LÀM QUEN VỚI SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU
1. Thánh Mát-thêu là ai ?
Thánh Mát-thêu, còn có tên gọi là Lê-vi, làm nghề "thu thuế", được Chúa Giê-su gọi làm Tông Đồ ( x. Mt 10, 3 ; Lc 5, 27; Mc 2, 14; Cv 1, 13 ).
2. Bản văn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu viết bằng tiếng Hy Lạp có từ khi nào ?
Ý kiến chung bây giờ là Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu bằng tiếng Hy Lạp được soạn vào những năm 80 đến 90 tại Xy-ri-a Pa-lét-tin. 3. Sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu gồm mấy phần chính ? Sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu gồm ba phần chính: - Thời thơ ấu của Chúa Giê-su ( Chương 1 – 2 ). - Hoạt động và lời rao giảng của Chúa Giê-su ( Chương 3 – 25 ). - Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su ( Chương 26 – 28 ). 4. Bản văn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu nhắm đối tượng nào và mục đích gì ? Thánh Mát-thêu viết bản văn này trước tiên nhắm đến đối tượng là người Do Thái để họ tin rằng: - Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đã được Cựu Ước loan báo ( xem chi tiết ở câu 5 ). - Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa ( xem chi tiết ở câu 6 ). - Đức Giê-su đến trần gian để rao giảng về Nước Trời cho muôn dân ( xem chi tiết ở câu 7 và câu 8 ). - Đức Giê-su là Đấng sáng lập Hội Thánh ( xem chi tiết ở câu 9 ). 5. Tại sao gọi Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a ? Trong Cựu Ước, Mê-si-a có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Trước hết dùng để chỉ nhà vua ( x. 1 Sb 11, 3b; 2 Sm 2, 4... ), nhưng cũng để chỉ những nhân vật khác là các ngôn sứ ( x. 1 V 19, 16b; Tv 105, 15; Is 61, 1... ) và các tư tế ( x. Tv 133, 2; Xh 29, 7; Xh 28, 41... ) Đức Giê-su được gọi là Đấng Mê-si-a là vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong Người” (x. Cv 10, 38 ) làm quân vương ( x. Lc 4, 18 ), làm tư tế ( x. Ga 17, 19; Mt 26, 26 – 28; Mc 14, 22 – 24; Lc 22, 19 – 20 ), và làm ngôn sứ ( x. 1 V 19, 16b; Tv 105, 15; Is 61, 1; Lc 4, 18; Cv 10, 38 ) 6. Nhờ đâu ta biết được Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ? Ta biết được Đức Giê-su là Con Thiên Chúa nhờ những điểm sau đây: - Chính Chúa Cha đã mạc khải Người một cách long trọng tại sông Gio-đan ( x. Mt 3, 17 ) và trong cuộc Hiển dung ( x. Mt 17, 5 ). - Những lời xưng nhận của ma quỷ ( x. Mt 8, 29 ), của ông Phê-rô ( x. Mt 16, 16 tt ), của vị sĩ quan phụ trách cuộc hành quyết ( x. Mt 27, 54 ). - Những lời chính Chúa Giê-su nói về mình. Đặc biệt một lần trước Thượng Hội Đồng Do Thái ( x. Mt 26, 63 tt ) và lần khác trước mặt các môn đệ quy tụ lại trên núi để lãnh sứ mệnh tiếp tục sự nghiệp của Chúa Giê-su Phục Sinh ( x. Mt 28, 18 – 20 ). 7. Chúa Giê-su dạy gì về mầu nhiệm Nước Trời ? Những lời Chúa Giê-su dạy về mầu nhiệm Nước Trời được Thánh Mát-thêu sắp xếp thành 5 bài giảng:
§ Bài giảng trên núi ( Chương 5 – 7 ).
§ Bài giảng về truyền giáo ( Chương 10 ). § Bài giảng bằng dụ ngôn ( Chương 13 ). § Bài giảng về Giáo Hội ( Chương 18 ). § Bài giảng về thời sau hết ( Chương 24 – 25 ). 8. Chúa Giê-su dạy gì trong Bài giảng trên núi ? Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su dạy người Ki-tô hữu con đường sống đạo gồm: - Tám Mối Phúc: là những gì Chúa Giê-su đã sống và Người muốn các Ki-tô hữu phải đi trên con đường đó: “Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi” ( 1 Ga 2, 6 ). - Kiện toàn luật Mô-sê: Chúa Giê-su đưa luật đến ý nghĩa toàn hảo, nghĩa là khi giữ luật, người Ki-tô hữu phải vượt quá hình thức và chữ viết để đi tới tinh thần: “công bình, lòng nhân ái và thành tín” ( Mt 23, 23 ) và sống luật đó bằng tình yêu ( x. 2 Cr 3, 3 . 6; Mt 23, 23 ). - Kinh Lạy Cha: Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Chúa Cha, là bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Nội dung chứa đựng mạc khải về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong ý định cứu rỗi nhân loại, và được thực hiện nơi con người và đời sống của Chúa Giê-su bằng lời rao giảng và việc làm của Người. - Môn đệ chân chính: Chúa Giê-su mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành cụ thể trong đời sống ( x. Mt 7, 24 ). 9. Chúa Giê-su dạy gì trong Bài giảng về truyền giáo ? Chúa Giê-su gọi Nhóm Mười Hai và sai đi để các ông tiếp nối sứ mạng của Người, đó là rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Người còn ban cho các ông có quyền năng trên các thần ô uế và chữa lành bệnh tật. Để thi hành sứ mạng truyền giáo, các Tông Đồ và các Môn Đệ của Chúa Giê-su phải sống triệt để yêu sách Nước Trời: đó là tinh thần nghèo khó, tín thác, từ bỏ; chịu bắt bớ, nói sự thật, sống lòng mến trọn hảo. 10. Chúa Giê-su dạy gì trong Bài giảng bằng các dụ ngôn ? Trong bài giảng bằng các dụ ngôn, Chúa Giê-su nói về các khía cạnh khác nhau của Nước Trời: a. Dụ ngôn người gieo giống ( 13, 3b – 9 ) Nước Trời được trao ban cho tất cả mọi người ở mọi nơi, trong mọi thời đại. Dù gặp khó khăn trở ngại, cuối cùng Nước Trời vẫn sinh hoa kết quả. b. Dụ ngôn cỏ lùng ( 13, 24 – 30 ) Dụ ngôn này nhấn mạnh đến lòng khoan dung nhẫn nại của Thiên Chúa. Thiên Chúa không đồng loã với sự ác, nhưng vì tình thương, Người vẫn chờ đợi con người tội lỗi hoán cải. Nước Trời là sức mạnh tất thắng, nhưng là sức mạnh của tình thương. Tình thương không phô trương, nhưng âm thầm hoạt động và chinh phục con người tự bên trong. c. Dụ ngôn hạt cải ( 13, 31 – 32 ) Cộng đoàn Giáo Hội là dấu chỉ Nước Trời, ban đầu khiêm tốn, nhỏ bé, nhưng sẽ phát triển và lan rộng đến mọi dân mọi nước trong ngày sau hết. d. Dụ ngôn men trong bột ( 13, 33 ) Tuy âm thầm, men Tin Mừng của Nước Trời vẫn thấm nhập, đổi mới và phát huy sức mạnh trong tâm hồn con người và thế giới mọi thời. e. Dụ ngôn kho báu và ngọc quý ( 13, 44 – 46 ) Nước Trời có một giá trị tuyệt đối đòi hỏi con người phải khám phá, tìm kiếm và dành trọn cả cuộc đời mình để chiếm hữu cho bằng được. Thánh Phao-lô còn hiểu rằng: Kho Báu và Ngọc Quý đó chính là Đức Giê-su ( x. Pl 3, 7 – 8 ). f. Dụ ngôn lưới cá ( 13, 47 – 50 ) Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương hết mọi người, Người muốn thâu họp tất cả mọi người vào trong Nước Trời. Nhưng vào ngày cuối cùng, Nước Trời không có chỗ cho sự dữ. 11. Chúa Giê-su dạy gì trong bài giảng về Giáo Hội ? Để được vào Nước Trời, người Môn Đệ Chúa Giê-su phải thay đổi mình và trở nên như “trẻ nhỏ”, nghĩa là biết sống phó thác, khiêm nhu, tin vào tình thương của Thiên Chúa ( x. Mt 18, 1 – 4; 19, 13 – 14 ). Giáo Hội phải chú ý đặc biệt đến những người bé mọn: trẻ em, người bị bóc lột, người thấp cổ bé miệng, người tội lỗi...; phải đón tiếp họ nhân danh Chúa Giê-su, một phần vì đây là mệnh lệnh của Chúa, phần khác vì Chúa Giê-su đồng hóa mình với những người bé mọn ( x. Mt 18, 10; 25, 40 . 45 ). Giáo Hội phải sống như một cộng đoàn huynh đệ, luôn biết đón nhận và tha thứ cho nhau ( x. Mt 18, 15 – 35 ). 12. Chúa Giê-su dạy gì trong bài giảng về thời sau hết ( Mt 24, 1 – 25 . 46 ) ? Giáo Hội luôn phải đương đầu với các cuộc bách hại từ bên ngoài, và cả sự suy giảm về lòng tin, sự xuống dốc về đời sống luân lý của con cái mình. Tuy nhiên, những điều xấu ấy không thể cản trở chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tin Mừng vẫn không ngừng được loan báo cho mọi người trên toàn thế giới cho đến ngày Chúa Giê-su lại đến. Không ai biết được khi nào tận thế ( x. Mt 24, 36 ). Vì thế, người Ki-tô hữu phải luôn tỉnh thức và canh tân đời sống theo Tin Mừng ( x. Mt 24, 42 – 44 ). Nhờ đó, người Ki-tô hữu không có gì phải hoang mang, sợ hãi, nhưng hân hoan, vui mừng ra đón Chúa ngự đến trong vinh quang ( x. Mt 24, 21. 23 ) và thừa hưởng Nước Trời đã được Chúa dọn sẵn ( x. Mt 25, 34 ). 13. Chúa Giê-su dạy gì trong các dụ ngôn về cách sống thích hợp với Nước Trời ? a. Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót ( Mt 18, 23 – 35 ) Mỗi nén ngày xưa trị giá 6.000 quan, tương đương với 6.000 ngày công; 10.000 nén là quá nhiều so với 100 quan cho 100 ngày công. Chúa Giê-su cố ý làm nổi bật sự cách biệt giữa hai món nợ và hai thái độ. Điều đó cho thấy lòng nhân từ, quảng đại của Thiên Chúa và sự độc ác, hẹp hòi của con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em là vì chính ta đã được Thiên Chúa tha thứ, chứ không phải vì họ biết điều mà xin lỗi ta, cũng chẳng phải vì ta cao thượng mà không chấp nhất lỗi lầm của họ. b. Dụ ngôn thợ làm vườn nho ( Mt 20, 1 – 16 ) Chuyện nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa ( ông chủ ) đối với dân ngoại là những kẻ được gia nhập Hội Thánh ( vườn nho ) vào thời sau hết ( 17 giờ ). Dụ ngôn còn ngụ ý rằng: Thiên Chúa ban ơn cho ai đều do bởi tình thương của Người, chứ không bởi công trạng của họ. Một khi đặt nặng các ơn ban hơn là Đấng ban ơn, thì người ta dễ ganh tỵ với người khác. c. Dụ ngôn hai người con ( Mt 21, 23 – 32 ) Chúa Giê-su cho thấy điều quan trọng không phải là nói, mà chính là làm theo ý muốn của Thiên Chúa. d. Dụ ngôn những tá điền sát nhân ( Mt 21, 33 – 44 ) Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến với dân Ít-ra-en. Người bị đóng đinh trên thập giá bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, giống như người con thừa tự bị giết bên ngoài vườn nho ( c. 39 ). Hội Thánh là Dân Ít-ra-en mới thay cho dân Ít-ra-en cũ, vì họ đã không tin và không đón nhận Chúa Giê-su ( c. 43 ). Không ai chối từ Chúa Giê-su, mà không gặp phải hậu quả nghiêm trọng ( c. 44 ). e. Dụ ngôn tiệc cưới ( Mt 22, 1 – 14 ) Thiên Chúa mời gọi, ban phát tình thương và ân sủng cho tất cả mọi người. Một người đã tin vào Chúa Giê-su, đã chịu phép rửa, và sống trong Hội Thánh, thì phải có đời sống phù hợp với Đức Tin ấy mới được cứu độ. 14. Chúa Giê-su dạy gì qua các dụ ngôn về điều kiện để đón nhận Nước Trời ? a. Dụ ngôn mười trinh nữ ( Mt 25, 1 – 13 ) Mười cô trinh nữ này tượng trưng cho mọi Ki-tô hữu. Dụ ngôn nhấn mạnh việc Chúa đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người và trong ngày tận thế. Do đó, mọi người phải luôn sẵn sàng. Trong đời sống thiêng liêng, mỗi người phải tự lo cho mình, không ai có thể làm thay ai. b. Dụ ngôn những nén bạc ( Mt 25, 14 – 30 ) Câu chuyện cho thấy Thiên Chúa ban cho mỗi người những khả năng và ân huệ khác nhau. Người muốn chúng ta phát triển số vốn ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. 15. Tại sao gọi Chúa Giê-su là Đấng sáng lập Hội Thánh ? Chúa Giê-su thực hiện ý muốn của Chúa Cha là quy tụ mọi người thành cộng đoàn Hội Thánh, tuy hiện nay Hội Thánh chưa bao gồm toàn thể nhân loại: - Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tuyển chọn và quy tụ các môn đệ, trao cho Thánh Phê-rô ( Mt 16, 18 – 19 ) và các Tông Đồ ( Mt 18, 18 ) quyền lãnh đạo Hội Thánh. - Chúa Giê-su đã hiến thân chịu chết trên thập giá “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” ( Ga 11, 52 ) làm thành Hội Thánh. - Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ tiếp nối công việc của Người bằng việc ra đi “và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” ( Mt 28, 19 ) để cộng đoàn Hội Thánh không ngừng lớn lên. - Chúa Giê-su ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế ( x. Mt 28, 20 ), lấy Lời Chúa mà tập họp, lấy Lời Chúa và Thánh Thể mà nuôi dưỡng, để bảo vệ và phát triển Hội Thánh cho đến ngày Hội Thánh được hoàn tất trong vinh quang. 16. Tính sư phạm của sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: Nét độc đáo của sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chính là các diễn từ và các dụ ngôn của Chúa Giê-su. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh về đời sống Ki-tô hữu: Phải lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Nghe chưa đủ, điều quan trọng là thực hành ( x. Mt 7, 21 ). Bài giảng trên núi là một tổng hợp tuyệt vời và cụ thể về các chỉ thị cho đời sống Ki-tô giáo. Đọc Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ta thấy ngay nét sáng sủa và trật tự. Vì luôn bận tâm đến việc giảng dạy Giáo Lý, tác giả có khuynh hướng gom góp các lời dạy, các phép lạ theo từng chủ đề. Ngoài ra, để giúp người đọc dễ học, dễ nhớ, Thánh Mát-thêu thường dùng kiểu nói so sánh ( x. Mt 7, 17 – 18 ); lặp đi, lặp lại dưới nhiều hình thức ( x. các dụ ngôn về Nước Trời ); và nhiều lần trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước.
NHÓM TÔNG ĐỒ KINH THÁNH 2006
| |
Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014
LÀM QUEN VỚI SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét