Chiến tranh Israel - Ả Rập (bài 6)
*Trần Vinh
Chiến tranh lần thứ nhất năm 1948
Cuộc chiến lần thứ nhất này do liên quân Ả Rập tấn công Israel trước.
Chiều ngày 14 tháng 5 năm 1948, quốc gia Israel được thành lập. Nửa đêm hôm đó, quân Anh cũng triệt thoái khỏi Palestine. Ngay lập tức, các đạo quân Ả Rập rầm rộ tiến vào Palestine, hướng về thủ đô Tel Aviv của Israel. Từ phía Đông, quân nước Transjordan tràn sang bao vây Jerusalem. Từ mạn Nam, 2 đạo quân Ai Cập tiến vào Gaza và Hebron. Iraq án ngữ Nam Galilee. Syria tấn công Tiberias và Safed. Từ phía Bắc, quân Lebanon đánh xuống miền Bắc Galilee, Haifa. Coi như Tel Aviv bị tấn công từ 3 mặt, chỉ còn mặt thứ tư là biển!
Khối Ả Rập dự trù sẽ tiêu diệt Israel chỉ trong 10 ngày. Quốc vương Transjordan định ngày 25 tháng 5 sẽ vào Jerusalem. Thế giới ưóc tính Ả Rập mạnh gấp 10 lần Israel.
Khởi đầu, Israel chới với. Dần dần, họ củng cố lại lực lượng và bắt đầu đẩy lùi 2 đạo quân của Lebanon và Iraq. Đạo quân Haganah tinh nhuệ của Israel thắng Ai Cập một trận lớn tại Fallouga. Quân Ai Cập phải đào tẩu trong hoảng loạn. Đạo quân của Transjordan bị Israel vây khốn ở gần Jerusalem.
Sau trận Fallouga, Liên Hiệp Quốc (LHQ) mới can thiệp và ra lệnh ngưng chiến. Israel lợi dụng cơ hội, vội chỉnh đốn hàng ngũ. Phía Ả Rập tiếp tục tấn công. LHQ lại bắt Ả Rập ngưng chiến và phái chủ tịch Hồng Thập Tự Quốc Tế là Bá tước Bernadotte tìm cách hòa giải. Bá tước Bernadotte đề nghị chia cắt Palestine lại, có lợi hơn cho người Palestine và thánh địa Jerusalem sẽ được quốc tế hóa. Không may, tổ chức “Stern” của Israel nghĩ là Bernadotte thiên vị Ả Rập cho nên đã ám sát ông. Tình hình lại xấu đi. Hai bên lại đánh nhau rồi lại ngưng. Cứ như thế tới lần thứ tư mới thật sự đình chiến.
Đầu năm 1949, lần lượt Israel kí 4 hiệp định đình chiến riêng rẽ với 4 nước: Ai Cập, Syria, Lebanon và Tranjordan. Iraq không kí vì không có biên giới chung với Israel. Biên giới Israel được phân định gần giống đường ranh quân đội Israel chiếm đóng khi đình chiến, có nghĩa là Israel được lợi lớn về diện tích. Thành Jerusalem chia đôi: khu cổ thuộc Transjordan, khu mới thuộc Israel. Ai Cập chiếm miền Gaza. Transjordan chiếm một vùng khá lớn phía Tây sông Jordan, tức là vùng lõm vào phía Đông Israel. Ngay chính Liên đoàn Ả Rập cũng không công nhận việc sát nhập thêm miền đất Tây ngạn sông Jordan này của Jordan. Ngày 25.4.1949, Transjordan đổi tên là Jordan.
Sau trận chiến, Israel rực sáng trên bản đồ thế giới bao nhiêu thì Palestine lu mờ đi bấy nhiêu.
Kết quả này thiệt hại lớn cho người Ả Rập. Ai cũng nhận thấy Hoa Kì và Âu châu thiên vị Israel, ngoại trừ nước Anh. Vì thế, vòm trời Palestine vẫn u ám. Nguồn gốc chiến tranh vẫn còn đó. Chỉ đợi có dịp, sẽ lại bùng nổ.
Vài nhận xét:
Tại sao chỉ có hơn một nửa triệu dân số mà Israel đã có thể thắng trận một cách vẻ vang như thế?
Người Do Thái giải thích lí do họ chiến thắng: “Chúng tôi đã thắng vì hai lí do: một là Chúa giúp sức cho dân tộc chúng tôi. Hai là sự dũng cảm của chiến sĩ chúng tôi. Họ chiến đấu hăng như sư tử”.
Bên phía Ả Rập thì chính Nasser, sau này sẽ là tổng thống Ai Cập, có tham dự chiến trận này với cấp bậc đại úy, đã đưa ra 3 lí do khiến cho Ả Rập bại trận:
Một là khối Ả Rập không có chiến lược chung. Không liên lạc với nhau cho nên không cứu được nhau.
Hai là quân Ai Cập kém quân Israel rất xa về vũ khí, huấn luyện, quân nhu, quân dụng và tiếp tế. Đó cũng là tình trạng chung của quân đội các nước khác trong khối Ả Rập.
Ba là chính phủ Ai Cập coi trận chiến này là chiến tranh chiếm đất đai. Cốt sao chiếm nhiều đất, không nghĩ tới việc hao binh tổn tướng.
Chúng tôi nhận thấy một lí do nữa cũng rất quan trọng, đó là dân tộc Do Thái đã chiến đấu với ý thức hết sức rõ rệt: chiến đấu để tồn tại. Nếu họ thua, dân tộc họ sẽ bị tiêu diệt, quốc gia Israel vừa khai sinh của họ sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn trên bản đồ. Đây là trận chiến một mất một còn, sống hay là chết.
Một khía cạnh thâm sâu khác của sự thất bại của các nước Ả Rập là lòng tham lam ngấm ngầm và đố kị nhau về đất đai. Các bên không muốn ai trong phe mình chiếm được thượng phong, sợ là nước ấy sẽ được nhiều đất hơn. Cho nên người ta nói không sai, chính các nước trong khối Ả Rập đã làm lu mờ một quốc gia cho người Ả Rập ở Palestine.
Chiến tranh lần thứ nhất giữa Israel và Ả Rập năm 1948, phía Israel thiệt 4,000 lính; 2,000 dân. Nhưng vì ý thức được tình hình rất mong manh cho nên Israel phải đặt mình trong tình trạng chiến tranh, phải duy trì quân số rất đông, phải chi 20% tổng lợi tức cho quốc phòng.
Phía người Ả Rập chịu nhiều thiệt hại hơn người Do Thái. Hàng ngàn người chết trong chiến tranh và cả do sự khủng bố của người Do Thái. LHQ ước lượng 750 ngàn người Palestine tị nạn vào năm 1948 - 49. Chỉ một số người Palestine kiếm được việc làm trong nước Israel. Những người này bị chính đồng bào của họ mắng là “những tên Do Thái trong thế giới Ả Rập”. Ngoài ra, đại đa số sống cực khổ trong những túp lều ở các trại tị nạn dọc biên giới với Israel. Tất cả đều cho là người Do Thái ăn cướp đất đai và tài sản của người Ả Rập. Họ căm hờn muốn trả thù người Do Thái.
Cả hai bên đều biết các hiệp định kí kết vào năm 1949 chỉ đưa tới cuộc hưu chiến tạm thời. Chiến tranh còn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào vì những nguyên nhân cũ vẫn chưa được giải quyết, nay chồng chất thêm những nguyên nhân phát sinh do cuộc chiến lần thứ nhất để lại.
Chiến tranh lần thứ hai năm 1956, còn gọi là cuộc chiến 8 ngày
Cuộc chiến lần thứ hai do Israel ra tay trước.
Nguyên nhân:
1/ Vấn đề biên giới: Người Ả Rập bất mãn do bị thua thiệt về biên giới mới, sau khi thất trận. Phía Do Thái, nhiều người chưa hài lòng về phần đất rộng rãi mà họ được hưởng nhờ chiến thắng. Họ còn mơ tưởng bành trướng thêm theo như lời Thánh Kinh đã hứa, vả lại số dân rồi sẽ tăng nhiều trong tương lai. Quả vậy, sau chiến tranh cả triệu người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới tiếp tục hồi hương. Thêm vào đó, người Do Thái còn khổ tâm vì “Bức Tường Than Khóc” (The Western Wall) linh thiêng của họ vẫn nằm trong vùng kiểm soát của Jordan và thành thánh Jerusalem vẫn bị chia đôi.
2/ Vấn đề người tị nạn Ả Rập: Sau chiến tranh, chính phủ Israel chỉ cho những người Ả Rập theo Kitô giáo được trở về, còn đại đa số là người theo Hồi giáo thì bị cấm ngặt không cho hồi cư. Họ sống rất cơ cực, song nhất định chấp nhận sống trong các trại dọc biên giới, chứ không chịu di tới những nước chung quanh đang mời mọc họ. Bởi vì họ nghĩ, có sống ở các trại gần quê quán cũ thì mới hi vọng sẽ còn cơ hội trở về quê cha đất tổ. Dân tị nạn Ả Rập rất oán hận các nước Lebanon, Jordan và Ai Cập vì đã hi sinh họ để kí hiệp định với Israel. Quốc vương Jordan là Abdallah bị ám sát vì tội “phản dân tộc”. Thủ tướng Lebanon là Ayad Solh cũng mất mạng vì tội điều đình với Israel. Còn quốc vương Farouk của Ai Cập bị nhóm của Nasser lật đổ khỏi ngai vàng vào ngày 25 tháng 7 năm 1952.
3/ Vấn đề xung khắc tôn giáo: Hằng ngày, người Do Thái nào cũng đọc Cựu Ước và người Hồi giáo nào cũng đọc kinh Qur’an. Trong Qur’an có câu: “Nếu bọn dị giáo tấn công các ngươi thì các ngươi hãy tắm trong máu của chúng”. Ngày nay, nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn còn thái độ hiếu chiến, hiếu sát này.
Đang khi đó, sách Cựu Ước (bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn) có những đoạn gây căm tức cho người Ả Rập: “Ngày hôm ấy Yavê đã kết ước với Abram, rằng: “Cho dòng giống ngươi, Ta sẽ ban thửa đất này từ sông Ai Cập đến sông Cả, sông Phơrat, xứ của dân tộc Qêni, dân Qênizzi, dân Qađmôni, dân Hittit, dân Phơrizi, dân Rơphaim, dân Amori, dân Canaan, dân Ghirgasi, dân Yơbusi Giêbunít” (Khởi Nguyên,15:18-21). Hoặc đoạn: “Nếu nó không chịu làm hòa với ngươi, nếu nó tuyên chiến với ngươi, ngươi sẽ hãm thành; Yavê Thiên Chúa của ngươi sẽ phó nộp nó trong tay ngươi và ngươi sẽ tuốt gươm chém sạch nam nhân trong thành…” (Thứ luật, 20:12,13).
Thiển nghĩ, có những chỗ trong Kinh Thánh, ta có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng hoặc nghĩa ngụ ý dậy bảo làm lành lánh dữ, chứ không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa của từng chữ, từng câu theo ngôn ngữ bình thường. Nhưng rõ ràng trong lớp người Do Thái thế hệ năm 1940 - 50, nhiều người vẫn hiểu Kinh Thánh theo nghĩa cụ thể của từng chữ. Tai họa nằm ở đó.
4/ Sự xuất hiện nhân vật Nasser ở Ai Cập, một người ôm giấc mộng vĩ đại. Hai năm sau khi lật đổ quốc vương Farouk, Gamal Abdul Nasser (1918-1970) lên làm Tổng thống Ai Cập ngày 14 tháng 11 năm 1954. Việc đầu tiên ông làm là thương thuyết để Anh rút quân khỏi Ai Cập. Thứ đến, ông vận động thống nhất các dân tộc Ả Rập.
Ngoại trừ Lebanon là nước có nhiều người theo Kitô giáo, các nước Ả Rập khác đều có những điểm giống nhau về ngôn ngữ, tôn giáo, nhưng lại khác biệt nhau về chính thể. Đa số theo chế độ cộng hòa, riêng Jordan và Saudi Arabia vẫn duy trì chế độ quân chủ. Họ đã liên kết với nhau trong Liên Đoàn Ả Rập (Arab League) được thành lập năm 1945, gồm các nước: Irak, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia, Egypt, Syria, and Yemen. Năm 1959, thêm Libya, Morocco, Sudan, và Tunisia. Năm 1961, thêm Kuwait. Tuy thế, họ không có tiếng nói mạnh vì thiếu đoàn kết khi hữu sự. Bằng chứng là những gì đã xẩy ra trong cuộc chiến tranh thứ nhất với Israel. Vì thiếu đoàn kết thực sự cho nên một lực lượng gồm 5 nước với ba bốn chục triệu dân, vây đánh Israel mới có hơn nửa triệu dân, thế mà đã bị Israel đánh cho đại bại.
Trước tình trạng ấy, Nasser cố làm hưng phấn tinh thần của người Ả Rập bằng cách chứng minh sự vượt trội của dân số Ả Rập (khoảng ba bốn chục triệu) và số tín đồ Hồi giáo trên thế giới (lúc đó khoảng 400 triệu), sự quan trọng vị trí bản lề giữa 3 lục địa của vùng Trung Đông, về sự giầu có dầu mỏ của vùng này (chiếm 50% trữ lượng của thế giới).
Nasser là nhà nhà lãnh đạo có tài, ôm tham vọng kế tục sự nghiệp của Tiên tri Muhammad, là thống nhất khối Ả Rập, cầm đầu “thế giới thứ ba”, chia thế giới thành thế chân vạc cùng với Liên xô và Hoa Kì.
Để có được đủ uy tín trong bước khởi đầu, Nasser quyết tâm trừ khử cái ung nhọt Israel trước mắt. Con bài ông chơi là gây kình chống nhau giữa Hoa Kì và Liên Xô và gài cho Israel rơi vào cái bẫy của ông ta.
Trước khi Nasser lên cầm quyền, chính sách của Hoa Kì ở Trung Đông rất thành công. Hoa Kì từ chối cung cấp vũ khí cho Israel để lấy lòng khối Ả Rập. Đồng thời, Hoa Kì bảo trợ một liên đoàn chống Cộng sản và đã kí kết được hiệp ước Baghdad (the Baghdad Pact) gồm có Thổ Nhĩ Kì, Pakistan, Iraq, Iran, và Anh quốc.
Nasser chẳng những không kí hiệp ước này mà còn thông đồng với Liên Xô để đổi bông vải lấy vũ khí của Tiệp Khắc. Trước mắt thế giới, bây giờ Liên Xô đóng vai bảo vệ chủ nghĩa quốc gia Ả Rập chống lại phương Tây. Thế là chiến tranh lạnh đã lan tới Trung Đông.
Đối với Israel, Nasser khiêu khích bằng cách cho đánh lẻ tẻ quấy phá biên giới, di chuyển xe tăng đại bác vào vùng Sinai. Làm thế, để nếu Israel ra tay trước, tức là rơi vào cái bẫy của Nasser. Israel sẽ hiện nguyên hình là tên hiếu chiến trước dư luận thế giới.
Cuối cùng, Nasser quốc hữu hóa kênh Suez. Sự thể như sau:
Hoa Kì cố gắng chèo kéo Nasser, hứa tài trợ 50 triệu cho công trình xây đập Aswan trên sông Nile. Để gây áp lực, Hoa Kì còn ưng thuận để Pháp bán vũ khí của khối NATO (Khối Bắc Đại Tây Dương) cho Israel. Nhưng Nasser nhất định không ngả theo Hoa Kì,
Hoa Kì phản ứng, rút lại 50 triệu đã hứa vào tháng 7 năm 1956. Nasser trả miếng bằng cách quốc hữu hóa kênh Suez ngày 26 tháng 7 năm 1956, lấy lí do dùng lợi tức từ con kênh để chi cho công trình xây đập Aswan. Quyết định này được khối Ả Rập hoan hô nhiệt liệt. Ông trở thành anh hùng Ả Rập. Việc quốc hữu hóa kênh Suez làm chấn động Tây phương vì con kênh này là huyết lộ chuyên chở dầu lửa và việc thông thương giữa hai thế giới Đông - Tây.
Vụ kênh Suez được đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ.
Giữa lúc đang hi vọng có giải pháp cho vấn đề thì lúc 17 giờ ngày 29 tháng 10 năm 1956, quân nhảy dù Israel bất ngờ tấn công trung tâm bán đảo Sinai, rồi chiến xa và bộ binh mở 3 mũi tiến như vũ bão xuống vùng kênh Suez. Ngày hôm sau, như đã mật ước, Anh và Pháp cũng tham chiến. Trước hết họ oanh tạc các mục tiêu quân sự, rồi đưa quân chiếm kênh Suez.
Mặc dù Anh, Pháp và Israel chiếm được các mục tiêu quân sự, nhưng Nasser đã kịp đánh đắm một số tầu để khóa kín kênh Suez không cho tầu bè qua lại được nữa.
Liên Xô không đứng nhìn. Họ đe dọa nếu Anh, Pháp và Israel không lui binh họ sẽ can thiệp.
E sợ chiến cuộc lan rộng ra tầm mức thế giới cho nên Hoa Kí án binh bất động.
Nhưng Hoa Kì có đủ sức mạnh kinh tế để ép buộc Anh, Pháp phải ngưng bắn vào hồi 24 giờ ngày 06 tháng 11 năm 1956 theo quyết định của LHQ. Đương nhiên Israel cũng phải chấp nhận ngưng chiến.
Hậu quả của cuộc chiến 8 ngày:
Phía Israel: 180 binh sĩ tử trận, vài trăm bị thương, 01 bị bắt. Số sĩ quan chết nhiều vì khi giáp trận, sĩ quan Israel thường xung phong hàng đầu.
Phía Ai Cập vượt quá xa về sự thiệt hại nhân mạng cũng như số tù binh. Nguyên tại trận Oum Shihan, Israel đã bắt giữ 700 tù binh Ai Cập.
Liên quân Anh, Pháp phải rút hết quân ra khỏi vùng này khiến cho uy tín của cả hai suy giảm nhiều.
Đang khi đó, tinh thần khối Ả Rập lên cao chưa từng có.
LHQ ra lệnh cho Israel triệt thoái về biên giới như cũ.
Thế giới tránh được cuộc đại chiến.
Liên Xô nghiễm nhiên đóng vai trò quan trọng trong vùng này và được khối Ả Rập trọng vọng. Liên Xô đã dùng viện trợ kinh tế để thu đạt thắng lợi chính trị, còn Hoa Kì lại dùng chính trị để gặt hái quyền lợi kinh tế. Do đó, Hoa Kì đã thua Liên Xô một vố nặng tại Trung Đông vào năm 1956.
Sau này, Tổng thống Eisenhower đưa ra “chủ nghĩa Eisenhower”, và ngày 05 tháng 01 năm 1957 tổng thống xin quốc hội cho phép ông được quyền tự ý chi tới 200 triệu để có thể chi phối vùng Trung Đông cách mau lẹ hơn. Kết quả là Hoa Kì đã mời được quốc vương Saudi Arabia tới Hoa Thịnh Đốn và đã tiếp đón quốc vương long trọng. Từ đó, Saudi Arabia và Hoa Kì trở thành thân thiện. Nhưng Ai Cập và Syria dứt khoát tránh xa qũy đạo của Hoa Kì. Nasser còn thuyết phục được Syria chịu gom hai nước lại thành một nước Cộng Hòa Ả Rập Liên Hiệp do Nasser làm Tổng thống, cựu tổng thống Syria là Sabri El Assali làm Phó Tổng thống. Tuy nhiên, vì sự vụng về của Nasser, cho nên nước Cộng Hòa Liên Hiệp này không lâu bền; đang khi đó, các nước Jordan, Sudan, Iraq…lơ là dần. Cuối cùng, ảnh hưởng của Hoa Kì vẫn duy trì đưọc ở vùng này.
Xét về tương lai, một khi có bàn tay của 2 siêu cường Liên Xô và Hoa Kì (sau này Mao Trạch Đông cũng muốn xía vào) thò vào vùng này, cuộc đối đầu giữa Israel và khối Ả Rập trở thành ngày một phức tạp hơn. Vấn đề Palestine càng không tìm ra được một giải pháp thỏa đáng.
*Trần VinhHình ảnh sưu tầm Internet
|
Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014
Chiến tranh Israel - Ả Rập (bài 6)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét