Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Thánh Phaolô, Tông đồ của mọi người

Thánh Phaolô, Tông đồ của mọi người



Từ một người hăng say bắt đạo Chúa, thậm chí còn tham gia giết chết Thánh Stêphanô (Phó tế, Tử đạo tiên khởi), đã trở thành người nhiệt thành rao giảng Chúa-Giêsu-bị-đóng-đinh. Có thể nói rằng nếu không nhờ con người mạnh mẽ, thông minh và có ảnh hưởng rộng lớn này, thì niềm tin Kitô giáo có thể vẫn chỉ ở phạm vi nhỏ hẹp tại Do thái.
Từ Giêrusalem đến Damascô, sau 3 năm Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập giá, một thanh niên Do thái ở Tarsus tên Saolê bị ngã ngựa vì một thị kiến ấn tượng. Tiếng Chúa Giêsu gọi: “Saolê! Tại sao anh tìm bắt tôi?”. Bị mù vì thị kiến, thanh niên này phải có người dẫn vào thành phố. Chưa đầy 3 ngày, thanh niên này bình phục và trở nên một thụ tạo mới – một người được tuyển chọn của Thiên Chúa.
Như vậy, nhờ sự thay đổi lớn trong tâm hồn, một trong các nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Kitô giáo đã trở nên một người có đức tin. Chàng đã bỏ tên Do thái để thay tên Latin là Phaolô. Với tư cách là Tông đồ của dân ngoại, Phaolô được sai đi truyền giáo ở Địa trung hải. Ông chuyển Kitô giáo từ một giáo phái nhỏ Do thái thành một tôn giáo có tầm cỡ thế giới. Khi thuyết giảng và thư từ, Phaolô đã có hệ tư tưởng mà cho đến nay vẫn là nền tảng của việc giáo huấn Kitô giáo.
Ngoài các thư chúng ta có, trong sách Công vụ Tông đồ là nhật ký của bạn bè, thánh Luca – thầy thuốc và tác giả Phúc âm thứ ba. Từ các nguồn đó nổi bật một đời sống có nhiều khủng hoảng, quyết định nhanh chóng, lối thoát nhỏ hẹp, những dịp gặp gỡ, và những bùng nổ rải rác tạo nên câu chuyện phiêu lưu kỳ thú.
Thánh Phaolô sinh khoảng năm 5 tại Tarsus, Tiểu Á, ngày nay là thành phố tĩnh lặng ở Thổ nhĩ kỳ, nhiều người ở đây đã trở nên công dân của Đế quốc Rôma.
Khi còn nhỏ, Saolê học kinh doanh, có thể vì người cha là người buôn vải. Nhưng Saolê lại có tài lãnh đạo. Hơn 10 tuổi, Saolê đến Jerusalem học với thầy Gamaliel. Trong đền thờ chật người, lần đầu Saolê nghe nói đến Đức Kitô rao giảng ở Galilê. Dù chưa hề gặp Chúa Giêsu, “tiếng gọi” kia vẫn làm ông thay đổi. Ông đã bách hại Giáo hội sơ khai bằng cách hành hạ các tín hữu cho đến chết, trói và tống ngục cả đàn ông lẫn phụ nữ. Người đầu tiên bị Phaolô thủ tiêu là thánh Stêphanô, bị ném đá đến chết trước mặt người Pharisiêu. Vô tri bất mộ. Nhưng rồi Phaolô đã nhận là mình được Thiên Chúa thương đặc biệt. Phaolô đã tin tưởng, kiên trì, tự nhận mình yếu đuối, và ơn tha thứ tuôn đổ trên ông. Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Nhưng nhiệm vụ lịch sử của Phaolô là định mệnh không chọn một người khá hơn. Là dân biệt phái, Phaolô đã trích Cựu ước khoảng 200 lần trong các thư gởi các Giáo đoàn. Là người Rôma, Phaolô đã đi khắp Đế quốc, nói 3 ngôn ngữ: tiếng Aram, tiếng Do thái và tiếng Hy lạp, đồng thời còn thông thạo tiếng Latin nữa.
Với tài năng như vậy, Phaolô khả dĩ tự biến thành “mọi sự cho mọi người” – Do thái đối với người Do thái, Rôma đối với người Rôma, ngụy biện đối với người ngụy biện, chân chất đối với người chân chất. Trổi vượt, khôn ngoan và hòa đồng, Phaolô còn là người rất nhân bản, dám tin rằng mọi người đều bình đẳng dù sống ở thời kỳ phân biệt giai cấp.
Hành trình tông đồ của thánh Phaolô đã đưa ngài tới những miền đất lạ, rảo bước khắp Tiểu Á, đến đảo Cyprus để “thả lưới”, vượt sang Âu châu để rửa tội cho những người ở Macedonia. Ngài đến đâu cũng gặp thuận lợi và được chấp nhận như một người Do thái. Chỉ khi đến với dân ngoại, thánh Phaolô mới gặp sự tức giận của người Do thái. Các tư tế cho rằng nam giới phải chịu cắt bì mới được cứu độ, vì luật đã ghi như vậy. Nhưng với tư cách một nhà truyền giáo, thánh Phaolô yêu cầu mỗi Kitô hữu phải bỏ luật Môi-sê, nếu không Kitô giáo không bao giờ là tôn giáo của mọi người, mà vẫn chỉ là sự thay đổi của Do thái giáo: Đức tin mới là vấn đề chứ không phải lề luật theo nghĩa hạn hẹp của nó. Từ đó phân chia thành Công giáo và Do thái giáo.
Không hiểu bằng cách nào mà thánh Phaolô “thương lượng” được để có thể đi qua vùng Cilician Gates, nơi có nhiều bọn thảo khấu ẩn nấp trên các vách đá cheo leo và các thác nước hiểm trở như thế. Ngài thường đi bộ, nhiều đêm phải ở lại trong hang động ẩm ướt, gió lộng, tuyết phủ, mưa bão liên tiếp. Chỉ một mục đích duy nhất khiến ngài miệt mài hành trình tông đồ là “tận hiến cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô”.
Ngài vẫn mưu sinh khi có thể, bằng cách làm vải lều – nghề cũ của ngài. Chẳng hạn ở Côrintô, thành phố trù phú của người Hy lạp, ngài làm chung với vợ chồng người Ý. Cơ sở phát triển tốt. Mọi tầng lớp dân chúng đều ghé vào mua hoặc tham quan và trò chuyện. Tính cách và sự duyên dáng của ngài đã gây ấn tượng với khách thập phương: Một cộng đoàn mới.
Nhiều người ngoại giáo gia nhập đạo. Thánh Phaolô khuyên họ đừng nóng giận, xảo trá, nguyền rủa hoặc mỉa mai người khác. Thời gian ngài ở Côrintô khoảng năm 51 (sau công nguyên), cũng là thời điểm ngài viết các thư gởi các giáo đoàn và các sứ đồ. Kho tàng văn chương độc nhất vô nhị này là một phần trong Tân ước ngày nay, được xuất bản cùng với các Phúc âm. Được viết bằng tiếng Hy lạp cho các giáo đoàn sơ khai và các cá nhân, các thư của ngài viết không có ý tạo nên công việc đơn lẻ. Kết hợp với nhau, các thư có cấu trúc chặt chẽ về tư ưởng tôn giáo, làm cho thánh Phaolô trở nên thần học gia đầu tiên của Kitô giáo. Ngài còn là học giả uyên bác, tử tế, lịch thiệp. Những điều ngài viết ra là những trân châu ngọc bảo.
Thư gởi giáo đoàn Rôma là thư dài nhất và là kiệt tác của thánh Phaolô. Các nền tảng như ân sủng, công trạng và ý muốn tự do, bắt đầu bằng khả năng và chính xác, đó là khởi nguồn cho các thần học gia Kitô giáo. Quan niệm chính của thánh Phaolô là Ơn Cứu Độ: Loài người sống trong tội cho đến khi Thiên Chúa sai Con Ngài là Đức Giêsu đến cứu thoát. Nhờ cuộc sống và cái chết trên Thập giá, Đức Giêsu đã cứu độ nhân loại. Mọi người thực hiện Ơn Cứu Độ của chính mình bằng ân sủng và đức tin. Thánh Phaolô ẩn dụ bằng việc cởi bỏ “con người cũ” có thể ám chỉ việc thay đổi tâm tính của ngài sau biến cố ở Damascus. “Con người mới” sống trong Đức Kitô và “cái chết không còn thống trị trên Ngài”. Trước đây cô đơn và bị bỏ rơi, nhưng thánh Phaolô đã tìm thấy nguồn vui nơi chính Đức Kitô và anh em, và hân hoan tuyên bố vào cuối thời gian rằng chúng ta được kết hợp với Chúa trong vinh quang của Ngài, chúng ta sẽ gặp Ngài trực diện.
Nhiệm vụ của thánh Phaolô gọi ngài đến một nơi khác là Giêrusalem, dù ngài định đi Rôma. Ngài đến Palestine với điềm chẳng lành. Sự thù ghét manh nha trong giới lãnh đạo Do thái. Khi thánh Phaolô vào đền thờ, có tiếng gọi giật ngược. Ngài bị kết án tử vì tội đưa dân ngoại vào đền thờ. Họ kéo ngài ra khỏi đền thờ và hành hạ gần chết. Một binh sĩ Rôma kịp xông vào cùng với vài binh sĩ khác giải cứu thánh Phaolô. Rồi sau đó ngài lại bị tống ngục ở Rôma. Nhiều học giả cận đại cho rằng thánh Phaolô bị kết án và được tha bổng. Các tác giả viết sách Kitô giáo cho biết thánh Phaolô đến tận Tây ban nha và Á châu. Đó là thời gian chống Kitô giáo dữ dội. Khoảng năm 60, thánh Phaolô bị bắt lần nữa và bị giải về Rôma. Tương truyền chính vua Nero, người chống Kitô giáo kịch liệt, đã ngồi ghế thẩm phán kết án thánh Phaolô bị xử trảm tại Hang Khuynh Diệp gần Rôma. Người ta nói rằng thủ cấp của thánh Phaolô rơi xuống và nảy lên 3 lần trên đất tạo thành 3 giếng nước. Cách đó khoảng 2 dặm là Đại Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành được xây dựng chỉ sau khi ngài tử đạo một thời gian ngắn.
Đức Giêsu đã tạo lập một niềm tin mới, chuyển hóa một Saolê thành một Phaolô hiên ngang đem niềm tin đó tới mọi nơi trên thế giới để có một đạo Công giáo như ngày nay.
ERNEST O. HAUSER
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét