Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 01


Lịch Sử Cứu Độ_Chương 01

CHƯƠNG I: SÁNG THẾ - CON NGƯỜI - SỰ TỘI
1. H. Dụ ngôn "người Samaria từ thiện" (Lc 10, 25-30) và dụ ngôn "người con trai hoang đàng" (Lc 15, 11) mà Thánh Luca kể lại dạy về tình thương đồng loại và lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, có phải là những câu chuyện có thật không?
T. Một dụ ngôn là thật, nếu xét theo điều nó dạy là thật. Chân lý mà hai dụ ngôn nầy dạy chúng ta điều là thật: mọi người đều là anh em của ta và chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

2. H. Dụ ngôn là gì?
T. Dụ ngôn không phải là lịch sử, nhưng là những câu chuyện đơn sơ nhằm mục đích dạy một sự thật nào đó. Điểm cốt yếu của các dụ ngôn trong Phúc Âm là: Chúa Giêsu dạy nhiều chân lý quan trọng qua những mẫu chuyện đơn giản, lý thú và dễ nhớ. Các tác giả sách Cựu Ước cũng thường làm như vậy.
3. H. Vậy những điều tường thuật trong Sách Sáng Thế có phải là sự thật không?
T. Tác giả sách Sáng Thế không quan tâm đến khoa học hay lịch sử mà chỉ chú tâm đến vấn đề thần học: dạy cho ta sự thật về Thiên Chúa và con người. Sự thật ở đây hiểu theo nghĩa tôn giáo chứ không phải lịch sử hay khoa học. Hiểu theo nghĩa nầy, những điều Sách Sáng Thế dạy là sự thật.

SÁNG THẾ ( St. 1 , 1 - 2 , 3)
4. H. Khi đọc chương đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta thấy những gì?
T. Chương đầu của sách Sáng Thế cho ta thấy Thiên Chúa sáng tạo nên thế giới trong sáu ngày; Ngài làm cho nó được ổn định trật tự; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi.
5. H. Trong sáu ngày tạo dựng, Thiên Chúa đã làm những gì?
T. Trong sáu ngày tạo dựng Thiên Chúa đã làm:
Ngày thứ nhất, Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm.
Ngày thứ hai, Ngài tách nước phía trên ra khỏi nước phía dưới bằng một bầu trời.
Ngày thứ ba, Ngài tách địa cầu với nước phía dưới.
Ngày thứ tư, Ngài tạo nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.
Ngày thứ năm, Ngài cho xuất hiện chim trên trời, cá dưới biển.
Ngày thứ sáu, Ngài tạo dựng thú vật và cuối cùng là con người.
6. H. Sách Sáng Thế nhằm mục đích gì khi diễn tả việc Thiên Chúa tạo dựng vạn vật trong sáu ngày có liên quan với nhau?
T. Tác giả Sách Sáng Thế diễn tả quan niệm của mình về việc tạo dựng như sau:
- Ngày thứ nhất Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm và ngày thứ tư Thiên Chúa trang trí bằng việc dựng nên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao.
- Ngày thứ hai Thiên Chúa tách nước phía trên khỏi nước phía dưới và ngày thứ năm Thiên Chúa trang trí bằng việc dựng nên chim trời, cá biển.
- Ngày thứ ba Thiên Chúa tách đất khô ráo khỏi nước phía dưới và ngày thứ sáu Thiên Chúa trang trí địa cầu bằng thú vật và con người.
- Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi, theo cách người ta nghỉ trong ngày Sabat.
Đây là một lối nói bóng bẩy bằng văn vần, có tính nghệ thuật lý thú và dễ nhớ, chứ không phải là một câu chuyện lịch sử bằng văn xuôi.
7. H. Vậy đâu là mối bận tâm chính của tác giả Sách Sáng Thế?
T. Điều mà tác giả Sách Sáng Thế quan tâm chính là mô tả bản thể và quyền lực của Thiên Chúa và sự cao quý của con người, một kiệt tác trên địa cầu. Cũng vậy khi nói về thế giới, tác giả không dùng ngôn ngữ khoa học nhưng là ngôn ngữ biểu hiện (Trời, bầu trời, được mô tả giống như một mái tròn. Đó là cách suy nghĩ của những người đương thời và đồng hương với tác giả).
8. H. Vậy câu chuyện trong Sách Sáng Thế có thật không?
T. Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, hiểu theo nghĩa có thật của một dụ ngôn. Tất cả mọi điều mà dụ ngôn Sáng Thế muốn dạy đều là sự thật.
9. H. Câu chuyện Sáng Thế này dạy ta sự thật gì?
T. Câu chuyện Tạo dựng của Sách Sáng Thế dạy ta:
- Chỉ mình Thiên Chúa hiện hữu. Tất cả các vật khác đều hoàn toàn do Ngài tạo dựng.
- Thiên Chúa là một Ngôi vị, chớ không phải là một lực thiêng liêng nào đó. Ngài có thể được yêu mến và phụng thờ.
- Thiên Chúa tạo dựng thế giới từ hư vô.
- Con người trỗi vượt trên hết thảy vạn vật, được quyền cai trị trên thế giới loài vật.
- Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, có lý trí và có tự do.
- Hôn nhân được Thiên Chúa chúc lành.
- Con người phải dành ít nhất một ngày trong tuần cho Thiên Chúa .
- Thế giới và mọi vật trên thế giới đều tốt lành, do Chúa dựng nên và mang dấu ấn sự tốt lành của Người.
CON NGƯỜI ( St. 2 , 4 - 25)
10. H. Chương hai của Sách Sáng Thế có những nét độc đáo gì so với chương một?
T. So với chương một, chương hai của Sách Sáng Thế:
- Xưa hơn, do hai truyền thống khác nhau.
- Về nội dung không nói nhiều đến việc tạo dựng thế giới, mà nói về việc tạo dựng người nam và người nữ.
- Về hình thức, sử dụng kiểu nói bóng bẩy hơn.
11. H. Việc ông Ađam đặt tên cho các con vật có ý nghĩa gì?
T. Việc Ađam đặt tên cho các con vật mang những ý nghĩa sau đây:
Theo người Do Thái thời đó, chỉ người nào cầm quyền cai trị mới có quyền đặt tên.
Ađam chỉ đặt tên cho các con vật vì ông chỉ có quyền trên loài vật mà thôi. (Ông không hề đặt tên cho mặt trời, mặt trăng, ...vì ông không có quyền trên chúng).
12. H. Sách Sáng Thế dạy gì về việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên?
T. Con người được dựng nên bằng đất sét và bằng hơi thở của Thiên Chúa. Con người khác hẳn với loài vật và gồm hai yếu tố :
- Đất sét là biểu hiện của vật chất. Trong tiếng Do thái đất sét được gọi là AĐAMAH, gần giống như từ ngữ AĐAM, có nghĩa là người nam.
- Sự sống được ban cho con người, một sự sống hướng về Thiên Chúa nên được gọi là hơi thở của Thiên Chúa .
- Như vậy, con người giống Thiên Chúa, nhưng không phải là Thiên Chúa; giống loài vật nhưng không phải là loài vật.
13. H. Còn chân lý nào khác được dạy trong chương này nữa không?
T. Chương hai Sách Sáng Thế còn dạy:
Hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và chúc lành ( St. 2, 18).
Sự tốt lành của phái tính khi chưa bị tội lỗi làm hoen ố và tính bền vững của hôn nhân ( St. 2, 23-25).
SỰ TỘI ( St. 3 , 1 - 11 , 26)
14. H. Nhân vật mới xuất hiện trong chương ba là ai? 
T. Nhân vật mới xuất hiện trong chương ba là kẻ cám dỗ. Theo Sách Khải Huyền đó chính là Satan, xuất hiện dưới hình con rắn.
15. H. Chương ba dạy chính yếu điều gì?
T. Chương nầy muốn dạy: Con người phản nghịch Thiên Chúa vì kiêu căng và cố tình không tuân phục. Sự phản nghịch nầy được thể hiện qua việc ăn trái cây "biết lành biết dữ ".
16. H. Việc Ađam và Eva ăn trái cây "biết lành biết dữ" có ý nghĩa gì?
T. Qua việc ăn trái cấm, hai ông bà đã có một kinh nghiệm cụ thể về sự dữ; và tội là do con người muốn trở thành thẩm phán tối cao để xét xử hành vi thiện, ác của mình (hành vi luân lý).
17. H. Hậu quả của sự sa ngã là gì? 
T. Do tội, con người đã để mất Thiên Chúa và sự thiện hảo của Người, mở cửa cho Satan và vương quốc của nó: tội, bệnh tật và sự chết tung hoành trên thế gian, bởi thế, con người cần thiết được ơn cứu độ.
18. H. Ơn cứu độ được loan báo như thế nào? 
T. Ơn cứu độ được loan báo bằng một lời hứa huyền diệu nói đến cuộc giao chiến thù hận giữa người đàn bà và Satan, giữa dòng giống người đàn bà và dòng giống Satan mà phần thắng chắc chắn sẽ nghiêng về phía người đàn bà.
19. H. Thiên Chúa đứng về phía nào trong cuộc giao tranh này? 
T. Thiên Chúa trợ lực cho con người là kiệt tác của Ngài.
20. H. Sách Sáng Thế kể lại việc thiên thần cầm gươm đứng gác cửa thiên đàng có ý nghĩa gì ? 
T. Tác giả Sách Sáng Thế muốn khẳng định: cái gì con người đã đánh mất thì không còn có thể tìm lại được. Con người đã mất vĩnh viễn "tính bản thiện " .
21. H Trong 08 chương từ chương 4 -11, Sách Sáng Thế tập trung vào chủ đề gì ?
T. Trong 08 chương này, Sách Sáng Thế tập trung vào một chủ đề chính là sự tội. Tác giả muốn in sâu vào lòng độc giả cảm tưởng rằng quyền lực Satan đã xâm nhập cách tàn nhẫn vào thế gian, vào tất cả loài người, chớ không phải riêng nơi Ađam và Eva đã sa ngã mà thôi.
22. H. Những mẫu chuyện tiêu biểu trong 08 chương này diễn tả điều gì ? 
T. Những mẫu chuyện tiêu biểu trong 08 chương nầy nói lên một điều: tội lỗi đã bắt đầu tràn ngập thế gian, nhưng đồng thời cũng cho thấy tình thương của Thiên Chúa đối với con người, thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Ngài.
23. H. Câu chuyện về Cain và Abêlê muốn dạy điều gì ? 
T. Câu chuyện Cain giết Abêlê dạy: Một khi con người đã phạm tội với Thiên Chúa thì nó sẽ phạm tội với đồng loại của mình.
24. H. Hiến lễ của Abêlê mang ý nghĩa gì ? 
T. Hiến lễ là một nhu cầu khẩn thiết của con người để tỏ lòng sùng mộ đối với Thiên Chúa đã tạo dựng mình.
25. H. Câu chuyện về tội của "con trai Thiên Chúa" và "con gái loài người" muốn nói lên điều gì ?
T. Câu chuyện về tội của "con trai Thiên Chúa" và "con gái loài người" dạy "con trai Thiên Chúa" là sự thiện; "con gái loài người" là sự ác. Thiện và ác đã lẫn lộn vào nhau trong đời sống con người
26. H. Câu chuyện Lụt Hồng Thuỷ muốn dạy điều gì?
T. Câu chuyện về Lụt Hồng Thuỷ muốn nhấn mạnh đến phản ứng của Thiên Chúa đối với tội lỗi. Tội đã lan tràn đến nỗi cần phải có nước lụt mới xoá sạch những người vết nhơ của nó; đồng thời nói lên lòng thương xót Chúa trước cảnh con người đã dùng tôi lỗi của mình để huỷ hoại vẻ đẹp của tạo vật.
27. H. Câu chuyện Tháp Babel muốn dạy điều gì?
T. Câu chuyện về Tháp Babel cho thấy do tội kiêu ngạo mà hổn loạn và bất hoà đã nẩy sinh giữa loài người.
28. H. Sách Sáng Thế còn dùng hình ảnh nào để diễn tả hậu quả của tội nữa không?
T. Do tội mà tuổi của các tổ phụ giảm dần từ đầu đến cuối bảng thống kê. Đây là cách thế để nói lên rằng người tội lỗi mỗi ngày một lan tràn và nó là nguyên nhân cơ bản của sự chết. Tuổi thọ suy giảm là dấu hiệu tội lỗi gia tăng
29. H. Có phải Cựu ước khi nhấn mạnh đến sự tội của con người thì đồng thời cũng muốn cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với con người?
T. Mặc dù nhấn mạnh đến sự tội, nhưng các câu chuyện Cựu Ước nầy cũng nhắc nhở chúng ta luôn nhớ rằng Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm yêu thương đến con người, thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Người.
30. H. Cách cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa qua những câu chuyện nầy thế nào?
T. Lòng từ bi của Thiên Chúa như là một sợi dây buộc con người với Thiên Chúa như trong đoạn kể lại sự sa ngã có nói đến việc giao tranh mà phần thắng sẽ về phía người đàn bà; Thiên Chúa bằng lòng về Abêlê và về Henoch; Noe và gia đình ông được ân huệ đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
31. H. Qua những câu chuyện nầy chủ ý tác giả Sách Thánh muốn nói điều gì ?
T. Do sự gia tăng nhanh chóng của tội mà con người cảm thấy khẩn thiết cần có ơn cứu độ và cũng chính trên nền đen tối đầy tội nầy, sẽ xuất hiện khuôn mặt nổi bật của Abraham, người "bạn của Thiên Chúa " và là vị tổ phụ của dân Chúa chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét