Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Tại sao Giáo Hội cần phải nghèo để rao giảng Tin Mừng?

Tại sao Giáo Hội cần phải nghèo để rao giảng Tin Mừng?


Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một diễn từ mới đây, đã thẳng thắn nói rõ là thế giới hiện nay đang sống với thảm trạng “tôn thờ tiên bạc” và dửng  dưng với bao triệu người nghèo đói ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Phi Châu.

Không nói gì đến các nước vốn nghèo sẵn ở Á và Phi Châu, ngay ở Hoa Kỳ là nước được coi là giầu có nhất nhì thế giới mà cũng có biết bao người vô gia cư,  nghèo đói, sống vất vưởng trên hè phố ở các đô thị  lớn như Los Angeles, Houston, Chicago, Nữu Ước. Họ nghèo đến nỗi không có nhà ở và hàng ngày phải xin ăn ở các cơ sở từ thiện, trong khi những người triệu phú, tỉ phú, không hề quan tâm đến họ và chính quyền liên bang cũng như  tiểu bang, cho đến nay, vẫn không có biện pháp tích cực nào để giúp những người nghèo vô gia cự này.Nhưng mỉa mai và nghịch lý là chánh quyền Mỹ cứ thi nhau đem tiền ra giúp các nước như Irak, Afghanistan, Pakistan, Ai Cập, Syria...vì quyền lợi chiến lược của Mỹ, mặc dù  dân các nước trên vẫn chống Mỹ và muốn đuổi quân đội Mỹ ra khỏi đất nước họ! (Irak và Afghanistan)

Đức Thánh Cha phê phán thế giới “tôn thờ tiền bạc”vì ngài thấy rõ sự chênh lệch quá to lớn giữa người quyền thế giầu sang và người nghèo cô thân cô thế ở khắp nơi trên thế giới tục hóa này. Nên khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm qua (2013), ngài đã chọn danh hiệu “Phanxicô” cho triều đại Giáo Hoàng của mình để nói lên ước muốn sống tình thần nghèo khó của Thánh Phanxicô khó khăn Thành Assisi và nhất là tình thần và đời sống  khó nghèo thực sự của Chúa Giêsu Kitô, “Đấng vốn giầu sang phú quí nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh  em  để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em trở nên giầu có.” (2 Cor 8,9)

Như thế, gương khó nghèo của Chúa Kitô mà Đức Thánh Cha  muốn thực hành,   phải là gương sáng cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội noi theo, đặc biệt là hàng giáo sĩ và tu sĩ là những người có sứ mạng và trách nhiệm rao giảng và sống Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô để  nên nhân chứng cho Chúa, “Đấng đã  đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để  phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20,28).
Đặc biệt trong thư gửi cho các Tân Hồng Y  ngày 13 tháng 1 vừa qua (2014), Đức Thánh Cha Phanxicô  đã nhấn mạnh như sau :
Cái mũ đỏ không có ý nghĩa là được thăng thưởng một danh dự hay hào nhoáng bề ngoài, mà chỉ đơn thuần là một hình thức phục vụ đòi hỏi mở rộng tầm nhìn và con tim… do đó, xin quí chu huynh nhận sự bổ nhiệm mới này với lòng khiêm cung,  giản dị và vui mừng, nhưng vui mừng không theo cách người đời hay bằng cách mừng vui nào xa lạ với tinh thần của Phúc Âm về sự khắc khổ, tiết độ và khó nghèo.”

Tai sao phải sống khó nghèo ?

Khó nghèo  ở đây không có nghĩa là phải đói khát rách rưới, vô gia cư, lang thang đầu đường xó chợ thì mới được chúc phúc. Ngược lại, phải lo cho mình và cho người mình có trách nhiệm coi sóc, được có phương tiện sống cần thiết tối thiểu như  nhà ở, cơm ăn  áo mặc, phương tiện di chuyển như xe cộ, vì ở Bắc  Mỹ và các quốc gia Âu châu, Úc châu thì linh mục phải có xe hơi thì mới làm mục vụ được, vì không thể đi bộ đến thăm bệnh nhân ở tư gia hay ở bệnh viện. Nghĩa là không “lý tưởng  thiếu  thực tế” để chỉ  chú trọng  đến đời sống tinh thần mà coi nhẹ hay sao nhãng đời sống vật chất đúng mức cho phù hợp với nhân phẩm.

Nhưng  điều quan trọng nhất, là phải thực sự sống tinh thần nghèo khó mà Chúa Kitô đã dạy các môn đệ và dân chúng xưa là “Phúc cho ai có tinh thần (tâm hồn)  nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3; Lc 6,20)

Sự nghèo khó mà Chúa muốn dạy ở đây, không có nghĩa là phải đói khát, rách rưới  về phần xác như  đã nói ở trên, mà chỉ có nghĩa là không được ham mê tiền bạc và của cải vật chất, tiện nghi xa hoa, danh vọng trần thế, đến độ làm nô lệ cho chúng để không chú trọng vào việc mở mang Nước Thiên Chúa trong tâm hồn của chính mình và nơi người khác; cụ thể là các giáo dân được trao phó cho mình phục vụ và săn sóc về mặt thiêng liêng.

Sự thành công của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng không căn cứ ở những  giáo đường, nhà  xứ, Tòa Giám mục được xây cất sang trọng, lộng lẫy, để  khoe khoang với du khách, mà cốt yếu ở chỗ xây dựng được đức tin và lòng yêu mến Chúa vững chắc trong tâm hồn của mọi giáo dân để giúp họ sống đạo có chiều sâu thực sự, chứ không phô trương bề ngoài với số con số đông tân tòng được rửa tội, đi lễ, đi rước ầm ỹ ngoài đường phố, trong khi rất nhiều người vẫn sống thiếu bác ái và công bình với nhau và với người khác.

Mặt khác, người tông đồ lớn nhỏ - nam cũng như nữ-  mà ham mê tiền của để đôn  đáo chạy đi khắp đó đây, đi ra nước ngoài nhiều hơn là đi thăm con chiên bổn đạo chỉ vì mục đích kiếm tiền cho những nhu cầu bất tận, thì sẽ không bao giờ có thể sống và thực hành  tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng đã sống lang thang như người vô gia cư, đến nỗi có thể nói được về mình là “con crồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có  chỗ tựa đầu” (Mt 8,20)

Thử hỏi Chúa có đóng kich “khó nghèo” từ khi sinh ra trong hang bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá hay không?  Ai dám nói là có?  Nếu vậy, thì Chúa quả thực đã sống khó nghèo trong suốt cuộc đời tại thế để nêu gương  nghèo khó trong tâm hồn và trong cuộc sống cho mọi người chúng ta. Nghĩa là các tông đồ của Chúa nói riêng, và toàn thể dân Chúa nói chung, phải thi hành  lời Chúa để đi tìm và  “tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt  6,20)

Nếu chỉ chú trọng đi tìm tiền của và xây dựng nhà cửa cho sang trọng và không xa tránh những cám dỗ về  tiền bạc và quan tâm đúng mức đến người nghèo khổ , thì chắc chắn sẽ không thể rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu được. Và cũng  không thể  làm nhân chứng cho Chúa Kitô về tinh thần nghèo khó của Phúc Âm mà Chúa đã nêu gương sáng từ khi Người sinh ra cho đến khi chết đi hoàn toàn trong khó nghèo và đau khổ để cho chúng ta được cứu rỗi và trở nên phú quí sang giầu trên Nước Trời mai sau.

Nói rõ hơn, giảng tinh thần khó nghèo của Chúa cho người khác, mà chính mình lại sống phản chứng bằng cách chạy theo tiền của, dùng những phương tiện di chuyển sang trọng như đi các xe đắt tiền loại Lexus, BMW, Mercedes…, đeo đồng hồ longines, Omega..., làm thân với người giầu, không nhận dâng lễ cho người nghèo  có ít tiền xin lễ, mà  chỉ nhận  lễ có bổng lễ cao..., thì chắc chắn sẽ không thuyết phục được ai tin và sống điều mình rao giảng cho họ, chỉ vì chính  mình không sống điều mình rao giảng. Dĩ nhiên đây không phải là cách sống của tất cả mọi  linh mục, giám mục  nhưng dù chỉ có một thiểu số nhỏ cũng đủ gây tai tiếng cho tập thể  nói chung vì “con sâu làm rầu nồi canh” như tục ngữ Việt Nam đã nói.

Tóm lại, Giáo Hội của Chúa phải thực sự nghèo khó theo gương Đấng sáng lập là Chúa Giêsu Kitô, Người đã thực sự sống và chết cách nghèo khó để dạy mọi người chúng ta coi khinh, coi thường sự sang giầu chóng qua ở đời này để đi tìm sự giầu sang đích thực là chính Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc giầu sang vĩnh cửu mà tiền bạc, của cải ở đời này không thể mua hay đổi chác được.

Chỉ có nghèo khó thực sự trong tâm hồn,  thì Giáo Hội mới có thể  để lách mình ra khỏi mãnh lực của đồng tiền, và của cải vật chất, để chú tâm vào việc thi hành sứ mệnh của mình là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô và chân lý  của sự giầu sang đích thực, là chính Thiên Chúa, Đấng  đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta  hạnh phúc mà “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chẳng hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1 Cr 2,9)

Nghĩa là phải yêu mến Chúa hơn yêu mến tiền của và mọi sự sang trọng phú quí của trần  này, thì mới có thể rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cách hữu hiệu cho người khác. Nước Thiên Chúa mà Giáo Hội có sứ mệnh mở mang trên trần thế này, không phục vụ cho nhu cầu  tìm kiếm tiền bạc, danh vọng và của cải vật chất hư hèn,  mà cho mục đích kiếm tìm hạnh phúc và bình an vinh cửu trên Nước Trời. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên giầu có kia là “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo tôi” (Mc 10,21).

Lời Chúa trên đây phải là đèn soi cho mọi người tín hữu trong Giáo Hội bước đi qua bóng tối của tiền bạc và của cải vật chất, là những quyến rũ  đã và  đang mê hoặc con người ở khắp nơi, khiến họ say mê  đi tìm kiếm và tôn thờ,  thay vì  tìm kiếm và tôn thờ một mình Thiên Chúa là cội nguồn của mọi phú quý  giầu sang đích thực mà thôi. Chúa nói: “Ai có tai nghe, thì nghe” (Mt 13,43; Mc 4,23; Lc 8,8).

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét