Sang năm, hẹn gặp nhau ở Jerusalem! (bài 3)
*Trần Vinh
Next year, in Jerusalem!
Sang năm, hẹn gặp nhau ở Jerusalem!
Sang năm, hẹn gặp nhau ở Jerusalem!
Do thân phận quá đau thương của một dân tộc bị mất nước, cho nên người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới luôn nhớ về cố hương và luôn cháy bỏng khát vọng tái lập quốc. Mỗi ngày 3 lần, họ cầu xin Chúa thương Jerusalem, thương dân tộc và dắt họ về Đất Chúa. Mỗi đầu năm, họ chúc nhau bằng câu “Next year, in Jerusalem!”, “Sang năm, hẹn gặp nhau ở Jerusalem!”.
Thành phố Giêrusalem
Cuối thế kỉ 19, nổi lên 2 phong trào làm rung chuyển cuộc sống hài hòa giữa người Do Thái và người Ả Rập trên mảnh đất Palestine. Đó là phong trào chủ nghĩa quốc gia Do Thái (Zionism. Zion là tên cổ của Jerusalem) và phong trào chủ nghĩa quốc gia Ả Rập. Người Do Thái khắp nơi muốn trở về lập quốc trên mảnh đất, mà đã từ lâu, đa số dân cư ngụ là người Ả Rập. Đương nhiên người Ả Rập chống lại kế hoạch trở về lập quốc của người Do Thái. Và từ đó là cuộc đối đầu triền miên, không khoan nhượng giữa hai dân tộc trên cùng một mảnh đất.
Phong trào thiết lập quốc gia Do Thái đã là nguyên cớ gây nên những cuộc tấn công bạo lực nhắm vào cộng đồng Do Thái ở Nga các năm 1880. Tới năm 1882, một nhóm người Do Thái lưu vong nhóm họp ở Constantinople, tự nhận là “những người yêu mến Sion” (Hovene Tsione). Họ ra tuyên ngôn hô hào “một quê nhà trên đất nước chúng ta. Lòng xót thương Chúa đã ban nó cho chúng ta. Nó là của chúng ta như đã ghi trong sử sách”.
Tại Pháp, năm 1894, xẩy ra vụ án xử oan ức viên sĩ quan gốc Do Thái tên là Alfred Dreyfus về tội làm gián điệp cho Đức, khiến nhà văn lừng danh Emile Zola nhảy vào cuộc để “Tố cáo” (“J’Accuse”, tên bài báo bất hủ của ông) và đặc biệt là vì vụ án này mà ‘đức vua của Sion’’ (lời của Stefan Zweig), tức Theodore Herzl, đã xuất hiện.
Đúng vậy, chủ nghĩa Zionism trở thành phong trào chính trị dưới sự lãnh đạo của một nhân vật ngưới Áo gốc Do Thái tên là Theodore Herzl (1860-1904). Ông đã tổ chức các cuộc hội nghị, thảo ra các kế hoạch trong cuốn thủ bản Quốc Gia Do Thái (The Jewish State). Trong sách có đoạn: “Người Do Thái muốn có một quốc gia của mình thì sẽ có quốc gia và xứng đáng có được quốc gia”.
Sức mạnh tư tưởng của Herzl đã làm hồi sinh một dân tộc. Tổ chức Sion Thế giới (World Zionist Organization) đã thành hình vào năm 1897. Sau đó, diễn ra nhiều đợt hồi hương lớn của người Do Thái.
Đợt hồi hương thứ nhất:
Từ 1880 có khoảng 24 ngàn người từ Ba Lan và Nga đã trốn theo đường bộ để về Palestine. Vào thời điểm đó, dân số Ả Rập ở Palestine vào khoảng nửa triệu đang sống chung với từ 50 tới 90 ngàn người Do Thái.
Đợt hồi hương thứ hai diễn ra từ năm 1905:
Lúc đó, Ngân hàng Do Thái và Qũy quốc gia Do Thái đã được thành lập, lại có nhà tài chánh Do Thái Edmond de Rothschild, tất cả đã tận tình giúp đỡ cho việc tổ chức, di chuyển và mua đất đai định cư cho người hồi cư. Năm 1909, kibboutz (kibbutz, nông trường Do Thái) đầu tiên được thành lập tại Degania. Năm 1913, một nữ sinh viên tên Davorah Dayan trở về từ Ukaina, tình nguyện làm nghề nướng bánh cho 50 người tại kibboutz ở Degania và bà sẽ cống hiến cho tổ quốc Israel người con trai là “tướng độc nhãn” khét tiếng Moshe Dayan sau này.
Rồi thành phố Tel Aviv toàn người Do Thái được xây dựng dọc theo cảng Jaffa (the Port of Jaffa) đánh dấu mối lo ngại có sự phân cách giữa người Do Thái và người Ả Rập. Dân Do Thái mới di cư về thường tìm cách mua đất của người Ả Rập và thành lập những cộng đồng Do Thái riêng rẽ. Chỉ ở tại các thành phố lớn, người Do Thái mới sống chung với nười Ả Rập.
Về phía người Ả Rập, họ đã phản ứng việc di dân về đất Palestine của người Do Thái ngay từ đầu. Năm 1886, lần đầu tiên họ đã tấn công các trại định cư của người Do Thái. Năm năm sau họ xin chính quyền Thổ ngưng việc cho phép người Do Thai di về Palestine. Tới năm 1914, đã có 6 tổ chức chống chủ nghĩa Zionism, 4 ở Palestine, một ở Beirut và một ở Constatinople.
Đợt hồi hương thứ ba:
Thế chiến thứ nhất nổ ra làm cho vấn đề Palestine thêm phức tạp. Thế giới Ả Rập bắt đầu nhúng tay vào. Tháng 11 năm 1914, Anh tuyên chiến với Thổ vì Thổ là đồng minh của Đức. Quân Anh đã kiểm soát Ai Cập và những yếu điểm ở cuối bán đảo Ả Rập để bảo vệ kênh Suez và hải lộ đi Ấn Độ là thuộc địa quan trọng nhất của Anh. Đồng thời Anh cũng không muốn miền Trung Đông dầu mỏ nằm trong tay những thế lực thù nghịch.
Kế hoạch của Anh lúc đầu đã gặp trở ngại. Vào thời điểm ấy đế quốc Thổ còn kiểm soát tới Aqaba và Mecca bên bờ Hồng Hải và về phía Đông tới tận Basra (Iraq) trên đỉnh của vịnh Ba Tư. Người Thổ đã cai trị vùng này nhiều thế kỉ, họ hiểu rất rõ và họ có kinh nghiệm chiến đấu trong địa hình khí hậu cực nóng của địa phương. Vì thế, quân Thổ đã đánh bại liên quân Anh Ấn trong trận Kut thuộc vùng Mesopotamia (Iraq). Thất bại này khiến Anh phải tìm đồng minh nếu muốn thắng lợi. Người Anh đã tìm đồng minh nơi người Ả Rập.
McMahon - Hussein: Năm 1915, Cao ủy Anh ở Ai Cập là Sir Henry McMahon bắt tay với tổng binh Mecca là Hussein ibn Ali và hứa hẹn cho ông này một quốc gia độc lập. Năm 1918, Hussein cùng tướng Edmund Allenby đánh bại quân Thổ, tiến vào Damascus (nay là Syria). Và Husein đòi Anh phải thực hiện lời hứa. Người Anh không đáp ứng yêu cầu của Hussein lấy cớ trong những lá thơ trao đổi hứa hẹn của McMahon với Hussein không đề cập tới vùng đất phía Tây sông Jordan, không có từ nào như là Palestine, Jerusalem hay Jews!
Anh - Pháp và Thỏa ước Sykes - Picot: Thế chiến thứ nhất nổ ra ít lâu, Anh và Pháp tin là sẽ thắng nên họ đã bàn với nhau để chia chác lãnh thổ đế quốc Thổ Ottoman. Kế hoạch bí mật này nằm trong Thỏa ước Sykes - Picot do Sir Mark Sykes và Charles Georges-Picot soạn thảo và hai chính phủ Anh, Pháp đã chấp thuận năm 1916. Theo Thỏa ước, vùng đất Ả Rập thuộc đế quốc Otoman sẽ chia ra 5 phần. Một số nằm trực tiếp dưới quyền Anh, Pháp, một số sẽ thành các quốc gia Ả Rập nhưng nằm trong vòng ảnh hưởng của Anh, Pháp. Cuối cùng là vùng đất, gần giống lãnh thổ Palestine ngày nay, chung quanh những thánh địa, sẽ nằm dưới quyền kiểm soát chung của Anh, Pháp và Nga. Thỏa ước hoàn toàn không đả động tới vùng đất nào cho người Do Thái, cũng chẳng có vùng nào cho Hussein như người Anh đã hứa hẹn.
Người Anh còn một cam kết riêng rẽ khác với người Do Thái sẽ gây rắc rối thêm cho vấn đề Palestine sau này: Chỉ sau Thỏa ước Sykes-Picot (1916) một năm, nhận thấy tình hình chiến sự chưa sáng sủa cho nên vào tháng 11 năm 1917, bộ trưởng ngoại giao Anh là Arthur Balfour đã viết thư cho Chiam Weizmann, người đứng đầu phong trào Zion. Trong thư, Balfour cam kết chính phủ Anh sẽ thành lập một nhà nước cho dân tộc Do Thái trên đất Palestine. Bức thư này được mệnh danh là Bản Tuyên Ngôn Balfour. Lời cam kết này mâu thuẫn với Thỏa ước Sykes – Picot cũng như với lời hứa hẹn của McMahon với Hussein. Có 3 lí do khiến bộ trưởng Balfour đưa ra lời cam kết: Thứ nhất vì Anh đang cần sự ủng hộ của các danh nhân chính khách gốc Do Thái ở chính quốc, ở Hoa Kì và ở Nga. Thứ đến, Anh cần có một quốc gia thân thiện trong vùng phía Đông Địa Trung Hải để thêm an toàn cho kênh Suez và là trái đệm giữa Syria thuộc Pháp và Ai Cập thuộc Anh. Thứ ba, nhà lãnh tụ phong trào Zion là Chaim Weizmann rất thân tình với các nhà lãnh đạo trong chính phủ Anh quốc. Các vị này thương cảm số phận dân tộc Do Thái và muốn giúp đỡ họ.
Có sự công nhận lập quốc của Anh, thanh niên Do Thái khắp nơi hăng hái tòng quân dưới lá cờ của Anh chiến đấu chống quân Thổ. Trong đoàn lính “lê dương” từ Hoa Kì có David Ben Gourion. Sau này, Ben Gourion sẽ là vị thủ tướng kiệt xuất đầu tiên của Israel. Thấy tương lai lập quốc của người Do Thái tới gần, quân Thổ nổi giận và tàn sát “bọn Do Thái phản bội” ở Palestine. Tới một nửa số dân Do Thái ở Palesrine bị sát hại trong đợt khủng bố kinh khủng này.
Kết cuộc: Sau thế chiến thứ nhất, Hội Quốc Liên (League of Nations) giao quyền ủy trị xứ Palestine cho Anh quốc. Anh quốc đã đưa ra 3 quyết định mâu thuẫn nhau: (1) giúp người Ả Rập thiết lập các quốc gia của họ ở Trung Đông; (2) phân chia vùng của Anh và vùng thuộc Pháp; (3) cho người Do Thái một quốc gia riêng trên lãnh thổ Palestine.
Trong các cuộc hòa đàm năm 1919, không phải Thỏa ước Sykes – Picot mà là kế hoạch Anh – Pháp trở thành hiện thực. Nghĩa là Anh nắm lấy Iraq, Trasjordan và Palestine; còn Pháp kiểm soát Syria và Lebanon. Sau đó, Iraq độc lập năm 1932; Lebanon, Syria và Transjordan độc lập năm 1946.
Riêng Palestine thuộc Anh vẫn không có giải pháp nào rõ rệt. Năm 1919, Chaim Weizmann và con trai của Hussein, tức Faisal (quốc vương Iraq sau này), có ý kiến phân chia Palestine làm hai: một cho người Ả Rập, một cho người Do Thái. Các nhà lãnh đạo Ả Rập không chấp nhận ý kiến này. Năm 1920, người Ả Rập tấn công các trại định cư của người Do Thái. Năm 1929 Faisal phủ nhận ý kiến đã nêu trên của ông. Người Anh cũng nói họ chưa từng có ý biến Palestine thành quốc gia của người Do Thái. Thế là cả người Ả Rập lẫn người Do Thái đều mất tin tưởng vào Anh. Hậu quả là một tương lai xung đột giữa người Do Thái và người Ả Rập chắc chắn sẽ xẩy ra.
Cuối năm 1920, có khoảng 10 ngàn người Do Thái hồi hương. Họ tổ chức lực lượng phòng vệ có tên là Haganah và thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Do Thái (the General Federation of Jewish Labor) để phụ trách di cư và định cư. Thấy thế, người Ả Rập yêu cầu Anh cho thành lập Palestine tự trị hầu có thể đối phó với sự bành trướng đất đai mạnh mẽ của người Do Thái. Tuy người Anh từ chối lời thỉnh cầu của người Ả Rập, nhưng vào tháng 9 năm 1920, người Anh lại đưa ra hạn chế số người Do Thái được nhập cư xuống 16 ngàn 500 người mỗi năm.
Năm 1921, căng thẳng giữa người Ả Rập và người Do Thái giảm đi nhiều. Người Do Thái tiếp tục hồi hương đợt thứ 4 vào năm 1921 và đợt thứ năm vào năm 1928. Song tới năm 1929, lại xẩy ra nhiều cuộc bạo động chống lại người Do Thái. Cuộc bạo động tại Jerusalem ngày 23 tháng 8 năm 1929 làm chết 133 người Do Thái và 116 người Ả Rập, cộng thêm 110 người bị cảnh sát Anh bắn chết. Cả hai bên lên tiếng tố cáo người Anh về vụ này.
Tới khoảng những năm 1930 thì người Anh hết còn khả năng kiểm soát nổi mối thù nghịch giữa người Ả Rập và người Do Thái. Lúc này, năm 1933, Quốc Xã lên nắm quyền ở Đức. Sự tàn ác của Đức quôc xã sẽ gây nên một tình hình mới đẩy sự thù hằn giữa người Ả Rập và người Do Thái lên cực độ.
Năm 1936, nhà lãnh đạo tinh thần của người Ả Rập ở Jerusalem phát động cuộc tổng công kích vào người Anh và người Do Thái, kể cả những người Ả Rập tỏ ra thân thiện với người Do Thái. Đương nhiên là người Do Thái phản công. Bắt buộc người Anh phải điều động 20 ngàn quân vào vùng rối loạn. Một sĩ quan Anh, Orde Wingate, còn thành lập những toán kích đánh đêm cho người Do Thái để tấn công các làng Ả Rập. Những toán đánh đêm của người Do Thái hành động tàn bạo không kém những gì người Do Thái đã tố cáo người Ả Rập đã gây cho họ.
Những cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Người Anh vừa xử dụng quân đội vừa dùng ngoại giao để tái lập hòa bình. Một Hội đồng Hoàng Gia (Royal Commission) được thành lập năm 1936 để giám sát tiến trình thực thi việc ủy trị vùng Palestine. Kết quả là sang năm 1937, Hội đồng đệ trình bản báo cáo (the Peel Commission Report) đề nghị phân chia Palestine thành 3 phần: một tiểu quốc phía Bắc cho người Do Thái, một nước lớn hơn ở mạn Nam cho người Ả Rập, và một dải đất nhỏ chạy từ bờ biển vào tới các thánh địa nằm dưới quyền kiểm soát của người Anh. Người Ả Rập phản đối ngay lập tức. Họ quyết không nhượng một tấc đất nào mà họ cho là họ có quyền thừa kế từ tổ tiên họ. Do vậy bạo động tiếp tục xẩy ra giữa hai khối người này.
Vì quyền lợi dầu lửa, người Anh tìm cách lấy lòng khối Ả Rập bằng việc hạn chế số người Do Thái di cư và hạn chế người Do Thái mua đất đai. Năm 1935, ước khoảng 60 ngàn người Do Thái di về. Năm 1936, con số giảm đi một nửa. Năm 1937 và 1938, còn giảm thêm nữa. Nhưng tới năm 1939, con số hồi cư lại tăng vọt tới 30 ngàn và hàng chục trại định cư mới được thiết lập. Thấy vậy, người Anh ra lệnh cắt chỉ tiêu người Do Thái được nhập cư xuống còn 4 ngàn người một năm, số còn lại là bất hợp pháp bị tống xuất sang Cyprus và Mauritius. Điển hình là vụ 2 chiếc tầu Strouma và Patria.
Chiếc thứ nhất tên Strouma chỉ dài 20 mét mà chở tới 800 người Do Thái từ Âu châu chạy về được tới cảng Istanbul như một phép lạ. Nhưng người Anh bắt chính quyền Thổ phải trục xuất con tầu Strouma ra biển Hắc Hải không lương thực, không nước uống. Một cơn giông nhỏ đã đánh chìm con tầu. Chỉ có một người sống sót.
Chiếc tầu thứ hai tên là Patria. Có 2 chiếc tầu nhỏ chở 2 ngàn người Do Thái cũng từ Âu châu tới đậu ngoài khơi cảng Hefa. Người Anh ra lệnh tập trung tất cả số người này lên tầu Patria và chở sang đảo Mauritius. Con tầu này cũng chìm ngoài khơi không bao giờ cập bến!
Để được công bình hơn, cũng phải nói thêm, vào khoảng thời gian giữa 1933 tới 1945, khi có làn sóng tị nạn Đức quốc xã, người Do Thái không chỉ gặp sự từ chối, hạn chế của người Anh mà còn bị nhiều nước khác hất hủi nữa. Ba Tây, Tây Ban Nha, Úc, Nam Phi đã giới hạn số dân tị nạn. Còn Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kì, Mexicô không cho nhập cảnh. Anh và Hoa Kì giới hạn số nhập cư bằng chỉ tiêu hằng năm. Năm 1941, quốc hội Hoa Kì bác bỏ đề nghị cho 20 ngàn trẻ em Đức gốc Do Thái nhập cư. Năm 1943, chính phủ Anh không chấp thuận lời kêu gọi bãi bỏ chỉ tiêu nhập cư của Tổng giám mục Canterbury. Cũng năm này, bộ ngoại giao Hoa Kì cho chìm xuồng kế hoạch của Thụy Điển nhằm cứu giúp 20 ngàn trẻ em Do Thái thoát ra khỏi nước Đức.
Lịch sử còn nhớ mãi câu chuyện thương tâm về chiếc tầu St. Louis. Con tàu này chở 930 người Do Thái tị nạn, rời nước Đức ngày 13 tháng 5 năm 1939, trực chỉ Hoa Kì. Hầu hết số người này đã được chấp thuận được vào nước Mĩ trong vòng 3 năm và hiện họ nắm trong tay chứng nhận được lên đất Cuba. Nhưng Cuba chỉ cho 22 người lên bờ, không một người nào được bước lên đất Mĩ. Một số nước Nam Mĩ cũng không cho bất cứ ai lên bờ. Sang tháng 6, con tầu phải quay trở lại Âu châu. Anh, Hòa Lan và Bỉ đồng ý cho họ tị nạn. 287 người tị nạn ở Anh được đối xử như là tù nhân khi chiến tranh phát khởi, còn những người đổ bộ lên các nước Âu châu khác, chỉ trong một năm sau đó đã nằm trong tay Đức quốc xã, đương nhiên họ bị bách hại và nhiều người gị giết chết.
Vậy thì đâu chỉ có Đức quốc xã mới nhúng tay vào máu của người Do Thái!
Vì có những thảm cảnh như trong câu chuyện kể trên, đến năm 1945, lời kêu gọi lập một quốc gia cho người Do Thái dễ được nhiều nước đồng ý. Đang khi nguyện vọng lập quốc của người Ả Rập không được ủng hộ vì vị giáo chủ Hồi giáo ở Jerusalem đã từng tìm sự ủng hộ của Hitler.
Giêrusalem by Google
*Trần VinhHình ảnh sưu tầm Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét