại với lòng nhân từ mà Chúa Giêsu rao giảng. Đây là cơ hội tốt để bắt bí Ngài, các vị bảo vệ lề luật nghĩ thế. Nếu không theo Lề luật, Ngài sẽ bị tố cáo phạm pháp; nếu theo lề luật, danh tiếng và giáo thuyết của Ngài về lòng nhân từ sẽ bị sụp đổ.
Câu “vậy thầy dạy sao” (c.5b) vừa kín đáo khiêu khích Chúa Giêsu chống lại luật Môisen, vừa công nhận giáo lý về lòng nhân từ của Ngài. Là người dạy ơn tha thứ của Thiên Chúa, là người đến để kiếm tìm kẻ tội lỗi (c. Lc 15), thày dạy sao về trường hợp đây ?
Thâm ý đã được tác giả nói ngay cho chúng ta: “Họ nói thế với chủ ý làm cho Ngài mắc bẫy, để làm sao có cớ mà cáo tội Ngài” (c. 6a). Trong các câu hỏi đặt ra cho Ngài suốt cuộc đời công khai, câu hỏi này xem ra có tính cách định mệnh nhất. Thật vậy, đây là vấn đề sống chết, liên hệ đến phương diện độc đáo nhất của lối cư xử của Ngài: lòng nhân từ, Ngài không thể tránh né: hoặc là luật của Môisen hay lòng nhân từ của Ngài sẽ thắng (khó mà biết được, như nhiều người nghĩ, những nguyên cáo có ý muốn thúc đẩy Chúa Giêsu chống lại quyền hành La mã hay không. Thời ấy, tất cả đều tùy thuộc vào quyền của hội đồng công tọa. người La mã đã bỏ luật “Jus gladii” rồi chăng)
2. “Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy tay viết trên đất” (c.6b), Ngài viết gì? Nhiều tác giả cho rằng hỏi vậy là vô ích. Khi làm như thế (c.6b.8), Ngài chỉ muốn từ chối xét đoán. Viết trên đất không có gì khác hơn là tránh né trả lời (xem mối liên lạc với Ga 8,15: “Phần Ta, Ta không xét xử ai”. Mối tương quan này không thể chối cãi được trong văn mạch của Gioan). Nhưng nếu chấp nhận giả thiết là câu chuyện làm thành một khối độc lập, thì có hai vấn đề được đặt ra: cử chỉ của Chúa Giêsu có ý nghĩa nào? Và Ngài đã viết những gì ?
Thánh Jérôme (Pl 23,553) bênh vực ý kiến cho rằng viết tội lỗi của những người tố cáo. Ông dựa vào Gr 17,13: “Lạy Giavê… tất cả những ai tách lìa Ngài, sẽ khỏi bứng ra khỏi xứ này” (tiếng Hy bá: “Sẽ bị viết”).
Derrett đưa giả thiết: người chồng và các chứng nhân đều có dã tâm. Nên ông tin đã đoán được điều Chúa Giêsu viết hai lần khi Ngài cúi xuống. Lần đầu tiên (c.6b): “Ngươi chớ toa rập với kẻ gian mà làm chứng dối” (Xac 23,1b). Lần thứ hai (c.8): “Hãy tránh xa lời gian dối” (Xac 23,7a). Vả lại, sách Đn cũng tham chiếu câu sau cùng này trong trường hợp Suwanna (Đn 13,53).
Những tác giả khác, như Manson, gợi lên trường hợp các bản án La mã đầu tiên cần phải được viết ra (x. bản án mà Philâtô viết trên thập giá Chúa Giêsu) để cho rằng lần đầu tiên Chúa Giêsu viết công thức Ngài sắp đọc (c.7), và lần thứ hai, lời tha tội cho những đàn bà (c.11).
Nhưng lời giải thích có lẽ đúng nhất là xem cử tọa Chúa Giêsu như là sự từ chối phán đoán. Power xác nhận ý kiến này bằng cách trích dẫn nhiều trường hợp lấy ra từ văn chương Ả Rập, theo đó thì cử chỉ đó có ý nói mình không bận tâm đến một công việc nào đó và từ chối không tham gia. Chúa Giêsu không có sứ vụ áp dụng lề luật. Dù có những nguyên tắc hành động khác, Ngài không đối nghịch chúng với lề luật. Nhưng vì kẻ thù của Ngài cứ một mực lên án người đàn bà, nên Ngài cảm thấy bắt buộc phải nói với họ một đôi lời.
3. Trong câu 7, người ta phải cảm phục sự khôn ngoan, vừa công bình vừa nhân ái, mà Chúa Giêsu dùng để trả lời cho những kẻ đối thoại với Ngài. Ở đây, chúng ta đang đứng trước một lời (logion) có lẽ duy nhất, giúp ta biết được Chúa Giêsu.
Khi đáp trả, Chúa Giêsu đã dùng lại các thành ngữ của lề luật. Thật vậy, lề luật ra lệnh cho chứng nhân phải ném đá kẻ có tội đầu tiên (Đnl 13,9-10; 17). Qua việc trực tiếp ám chỉ đến lề luật, Chúa Giêsu cho thấy rằng thực ra luật còn nhân từ và công bình hơn những người tố cáo đã tưởng. Hãy tìm kiếm tinh thần lề luật sau những dòng chữ khô khan.
Do đó, Chúa Giêsu không vi phạm luật ấy, Ngài kêu mời lương tâm của các nguyên cáo. Bây giờ Ngài đặt câu hỏi cho một tòa án vô hình mà quan tòa và nguyên cáo chỉ là một: tòa án của lương tâm mỗi người.
Derret, như chúng ta đã thấy, đã muốn chứng minh rằng người chồng và các nhân chứng đều có dã tâm và đã giăng bẫy để bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình, trong lúc đáng ra họ phải can thiệp trước khi bà ta phạm tội. Thật ra không cần gỉa thiết như thế, để hiểu lời Chúa Giêsu. Các lý lục và biệt phái đã khá thiếu lòng nhân từ khi một mực tố cáo người đàn bà. Họ nuôi quá nhiều hận thù với Chúa Giêsu khi lợi dụng trường hợp này để thử thách Ngài. Nguyên việc ấy không đáng lên án sao? Vì có ai tự xưng là người bảo vệ lề luật lại đi làm chuyện ấy.
Nên lưu ý rằng, khi đã nói ra câu trên, Chúa Giêsu không đặt vấn đề về sự được phép phán đoán, cũng như về xác thực tính của các chứng tá. Ngài không cho rằng tính cách hữu hiệu của một bản án tùy thuộc sự vô tội của quan tòa. Ngài chỉ nhấn mạnh là mỗi người phải coi chừng cái ý hướng đã thúc đẩy họ làm một hành động quyết liệt phương hại đến mạng sống của một người anh em.
Như thế, lời mời gọi lương tâm mỗi người kết tóm tất cả giáo thuyết của Chúa Giêsu (Mt 7,1-15), bêu xấu hạng chuyên kết án kẻ khác (x.mt 18,31tt) cùng bọn giả hình (x. Mt 6 và 23) là những kẻ chỉ thấy lỗi lầm của kẻ khác mà không đếm xỉa đến tội lỗi của chính họ.
Nhưng khi can thiệp, Chúa Giêsu đặc biệt muốn thi hành ý định cứu người đàn bà tội lỗi. Không phải đây là cơ hội để thực thi quyền tha tội sao? Ngài bênh vực người đàn bà dựa trên luật Môisen, lề luật nại đến tinh thần trách nhiệm của chứng nhân. Vậy là giải quyết được vấn đề mà địch thủ của Chúa Giêsu đặt ra: thái độ mà Ngài phải giữ để phù hợp lời giảng dạy có nghịch lại với lề luật không? Không, thay vì chống đối lề luật, Chúa Giêsu đã làm cho người ta khám phá trong lề luật những chiều kích mới. Lòng nhân từ của Thiên Chúa, được biểu lộ rõ ràng trong toàn Cựu ước, bây giờ được Ngài mạc khải cách minh nhiên và đầy đủ hơn.
Tình yêu tha nhân cho chính mình không ngăn cản ta nhìn thấy sự trầm trọng của lỗi họ nhưng đòi buộc ta đối xử với họ một cách công bằng đích thật trước tiên hệ tại ở việc ổn định lương tâm riêng tư của mỗi người.
4. Câu 9 là một thảm kịch cười ra nước mắt. Không phải là một nguyên cáo nào dám cho mình là vô tội và dần dần rút lui, bắt đầu là những người cao niên. Người ta có thể nhìn một kẻ tội lỗi một cách xác thực không? Không ai có quyền kết án kẻ khác, bởi vì tất cả chúng ta đều ở dưới quyền sự tội (x. Rm 3,10). Và càng lớn tuổi, càng có tội nhiều.
Chỉ còn lại Chúa Giêsu và người tội lỗi (c.9b). Ít cảnh trong phúc âm chiếu soi một cách mãnh liệt sứ mạng của Chúa Giêsu và tạo nên niềm tin tưởng lớn lao vào con người Ngài như vậy. Ngạc nhiên vì lại được tụ do, người đàn bà bất hạnh không nghĩ đến việc trốn chạy. Lòng tốt của Chúa Giêsu không để tuột bà. Một tâm tình không tên đã giữ bà lại.
Cuối cùng, chấm dứt sự yên lặng lê thê và bi thảm kéo dài từ lúc Chúa Giêsu viết trên đất lần thứ hai (c.8) đến lúc các nguyên cáo từ từ rút lui (c.9a). Câu hỏi của Chúa Giêsu (c.10) nhằm gây lại niềm tin tưởng nơi người đàn bà “Bà kia, họ đâu rồi ?”. Đây là câu các quan tòa có lệ hỏi trước khi tuyên án. Không biết câu hỏi này chua cay hay hài hước. Có lẽ đó là một cách nói “như thế, họ bỏ cuộc kiện này rồi”. Không có nguyên cáo, không thể có phán xét, lên án và xử hình. Trong câu trả lời của người đàn bà “Thưa Ngài, không một ai”, ta nhận ra tâm tình biết ơn và phó thác. Nếu Chúa Giêsu đã tìm cách để không một ai kết án bà, thì làm sao bây giờ Ngài lại kết án được? Sự hiện diện và lời nói của Ngài chỉ nhằm ban cho người đàn bà tội lỗi này ơn tha thứ và lòng nhân từ.
Kẻ thù của Ngài để Ngài tự do, giờ đây Chúa Giêsu có thể thực thi sứ mạng tha thứ. Những lời cuối cùng của Ngài (c.11b) là cao điểm của cả đoạn này. Là người duy nhất không có tội, Ngài cũng từ chối không kết án bà. Ngài không được sai đến “để xử án thế gian, song để nhờ Ngài mà thế gian được cứu” (Ga 3,17), “Phần Ta, Ta không xét xử ai (8,15).
Lời nói của Chúa Giêsu giải thoát vĩnh viễn người đàn bà ngoại tình. Không phải Ngài không cho là quan trọng cái tội đã làm cho bà gặp phải một tình thế xấu hổ; ngược lại, hơn ai hết, Ngài đã lường trước hậu quả của tội đó. Nếu Ngài đã hoàn toàn tha thứ cho bà thì Ngài cũng không kém đưa ra cho bà một lời khuyến cáo nghiêm khắc: “Đi đi và từ nay, đừng phạm tội nữa”. Việc gặp gỡ giữa bà và Chúa Giêsu từ nay phải đưa bà quyết định sống một đời hoàn thiện.
KẾT LUẬN
Không cần phải biện hộ cho câu chuyện lạc loài này đang nằm ngang xương trong phúc âm thứ tư và trong một vài thủ bản của Lc. Thật vậy, tính chất và vẻ đẹp của nó làm cho nó xứng đáng nằm ở đâu cũng được. Nó biểu lộ lòng nhân từ của Chúa Giêsu với nhiều tế nhị như các câu chuyện khác của Lc. Nó trình bày sự bình thản của Chúa Giêsu khi phán đoán, với tất cả vẻ trang trọng mà ta có thể chờ đợi ở Gioan. Người đàn bà tội lỗi và Chúa Giêsu, Đấng Thánh, đứng đối diện nhau được một vài phút: đó là một thảm kịch đặc biệt và đẹp đẽ mà thánh Augustin gợi lên bằng công thức Latin sau: “Relicti sunt duo, miseria et misericordia” (Tract. in Joann. 33,5). Thế quân bình kỳ diệu mà Chúa Giêsu giữ được giữa đức công bình không giảm thiểu tội lỗi và lòng nhân từ tha thứ cho những tôi nhân là một được những bài học lớn nhất mà phúc âm dạy cho ta.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chúa Giêsu không đặt những phụ nữ này trước LỀ LUẬT, nhưng trước mặt vị Chúa đầy tình thương của bà. Là tình yêu, Ngài thoát khỏi những dục vọng bè phái, Ngài tha thứ cách nhưng không cho bà này. Vì việc tha thứ là cá nhân, nó đi từ con người của Ngài sang con người của chúng ta, vì tội lỗi của chúng ta là tội cá nhân.
2. Theo thánh Augustin, người hay chơi chữ, “lòng nhân hậu đứng trước sự khốn cùng, đó là toàn thể phúc âm” (La miséricord en face de la misère, c’est tout l’Evanggile). Chúa Giêsu nhìn đến sự khốn cùng của tội nhân để kiến tạo lại sự vô tội nguyên thủy, để tái thiết tạo vật theo hình ảnh và giống Ngài. Trên thập giá, Ngài ban ơn tha thứ cho tất cả và cùng với muôn triệu người được cứu thoát, Ngài tạo nên một dân mới. Ngày nay Ngài cư xử đối với nhân loại tội lỗi, và đối với mỗi người chúng ta, đúng như Ngài đã đối xử với người đàn bà kia.
3. Chúa Giêsu không thích những tội nhân hối cải như bà kia hơn những người trung thành với bà đó sao? Phải chăng chúng ta cũng ghen tức, như đứa con cả nổi sùng khi người cha ân cần tiếp đón đứa con hoang đàng? Chắc chắn, Chúa thích sự trung thành hơn. Hãy nhớ đến Đức Mẹ. nhưng Ngài tỏ ra âu yếm đối với tội nhân, vì họ cần hơn: người mẹ nào mà chẳng săn sóc đứa con tật nguyền hay đau ốm hơn các đứa con lành mạnh?
4. Như Đấng Cứu thế, Chúa Giêsu đến tìm kiếm những ai đã hư mất, như vị lương y, Ngài săn sóc những ai đau yếu; như người giải phóng, Ngài cứu kẻ bị giam cầm. Nhưng tất cả chúng ta không phải là những người hư mất ốm đau và bị giam cầm đó ư? Chúa đã nói: “Phúc cho những tâm hồn trong sạch”, Ngài cũng sẽ nói bằng thái độ của Ngài: “Phúc cho những tâm hồn được rửa sạch”.
5. Câu Chúa Giêsu trả lời cho bọn biệt phái thật rõ ràng. Khi nói cũng như khi làm, Ngài không chối bỏ lề luật, Ngài không bất tuân gì hết; hơn nữa Ngài ban cho lề luật ý nghĩa đích thật của nó. Những kẻ chống Ngài dùng lề luật như một phương tiện áp chế, một dụng cụ để thống trị kẻ khác, chia rẽ con người. Chúa Giêsu muốn lề luật là phương tiện để thực thi ý định tình yêu của Thiên Chúa. Người ta phụng sự luật, chứ không được lợi dụng luật. Hay đúng hơn, ngang qua lề luật, người ta phụng sự một Đấng.
6. Nếu chúng ta chống lại người khác với ước muốn sửa đổi họ, nhưng bằng cách thống trị họ với những vẻ đẹp bên ngoài, chúng ta trở nên những kẻ đồng lõa với họ trong sự dữ, trong khi chúng ta tưởng làm cho họ tốt hơn. Khi tự phong mình làm quan án của mọi người, của tâm hồn và lương tâm, chứ không phải là quan tòa xét xử hành vi (vì đôi khi do trách nhiệm, chúng ta phải làm quan tòa xét xử hành vi) khi đó chúng ta trở nên như những ký lục và biệt phái trong phúc âm. Thay vì sửa lại sự dữ, chúng ta làm tăng thêm. Ngược lại, cách căn bản nhất để giảm sự dữ trong thế giới, đó là trước tiên nhổ nó khỏi lương tâm riêng mình.
Chúa Giêsu đến cứu người tội lỗi. Hễ chúng ta cảm thấy liên đới với kẻ tội lỗi, cảm thấy mình là tội nhân, thì trong ngày chung thẩm, chúng ta mới có thể nghe nói câu đầy tình âu yếm: “Ta cũng thế, Ta không kết án con”.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét