Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 9-12

"Kìa quan toà đã đứng trước cửa".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.

Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.
3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Ðáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 1-12
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Mối giây bất khả phân ly
Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.
Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.
Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.
Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.

Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.

Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 7 TN2
Bài đọc: Jam 5:9-12; Mk 10:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn và trung thành giữ lời hứa.

Càng ngày chúng ta càng chứng kiến những cảnh con người bất trung với Thiên Chúa và phản bội lẫn nhau nhiều hơn: bỏ đạo, không thực hành đạo, hồi tục, ly dị, ly thân, cha mẹ giết con, từ con, con cái giết cha mẹ. Có rất nhiều lý do đưa đến những thảm cảnh này, nhưng hai lý do nổi bật là con người ngày nay không còn biết kính sợ Thiên Chúa và hy sinh chịu đựng đau khổ.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do đưa tới sự phản bội và những đức tính cần thiết để trung thành với Thiên Chúa và với nhau. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê nhấn mạnh tới đức tính kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ để có thể sống chung với nhau trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến. Chịu đựng đau khổ là phương thức cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ dành cho Thiên Chúa và dành cho nhau. Trong Phúc Âm, những người Pharisees muốn thử xem Chúa Giêsu có dạy khác với luật của Moses về vấn đề ly dị. Chúa thẳng thắn trả lời họ Luật không được ly dị là Luật bất khả phân ly của Thiên Chúa ngay từ đầu. Lý do ông Moses cho phép ly dị là vì lòng chai dạ đá của con người, chứ không phải trong ý định của Thiên Chúa. Nếu con người biết kính sợ Thiên Chúa, họ không bao giờ dám làm chuyện này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì Ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

1.1/ Phải chuẩn bị và luyện tập nhân đức: Thánh Giacôbê dùng ví dụ của nhà nông, trong khi chờ đợi mùa gặt hái, họ phải bón phân, tỉa cành, giết sâu bọ, để cây có thể cho nhiều trái và hoa quả tốt tươi. Con người cũng thế, họ không chỉ kiên nhẫn chờ đợi Ngày Chúa đến, nhưng còn phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện các nhân đức cần thiết. Thánh Giacôbê liệt kê những điều cần thiết phải làm:

(1) Phải ăn ở thuận hòa: Con người thường có thói quen lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét tha nhân, dù nhiều khi rất thiển cận và bất công. Cách tốt nhất để giúp con người ăn ở thuận hòa là đừng bao giờ phán xét người khác khi không có trách nhiệm, để rồi sẽ không bị phán xét bởi Thiên Chúa; vì chúng ta đong đấu nào cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng đấu ấy mà xét xử chúng ta. Ngài khuyên các tín hữu: "Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa."

(2) Noi gương các ngôn sứ: "Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa." Các ngôn sứ không sợ chấp nhận hậu quả của việc nói sự thật, các ngài sẵn sàng chấp nhận sự ghét bỏ và truy tố của con người. Hơn nữa, con người không dễ thay đổi, các ngài phải kiên nhẫn chờ đợi để thay đổi và giúp con người làm hòa với Thiên Chúa.

1.2/ Mục đích của đau khổ: Tác giả nhắc lại câu truyện ông Job. Thiên Chúa để Satan hành hạ ông mọi cách để xem ông có trung thành tin tưởng và yêu thương Ngài không. Ông Job đã chiến thắng mưu kế của Satan và trung thành với Thiên Chúa. Ngài đã thưởng công cho ông xứng đáng với lòng kiên trì. Hơn nữa, theo thánh Giacôbê (1:2-4) và Phaolô (Rom 5:3-4), đau khổ còn rèn luyện con người quen chịu đựng để trở nên thập toàn; không gì có thể làm lung lay đức tin của người đã quen chịu đựng đau khổ.
Về việc thề hứa, Giacôbê lặp lại những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ (Mt 5:33-37). Chúa Giêsu có cấm con người không được thề dưới bất cứ hoàn cảnh nào không? Theo văn mạch, Ngài không cấm điều đó, nhưng nhấn mạnh tới việc con người phải nói sự thật: Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không;" thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỉ mà ra. Vì thế, khi con người nói “có” với Thiên Chúa hay với tha nhân, con người phải giữ lời cho dẫu có phải hy sinh, và ngay cả thiệt hại tới tính mạng. Với một người luôn trung tín với những gì mình nói, thề hứa là chuyện dư thừa. Với những kẻ không trung tín với những gì mình nói, thề hứa cũng là chuyện dư thừa, vì họ nói mà không làm.

2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị

2.1/ Yếu đuối của con người: Có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.

(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi: "Thế ông Moses đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giêsu nói rõ lý do có luật này của Moses:: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới viết điều răn đó cho các ông.''

(2) Tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa?Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa. Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối, và cứng lòng của con người.

2.2/ Những lý do để Giáo Hội dùng tháo gỡ dây Hôn Phối: Có nhiều lý do để gỡ; một cách tổng quát là con người không chịu học hỏi hay coi thường Bí-tích Hôn Phối như:

- Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. 

Trường hợp này, con cái thiếu tự do để kết hôn.

- Con người kết hôn bừa bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là trường hợp "lack of form," có nghĩa: không kết hôn theo Lề Luật của Giáo Hội; vì thế, không thành Bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.

- Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: Lấy người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết hôn, lấy người không cùng tôn giáo.

- Vợ chồng không sống đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các bí-tích: Làm sao có khôn ngoan, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?

- Con người không có sức chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị người phối ngẫu ly dị. Với ơn thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn và những đòi hỏi của thân xác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời, vì chúng là phương tiện để chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

- Khi Thiên Chúa truyền chúng ta làm điều gì, Ngài biết chúng ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin tưởng và làm theo những gì Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng các ơn thánh Thiên Chúa ban qua các bí-tích.

- Nếu chúng ta trung thành với Thiên Chúa, Ngài sẽ trung thành với chúng ta; nhưng nếu chúng ta phản bội Ngài, Ngài cũng sẽ không nhận chúng ta trong Ngày sau hết.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẢY MẦM

Mc 10,1-12


A. Hạt giống...
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề li dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này : lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường ; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.

Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được li dị : "Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân li".
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân : phải yêu thương nhau ("luyến ái") và đồng tâm nhất trí ("nên một huyết nhục") với nhau.

B.... nẩy mầm.

1. Tình trạng li dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng li dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.

Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ ra thế nào nữa ! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.

2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ và một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân :
- dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ
- bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể
- vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét