Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM B

VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM B
Tin Mừng thánh Gioan 15,1-8


I. TIN MỪNG

1 "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

1  "I am the true vine, and my Father is the vine grower.

2 He takes away every branch in me that does not bear fruit, and everyone that does he prunes  so that it bears more fruit.

3 You are already pruned because of the word that I spoke to you.

4 Remain in me, as I remain in you. Just as a branch cannot bear fruit on its own unless it remains on the vine, so neither can you unless you remain in me.

5 I am the vine, you are the branches. Whoever remains in me and I in him will bear much fruit, because without me you can do nothing.

6  Anyone who does not remain in me will be thrown out like a branch and wither; people will gather them and throw them into a fire and they will be burned.

7 If you remain in me and my words remain in you, ask for whatever you want and it will be done for you.

8 By this is my Father glorified, that you bear much fruit and become my disciples.

I. HÌNH TÔ MÀU







* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

* Bạn hãy viết lại câu Tin Mừng thánh Gioan 15,8
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .



II. TRẮC NGHIỆM

01. Trong dụ ngôn cây nho thật, ai là người trồng nho? (Ga 15,1)
a. Thiên Chúa
b. Đức Giêsu
c. Ông Noê
d. Dân Ítraen

02. Ai là cây nho thật? (Ga 15,5)
a. Dân Ítraen
b. Các tông đồ
c. Đức Giêsu
d.Thiên Chúa

03. Cành nào không gắn liền với Đức Giêsu thì hậu quả thế nào? (Ga 15,2-6)
a. Không sinh hoa trái.
b. Bị chặt đi.
c. Quăng vào lửa cho nó cháy đi.
d. Cả a, b và c đúng.

04. Với những cành nào sinh hoa trái, ai sẽ cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa trái hơn? (Ga 15,2)
a. Đức Giêsu.
b. Thiên Chúa, Cha Thầy.
c. Các tông đồ.
d. Ông Phêrô.

05. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là gì? (Ga 15,8)
a. Anh em trở nên những người đáng yêu.
b. Anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ của Thầy.
c. Anh em hãy yêu mến nhau.
d. Cả a, b và c đúng.


III. Ô CHỮ 





Những gợi ý

01. Ai được tôn vinh vì anh em sinh nhiều hoa trái, và trở thành môn đệ thầy? (Ga 15,8)

02. Cành nào khô héo thì quăng vào đâu cho nó cháy đi? (Ga 15,6)

03. Đức Giêsu là gì trong dụ ngôn cây nho thật? (Ga 15,5)

04. Thiên Chúa, Cha Thầy, là người làm gì trong dụ ngôn cây nho thật? (Ga 15,1)

05. Cũng như điều gì không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho? (Ga 15,4)

06. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em trở thành gì của Thầy? (Ga 15, 8)

07. Những cành không sinh hoa trái thì Thiên Chúa làm gì? (Ga 15,2)

08. Các môn đệ là gì trong dụ ngôn cây nho thật? (Ga 15,5)

09. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều … … (Ga 15, 8)

10. Với những cành sinh hoa trái, Thiên Chúa làm gì cho nó sinh nhiều hoa trái hơn? (Ga 15, 2)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

"Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,
 thì người ấy sinh nhiều hoa trái."
Tin Mừng thánh Gioan 15,5b



Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM B
Tin Mừng thánh Gioan 15,1-8


I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề :
Chùm nho nhiều trái

* Bạn hãy viết lại câu Tin Mừng thánh Gioan 15,8
Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là:
Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy

II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM

01. a. Thiên Chúa (Ga 15,1)
02. c. Đức Giêsu Ga 15,5)
03. d. Cả a, b và c đúng (Ga 15,2-6)
04. b. Thiên Chúa, Cha Thầy (Ga 15,2)
05. b. Anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ của Thầy (Ga 15,8)

III. Lời giải đáp Ô CHỮ 

01. Chúa Cha (Ga 15,8)
02. Lửa (Ga 15,6)
03. Cây nho (Ga 15,5)
04. Trồng nho (Ga 15,1)
05. Cành nho (Ga 15,4)
06. Môn đệ (Ga 15, 8)
07. Chặt đi (Ga 15,2)
08. Cành (Ga 15,5)
09. Hoa trái (Ga 15, 8)
10. Cắt tỉa (Ga 15, 2)

Hàng dọc : Cây Nho Thật


GB. NGUYỄN THÁI HÙNG



Kết hợp và sinh trái - Chúa Nhật 5 Phục Sinh B


Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh con chiên và người chăn chiên để nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Mục tử chăm sóc đoàn chiên.

Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói đến sự thông hiệp giữa loài người với Thiên Chúa. Cành nho phải gắn vào thân nho để sống và sinh hoa trái.

Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và sinh trái.  Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, mới đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.

          Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này. Mỗi người phải “ở lại trong” Thầy, bởi vì: “Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5).

Nếu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở trong Thiên Chúa nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi.

          Cành nho gắn với thân nho và liên kết với những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa sống trong thân cây lưu chuyển, cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường nên thánh.

Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Bài đọc 1, kể chuyện thánh Phaolô trở lại trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 3, 20).

“Đức Kitô sống trong tôi” nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan trong bài đọc 2 : “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. “Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và Phêrô đã có những bước chân sai đi lạc lối. Còn ở trong là nên một trong nhau. Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về Chúa.

“Ở lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu đã sống chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ và các Bí Tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như lời Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).

 “Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ có một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa. Mối liên kết này làm cho chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Từ đó, trở nên chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để vánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, và là miệng để nói những lời bác ái ủi an (ĐHY 341).

Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An



Bài giảng Ngày Chúa Nhật V Phục Sinh B - Chúa Giêsu với chúng ta là một

Anh Chị Em thân mến,

Trong bài Phúc Âm Ngày Chúa Nhật V Phục Sinh năm B hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, các con là nhành nho” (Ga 15,5).

Qua lời này, Cộng Đoàn Phụng Vụ chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về đề tài: Chúa Giêsu với chúng ta là một.

+++

Khi đang bị giam trong tù, đợi phiên bị đem ra đấu trường để cho thú dữ ăn thịt, thánh nữ Fêixitê được người lính canh hỏi: “Chị làm sao đủ sức mà chịu được?”. Thánh nữ trả lời: “Trong tôi, có một Đấng sẽ chịu vì tôi, Đấng đó là Đấng mà tôi sẵn sàng chết cho Ngài”.

Chúng ta biết rằng có bốn cuộc đời của Chúa Giêsu: một là, cuộc đời vang hiển của Ngài trên trời bên hữu Đức Chúa Cha; hai là, cuộc đời thế trần của Ngài ba mươi ba năm trên mặt đất nầy; ba là, cuộc đời thầm lặng của Ngài trong phép Thánh Thể kéo dài cho đến tận thế; bốn là, cuộc đời của Ngài đang sống trong những kẻ tin ngài.

Chúng ta, những người tin Chúa Giêsu, đang sống trong Ngài và Ngài đang sống trong chúng ta. Chúa Giêsu với chúng ta là một. Với hình ảnh cây nho và nhành nho, Chúa Giêsu đã nói rõ điều nầy: “Thầy là cây nho, các con là nhành nho” (Ga 15,5).  Gốc và thân nho là Chúa Giêsu, nhành nho sống, là kẻ lành.

Để trình bày tín điều: “Chúa Giêsu với những ai tin Ngài, là một", thánh Phaolô dùng hình ảnh thân thể: “Chúng ta là bộ phận trong thân thể của Đức Kitô” (Êph 5,30). Thánh Phaolô cố ý dạy rằng: tất cả chúng ta đều làm một với Chúa Kitô: đầu là Chúa Kitô; toàn thân, là Ngài với chúng ta, những chi thể của Ngài.

Giáo Hội dạy rõ tín điều nầy qua Công Đồng Tridentinô: “Giống như đầu điều khiển các chi thể và nhưa sống gốc nho chuyền vào các nhành nho, Chúa Giêsu cũng điều khiển các người lành như thế trong một lúc. Tất cả những việc lành chúng ta làm, luôn luôn có Chúa Giêsu đi trước, thúc đẩy, thưởng công, làm cho các công việc nầy được đẹp lòng Đức Chúa Cha và có công nhiệp trước mặt Ngài”.

Công  Đồng nầy còn dạy rằng: giọt nước pha vào rượu nho trong thánh lễ, có ý nghĩa là: người tín hữu kết hợp rất chặt chẽ với Chúa Giêsu: “Nước và rượu hợp nhất với nhau để chỉ người tín hữu hợp nhất với Chúa Kitô là Đầu của mình”.

Thánh Ambrôsiô nói: “Chúng ta là chi thể của Chúa Giêsu, chúng ta là thịt, là xương của Ngài”.

Thánh Augustinô nói: “Chúng ta và Chúa Giêsu làm thành một Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô với chúng ta, cùng mang một thân xác, cùng nói một giọng nói, cùng chịu một sự thương khó, cùng chung hưởng phước thanh nhàn một khi đã chịu xong cuộc tử nạn”.

Tín điều: “Chúa Giêsu là một với những ai tin Ngài” đem lại cho chúng ta bốn điều tốt đẹp và đầy an ủi sau đây.

Một là, Chúa Giêsu đang sống trong ta. Điều nầy làm cho thánh Phaolô sung sướng nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Ph 1,21). Bởi đó khi ta hy sinh, khi ta đau khổ, khi ta đổ mồ hôi, khi ta rơi lệ, những hy sinh và đau khổ đó, những mồ hôi và nước mắt đó, được Chúa Giêsu cùng hy sinh với ta, cùng đau khổ với ta, cùng đổ mồ hôi nước mắt ra với ta. Ta không hy sinh và đau khổ một mình, ta không buồn phiền cô độc một mình, vì chính Chúa Giêsu đang hy sinh và đau khổ với ta, đang sống với ta, đang chia sẻ mọi nỗi buồn phiền của ta.

Hiểu được điểm tín lý nầy, ta sẽ thấy rằng rên đời nầy, không có cái gì có thể cướp mất được sự bằng an vui vẻ trong lòng của ta được.

Hai là, ta đang sống trong Chúa Giêsu. Ta là chi thể sống động của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã làm gì, Ngài không làm một mình, nhưng Ngài đã làm với ta: khi Ngài chịu lạnh lẽo trong hang đá Bêlem, ta cũng chịu lạnh lẽo với Ngài; khi Ngài chịu cắt bì chảy máu, ta cũng chịu sự đau đớn đó với Ngài; khi Ngài chạy trốn qua Ai Cập, ta cũng chịu những sự khổ cực đó với Ngài; khi Ngài làm thợ mộc vất vả, ta cũng nhỏ chung những giọt mồ hôi với Ngài; khi Ngài chịu thương khó, ta cũng chịu thương khó với Ngài; khi ngài chết, ta cùng chết với Ngài; khi Ngài sống lại, ta cùng sống lại với Ngài. Thánh Phaolô đã nói rõ điều nầy: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,11-12).

Hiểu được điểm tín lý nầy, ta sẽ không còn sợ hy sinh vì Chúa, không còn sợ đau khổ vì Giáo Hội bởi vì ta được kết hợp với Chúa Giêsu trong sự đau khổ cứu chuộc của Ngài.

Ba là, tín điều các thánh thông công. Chúa Giêsu, với các kẻ lành, làm thành một thân thể sống động. Đây là điểm tín lý về các thánh thông công. Đối với Giáo Hội Khải Hoàn, ta được thông công với Chúa Giêsu, với Đức Mẹ, với các Thánh Nam Nữ ở trên trời. Ta được hưởng những công nghiệp vô giá của Chúa Giêsu, những công nghiệp rất lớn lao của Đức Mẹ, những công nhgiệp to tát của các Thánh Nam Nữ. Đối với Giáo Hội Luyện Hình, ta được thông công với các linh hồn trong luyện hình là những kẻ lành sẽ lên trời làm thánh sau nầy. Ta giúp họ bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh, bằng các công việc lành, họ sẽ giúp ta lại sau khi họ về trời. Đối với Giáo Hội Giao Chinh, ta thông công với tất cả các kẻ lành trên khắp mặt đất vì Chúa Giêsu đang ở trong họ và đang ở trong ta. Ta được Chúa ban ơn nầy ơn khác cho chính mình, cho gia đình, là nhờ những sự hy sinh và cầu nguyện của biết bao nhiêu kẻ lành trên mặt đất nầy, dẫu họ không biết ta và ta cũng không biết họ. Cũng như các người khác được Chúa ban ơn nầy ơn kia, là nhờ những hy sinh và cầu nguyện của ta.

Hiểu được điểm tín lý nầy, ta sẽ luôn vui vẻ và đầy an ủi, và ta sẽ tìm đủ cách để cầu nguyện và hy sinh cho Chúa và cho các linh hồn.

Bốn là, tất cả con người của ta, xác và hồn, đều trọn thuộc về Chúa. Thánh Phaolô dạy bổn đạo Côrintô: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1 Cr 6,15); “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm” (1 Cr 6,18).

Hiểu được điểm tín lý nầy, ta sẽ không dám dùng thân xác mình để phạm những tội như ngoại tình, cờ bạc, rượu chè say sưa, ăn trộm ăn cắp, đập bậy, chưởi tục, nhiếc mắng kẻ khác, vì thân xác của ta, tuy là của ta, nhưng không thuộc về ta, mà thuộc về Chúa Giêsu Kitô.

+++

Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa! Chúa đang sống với chúng con, Chúa đang vui đang buồn với chúng con, Chúa đang đau khổ với chúng con, đang cầu nguyện với chúng con. Chúng con không bao giờ cô độc một mình. Chúng con luôn có Chúa đang sống với chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa! Chúng con đang sống trong Chúa. Chúa đã làm gì thì Chúa đã làm với chúng con, chứ Chúa không làm một mình, xin cho chúng con biết sống với Chúa, biết chết với Chúa, để được sống lại với Chúa, để được lên trời với Chúa, để được hưởng phúc thiên đàng đời đời với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa! Thân xác chúng con là chi thể của Chúa., là đền thờ của Chúa ngự. Xin cho chúng con biết xa lánh tất cả những gì làm cho thân xác mình ra đê hèn trước mặt Chúa. Xin cho chúng con, dù sống trong đấng bậc nào, cũng hết lòng sống trong sạch đẹp lòng Chúa.

Amen!

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét