Hộ Giáo – Liệu Tạo Dựng và Tiến Hoá mâu thuẫn nhau?
Có nhiều vấn đề để nói về tạo dựng và tiến hoá. Tuy vậy, ở đây chúng tôi chỉ tổng hợp 5 câu trả lời cho 5 vấn đề chính yếu:
(1) Liệu tạo dựng có thể hay không?
(2) Sự khác biệt mà tạo dựng đưa ra là gì?
(3) Liệu tiến hóa có thể hay không?
(4) Sự khác biệt mà tiến hoá đưa ra là gì?
(5) Tiến hóa có đi ngược lại với tạo dựng chăng?
Liệu tạo dựng có thể hay không?
Khi các thần học gia Kitô giáo và Do Thái giáo lần đầu tiên đàm đạo với các triết gia Hy Lạp, các triết gia Hy Lạp nghĩ rằng khái niệm kinh thánh cho rằng Thiên Chúa tạo nên thế giới từ hư vô là một điều vô lý và thiếu cơ sở, bởi lẽ điều này xâm phạm đến luật tự nhiên vốn cho rằng từ hư vô thì chỉ có hư vô. Đáp lại điều này:
1. Đó quả thực là một quy luật tự nhiên, nhưng những quy luật tự nhiện không thể ràng buộc Đấng Tạo Hóa siêu việt của muôn loài được.
2. Bởi lẽ tất cả tự nhiên và sức mạnh có trong tự nhiên vốn dĩ là hữu hạn, nhưng Thiên Chúa thì vô hạn; không một sức mạnh hữu hạn tạo ra một sự thay đổi vô hạn từ không hiện hữu tới hiện hữu, nhưng quyền lực vô hạn thì có thể.
3. Ý tưởng cho rằng Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô thì không phải là không hữu lý vì nó không tuyên bố rằng bất kỳ điều gì tồn tại lại không có một nguyên nhân thích đáng. Thiên Chúa không phải thình lình xuất hiện, và tự nhiên thực sự có một nguyên nhân thích hợp, đó chính là Thiên Chúa.
Sự khác biệt mà giáo thuyết về việc tạo dựng đưa ra?
Giáo thuyết về tạo dựng ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm về Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, ngài phải (1) có quyền năng vô hạn, (2) khôn ngoan vô biên, (3) một nghệ sĩ vĩ đại và (4) quảng đại vô cùng, vì một Hữu thể tự đủ và hoàn hảo không thể tạo dựng từ nhu cầu.
Nó cũng tạo nên sự khác biệt về cách chúng ta quan niệm về tự nhiên. Nếu tự nhiên được Thiên Chúa tạo dựng, thì tự nhiên là (1) khả niệm (không phải tình cờ mà khoa học phát sinh ở Tây phương theo tôn giáo, không ở Đông phương-phiếm thần); (2) tốt đẹp (Kitô giáo luôn kết án tất cả những hình thức phái Manikê và ngộ giáo là dị giáo) và (3) thực (Người phương Đông thường xem tự nhiên như là một ảo giác không thực được phóng chiếu bởi ý thức giác ngộ)
Cuối cùng, giáo thuyết về việc tạo dựng ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm về chính bản thân mình. Nếu Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, (1) chúng ta không có quyền chống lại Thiên Chúa. Làm sao Hamlet có quyền chống lại Shakespeare? (2) Sự hiện hữu của chúng ta thì đầy ý nghĩa nếu chúng ta ở trong một vở kịch, một thiết kế của Thiên Chúa và được tạo dựng một cách chủ ý hơn là do một sự tiến triển mù quáng nào đó. (3) và nếu như chúng ta nợ Thiên Chúa về sự hiện hữu của chính chúng ta, thì chúng ta nợ ngài mọi sự.
Liệu tiến hóa có thể hay không?
Nếu như sự tiến hóa không thể xảy ra, thì điều không thể này phải tới hoặc từ chính tạo vật hoặc từ Đấng Tạo Hóa.
Không phải tất cả các nhà khoa học và các triết gia đồng ý về việc liệu tiến hóa có thể xảy ra hay không, và liệu bản chất của các giống loài làm cho việc tiến hóa không thể xảy ra hay không. Cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra, dẫu cho, nhiều nguời ở cả hai bên đã cảm thấy xác tín hoàn toàn và tuyệt đối. Xét về phía Đấng Tạo Hóa thì không phải là không thể. Nếu Thiên Chúa muốn sắp xếp cho các giống loài giúp nhau tiến hóa từ những phương thế tự nhiên, thì chắc hẳn ngài có thể tạo ra một thế giới như thế.
Vì trong khả năng hiểu biết của khoa học gia cũng như các thần học gia, việc tiến hóa thì có thể diễn ra. Cho dẫu nó có thực, cho dẫu nó đã thực sự diễn ra hay không thì cũng không phải là vấn đề mang tính quyết định. Lý thuyết này vẫn còn là một điều phiền hà mang tính khoa học. Có lẽ nó có thể được cứu chữa. Khoa học phải quyết định điều này.
Sự khác biệt mà Tiến hóa đem đến là gì?
Chúng ta phải phân biệt 3 ý nghĩa mà việc tiến hóa có thể mang lại:
Trước hết, nó chỉ đơn giản là một lý thuyết về cái gì đã xảy ra – những giống loài phức tạp hơn xuất hiện trên trái đất – và đã diễn ra thời nào, như di tích hóa thạch cho thấy. Thứ đến, nó là một lý thuyết về việc điều đó diễn ra như thế nào: bằng “chọn lọc tự nhiên,” “sự sống sót của những sinh vật phù hợp nhất.” Cuối cùng, nó có nghĩa là sự vắng mặt việc thiết kế của Thiên Chúa, như là sự tách biệt Thiên Chúa ra khỏi việc sử dụng chọn lọc tự nhiên. Ý nghĩa thứ ba này không hề mang tính khoa học, nhưng lại mang tính triết học và thần học. Một người có thể chấp nhận tiến hóa theo ý nghĩa thứ 1 chứ không phải thứ 2, hoặc theo thứ 1 và 2 mà không phải thứ 3. Chắc chắn có sự đối nghịch giữa Kinh Thánh và tiến hóa trong ý nghĩa thứ 3. Thế nhưng, tiến hóa theo cách hiểu này thì không hề là một lý thuyết khoa học.
Nếu chúng ta tiến hóa nhờ vào sự ngẫu nhiên mù mờ, không phải theo một thiết kế của Thiên Chúa, lúc đó đời sống của chúng ta sẽ không có ý nghĩa gì, không có một kế hoạch của Thiên Chúa được sắp đặt trước và cũng không có chương trình. Ý nghĩa, mục đích hay những giá trị duy nhất tồn tại là những điều mà chúng ta phát minh ra cho chính chúng ta. Những điều này chưa bao giờ đúng hoặc sai, được biện minh hay không được biện minh bởi một tiêu chuẩn cao hơn chính bản thân những ước muốn của ta đã tạo nên chúng. Vì thế, không có một lý do thực sự nào để yêu thích đạo đức Kitô giáo hơn là đạo đức Stalin, ngoại trừ những ước muốn của chính họ. Ước muốn trở thành lý do và sự biện minh của chính nó.
Không có sự đối nghịch về mặt logic giữa tuyên bố của Kinh Thánh cho rằng “khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất” (St 1:1) và tuyên bố cho rằng, ở đây, trái đất đã hình thành, các giống loài đã tiến hóa bởi sự chọn lọc tự nhiên. Khoa học giống như việc nghiên cứu sinh vật học nằm trong một cái bình nuôi cá; Kinh Thánh giống như một lá thư được gởi đến từ người đã thiết kế nên bình nuôi cá này. Chẳng những không hề loại trừ nhau, hai ý tưởng về tiến hóa và tạo dựng bao hàm và thừa nhận lẫn nhau. Một mặt, Kinh Thánh không nói rằng Thiên Chúa “đã tạo dựng” mỗi giống loài bằng một hành động tách biệt, nhưng nói:“Đất phải sinh ra các sinh vật sống” (St 1:24). Mặt khác, một lý thuyết về tiến hóa mà giới hạn chính nó vào khoa học thực nghiệm thì không tuyên bố cho biết rằng liệu có một Đấng Thiết Kế sau những lực tự nhiên này hay không. Nhưng chắc chắn rằng một sự thiết kế tuyệt vời và có trật tự như thế gợi ý một cách mạnh mẽ về một Đấng Thiết Kế vũ trụ.
Không có một sự mâu thuẫn hợp lẽ nào giữa tuyên bố của Kinh Thánh rằng linh hồn con người (“hình ảnh của Thiên Chúa”) được Thiên Chúa “thổi hơi” (“ban thần khí”), và tuyên bố của việc tiến hóa rằng cơ thể của chúng ta thì được tiến hóa từ những hình thức thấp hơn. Sách Sáng Thế đoạn 2 câu 7 thậm chí còn gợi ý một nguồn gốc như vậy.
Tiến hóa có mâu thuẫn với Tạo dựng?
Khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ, vũ trụ có thể không tiến hóa, bởi vì không có gì cho nó để từ đó nó tiến hóa và thậm chí không có bất kỳ khoảng thời gian nào để nó tiến hóa. Nhưng về việc tiến hóa của sự sống thì sao? Thiên Chúa có thể tạo dựng một sự sống có hệ thống một cách trực tiếp hoặc Ngài có thể phát triển nó từ sự sống không có tổ chức thông qua những tiến trình tự nhiên; chúng ta không biết chắc chắn về điều này, cả về mặt thần học lẫn khoa học, Thiên Chúa hay tự nhiên, điều này khiến chúng ta không có một câu trả lời tuyệt đối chắc chắn.
Bây giờ thân thể con người là một hình thức sự sống có tổ chức. Nếu những hình thức sự sống có tổ chức đã tiến hóa bởi chọn lọc tự nhiên, thân thể con người cũng có thể được thực hiên theo cách đó. Hay Thiên Chúa có thể tạo dựng nó cách trực tiếp. Chắc chắn, một vị Thiên Chúa, đấng đã tạo dựng toàn thể vũ trụ từ hư vô có thể thực hiện các phép lạ trong vũ trụ này, bao gồm tạo dựng những điều tương đối nhỏ gọi là cơ thể con người, nếu điều đó là điều ngài muốn thực hiện. Chúng ta không biết điều gì về tự nhiên cũng như Thiên Chúa mà làm cho cơ thể chúng ta không thể tiến hóa cũng như không được tạo dựng một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, linh hồn không thể tiến hóa. Thiêng liêng không thể tiến hóa từ vật chất, việc lấy máu từ một hòn đá thì dễ dàng hơn. Cho dù bạn sắp đặt các nguyên tử thành bao nhiêu hàng đi chăng nữa, hay các hàng của chúng phức tạp thế nào đi chăng nữa, thì bạn không thể có được một sự vật khác biệt hoàn toàn – suy nghĩ, ý thức, lý trí, tự thức – chỉ từ những miếng vật chất đơn thuần. Sự ý thức về vụ trụ vật chất thì không phải là một phần của vũ trụ đó. Sự hiểu biết về một sự vật thì không phải là một trong những thành phần của sự vật này. Nó thì trổi vượt hơn sự vật, một điều đến từ bên ngoài.
Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics
Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét