Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014
CÁC TÔNG ĐỒ VÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CÁC NGÀI
CÁC TÔNG ĐỒ VÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CÁC NGÀI
Đức Ki-tô bảo đảm với Giáo hội của Ngài về sự trường tồn của Tin Mừng và sự hiện diện của Ngài với Giáo hội cho đến tận thế. Sự bảo đảm ấy được tìm thấy trong chính nhóm các tông đồ và những người kế vị các ngài. Chúa Giê-su đã không hề viết sách để lưu truyền lại lời giảng dạy của Ngài. Thay vào đó, Ngài qui tụ xung quanh Ngài một nhóm các môn đệ để làm chứng cho cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài sai các môn đệ như những sứ gỉa đi khắp thế giới: “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (Ga 20,21); “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10,16). Ngài truey62n lệnh cho các ông hãy đi giảng dạy muôn dân (Mt 20,20). Sứ mệnh tông đồ, phát xuất từ chính Đức Ki-tô, là một sứ mệnh gắn liền với bản chất của Giáo hội. Sứ mệnh ấy cần phải được tiếp tục cho đến tận thế. Do đó, các tông đồ hằng quan tâm tìm những người cộng tác và kế vị. Lúc khởi đầu, chưa có một danh xưng nhất định để chỉ người kế vị các tông đồ. Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ hai trở đi, những người kế vị trong chức vụ các tông được gọi là giám mục và các cộng sự viên của họ được gọi là linh mục. Trách vụ của họ là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô cho tất cả mọi người, là lãnh đạo và qui tụ thành một cộng đồng, giống như mục tử qui tụ chiên, để tế lễ nhân danh Đức Ki-tô và cử hành các bí tích.
Các Sách Tân Ước ghi lại rằng các cộng sự viên và những người kế vị các tông đồ nhận lãnh trách nhiệm và quyền bính qua một nghi thức gọi là đặt tay (2 Tm 1,6). Đó là dấu hiệu chứng tỏ họ đã lãnh nhận ơn đặc biệt để chu toàn trách vụ của mình. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là các giám mục và linh mục không còn là những con người yếu đuối nữa. Trái lại là khác. Tuy nhiên, chính họ là những người được Đức Ki-to ủy thác toàn vẹn Lời của Ngài, Quả Tim của Người Mục Tử Nhân Lành của Ngài, Thân Thể của Ngài và Lòng Nhân Từ Tha Thứ của Ngài. Các linh mục của Giáo hội thực thi sứ mệnh đó xuyên qua không biết bao nhiêu thế hệ rồi. Họ làm cho mọi người đều có thể gặp gỡ Đức Ki-tô và để cho Ngài tự do ban phát ơn cứu độ của Ngài cho họ.
Trong hàng ngũ các Tông đồ, Phê-rô đã được ủy thác cho một sứ mệnh đặc biệt. Và sứ mệnh này được truyền lại cho những người kế vị ngài. Chúa Giê-su đã chọn Phê-rô là “đá tảng” trên đó Ngài sẽ xây Giáo hội của Ngài. Ngài đặt ông làm thủ tướng trong vương quốc của Ngài. Chính Ngài đã hứa với Phê-rô rằng tất cả những gì ông cầm buộc dưới đất, trên trời cũng bị cầm buộc và tất cả những gì ông tháo gỡ dưới đất, trên trời cũng được tháo gỡ (Mt 16,16-18). Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã trao phó cho Phê-rô nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17). Trong ngày lễ Ngũ Tuần, chính Phê-rô đã đại diện cho các Tông đồ để lên tiếng công bố Tin Mừng Phục Sinh của Đức Ki-tô (Cv 2,14-36). Vào cuối đời hăng say rao giảng Tin Mừng, Phê-rô đã chịu tử đạo tại Rô-ma. Một đá tảng kiên cố để giữ cho cả tòa nhà được vững chắc, để tham dự vào sức mạnh của Đức Ki-tô và bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo hội cũng như loan báo niềm tin của mình cho đến tận thế: một chức vụ như thế cần phải được tồn tại trong Giáo hội. Giáo hội tiên khởi xác tín vững chắc rằng lời hứa và quyền bính được trao ban cho Phê-rô sẽ không chấm dứt với cái chết của ngài. Những người kế vị ngài trong chức vụ và quyền bính là các vị Giáo hoàng, tức những vị giám mục của kinh thành nơi Phê-rô đã làm thủ lãnh Giáo hội trong nhựng năm cuối đời ngài.
Đức Ki-tô hỗ trợ cho các sứ giả của Ngài một cách hữu hiệu cho đến tận thế. Ngài tuyệt đối trung thành với giao ước mới Ngài đã thiết lập. Như thế, chúng ta được bảo đảm rằng khi một chân lý đức tin được đoàn giám mục của toàn thể Giáo hội, cùng với Đức Giáo hoàng là thủ lãnh, long trọng công bố, thì một tín điều như thế là không sai lầm. Dĩ nhiên, khi làm như thế, các ngài không dựa trên quyền lực của riêng mình. Các ngài thi hành điều đó dựa trên sự mạc khải của Chúa, một sự mạc khải chỉ nên trọn hảo trong Đức Giê-su Ki-tô mà thôi. Một sự long trọng công bố tín điều như thế không phải là điều thường xẩy ra trong Giáo hội. Phần lớn các tín điều được công bố là để tránh những sai lầm trong Giáo hội. Tính bất khả ngộ, tức không thể sai lầm của Đức Giáo hoàng và đoàn giám mục liên kết với ngài chỉ có giá trị đối với những chân lý thuộc phạm vi đức tin và luân lý mà thôi. Tính bất khả ngộ ấy không hề được áp dụng vào lãnh vực chính trị hay khoa học. Một người công giáo tốt lắng nghe với lòng thành tín và yêu mến tất cả những gì Đức Giáo hoàng và các giám mục phải nói. Tuy nhiên, còn quan trọng hơn cả những công bố long trọng trên đây, đó là lời giảng dạy thường xuyên của các giám mục và linh mục trong mỗi ngày Chúa nhật, cũng như những lời hướng dẫn của các ngài cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Là những con người cho nên trong khi thi hành chức vụ, các linh mục không thể tránh khỏi những thiếu sót và giới hạn. Tuy nhiên, những gì các linh mục, các chủ chăn của toàn thể Giáo hội công bố với tất cả tâm huyết của họ như là cốt yếu của Tin Mừng của Chúa, thì những điều đó, nhờ Thánh Thần hướng dẫn, vẫn thông đạt cho chúng ta Lời của Đức Ki-tô.
(trích Ý NGHĨA CỦA KITÔ GIÁO. Tác giả: Nguyễn Văn Nội)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét