Trang

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Nhân đức và thói xấu

Tác giả: 
 Trầm Thiên Thu
Nhân đức và thói xấu

Nhân đức và thói hư tật xấu luôn mâu thuẫn nhau, luôn đối nghịch nhau, vì chúng trái chiều nên không bao giờ gặp nhau, như hai đường thẳng song song không thể đồng quy.

Có nhiều nhân đức và cũng có nhiều thói hư tật xấu. Tập nhân đức khó lắm, nhưng tật xấu thì khỏi cần tập. Leo lên bao giờ cũng khó hơn tụt xuống. Quả thật là khó, vì phải xây dựng cơ nghiệp cả đời nhưng chỉ đốt trong chốc lát!

Đức tính và thói xấu

– Đức tính là thói quen hoặc tính cách tốt cần thiết để đạt được hạnh phúc, gọi là “nhân đức”. Như vậy, đức tính là điều tốt, phẩm chất “hảo hạng” của bản chất con người. Không thể có “đức tính xấu”. Thói xấu là thói quen hư hỏng, nó không làm người ta đạt hạnh phúc. Như vậy, thói xấu là điều tệ hại, không thể có “thói xấu tốt”.

– Đức tính có giá trị đối với chúng ta vì đứ tính rất cần thiết để sống tốt. Làm điều gì đó khiến xói mòn các đức tính hoặc khả năng thực hành nhân đức thì đều nguy hiểm, không chỉ đối với chính mình mà còn nguy hiểm cả với tha nhân.

– Đức tính không thể tách khỏi hạnh phúc. Đức tính có thể được hiểu là “phương tiện” để đạt hạnh phúc, nhưng vì hạnh phúc không là điều tốt này hơn điều tốt khác trong cuộc sống, thực hành nhân đức là đồng nhất với hạnh phúc. Do đó, chính các nhân đức có giá trị như vậy.

– Trong y khoa, đức tính được gọi là y đức. Y đức là đặc tính làm cho cá y bác sĩ thành công và hạnh phúc, nghĩa là đạt được điều thiện trong mục đích y khoa, thiếu các đức tính đó sẽ ngăn cản chúng ta đạt được điều tốt của y khoa.

– Đức tính về luân lý giúp chúng ta hành động tốt, đức tính về trí tuệ giúp chúng ta suy nghĩ đúng đắn.

Đức tính về luân lý có các đặc tính này:

     1. Làm chúng ta nên tốt và hành động đúng đắn, vì nó liên quan ý chí.

     2. Cần có sự tự nguyện. Sự tự nguyện tạo lợi ích cho chúng ta vì chúng ta trở nên cao thượng.

     3. Phán đoán chính xác để có thể hành động đúng đắn. Đức tính quyện vào cảm xúc và sự phán đoán theo cách hỗ tương.

     4. Cần thiết để sống tốt, sống tốt để đạt được hạnh phúc, vì hạnh phúc là mục đích của các đức tính.

     5. Động lực và hành động liên quan lẫn nhau. Đức tính liên quan động lực hoặc thái độ phù hợp.

Trong đời sống tâm linh của các Kitô hữu, đặc biệt đối với người Công giáo, nhân đức là điều quan trọng, vì ai cũng phải cố gắng nên thánh theo mệnh lệnh của Đức Kitô: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Có rất nhiều các nhân đức đối nhân, và chỉ có ba nhân đức đối thần, nhưng đức ái lại quan trọng nhất.
Đức Ái (Đức Mến) là nhân đức cuối cùng nhưng quan trọng nhất trong ba nhân đức đối thần – hai nhân đức kia là Đức Tin và Đức Cậy (hy vọng). Đức Ái thường được gọi là yêu thương, và bị lầm lẫn trong cách hiểu chung với cách định nghĩa phổ biến, Đức Ái còn hơn là một cảm giác chủ quan hoặc thậm chí là một hành động khách quan của ý chí đối với người khác. Cũng như các nhân đức đối thần khác, Đức Ái là siêu nhiên trong ý nghĩa rằng Thiên Chúa vừa là nguồn gốc vừa là khách thể. LM John A. Hardon, Dòng Tên, viết trong Tự điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary): “Đức Ái là nhân đức siêu nhiên được truyền thụ mà một người yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì Ngài, và yêu mến mọi người vì Chúa”. Cũng như mọi nhân đức, Đức Ái là hành động của ý chí, và thức hành Đức Ái làm gia tăng tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân; nhưng vì Đức Ái là tặng phẩm của Thiên Chúa, chúng ta không thể tự mình đạt được nhân đức này.

Đức Ái tùy thuộc vào Đức Tin, vì không tín thác vào Thiên Chúa thì chúng ta không thể yêu mến Ngài, chúng ta cũng không thể yêu mến tha nhân vì Chúa. Theo ý nghĩa đó, Đức Ái là đối tượng của Đức Tin, như Thánh Phaolô nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13).

Đức Ái và Ơn Thánh Hóa

Cũng như các nhân đức đối thần khác (và khác với các nhân đức chủ yếu, ai cũng có thể thực hành), Đức Ái được Thiên Chúa truyền thụ vào linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh tẩy, cùng với ơn thánh hóa (Thiên Chúa sống trong linh hồn chúng ta). Nói cho đúng thì nhân đức đối thần Đức Ái chỉ có thể được thực hành bởi những người sống trong ân sủng. Mất tình trạng ân sủng khi phạm tội trọng, do đó mà linh hồn cũng mất Đức Ái. Chống lại Thiên Chúa vì vì bám vào những điều của thế gian (bản chất của tội trọng) là điều hiển nhiên không tương hợp với việc “yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”. Đức Ái được phục hồi khi linh hồn trở lại trong tình trạng ơn thánh hóa nhờ lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

Yêu mến Chúa

Là nguồn sống và nguồn mọi sự thiện, Thiên Chúa xứng đáng được chúng ta yêu mến, và tình yêu đó không là điều chúng ta có thể chỉ giới hạn trong việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Chúng ta thực hành Đức Ái bất kỳ lúc nào chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng cách diễn tả đó không được ở dạng nói về tình yêu. Sự hy sinh vì Chúa, kiềm chế dục vọng để đến gần Ngài hơn, thực hành lòng thương xót để đem các linh hồn khác đến với Chúa, làm những công việc của lòng thương xót để thể hiện tình yêu đúng đắn và tôn trọng các thụ tạo của Chúa – đồng thời cũng cầu nguyện và thờ phượng, làm trọn nhiệm vụ “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22:37). Đức Ái hoàn tất nhiệm vụ này, nhưng cũng biến đổi nhiệm vụ này. Qua Đức Ái, chúng ta muốn yêu mến Chúa không chỉ vì chúng ta phải làm vậy mà còn vì chúng ta nhận biết điều đó (như trong kinh Ăn Năn Tội – Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng…). Ngài toàn thiện và đáng được chúng ta yêu mến. Thực hành Đức Ái làm gia tăng ước muốn đó trong linh hồn chúng ta, lôi kéo chúng ta vào sâu trong sự sống của Thiên Chúa, được mô tả qua tình yêu của Ba Ngôi. Do đó, Thánh Phaolô gọi Đức Ái là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:14), vì Đức Ái càng hoàn hảo thì linh hồn chúng ta càng ở sâu trong sự sống của Thiên Chúa.

Yêu mình và yêu người

Thiên Chúa là khách thể tối hậu của Đức Ái, vì Ngài là tình yêu (1 Ga 4:8 & 16). Sự sáng tạo của Ngài, nhất là nhân loại, là đối tượng trung gian. Giới răn đầu tiên và quan trọng nhất: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22:37), nhưng điều thứ nhì cũng quan trọng không kém:“Phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:39). Như đã nói ở trên, công việc tinh thần và cụ thể của Lòng Chúa Thương Xót có thể hoàn tất nhiệm vụ yêu mến đối với Thiên Chúa, nhưng có thể khó hơn một chút khi thể hiện yêu thương tha nhân sao cho xứng đáng với tình yêu dành cho Thiên Chúa tối thượng.

Chúa Giêsu đã mặc lấy lòng yêu mình (tự yêu hoặc tự-ái-cho-phép, chứ không “tự ái” thái quá biến thành tính xấu) khi Ngài truyền cho chúng ta phải yêu người thân cận. Lòng yêu mình đó không là kiêu căng hoặc tự cao tự đại, mà là mối quan tâm riêng với những điều tốt của thân xác và linh hồn vì chúng cũng được Thiên Chúa tạo nên và che chở. Tự khinh mình – lạm dụng cơ thể hoặc đặt linh hồn vào mối nguy qua tội lỗi – là chứng tỏ thiếu Đức Ái đối với Thiên Chúa. Cũng vậy, khinh miệt tha nhân cũng không tương hợp với tình yêu của Thiên Chúa – như trong dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu (Lc 10:29-37). Nói cách khác, Đức Ái không còn sống trong linh hồn chúng ta nên mới đối xử tệ với chính mình và tha nhân, cả về thể xác lẫn linh hồn.

Quả thật, Đức Ái vô cùng quan trọng. Thánh Ambrôsiô có cách so sánh rất thực tế: “Hơi thở hôi là bằng cớ bao tử bị hư hoại, dễ nói lời châm biếm người khác là bằng cớ tâm hồn băng hoại, người không có đức ái thì miệng chỉ nói lời làm thương tổn người khác”. Còn Chân Phước Mẹ Teresa Calcutta đưa ra hệ lụy độc đáo này: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể”.

Thánh Phaolô tóm gọn: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13:10). Thánh thần học gia Thomas Aquinas, Tiến sĩ Giáo hội, nói: “Yêu thương là hoàng hậu của tất cả các đức hạnh, bất luận nó ở đâu thì các đức hạnh đều theo nó, nó là người lãnh đạo tất cả các đức hạnh và làm cho chúng ta kết hợp với Thiên Chúa”. Còn Thánh Inhaxiô Loyola so sánh triệt để hơn: Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như người hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy”. Chắc hẳn chúng ta phải “giật mình” và xấu hổ lắm, vì có lẽ chúng ta vẫn chỉ là “mồ mả tô vôi” (Mt 23:27) hoặc “lẻo mép” (Mt 15:8) mà thôi!

Xin cùng cầu nguyện với Thánh nghèo khó Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét