Trang

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Ơn Toàn Xá và Văn Hoá Việt Nam


Ơn Toàn Xá và Văn Hoá Việt Nam



Giáo dân Việt Nam đã quen với việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong nhiều dịp khác nhau (Thánh lễ mở tay của tân linh mục, các dịp lễ đặc biệt của các giáo phận, các dòng tu, v.v.). Bài viết này là một nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa đích thực của Ơn Toàn Xá để việc lãnh nhận ơn này thực sự đẹp lòng Chúa và mang lại ơn ích thiêng liêng cho chúng ta. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực thử trình bày một cái nhìn thần học từ bối cảnh văn hoá Việt Nam về việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá, với mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc hướng tới xây dựng một thần học hội nhập văn hoá ở Việt Nam, cũng chính là góp phần vào việc loan báo Tin Mừng cho người dân Việt ngày nay.

1.    Vấn nạn

Trong kinh nghiệm mục vụ, chúng ta thường gặp nhiều thắc mắc liên quan tới ý nghĩa của ân xá. Chúng tôi xin trình bày các vấn nạn theo 3 nhóm sau:

Vấn nạn thường hay được đặt ra nhất là: Tại sao tội đã được tha mà hình phạt vẫn còn? Tại sao Chúa “hà khắc” hoặc “keo kiệt” đến nỗi không  tha luôn hình phạt?

Rồi đối với những người quan tâm tới giáo lý và ý nghĩa sâu xa của các việc nhà đạo thì các vấn nạn sau hay được đặt ra: Tại sao phải chờ những dịp lễ quan trọng, có sắc lệnh của Toà Thánh, giáo dân mới có thể đón nhận Ơn Toàn Xá? Nếu ơn Chúa là thiêng liêng và Chúa luôn sẵn sàng ban ơn, thì bất kể lúc nào giáo dân thành tâm cũng có thể lãnh nhận được Ơn Toàn Xá chứ?

Hơn nữa, việc lãnh Ơn Toàn Xá có thực sự hữu ích cho đời sống đạo không khi mà việc đó có vẻ máy móc? Việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá có thay đổi đời sống tín hữu không khi mà họ quan niệm rằng cứ lãnh phép lành, đọc một số kinh, xưng tội, rước lễ là được tha mọi hình phạt của tội? Rồi có cả những thắc mắc đơn sơ, mang tính “luật lệ”, có vẻ hơi “vật chất” nhưng rất “thực tiễn”: Lãnh bao nhiêu Ơn Toàn Xá thì đủ? Lãnh nhiều quá có bị “dư” không? Ơn Toàn Xá dư (ngay cả khi đã áp dụng cho người quá cố) thì đi đâu?

2.  Định nghĩa

Trước khi cố gắng giải đáp các vấn nạn trên, chúng ta cần tìm hiểu xem ân xá nói chung là gì.Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo[1] (GLHTCG) có một định nghĩa xúc tích về ân xá trong số 1471. Ở đây, chúng tôi xin phân tách câu và diễn giải lại định nghĩa trên, có nhấn mạnh các yếu tố quan trọng (bằng dấu gạch dưới), hầu làm rõ ý của định nghĩa hơn.

Theo GLHTCG, ân xá là các ơn từ kho tàng ân phúc của Đức Kitô và các thánh mà

-          Giáo Hội dùng quyền Chúa Giêsu ban để áp dụng

-          cho những ai thật tâm (ao ước, sám hối) và chu toàn các điều kiện được Giáo Hội quy định.

-          Ơn này có tác dụng xoá các hình phạt tạm do các tội (đã xưng và đã được tha) gây ra.

GLHTCG còn nói thêm rằng các tín hữu có thể áp dụng các ân xá cho những người đã qua đời, và rằng có hai loại ân xá: ơn tiểu xá xoá một phần hình phạt tạm, ơn đại xá xoá toàn bộ hình phạt tạm. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến ân xá nói chung mà không đi vào sự phân biệt giữa Đại Xá với Tiểu Xá.

3.  Diễn giải

Chúng tôi xin diễn giải chi tiết hơn để làm sáng tỏ định nghĩa trên. Chúng tôi xin diễn giải 3 yếu tố quan trọng trong định nghĩa ân xá, với ý hướng làm sáng tỏ cho 3 nhóm vấn nạn tương ứng nêu ở trên:

- Có sự phân biệt giữa hình phạt tạm của tội và tội được tha. Tội đã được tha, nhưng hình phạt tạm vẫn còn. GLHTCG, số 1472 còn nói về sự phân biệt giữa hình phạt vĩnh cửu do tội trọng gây nên và hình phạt tạm do tội nhẹ gây nên. GLHTCG, số 1473 nói rằng khi tha tội, Chúa tha những hình phạt vĩnh cửu, nhưng hình phạt tạm thì vẫn còn.

Giáo Hội đóng vai trò thiết yếu trong tiến trình tha hình phạt tạm này. Với vai trò là chủ thể cai quản “kho tàng ân phúc”, là thừa tác viên ơn cứu độ, Giáo Hội có năng quyền áp dụng các ân phúc của Đức Kitô và của các thánh để xoá các hình phạt tạm cho các cá nhân tín hữu (x.GLHTCG 1478). Kho tàng ân phúc là gì? Và tại sao phải cần tác động của Giáo Hội để mở kho tàng ấy, thì ơn ích thiêng liêng mới tới được các tín hữu? Đó là kho tàng ơn thánh vô biên do Đức Kitô mang lại cho nhân loại qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người. Kho tàng này cũng bao gồm lời cầu nguyện và công phúc của các thánh. Kho tàng này được trao ban cho toàn nhân loại và ai cũng có thể được hưởng từ kho tàng này nhờ mối thông công (x.GLHTCG 1476-1477). Nhưng Giáo Hội, với quyền trói buộc và tháo cởi do Đức Kitô ban, có thể can thiệp để mở kho tàng và áp dụng cho các cá nhân tín hữu.

- Để được tha hình phạt tạm, tín hữu cần phải có tâm tình xác đáng. Họ phải có ý muốn cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới bằng việc làm các việc lành bác ái, cầu nguyện và thực hành việc hãm mình, đền tội, v.v. (x. GLHTCG 1473).

4.  Lý giải

Các diễn giải trên, dựa vào ngôn ngữ và ý tưởng của giáo huấn Giáo Hội như được diễn tả trong sách giáo lý, có thể làm sáng tỏ phần nào các vấn nạn nêu trên. Tuy nhiên, có thể độc giả tuy thấy mình đã hiểu về ân xá, nhưng chưa thấy được thuyết phục bởi các điểm mà giáo lý đưa ra. Vấn nạn thứ nhất vẫn còn y nguyên, chưa giải đáp được: Tại sao Chúa tha hình phạt vĩnh cửu mà không tha được hình phạt tạm? Vấn nạn thứ hai vẫn chưa được giải đáp rõ ràng lắm: Tại sao mối thông công giữa các thánh (trong các ơn thánh) lại cần sự can thiệp của Giáo Hội?

Ở phần này, chúng tôi xin thử trình bày một lý giải thần học về ân xá, bằng ngôn ngữ của kinh nghiệm nhân sinh[2], với ý hướng là mang giáo lý lại gần đời sống hơn, để chúng ta không chỉ chấp nhận các chân lý đạo bằng trí óc mà thôi, mà còn bằng cả tâm tình xác tín, yêu mến và thực hành nữa.

a. Hình phạt do tội

Trước hết, phải nói rằng cụm từ “hình phạt” có thể gây hiểu lầm như là cái gì áp đặt từ bên ngoài theo nghĩa pháp lý, và vì thế làm chúng ta không thể hiểu nổi tại sao Chúa “không thể” tha hình phạt tạm của tội. Nhưng thực ra, theo kinh nghiệm nhân sinh, hình phạt do tội được kinh nghiệm dưới hai chiều kích như hai mặt của một thực tại: như là hậu quả của tội và như là tiến trình thoát ly khỏi hậu quả đó[3].

Theo kinh nghiệm nhân sinh, mọi ý nghĩ, hành vi của chúng ta đều để lại hậu quả ngoại tại lẫn nội tại trên đời sống và con người chúng ta. Điều này cũng đúng cho những ý nghĩ, hành vi xấu; chúng có tác hại lên thói quen, cách sống, cách nghĩ, cách cảm nghiệm và cả thể trạng của ta. Các tác hại này làm cho chúng ta đau khổ, phá vỡ sự hài hoà trong các tương quan và làm chúng ta lệ thuộc vào các thói quen xấu. Chúng ta đều có kinh nghiệm rằng hành vi xấu càng nghiêm trọng hoặc càng được lặp lại nhiều lần thì hậu quả của nó trên con người và đời sống (bao gồm các tương quan với thế giới và với người khác) ta càng nặng nề và lâu dài. Ví dụ: hành vi giết người sẽ để lại những dấu ấn tai hại, đậm và bền trên tính cách, tâm lý và các tương quan của kẻ sát nhân hơn một lời nói dối. Tuy thế, lời nói dối, nhất là khi nó được lặp lại nhiều lần, cũng để lại dấu ấn xấu trên thói quen của người nói và trên sự tin tưởng của người khác đối với người ấy. Điều này được minh hoạ trong kinh nghiệm rằng chúng ta rất khó bỏ hoặc rất khó khắc phục hậu quả của các thói xấu nặng và các thói xấu được lặp lại nhiều lần.

Chúng ta có thể hiểu các tác hại này là một khía cạnh của “hình phạt” do tội vậy. Như vậy, hình phạt do tội là do chính hành vi tội lỗi của chúng ta gây ra, hay nói cách khác, chính chúng ta tự phạt mình khi phạm tội. Và rất nhiều lúc chúng ta “hoan hỉ”, “háo hức” và tìm đủ mọi cách để tự phạt mình bằng cách phạm tội, dẫu biết rằng tội dẫn chúng ta tới các tác hại và cuối cùng là cái chết. Đó chính là sự mâu thuẫn nội tại của tội và của sự dữ nơi kinh nghiệm của chúng ta, như thánh Phaolô nói “tôi làm điều tôi không muốn” (Rm 7,16), tức tôi làm điều có hại cho tôi và cho người thân của tôi, và tôi rất thích làm điều đó.

Khi xưng tội là khi chúng ta ý thức sự tai hại của tội và muốn dứt bỏ nó. Nhưng tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng rất nhiều lúc chúng ta xưng, thật lòng sám hối và dốc lòng chừa một tội nào đó, nhưng rồi, sau một thời gian, lại tái phạm tội đó. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm “lực bất tòng tâm” trong việc bỏ các thói xấu và các hậu quả tai hại của tội và kêu lên như thánh Phaolô: “Thật khốn thân tôi! ai cứu tôi khỏi thân xác đáng chết này?” (Rm 7, 24). Khi ban Bí Tích Hoà Giải qua thừa tác viên của Giáo Hội, Chúa dùng quyền năng vô biên của lòng từ ái Ngài và của cái chết và sự sống lại của Đức Kitô để tha tội cho chúng ta và một cách lạ lùng như một phép lạbảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị vướng vào các hậu quả của tội cách vĩnh cửu (tức xoá hình phạt vĩnh cửu). Đây là niềm hy vọng Kitô giáo, niềm hy vọng của sự sống lại. Thiên Chúa đảm bảo chắc chắn đã cứu chúng ta khỏi vòng vây hãm và trói buộc của tội và các hậu quả tai hại của nó. Điều mà chúng ta thấy mình không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, nhờ tình yêu vô biên và cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, Con Ngài.

Nhưng đây là niềm hy vọng cánh chung, tức rất thực tế chứ không hão huyền; niềm hy vọng này tôn trọng và phù hợp với tiến trình lớn lên của chúng ta trong không gian thời gian. Là những chủ thể có tự do, chúng ta xây dựng và định hình vĩnh cửu của mình trong không gian và thời gian này. Mặt khác, thường thì ơn Thánh của Chúa hoạt động cách thực tiễn, vẫn được xây dựng trên các quy luật tự nhiên, tuy siêu vượt trên các quy luật đó. Thế nên, tuy trong Ngày Sau Hết, chúng ta chắc chắn sẽ được chữa lành khỏi mọi hậu quả tai hại của tội cách vĩnh viễn, nhưng trong lúc này, là những chủ thể có chiều kích thể lý, chúng ta cần trải qua một tiến trình thanh luyện, để gột rửa từ từ các hậu quả đó, để dần cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Tiến trình này đòi hỏi không chỉ lòng sám hối, quyết tâm, mà còn cả sự khổ luyện, chiến đấu, tu tập, cầu nguyện, hãm mình, v.v. nữa. Tiến trình thanh luyện này là một khía cạnh khác trong kinh nghiệm nhân sinh về hình phạt do tội, và chúng ta có thể gọi đó là hình phạt tạm. Tiến trình thanh luyện này, vừa là biểu hiện kéo dài, vừa là hệ quả mà đôi khi cũng là nguyên nhân sinh ra lòng sám hối, cũng còn lệ thuộc vào thiện chí, ý muốn của chúng ta nữa. Nếu chúng ta  không muốn và không nỗ lực để được thanh luyện, tức là không thật sự sám hối, thì Ơn Thánh cũng không phát huy được tác dụng trên con người và đời sống chúng ta. Chính vì thế sự thanh luyện vẫn còn “diễn ra” ngay cả sau khi chết (giáo lý gọi là Lửa Luyện Tội, hay Luyện Ngục), vì hậu quả của tội vẫn còn, tuỳ vào thiện chí và nỗ lực của chúng ta khi còn sống.

Như vậy chúng ta đã hiểu tại sao trong Bí Tích Hoà Giải, tội tuy đã được tha, nhưng hình phạt tạm vẫn còn. Vì Bí Tích đó không phải là một nghi thức phù chú suông (chỉ là dăm bảy phút nơi Toà Giải Tội), mà cần phải được trải rộng và tiếp diễn trong cuộc sống chúng ta ngoài Toà Giải Tội nữa. Tội đã được tha, Chúa đã đảm bảo cứu chúng ta cách vĩnh cửu, nhưng tiến trình gột rửa, thoát ly khỏi tội và hậu quả của nó vẫn cần phải diễn ra trong cuộc sống. Tiến trình đó diễn ra nhanh hay chậm tuỳ vào mức độ thiện chí và nỗ lực trong thực tế cuộc sống của chúng ta.

b. Vai trò của Giáo Hội

Thế nhưng, tiến trình đó không diễn ra riêng lẻ cách cá nhân. Tất cả chúng ta có mối liên hệ thiêng liêng với nhau (giáo lý gọi là mối thông công); mọi phúc đức cũng như tội vạ của mỗi người đều có tác động lên những người khác. Sự tác động này là thiêng liêng, nên vô hình, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn cảm thấy được nó qua những biểu hiện thể lý, xã hội, văn hoá của nó. Một câu chửi thề, một hành vi trả lại của đánh rơi, v.v. tất cả đều có âm vang và ảnh hưởng trên xã hội chúng ta, trên thế hệ trẻ và trên những người khác.

Tiến trình gột rửa, thoát ly khỏi sự trói buộc và hậu quả của tội, tuy là nỗ lực của mỗi cá nhân, cũng diễn ra trong mối hiệp thông rộng lớn với toàn thể Giáo Hội (kể cả Giáo Hội chiến thắng lẫn Giáo Hội đang thanh luyện, tức với cả các thánh lẫn các linh hồn trong Lửa Luyện Tội). Công phúc vô biên của Đức Kitô và phúc đức của các thánh cổ võ và thúc đẩy tiến trình đó (chẳng hạn, qua gương sáng và gợi hứng hướng về sự thánh thiện), trong khi tội của những người khác cũng tác động gây cản trở tiến trình thanh luyện của chúng ta (chẳng hạn, qua gương xấu và làm nhụt ý chí tốt lành của chúng ta).
Như vậy, qua những lần ban ân xá, Giáo Hội thể hiện cách hữu hình và cụ thể mối hiệp thông đó vẫn có trong toàn Giáo Hội, để nâng đỡ và thúc đẩy tiến trình thanh luyện của mỗi ngườichúng ta diễn ra cách suông sẻ, dễ dàng hơn. Là những chủ thể sống trong không gian thời gian, chúng ta cần những hình thức hữu hình và cụ thể đó để cảm nghiệm và tiếp nhận sự cổ võ và đồng hành của Giáo Hội và các thánh. Như vậy, khi nói “ân xá tha hình phạt tạm của tội” là có ý nói rằng Giáo Hội, qua lời cầu nguyện chính thức của mình, đồng hành, cổ võ và thúc đẩy tiến trình thanh luyện của các cá nhân, để giúp họ vượt qua các hậu quả của tội và trở nên con người mới cách suông sẻ và dễ dàng hơn.

c. Tiểu kết

Tóm lại, việc Giáo Hội ban ân xá nói lên rằng:

- Chúng ta, vốn là những chủ thể sống trong không gian và thời gian, cần trải qua một tiến trình để thanh luyện khỏi tội và hậu quả của nó.

- Chúng ta không chiến đấu với tội cách cô đơn, nhưng trong mối hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, trong đó chúng ta nhận được sự giúp đỡ và đồng hành của các thánh là những người đã cộng tác đắc lực với ơn thánh vô biên của Đức Kitô.

- Việc lãnh ân xá không phải là phép ma thuật, nhưng tự nó bao gồm và đòi chúng ta phải có tâm tình hoán cải và nỗ lực sống tiến trình lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. (Còn tiếp).


Lm PX Nguyễn Hai Tính, SJ.


[1] Bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009).

[2] Trong phần lý giải này, chúng tôi xin dựa vào ý của Karl Rahner trong mục “Indulgences”, trong cuốn Sacramentum Mundi – An Encyclopedia of Theology, biên tập bởi Karl Rahner, Vol.3 (New York: Herder and Herder; London: Burns & Oates, 1969), 123-129.

[3] Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói những điều liên quan đến tội như được phản ánh trong kinh nghiệm nhân sinh, chứ không đi sâu vào bản chất thần học của tội xét như là hành vi tự do của con người trong tương quan với  Thiên Chúa.

http://giaolyductin.org/newsview/vn/1103/On-Toa%CC%80n-Xa%CC%81-va%CC%80-Van-Hoa%CC%81-Vie%CC%A3t-Nam-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét