Thứ Bảy Tuần VII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gc 5, 13-20
"Lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ai trong anh em buồn sầu, người đó hãy cầu nguyện. Còn ai hân hoan, người đó hãy ca hát thánh vịnh. Ai trong anh em ốm đau ư? Hãy mời các trưởng lão giáo hội đến, để các ngài cầu nguyện và nhân danh Chúa xức dầu cho người đó. Lời cầu nguyện phát xuất tự lòng tin sẽ cứu được bệnh nhân và Chúa sẽ cho người đó được bình phục; và nếu người đó mắc tội, thì sẽ được tha. Vậy anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được cứu độ, vì lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm. Elia là con người đau khổ giống như chúng ta, thế mà ông kiên tâm cầu nguyện để trời đừng có mưa, và trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu nguyện, và trời đổ mưa, đất trổ sinh hoa quả.
Anh em thân mến, nếu ai trong anh em lạc đường chân lý, và có kẻ làm cho người đó trở lại, thì người ấy hãy biết rằng: kẻ làm cho người tội lỗi bỏ đường lầm lạc mà trở lại, sẽ cứu linh hồn người tội lỗi khỏi chết, và che lấp được nhiều tội lỗi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 140, 1-2. 3 và 8
Đáp: Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con kêu lên Chúa, xin mau chóng phù trợ con, nguyện nghe tiếng con, lúc con kêu cầu Chúa. Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm, tay con giơ lên thành như của lễ lúc chiều hôm. - Đáp.
2) Lạy Chúa, xin đặt quân gìn giữ miệng và lính canh gác gần cửa môi con. Ôi lạy Chúa, con mắt con hướng nhìn về Chúa, con tìm nương tựa nơi Ngài, xin đừng huỷ mạng sống con. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 13-16
"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Thương yêu trẻ em
Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".
Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".
Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.
Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 7 TN2, Năm chẵn
Bài đọc: Jam 5:13-20; Mk 10:13-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa.
Chúng ta lo lắng quá nhiều trong cuộc sống: bệnh tật, việc làm, gia đình, con cái; nhưng chúng ta có lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì cả, vì chúng ở ngoài tầm tay của chúng ta. Nhiều người lo lắng quá mất ngủ hay sinh bệnh tật; kẻ khác lo lắng quá nên tối ngày cằn nhằn người phối ngẫu hay con cái, làm mất cả hạnh phúc gia đình.
Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa như trẻ thơ tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay cha mẹ của chúng. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu những điều cần làm trong khi vui cũng như lúc buồn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, nhất là biết cộng tác với Thiên Chúa trong việc đưa những người xa chân lý trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, các môn đệ vì quá lo lắng cho Chúa Giêsu không có giờ nghỉ ngơi, nên xua đuổi các trẻ khi chúng đến với Chúa Giêsu. Ngài bảo các ông hãy cứ để các trẻ nhỏ đến với Ngài, vì Nước Trời là của những ai biết cư xử giống như chúng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
1.1/ Những điều quan trọng người tín hữu cần làm: Thánh Giacôbê liệt kê 3 điều quan trọng người tín hữu cần làm.
(1) Cầu nguyện khi đau khổ và đau yếu: “Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện... Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.” Giáo Hội Công Giáo dựa vào câu này để lập phép Xức Dầu Thánh. Linh mục được mời sẽ xức dầu trên trán và hai tay của bệnh nhân, và cầu nguyện cho bệnh nhân được phục hồi sức khỏe. Dĩ nhiên, không phải cứ xức dầu là khỏi bệnh. Bệnh nhân phải biết tuân theo ý Chúa: nếu Ngài muốn để cho sống, Ngài sẽ cho phục hồi sức khỏe; nếu Ngài muốn cất về, xin cho được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến cả bệnh phần xác: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy,” và bệnh phần hồn: “Nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.”
(2) Hát thánh ca khi vui vẻ để tạ ơn Thiên Chúa: Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu nên hát thánh ca, thánh thi, cùng thánh vịnh (Eph 5:19; Col 3:16). Mục đích là để ngợi khen và cảm tạ những ơn lành đã nhận được từ Thiên Chúa.
(3) Thú tội với nhau: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” Dòng Đa-minh có giờ các tu sĩ thú tội và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Nếu được làm đúng cách và với tinh thần khiêm nhường, việc làm này sẽ giúp thăng tiến bản thân và cộng đoàn.
1.2/ Cộng tác với Thiên Chúa để đưa anh em lạc xa chân lý trở về:Đây có lẽ là điều quan trọng thứ hai sau việc mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình. Thánh Giacôbê cho chúng ta một phần thưởng quan trọng của việc làm này: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” Tội lỗi ai cũng phạm; xưng thú tội lỗi sẽ được Thiên Chúa tha thứ; nhưng để đền bù các hậu quả của tội, chúng ta cần đưa nhiều anh/chị/em về với Ngài. Càng giúp đưa các linh hồn trở về với Thiên Chúa càng nhiều, chúng ta càng được giảm bớt các vạ do tội lỗi của chúng ta mang lại.
2/ Phúc Âm: Tin tưởng Thiên Chúa như trẻ thơ tin vào cha mẹ chúng.
2.1/ Vấn đề với con trẻ: Không phải chỉ có các môn đệ ngăn cản trẻ thơ đến với Chúa Giêsu; nhưng có rất nhiều các cặp vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2, 3 con. Một số lý do họ nêu ra:
(1) Sợ con trẻ gây phiền hà: Người lớn hôm nay sợ trẻ con hàn nhà làm họ phải thu dọn tối ngày, họ sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh, sợ chúng khóc đêm làm mất giấc ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong nhà.
(2) Sợ phải săn sóc con trẻ: Con trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn toàn vào người lớn. Nhiều cặp vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em sẽ không còn giờ lo cho bản thân họ.
(3) Những ngụy biện của con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều quá lấy chỗ đâu mà sống; khả năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ hư, nên thà đừng có tốt cho chúng hơn.
Đàng sau những lý do này là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ phải tốn thời gian săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình và đi đây đó. Họ sợ sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ không còn thời giờ lo cho mình.
2.2/ Các đức tính của con trẻ: Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu những đức tính của trẻ thơ có, rồi áp dụng chúng vào những người đi tìm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ xét tới trường hợp chung của trẻ thơ, chứ không để ý tới trường hợp những trẻ thơ ngoại lệ.
(1) Thành thật: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng. Tục ngữ Việt-nam có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Câu này có nghĩa khi đi ra đường, một người cần hỏi kinh nghiệm của người già; nhưng khi về nhà, một người hỏi trẻ em là biết hết những gì đã xảy ra. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải có đức tính này trong các mối liên hệ: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm bớt điều gì là do ác quỉ gây nên.”
(2) Khiêm nhường: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.
(3) Vâng lời: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu lý do tại sao phải làm như vậy. Người lớn không hành động như thế, họ luôn tìm hiểu lý do phải làm, và nhiều khi còn tìm những lý do để không phải làm.
(4) Tin tưởng: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài. Đối với chúng, cha mẹ nói gì, chúng tin là có. Thiên Chúa muốn chúng ta đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài; tất cả những Ngài đã nói, sẽ xảy ra; và những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ ban cho con người.
(5) Yêu mến: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn cho chúng. Nếu chúng có giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ quên. Người lớn không dễ dàng tha thứ. Có những mối hận họ sẽ không bao giờ quên, và để được tha thứ, họ đòi nhiều điều kiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Tất cả những đức tính trên đây của trẻ thơ Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và sợ nguy hiểm là những lý do khiến chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối xử với tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Mc 10,13-16
A. Hạt giống...
1. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng ("đặt tay trên chúng").
2. Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người do thái coi khinh trẻ nhỏ (do chúng chưa biết Luật). Trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.
3. Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.
4. Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.
B.... nẩy mầm.
1. "Thấy vậy Ngài bất bình" : Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài đuổi xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.
2. "Hãy để trẻ nhỏ đến với" : Tôi nên hiểu "trẻ nhỏ" theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người "nhỏ bé", tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí v.v.
3. "Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ". Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay… Tôi đối với Chúa như thế nào ? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không ?
4. "Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ", đó là tựa đề quyển sách của Mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết "Những bài học chúng ta học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta cần biết để sống hạnh phúc ; nếu tất cả chúng ta đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loan như hiện nay." Những điều đó là gì ?
- Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.
- Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.
- Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.
- Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét