Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 03

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 03

CHƯƠNG III: QUỐC GIA VÀ VƯƠNG QUỐC
MỘT QUỐC GIA (Giôsuê 1-12 và 24)
65. H. Ai đã dẫn Dân Irael vào đất hứa?
T. Giôsuê, con ông Nun, chi tộc Êpharaim đã được phong làm người kế vị Môsê trong một nghi lễ được cử hành trước vị tư tế và toàn thể cộng đồng, lãnh đạo dân đánh chiếm đất Canaan.
66. H. Làm sao cắt nghĩa hành động tận diệt của dân Irael đối với những thành chiếm được mà họ cho là lệnh của Chúa?
T. Dân Israel tin rằng Thiên Chúa là căn nguyên mọi sự. Bất cứ điều gì xảy đến điều phần nào do bởi Thiên Chúa. Đàng khác, những cuộc tàn sát cũng có hiệu quả tốt: lấy đất chia cho 12 chi tộc, bài trừ tận gốc việc thờ ngẫu tượng mà người Canaan phổ biến cho dân Israel  Bởi thế, tác giả sách Giôsuê ghép hai việc: hiệu quả tốt của các cuộc tàn sát với việc Thiên Chúa là căn nguyên mọi sự, cho nên ông nói rằng Thiên Chúa đã ra lệnh tàn sát.
67. H. Tại sao dân Canaan thất bại?
T. Trong 50 năm, dân Israel đã chiếm hầu hết các thành của Canaan . Ngoài yếu tố trợ lực của Thiên Chúa, còn hai sự kiện hoàn toàn tự nhiên đã khiến cho dân Canaan bại trận:
-Một là họ thiếu thống nhất, trong mảnh đất nhỏ bé này có đến 31 vị vua.
-Hai là vì đang khi chống cự với dân Israel từ phía đông, thì họ lại bị quân Philitinh tấn công từ bờ biển phía tây. Họ bị hai mặt giáp công cùng một lúc.
68. H. Đặc điểm nổi bật của Israel trong thời kỳ này là gì?
T. Trong thời kỳ này, Israel là một quốc gia không có vua, không có thủ đô, không có nghị viện. Điều làm cho họ hợp nhất với nhau là vì họ có chung một tôn giáo, họ đều thuộc về Yahvê. Dấu hiệu rõ rệt của sự thống nhất nầy là Khám Giao ước được đặt tại Silô, trong phần đất của Êphraim (Gs. 18, 1).
69. H. Biến cố nào vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa tôn giáo, khi Israel trở thành một quốc gia?
T. Đó là việc Giôsuê đã tổ chức một nghi lễ nhắc lại lời giao ước. Dân chúng thề hứa trung thành với Thiên Chúa của mình và tuân phục giới răn của Ngài. Nghi lễ nhắc cho dân nhớ: Giao ước giữa Thiên Chúa và Môisê không phải là một sự kiện đã qua nhưng còn là một hành vi hiện tại: mọi người phải tự nguyện sống giao ước ấy như Môisê và tổ tiên họ trong sa mạc.
70. H. Cho đến khi Israel lập quốc, lời hứa cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện đến giai đoạn nào?
T. Qua sự kiện Israel trở thành một quốc gia, lời hứa thứ hai mà Thiên Chúa hứa với Abraham đã được thực hiện: ban đất Canaan làm sản nghiệp. Còn lời hứa thứ nhất đã được thực hiện với việc ra đời của Isaac và sự phát triển đông đảo của dân Israel . Lời hứa thứ ba về phúc lành sẽ đổ xuống trên các dân nhờ Abraham và gia đình ông vẫn chưa thấy thực hiện.
THỜI KỲ CÁC THẨM PHÁN (Thẩm phán 1- 16)
71. H. Bối cảnh lịch sử thời kỳ ác Thẩm phán thế nào?
T. Do ảnh hưởng của một số người Canaan ngoại giáo sống sót, dân Israel đôi khi từ bỏ Thiên Chúa để thờ thần Baal và Astarde (thần nam và thần nữ của việc sinh sản) của người Canaan, bị Chúa phạt bằng cách để cho chiến tranh xảy ra. Thời kỳ thẩm phán kéo dài khoảng 200 năm. Ít quan trọng đối với lịch sử cứu độ.
72. H. Vai trò của các Thẩm phán trong lịch sử cứu độ là gì?
T. Do lòng thương xót của Thiên Chúa , Ngài cho xuất hiện cả thảy 12 vị Thẩm phán (hay thủ lãnh) lãnh đạo để cứu dân Israel .

VƯƠNG QUỐC SAMUEN VÀ SAOLÊ (1Sm)
73. H. Tiên tri Samuen là ai?
T. Samuen sinh vào khoảng năm 1060 trước Chúa Giáng Sinh, do ý Chúa, vì cha mẹ ông đã già mà không con. Ông phục vụ Chúa tại Thánh địa Silô, nơi đặt Khám giao ước. Ông được Chúa chọn thay thế tư tế Êli, vì tội ông nầy đã dung túng hai con trai làm mất lòng Chúa.
74. H. Samuen đóng vai trò gì trong lịch sử cứu độ?
T. Trong vòng 20 năm, từ khi Êli chết, Samuen là người lãnh đạo quốc gia. Ông là vị thẩm phán cuối cùng và là vị tiên tri thứ nhất. Bởi vì kể từ sau Abraham và Môisê, những phát ngôn viên nổi tiếng của Thiên Chúa, thì từ Samuen trở đi mỗi thế kỷ đều có vị tiên tri của mình và Samuen là người đứng đầu trong số các vị tiên tri ấy.
75. H. Lý do nào dân Israen yêu cầu tiên tri Samuen lập vua?
T. Từ trước đến nay, vị vua độc nhất của họ chính là Thiên Chúa. Nhưng giờ đây giữa lúc thất bại trước quân thù, họ cho rằng vương quyền của Thiên Chúa chưa đủ, họ hết còn hy vọng ở vị vua trên trời, mà chỉ ước mong một vị vua dưới trần thế khả dĩ mang lại cho họ thành công. Và đây là điều làm cho Samuen đau lòng nhất.
76. H. Vị vua đầu tiên của dân Israen là ai?
T. Vị vua đầu tiên của Israen là Saolê, thuộc chi tộc Bengiamin. Ông là một chiến sĩ hơn một vị vua. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và xức dầu đại diện cho Ngài.
77. H. Lý do nào Chúa loại bỏ Saolê?
T. Vua Saolê không sống đúng trách nhiệm cao quí của mình: nghe lời dân chúng hơn nghe lời Chúa. Ông bị Thiên Chúa loại bỏ và con cái không có quyền thừa kế ngai vàng. Với vua Saolê, quốc gia đã trở thành vương quốc, có thủ đô là Gibêa.
VUA ĐAVÍT( Samuen2)
78. H.Đavít là ai? T. Đavít là con Isai, được tiên tri Sumuen sức dầu tấn phong làm vua thay vua Saolê, khi ông này còn đang tại vị, nên thường bị Saolê tìm cách hãm hại.
79. H. Đavít đã thực hiện công việc quan trọng nào khi bắt đầu lên ngôi vua?
T. Đavít lên ngôi năm 1000 trước Chúa Giáng Sinh, đã chọn Giêrusalem làm thủ đô để tránh sự tranh chấp giữa hai miền Nam Bắc, vì thành này vừa mới được chinh phục, không thuộc miền nào cả. Đồng thời, ông đưa Khám Giao Ước về Giêrusalem biến thành này ngoài vai trò là trung tâm chính trị, còn là trung tâm tôn giáo của Israen.
ĐAVÍT VÀ LỊCH SỬ ƠN CỨU ĐỘ (2Sm 7)
80. H. Việc Đavít được sức dầu phong vương nói lên điều gì?
T. Việc Đavít sức dầu phong vương khẳng định: tính thống nhất của niềm hy vọng cứu độ vẫn nằm nơi một người là Abraham, nơi gia đình ông, dân tộc ông, quốc gia và vương quốc của ông.
81. H. Sách 2Samuen chương 7 nói lên sứ điệp quan trọng gì?
T. Khi Đavít xây xong cung điện và muốn dựng một Đền Thờ cho Chúa, Chúa liền phán với tiên tri Nathan, thay gì để Đavít cất nhà cho Giavê thì Giavê sẽ xây nhà cho Đavít nghĩa là thiết lập một triều đại. Triều đại đó sẽ vĩnh viễn và phổ quát đồng thời các vua kế vị Đavít sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
82. H. Tước hiệu con Thiên Chúa của các vua thuộc dòng dõi Đavít có ý nghĩa gì?
T. Với tư cách là con Thiên Chúa, vị vua đóng vai trò trung gian sẽ đại diện Thiên Chúa (giống như Môisê) giữa dân chúng và cũng sẽ đại diện dân trước mặt Thiên Chúa . Qua vị vua, dân Israen thấy dấu hiệu rõ ràng sự bảo trợ của Thiên Chúa và là bằng chứng Thiên Chúa trung thành đối với lời hứa của Ngài.
83. H. Abraham và Môisê đóng vai trò gì trong chương trình cứu độ?
T. Abraham được Chúa chọn làm tổ phụ của dân Israen là người duy nhất được Thiên Chúa cùng vạch ra chương trình và Môisê là trung gian để Thiên Chúa ràng buộc chính mình Ngài với dân Ngài trong một tôn giáo thật sự, được đặt nền tảng trên giao ước.
84. H. Vua Đavít đóng vai trò gì trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? 
T. Với Đavít, chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã tiến thêm một bước đầy ý nghĩa. Ông là một vị vua được Thiên Chúa chọn để thiết lập một vương quốc mà một ngày nào đó, sẽ trở nên vĩnh cửu và phổ quát, trong đó, ơn cứu độ được tìm thấy. Từ lúc đó, niềm hy vọng của dân Israen, thay mặt toàn thế giới, không chỉ hướng về Đavít, vị vua đang cai trị, mà còn hướng về vị vua vĩ đại sẽ đến trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét