Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

TÌM HIỂU THÁNH KINH (41) HIỂU ĐỂ GIẢI THÍCH KINH THÁNH TỐT HƠN

TÌM HIỂU THÁNH KINH (41) HIỂU ĐỂ GIẢI THÍCH KINH THÁNH TỐT HƠN



LM. JM. Mười Một, CSsR


Bài này xin giới thiệu những hình ảnh được Hội Thánh thời đầu sử dụng để mô tả và giải thích Kinh Thánh. Hy vọng rằng sau khi hiểu, và nếu áp dụng cách linh hoạt những hình ảnh này, các tín hữu sẽ hiểu biết, suy gẫm cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa cách phong phú hơn.[1]


Ngay từ những ngày đầu của Kitô giáo, Kinh Thánh đã được tin là sách được linh hứng chứa đựng những mạc khải của Thiên Chúa. Niềm tin này nâng quyển Kinh Thánh lên trên mọi quyển sách khác của nhân loại: Kinh Thánh vừa có tính thường tình loài người nhưng đồng thời có tính nhiệm mầu thần linh. Để giải thích quyển Kinh Thánh với đặc tính có một không hai này, truyền thống Hội Thánh thời các Tông Đồ và Giáo phụ đã sử dụng nhiều hình ảnh và lối nói khác nhau. 

1. Lời hứa và Giao ước

Cv 2,22-35 ghi lại bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô trong Kinh Thánh Tân Ước, sau khi Chúa Giêsu chết và phục sinh. Thánh Phêrô rao giảng và làm chứng cho người Do Thái rằng Đức Giêsu Nadaret là Đấng hoàn tất mọi lời Thiên Chúa đã hứa cùng các Tổ phụ của họ, trong Giao ước Người đã thiết lập với các Tổ phụ, như được ghi chép trong Sách Thánh Hípri của họ.

2. Luật đức tin

Văn sĩ Tertulian (200) nhấn mạnh “Luật đức tin” như chuẩn mực đảm bảo việc giải thích Kinh Thánh đúng đắn. Hạn từ “Luật đức tin” có ý nói đến một chuẩn mực cho đức tin và lối sống của Hội Thánh sơ khai, dựa trên mạc khải Kinh Thánh, được nhìn nhận, gìn giữ và lưu truyền như một “tài khoản đức tin” của các Tông Đồ.

3. Hình bóng và thực tại

Giám Mục Melito Sardis (cuối tk 2) đã diễn tả mạc khải Kinh Thánh Cựu Ước như hình bóng, còn Tân Ước và Hội Thánh là chính thực tại. Lối diễn tả này đã nối kết được cả hai Giao Ước Cựu và Tân với nhau trong một câu truyện về lịch sử cứu độ.

4. Giải thích Kinh Thánh sai dẫn đến giáo lý sai

Thánh Hippolytus Rome (215) tranh luận với lạc thuyết Nhất Ngôi Nhất Thể Luận (Monarchianism), bằng cách nhấn mạnh phải giải thích đúng đắn Kinh Thánh, vì lạc thuyết giải thích sai mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và phủ nhận Truyền thống của Hội Thánh vốn đảm bảo giải thích Kinh Thánh đúng đắn.

5. Bản nhạc của Thiên Chúa

Giáo phụ Origen (250) ví quyển Kinh Thánh như bản nhạc của Thiên Chúa và ví việc giải thích Kinh Thánh như nghệ sĩ chơi đàn: cần học biết đánh dây nào cho đúng, khi thì dây Luật, lúc thì dây Tin Mừng, khi thì dây Ngôn sứ, lúc thì dây Tông đồ,… Như nghệ sĩ chơi nhạc, mục đích của việc giải thích Kinh Thánh là làm sao giúp mọi người cảm thụ được tất cả Kinh Thánh như một nhạc cụ hài hòa du dương của Thiên Chúa, mỗi dây nếu có âm thanh riêng khác với các dây còn lại, sự khác biệt nếu có thì cũng chỉ là vì lợi ích cho chính chúng ta mà thôi. 

6. Bộ ba nghĩa Kinh Thánh vững chắc

Giáo phụ Origen (250) cho rằng ví như con người chúng ta có ba phần là thân xác, linh hồn và tinh thần, thì bản văn Kinh Thánh cũng có ba nghĩa, tương ứng với ba phần đó, vì ơn cứu độ của chúng ta. Ba nghĩa đó là: 1/ Nghĩa đen (thân xác của Kinh Thánh): Cấp độ thấp nhất dành cho những người bình thường; 2/ Nghĩa thiêng liêng (linh hồn của Kinh Thánh): Cấp cao hơn dành cho những ai đã có chút tiến bộ trên đường thiêng liêng; 3/ Nghĩa tinh thần (luật tinh thần của Chúa Thánh Thần): Cấp cao nhất dành cho những người hoàn thiện. 

7. Xe tứ mã chuyên chở bốn nghĩa của Kinh Thánh

Truyền thống Công giáo dạy rằng như Ngôi Lời Nhập Thể có hai bản tính, thần tính và nhân tính, khác biệt nhưng không tách biệt, thì Kinh Thánh cũng có hai “bản tính” như vậy. Kinh Thánh được định nghĩa là: “Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người”. Vì vậy, bản văn Kinh Thánh cũng có hai nghĩa căn bản, tương ứng với hai bản tính kia, đó là nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nhưng về sau, nghĩa thiêng liêng được mở rộng thành ba nghĩa khác nữa, đó là nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa dẫn đường. Tổng cộng là bốn nghĩa. Bốn nghĩa này được gọi là “quadriga.” (X. Aquinas’ Summa Ia, Q.1, art. 10). “Quadriga” là một thành ngữ La-tinh có nghĩa là một xe có bốn ngựa kéo. Một câu thơ thời Trung Cổ tóm tắt các nghĩa do xe “tứ mã” chuyên chở như sau: “Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới.” 

8. Bản hòa tấu của Chúa Thánh Thần

Thánh Athanasius (đầu tk 4) nhấn mạnh rằng cho dù trong Kinh Thánh có chỗ ám chỉ rõ ràng đến Đấng Cứu Thế hơn chỗ khác, nhưng tất cả Kinh Thánh chỉ là một lời công bố duy nhất và là một bản hòa tấu duy nhất của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần thổi vào từng trang Kinh Thánh đầy tràn ân sủng của Người, dù đó là trang ngôn sứ hay luật, thánh vịnh hay lịch sử,… Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban phát những ơn khác nhau trong từng trang Kinh Thánh. Dù khác nhau nhưng các ơn đó không thể chia lìa về bản chất. Mỗi ơn hoàn tất và hoàn hảo theo đúng sứ mạng riêng của mình.

9. Cùng một Chúa Thánh Thần trong Cựu và Tân Ước

Thánh Cyril Giêrusalem (350) khẳng định những ai không nhìn nhận Chúa Thánh Thần trong Cựu và Tân Ước chỉ là một thì người ấy xúc phạm đến chính Chúa Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Cha Con và Thánh Thần, Ba Ngôi chúng ta lãnh nhận và tuyên xưng trong chính bí tích rửa tội. Thánh Cyril nhấn mạnh điều này để chống lại phái Marcion vốn đề xướng nhị nguyên luận: Thiên Chúa ở Cựu Ước là Ác, Thiên Chúa ở Tân Ước là Thiện.

10. Lá thư tình

Theo Thánh Augustine (tk 4), Kinh Thánh là một lá thư tình. Chính tình yêu là mạc khải lớn nhất và lệnh truyền duy nhất Thiên Chúa đã nói với con người trong Cựu Ước và được lặp lại trong Tân Ước, vì ơn cứu độ của chúng ta. Lá thư tình đó trong Cựu Ước được che đậy dưới một tấm màn của Tân Ước, và trong Tân Ước, tấm màn đó của Cựu Ước được cất bỏ đi. Tùy theo tấm màn đó sẽ có hai mẫu người: người xác thịt thì hiểu mọi sự theo xác thịt và sống trong nỗi sợ hãi bị trừng phạt; trái lại, người thiêng liêng có sự hiểu biết thiêng liêng và được ban ơn giải thoát khỏi sợ hãi nhờ tình yêu.

11. Giải thích Kinh Thánh bằng chiêm ngắm

Giáo phụ Diodore Tarsus (378) đã dựa trên đoạn Kinh Thánh Gl 4,24 nhấn mạnh lối giải thích Kinh Thánh kiểu ngụ ngôn hoặc tiên trưng (allegory hoặc typology). Phương pháp giải thích này rất thịnh hành thời các Giáo phụ. Diodore nói dù đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen có thể khám phá một số sự thậthistoria (lịch sử), nhưng các tín hữu cũng phải dùngtheoria (trí hoặc tinh thần=chiêm ngắm), nghĩa là giải thích kiểu ngụ ngôn hoặc tiên trưng, để khám phá sự thật của Kinh Thánh.

12. Từ trái tim đến trái tim

Thánh Gregory Cả (590) nhấn mạnh rằng lối giải thích Kinh Thánh bằng phương pháp ngụ ngôn, nghĩa là tìm nghĩa thiêng liêng đằng sau chữ viết, sẽ giúp các linh hồn đang bị tách xa khỏi Thiên Chúa vì tội được nâng lên trở về gần Thiên Chúa. Lý do là vì linh hồn thiêng liêng nắm bắt được khía cạnh thiêng liêng của ngôn từ.  

13. Xây nhà

Thánh Gregory Cả còn so sánh việc giải thích Lời Chúa như một người xây nhà: tìm nghĩa đen (còn gọi là nghĩa lịch sử) là đổ móng; tìm nghĩa ngụ ngôn là xây bức tường nhà (=giáo lý của Hội Thánh); và tìm nghĩa luân lý chính là sơn những màu sắc xinh đẹp cho ngôi nhà.

Các bạn yêu Lời Chúa thân mến,

Nếu mỗi lần đọc Kinh Thánh chúng ta nhớ lại các hình ảnh trên đây thì chúng ta sẽ đi sâu vào được nội dung mạc khải của Kinh Thánh, và thưởng thức được thần lương ban sự sống đời đời Chúa dọn sẵn cho những người con của Chúa.






[1] Bài này dựa trên quyển Tradition, Scripture, and Interpretation do D. H. Williams biên tập, 119-134.

http://nhomloichuadcct.blogspot.com/2014/01/hieu-e-giai-thich-kinh-thanh-tot-hon.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét