NGHIÊN CỨU MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN (tt):
LY DỊ TÁI HÔN
1. Giáo huấn của Chúa
Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu đã có một giáo huấn khá rõ ràng về điều này: “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” ( Lc 16, 18; xem Mc 10, 11-12)). Còn Thánh Phaolô trong thư I gửi tín hữu Corintô cũng nhấn mạnh rằng ngài không cho ý kiến riêng của mình mà là ý của Chúa Kitô khi viết: “ Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” ( 1 Cr 7,10-11).
2. Giáo huấn của Giáo Hội
Nhiều người đã lên tiếng trách Giáo Hội đã quá khắt khe với chuyện ly dị tái hôn nhưng đây là giáo huấn của chính Chúa Giêsu mà Giáo Hội không thể tự ý thay đổi hay châm chước. Trước Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả đã phải lên tiếng chống lại việc Herôđê lấy vợ của anh mình là Hêrôđia (x. Mc 6,18) và cũng vì chuyện này mà đành ngài phải mất mạng sống.
Trung thành với giáo huấn Chúa Kitô, Giáo Hội trình bày cách minh nhiên tình trạng khá phổ biến hiện nay về ly di-tái hôn trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo :
1650. Nhiều người Công giáo, ở một số nơi, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Hội Thánh, vì trung thành với lời của Chúa Giêsu Kitô (“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”: Mc 10,11-12), nên không thể công nhận việc tái hôn như vậy là thành sự, nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự. Nếu những người đã ly dị lại tái hôn theo luật đời, thì họ ở trong tình trạng vi phạm luật Thiên Chúa một cách khách quan. Kể từ lúc đó, họ không được rước lễ, bao lâu còn sống trong tình trạng này. Cũng vì vậy, họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh. Sự giao hoà qua bí tích Thống Hối chỉ có thể được ban cho những ai thống hối vì mình đã vi phạm dấu chỉ của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và tự buộc mình sống tiết dục trọn vẹn.
1651. Đối với những Kitô hữu đang sống trong tình trạng như vậy mà vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái họ theo Kitô giáo, các tư tế và toàn thể cộng đoàn phải tỏ ra ân cần quan tâm, để họ đừng tự coi như bị tách lìa khỏi Hội Thánh: họ có thể và phải tham gia vào đời sống của Hội Thánh với tư cách là những người đã được rửa tội:
“Họ được khuyến khích nghe Lời Chúa, tham dự Hy tế Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các việc bác ái và các việc phục vụ đức công bằng của cộng đoàn, giáo dục con cái trong đức tin Kitô giáo, sống tinh thần thống hối và làm các việc đền tội, để như vậy, hằng ngày họ nài xin Thiên Chúa ban ân sủng”[1].
1665. Việc tái hôn của những người đã ly dị khi người phối ngẫu còn sống, nghịch lại ý định và lề luật của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã dạy. Những người này không bị tách ra khỏi Hội Thánh, nhưng không được rước lễ; họ vẫn sống đời Kitô hữu, nhất là giáo dục con cái trong đức tin.
Với quan điểm nêu trên của Giáo Hội, việc rước lễ của những người ly dị- tái hôn xem ra hoàn toàn không có chút hi vọng nào. Nhưng thực ra, Giáo Hội đã cố gắng tìm những giải pháp giúp giải gỡ những bế tắc này.
· Trường hợp những cuộc hôn nhân không thành sự :
Với Bộ Giáo Luật mới 1983 chúng ta thấy rất nhiều yếu tố mới trong sự tự do ưng thuận khiến cho nhiều cuộc hôn nhân bất thành. Tòa án hôn phối có thể đưa những phán quyết tuyên bố cuộc hôn nhân trước đó vô hiệu để những người đã ly dị về mặt dân sự có thể chính thức tái hôn hợp pháp trong Giáo Hội.
· Những người ly dị tái hôn nhưng hoàn toàn tiết dục trọn vẹn cũng có thể lãnh nhận bí tích Giao Hòa tức là trong tình trạng sạch tội và như vậy có thể rước lễ cách kín đáo tránh gương xấu.(x. GLHTCG 1650)
“Sự giao hoà qua bí tích Thống Hối chỉ có thể được ban cho những ai thống hối vì mình đã vi phạm dấu chỉ của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và tự buộc mình sống tiết dục trọn vẹn.”
3. Văn Kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin
Bộ Đức Tin đã có một văn kiện gửi cho các Giám Mục, do Đức Hồng Y Ratzinger Tổng trưởng ký và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaol ô II chuẩn nhận ngày 14 tháng 9 năm 1994,về việc rước lễ của những người ly dị tái hôn .
Theo tài liệu này, việc rước lễ của những người ly dị tái hôn được đề cập đến trong 2 trường hợp:
a- Trường hợp thông thường: Không được.
Bộ Giáo Lý Đức tin nhắc lại giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội về vấn đề này như sau: không thể nhìn nhận hôn nhân sau là hữu hiệu nếu hôn nhân trước đã thành. Người ly dị tái kết hôn về mặt dân sự thì ở trong tình trạng khách quan đi ngược lại với luật Chúa nên không thể rước lễ được bao lâu mà tình trạng này còn tiếp diễn.
Đây không phải là quy định mang tính trừng phạt hay phân biệt đối xử mà chỉ tỏ cho thấy rằng đây là một tình trạng tự nó làm cho việc rước lễ là không được.
b- Trường hợp đặc biệt:
Giáo Hội không cho phép nhưng theo nhận định lương tâm của các đương sự với những yếu tố kèm theo:
Theo tài liệu này, Số 3 trình bày những đề xuất như là những giải pháp mục vụ được áp dụng nơi này nơi kia dù chưa được hoàn toàn đồng thuận của tất cả các chủ chăn cũng như chưa được nhìn nhận là giáo thuyết chung của Giáo Hội.
“Trong những năm gần đây, ở nhiều vùng, các giải pháp mục vụ trong lĩnh vực này đã được đề xuất, theo đó, chắc chắn việc chấp nhận chung cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ là không thể được nhưng họ có thể đến với bí tích Thánh Thể trong các trường hợp đặc biệt khi họ tự thấy có thể làm như vậy theo phán quyết của lương tâm. Đây là trường hợp khi họ đã bị bỏ rơi cách hoàn toàn bất công, mặc dù họ đã chân thành cố gắng để cứu vãn cuộc hôn nhân trước, hoặc khi họ xác quyết hôn nhân trước đây của họ là không thành sự, mặc dù không thể chứng minh nó ở tòa ngoài hoặc khi họ đã trải qua một thời gian dài suy tư và sám hối, hoặc cũng có khi vì những lý do chính đáng về luân lý họ không thể đáp ứng thỏa đáng việc bắt buộc phải sống tách biệt.
Ở một số nơi, có những đề xuất để khách quan kiểm xét tình huống thực tế của họ, người ly dị và tái hôn phải trao đổi ý kiến với một linh mục khôn ngoan và có chuyên môn. Tuy nhiên, Linh mục này phải tôn trọng quyết định cuối cùng của chính họ khi đến với bí tích Thánh Thể, điều này không ngụ ý một sự cho phép chính thức.
Trong những trường hợp này cũng như những trường hợp tương tự đó là vấn đề của một giải pháp mục vụ khoan dung và nhân từ nhằm đem lại công bằng cho các tình huống khác nhau của người ly dị và tái hôn.” (Văn kiện này được gửi đính kèm bản tiếng Anh và tiếng Pháp).
Văn kiện này cho biết một số giải pháp cho các trường hợp ly dị tái hôn đã được áp dụng một số nơi. Chúng ta có thể kể ra những trường hợp sau;
-Những người bị bỏ rơi cách bất công dù đã tìm cố gắng cách cứu vãn hôn nhân trước.
- Những người tin chắc hôn nhân trước bất thành nhưng không thể chứng minh ở tòa ngoài (Tòa án hôn phối).
- Những người sau nhiều năm tháng ăn năn sám hối vì tình trạng hôn nhân không chính đáng
- Những người có những lý do chính đáng theo lương tâm không có điều kiện để sống tách biệt.
Những người này có thể tìm đến với những linh mục khôn ngoan và có chuyên môn để các ngài giúp đỡ họ nhìn rõ hơn và đúng đắn vấn đề hơn để có thể tự quyết định theo lương tâm sau khi đã cân nhắc trước mặt Chúa về việc rước Thánh Thể.
Chắc chắn không ai có thể chính thức cho phép mà chính đương sự tự quyết theo lương tâm có nên lên rước lễ không. Đương nhiên, việc rước lễ phải tránh gương mù cho cộng đoàn và có thể bị thừa tác viên cho rước lễ từ chối.
GÓP Ý
Vấn đề ly dị tái hôn là vấn đề nhức nhối và đau đớn. Một đằng Giáo Hội không thể từ chối tuân theo giáo huấn của Chúa, một đằng muốn tỏ lòng thương xót muốn giúp cho các đôi hôn nhân đang bị rối. Một khi hôn nhân đã thành sự và là bí tích thì không thể can thiệp được.
1. Tuy nhiên, theo quan điểm mới của Giáo Hội về những yếu tố chi phối tính thành sự của Hôn Nhân được trình bày trong Giáo Luật thì Tòa Án hôn phối có thể dựa vào những yếu tố ấy mà tuyên bố nhiều hôn nhân đã không thành. Đây không phải là tháo gỡ dây hôn phối mà chỉ tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu. Phương cách này giúp giải gỡ những cuộc ly dị tái hôn được kết hôn hợp pháp. Vì vậy, các tòa án hôn phối cần hoạt động hiệu quả hơn để giúp đỡ cách thiết thực cho vấn đề này.
2. Một tình huống duy nhất được chấp nhận là những người ly dị tái hôn vì hoàn cảnh cụ thể chưa thể sống tách biệt nhưng hoàn toàn tiết dục trọn vẹn cũng có thể lãnh nhận bí tích giải tội và như vậy cách nào đó có thể rước lễ (x. GLHTCG 1650). Những người ở trong trường hợp này cần được hướng dẫn cách đầy đủ để giúp họ đến gần với Giáo Hội hơn.
3. Văn Kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1994 nêu ra những tình huống được áp dụng ở một số Giáo Hội địa phương. Tuy không cho rằng đó là cách áp dụng phổ thông hay chính thức nhưng cũng không có sự phản bác cách dứt khoát và quyết liệt về cách làm này. Vì thế, HĐGMVN có thể nghiên cứu những trường hợp ấy và cách đã được áp dụng để xem có nên đưa ra những cách hành xử tương tự với những điều kiện phù hợp hơn. Thí dụ nhờ đến các linh mục chuyên môn được chỉ định rõ ràng cho việc này nhằm giúp cho những trường hợp mà hôn nhân trước đã vô hiệu nhưng không thể chứng minh ở tòa ngoài được. Để chắc chắn, có thể viết thư hỏi ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin và xin thử nghiệm.
4. Điều cần nhấn mạnh ở đây là không tìm cách giúp cho tất cả mọi người li dị tái hôn được rước lễ mà chỉ cố gắng giúp cho những người không vi phạm luật Chúa, những người mà hôn nhân trước của họ chưa thành, có điều kiện để lãnh nhận bí tích.
5. Trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo Hội VN, tòa án hôn phối của các giáo phận có thể chưa đủ thẩm phán, nhân viên tòa án, các chuyên viên… để tiến hành các vụ án hôn phối. Có những người không biết hôn nhân mình vô hiệu hoặc không thể chứng minh được dù hôn nhân trước đây đã không thành sự. Trong tất cả những trường hợp nêu trên, hôn nhân đều chưa hữu hiệu. Nếu hôn nhân trước chưa thành sự thì hôn nhân sau không bị coi là tái hôn, sống nghịch với luật Chúa. Vậy nếu không vì lỗi của họ mà hôn nhân không thể giải gỡ thì cần tìm những giải pháp giúp cho họ có thể lãnh bí tích Thánh Thể.
6. Những người ly dị tái hôn không phải là những người bị vạ tuyệt thông mà chỉ là những người không đủ điều kiện lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể nên cần giúp đỡ họ hiểu rõ hoàn cảnh của mình và khích lệ họ tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội, kể cả việc tham dự Thánh Lễ.
Tác giả: Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích, CSsR.
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét